5. Bài Tin Mừng Luca 7:1-10:
Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum. 2Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
4Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng : “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’ là nó đi; bảo người kia : ‘Đến !’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’ là nó làm.” 9Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng : “oTôi nói cho các ông hay : ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” 10Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
(Trích Kinh Thánh trực tuyến của Nhóm CGKPV)
Chú Thích
Một viên đại đội trưởng. Câu 9 cho thấy ông này là một người ngoại giáo. Có thể coi ông có quốc tịch Rôma vì tước của ông chỉ người đứng đầu một đại đội Rôma gồm 100 binh lính. Nhưng chắc chắn ông không chỉ huy binh lính Rôma đóng tại Caphácnaum vào lúc đó; có thể ông phục vụ Vua Herốt Antipas như người đứng đầu binh lính đánh thuê (trong Ga 4:46, ông được gọi là basilikos “một sĩ quan cận vệ của nhà vua”), cũng có thể phục vụ trong ngành cảnh sát hoặc thuế quan. Danh tính của ông này không quan trọng lắm đối với Luca; với ngài, ông này có thể là hình bóng của viên bách quân Cornêliô trong Cv 10:1.
Nô lệ. Cha Fitzmyer dịch là “đầy tớ” (doulos) hợp với câu 8 và có thể cả Mt 8:5. Trong Ga 4:4, 50, 52, người bệnh được gọi là huios (con trai). Nhưng “nô lệ” (pais) hay được dùng trong văn chương Hy lạp cổ điển và thời thịnh của văn hóa Hy lạp và thường được các độc giả của Luca hiểu như thế.
Bệnh nặng gần chết. Trong Mt 8:6, người đầy tớ “bị tê bại... đau đớn lắm”. Còn trong Ga 4:47 nó “sắp chết” vì “sốt” (câu 52).
Nghe đồn. Chắc chắn ám chỉ tiếng tăm làm phép lạ của Người. Chi tiết này được duy trì trong Ga 4:47.
Mấy kỳ mục của người Do thái. Presbyterious ở đây không chỉ có nghĩa bô lão như trong Cv 2:17 mà là kỳ mục, tức một nhóm đặc biệt trong cộng đồng Do Thái tại Caphácnaum (xem 20:1; 22:52; Cv 4:5,8,23). Họ được cử đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái, đủ chứng tỏ viên bách quân này tôn trọng phong tục Do Thái. Câu này chứng tỏ đặc điểm không Do Thái của người viết.
Cứu sống. Dịch rất đúng. Vì dù Luca dùng chữ diasōzein ở đây, một chữ thuộc từ vựng cứu rỗi của ngài, nhưng ở đây chỉ có nghĩa là cứu khỏi bệnh hay cái chết thể lý.
Đức Giêsu liền đi với họ. Trái với thái độ của Chúa Giêsu trong Mt 8:7 trong đó Chúa Giêsu chỉ nói: “tôi sẽ đến chữa nó”, Luca cho hay Chúa chấp nhận ngay lập tức thỉnh cầu của các kỳ mục. Thánh Phêrô sẽ có cùng phản ứng ở Cv 10:20,23.
Thưa Ngài. Luca dùng danh từ xưng hô kyrie ở đây, nhưng chắc chắn không có nghĩa gì ngoài lối xưng hô lịch sự thế tục.
Rước Ngài vào nhà tôi. Vào nhà một người ngoại giáo là nguồn bị khinh khi cho một người Do Thái (xem Cv 10:28; 11:12). Viên bách quân được mô tả là hiểu điều này.
Cứ nói một lời. Viên bách quân còn được mô tả là tin vào quyền năng của Chúa Giêsu, có thể chữa lành từ xa.
Ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế. Lời Chúa Giêsu thừa nhận đức tin của viên bách quân ngoại giáo chứa đựng một lời chỉ trích đức tin của Dân Do Thái đối với Người. Đây là một “tuyên bố” ngỏ với độc giả, thách thức họ một đáp ứng tương tự. Vì vậy, trong Luca, viên bách quân trở thành một biểu tượng cho niềm tin của người ngoại giáo chống lại phản ứng chung của Israel.
Nhận định
Cha Fitzmyer cho rằng đoạn văn trên khởi đầu một loạt tình tiết trong Tin Mừng Luca muốn làm nổi bật việc Chúa Giêsu không được các nhà lãnh đạo Israel đón nhận, nhưng được người ngoại giáo và kẻ tội lỗi, những người sẽ trở thành một phần trong Dân Thiên Chúa, biết đến và chạy tới.
