Vào năm 2017, các báo cáo bắt đầu xuất hiện về các trại giam giữ khổng lồ đang được vận hành tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh xác nhận sự tồn tại của các trại, trong khi những người sống sót báo cáo rằng những người bị giam giữ đang bị tra tấn có hệ thống, bị nhồi sọ, triệt sản và cưỡng bức lao động dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ước tính hiện tại cho thấy hơn 1 triệu người đang bị giam giữ trong các trại, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi trong khu vực. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận việc lạm dụng đang diễn ra trong các trại mà họ khẳng định là “trại cải tạo” để đào tạo nghề và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Vào tháng 1 năm 2021, Hoa Kỳ thừa nhận việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ như một hành động diệt chủng và đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Nhưng một số người vận động nhân quyền nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.
Nury Turkel sinh ra trong một trại cải tạo ở Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa của nước này. Sau đó, ông được tị nạn tại Hoa Kỳ và ngày nay, ông là luật sư người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ đầu tiên được đào tạo tại Hoa Kỳ.
Turkel là một nhà vận động nhân quyền mà việc làm tập chú vào việc giải quyết hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Ông là phó chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Tháng trước, ông được trao giải đầu tiên của Giải thưởng Notre Dame dành cho Tự do Tôn giáo từ Sáng kiến Tự do Tôn giáo của Trường Luật Notre Dame.
Turkel đã nói chuyện với tạp chí The Pillar về việc ông đánh giá tình hình hiện tại ở Tân Cương, các bước ông cho rằng cần phải thực hiện và trong đó ông thấy có lý do để hy vọng.
Chuyển biến
Trả lời câu hỏi về tình hình phản ứng của dư luận thế giới đối với số phận người Ngô Duy Nhĩ trong 4 năm qua, Turkel cho rằng: Đang có chuyển biến tốt.
Có một sự thức tỉnh trong các hội trường của các tổ chức chính phủ khác nhau trên khắp thế giới. Và chúng ta đã thấy một số hành động hữu hình được thực hiện bởi chính phủ Hoa Kỳ, cả chính quyền trước đây và chính quyền hiện tại. Chỉ [tuần trước], chính phủ Hoa Kỳ đã bổ sung thêm 14 thực thể khác chịu trách nhiệm hoặc được cho là chịu trách nhiệm đối với cuộc diệt chủng đang diễn ra. Điều đó cộng với 74 lệnh trừng phạt mà cả chính quyền Biden lẫn Trump đã công bố trong hai, ba năm qua. Trên hết, chúng ta có một số lệnh trừng phạt theo đạo luật Magnitsky hoàn cầu đang được công bố. Chúng ta có một chế tài về visa. Có một lệnh hành pháp cấm công dân Hoa Kỳ đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc. Có một tờ thông tin được phát hành gần đây. Có một Lệnh ngưng nhập khẩu bảng điều khiển năng lượng mặt trời từ Trung Quốc.
Và có một sự thức tỉnh rộng lớn hơn trên khắp thế giới. Chúng ta vừa chứng kiến Quốc hội Anh đưa ra các bước bổ sung vào tuần trước. Nghị viện châu Âu cũng vậy. Nhưng như thế vẫn không đủ. Từ những gì chúng ta quan sát được, [chính phủ] Trung Quốc không cho thấy các biện pháp này có hiệu quả, vì chúng ta vẫn còn thấy các trại này đang hoạt động. Người Trung Quốc đã không rút lui khỏi việc gây sức ép với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các doanh nghiệp hoàn cầu đang tham gia vào các hoạt động cưỡng bức lao động. Họ cũng đang đưa ra các biện pháp trừng phạt ngược lại. Đó hẳn là một điều khiến các nhà lãnh đạo hoàn cầu và cộng đồng quốc tế đến với nhau với một cách tiếp cận chiến lược hơn một chút. Hoa Kỳ không thể làm điều này một mình. Có rất nhiều điều đã xảy ra ở Hoa Kỳ, nhưng các nền dân chủ phương Tây khác, các nền dân chủ tự do, vẫn đang tụt hậu.
