1. Linh mục người Costa Rica bị đình chỉ, đưa đi điều trị tâm lý vì cử hành thánh lễ theo Phụng Vụ mới bằng tiếng Latinh
Một linh mục người Costa Rica nói rằng ngài đã bị đình chỉ, đuổi khỏi giáo xứ của mình và bị giám mục bản quyền đưa đi điều trị tâm lý vì đã cử hành phụng vụ mới bằng tiếng Latinh và cử hành thánh lễ theo phong cách ad orientem, nghĩa là quay mặt lên bàn thờ.
Cha Eduardo Varela Santamaría dòng Xitô nhặt phép, từng là Chưởng Ấn của Giáo phận Alajuela, đã cử hành Thánh lễ kể từ năm 2019 cho một cộng đồng hàng trăm tín hữu, những người yêu mến nghi thức Thánh lễ Latinh Truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, được gọi phổ biến là “Thánh lễ Tridentinô”. Các phụng vụ được cử hành tại giáo xứ San Jose, nơi ngài là Cha sở, được sự chúc lành của giám mục bản quyền.
Cha Varela và các thành viên khác của tín hữu nói rằng vị linh mục đã vâng lời giám mục của mình không cho phép ngài tiếp tục cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống trước cuộc cải cách của Công Đồng Vatican II, nhưng thực hiện quyền của mình theo giáo luật để cử hành thánh lễ mới hoặc “Novus Ordo” bằng tiếng Latinh. Điều này đã châm ngòi cho sự tức giận của Đức Giám Mục bản quyền và dẫn đến việc ngài bị cách chức.
Việc loại bỏ Cha Varela khiến hàng trăm tín hữu của nghi lễ truyền thống ở Costa Rica không có linh mục và không có các bí tích truyền thống.
Vào tháng trước để đáp lại Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô, Hội đồng giám mục Costa Rica đã tuyên bố cấm hoàn toàn các nghi thức Thánh lễ Latinh Truyền thống. Tự Sắc Traditionis Custodes áp đặt những hạn chế đối với các Thánh lễ Latinh Truyền thống nhưng không buộc các Giám Mục phải cấm hình thức Phụng Vụ này.
Tuy nhiên, các giám mục Costa Rica không những cấm Thánh lễ Latinh Truyền thống mà cũng cấm mọi thực hành có liên quan đến với phụng vụ trước năm 1970, bao gồm cả việc sử dụng tiếng Latinh cũng như việc các linh mục đối diện với bàn thờ thay vì đối diện với dân chúng.
Cha Varela cho biết ngài đã được gửi về sống với cha mẹ trong nửa năm “nghỉ phép dài hạn”, và đã bị cấm cử hành các bí tích nơi công cộng. Ngài nói thêm rằng vị giám mục của ngài, là Đức Cha Bartolomé Buigues, cũng sẽ gửi ngài đến một bệnh viện ở Mễ Tây Cơ để chăm sóc “tâm lý” và “y tế”.
“Tôi sẽ đến Mễ Tây Cơ trong ba tháng để đến một học viện mà giám mục đã chỉ định để họ có thể đồng hành với tôi về mặt tâm linh, tâm lý và y tế,” Cha Varela nói.
Source:Catholic World Report
2. Bọn cầm quyền Trung Quốc thưởng tiền cho những ai báo cáo 'các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp'
Bọn cầm quyền Trung Quốc đang thưởng tiền mặt cho bất kỳ ai báo cáo các “hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”, báo cáo từ các cơ quan theo dõi tình trạng tự do tôn giáo cho biết như trên.
Ví dụ, ở tỉnh Hắc Long Giang, những người cung cấp thông tin có thể nhận được tới 1,000 nhân dân tệ, tức là khoảng 150 đô la Mỹ, nếu báo cáo các cử hành tôn giáo do những người “từ địa phương khác đến”.
Một báo cáo trên tờ China Christian Daily cho biết tại thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ (Qiqihar, 齐齐哈尔) người dân được yêu cầu báo cáo các “nhân viên tôn giáo không đủ tiêu chuẩn”, những hành vi “rao giảng và phân phối các tác phẩm tôn giáo in ấn” và “tụ tập tại nhà riêng”, cùng những hành động đáng ngờ khác.
Thông báo của thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ cho biết các biện pháp này nhằm mục đích “tăng cường kiểm soát các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp trong thành phố, ngăn chặn bất kỳ cụm COVID-19 nào phát sinh từ các cuộc tụ tập tôn giáo, vận động quần chúng tham gia ngăn chặn, trấn áp các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp và bảo đảm một sự hài hòa tôn giáo và ổn định an ninh chính trị”.
