Chương IX. Trái tim
Chúng tôi chỉ xem xét lại năm sự kiện Thánh Thể, những sự kiện duy nhất đã trải qua thử nghiệm khoa học với các báo cáo được công bố trong những thập niên qua. Một mẫu gồm năm điều là một mẫu rất nhỏ so với hàng trăm và hàng trăm sự kiện lạ lùng được ghi lại trong biên niên sử thiêng liêng. Tuy nhiên, điều không thể bỏ qua là mô cơ tim được tìm thấy một cách đáng chú ý trong cả năm phép lạ này. Ngay cả khi chất liệu nảy mầm và phát triển từ bánh thánh đã truyền phép trông giống như cục máu đông - như trong các trường hợp mới nhất vào năm 2008 và 2013 ở Ba Lan - các phân tích sau đó đã loại trừ sự hiện diện của máu nhưng cho thấy các mẫu hoàn toàn được làm từ mô cơ tim. Vào ngày 7 tháng 1 năm 2009, ngay cả Giáo sư Sobaniec-Łotowska, ở Sokółka, cũng tin rằng bà đã lấy các mẫu máu đông cục nhỏ nhưng phải thay đổi quyết định vài ngày sau đó, đứng trước bằng chứng từ các phân tích mô học của chính mình.
Tại sao trái tim?
Các Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ gần đây đã nhắc nhở chúng ta rằng toàn thể Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa chúng ta hiện diện một cách mầu nhiệm trong “bất cứ mảnh bánh thánh đã truyền phép nào hoặc trong bất cứ giọt Máu Quí Giá nào.” (89) Trong thời đại mù chữ tôn giáo ngày càng gia tăng này, tôi sẽ chỉ ra một lần nữa rằng từ góc độ thần học, không chỉ bánh trở thành Mình Chúa Giêsu, mà còn cả Máu của Người. Tương tự như vậy, rượu không chỉ trở thành Máu, mà còn trở thành toàn bộ Mình Chúa (như Thánh Tôma Aquinô đã làm sáng tỏ một cách tuyệt vời trong Summa theologica III, q. 76, a. 1). Điều này là do sự cùng hiện hữu và kết hợp tự nhiên của Mình và Máu trong Ngôi vị Chúa Giêsu Kitô. Những sự phản đối, hầu hết có nguồn gốc từ phái Hus (Hussite), (90) về sự “không trọn vẹn” của việc rước lễ Công Giáo – điều mà các tín hữu bình thường thường chỉ lãnh nhận dưới hình bánh hữu hình – vì thế là vô nghĩa. Trong cuộc điều tra Tixtla năm 2009, chúng tôi đã chứng kiến việc xác định nhiều mô của con người trong Mình Thánh đã được truyền phép, bao gồm máu với các tế bào hồng cầu và bạch cầu cùng với cơ tim, tế bào mỡ và có thể nói là tế bào trung mô.
Do đó, phép lạ Tixtla là sự xác nhận khoa học trực tiếp về nguyên tắc thần học này, một nguyên tắc không thể dễ dàng bác bỏ.
Nhưng ta hãy quay trở lại với trái tim. Việc tìm thấy bất cứ mô người nào trong Mình Thánh đã truyền phép chắc chắn là một sự kiện không thể giải thích được về mặt khoa học. Điều này bất chấp sự phân loại mô học của mô: mô cơ cũng “lạ lùng” không kém mô biểu mô [epithelial], mô liên kết [connective] hoặc mô thần kinh khi được tìm thấy trong bánh mì không men của bánh thánh nguyên khởi được làm bằng bột mì và nước. Vì vậy, một mảnh da, một mảnh phổi, một mảnh não cũng sẽ “khó hiểu” không kém một mảnh trái tim. Tuy nhiên, sự ưa thích của Thiên Đàng đối với cơ quan vừa kể hết sức rõ ràng.
Xuyên suốt mọi nền văn hóa và thời đại, trái tim đã đại diện cho một điều vượt xa chức năng của nó là máy bơm cơ bắp của hệ tuần hoàn. Nó chỉ được “hạ cấp” một cách hợp lý thành khái niệm duy vật này vào năm 1628 với việc xuất bản cuốn De motu cordis (Về chuyển động của trái tim) của William Harvey. Đối với con người hiện đại, qúa thông thường là việc tính biểu tượng của trái tim đã bị giản lược thành một tranh biểu cảm xúc [emoticon] chỉ phong cách, thành một cơ quan và vị trí của cảm giác và cảm xúc được đặt đối nghịch với cái đầu quan trọng hơn nhiều, trụ sở của lý trí và suy nghĩ. Tôi vẫn còn nhớ phản ứng dịu dàng và dễ hiểu của bà Washkansky khi, vào tháng 12 năm 1967, bà bày tỏ nỗi lo lắng và lo âu về việc chồng mình không còn yêu bà nữa khi ông sẽ tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật ghép tim với trái tim của một người khác. Tôi nghĩ chúng ta nên tránh xa tính biểu tượng này, phù hợp hơn với các nhạc sĩ nhạc pop người Ý, những người đã lạm dụng nhiều vần điệu giữa các từ tiếng Ý có nghĩa là trái tim và tình yêu (cuore và amore) để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.