Được hỏi lý do của việc tụt hậu trên, Turkel cho hay: Có hai lý do. Một là, thiếu sự công nhận. Ban đầu, cộng đồng quốc tế sử dụng một điều khá ngu xuẩn, ngu xuẩn như lừa, làm cái cớ, cho rằng “Đây là chuyện của Trump”. Họ quên rằng mối đe dọa đến từ Bắc Kinh là mối đe dọa hiện sinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng đồng thời, là một chủ nghĩa độc tài đang trỗi dậy đe dọa tự do tôn giáo, đe dọa quyền riêng tư và quyền tự do dân sự.
Và cũng có một số người trong xã hội của chúng ta - đặc biệt là trong các tổ chức tư vấn và học thuật – suy nghĩ theo lối khoa bảng, không phải theo mặt an ninh quốc gia. [Họ lập luận] rằng Hoa Kỳ nên cải thiện chính mình thay vì lớn tiếng. [Nhưng] chúng ta có thể nhai kẹo cao su và đi bộ cùng một lúc. Chúng ta phải luôn cố gắng để làm cho hiệp chúng quốc của chúng ta trở nên hoàn hảo. Đồng thời, chúng ta cũng nên giải quyết những thách thức đang đến với chúng ta.
Và rồi điều thứ hai là Trung Quốc đang làm tốt hơn Hoa Kỳ và các đồng minh truyền thống của chúng ta bằng các câu chuyện của họ, bằng cách tiếp cận quyền lực mềm của họ, và cả chiến thuật bắt nạt của họ nữa. Vì vậy, điều này đã tạo ra một vấn đề nghiêm trọng, thách thức đối với Hoa Kỳ trong việc tạo được sự đồng thuận hoàn cầu. Chúng ta có sự đồng thuận của lưỡng đảng trong nước, nhưng chúng ta đã không thể tạo được sự đồng thuận hoàn cầu về cách đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Hợp tác vô tìnhvới Trung Quốc
Về việc người Hoa Kỳ vẫn sẵn lòng mua các sản phẩm do lao động nô lệ Duy Ngô Nhĩ sản xuất, Turkel cho rằng có một số điều đáng lưu ý. Một là thiếu giáo dục. Người Mỹ đã quá quen với việc hưởng lợi từ nhân công rẻ, các sản phẩm rẻ trên các kệ hàng ở Walmart, Target và Costco. Và họ đã không được thông báo đầy đủ rằng họ đang đồng lõa với tội ác đang diễn ra.
Và thứ hai, công ty Mỹ đã không làm công việc của mình và chưa thực sự cố gắng xử lý vấn đề này. Họ đã nói với người tiêu dùng Mỹ rằng các doanh nghiệp Mỹ đã nghĩ ra cách để kinh doanh ở Trung Quốc. Nhưng họ cũng bị cuốn hút vào cuộc đối đầu giữa việc tẩy chay do chính phủ Trung Quốc dàn dựng [đối với các công ty lớn tiếng về người Duy Ngô Nhĩ] và cả áp lực từ Washington. Người tiêu dùng có một cách để thay đổi tác phong này.
[Ngoài ra còn có] tất cả các doanh nghiệp lớn khác... vận động hành lang chống lại dự luật chống chế độ nô lệ của người Duy Ngô Nhĩ tại Quốc hội Hoa Kỳ. Khi bạn nói chuyện với các thành viên của Quốc hội, họ thất vọng vì họ đang sử dụng vận động hành lang. Ở đất nước chúng ta không phải là bất hợp pháp khi vận động hành lang [như thế này], nhưng đó là hành động vô lương tâm. Một số cựu thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã giúp đỡ những nỗ lực vận động hành lang này. Vì vậy, ba điều tôi có thể tóm tắt, một là sự thiếu ý thức của người tiêu dùng. Hai là sự đồng lõa của công ty. Và thứ ba, thiếu các công cụ pháp lý, sự giám sát về luật lệ.
