1. 2200 học sinh của 6 trường Công Giáo đã chào đón Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52
Ngày trọng đại đã đến, đó là một lý do tuyệt vời để 2200 học sinh tham gia vào một đám rước, được tổ chức trước nhà thờ lớn nhất của Hung Gia Lợi, Vương cung thánh đường Esztergom. Cuộc tuần hành của họ không chỉ được người dân địa phương tán thưởng mà nhiều người tham gia Hội nghị chuyên đề thần học quốc tế, được tổ chức tại thành phố, cũng trầm trồ.
Các em đã hát bài ca của Đại hội Thánh Thể năm 1938, khi tiếp cận địa điểm mang tính biểu tượng từ năm hướng, cuối cùng tạo thành một cây thánh giá lớn trước cầu thang của Vương cung thánh đường. Đáng ngạc nhiên là người đầu tiên bước ra khỏi Vương cung thánh đường không phải là cha xứ Csaba Török, mà chính là Đức Hồng Y Péter Erdő. Đức Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest đã nói về giới trẻ, là một phần không thể thiếu của Sự kiện Thế giới. Tuổi trẻ là dấu hiệu của niềm vui và hy vọng, mà thế giới đang rất cần. Sau đó, ngài chúc phúc cho các tình nguyện viên của Đại hội và tất cả những người đã tận tụy với công việc và lời cầu nguyện để hỗ trợ tổ chức Đại hội.
Các ca sĩ nổi danh của Budapest như Csaba Pindroch, Bogi Nagy, Gabi Tóth, Máté Czinke và Gergő Dánielfy đã cùng đi bộ với các học sinh và hát các bài thánh ca.
Source:IEC 2020
2. Giáo hội sẽ không tồn tại nếu không có Bí tích Thánh Thể
12 diễn giả đến từ chín quốc gia của ba lục địa đã nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau chug quanh mầu nhiệm Thánh Thể tại Hội nghị chuyên đề tổ chức tại Esztergom, Hung Gia Lợi từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 9 năm 2021, như một chương trình trước Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52.
Ba trăm người tham gia cuộc họp đồng thanh nhất trí với nhau rằng một cuộc Tân Phúc Âm Hóa, trong đó không đặt trọng tâm nơi Thánh Thể là không đủ. Rao giảng giáo lý thôi cũng không đủ. Chúng ta cần theo đuổi đức tin sống động, bao gồm cả việc thực hành phụng vụ, để Thánh Thể trở thành trung tâm trong đời sống đức tin của chúng ta.
Mặt khác, hội nghị chuyên đề cũng tập trung vào suy nghĩ cho rằng thần học về Thánh Thể và phụng vụ Thánh Thể không thể tách rời nhau, thần học và phụng vụ cùng tồn tại và bổ sung cho nhau.
Các diễn giả đã chỉ ra rằng nếu chúng ta muốn phụng vụ Giáo hội được duy trì trong tương lai, chúng ta nên nhìn nhận nó như một sự kiện thiêng liêng theo những thể thức nghiêm ngặt, thay vì chấp nhận sự hoang hóa và dị dạng của nó.
Đứng trước trào lưu loãng hoá các đòi buộc của Tin Mừng cho phù hợp với các yêu sách của xã hội tục hóa, thể hiện rõ nét nhất tại Đức, mọi người nhận thấy rằng Tin Mừng, đã thấm nhuần và tái tạo lịch sử của nhân loại, phải được tiếp tục theo một cách thức không thay đổi trong khi tỏa ra ánh sáng và sức mạnh của nó trong thế giới tục hóa hiện tại của chúng ta. Tất cả những điều trên được đặt lên hàng đầu với sứ điệp chính là lời mời gọi đến bàn tiệc Thánh Thể dẫn đến trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo.
Source:IEC 2020
3. Được đằng chân lân đàng đầu, Đức Giáo Hoàng chỉ còn quyền ký tên và đóng dấu trong việc bổ nhiệm Giám Mục Vũ Hán
Linh mục Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪), đã trở thành Tân Giám Mục Vũ Hán (Wuhan, 武汉). Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết giáo phận địa phương đã ra một tuyên bố chính thức cho biết lễ tấn phong đã diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 8 tháng 9, ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, tại nhà thờ Thánh Giuse.
Trong hơn một năm rưỡi qua, Vũ Hán đã là đầu đề của các tin tức trên toàn thế giới vì là tâm chấn của đại dịch COVID-19.
Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc là một tòa giám mục lớn. Vào ngày 13 tháng 4 năm 1958, đây đã là nơi diễn ra lễ tấn phong đầu tiên của hai giám mục mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh: đó là Giám mục Bernardin Đổng Quang Thanh (Dong Guangqing, 董光清) của Hán Khẩu (Hankou, 汉口) và Giám mục Máccô Viên Văn Hoa (Yuan Wenhua, 袁文华) của Vũ Xương (Wuchang, 武昌).
Việc bổ nhiệm giám mục Vũ Hán từ lâu đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc kỳ vọng như là bằng chứng và biểu tượng cho quyền tự trị của Giáo hội quốc doanh được bọn cầm quyền công nhận và kiểm soát.