Một phần trải nghiệm của mọi người là cảm nhận được sự hiện diện của một cơ quan đang đập ở vị trí trung tâm và được bảo vệ ở giữa ngực, bên trong lồng xương sườn bảo vệ chắc chắn của chúng ta. Chuyển động không ngừng của trái tim đơn giản là không thể thiếu đối với sự sống - việc ngừng tim ngay lập tức dẫn đến cái chết - và chúng ta cảm thấy nhịp tim tăng nhanh khi chúng ta bị giật mình, không chỉ do nỗ lực thể chất mà còn do mối liên hệ chặt chẽ của trái tim với suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Vì vậy, trái tim dễ dàng phù hợp với một biểu tượng quan trọng hơn, được người xưa hiểu rõ, mà chúng ta cũng tìm thấy trong truyền thống Kinh thánh. Như thế, trái tim tượng trưng cho hai khía cạnh chủ yếu và bổ sung cho nhau trong đời sống nội tâm của con người:
1. Nó đại diện cho trung tâm của hữu thể con người. Đó là trụ sở thân mật và ưu tuyển của ý chí và các ý hướng sâu sắc nhất của một con người. Nó là cốt lõi trên đó sự thống nhất và toàn vẹn của một cá nhân phụ thuộc vào và là nơi đón nhận dòng chẩy của toàn bộ hiện hữu cụ thể của nhân loại (Karl Rahner diễn giải một phần).
2. Nó là sự giao diện giữa bản chất thể xác và tinh thần của con người, vượt qua thuyết nhị nguyên của Platông về thể xác và linh hồn. Vì vậy, trái tim cũng trở thành trụ sở của lòng đạo, một cửa sổ mở ra đón nhận siêu việt.
Trong Kinh thánh cũng vậy, hạn từ trái tim - xuất hiện gần một nghìn lần - hiếm khi có nghĩa là cơ quan vật lý đang đập trong lồng ngực. Thay vào đó, nó thường tượng trưng cho một khả năng bên trong của con người, chẳng hạn như khả năng nhận biết, phân định, ghi nhớ - hay đơn giản hơn, nó cho thấy con người như một tổng thể, một toàn bộ mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể biết đầy đủ. Chúng ta hãy đi sâu hơn vào mầu nhiệm chúng ta ưa thích trái tim này. Đức Giáo Hoàng Piô XII vĩ đại, trong thông điệp Haurietis aquas [các con sẽ múc nước] năm 1956, dành riêng cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã coi trái tim của Chúa Kitô là “phần cao quý nhất” trong bản chất con người của Người. Ngài tuyên bố điều này mặc dù thừa nhận rằng tất cả các phần của Thân Mình Chúa Giêsu Kitô đều được kết hợp về mặt ngôi vị (91) với Ngôi Lời, và do đó xứng đáng được tôn thờ và sùng kính như Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh. Việc sùng kính các phần cụ thể của Thân Mình Chúa Giêsu thực sự đã xuất hiện trong Kitô giáo qua nhiều thế kỷ: Thánh Tâm, Thánh Nhan, Các Vết Thương của Chúa. Ngay cả khi được đổi mới phần nào trong lòng sùng kính rộng rãi đối với Lòng Thương Xót Chúa được Thánh Faustina cổ vũ, điều vẫn đáng tiếc là ngày nay lòng sùng kính phổ biến đối với Thánh Tâm Chúa đã gần như bị lãng quên. Tuy nhiên, nó chắc chắn đáng để bình luận về nó, vì nó từng là xương sống của một nền linh đạo phổ biến được nhiều người bình thường hiểu rõ, được các nhà huyền nhiệm xác nhận và được hỗ trợ bởi một hệ thống thần học mạnh mẽ. Do đó, những hình ảnh về Thánh Tâm hiện diện ở hầu hết các giáo hội và cho đến gần đây, chúng có thể được tìm thấy trong mọi gia đình Công Giáo. Hình ảnh của nó thực sự tóm tắt mầu nhiệm Cứu Chuộc một cách rất hữu hiệu và mạnh mẽ.
Chúng ta hãy thực sự tập trung vào những hình ảnh đại diện phổ biến hơn của nó, chẳng hạn như những hình ảnh của Batoni (92) hay Morgari, (93) được các chuyên gia nghệ thuật cho là tầm thường và gây khó chịu: khuôn mặt thanh bình của Chúa Kitô, cái nhìn yêu thương và xuyên thấu của Người dành cho bất cứ ai nhìn vào Người khi Người chỉ vào trung tâm trên ngực Người với đôi tay vẫn mang dấu đinh của Cuộc Khổ Nạn. Trong những mô tả này, trái tim của Người bị đâm bởi một ngọn giáo, đội mão gai nhưng vẫn cháy bỏng tình yêu dành cho nhân loại, đằng sau một Thập giá. Lòng sùng kính Thánh Tâm là một lòng sùng kính có nguồn gốc từ Kinh thánh và được nhắc đến trong các trước tác giáo phụ. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự đạt được đà vào thế kỷ XVII, với những cuộc hiện ra với Thánh Margaret Mary Alacoque. Linh đạo Thánh Tâm tôn vinh tình yêu thương xót của Thiên Chúa một cách rất cụ thể nhờ hình ảnh trái tim: đó là lời kêu gọi sám hối và đền tội. Như đã thấy trước kế hoạch khôn lường của Thiên Chúa, Thánh Tâm chắc chắn đã giúp cứu rỗi vô số linh hồn.
Một vài khái niệm giải phẫu
Mô cơ rất cần thiết cho đời sống động vật và có thể được tổ chức thành các cơ quan cơ thực tế để cho phép tính di chuyển. Ngoài ra, nó cũng có thể hình thành các bó hoặc lớp cơ mịn hơn bao quanh các cơ quan nội tạng để hỗ trợ hoạt động bình thường của chúng, chẳng hạn như nhu động [peristalsis] (94) trong ruột. Có ba loại mô cơ có thể dễ dàng phân biệt với nhau về mặt mô học:
1. Cơ xương có vân [Striated skeletal muscle] tạo thành cơ dưới sự điều khiển tự nguyện. Nó được định nghĩa là có vân vì nó được tạo thành từ các sợi tơ cơ actin và myosin song song hoàn toàn hiển thị các dải sáng và tối vuông góc. Các tế bào cơ, chứa nhiều sợi tơ cơ, hợp nhất với nhau, tạo thành các sợi cơ hình trụ bằng cách chia sẻ các nhân chứa DNA ở ngoại vi và lệch tâm. Mô này được gọi là xương vì nó tạo nên các cơ liên kết các xương của thân, đầu và các chi với nhau, cho phép các chuyển động qua lại của chúng được điều khiển bởi hệ thần kinh trung ương.
