CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 6,7-13

7 Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông : “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ” 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.


MỌI NGƯỜI ĐỀU RAO GIẢNG

Chúng ta năng gặp lại bản văn về việc sai đi truyền giáo hôm nay. Các chỉ thị (khác nhau tùy mỗi Tin Mừng) này có thể bị nhiều người coi là xưa cũ và không quan trọng, song các nhà truyền giáo mọi thời đã múc lấy tinh thần thừa sai từ đấy. Hãy nhớ tới Phan-xi-cô A-xi-di-ô, Phan-xi-cô Xa-vi-e, Tê-rê-xa Can-quýt-ta… Nhà chú giải M. Quesnel gọi đây là “một loại thủ bản, một loại cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo”.

1. Các Tông đồ rao giảng

Trước hết, việc Đức Giê-su “sai các Tông đồ đi từng đôi một” gợi lên khía cạnh tập thể của việc truyền giáo. Điều này tạo ra một sự nâng đỡ huynh đệ, đôi lúc là một sự sửa lỗi thân tình. Và nhất là cảm thức về một công cuộc chung. Tinh thần cộng đoàn là một cái gì đó cơ bản đối với công cuộc truyền giáo. Là những người rao giảng sứ điệp về một sự hiệp thông vĩ đại trong tình yêu, các Tông đồ trước hết phải thể hiện điều ấy ngay giữa nhóm của mình. Vả lại, hai kẻ có lời lẽ phù hợp nhau và hành động phối hợp với nhau chứng tỏ họ cùng được sai đi bởi một người. Biết bao anh chị em sắc tộc tại Việt Nam đã từng kinh ngạc trước sự cạnh tranh của những đoàn truyền giáo Tin lành và Công Giáo : “Quý vị cùng tin tưởng và rao giảng một Đức Ki-tô cả, sao lại có sự chia rẽ thế này?”

Tiếp đến là chỉ thị “khó nghèo” : khó nghèo về hành trang đi đường (một cái áo, một đôi dép, một cây gậy) và khó nghèo về phương tiện sinh sống (không lương thực, bao bị, tiền giắt lưng). Là những người rao giảng các giá trị thiêng liêng và tinh thần từ bỏ, luôn miệng công bố : “Phúc thay các kẻ nghèo”, các thừa sai còn có bằng chứng nào rõ ràng hơn, đáng tin hơn, thuyết phục hơn là chính lối sống của họ? Lệnh truyền “chớ mặc hai áo” khiến ta không thể không nghĩ tới những y phục rườm rà xưa cổ nơi các nữ tu. Sau Công đồng Va-ti-can II, có lần một nữ tu đã nói với một linh mục : “Chúng con nhẹ đi được tới bảy mét vải !” Rườm rà như thế nhằm để bảo vệ? Nhưng làm sao một tấm vải có thể bảo vệ trái tim và ngũ quan? Làm sao chiếc áo dòng đã có thể trở thành biểu tượng chính yếu của tu sĩ và linh mục? Linh mục và tu sĩ chỉ có một tu phục : hiến thân cho kẻ khác, cũng như mọi Ki-tô hữu chỉ có một đồng phục : bác ái với tha nhân (x. ĐHV).

Tuy nhiên có một cám dỗ trở đi trở lại không ngừng, đó là sử dụng các phương tiện giàu nhân danh sự hữu hiệu. Có một bài ca đáng được lưu ý : “Để đi nói về Thiên Chúa, hãy chỉ mang theo tình yêu”. Đây là điều mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta từng thể hiện. Lần ấy, mẹ được mời sang Thụy Sĩ để diễn thuyết. Sau khi đưa mẹ từ phi trường về nơi cư trú, người phụ trách tiếp đón tỏ vẻ lo lắng hỏi mẹ : “Hành lý của mẹ đâu? Sao chúng con không thấy có valise nào cả? Thất lạc rồi chăng?” Mẹ Tê-rê-xa mỉm cười nâng túi nylông lên trước mặt ông ta và nói : “Tất cả hành lý của tôi là đây. Một cái áo dòng để thay, một bàn chải đánh răng và một khăn mặt” - “Chừng ấy thôi à?” - “À quên ! Còn một thứ nữa, quan trọng hơn hết : quả tim !” Năm 1979, được trao tặng Giải Nobel Hòa bình cho "những hoạt động diễn ra trong sự đấu tranh vượt qua sự nghèo khó và cùng quẫn, là những điều đe dọa hòa bình," Mẹ đã từ chối bữa tiệc mừng truyền thống và yêu cầu gởi số tiền 192 000 USD (chi phí bữa tiệc) cho người nghèo ở Ấn-độ, nói rằng những phần thưởng trên trần gian chỉ có giá trị khi nào chúng giúp ích những người thiếu thốn trên thế giới.

