3. Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Bẩy Mùa Thường niên Năm C: Lc 6: 27-38
27“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
(Trích theo bản dịch trực tuyến của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Ghi Chú
Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây. Luca dẫn nhập ta vào phần khác của Bài giảng ở chỗ đất bằng, có thể nói là phần quan trọng, được phần mào đầu là các mối phúc và mối họa chuẩn bị.
Hãy yêu kẻ thù. Xem Mt 5:44a nơi 4 chữ y như nhau đã được sử dụng, agapate tous echthrous hymōn. Câu này và câu sau chứa 4 mệnh lệnh của Chúa Giêsu: yêu, làm ơn, chúc lành và cầu nguyện. Chỉ có mệnh lệnh đầu và mệnh lệnh cuối là có trong Mátthêu 5:44. Luca rõ ràng thêm vào hai mệnh lệnh vì bốn việc làm tổn thương nói ở mối phúc thứ tư (6:22); như thế, 3 mệnh lệnh tiếp theo nói rõ loại tình yêu người ta mong chờ nơi các tín hữu Kitô đối với kẻ thù. Kẻ thù này là người oán ghét, khai trừ, sỉ vả và xoá tên Kitô hữu, tức là kẻ thù của các Kitô hữu hiểu như một nhóm. Điều Luca duy trì ở đây trong 2 câu 27-28 tạo nên phản đề thứ sáu trong bài giảng của Mátthêu.
Theo cha Fitzmyer, thế giới Hy Lạp cũng như thế giới Do Thái đều có ý niệm đối xử với kẻ thù một cách độ lượng và biến kẻ thù thành bạn. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu không khuyên mà ra lệnh cho các môn đệ, không những âu yếm nồng hậu (philia) như người trong gia đình, hay tận tụy say sưa (eros) như vợ chồng mà còn lưu tâm một cách nhân hậu, thân mật và tích cực (agapē) đối với phúc lợi của những người đối nghịch. Xem thêm C. Spicq, Agape in the New Testament (St. Louis:B. Herder, 1963) 1.78-80.
Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em. Câu này có thể đã mô phỏng kiểu nói của Cựu Ước (St 12:3; Đnl 27:12-26; Tl 17:2). Tuy nhiên, trong khi Nhóm Essenes của Qumran dạy môn đệ chúc phúc cho các thành viên của mình, “con cái ánh sáng”, và nguyền rủa những ai không tham gia với họ hoặc đào ngũ, “con cái bóng tối” (1QS 2:2-17), thì Chúa Giêsu dạy một thái độ khác hẳn: thụ động chấp nhận sự nguyền rủa của người chống đối phải được đáp trả bằng việc chúc phúc tích cực. Lời khuyên của Thánh Phaolô (Rm 12:14) phản ảnh giáo huấn này, nhưng ngài nói tới những kẻ bách hại: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa”.
Ai vả anh má bên này. Mệnh lệnh trong câu 29-30 ở ngôi thứ hai số ít thay vì ở ngôi thứ hai số nhiều như các câu 27-28, 31-36, cho thấy đây có thể là việc đúc hai dị bản làm một, một việc cũng tìm thấy nơi Mt 5:39b-45.
Theo Cha Fitzmyer, câu này có thể chỉ việc nhục mạ từ một kẻ tấn công Kitô hữu vì lòng trung thành với với Chúa Kitô. Nếu bị nhục mạ như thế, môn đệ Chúa Giêsu không tới tòa án mà chịu đựng và còn có thể làm hơn thế trong tinh thần yêu thương mong có nơi môn đệ (6:27). Lệnh truyền này và lệnh truyền ở 30b đả phá nguyên tắc trả đũa xưa (Xh 21:24; Lv 24:20; Đnl 19:21).
Ai xin, thì hãy cho. Hình thức tuyệt đối của lệnh truyền này loại trừ mọi xem xét tới hậu cảnh hoặc tình trạng của người xin hay mục đích của việc xin. Không nên đáp trả nhu cầu của người xin bằng thái độ dè dặt ích kỷ nơi môn đệ Nước Trời. Luca hình như thêm chữ panti “bất cứ ai” vào đây (so sánh với Mt 5:42).
Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Đây là hình thức của Luca về điều gọi là Luật Vàng. Mt 7:12 viết như sau: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Và thêm: “vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó”. Cái đuôi thêm vào này có lẽ của chính Mátthêu; nhưng cũng có thể đã có trong nguồn “Q”, và bị Luca bỏ vì ít liên quan tới các độc giả Kitô giáo gốc ngoại giáo. Luca di chuyển luật này lên phía trước bài giảng. Vì đối với ngài nó không tóm lược Lề luật và Các Tiên tri, mà liên quan đến lệnh truyền yêu thương kẻ thù (các câu 27-30). Tuy nhiên tính hỗ tương của luật được sửa đổi ngay lập tức trong các câu 32-34; như thế Chúa Giêsu của Luca tuy trích dẫn luật nhưng đã khuyên một tác phong vượt lên trên cả tính hỗ tương. Yêu mình không thể là tự nó là một qui phạm.