2. Cơ trơn [smooth muscle] được tạo thành từ các tế bào hình trục đơn nhất với các nhân nằm ở trung tâm. Không có đường vân có thứ tự nào có thể được nhận ra trong các sợi tơ cơ bên trong tế bào của nó. Mô thường co bóp chậm và nhịp nhàng khi được kích thích bởi hệ thần kinh tự chủ. (96)
3. Mô cơ tim [Heart muscle tissue] có một số đặc điểm trung gian: nó có vân, ngay cả khi theo cách kém đều đặn và đồng đều hơn so với cơ xương. Các tế bào của nó được nối với nhau nhưng không hợp nhất. Chúng vẫn khác biệt với nhau và hạt nhân nằm ở trung tâm của chúng không được chia sẻ. Thông thường, các tế bào cơ tim có xu hướng phân nhánh, tạo ra các phần phụ mà chúng sử dụng để kết nối với các tế bào lân cận khác ở các chi. Nhìn chung, chúng tạo ra một loại “lưới cơ bắp” với các bộ phận nối độc đáo, chắc chắn và dễ nhận biết, được gọi là các đĩa xen kẽ, tại các điểm tiếp xúc. Các mô tự co bóp, được điều khiển bởi các tế bào tạo nhịp tim chuyên biệt. Chúng tạo ra và truyền tín hiệu điện khắp tim bằng phương pháp tự kích thích định kỳ. Tuy nhiên, hoạt động nhịp độ của chúng bị ảnh hưởng bởi các tín hiệu từ hệ thống thần kinh tự trị và các hormone tuần hoàn như adrenaline.
Mô cơ tim
Cấu trúc tế bào có vân độc đáo và khung tổng thể không thể nhầm lẫn của mô cơ tim sẽ giúp nhận biết tương đối dễ dàng dưới kính hiển vi ánh sáng sau khi nhuộm đầy đủ. Kính hiển vi điện tử sau đó có thể phóng to hơn nữa để xác định các chi tiết dưới tế bào độc đáo. Cuối cùng, hóa mô miễn dịch có thể phát hiện các protein cụ thể, bên trong tế bào hoặc trên bề mặt của nó, đưa ra xác nhận phân tử sâu hơn về danh tính của mô. Tuy nhiên, từ những tường thuật về các phép lạ Thánh Thể mà chúng ta đang nghiên cứu, chúng ta đã biết rằng những mô lạ lùng này dường như có khả năng tự bảo quản theo một cách thách thức mọi kỳ vọng của khoa học: các thánh tích thường được đặt trong các mặt nhật trong suốt, ít nhiều có khả năng thấm nước ở nhiệt độ phòng và được trưng bày cho các tín hữu sốt sắng. Chúng chưa bao giờ được đóng kín trong ống nghiệm vô trùng ở nhiệt độ âm 80 độ! Những điều kiện tồi tệ nhất là những điều kiện mà mô Buenos Aires năm 1996 phải chịu đựng. Nó được bảo quản trong một tháng trong nước máy thông thường và sau đó trong nhiều năm trong nước cất. Nước cất chắc chắn sẽ phá hủy sự thẩm lọc [osmotic] của bất cứ mô sinh học nào chỉ trong thời gian vài ngày.
Trong tất cả năm trường hợp chúng ta đang xem xét, việc xác định mô cơ tim luôn đạt được sau khi nghiên cứu cẩn thận và chẩn đoán phân biệt kỹ lưỡng. (97) Chúng ta hãy xem xét từng trường hợp một.
Ở Lanciano, mặc dù không có khả năng nhuộm nhân tế bào và không có vân, nhưng mô cổ xưa này rõ ràng có nguồn gốc trung bì [mesodermal] (98) và hiển thị các mối nối hợp bào [syncytial] (99) được hình thành bởi các sợi tế bào thông qua các phân nhánh và liên kết qua lại, nhiều đặc điểm điển hình của mô cơ tim (như trong báo cáo nguyên khởi của Giáo sư Odoardo Linoli). Nhưng không chỉ hình dáng hiển vi của mô từ Lanciano mới gợi ý về bản chất tim của nó: toàn bộ cấu trúc vĩ mô của Thịt gợi lại một mặt cắt ngang của toàn bộ trái tim, hoàn chỉnh với các chi tiết bao gồm mạch máu động mạch và tĩnh mạch, dây thần kinh phế vị [vagus] và lớp nội mô [endothelial] lót bên trong buồng tim. Giáo sư Linoli đã chia sẻ với Giáo sư Ruggero Bertelli từ Siena chẩn đoán dứt khoát và chắc chắn của ông: đó là mô tim của con người, được xác nhận bằng xét nghiệm Uhlenhuth. (100)
Khoảng tháng 3 năm 2000, nghiên cứu ở Buenos Aires về mẫu muestra humeda [mẫu ướt] từ biến cố năm 1996 được giao cho Tiến sĩ Robert Lawrence, giám định viên pháp y người California tại Hiệp hội Bệnh lý Delta ở Stockton, người đã chuẩn bị các phiến kính hiển vi. Tiến sĩ Lawrence mô tả một mô bị thoái hóa và khó nhận biết mà ông cho rằng đó là da. Điều khiến ông chú ý là mức độ thâm nhập cao của các tế bào bạch cầu, một đặc điểm quan trọng của tình trạng viêm. Trong những tháng và năm tiếp theo, những slides tương tự được chiếu cho các chuyên gia khác xem, và một trong số họ đã đưa ra giả thuyết về mô cơ. Kinh nghiệm phi thường của Giáo sư Zugibe, trưởng khoa pháp y và bác sĩ tim mạch tại Quận Rockland ở New York, cuối cùng đã được yêu cầu để đưa ra một chẩn đoán chính xác. Nhiều năm sau, ngay cả bác sĩ Lawrence cũng đồng ý với chẩn đoán của Giáo sư Zugibe tại một cuộc họp ở St. Francisco.