Cuối cùng là một lời cảnh giác : con đường truyền giáo là một con đường gian khổ. Như Thầy mình, các Tông đồ phải đón nhận rủi ro bị từ chối hay xua đuổi. Các ông phải đi theo Người đến độ bị chống đối, giết chết. Lịch sử truyền giáo đã và đang chứng minh điều đó cách hùng hồn (theo Vaticannews.va, có hơn 130 linh mục và tu sĩ bị cầm tù, bắt cóc và sát hại trên toàn thế giới trong năm 2023). Thế nhưng có những kẻ vẫn không muốn chấp nhận điều đó và tìm mọi cách để thế gian tạo nên con đường trơn tru cho mình, dù có phải thỏa hiệp hay phản bội các nguyên tắc đức tin, dù có phải khúm núm nhượng bộ và hoàn toàn bỏ mặc nghĩa vụ làm ngôn sứ ! Triết lý mục vụ của họ : được việc hơn là đúng việc !?!

2. Các Ki-tô hữu rao giảng

Các huấn thị Đức Giê-su vừa nói với các Tông đồ có thể được ta đón nhận theo hai cách.

Một là sau khi đã quan sát chuyến truyền giáo đầu tiên ấy, đã theo dõi họ làm việc, ta tự nhủ : “Phải có nhiều tông đồ, làm tông đồ thật là hay”. Ta muốn quan tâm đến việc truyền giáo, giúp đỡ các thừa sai, không từ chối dâng một đứa con trai hay con gái nếu nó được Chúa gọi.

Hai là cảm thấy bị trực tiếp động đến. Khi đặt lại bản văn này trong toàn bộ Tin Mừng Mác-cô, ta thấy nó là một trong những điểm nhấn của một đường hướng liên tục : khía cạnh truyền giáo của công trình Đức Giê-su. Ngay từ khởi điểm, Người đã kêu gọi bốn môn đệ : “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người” (Mc 1,17). Người đã nâng nhóm lên thành mười hai Tông đồ, sai họ đi truyền giáo, và lời cuối cùng của Người mở ra những chân trời vĩ đại : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15).

Từ đó ta có thể xây dựng ý tưởng là cần có những chuyên gia tông đồ : giám mục, linh mục, thừa sai, nữ tu, chiến sĩ… Nhưng đồng thời phải gạt bỏ ý tưởng rất thông thường là đám quần chúng giáo dân có thể ở bên ngoài cuộc. Không ! có một lý luận thúc đẩy mọi Ki-tô hữu : nếu thật sự yêu mến Đức Ki-tô, thì sao lại có thể không nói, không làm cho Người? “Lòng yêu mến Đức Ki-tô thúc đẩy chúng ta”, thánh Phao-lô từng nói thế, nói cho hết mọi người chứ không chỉ cho ai mang “trách nhiệm”.

Và lòng yêu mến anh em cũng thúc đẩy chúng ta nữa. Có đức tin, tin vào Đức Ki-tô, được gọi đến một cuộc sống đầy ánh sáng và tình yêu dưới trần gian rồi đến một niềm vui vĩnh cửu, điều đó thật tuyệt. Biết mình được Thiên Chúa yêu mến, được tha thứ tất cả và tràn ngập một hy vọng phi thường, điều đó thật tuyệt. Biết mình là những con cái tự do của Cha trên trời, được sự thật và tình yêu của Người giải phóng khỏi mọi áp bức, mọi sợ hãi, điều đó thật tuyệt. Nhưng làm sao lại chẳng muốn chia sẻ tất cả những cái đó? Nhiệt huyết “tông đồ” chẳng là gì khác cả. Tuy nhiên ta đã từng đi đến chỗ tống khứ đòi hỏi ấy mà rằng : “Đó là chuyện của các linh mục !” Việc dấn thân ồ ạt của các giáo dân chẳng có từ lâu và lắm kẻ vẫn còn ngần ngại.

