1. Ngôi làng Pavlivka là 'lò lửa' đốt cháy các lữ đoàn thủy quân lục chiến Nga
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Village Of Pavlivka Is A ‘Furnace’ Burning Up Russian Marine Brigades”, nghĩa là “Ngôi làng Pavlivka là 'lò' đốt cháy các lữ đoàn thủy quân lục chiến Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Hãy gọi nó là một cuộc phản công. Hai tháng sau khi các lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành các cuộc phản công kép ở miền đông và miền nam Ukraine, nhanh chóng giải phóng các khu vực Kharkiv và Kherson khỏi sự chiếm đóng tàn bạo của Nga trong nhiều tháng, các lực lượng Nga đã phản công.
Các cuộc phản công của Ukraine đã dẫn đến những bước đột phá lớn cho người Ukraine — và các cuộc tháo chạy theo kiểu phi nước đại của quân đội Nga — còn cuộc phản công của Nga lại là một cuộc tấn công tàn bạo, đẫm máu dường như giết chết nhiều người Nga hơn là người Ukraine. Tồi tệ hơn cho người Nga, họ không giành được vị thế đáng kể nào.
Ba tuần trước, người Nga đã tấn công phía tây Donetsk, thủ đô của Cộng hòa Nhân dân Donetsk ly khai. Mục đích của họ là giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk từ người Ukraine. Các trung đoàn và lính đánh thuê của Nga và quân ly khai từ Nhóm Wagner đã tấn công các đơn vị đồn trú của Ukraine ở Bakhmut, Siversk, Pavlivka và các khu định cư khác ở phía tây Donetsk.
Mọi chuyện diễn ra không thuận lợi cho người Nga và các đồng minh của họ. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói với các phóng viên hôm thứ Tư: “Người Ukraine đang chiến đấu bằng một hệ thống phòng thủ di động rất, rất thành công”.
Trận chiến đang diễn ra ở Pavlivka, cách Donetsk 25 dặm về phía tây nam, là một mô hình thu nhỏ bi thảm về chiến dịch thất bại của Nga. Trong ba tuần, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 và Trung Đoàn 40 Bộ Binh Nga và các lực lượng khác đã cố gắng nhưng thất bại trong việc bứng Lữ đoàn cơ giới số 72 của Ukraine khỏi Pavlivka, nơi trước chiến tranh có dân số 2,500 người.
Thủy Quân Lục Chiến Nga đã mất tới 300 binh sĩ thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích chỉ trong vài ngày đầu tiên của cuộc tấn công tại Pavlivka. Tổn thất tiếp tục trong vài tuần tới khi pháo binh Ukraine bắn phá bộ binh Nga và các đội hỏa tiễn Ukraine hạ gục xe tăng Nga.
Aleksandr Khodakovsky, một chỉ huy ly khai khét tiếng ở Donetsk, mô tả Pavlivka như một “lò lửa” cho các lữ đoàn thủy quân lục chiến Nga. Khodakovsky giải thích, vấn đề là các chỉ huy thủy quân lục chiến không có khả năng tập trung lực lượng còn sót lại của họ để đánh bại quân đội Ukraine tại các điểm quan trọng trong tuyến phòng thủ và đạt được bước đột phá. Khodakovsky viết: “Lỗi lập kế hoạch đã dẫn đến những tổn thất phi lý và các kết quả ít ỏi”.
Các lực lượng Nga chỉ có thể bám được vào rìa phía nam của Pavlivka— đó là “kết quả ít ỏi” mà Khodakovsky đề cập. Nhưng việc chiếm được vài dãy nhà của một ngôi làng nhỏ không đáng để đánh đổi bằng hàng trăm hoặc hàng nghìn sinh mạng của hai trong số ít lữ đoàn của quân Nga. Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 và Trung Đoàn 40 Bộ Binh Nga, với sức mạnh tối đa của mỗi lữ đoàn là 3,000 quân, trước cuộc xâm lược của Putin, chắc chắn không thể chịu đựng những tổn thất này lâu hơn nữa.
Viễn cảnh ảm đạm đối với Điện Cẩm Linh khi cuộc phản công của Ukraine đạt được đà và cuộc phản công của Nga chùn bước. Milley nói: “Người Ukraine đã đạt được hết thành công này đến thành công khác và người Nga đã thất bại hết lần này đến lần khác. Họ thua về mặt chiến lược, họ thua về mặt hành quân, và tôi xin nhắc lại, họ thua về mặt chiến thuật.”
2. Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền của nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko vì ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Canada cho biết họ sẽ xử phạt thêm 22 quan chức Belarus cũng như 16 công ty Belarus liên quan đến sản xuất quân sự, công nghệ, kỹ thuật, ngân hàng và vận tải đường sắt.