Đối với phép lạ Tixtla cũng vậy, các phiến kính hiển vi được chuẩn bị bởi hai phòng thí nghiệm khác nhau ở Mexico và Guatemala cho thấy một mô khó xác định. Các tế bào đặc biệt bị suy thoái do quá trình tự hủy diệt: các vân và các đĩa xen kẽ bị mất và nhân không phải lúc nào cũng ở trung tâm. Tuy nhiên, cấu trúc tổng thể của các tế bào dài, hầu hết song song và thường xuyên phân nhánh, liên kết trực tiếp với các sợi lân cận không thể không gợi nhớ hình dáng của cơ tim. Tiến sĩ Eduardo Sánchez Lazo tuyên bố rằng các xét nghiệm hóa mô miễn dịch - thật không may là không chỉ rõ xét nghiệm nào - đã xác nhận bản chất tim của mô và phát hiện này đã được đưa vào báo cáo cuối cùng của phòng thí nghiệm Mexico. Ngược lại, Tiến sĩ Carlos Parellada thông báo với chúng ta rằng các phiến kính Guatemala không phản ứng với các thăm dò mô hóa học desmin và myosin (101), và điều này được cho là do tình trạng kém của mô. Cuối cùng, bác sĩ tim mạch Colombia, Tiến sĩ Marco Blanquicett Anaya đã nhận ra cấu trúc mô của mô cơ tim bị nhồi máu và viêm: nói cách khác, mô tim có lẽ đã bị lên cơn đau tim.
Tại Sokółka, Giáo sư Stanisław Sulkowski và Giáo sư Maria Elżbieta SobaniecŁotowska tại Đại học Białystok đã kết luận trong báo cáo khoa học của họ rằng mô mà họ phân tích có nguồn gốc từ tim “hoặc ít nhất, trong số tất cả các mô khác của sinh vật sống, mô cơ tim là cái giống nó nhất.” Như họ đã giải thích, các sợi của nó cho thấy các hạt nhân nằm ở trung tâm.
Hơn nữa, tàn dư của các đĩa xen kẽ và bó sợi cơ mỏng manh có thể được lượng giá dưới kính hiển vi điện tử.
Cuối cùng, liên quan đến phép lạ Legnica, các cuộc điều tra ban đầu được thực hiện tại Đại học Wrocław đã ngay lập tức mô tả một vật liệu giống như mô cơ có vân. Tuy nhiên, mẫu thiếu khả năng phản ứng với hai dấu hiệu hóa mô miễn dịch do sự thoái hóa mô trong bối cảnh tiếp xúc với nước kéo dài. Là một phần của thử nghiệm sâu hơn tại Đại học Szczecin, kính hiển vi ánh sáng cực tím có bộ lọc màu cam đã xác nhận bản chất tim của mô cơ bằng những hình ảnh rất giống với hình ảnh thu được ở Sokółka. Xét nghiệm DNA cuối cùng đã xác nhận nguồn gốc con người.
Trái tim đau khổ
Vì điều đã được thiết lập là mô cơ tim có vân đã được nhận diện trong tất cả năm phép lạ được chúng ta xem xét, giờ đây có thể rút ra một kết luận chẩn đoán mạnh mẽ dựa trên tất cả các nghiên cứu đã được thực hiện, ngoại trừ những nghiên cứu của Giáo sư Linoli về phép lạ cổ xưa ở Lanciano, đã làm không mang lại đủ thông tin lâm sàng cho mục đích này. Tuy nhiên, ngoại lệ dành cho Lanciano là khá dễ hiểu: việc chứng minh bản chất tim của mô mười ba trăm năm tuổi được lưu trữ trong một mặt nhật mà không có chất bảo quản đã là một kỳ công đáng kinh ngạc. Hơn nữa, các phân tích mô tốt hơn không thể được thực hiện một cách thực tế về phép lạ đó vào năm 1970. Thay vào đó, các mô cơ tim của Buenos Aires, Tixtla, Sokółka và Legnica đều tiết lộ các dấu hiệu bệnh lý chuyên biệt gợi ý đến một chẩn đoán vi sai [differential] phổ biến và hẹp: một số lượng hạn chế về các tình trạng y tế và chấn thương có thể làm phát sinh các đặc điểm bất thường được thấy trong các mô này - tất cả đều liên quan đến sự đau khổ tột cùng về thể chất, cảm xúc và tinh thần theo nghĩa rộng phi y khoa hơn. Thật đáng ngạc nhiên, những dấu hiệu đau khổ này vẫn có thể được lượng giá và phân biệt với các dấu hiệu thoái hóa và tự phân hủy mô ít chuyên biệt hơn liên quan đến thời gian. Những điều vừa kể chắc chắn sẽ trở nên trầm trọng hơn do tiếp xúc với các điều kiện bảo quản kém hoặc thậm chí bất lợi - đặc biệt là ở Buenos Aires và Tixtla - trong khoảng thời gian kéo dài giữa sự xuất hiện của từng mô và việc lấy mẫu nó.
Chúng ta biết rằng mô tim được xác định trong bốn phép lạ này đến từ một trái tim đang trải qua nỗi đau khủng khiếp, bị siết chặt bởi những cơn co thắt dữ dội: một trái tim - ít nhất là ở Buenos Aires và Tixtla - vẫn còn đau đớn vào thời điểm lấy mẫu mô học.
Bằng cách tích hợp kết quả của bốn cuộc điều tra, chúng ta có thể đưa ra chẩn đoán mô bệnh học chính xác dựa trên hai phát hiện chung chính:
1. Có dấu hiệu rõ ràng về sự phân mảnh và phân chia của các sợi cơ tim, đặc biệt là ở các mô Sokółka và Legnica được bảo quản tốt hơn. Hơn nữa, sự hoại tử dải co thắt [contraction band necrosis] cũng được mô tả trong các sợi tim của phép lạ Sokółka.