Các hệ thống ban thưởng bằng tiền mặt tương tự cũng được đưa ra tại thành phố Bác Sơn (Boshan, 博山) ở tỉnh Tri Bác ( Zibo, 淄博) và ở thành phố Uy Hải (Weihai, 威海), tỉnh Sơn Đông (Shandong, 山东).
Các khóa đào tạo tôn giáo và các trại hè hoặc trại đông có trẻ vị thành niên tham gia hoặc bất kỳ hoạt động tôn giáo nào vì “mục đích nuôi dạy con cái” đều bị cấm và quần chúng nhân dân nào báo cáo thì có thưởng.
Thông tin tôn giáo trên Internet không được phê duyệt, và các chiến dịch quyên góp tôn giáo bị coi là vi phạm pháp luật và các hoạt động từ thiện để truyền giáo bị cấm triệt để.
Kể từ năm ngoái, chính quyền cấp thành phố và cấp quận ở những nơi như Phúc Kiến, Quảng Tây, Hà Nam, Hà Bắc và Liêu Ninh đã đưa ra các ưu đãi tài chính cho những người cung cấp thông tin.
Cơ quan theo dõi các bách hại nhắm vào các tín hữu Kitô International Christian Concern cho biết các nhà thờ tư gia là đối tượng chính trong cuộc đàn áp này.
Open Doors USA, tổ chức theo dõi cuộc bách hại ở hơn 60 quốc gia, ước tính rằng có khoảng 97 triệu Kitô Hữu ở Trung Quốc, đa số các Kitô Hữu này thờ phượng ở những nhà thờ tư gia thầm lặng mà Trung Quốc coi là “bất hợp pháp”. Những người bị bắt tham gia vào các cuộc tụ họp “bất hợp pháp” này bị buộc phải ký giấy tuyên bố bỏ đạo, hoặc phải đóng một khoản tiền lên đến 40,000 nhân dân tệ, tức là khoảng 6,000 đô la Mỹ.
Tờ Christian Post đưa tin, cuộc bách hại tôn giáo ở Trung Quốc đã gia tăng vào năm 2020, với hàng nghìn Kitô Hữu bị ảnh hưởng bởi chủ trương đóng cửa nhà thờ và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với tôn giáo, theo một báo cáo được công bố vào tháng 3 bởi nhóm China Aid có trụ sở tại Mỹ.
Các nhà chức trách ở Trung Quốc cũng đang trấn áp Kitô Giáo bằng cách xóa các ứng dụng Kinh thánh và các tài khoản công khai WeChat của các tín hữu Kitô nếu họ đề cập đến niềm tin tôn giáo.
Trong Danh sách Theo dõi các vi phạm tự do tôn giáo Thế giới của Open Doors Trung Quốc được xếp hạng là một trong những quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã coi Trung Quốc là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì “tiếp tục có những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo”.
Source:Licas News
3. Taliban chiếm được Afghanistan làm tăng thêm nỗi sợ hãi của người Duy Ngô Nhĩ đối với Trung Quốc
Các nhà hoạt động và nhà phân tích tình hình tự do tôn giáo bày tỏ quan ngại rằng việc Taliban chiếm được Afghanistan đã khiến người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo gốc Thổ khác ở khu vực Tân Cương lo sợ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng tình hình hỗn loạn ở Kabul để nhân đôi các chính sách đàn áp đã khiến quốc tế lên án và cáo buộc diệt chủng.
Sau sự rút lui của lực lượng Hoa Kỳ, các tay súng Taliban đã càn qua Afghanistan, giành quyền kiểm soát chính phủ khi Tổng thống Ashraf Ghani và hàng nghìn dân thường chạy trốn vì sự an toàn, và lo sợ sự quay trở lại các quy tắc Hồi giáo khắc nghiệt mà nhóm này áp đặt khi họ cai trị Afghanistan trong những năm 1990.
Một mặt Trung Quốc cho biết sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới ở Kabul và không dấu được sự hả hê trước thất bại của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc đàm phán với người đồng sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar, tại Thiên Tân vào cuối tháng Bảy vừa qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc xem ra cũng lo ngại quân Taliban và tác động của nó đối với Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nơi các nhà chức trách trong thập kỷ qua đã áp đặt hết đợt này đến đợt khác các biện pháp đàn áp nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
Một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại: Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chống khủng bố bắt đầu từ hôm thứ Tư với Tajikistan, quốc gia có đường biên giới dài với Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và với Afghanistan.
Cần nhấn mạnh rằng Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có đường biên giới dài 57 dặm, tức là 90 km, với Afghanistan.
Các nhóm vận động cho biết họ đang lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, những người kể từ năm 2017 đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đồng hóa có hệ thống bao gồm kiểm soát sinh sản cưỡng bức và triệt sản, cưỡng bức lao động tại các nhà máy và trang trại, và việc tống giam hàng loạt ít nhất 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ bằng một mạng lưới các trại lao động.
Source:RFA