Các quan chức bao gồm một số người “đồng lõa trong việc đóng quân và vận chuyển nhân viên quân sự và thiết bị của Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine”.
Trong một tuyên bố, ngoại trưởng Canada Mélanie Joly cáo buộc chế độ của Lukashenko “để lãnh thổ của mình làm bệ phóng cho các cuộc tấn công nghiêm trọng của Nga nhằm vào Ukraine”.
Khi làm như vậy, Belarus đã “tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ Nga ở những nơi như Bucha, Izium và Mariupol và góp phần gây ra nỗi đau và sự đau khổ của hàng triệu người trên toàn cầu do việc vũ khí hóa lương thực và năng lượng của Tổng thống Putin”.
3. Đặc vụ Nga giả danh tổng thống Pháp gọi điện thoại cho tổng thống Ba Lan để thăm dò phản ứng sau vụ tấn công hỏa tiễn
Tổng thống Ba Lan đã nói chuyện với một kẻ gọi điện giả danh Emmanuel Macron của Pháp vào đêm mà một hỏa tiễn tấn công một ngôi làng gần biên giới Ukraine. Văn phòng tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã xác nhận như trên.
Trong đoạn ghi âm cuộc gọi dài 7 phút rưỡi được đăng trên internet bởi các diễn viên hài người Nga Vovan và Lexus, người ta có thể nghe thấy tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói bằng tiếng Anh với người gọi, khi người này cố gắng nói giọng Pháp.
Reuters đưa tin rằng, cuộc gọi này là lần thứ hai trong những năm gần đây mà những kẻ giả danh từ Nga đã thành công trong việc tiếp cận tổng thống Duda, diễn ra vào một buổi tối khi thế giới lo sợ rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể lan ra ngoài biên giới.
“Emmanuel, tin tôi đi, tôi hết sức cẩn thận,” Duda nói với người gọi. “Tôi không muốn có chiến tranh với Nga và tin tôi đi, tôi cực kỳ cẩn thận, cực kỳ cẩn thận.”
Văn phòng của tổng thống Duda cho biết:
“Sau vụ nổ hỏa tiễn ở Przewodow, trong các cuộc gọi đang diễn ra với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, một người tự xưng là tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được kết nối.
Trong cuộc gọi, Tổng thống Andrzej Duda nhận ra cách bất thường mà người đối thoại tiến hành cuộc trò chuyện và ông e ngại có thể có một âm mưu nên đã kết thúc cuộc trò chuyện.”
4. Thủ tướng Đức cảnh báo người Đức 'phải sẵn sàng cho sự leo thang ở Ukraine'
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã cảnh báo đất nước của ông phải chuẩn bị cho tình hình leo thang ở Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên báo chí tại một hội nghị ở Berlin do báo Süddeutsche Zeitung tổ chức, Scholz nói:
Trước sự phát triển của cuộc chiến và những thất bại ngày càng rõ ràng của Nga... chúng ta phải sẵn sàng cho một sự leo thang.
Điều này có thể bao gồm việc phá hủy cơ sở hạ tầng, ông nói thêm.
Scholz đã đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng này để gặp chủ tịch Tập Cận Bình, một chuyến đi mà ông nói là xứng đáng để chỉ ra lập trường chung của hai nước chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo G7 tới Trung Quốc kể từ sau đại dịch Covid, Scholz đã thúc ép Tập Cận Bình phải thuyết phục Nga chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.
Trong một bài báo được truyền thông nhà nước Trung Quốc loan báo về cuộc họp, ông Tập đã đồng ý rằng cả hai nhà lãnh đạo “cùng phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân” đối với Ukraine, mặc dù ông đã kiềm chế không chỉ trích Nga hoặc kêu gọi Mạc Tư Khoa rút quân.
5. Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết sẽ triệu tập đại sứ Hung Gia Lợi để yêu cầu xin lỗi sau khi Thủ tướng nước này Viktor Orbán xuất hiện trước công chúng với chiếc khăn quàng cổ mô tả một số lãnh thổ Ukraine là một phần của Hung Gia Lợi.
Một bức ảnh chụp Orbán, một đồng minh của Vladimir Putin, đang tham dự một trận đấu túc cầu với chiếc khăn quàng cổ mà tờ báo Ukrainska Pravda cho biết có vẽ bản đồ “Đại Hung Gia Lợi” bao gồm các lãnh thổ hiện là một phần của các quốc gia láng giềng Áo, Slovakia, Rumani, Croatia, Serbia và Ukraine.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết:
“Việc thúc đẩy các tư tưởng xét lại ở Hung Gia Lợi không đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Ukraine-Hungary và không tuân thủ các nguyên tắc của chính sách Âu Châu.”