2. Có sự xâm nhập đáng kể của bạch cầu vào các mô ở Buenos Aires và Tixtla.
Chúng ta hãy cố gắng hiểu điều này tốt hơn. Khi nói đến sự phân mảnh, chúng ta muốn nói đến sự đứt gãy hoàn toàn của một tế bào cơ tim theo chiều dài của nó, tại bất cứ thời điểm nào, thậm chí lặp đi lặp lại. Thay vào đó, chúng ta đang nói chính xác hơn về sự phân chia khi đề cập đến sự tách rời giữa các tế bào tại vị trí của các đĩa xen kẽ: các yếu tố kết nối chặt chẽ các sợi cơ với nhau, cho phép chúng co lại đồng thời. Cả hai loại chấn thương đều là một phần - hoặc đúng hơn, là kết quả cuối cùng của - một bức tranh mô bệnh học do sự co thắt đột biến và quá mức các sợi tơ cơ. Liên quan đến những loại chấn thương này là tổn thương mô nghiêm trọng do hoại tử dải co thắt, hay CBN. Điều này có đặc điểm ở các dải co thắt dày lên trải dài theo trục ngắn của các sợi cơ tim, song song với các đĩa xen kẽ của chúng. Tất cả những thay đổi tế bào này cũng liên quan đến sự xuất hiện của các tế bào bạch cầu từ máu lưu thông, đầu tiên là một phản ứng phòng thủ và sau đó là phá hủy các cấu trúc không thể phục hồi. Điều này thường xảy ra theo một trình tự thời gian được ghi chép rất rõ ràng, bao gồm, ngay từ vài phút đầu tiên, sự xâm nhập của bạch cầu đa nhân [polymorphonuclear leukocytes], (102) sau đó được thay thế - ngay từ ngày đầu tiên - bởi bạch cầu đơn nhân và đại thực bào.(103)
Bức tranh bệnh lý mà chúng ta vừa mô tả là bệnh cơ tim do căng thẳng, mà các nhà giải phẫu bệnh học đã nhận diện, trong nhiều thập niên, ở những nạn nhân của các vụ tai nạn máy bay hoặc giết người sau khi bị đánh đập tàn bạo và những cái chết do đột quỵ hoặc ngạt thở - do đó, tất cả những tình huống trong đó một trái tim vốn khỏe mạnh trước đây sẽ phải đối diện với một căng thẳng cực kỳ mạnh về thể chất trong vài phút, vài giờ hoặc hiếm khi là vài ngày, hoặc thậm chí chỉ là căng thẳng về mặt cảm xúc, chẳng hạn như nỗi sợ hãi hoặc sự chắc chắn về cái chết sắp xảy ra. Cơ chế này, được ghi nhận bằng thực nghiệm trong các nghiên cứu trên động vật, liên quan đến việc tiếp xúc với lượng amin có hoạt tính sinh học [catecholamine] cao. (104) Chất này có thể vừa nội sinh (105) vừa được giải phóng cục bộ bởi hệ thần kinh giao cảm (106) các đầu dây thần kinh kích thích trực tiếp đến tim. Tổn thương mô được gây ra bởi dòng canxi (107) đi vào tế bào cơ tim và kích hoạt các tác nhân oxy hóa độc hại.
Bệnh cơ tim do căng thẳng đã được các bác sĩ tim mạch phân loại trong vài năm gần đây trong bối cảnh hội chứng takotsubo được chẩn đoán thường xuyên hơn bao giờ hết. Hạn từ gây tò mò này, có nghĩa đen là "nồi câu cá để bẫy bạch tuộc", dùng để chỉ những cái bẫy có hình dạng giống như những chiếc chậu đất sét vẫn được ngư dân Nhật Bản sử dụng để bắt những loài động vật chân đầu [cephalopods] ngon miệng. Sở dĩ hội chứng này được đặt tên theo những bẫy bạch tuộc này là vì khá thường xuyên, ở giai đoạn đầu của bệnh, trái tim bị ảnh hưởng có hình dạng giống một trong số chúng: phần trên của tâm thất trái co bóp quá mức, trông giống như một chiếc cổ hẹp. Thay vào đó, phần dưới của tâm thất phồng lên ra ngoài và đập ở mức tối thiểu, với “đỉnh” của trái tim thực sự đứng yên, giống như phần dưới cùng của một chiếc bình hai quai [amphora] cổ xưa.
Thuật ngữ takotsubo này chiếm ưu thế vì nó được các bác sĩ Nhật Bản sử dụng lần đầu tiên vào năm 1990 để mô tả một nhóm bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi tình trạng này: họ thường là phụ nữ trung niên, có các triệu chứng, xét nghiệm máu và những thay đổi trên điện tâm đồ gợi ý đến một “cơn đau tim”, điều đáng ngạc nhiên là họ không chứng minh được bằng chứng tắc nghẽn động mạch vành của họ. Thay vào đó, điểm chung của tất cả những bệnh nhân này là sự hiện diện của một sự kiện gây căng thẳng cao độ, chẳng hạn như cái chết trong gia đình, đánh nhau hoặc tai nạn xe cơ giới trong vài phút hoặc vài giờ trước đó. May mắn thay, sau khi vượt qua giai đoạn cấp tính, những bệnh nhân này thường lấy lại khả năng co bóp tim bình thường trong những tuần tiếp theo và hồi phục tốt. Tuy nhiên, trong vài giờ và ngày đầu tiên, tình trạng có thể nghiêm trọng và dễ xảy ra các biến chứng như suy tim kèm phù phổi, nhịp tim bất thường nguy hiểm và có thể gây tử vong, thậm chí vỡ thành cơ tim đã căng quá mức, dẫn đến tràn máu màng ngoài tim: trong tình trạng này, máu từ tim vỡ sẽ tích tụ trong khoảng trống giữa thành cơ tim và màng ngoài tim, một túi xơ bảo vệ bao bọc tim. Sự tích tụ máu liên tục cuối cùng sẽ tạo ra tác động nén lên tim, làm suy giảm khả năng bơm máu của tim. Tình trạng này được gọi là chèn ép tim, một tình trạng nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị bằng phương pháp giảm áp; tình trạng này, chứ không phải chỉ là ngạt thở, có thể là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến cái chết của Chúa Kitô trên Thập Giá.
