1. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các Hội Giáo hoàng truyền giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi sứ điệp khích lệ các Hội Giáo hoàng truyền giáo trong việc giúp đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong Giáo hội.

Sứ điệp được ngài gửi đến các vị Giám đốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo các nước, đang nhóm Đại hội đặc biệt tại thành phố Lyon bên Pháp, từ ngày 16 đến 23 tháng Năm này, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập Hội truyền bá do chị Pauline Jaricot, sẽ được phong chân phước vào thứ Bảy, ngày 21 tháng Năm tới đây, cũng tại Lyon.

Đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Hội truyền bá đức tin được nâng lên hàng Hội Giáo hoàng, kỷ niệm 150 năm của chân phước linh mục Paolo Manna, vị sáng lập Hội Giáo hoàng Liên hiệp Truyền giáo, tất cả trong khuôn khổ kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền giáo.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương của vị Tôi tớ Chúa Pauline Jaricot, năm 23 tuổi, đã có can đảm lập một hội để hỗ trợ hoạt động truyền giáo của Giáo hội và vài năm sau đó, đã lập hội Mân côi sống, chuyên cầu nguyện và chia sẻ dâng cúng giúp việc truyền giáo của Hội thánh.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha chia sẻ ba khía cạnh đã góp phần rất nhiều vào việc truyền bá Tin mừng trong lịch sử các Hội Giáo hoàng truyền giáo:

Trước tiên là sự hoán cải truyền giáo: Sự tốt lành của việc truyền giáo tùy thuộc hành trình ra khỏi bản thân, khỏi ước muốn tập trung cuộc sống vào mình, trái lại tập trung vào Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Xc Bc 10,45). Theo nghĩa đó, chị Pauline Jaricot coi cuộc sống của mình như một lời đáp lại lòng thương xót cảm thương và dịu dàng của Thiên Chúa: từ nhỏ cô đã tìm cách trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, kể cả qua những đau khổ, với mục đích thắp lên ngọn lửa tình thương nơi mỗi người. Chính nơi đây là nguồn mạch của việc truyền giáo, nơi lòng nhiệt thành đức tin, qua sự hoán cải hằng ngày, noi gương và thông chuyển lòng thương xót của Chúa trên các nẻo đường thế giới”.

Khía cạnh thứ hai là qua việc cầu nguyện, vốn là hình thức đầu tiên của việc truyền giáo. Không phải tình cờ mà chị Pauline Jaricot đã lập Hội Mân côi sống đi kèm Hội truyền bá đức tin, như thể tái khẳng định rằng việc truyền giáo bắt đầu với việc cầu nguyện và không thể thực hiện nếu không có kinh nguyện. Vì chính Chúa Thánh Linh đi trước và để cho mọi việc của chúng ta được tốt đẹp. Chẳng vậy, việc truyền giáo sẽ trở thành một cuộc chạy vô ích.

Sau cùng là bác ái cụ thể: cùng với mạng lưới cầu nguyện, chị Pauline cũng khởi xướng việc lạc quyên rộng lớn và theo một hình thức sáng tạo, đi kèm những thông tin về cuộc sống và hoạt động của các thừa sai. Những đóng góp của bao nhiêu người dân thường thật là điều Chúa Quan Phòng xếp đặt đối với lịch sử các cuộc truyền giáo.

2. Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu gọi Hương Cảng là 'một quốc gia cảnh sát trị' sau vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Một trong những Hồng Y Công Giáo hàng đầu Á Châu cho biết việc bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân là nguyên nhân gây lo ngại “về tình hình nhân quyền và các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng.”

Đức Hồng Y Charles Bo, của Miến Điện, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã đưa ra tuyên bố vào ngày 14 tháng 5, ba ngày sau khi nhà chức trách Hương Cảng bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và cáo buộc ngài vi phạm luật an ninh của lãnh thổ, được Bắc Kinh áp dụng đối với thuộc địa cũ của Anh vào năm 2020, sau một loạt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hương Cảng. Vị Hồng Y đã tham gia vào một quỹ để bào chữa cho những người bị buộc tội theo luật an ninh.

Đức Hồng Y Quân được tại ngoại cùng ngày sau nhiều giờ thẩm vấn của cảnh sát.