Ông nói thêm rằng Ukraine muốn một lời xin lỗi và bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Hung Gia Lợi đối với lãnh thổ Ukraine.
6. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết các quan chức Iran và Ukraine đã gặp nhau để thảo luận về những cáo buộc rằng Nga đang sử dụng máy bay không người lái tấn công do Iran sản xuất.
Đầu tháng này, Iran lần đầu tiên thừa nhận đã cung cấp máy bay không người lái cho Mạc Tư Khoa nhưng cho biết chúng được gửi đi trước cuộc chiến ở Ukraine. Nga phủ nhận lực lượng của họ đã sử dụng máy bay không người lái của Iran để tấn công Ukraine.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “Một cuộc họp chuyên gia giữa 2 bên đã diễn ra. Tôi không thể tiết lộ chi tiết, nhưng tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng phía Ukraine sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất để ngăn chặn việc Nga sử dụng vũ khí của Iran cho cuộc chiến chống lại Ukraine.”
Ông nói thêm: “Ukraine đã thông báo với Iran rằng hậu quả của việc đồng lõa với cuộc xâm lược của Nga sẽ không thể so sánh được với những lợi ích tiềm năng khi hợp tác với Nga”.
Thông tin tình báo thu thập được từ các máy bay không người lái của Iran bị bắn rơi ở Ukraine cho thấy hầu hết các bộ phận của máy bay không người lái được sản xuất bởi các công ty ở Hoa Kỳ, Âu Châu và các quốc gia đồng minh khácm tờ Wall Street Journal, đã cho biết như trên.
Báo cáo của tờ Wall Street Journal cho biết:
“Thông tin tình báo mới được thu thập từ máy bay không người lái của Iran bị bắn rơi ở Ukraine cho thấy phần lớn các bộ phận của máy bay được sản xuất bởi các công ty ở Mỹ, Âu Châu và các quốc gia đồng minh khác, khiến các quan chức và nhà phân tích phương Tây lo ngại và thúc đẩy một cuộc điều tra của chính phủ Mỹ”.
Wall Street Journal nói thêm rằng tình báo Ukraine ước tính rằng ba phần tư thành phần của máy bay không người lái Iran bị bắn rơi ở Ukraine là do Mỹ sản xuất. Theo các nhà điều tra Ukraine, phát hiện này được đưa ra sau khi quân đội Ukraine bắn hạ một số máy bay không người lái, bao gồm một máy bay không người lái Mohajer-6 của Iran mà các đặc vụ đã bắt được còn nguyên vẹn.
7. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine máy phát điện và đèn năng lượng mặt trời dưới dạng viện trợ không hoàn lại khẩn cấp trị giá tương đương 2.57 triệu đô la.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Mất điện quy mô lớn đã xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau của Ukraine do phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy.”
“Trong khi mùa đông trở nên lạnh hơn và ngày ngắn lại mỗi ngày ở Ukraine, viện trợ này có tầm quan trọng đáng kể vì nó hỗ trợ việc trú đông cho những người không thể sử dụng các thiết bị sưởi ấm và thiết bị chiếu sáng do mất điện.”
Nhật Bản sẽ tiếp tục “hỗ trợ và sát cánh” với người dân Ukraine “đang gặp khó khăn bao lâu còn cần thiết”, Ông Fumio Kishida nói.
8. Nga sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Âu Châu qua Ukraine
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ sẽ giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu kể từ thứ Hai tới bằng cách hạn chế lưu lượng đến một đường ống chạy qua Ukraine.
Công ty thuộc sở hữu nhà nước này cho biết khí đốt dành cho Moldova đang được giữ ở Ukraine nên họ sẽ giảm nguồn cung cấp cho đường ống Sudzha để bù vào khoản chênh lệch.
“Khối lượng khí đốt do Gazprom cung cấp cho GIS Sudzha để vận chuyển đến Moldova qua lãnh thổ Ukraine vượt quá khối lượng vật lý được vận chuyển ở biên giới Ukraine với Moldova,” nó cho biết.
“Trong khi duy trì sự mất cân bằng quá cảnh qua Ukraine đối với người tiêu dùng Moldova, vào ngày 28 tháng 11, từ 10 giờ, Gazprom sẽ bắt đầu giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Sudzha GIS để quá cảnh qua Ukraine với lượng khí đốt được giao hàng ngày,” công ty cho biết thêm.