Phải có phản ứng phối hợp
Được hỏi trong vai trò đại diện người Duy Ngô Nhĩ, đâu là việc làm của ông, Turkel trả lời: "Tôi chỉ có thời gian và nguồn lực hạn chế. Thời gian không ở phía chúng ta. Chúng ta đang đối phó với một cuộc nô dịch đang diễn ra, nạn diệt chủng đang diễn ra. Vì vậy, tôi đã vận động với sự hỗ trợ của bạn bè và các đồng minh của tôi trong chính phủ và xã hội để đưa ra các phản ứng chính sách mạnh mẽ. Một thành tựu quan trọng là thông báo của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng sự tàn bạo đã lên đến mức tội ác diệt chủng và vị ngoại trưởng sắp tới, [Antony] Blinken, đã chứng thực ngay tại chỗ vào cùng ngày rằng nó [cũng] sẽ là phán đoán của ông ấy [rằng điều này là một cuộc diệt chủng]. Đó là một cột mốc quan trọng. Người Trung Quốc... đã tính toán sai rằng một khi chính quyền Trump biến mất, những người của Biden sẽ đến và sau đó sẽ đảo ngược mọi thứ. Nhưng chúng ta đã không thấy điều đó. Đây là điều mà tôi rất tự hào về đất nước của mình - những người nắm quyền công nhận điều này. Nó đã trở thành một vấn đề lưỡng đảng, cả trong cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.
"Phản ứng chính sách là một điều gì đó rất gần gũi và thân thiết đối với tôi bởi vì nếu không có phản ứng chính sách mạnh mẽ, chúng ta sẽ có hai kết quả tai hại. Một, không ai sẽ coi trọng chúng ta. Chúng ta sẽ mất thế giá luân lý. Và hai, chúng ta không những chỉ có nghĩa vụ do hiệp ước, chúng ta còn có nghĩa vụ pháp lý nữa. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là những nước ký kết công ước diệt chủng. Trung Quốc đang vi phạm và Mỹ đang thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, nếu bạn không hành động, thì nghĩa vụ hiệp ước sẽ trở nên vô nghĩa, đặc biệt là hiện nay khi đối mặt với nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm lật ngược phần lớn tình trạng bình thường trên toàn thế giới.
Vì vậy, giới lãnh đạo của Hoa Kỳ, hành động táo bạo của Hoa Kỳ, cách tiếp cận chiến lược rõ ràng và các phản ứng phối hợp là những thứ có thể thay đổi cục diện. Cuối cùng, đây là vấn đề chúng ta là ai trong tư cách một đất nước, một nền văn minh. Đây là vấn đề lợi ích kinh tế của chúng ta. Đây là về giá trị đạo đức của chúng ta. Đây là cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ tự do tôn giáo. Khi một chính phủ nhắm vào một nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số, họ không thể tự vệ. Họ kết cục ở một kết cục thảm hại. Chúng ta đã thấy điều này nhiều lần trong lịch sử. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, cộng đồng quốc tế đã trải qua ba hành động diệt chủng: người Yazidis, người Rohingyas và bây giờ là người Duy Ngô Nhĩ. Chúng ta còn phải thấy bao nhiêu cuộc diệt chủng nữa? Hoa Kỳ có một vai trò rất quan trọng trong một tình huống như thế này, phải nói rằng, “Không, không được có trong tầm theo dõi của chúng tôi. Điều này sẽ không xảy ra". Đó là loại thông điệp mà tôi đang vận động".
Nêu tên và bêu xấu (naming and shaming)
Được hỏi chúng ta có thể làm gì hơn cả để hỗ trợ ngừơi Duy Ngô Nhĩ, Turkel cho hay: Điều thứ nhất, chính phủ Hoa Kỳ nên nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không chính thức xuất hiện tại Thế vận hội mùa đông sắp tới ở Bắc Kinh vào năm tới. Đó sẽ là một sai lầm bi thảm. Đó sẽ là sự lặp lại những sai lầm lịch sử mà Hoa Kỳ và những nước khác đã mắc phải trong những hoàn cảnh tương tự. Năm 1936, 49 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã tham dự Thế vận hội Berlin. Ba năm sau, Hitler, được khuyến khích và khích lệ, bắt đầu xâm lược châu Âu.