Tôi sẽ chỉ gợi ý một chẩn đoán khác có thể xảy ra mặc dù ít xác suất xảy ra hơn, đặc biệt khi, từ quan điểm bệnh lý giải phẫu, cấu trúc bên trong của các tế bào cơ trong mô ít được xác định rõ ràng hơn: một “cơn đau tim cổ điển” do tắc nghẽn một trong các mạch máu vành chính mang máu đến tim. Trong trường hợp này cũng vậy, sẽ có sự xâm nhập của bạch cầu trung tính, sau đó là bạch cầu đơn nhân và đại thực bào. Các tế bào cơ tim sẽ trải qua điều gọi là hoại tử đông máu, (108) với sự mất đi các cấu trúc bên trong có thể nhận thấy được, nhưng ở trạng thái nghỉ ngơi, không có bằng chứng về sự co bóp và không có hoặc có sự xuất hiện tối thiểu của hoại tử với các dải co thắt hoặc CBN. Tuy nhiên, CBN có thể xuất hiện bất cứ khi nào mô nhồi máu được tái tưới máu: sự trở lại của nguồn cung cấp máu tươi do tắc nghẽn động mạch bị phá vỡ tự phát hoặc do trị liệu.
Chúng ta hãy quay lại nghe những lời của Giáo sư Frederick Zugibe được ghi lại khi ông đang xem mẫu Buenos Aires 1996 lần đầu tiên mà không biết nguồn gốc của nó:
Cơ tim này bị viêm; nó đã mất đi các đường vân và bị bạch cầu xâm nhập.... Trái tim của người này đã bị tổn thương và bị chấn thương. Lưu lượng máu bị suy giảm và một phần cơ tim đã bị hoại tử. Nó giống với những gì tôi thấy trong các vụ tai nạn trên đường, khi tim phải trải qua các thủ thuật hồi sức kéo dài, hoặc nó giống với những gì tôi thấy khi ai đó bị đánh nặng vào ngực.
Trong báo cáo cuối cùng vào tháng 3 năm 2005, Giáo sư Zugibe đã tuyên bố như sau:
Slide [kính hiển vi] bao gồm mô tim hiển thị những thay đổi thoái hóa... mất các đường vân, viêm mủ hạt nhân, tập hợp các tế bào viêm hỗn hợp bao gồm các tế bào viêm mãn tính (đại thực bào), là những tế bào chiếm ưu thế, trộn lẫn với số lượng nhỏ hơn các tế bào viêm cấp tính (bạch cầu, chủ yếu là bạch cầu đa nhân).
Những thay đổi thoái hóa này phù hợp với một cơn nhồi máu cơ tim gần đây kéo dài vài ngày do tắc nghẽn động mạch vành... do hình thành cục máu đông... hoặc chấn thương thành ngực. Việc xác định niên đại của tổn thương được bắt nguồn từ những phát hiện về sự chiếm ưu thế của các tế bào viêm mãn tính, sự thay đổi thoái hóa của cơ tim với mất các đường vân, sự pyknosis [sự kết đặc] của nhân, v.v.
Tiến sĩ Blanquicett Anaya - một bác sĩ tim mạch người Colombia mà Tiến sĩ Castañón đã cho xem mẫu Tixtla vào tháng 6 năm 2014 - cũng nhận ra sự hiện diện của các tế bào hồng cầu liên quan đến các tế bào viêm như bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan và một tế bào không bào có hình dạng đại thực bào, với các cấu trúc giống như sợi có nhân bị tự phân giải: một hình ảnh gợi ý mô tim bị nhồi máu hoặc mô chịu được áp lực sinh lý đáng kể, trong đó phản ứng viêm điển hình đang diễn ra.
Để kết luận, tôi sẽ nhắc lại rằng, bất kể chẩn đoán tổng thể như thế nào, sự phân mảnh và phân chia tế bào cơ tim là dấu hiệu không thể nghi ngờ của cơn đau cấp tính và đau đớn nhất, của những cơn co thắt quá nhanh và dữ dội đến mức có thể tự phá vỡ các tế bào cơ. Đây là những vết thương chỉ có thể xảy ra ở một trái tim sắp chết, tiêu hao hết năng lực còn lại trước khi chết.
Còn sống?
Cuối cùng, một sự thật thực sự đáng kinh ngạc: Ngoại trừ di tích Lanciano cổ xưa và được ướp xác một cách mầu nhiệm, tất cả bốn mô còn lại chắc chắn đều bộc lộ các đặc điểm sống bất chấp sự xuống cấp và tự phân hủy đồng thời. Hãy mở rộng điều này.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 7 tháng 12 năm 2000, Tiến sĩ Lawrence - người đang nghiên cứu mẫu ở Buenos Aires năm 1996 - giải thích rằng ông đã cố gắng cố định các tế bào bạch cầu thực sự sống và hoạt động vào thời điểm lấy mẫu trên kính hiển vi. Hơn nữa, ông nhận xét rằng ông không thể giải thích làm thế nào mà những bạch cầu đó có thể tồn tại suốt ba năm trong nước mà không bị hòa tan, khi sự phá hủy của chúng thường chắc chắn xảy ra trong vòng vài phút, hoặc nhiều nhất là một giờ, sau khi bị tách khỏi sinh vật sống mà từ đó chúng phát xuất, hoặc sau khi nó chết. Bốn năm sau, Giáo sư Zugibe cũng bày tỏ cùng một quan điểm sau khi xem xét slide đó.