Một xu hướng rộng lớn hơn: Âu Châu đã chạy đua để bổ sung nguồn dự trữ trong năm nay trước mùa đông khi Nga cắt giảm đáng kể dòng khí đốt qua đường ống, bao gồm cả việc tạm dừng tất cả các chuyến hàng qua đường ống Nord Stream từ ngày 1 tháng 9.
Nhưng một thách thức lớn hơn có thể xuất hiện vào mùa xuân khi Âu Châu cố gắng nạp đầy các kho chứa của mình bằng nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga đã giảm đi nhiều. Theo công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, dòng chảy đến Âu Châu chỉ bằng 20% so với mức trước chiến tranh.
9. Vợ của người lính nói rằng: Lính nghĩa vụ Nga 'Không biết phải làm gì' ở Ukraine vì chỉ huy bỏ mặc họ hay lẻn trốn đi
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Conscripts Have 'No Clue What to Do' in Ukraine: Soldier's Wife”, nghĩa là “Vợ của người lính nói rằng: Lính nghĩa vụ Nga 'Không biết phải làm gì' ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Các câu chuyện tiếp tục xuất hiện cho thấy các lính nghĩa vụ mới của Nga đang được triển khai tới tiền tuyến ở Ukraine mà không được đào tạo đầy đủ.
Trong bối cảnh những thất bại quân sự đang diễn ra và ngày càng nghiêm trọng ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành lệnh huy động một phần vào cuối tháng 9, đây là lệnh động viên đầu tiên của nước này kể từ Thế chiến thứ hai. Mục tiêu đã nêu là đưa 300,000 quân vào phục vụ, mặc dù con số cuối cùng được các quan chức đưa ra là 220,000 trước khi việc huy động được kết thúc.
Kể từ khi được huy động, vô số báo cáo đã xuất hiện chỉ ra rằng những người lính nhập ngũ đang phải đối mặt với những khó khăn lớn, bao gồm cả điều kiện sống tồi tệ trong trại và cáo buộc huấn luyện không đầy đủ. Hôm Chúa Nhật, tờ Washington Post đã thêm vào xu hướng này với một báo cáo mới về những lo ngại được bày tỏ bởi những người vợ của nhiều quân nhân Nga. Những người phụ nữ này cho biết chồng họ khóc lóc và cho biết họ bị bỏ rơi, chỉ huy lẻn trốn đi khi tình hình trở nên gay go, khiến họ không biết phải làm gì.
Báo cáo trích dẫn nhiều phụ nữ, trong đó có một phụ nữ St. Petersburg chỉ được gọi là “Yana”, người tự mô tả mình là người ủng hộ chiến tranh trước khi chồng cô nhập ngũ. Yana nói với tờ Washington Post rằng cô đã nghe những cáo buộc rằng đàn ông phải tự mua quần áo ấm và được gửi đến mặt trận ở Ukraine với trình độ đào tạo không đầy đủ và bị bỏ mặc để tự lo cho bản thân mà không có mệnh lệnh rõ ràng.
“Họ không có bất kỳ mệnh lệnh nào và họ không có bất kỳ nhiệm vụ nào,” cô nói. “Tôi đã nói chuyện với chồng tôi ngày hôm qua và anh ấy nói rằng họ không biết phải làm gì. Họ chỉ bị bỏ rơi và họ đã mất hết lòng tin, hết niềm tin vào chính quyền.”
Một người vợ khác, Irina Sokolova, 37 tuổi, nói rằng các báo cáo được trình bày cho công dân Nga về nỗ lực chiến tranh trên TV là không chính xác và không phản ánh những rắc rối mà cô ấy đã nghe. Cô ấy mô tả một cuộc điện thoại từ chồng mình, trong đó anh ấy vừa khóc vừa nói rằng các chuyên gia truyền thông nhà nước “đang nói dối trên truyền hình” về cuộc xâm lược Ukraine. Trước khi nhập ngũ, chồng cô đã tin rằng mọi thứ tốt hơn nhiều so với thực tế.
Sokolova nói với tờ Washington Post: “Tất nhiên anh ấy không biết nó sẽ khủng khiếp như thế nào ở đó. “Chúng tôi xem các kênh truyền hình liên bang của mình và họ nói rằng mọi thứ đều hoàn hảo.”
Sokolova còn cáo buộc rằng chồng cô không hề được huấn luyện quân sự thực sự trước khi được cử đến Ukraine. Theo lời khai của cô ấy, anh ấy đã được nhập ngũ vào ngày 22 tháng 9 và đến ngày 26 tháng 9, anh ấy đã ra mặt trận.
