Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV – B
(Mc 9, 30 – 37)
Qua Thập giá đến vinh quang
Sống ở trên đời, người ta thường áp dụng nhiều phương thế để có được hạnh phúc, nhưng song song với việc kiếm tìm hạnh phúc, thì không thể nào mà không có bóng dáng của khổ đau. Như phải có màu trắng để biết được màu đen, có bên phải thì có cái gọi là bên trái, có trên cao thì mới thấy cái dưới thấp, có bóng tối mới nhận ra ánh sáng, có nụ cười thì cũng có nước mắt…

Vì thế, nói đến Hạnh Phúc thì cũng phải nói đến Đau Khổ. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến khổ nạn và phục sinh, cụ thể là Thập giá và vinh quang. Người cũng nói đến trẻ em và người lớn là những mặt đối nghịch nhau nhưng song hành cùng nhau và hiển hiện trong cuộc đời của mỗi chúng tra trên cõi đất này. Mỗi người chúng ta đều trải nghiệm ít nhiều trong đời, cái tâm trạng êm ái, dễ chịu, sung sướng được gọi là Hạnh Phúc và ngược lại, cái thái độ bực bội, khó chịu, đau đớn được gọi là Đau Khổ.

Con người vốn sợ đau khổ và mong tìm hạnh phúc. Thế nhưng đau khổ lại cứ bám riết lấy con người, còn hạnh phúc thì lại thật mong manh.

Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phêrô tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29). Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là " Tôi Tớ đau khổ" … "Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi" (Mc 8, 31).

Các môn đệ kia không biết có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy nói tới? Đành rằng với ý ngay lành chúng ta thanh minh cho các Tông Đồ như Marcô ghi rõ là : "Các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người" (Mc 9, 10). Không dám hỏi Chúa nhưng lại hỏi nhau : "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết ấy dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34). Tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Còn Phêrô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề : "Satan, hãy lui đi" (Mc 8, 33).

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đó là một cuộc đời đi vào đau khổ. Từ trời cao Người đã nhập thể làm người, hòa mình vào trong nhân thế, trong giới lao động cùng khổ. Người đến trần gian không nhằm mục đích xóa bỏ đau khổ mà là hiện diện cùng với những con người đau khổ. Người đòi hỏi các môn đệ phải từ bỏ danh, lợi, thú, để đi vào con đường thập giá, con đường mà nhiều người đang muốn vượt ra, nay Người lại mời gọi đi vào.

Phải chăng là một nghịch lý khi Đức Giêsu đề nghị ta hãy đi vào đau khổ? Phải chăng Người chỉ muốn các tín đồ của Người sống trong đau khổ?

Không, con đường Chúa Giêsu đi không dừng lại ở đau khổ và sự chết. Nếu kết thúc cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ dừng lại ở bi kịch thập giá thì cửa mồ của sự chết sẽ hoàn toàn khép lại. Người đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang, qua sự chết để tới sự phục sinh.

Con đường ấy, Chúa mời gọi chúng ta là kitô hữu vác lấy thập giá hằng ngày của mình mà theo Chúa. Thập giá ở đây là chính bổn phận, là trách nhiệm thường ngày của mỗi người. Chồng vợ vác thánh giá mình nghĩa là có bổn phận, trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc cho nhau. Cha mẹ có bổn phận, trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Ngược lại, con cái phải có bổn phận thảo hiếu, kính yêu và vâng lời cha mẹ, chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong khả năng thể. Người kitô có trách nhiệm đối với Giáo hội, giáo phận, giáo xứ. Sợ hãi khổ đau là sợ hãi trách nhiệm. Trốn chạy đau khổ là trốn tránh trách nhiệm. Kẻ sợ hãi trách nhiệm là người vô dụng, và người như thế chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nếu mỗi người đều biết chu toàn bổn phận của mình một cách ý thức, trách nhiệm là chúng ta đang trồng cây hạnh phúc ở giữa gia đình và xã hội mà chúng ta đang sống. Thập giá của bổn phận sẽ không còn là nỗi khổ mà là niềm vui, vì chúng ta đang cống hiến tài năng, trí tuệ của mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Nếu chúng ta bỏ bê và thiếu trách nhiệm trong bổn phận là chúng ta đang hủy diệt cây hạnh phúc và trồng cây đau khổ cho gia đình cũng như xã hội.

Ngày hôm nay, tận cùng trái đất đối với chúng ta thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt web, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. AI, hay điện toán toàn cầu ở trong tầm tay chúng ta. Điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với Đức Kitô, mang Chúa là nguồn hạnh phúc đến cho người khác. Giáo hội đang cần đến chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi toàn thể Hội Thánh “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.

Nguyện xin Chúa ban ơn phù trợ, giúp mỗi người trau dồi kiến thức Đạo đời, trở nên những chiến sĩ loan báo Tin Mừng, can đảm lên đường sống mùa xuân truyền giáo, loan báo cho mọi người Đức Kitô tử nạn và phục sinh để họ tin mà được cứu độ. Amen.