Tuy nhiên, ông cũng nhận xét về sự xâm nhập vào mô của bạch cầu, loại bạch cầu “thường không sống trong tim mà rời máu và hướng tới vị trí chấn thương hoặc vết thương”. Do đó, ông kết luận rằng “mẫu vẫn còn sống vào thời điểm nó được lấy”. Hơn nữa, ông cũng chỉ rõ rằng sau một thời gian dài ở trong nước, không chỉ các tế bào bạch cầu sẽ biến mất mà bất cứ tế bào nào khác của con người cũng sẽ không còn nhận ra được.
Ở Tixtla, một đại thực bào thậm chí còn được phát hiện trên slide kính hiển vi đang thực hiện nhiệm vụ thông thường của nó: nuốt các mảnh vụn tế bào. Quy trình chuẩn bị tiêu bản kính hiển vi đã làm gián đoạn sự sống của đại thực bào đó, ghi lại mãi mãi vẻ sống động và năng động của nó, đồng thời tế bào chất [cytoplsam] của nó chứa đầy các khoảng không bào [vacuolations] lipid (109) vừa bị nuốt vào. Cần phải hiểu rằng phản ứng viêm giống như phản ứng chúng ta thấy ở các mô ở Buenos Aires và Tixtla là bằng chứng cho thấy sự hiện diện đồng thời của một sinh vật hoàn chỉnh vẫn đang sống với hệ thống miễn dịch đang hoạt động, một sinh vật có khả năng điều phối một chuỗi các biến cố phức tạp liên quan đến một số quần thể các tế bào hệ thống miễn dịch được kích thích và kích hoạt thích đáng.
Như thế, những phép lạ này không chỉ là sự xuất hiện của mô cơ tim “từ hư không” hay tách ra khỏi cơ thể mà nó thuộc về ban đầu. Ngược lại, mô lạ lùng này vẫn sống và hoạt động vì nó được kết nối một cách mầu nhiệm với một cơ thể hoàn chỉnh, vô hình. Điều này là do các tế bào bạch cầu không được sản xuất cục bộ trong mô bị viêm mà đến từ nơi khác, di chuyển đến đích nhờ dòng máu hoạt động và bị thu hút bởi phản ứng viêm. Bạch cầu cho chúng ta biết về toàn bộ cơ thể đang sống và cố gắng sửa chữa một trong những mô bị viêm và bị thương.
Trong những tuần sau sự kiện ở Buenos Aires năm 1992, một số cuộc điều tra ban đầu đã được tiến hành với rất nhiều thiện chí và rất ít phương tiện bởi Tiến sĩ Adhelma Myrian Segovia de Sasot, một nhà huyết học tại Bệnh viện J. M. Ramos Mejía trong cùng thành phố. Trong một báo cáo tháng 6 năm 1992, bác sĩ mô tả, vẫn còn tươi, mô sinh học đó, hiện đã khô, tạo thành thánh tích có thể nhìn thấy ngày nay ở Santa Maria tại Avenida La Plata. Khía cạnh vĩ mô của nó gợi nhớ đến cục máu đông, nhưng dưới độ phóng đại công suất thấp (x16) và không cần quy trình nhuộm màu, cấu trúc phân lớp được lượng giá và mô tả cẩn thận, mặc dù không được công nhận chính thức về mặt mô học. Trong cấu trúc của mô mầu nhiệm đó, Tiến sĩ Segovia de Sasot đã từng mô tả một khu vực mà trong tiếng Tây Ban Nha chính xác của bà là “parecía latir ritmicamente” - “dường như đang đập nhịp nhàng”. Chỉ một khu vực, và duy nhất một lần: không có máy quay nào ghi lại sự kiện, nhưng bà không thể không mô tả những gì mắt mình đã nhìn thấy, bất chấp khả năng khó xảy ra của nó. Tại sao một chuyên gia lại đặt danh tiếng của mình vào nguy hiểm và đe dọa uy tín của chính bà trong tư cách một bác sĩ huyết học bằng cách chứng kiến một sự kiện vô lý, nếu không phải bởi vì, bất chấp mọi thứ, đó đơn giản và thực sự là những gì bà thực sự nhìn thấy? Các tế bào duy nhất chuyển động nhịp nhàng là tế bào cơ. Đặc biệt, khả năng co bóp nhịp nhàng và tự động chỉ có ở tế bào cơ tim. Nếu chúng ta chấp nhận lời chứng bằng văn bản và có chữ ký của Tiến sĩ Segovia de Sasot - người không may qua đời vào năm 2000 - thì chúng ta sẽ phải chấp nhận bằng chứng, một bằng chứng ngổn ngang, rằng những tế bào này, dù là cơ tim hay không, thực sự là còn sống.
Giáo sư Linoli có thể rút ra cùng một kết luận đáng kinh ngạc khi nghiên cứu hình dáng vĩ mô của Thịt Lanciano. Thánh tích hình tròn vẫn còn có trên các cạnh của nó khoảng mười bốn vết thủng gần như cách nhau bằng nhau được tạo ra bởi ghim hoặc đinh nhỏ, rất có thể được sử dụng tại một thời điểm nào đó trong quá khứ để bảo đảm thánh tích vẫn được gắn vào một số bề mặt hỗ trợ. Linoli nghĩ rằng “thủ tục đóng đinh” phải được thực hiện trong vài giờ đầu tiên sau khi phép lạ xảy ra, chính là để chống lại hiện tượng rigor mortis [xác chết cứng đờ], nếu không thì thánh tích sẽ bị vò nát. Hình dạng hiện tại của Thịt Lanciano là hình tròn, với phần rỗng ở giữa trống rỗng. Điều này không phải ngẫu nhiên mà đúng hơn, nó là kết quả của cấu trúc trái tim rỗng tự nhiên của chính nó được kết hợp bởi lực kéo căng liên quan đến xác chết chứng đờ “ly tâm”, do các móng tay tác động dọc theo đường viền của nó. Lực như vậy sẽ góp phần làm rách phần trung tâm không có đinh của nó, tạo ra một khoảng trống ở trung tâm thậm chí còn rộng hơn. Dựa trên lý thuyết xác chết cứng đờ này, Giáo sư Linoli cho rằng Thịt ở Lanciano chắc hẳn cũng còn sống vào thời điểm nó hiện ra một cách lạ lùng vào thế kỷ thứ tám.