Trong báo cáo gần đây nhất về cuộc chiến ở Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết khoảng 1,500 phụ nữ Nga có con khuyết tật hoặc hơn ba con đã kiến nghị Điện Cẩm Linh miễn nghĩa vụ quân sự cho chồng của họ.
Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để bình luận.
10. Nga đánh vào trung tâm phân phối viện trợ của Caritas ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine
Thống đốc Oleksandr Starukh cho biết trên Telegram rằng một nhân viên Caritas Ukraine đã thiệt mạng sau khi lực lượng Nga nã pháo vào một điểm phân phối viện trợ ở thị trấn Orikhiv thuộc vùng Zaporizhzhia.
Starukh, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Zaporizhzhia, cho biết: “Do một vụ tấn công trực tiếp vào trung tâm phân phối viện trợ nhân đạo được đặt trong một trường học, một nhân viên Caritas đã thiệt mạng và hai phụ nữ khác bị thương”.
11. Chính quyền Ukraine đột kích tu viện Chính thống giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa để thăm dò “các hoạt động lật đổ”
Cơ quan an ninh Ukraine cho biết họ đã đột kích vào một tu viện Chính Thống Giáo lịch sử ở Kyiv hôm thứ Ba như một phần trong nỗ lực chống lại “các hoạt động lật đổ của các cơ quan đặc vụ Nga” bị nghi ngờ đang hoạt động ở nước này.
Cuộc đột kích vào tu viện Kyiv-Pechersk Lavra nhằm mục đích “ngăn chặn việc sử dụng Lavra như một cơ sở nằm vùng của 'thế giới Nga'“ và “sử dụng các cơ sở của Giáo Hội Chính thống Ukraine để che giấu các nhóm phá hoại và trinh sát, các công dân nước ngoài, cất giữ vũ khí, v.v,” Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết trong một tuyên bố.
Lavra là tu viện của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC – đó là một nhánh của Chính Thống Giáo ở Ukraine có truyền thống trung thành với Thượng phụ Kirill, lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Kirill là đồng minh thân cận của Vladimir Putin và là người ủng hộ cuộc chiến của ông với Ukraine. Vào tháng 5, UOC cắt đứt quan hệ với Mạc Tư Khoa và tuyên bố “độc lập hoàn toàn”.
Điện Cẩm Linh đã lên án cuộc đột kích và nói rằng đây là một ví dụ khác về sự thù địch của Ukraine đối với Chính thống giáo Nga.
“Phía Ukraine từ lâu đã có chiến tranh với Giáo hội Chính thống Nga,” phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
“Tôi muốn nói rằng đây có thể được coi là một mắt xích khác trong chuỗi hành động thù địch chống lại Chính thống giáo Nga.”
Thượng Phụ Kirill cũng phản ứng với cuộc đột kích, mô tả đó là một “hành động đe dọa”.
“Giáo Hội Chính thống Nga, phục vụ ở Nga, Ukraine và Belarus, đã là mục tiêu bị chính quyền vô thần tiêu diệt.”
“Chúng tôi cầu nguyện cho những người đồng đạo ở Kyiv-Pechersk Lavra, những người trở thành nạn nhân của tình trạng vô luật pháp, và chúng tôi kêu gọi tất cả những người quan tâm làm mọi thứ có thể để cuộc đàn áp chấm dứt, và ngôi đền cổ vẫn là nơi cầu nguyện cho hòa bình.”
Lavra được thành lập vào thế kỷ 11. Tu viện này là một nơi hành hương, và là một Di sản Thế giới của UNESCO. Nó cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Kyiv.
Tưởng cũng nên biết thêm: Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.
Các quan chức Ukraine coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Cẩm Linh tác động lên nội tình của Ukraine. Trước tình cảm bài Nga tại Ukraine, xu hướng sụp đổ của Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thể thấy trước. Hiện nay họ vẫn tồn tại được là vì bọn cầm quyền cộng sản Nga đã đưa một số lớn di dân sang Ukraine. Đám con cháu người Nga, nhận tiền của Putin và Kirill, làm mọi cách để UOC tồn tại được.
Tháng 7 vừa qua, SBU đã bắt một linh mục người Nga, bạn cùng lớp với Thượng Phụ Kirill vì ông ta giữ 5 khẩu súng lục trong nhà xứ của mình. Linh mục giữ súng trái phép để làm gì? Vụ đột kích vào tu viện Lavra là một vấn đề nhạy cảm, nhưng có thể hiểu được. Cho đến nay, các quan chức tình báo của Ukraine vẫn chưa công bố đã tìm thấy gì trong tu viện Lavra hay không. Tuy nhiên, tính đến sáng thứ Tư 23 tháng 11, tu viện đã được mở cửa hoạt động như bình thường.