Kiểu nói “Luật Vàng” áp dụng vào lệnh truyền này có từ thế kỷ 18. Ngày xưa, nhiều công thức, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã được biết đến, thí dụ 1) Lv 19:18: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình; 2) Tb 4:15: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả”... Các song hành cũng tìm thấy nơi các nhà văn cổ điền Hy Lạp, như Isocrates, Nicocles, 61; Herodotus 3.142. Không cần phải ráng thiết định rằng hình thức tích cực của Chúa Giêsu trong Luca và Mátthêu thực sự sáng giá hơn hình thức tiêu cực.
Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình. Mệnh lệnh yêu thương kẻ thù, dù là được tóm tắt trong Luật Vàng, nay được xem xét so với luân lý của kẻ tội lỗi, và tình yêu hỗ tương, có cân đo đong đếm nay được trình bầy là không đủ đối với các môn đệ của Chúa Giêsu.
Thì có gì là ân với nghĩa? Luca dùng chữ charis ở đây để chỉ phần thưởng, gần giống như chữ misthos trong câu 35b (đền trả). Câu song hành Mt 5:46 dùng chữ misthos. Charis cũng chỉ việc đẹp lòng như trong Cv 7:46: “Vua này đẹp lòng Thiên Chúa” nhất là trong Lc 1:30: “Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.
Người tội lỗi. Mátthêu 5:46 dùng chữ “thu thuế” (telōnes). Có lẽ Luca đổi chữ telōnes thành chữ hamartōloi (người tội lỗi), với nghĩa rộng rãi và rải khắp 3 điển hình.
Yêu...làm ơn... cho vay. Ba biểu hiện của việc phục vụ chân tình tóm lược các câu 32-34.
Con Đấng Tối Cao. Mt 5:45: “Con của Cha các con ở trên trời”. Biểu thức của Luca gần với biểu thức của Cựu Ước: “Ta đã phán : Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao” (Tv 82:6). Số ít của tước hiệu này áp dụng vào Chúa Giêsu ở câu 1:32. Còn về tư cách con của Kitô hữu xem Rm14-15; Gl 4:5-6. Ở đây, tình yêu được trình bầy như dấu chỉ tư cách làm con ấy.
Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Câu này nhắc lại phần cuối của câu 35. Câu tương ứng trong Mátthêu (5:48) viết như sau: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Hình thức Luca không những làm sắc bén lời dạy bằng cách đặt nó thành mệnh lệnh, mà còn diễn tả nó theo lòng thương xót, nhân từ. Khó có thể quả quyết hình thức nào gần với nguồn “Q” hơn: “hoàn thiện” hay “nhân từ”. Vì Mátthêu dùng chữ teleios (hoàn thiện) ở nơi khác nữa (19:21), nên có thể ngài đã hiệu đính nguồn “Q”; Luca không bao giờ dùng tĩnh từ này và chỉ dùng chữ oiktirmōn (nhân từ) ở đây mà thôi.
Trong cả hai hình thức, lời dạy đều lấy từ Lêvi 19:2: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Hình thức của Luca đề xuất việc mô phỏng Thiên Chúa và chính nói về một phẩm tính mà Cựu Ước hay qui cho Thiên Chúa. Thiên Chúa trong Cựu Ước không bao giờ được mô tả là hoàn thiện (teleios) nhưng nhân từ, hay thương xót (oiktirmōn, Xh 34:6; Đnl 4:31; Ge 2:13; Gn 4:2).
Dù câu này nhắc lại câu 35, nó cũng chuyển tiếp qua câu tiếp theo, vì vấn đề xét đoán cũng là một điển hình nữa của việc mô phỏng lòng Chúa thương xót.
Anh em đừng xét đoán. Cha Fitzmyer cho rằng với câu này, Luca khởi đầu phần 3 của Bài giảng ở nơi đất bằng. Thay vì hình thức đơn giản của lệnh truyền này trong Mt 7:1-2, Luca trình bầy thành bộ bốn, gồm 2 lệnh cấm (với các hậy quả của chúng) và 2 lệnh truyền (với các hậu quả của chúng) trong các câu 37-38a. “Xét đoán” không có ý nói đến phán xử ở tòa án mà nói tới khuynh hướng của con người ưa chỉ trích, bắt lỗi người lân cận. Nhân từ trong xét đoán cũng nên dẫn đến lòng đại lượng cho đi và do đó bộ bốn này được thống nhất.