Năm 2007, bọn cầm quyền đã chọn Cha Giuse Thẩm Quốc An (Shen Guo'an, 沈国安) làm lãnh đạo giáo phận và đã ủng hộ ông làm ứng viên giám mục, ấn định ngày tấn phong cho ông ta là ngày 9 tháng 6 năm 2011.
Giờ chót lễ tấn phong cho vị linh mục này bị hủy bỏ mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Ông ta tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo giáo phận, nhưng vào tháng 12 năm 2012, khi ông đồng ý với việc thuyên chuyển giáo sĩ trong giáo phận theo yêu cầu của Hội Công Giáo Yêu Nước, bọn cầm quyền đã ngừng hỗ trợ ông ta và thay thế ông bằng linh mục Thôi Khánh Kỳ.
Linh mục Thôi Khánh Kỳ là một tu sĩ dòng Phanxicô. Ông sinh năm 1964 tại huyện Trường Chí (Changzhi, 长治) tỉnh Sơn Tây (Shanxi, 长治) và được thụ phong linh mục năm 1991.
Với tư cách là một ứng viên giám mục, cuộc bầu cử “dân chủ” của ông đã diễn ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2020. Hội Công Giáo Yêu Nước đã đưa ra một danh sách chỉ có duy nhất một tên ông cho Tòa Thánh.
Rõ ràng, Vatican không thể từ chối việc bổ nhiệm này, ngay cả khi khả năng đánh giá sự phù hợp một cách cụ thể là rất hạn chế. Thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong trường hợp này chỉ giới hạn trong việc ký tên và đóng dấu cho một văn bản đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc soạn thảo.
Việc tấn phong linh mục Thôi Khánh Kỳ sẽ là lần tấn phong thứ tư sau khi thỏa thuận Trung Quốc-Vatican được gia hạn vào tháng 10 năm ngoái liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc.
Lần tấn phong đầu tiên liên quan đến linh mục Tôma Trần Thiên Hào (Chen Tianhao, 陈天豪) 58 tuổi, được tấn phong giám mục cho giáo phận Thanh Đảo (Qingdao,青岛), Sơn Đông (Shandong, 山东) vào ngày 23 tháng 11 năm ngoái, 2020. Lần tấn phong thứ hai liên quan đến linh mục Phêrô Lưu Căn Châu (Liu Genzhu, 刘根珠) được tấn phong làm giám mục giáo phận Hồng Đông – Lâm Phần (Hongdong-Linfen, 洪东-临汾) thuộc tỉnh Sơn Tây hôm thứ Ba 22 tháng 12 năm ngoái, 2020.
Việc bổ nhiệm linh mục Thôi Khánh Kỳ làm Giám Mục Vũ Hán còn đặt ra một vấn đề khác. Bọn cầm quyền Trung Quốc đã gom 3 giáo phận Hán Khẩu, Vũ Hán và Vũ Xương thành một giáo phận là giáo phận Vũ Hán, trong khi Tòa Thánh vẫn coi các giáo phận Hán Khẩu, và Vũ Xương là các giáo phận khác biệt lập với Vũ Hán.
Asia News thắc mắc rằng không biết chính xác dựa trên cơ sở pháp lý nào mà Tòa thánh chấp thuận việc bổ nhiệm tân giám mục này vì vấn đề biên giới giáo phận vẫn chưa chính thức được giải quyết.
Source:Asia News
4. Đức Tổng Giám Mục Hilarion nhấn mạnh rằng người Công Giáo, Chính thống giáo Đông phương thống nhất với nhau trong niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô
Phát biểu tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, một nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga cho biết rằng niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hợp nhất người Công Giáo và các tín hữu Chính thống giáo Đông phương bất chấp những chia rẽ của họ.
Giảng bài giáo lý khai mạc tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 6 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã phác thảo cách hiểu của Chính thống giáo Đông phương về Bí tích Thánh Thể.
Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga nói:
“Những người Công Giáo và Chính Thống chưa được hiệp nhất trong Thánh Thể, nhưng họ được hiệp nhất trong xác tín rằng trong bánh Thánh Thể và rượu sau khi được thánh hiến, chúng ta không chỉ có sự hiện diện mang tính biểu tượng của Chúa Kitô, nhưng là một sự hiện diện đầy đủ và thật sự của Người”.
“Chúng ta tin rằng bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu thật của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Việc cử hành Thánh Thể không chỉ là một kỷ niệm của Bữa Tiệc Ly, mà còn là sự hiện thực hóa của bữa tiệc ấy đối với mỗi tín hữu tham dự”.
“Và chủ tế không cử hành Bí tích Thánh Thể nhân danh mình. Nhân danh chính Chúa Giêsu, ngài phát âm những lời ban đầu do Chúa Kitô thốt ra trong Bữa Tiệc Ly của Ngài. Và chính Chúa Kitô là người ban Tiệc Thánh cho những người theo Ngài, chứ không phải một linh mục hay một giám mục”.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đã khai mạc vào ngày 5 tháng 9 với một dàn hợp xướng gồm 1,000 người và trong Thánh lễ nhiều trẻ em và người lớn đã được rước lễ lần đầu.
Source:Catholic News Agency