1. Kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc gây lo ngại cho Hoa Kỳ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng Hoa Kỳ hết sức quan ngại trước việc kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Price đã trả lời câu hỏi về một báo cáo trên tờ Washington Post cho biết Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa mới tại một khu vực sa mạc ở miền tây nước này.

Price nói thêm rằng đây là lý do tại sao ông Joe Biden đã ưu tiên cho sự ổn định chiến lược trong mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói thêm: “Cơ sở lý luận tương tự cũng sẽ áp dụng trong giao tiếp với một cường quốc hạt nhân khác, là Cộng Hòa Nhân DânTrung Hoa”.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết hôm 1 tháng 7, “Đại đế” Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh dấu kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi tắt là CPC.

Sử dụng một ngôn ngữ táo bạo và ngạo mạn, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng đất nước của ông sẽ “bẻ gãy đầu” bất cứ ai cố gắng bắt nạt nó, bao gồm cả các nhà hoạt động ủng hộ độc lập của Đài Loan. Tập Cận Bình đưa ra lập trường trên trước đám đông 70,000 người đang tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn, nơi xảy ra vụ thảm sát năm 1989.
Source:Reuters

2. Thủ tướng và các lãnh tụ thổ dân Canada lên án các vụ đốt nhà thờ

Thủ tướng Justin Trudeau và các lãnh tụ thổ dân ở Canada lên án làn sóng đốt phá, xúc phạm các thánh đường và phá hoại các tượng đài kỷ niệm sau vụ khám phá các ngôi mộ vô danh tại các trường nội trú thổ dân từ cuối tháng Năm đến nay.

Hôm 2 tháng 7 vừa qua, thủ tướng Trudeau tuyên bố rằng: “Việc phá hủy các nơi thờ phượng là điều không thể chấp nhận được và phải chấm dứt. Đó không phải là con đường nên đi theo. Chúng ta phải cùng nhau làm việc để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”.

Tại Bang British Colombia, ở miền tây Canada, 5 nhà thờ Công Giáo và Anh giáo đã bị những kẻ vô danh thiêu hủy. Sáng sớm thứ Tư 30/6, một thánh đường Công Giáo ở bang Alberta đã bị thiêu rụi và một nhà thờ Công Giáo khác ở khu vực thổ dân thuộc bang Tân Ecosse bị hư hại.

Thủ tướng bang Albert, ông Jason Kenney, lên án vụ đốt nhà thờ thánh Gioan Tẩy giả ở Morinville và gọi đây là một tội ác vì oán ghét, chống cộng đồng Công Giáo. Ông Andrey Poitras, thuộc nhóm dân lai ở bang Alberta, nói rằng chính quyền thành phố và Giáo hội vốn có những quan hệ chặt chẽ với cộng đoàn người lai.

Trong cuộc biểu tình tại thành phố Calgary trong tuần qua, đã có 10 thánh đường bị bôi sơn đỏ, để phản đối chính sách xưa kia tại các trường nội trú thổ dân ở Canada.

Mặt khác. hôm 1/7, nhân lễ Quốc khánh của Canada, các tượng của Nữ Hoàng Victoria, Elizabeth của Anh quốc và nhiều nhân vật lịch sử đã bị những người biểu tình lật đổ và bôi bẩn trong khu vực của nghị viện bang Manitoba.

Thủ tướng Brian Pallister của Manitoba nói rằng những vụ phá hoại này “là một thất bại lớn đối với những người đang làm việc để đạt tới sự hòa giải thực sự với các thổ dân. Những kẻ phạm những hành vi bạo lực như thế sẽ bị xét xử tại các tòa án. Tất cả các lãnh tụ của bang Manitoba quyết liệt lên án bạo vực và phá hoại, đồng thời chúng ta phải liên kết với nhau để đẩy mạnh tiến trình hòa giải”.

Hôm 29/6 vừa qua, Hội đồng Giám mục Canada thông báo về việc phái đoàn thổ dân bản xứ và các giám cục nước này sẽ sang Canada từ ngày 17 đến 20/12 năm nay để gặp Đức Thánh Cha, trong tiến trình hòa giải các thổ dân với xã hội và Giáo Hội tại Canada.
Source:AP

3. Thông điệp video của Đức Thánh Cha trong Cuộc họp Quốc tế “Khoa học vì hòa bình”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một video đến Cuộc họp Quốc tế “Khoa học vì hòa bình”.