Nó bắt đầu với việc chữa lành đầy tớ của viên bách quân (7:1-10) và kết thúc với đoạn rõ ràng của riêng Luca về các môn đệ phụ nữ ở Galilê (8: 1-3. Nó nhắc đến việc thừa nhận Người của viên bách quân ngoại giáo, dân làng Nain, “toàn thể Giuđêa”, các môn đệ của Gioan Tẩy giả, và người tội lỗi. Câu chủ yếu của loạt tình tiết này được gióng lên ở 7:16cd : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.
Câu truyện chữa lành người đầy tớ viên bách quân này, ngoài Luca, còn được Mátthêu (8:5-13) cũng như Gioan (4:46-53) tường thuật. Dĩ nhiên có những tương tự và khác biệt giữa các truyền thống. Trong cả ba trình thuật, viên chức (trong Luca và Mátthêu, là “viên đại đội trưởng” (“bách quân”); trong Gioan, là “sĩ quan cận vệ của nhà vua”) đóng tại Caphácnaum; ông ta có thể không phải là người Do Thái. Một người đầy tớ thân yêu của ông ta bị bệnh nặng và không thể được đưa tới Chúa Giêsu; viên quan này cầu xin nơi Người một việc chữa lành. Chúa Giêsu đáp ứng (bằng cách tới đó, hay bằng cách nói điều gì đó). Một lời yêu cầu nữa được ngỏ cùng Người, và người chữa lành người bệnh từ xa. Trong trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đang ở Cana, người bệnh là “con trai”. Bệnh của bệnh nhân mỗi trình thuật một khác. Nhưng điểm khác rõ rệt nhất, giống như trong Mátthêu, trong Gioan, viên quan đích thân tới gặp Chúa Giêsu; Gioan cũng bỏ câu viên quan nhắc đến thẩm quyền nhưng thay vào đó là yêu cầu thứ hai, sau khi Chúa Giêsu nhắc đến dấu lạ điềm thiêng.
Dù nhắc đến việc chữa bệnh cho người đầy tớ viên bách quân, nhưng đây không phải là một trình thuật về phép lạ vì điều đáng lưu ý ở đây là chính các diễn biến hơn là lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Việc chữa lành hoàn toàn nằm ở hậu cảnh. Cha Fitzmyer cho rằng, căn cứ vào việc Luca thêm câu “ngay cả trong dân Ítraen” (câu 9), có thể xếp tình tiết này vào loại công bố. R. Bultmann, History of the Synoptic Tradition, 38, xếp nó vào loại cách ngôn.
Điểm quan trọng trong trình thuật Luca không hẳn là việc xứng đáng của viên bách quân ngoại giáo này, một điểm được các kỳ mục Do Thái nhấn mạnh, mà đúng hơn là đức tin (pistis, 7:9) của ông ta. E. Earle Ellis (The Gospel of Luke), nhấn mạnh tới việc đối với các kì mục Do Thái, ông là người xứng đáng, nhưng chính ông cho là mình không xứng đáng, việc này làm nổi bật lòng khiêm nhường và đức tin của viên bách quân. Niềm tin hoàn toàn của ông vào quyền năng của “lời lẽ” của Chúa Giêsu là lời có tính tiên tri về sứ mệnh tương lai của Giáo Hội. Với người Do Thái, Chúa Giêsu đích thân đến nhưng bị họ bác bỏ; với người ngoại giáo, Người đến bằng lời nói qua trung gian các môn đệ. Đức tin của người ngoại giáo này tương phản với sự tò mò đầy hoài nghi ở Israel (tr. 117).
Có tác giả, Jeannine K. Brown (https://www.workingpreacher.org/commentaries/revised-common-lectionary/ordinary-09-3/commentary-on-luke-71-10-2), lưu ý rằng trong phần dẫn nhập của Luca về thừa tác vụ của Chúa Giêsu (4:16-30), Người đã từng nhắc đến việc Êlia chữa lành cho Naaman ngoại giáo và là một quân nhân khiến ông này tuyên xưng “trên trái đất này không có Thiên Chúa ngoại trử ở Israel” để tương phản với việc người đồng hương Nadarét không tin vào Người.