Như Tổng thống Biden đã nói với Quốc hội, Tập Cận Bình rất muốn thống trị thế giới. Tập Cận Bình tha thiết với việc muốn lật ngược các chuẩn mực dân chủ mà tất cả chúng ta đều yêu thích và trân trọng và thay thế chúng bằng hệ thống cai trị đen tối của riêng ông ấy. Vì vậy, điều này rất, rất quan trọng. Đặc biệt, chúng ta cần đưa các quốc gia sẽ tham gia Thế vận hội mùa đông, ít nhất là Canada, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, tẩy chay Thế vận hội này về mặt ngoại giao. Hoặc hoãn Thế vận hội năm tới. Đó là một điều.
Và điều thứ hai, tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ, sử dụng mối liên hệ đối tác của chúng ta với các nền dân chủ tự do, nên buộc các tác nhân xấu phải giải trình. Họ đang tránh né. Đây không phải là lần đầu tiên những kẻ xấu xa tránh né tội ác mà chúng đã gây ra. Chúng ta cần vẽ một đường trên cát và nói, "Điều này sẽ không xảy ra nữa." Chúng ta cần có cơ chế pháp lý. Điều này đã không được nói đến... Nếu bạn không đem công lý tới những kẻ xấu đó, chúng ta sẽ tiếp tục thấy những loại hành vi xấu. Điều này rất nguy hiểm... Hãy nhìn vào mức độ hỗ trợ và ảnh hưởng mà Nga và Trung Quốc vẫn có thể thu được. Bất cứ quốc gia nào mà Hoa Kỳ hoặc các nền dân chủ phương Tây có vấn đề với đều nằm trong túi của Nga và Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta phải nghĩ ra một cách để đẩy lùi. Khi Nga xâm lược Crimea giữa ban ngày, cộng đồng quốc tế đã không làm gì cả. Điều đó đã gửi một tín hiệu xấu cho Tập Cận Bình... Vì vậy, chúng ta phải rất, rất chiến lược, táo bạo và rõ ràng... Tôi muốn thấy một giới lãnh đạo táo bạo. Tôi muốn thấy các nền dân chủ hợp pháp xích lại gần nhau, một phản ứng hữu hình, cụ thể, có sự phối hợp, phối trí.
Ngoài ra, một điều khác cần tiếp tục xảy ra là “nêu tên và bêu xấu”. Những kẻ làm điều xấu quan tâm rất nhiều đến việc “nêu tên và bêu xấu”... Họ quan tâm. Điển hình là Thống đốc Hong Kong, Carrie Lam, không thể sử dụng thẻ tín dụng. Bà ấy phàn nàn rằng kể từ khi bị Hoa Kỳ trừng phạt, bà ấy thậm chí không thể sử dụng ngân hàng. Điều đó rất quan trọng. Người phụ nữ này chịu trách nhiệm đối với việc Trung Quốc lật ngược thành công nền dân chủ Hồng Kông. Và bà ấy đã bị xử phạt, và bà ấy thậm chí không thể sử dụng ngân hàng. Điều này đáng kể.
Và mới đây, tờ Washington Post đưa tin một nhà cung cấp chỉ sợi lớn ở Tân Cương phàn nàn về việc mất doanh thu và lợi nhuận hàng trăm triệu đô la vì lệnh trừng phạt. Đó chỉ là một công ty. Chúng ta đang nói về 83 thương hiệu hoàn cầu [có liên hệ với lao động Duy Ngô Nhĩ]. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, tẩy chay hoặc di dời Olympic, và tìm kiếm các cơ chế pháp lý để buộc các tác nhân xấu đó phải giải trình trách nhiệm sẽ nằm trong danh sách việc cần làm hàng đầu của tôi.