Mở đầu Đức Thánh Cha nói:

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến những người tổ chức cuộc gặp gỡ “Khoa học vì Hòa bình” nhân dịp Năm Thánh dành để kính nhớ Thánh Gabriel của Đức Mẹ Sầu Bi, tại nơi có đền thờ nằm trên sườn núi Gran Sasso, trụ sở của Phòng thí nghiệm Vật lý hạt nhân Quốc gia.

Tôi xin chào các cơ quan quản lý khoa học và học thuật, các vị khách của các tổ chức quốc gia và Âu Châu, cùng tất cả những người nam nữ tham gia nghiên cứu khoa học.

Tôi đặc biệt muốn nhắc đến Giáo sư Antonino Zichichi, Chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học thế giới - được trao tặng nhân dịp này bằng cấp vinh dự cao quý nhất của Đại học Teramo – là người tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho sự phát triển của khoa học và giáo dục các thế hệ mới.

Thưa các nhà khoa học ưu tú, cuộc gặp gỡ của các bạn là một món quà hy vọng lớn lao cho nhân loại. Chưa bao giờ nhu cầu chấn hưng nghiên cứu khoa học lại được cảm nhận một cách mạnh mẽ như thế này để vượt qua những thách thức của xã hội đương đại. Và tôi rất vui vì chính cộng đồng giáo phận Teramo đang xúc tiến cuộc gặp gỡ này, điều đó chứng tỏ rằng không thể và không có bất kỳ sự đối lập nào giữa đức tin và khoa học.

Như tôi đã nhắc lại trong Thông điệp Fratelli tutti, cần phải biết thực tế này để cùng nhau xây dựng (xem 204). Để nuôi dưỡng và phát triển khát vọng tri thức tiềm ẩn trong trái tim của mỗi người nam nữ, nghiên cứu khoa học phải đặt kết quả của nó trong việc phục vụ tất cả mọi người, luôn tìm kiếm các hình thức hợp tác mới, chia sẻ kết quả và xây dựng mạng lưới.

Hơn nữa, trong Thông điệp tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng chúng ta không được bỏ qua “nguy cơ coi một tiến bộ khoa học nào đó như là lăng kính khả thi duy nhất để xem xét các khía cạnh cụ thể của cuộc sống, xã hội và thế giới” (sđd).

Kinh nghiệm về tình trạng khẩn cấp y tế thậm chí còn làm cho điều đó trở nên cấp bách hơn, và theo một cách nào đó, thậm chí còn khẩn thiết hơn bao giờ là thế giới khoa học phải suy nghĩ lại về triển vọng phòng ngừa, điều trị và tổ chức y tế, có tính đến các tác động nhân học liên quan đến tính xã hội và phẩm chất của các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và hơn hết là giữa các thế hệ.

Không có kiến thức khoa học nào có thể đứng một mình và tin rằng nó là quá đủ. Hiện thực lịch sử đang ngày càng trở thành một thực tại đơn nhất (xem sđd) và cần được phục vụ trong nguồn tri thức đa dạng, mà tính cụ thể của nó góp phần vào sự phát triển của một nền văn hóa mới có khả năng xây dựng xã hội bằng cách thúc đẩy phẩm giá và sự phát triển của mọi người nam nữ.

Trước những thách thức mới, các bạn, những người yêu mến khoa học, được giao trọng trách làm chứng cho khả năng xây dựng một mối liên kết xã hội mới, cam kết thực hiện các nghiên cứu khoa học gần gũi với toàn thể cộng đồng, từ trong nước đến quốc tế, và cho thấy rằng cùng nhau chúng ta có thể vượt qua mọi xung đột.

Khoa học là một nguồn lực tuyệt vời để xây dựng hòa bình!

Tôi yêu cầu các bạn đồng hành với sự đào tạo các thế hệ mới, dạy họ không ngại nỗ lực nghiên cứu. Thầy của chúng ta cũng để cho chính Ngài được tìm kiếm: Ngài truyền cho mọi người sự chắc chắn rằng khi người ta tìm kiếm sự thật, người ta sẽ gặp được sự thật. Thời đại đang thay đổi cần những môn sinh tri thức mới, và các bạn, các nhà khoa học thân mến, là những người thầy của một thế hệ kiến tạo hòa bình mới.

Tôi bảo đảm với các bạn, tôi gần gũi với các bạn và toàn thể Giáo hội gần gũi với các bạn, trong lời cầu nguyện và sự khích lệ.
Source:Vatican News