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc chỉ vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố chi trả án phí là một quyền phù hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, đại diện hợp pháp thì làm sao có thể có thể coi là một tội phạm được?”, Đức Hồng Y Bo nói trong tuyên bố của mình.

Ngài kêu gọi người Công Giáo và cộng đồng Kitô giáo rộng lớn hơn trên toàn thế giới cầu nguyện cho Hương Cảng và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi tình hình và lên tiếng vì tự do và công lý.

“Hương Cảng từng là một trong những thành phố tự do và cởi mở nhất Á Châu. Ngày nay, nó đã được chuyển đổi thành một nhà nước cảnh sát trị”, Đức Hồng Y Miến Điện nói.

“Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, và tự do học thuật đều đã bị hủy bỏ. Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, một quyền con người được quy định trong Điều 18 của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, mà Hương Cảng là một bên, đang bị đe dọa.”

Tuyên bố của Đức Hồng Y Bo là một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất xuất hiện sau khi Đức Hồng Y Quân bị bắt.

Luật Cơ bản là hiến pháp trên thực tế của Hương Cảng, được áp dụng sau khi lãnh thổ chuyển giao năm 1997 từ Vương quốc Anh cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bảo đảm các quyền tự do dân sự được hưởng dưới sự cai trị của Anh, thường được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống”.

Trung Quốc bị cáo buộc đã làm xói mòn các quyền tự do này, đặc biệt là trong ba năm qua.

Đức Hồng Y Bo cho biết những điều kiện này đã dẫn đến “sự tự kiểm duyệt ngày càng tăng” giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Hương Cảng và cáo buộc các “phương tiện truyền thông thân Bắc Kinh” trên lãnh thổ đang mở “các cuộc tấn công tuyên truyền chống lại Giáo Hội”.

“Nhìn thấy một thành phố từng là ngọn hải đăng cho tự do, bao gồm cả tự do tôn giáo, di chuyển một cách triệt để và nhanh chóng xuống một con đường đen tối và đàn áp hơn nhiều là điều đau lòng. Thật là kinh khủng khi chứng kiến một chính phủ ở Trung Quốc vi phạm lặp đi lặp lại và trắng trợn những lời hứa đã đưa ra trong một hiệp ước quốc tế, là Tuyên bố chung Trung Quốc và Vương Quốc Anh.”

Đức Hồng Y Bo lưu ý rằng Giáo Hội kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc và Lễ Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu - ở Trung Quốc, được tôn vinh là Mẹ Xà Sơn của chúng ta - vào ngày 24 tháng 5”.

“Năm ngoái, tôi đã kêu gọi biến ngày này thành Tuần cầu nguyện mỗi năm, và tôi đã rất phấn khích khi một nhóm giáo dân Công Giáo trên khắp thế giới nhận lời mời của tôi và thành lập Tuần lễ cầu nguyện toàn cầu cho Trung Quốc,” ngài nói.

“Năm nay, tôi kêu gọi các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống ở khắp mọi nơi cầu nguyện cho Hương Cảng, đặc biệt là Giáo Hội ở Trung Quốc, cũng như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người khác đang đối mặt với sự đàn áp ở Trung Quốc, trong Tuần lễ cầu nguyện đó, và cầu nguyện đặc biệt cho Đức Hồng Y Quân chính vào ngày 24 tháng 5 khi chúng ta tìm kiếm sự cầu bầu của Đức Maria, Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu. Nếu có thể, xin các nhà thờ dâng một thánh lễ cầu nguyện theo những ý chỉ này vào ngày đó.”

“Đối với người dân Hương Cảng, việc tự do lên tiếng ngày càng khó khăn, vì vậy những người trong chúng ta bên ngoài Hương Cảng có tiếng nói phải thay mặt họ sử dụng tiếng nói đó, đồng thời dành những lời cầu nguyện và nỗ lực của chúng ta để thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ họ, với hy vọng một ngày nào đó các quyền tự do của họ sẽ được khôi phục.”


Source:Crux

3. Trung Quốc tiếp tục cản trở người Công Giáo hành hương đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thiết định ngày 24 tháng Năm là ngày thế giới cầu nguyện cho những người Công Giáo bị bách hại tại Hoa Lục.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt, Đức Hồng Y Bo lưu ý rằng Giáo Hội kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc và Lễ Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu - ở Trung Quốc, được tôn vinh là Mẹ Xà Sơn của chúng ta - vào ngày 24 tháng 5”.