Vatican im lặng
Với câu hỏi các nhà lãnh đạo tôn giáo, như Đức Phanxicô và Tòa Thánh chẳng hạn, có thể làm gì trong hoàn cảnh này, Turkel cho rằng: Nếu bạn cho phép điều này xảy ra với một nhóm tôn giáo, thì điều này cũng sẽ xảy ra với những nhóm khác. Tất cả chúng ta đều kết nối qua lại với nhau. Các nhóm Do Thái giáo đã rất lớn tiếng. Họ đã làm một số điều. Giáo sĩ trưởng của Vương quốc Anh đã phát biểu tại một biến cố lớn [thứ Bảy tuần trước], đặc biệt về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Tôi là đồng tác giả của một Góp Ý trên tạp chí Newsweek trong dịp nghỉ lễ Vượt qua. Công nghị Baptist miền Nam, với hơn 14 triệu thành viên, gần đây đã công nhận các tàn bạo của tội ác diệt chủng.
Nhưng Vatican đã im lặng. Thật đáng lo ngại. Đây là lý do tại sao nó đáng lo ngại. Người Công Giáo cũng là một thiểu số bị đàn áp trong suốt lịch sử. Họ biết nó hoạt động như thế nào. Thứ hai, họ có đòn bẩy để tạo ra sự khác biệt. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu, thế giới sẽ lắng nghe, nhưng ngài đang giữ im lặng. Và thứ ba, có một ý chí chính trị ở Hoa Kỳ muốn làm việc với họ để biến nó thành một vấn đề phối hợp. Năm ngoái, Ngoại trưởng Pompeo đã đến Vatican và nêu ra vấn đề này. Ông đã có một bài phát biểu tại Tòa thánh. Nhưng chúng ta đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Vì vậy, tôi không biết làm thế nào điều này có thể được thực hiện. Có lẽ với sự tham gia của một số nhà lãnh đạo Công Giáo.
[Tại buổi lễ Sáng kiến Tự do Tôn giáo ở Đại Học Notre Dame], tôi nghĩ Cha Jenkins đang ngồi cạnh tôi, và ngài rất rõ ràng về lập trường của ngài. Ngài rất có thiện cảm. Tôi đã rơi nước mắt đúng nghĩa đen khi bước lên sân khấu. Thật tuyệt vời làm sao khi một trường đại học Công Giáo lớn trên thế giới tôn vinh một chính nghĩa Hồi giáo... Tôi thường không gặp vấn đề gì khi tự phát biểu về mình, nhưng tôi thực sự không nói nên lời. Tôi nghĩ rằng biến cố này hai tuần trước có thể mang lại một số kết quả đáng mong đợi từ cộng đồng Công Giáo.
Thận trọg lạc quan
Được hỏi ông thấy hy vọng gì trong những tháng tới, Turkel trả lời rằng: "Tôi lạc quan một cách thận trọng. Bản chất tôi là một người rất lạc quan. Kẻ áp bức muốn bạn bị trầm cảm. Tôi từ chối bị chán nản. Tôi từ chối bị mất nhân phẩm. Tôi từ chối bị ngược đãi bởi vì tôi là một người tự do. Tôi có chủ trương, tôi có bộ não, tôi có tinh thần minh mẫn để lên tiếng. Đúng và sai rất rõ ràng. Đây là một trường hợp rất rõ ràng, và chúng ta đang đối phó với một hành động diệt chủng. Chúng ta đang đối phó với một cuộc bách hại tôn giáo có chủ ý, có hệ thống. Không chỉ ở Trung Quốc, mà là trên toàn thế giới. Có một sự căm ghét đối với những người thực hành tôn giáo trên khắp thế giới. Nhưng đồng thời, tôi rất tích cực, rất hy vọng rằng mọi người sẽ xem xét những vấn đề này nhiều hơn một chút với sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt ở bình diện chính phủ. Tôi đối phó với Quốc hội, tôi làm việc với Quốc hội. Vì vậy, việc lắng nghe các thành viên Quốc hội của cả hai đảng mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng rằng chúng ta có thể ngăn chặn điều này, ít nhất, trong trường hợp này. Nhưng các thách thức thì quả rất lớn lao".