Đấu đủ lượng. Hình ảnh này là hình ảnh của đấu đong thóc đủ cân lượng. Sự đầy đủ, tính viên mãn trọn vẹn trở thành qui phạm cho tác phong vì nó chỉ tiêu chuẩn không giới hạn, đầy thương xót trong khi xét đoán và cho đi. Lòng đại lượng của con người sẽ được tưởng thưởng bằng sư giầu có dư thừa của Thiên Chúa. Xem 8:18; 19:25-26.
Anh em đong bằng đấu nào. Phần này của câu nói tương ứng với Mt 7:2b. Nó giải thích câu 38b chứ không phải câu 37. Nếu tác phong con người không chỉ đo lường bằng tính có đi có lại của Luật Vàng, nó sẽ tìm được phần thưởng trong sự giầu có dư thừa của Thiên Chúa, việc cho đi không giới hạn.
Nhận định
Cha Fitzmyer cho rằng Bài giảng ở chỗ đất bằng của Chúa Giêsu trong Luca (6:20-49) có 5 phần: mào đầu (4 mối phúc và 4 mối họa 6:20-26), yêu cả kẻ thù (6:27-36), đừng xét đoán nhau (6:37-42), vai trò của việc lành (6:43-45) và việc cần phải hành động theo các lời dạy này (6: 46-49). Như thế đoạn này đề cập tới phần thứ hai của Bài giảng.
Phần này có thể coi là phần chính của Bài giảng vì nó đề cập tới tình yêu, một điều phải nổi bật trong đời sống Kitô hữu. Đó là tình yêu thương người lân cận của mình, và cả kẻ thù của mình nữa, tức những người thù ghét mình, chửi bới mình, xử tệ mình, đánh đập mình, cướp bóc mình, và cướp mất những gì là quyền lợi của mình. Động cơ của tình yêu này là lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn là người cha của hiện sinh Kitô hữu.
Giáo huấn về tình yêu trong các câu 27-36 chú trọng tới tình yêu đối với kẻ thù của chúng ta dù sau đó các câu 37-45 nói đến một phạm vi rộng hơn của tình yêu: cấm xét đoán hay chỉ trích, nhưng xét cho cùng đây cũng là một áp dụng khác của mệnh lệnh yêu thương. Xét đoán và lên án phải nhường chỗ cho tha thứ, đại lượng, tác phong ngay thẳng.
Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 622-646
Phụ chú
Có tác giả ví tình yêu kẻ thù như đỉnh Everest chót vót: Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn tình yêu cao đến hết cỡ của nó nơi tình yêu này, nói cách khác, tình yêu của chúng ta đối với người khác phải tương ứng với tình yêu của Thiên Chúa Tối cao, Đấng “nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”. Lòng nhân hậu này không phải chỉ có nghĩa tiêu cực của chịu đựng mà còn có nghĩa tích cực của việc thực sự dấn thân làm việc lành cho những kẻ ác nhân. Chính vì thế mà Luca sử dụng động từ agapē trong trường hợp này như phần chú thích đã đề cập.
Tuy nhiên, tác giả trên, liền sau đó, đã cảnh cáo ta đừng hiểu lầm lệnh truyền của Chúa Giêsu. Người đâu có dạy ta phải thụ động bất đề kháng kẻ ác nhân vì rõ ràng Người đã xua đuổi các tay buôn bán khỏi Đền Thờ. Theo tác giả này, tình yêu triệt để là đáp ứng điều sai bằng thừa tác vụ tích cực đối với người làm sai, chứ không phải trả thù (xem https://bible.org/seriespage/lesson-26-radical-love-luke-627-35).
Điều trên có nghĩa gì? Đức ông Joseph Pellegrino, trong bài giảng Lễ Chúa Nhật Thứ Bẩy Mùa Thường Niên Năm C (http://frjoeshomilies.net/02-20-22.pdf) trích dẫn Thánh Tôma Aquinô để nói về một số giả dụ. Thánh Tôma viết rằng tình yêu hệ ở hai ước muốn (1) muốn điều tốt cho người mình yêu, và (2) muốn kết hiệp với người đó. Nếu chúng ta muốn kết hiệp với kẻ thù của chúng ta, chúng ta sẽ không muốn cho họ xuống hỏa ngục vì họ đã làm hại ta. Thí dụ, Loan chẳng hạn bị anh chàng tên Dũng tấn công bất chính. Loan chỉ có thể yêu kẻ thù của nàng là Dũng, nếu nàng muốn điều tốt cho Dũng và kết hiệp với chàng. Nhưng điều thực sự tốt cho Dũng tối hậu nằm ở chỗ chàng chấp nhận ơn thánh của Thiên Chúa. Nhưng muốn điều tốt của Dũng đòi Loan phải bỏ hình phạt đối với chàng nếu điều này tốt cho chàng hoặc đòi hình phạt cho chàng nếu điều này tốt cho chàng. Điều tốt nhất cho Dũng là bất cứ điều gì cần để đem chàng tới tình trạng tốt lành về phương diện luân lý đối với tâm trí và ý chí; và điều này rất có thể bao gồm việc Loan gọi cảnh sát bắt giam Dũng. Vì cùng lý do này, ước muốn kết hiệp với Dũng không nhất thiết phải bao gồm ước muốn làm bạn đường của Dũng. Nếu Dũng hoàn toàn không chịu hối hận, thì ước muốn kết hiệp với Dũng của Loan không nên bao hàm việc sẵn lòng làm bạn đường của chàng. Loan có thể không dung thứ cho việc nhìn thấy chàng mà không rơi vào tình trạng hoảng loạn xúc cảm. Ước muốn kết hiệp với Dũng của Loan thích đáng chỉ còn có thể là việc mong cho chàng hối hận và sửa đổi. Yêu kẻ thù trong trường hợp này là không giúp họ tiếp tục làm điều sai về luân lý chống lại ta hay bất cứ người nào khác.