Tác giả này nhận định thêm rằng chúng ta không nên ngạc nhiên bởi những nơi khó có thể nẩy sinh đức tin trong thế giới chúng ta. Đức tin này có thể nẩy sinh nơi những người chúng ta tưởng là kẻ thù của chúng ta. Thiên Chúa có thể dùng những người bị chúng ta coi là kẻ thù để dạy chúng ta về đức tin đích thực và vì thế ta nên đi ngược lại câu 6:27: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.
Có tác giả (xem https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_1-10/) cho rằng viên bách quân tin một điều ít người tin. Ông ta tin một điều khó tin. Ông ta tin các sự thật cao siêu ít người khác tin. Ông ta tin gì?
Đầu tiên, ông ta tin vào sự thiếu sót công trạng của bản thân. Ông ta lịch sự. Ông ta khiêm tốn. Vâng, ông ta là một người đàn ông tốt. Phải, ông ta yêu người Do Thái. Vâng, ông ta đã xây dựng một giáo đường Do Thái. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta xứng đáng nhận được bất cứ điều gì từ Thiên Chúa, hoặc từ Chúa Giêsu Kitô. Ông ta biết mình không xứng đáng để đi gặp Chúa Giêsu, và ông ta biết mình không xứng đáng để Chúa Giêsu đến gặp mình. Ông ấy không xứng đáng. Hầu hết mọi người không tin điều này. Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ xứng đáng nhận được sự ưu ái từ Thiên Chúa. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ là những người khá tốt, và Thiên Chúa nợ họ một điều gì đó. Điều khó hơn nhiều là tin rằng tất cả những gì chúng ta có và tất cả những gì chúng ta được ban cho đều đơn giản chỉ bởi ân ban của Thiên Chúa. Nhưng đó là điều đầu tiên mà viên bách quân tin tưởng.
Thứ hai, ông tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Ông tin tưởng vào Đấng Kitô. Ông tin vào uy quyền của Chúa Giêsu. Ông ví Chúa Giêsu như những người chỉ huy quân đội. Ông biết rằng những gì Chúa Giêsu truyền đạt sẽ được thực hiện. Ông biết rằng những lời của Chúa Giêsu đủ để hoàn thành việc chữa lành. Một lần nữa, hầu hết người ta không tin điều này. Chúng ta có những lời hứa trong Kinh thánh rằng Đấng Kitô sẽ làm chúng ta ngày càng giống chính Người hơn. Người nói với chúng ta rằng Người sẽ không bao giờ bỏ bỏ rơi chúng ta. Người nói với chúng ta rằng Người sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Người nói với chúng ta rằng Người ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần cho sự sống và nên giống Thiên Chúa. Người nói với chúng ta rằng việc đưa Lời Chúa vào đời sống của chúng ta sẽ rửa sạch chúng ta và biến đổi chúng ta thành giống Người. Lời của Người là đủ. Hầu hết mọi người không thực sự tin những điều này. Và tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng một số trong số này là sự thật khó tin. Nhưng viên bách quân tỏ ra rất tin tưởng bởi vì ông tin vào quyền năng và thẩm quyền của Chúa Giêsu có thể làm chính những điều Người đã nói là Người sẽ làm. Viên bách quân tin rằng lời của Đấng Chúa Kitô là đủ.
Điều này liên quan đến điều thứ ba được viên bách quân tin tưởng. Ông tin tưởng vào khả năng chữa lành bệnh từ xa của Chúa Giêsu. Ông tin rằng Chúa Giêsu không cần phải hiện diện với người đầy tớ đang hấp hối để chữa lành cho anh ta. Chúa Giêsu không cần phải vung tay, hoặc nói bất cứ lời đặc biệt nào, hoặc thực hiện bất cứ sự xức dầu đặc biệt nào. Sự chữa lành từ Chúa đến mà không có bất cứ điều gì trong những điều mà hầu hết mọi người hồi đó, và thậm chí hầu hết mọi người ngày nay, đều nghĩ là cần thiết. Viên bách quân tin những điều này trong khi hầu như không ai khác làm vậy, và vì vậy ông ta có niềm tin rất lớn. Niềm tin lớn không phải là một mức độ tin tưởng cao hơn. Đó là tin vào một điều khó tin hơn, một điều gì đó trái ngược với những gì mà hầu hết mọi người đều tin tưởng. Ông tin vào một số sự thật khó hiểu. Và như vậy, Chúa Giêsu đã chữa lành cho tôi tớ của ông.
Nguồn :
1. Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981
2. E. Earle Ellis, The Gospel of Luke, New Century Bible, Oliphants, 1966
3. Các tài liệu trên Liên mạng