“Năm ngoái, tôi đã kêu gọi biến ngày này thành Tuần cầu nguyện mỗi năm, và tôi đã rất phấn khích khi một nhóm giáo dân Công Giáo trên khắp thế giới nhận lời mời của tôi và thành lập Tuần lễ cầu nguyện toàn cầu cho Trung Quốc,” ngài nói.

“Năm nay, tôi kêu gọi các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống ở khắp mọi nơi cầu nguyện cho Hương Cảng, đặc biệt là Giáo Hội ở Trung Quốc, cũng như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người khác đang đối mặt với sự đàn áp ở Trung Quốc, trong Tuần lễ cầu nguyện đó, và cầu nguyện đặc biệt cho Đức Hồng Y Quân chính vào ngày 24 tháng 5 khi chúng ta tìm kiếm sự cầu bầu của Đức Maria, Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu. Nếu có thể, xin các nhà thờ dâng một thánh lễ cầu nguyện theo những ý chỉ này vào ngày đó.”

Chúng ta hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Ngày 24 tháng 5 hàng năm cũng là ngày lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, được các tín hữu Công Giáo Trung Quốc mừng rất trọng thể. Đặc biệt, họ thường tổ chức các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn cách Thượng Hải 38km về phía Tây.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết viện lý do đại dịch coronavirus, trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bọn cầm quyền Bắc Kinh vẫn đang lặp đi lặp lại các chỉ thị cấm các cuộc tụ họp tôn giáo nhằm ngăn cản các tín hữu hành hương về Xà Sơn. Đây rõ ràng là một hành vi lợi dụng tình trạng dịch bệnh để tăng cường bách hại tôn giáo vì thực tế là tại Hoa Lục, mọi thứ gần như đã trở lại bình thường, với một vài ngoại lệ tại các địa phương riêng lẻ.

Thị trấn Xà Sơn gồm hai quả đồi ở quận Song Giang phía tây Thượng Hải. Hai ngọn đồi, cao khoảng 100m, được gọi là Đông và Tây Xà Sơn, mặc dù ngọn đồi phía tây quan trọng hơn cũng được gọi là Xà Sơn.

Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, được các nhà truyền giáo Âu châu xây dựng từ năm 1925 đến 1935. Ban đầu mọi nghi thức Phụng Vụ trong nhà thờ được cử hành bằng tiếng Latinh. Từ khi Hoa Lục rơi vào tay cộng sản, các nghi thức Phụng Vụ được cử hành bằng tiếng Hoa.

Con đường lên đỉnh đồi, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gọi là Via Dolorosa, tức là con đường thương khó.

Ngọn đồi cũng có một đài quan sát thiên văn được thành lập bởi các cha dòng Tên.

Theo tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai, cộng sản rất chướng mắt với ngôi đền Đức Mẹ quá hùng vĩ này nên đã nhiều lần âm mưu đặt bom giật sập ngôi đền. Nỗ lực cuối cùng diễn ra vào tháng Giêng 1967, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, và do Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, bom không nổ. Tại sao các quả bom này không nổ thì đến nay không thể biết chính xác được. Có lẽ phải đợi hết thời cộng sản ác ôn này người ta mới có thể biết tại sao. Nhưng có điều này thì chúng ta biết chắc chắn: Sau cái chết của Mao vào tháng 9, năm 1976, chỉ một tháng sau đó, Giang Thanh bị bắt và bị kết án chung thân khổ sai. Tháng 5 năm 1991 khi được tạm tha, việc đầu tiên Giang Thanh làm là thắt cổ tự tử chết.

Sau nỗ lực đặt bom bất thành của Giang Thanh, Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được để yên và hàng năm có các cuộc hành hương kính Đức Mẹ vào ngày 24 tháng Năm.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, văn phòng Tôn giáo Thượng Hải và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc đã cố gắng làm cho người Công Giáo Trung Quốc khó đến thăm Xà Sơn hơn. Các cuộc hành hương trở nên thất thường, có năm có, có năm không.

Trong Lá thư gửi người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chọn ngày 24 tháng Năm là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc để cầu xin Đức Mẹ Xà Sơn tăng cường sức mạnh cho các tín hữu trước những bách hại liên tục của cộng sản.