Đức Ông Pelegrino trình bầy một khía cạnh đáng lưu ý khác khi đặt câu hỏi: “các Kitô hữu chúng ta xử sự ra sao đối với tính tiêu cực, và sự hận thù tuyệt đối trong bầu khí chính trị hiện nay?”. Trả lời câu hỏi này, Đức Ông bảo: “chúng ta trở nên cứng ngắc, cao ngạo, và chắc mẩm về mình đến độ không còn có thể tôn trọng những người suy nghĩ khác với chúng ta. Chúng ta là chính bầu khí chính trị xấu xa chứ không phải bị kẹt trong đó. Chúng ta không tách biệt với các biến cố đang tạo tin tức thế giới hàng ngày. Đúng hơn, những gì được viết lớn trong tin tức thế giới hàng đêm rất thường phản ảnh những gì đang được che đậy nơi chính chúng ta. Khi ta thấy những điều bất công, cuồng tín, kỳ thị chủng tộc, tham ô, bạo động, giết người và chiến tranh trong các bản tin, ta cảm thấy bất nhẫn. Điều ấy lành mạnh, nhưng sẽ không lành mạnh nếu ngây thơ nghĩ rằng người khác, chứ không phải chúng ta, là vấn đề. Nếu đủ trung thực, ta phải thừa nhận rằng đến một mức độ nào đó, ta đồng loã trong mọi chuyện này, có lẽ không trong các hình thức thô bạo, nhưng trong những cách thế tế vi hơn nhưng cũng thực chất không kém”.
Hình như Đức Ông Pellegrino muốn xa xôi nói đến Luật Vàng. Nhưng có đi có lại có cái nguy hiểm ở chỗ người khác không làm tôi cũng không làm. Huề vốn. Thành thử phải hiểu Luật Vàng theo nghĩa nghĩ đến người khác, không nghĩ đến mình. Steven J. Cole, đã nhắc trên đây, trích lời Henry Wadsworth Longfellow nói rằng : “Nếu ta có thể đọc lịch sử bí mật của các kẻ thù ta, ta sẽ thấy trong đời sống của mỗi con người nỗi buồn sầu và đau đớn đủ để hạ khí giới mọi hận thù”. Thánh Phaolô, vì thế, khuyên ta nên coi người khác quan trọng hơn mình (Pl 2:3,4). Cho dù người khác sai, ta cũng nên tự hỏi “tôi muốn được cư xử ra sao nếu tôi sai?”
Tiến sĩ Ralph F. Wilson (http://www.jesuswalk.com/luke/018-enemies.htm) nhấn mạnh tới khía cạnh “nhưng không” trong tình yêu của chúng ta với người lân cận và với cả kẻ thù. Dù sao, tình yêu Thiên Chúa đối với con người quả là một tình yêu nhưng không: Người thương yêu Israel mặc dù họ thường khinh miệt Người. Người không bỏ cuộc. Họ bất trung và bị trừng phạt, nhưng Thiên Chúa lại giảng hoà và chúc lành cho họ. Người có trái tim hướng về kẻ không có tình yêu. Đó là điều chúng ta cần để yêu thương kẻ thù.
Và nhân khi nói đến việc cho vay mà không cần đòi lại (câu 34), Tiến sĩ Wilson nói rằng: “Chắc chắn chúng ta không trả lại đủ để đền bù bửu huyết Chúa Giêsu đã đổ ra vì chúng ta, để đền tội lỗi cho chúng ta. Lòng xót thương đối với những kẻ không có cách chi đền trả? Cái chết của Chúa Giêsu vì tội lỗi chúng ta là trường hợp này. Và môn đệ của Người phải học bài học này: lòng thương xót không bao giờ được biện minh. Nó được tự do trao ban".