Phải chăng điều đó muốn nói là mọi người phải cất công rao giảng? Đúng, vì kể ra mọi người đều rao giảng. Khi sai các Tông đồ đầu tiên, như đã thấy trên, Đức Giê-su hết sức bận tâm tới kiểu sống của họ, vì người ta giảng dạy trước hết qua cách ứng xử. Chính vì nghĩ tới điều đó mà ta có thể nói : mọi người đều rao giảng. Một kẻ buồn bã, một nhân viên ít chu đáo, những tay ích kỷ hà tiện, những kẻ gặm nhấm thanh danh người, những thủ lãnh im lặng vì hèn nhát hay đồng lõa với cường quyền, nếu họ được nhận biết như là Ki-tô hữu, thì họ cũng rao giảng ! Nhưng là rao giảng chống đạo : “Nếu lui tới nhà thờ mà như thế… nếu đã là người của Giáo Hội mà như thế…”. Trái lại một Ki-tô hữu chính trực, can đảm, bất khuất, hay giúp người, có ánh sáng trong đôi mắt, thì kẻ ấy đã nói nhiều rồi dù không mở miệng. Và khi đến cơ hội sẽ có thể khiến người ta lắng nghe. Một Ki-tô hữu biết tham khảo sách báo Công Giáo khi tranh luận và ưu tư phổ biến chúng thì đã dạy dỗ qua tất cả những gì mà các độc giả (bị đương sự thu phục) sắp biết về Tin Mừng và về Hội Thánh. Nhà sư Thích Minh Tuệ, dù chỉ mặc áo vải thô, ngày ăn một bữa và cuốc bộ 30km, chẳng giảng Phật pháp, từ chối mọi cúng dường, ngủ ngồi dưới gốc cây hay nơi nghĩa địa, cũng đã thu hút biết bao tín đồ Phật giáo (thậm chí Ki-tô giáo) và làm dậy sóng truyền thông mạng thời gian qua.

Nhưng đôi lúc cũng phải rao giảng trực tiếp. Thật là thiệt hại khi có một sự thẹn thùng hay hèn nhát nào đó giữ chúng ta lại khi chúng ta có thể và có quyền rao giảng rõ ràng về Đức Ki-tô. Nhưng một cảm thức khác cũng có thể hãm lại nhiệt tình tông đồ của ta, một cảm thức cần phá bỏ quanh ta và có lẽ trong ta : nghĩ rằng một giáo dân đơn thuần, bình thường thì chẳng cần quan tâm đến đức tin và việc truyền giáo. Hoàn toàn sai lạc ! Hoàn toàn trái ngược với ý niệm một Dân Thiên Chúa trong đó mỗi chi thể đều có trách về tập thể và thành thử về việc bành trướng tập thể. Ai nấy ở vị trí mình, dĩ nhiên, nhưng theo kiểu nói thời danh của các Giám mục Pháp, chúng ta “tất cả đều có trách nhiệm trong Giáo Hội”.

Khi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giê-su đang sai các Tông đồ đầu tiên của Người lên đường truyền giáo, thì một tiếng nói phải vang lên trong ta : “Lạy Chúa, con cũng vậy”. Người ta nghe quá nhiều Ki-tô hữu chỉ trích trong khi vẫn đứng bên bờ : “Giáo Hội lẽ ra phải làm thế này… lẽ ra phải làm thế kia…” Tốt, đó là một bước đầu tham gia tốt. Nhưng hãy đi xa hơn, hãy lao mình vào dòng chảy truyền giáo của Giáo Hội, vì bạn là một mảnh, một tế bào của Giáo Hội, chính nhờ bạn một chút mà Giáo Hội làm điều này điều kia hay không làm. Giáo Hội chỉ thực sự là truyền giáo ở đâu mà quần chúng Ki-tô hữu là thừa sai truyền giáo. Sao cả một thế kỷ nay, Công Giáo vẫn cứ là 1/10 trên đất Việt?