Tóm lại, chúng ta đang phải đối diện với sự chập mạch của lý trí con người: các công cụ khoa học đang chứng minh một cách rõ ràng một thực tại sinh học được ban tặng tính phức tạp tao nhã của các mô sống. Tuy nhiên, những công cụ nghiêm ngặt đó hoàn toàn không thể xác định được những mô đó đến từ đâu và tại sao chúng tiếp tục miễn nhiễm phần nào khỏi sự phân hủy tự nhiên, bất chấp các quy luật sinh học. Làm sao một mảnh trái tim sống lại có thể xuất hiện giữa một miếng bánh? Và làm thế nào nó có thể tự bảo quản trong nhiều năm trong nước, hoặc thậm chí là nước cất, chỉ bị hư hỏng một phần “trong chuyển động chậm” trong khi vẫn có thể được thử nghiệm y tế và khoa học nhiều năm sau đó? Làm thế nào có thể giải thích được sự sống sót của các quần thể tế bào tạm thời - chẳng hạn như bạch cầu - và sức sống của chúng tại thời điểm lấy mẫu trong điều kiện không có dinh dưỡng và trong môi trường khắc nghiệt? Đó là một bài toán hóc búa không có giải đáp đối với một con người làm khoa học.
Đức tin mà Giáo Hội Công Giáo luôn tuyên xưng giờ đây đã đến để giải cứu chúng ta.
Các phép lạ Thánh Thể cho chúng ta biết về một Thân Thể bị thương, bị tra tấn đến chết trên thập giá ở ngoại ô Giêrusalem vào một ngày Thứ Sáu trước Lễ Phục Sinh trong khoảng thời gian từ năm 30 đến 33 sau Công nguyên. Trong tính bất cái nhiên gây ngạc nhiên của chúng, các phép lạ này đã tỏ lộ một cách thận trọng nhưng rõ ràng ai thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể cho bất cứ ai thực sự nỗ lực để hiểu chúng. Chúng nói về một sự hiện diện vượt qua những giới hạn của thời gian và không gian một cách mầu nhiệm: một sự hiện diện trong bất cứ nhà tạm nào ở bất cứ vĩ tuyến hay kinh tuyến nào trên khắp thế giới, một sự hiện diện hôm nay cũng như ngày hôm qua hoặc sẽ như vậy vào ngày mai cho đến tận cùng thời gian. Mình Thánh Thể bị thương tích cũng là Mình Thánh Chúa đang vinh hiển ngự bên hữu Chúa Cha, cho dù đồng thời chịu đau khổ bằng cái chết bi thảm trên Đồi Golgotha trong hiện tại vĩnh cửu. Trong tư cách các công dân đương thời đầy tự hào của thế giới kỹ thuật số và kỹ thuật, chúng ta cũng có cơ hội sử dụng các công cụ khoa học cực kỳ mạnh mẽ để duy trì niềm tin vào trái tim sống động và đau khổ sẽ thống khổ cho đến ngày tận thế.
Tái bút
Tại Đại hội Quốc tế về Khăn Liệm Học [Sindonology] (110) gần đây nhất, được tổ chức tại Pasco, Washington, vào tháng 7 năm 2017, một bác sĩ tim mạch người Ý, Tiến sĩ Pietro Pescetelli, đã đề xuất một trình tự sinh lý bệnh học có thể dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu thành Nadarét hoàn toàn phù hợp với những gì đã được thảo luận trong chương này. Bác sĩ tim mạch, bằng cách kết hợp dữ kiện “lâm sàng” có thể thu thập được từ Tin Mừng Thương Khó với bằng chứng “y tế-pháp lý” rút ra từ Tấm Khăn Liệm, đã thách thức lý thuyết phổ biến hiện nay về cái chết do sự ngạt thở của Đấng Chịu Đóng Đinh. Các Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu là người tỉnh táo và sáng suốt đến phút cuối cùng, có thể nuốt, nói và thậm chí la lớn cho đến phút cuối cùng. Hơn nữa, như Tấm Khăn Liệm xác nhận, Tin Mừng Thánh Gioan mô tả cả Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm của Chúa Giêsu sau khi Người chết.
Vậy thì, theo Tiến sĩ Pescetelli, tất cả những điều này đều phù hợp với việc trái tim của Chúa Giêsu đang bị căng thẳng liên quan đến loại amin có hoạt tính sinh học [catecholamine], có khả năng bắt chước một cơn đau tim, ngay cả khi không mắc bệnh tắc nghẽn động mạch vành khó có thể xảy ra về mặt lâm sàng ở một thanh niên ba mươi tuổi. Căng thẳng sinh lý liên quan đến loại amin có hoạt tính sinh học này có thể nghiêm trọng đến mức thực sự gây ra tình trạng vỡ thành tâm thất của trái tim Chúa Giêsu. Điều này có thể dẫn đến việc tụ máu trong màng ngoài tim của Người, dẫn đến chèn ép màng ngoài tim và tử vong ngay lập tức. Sau khi chết, Máu tích lũy của Người đọng lại theo chiều dọc trong màng ngoài tim xung quanh tim trong vài giờ: nó trải qua quá trình lắng đọng như dự kiến, với thành phần tế bào lắng đọng ở phía dưới và huyết thanh trong suốt nổi lên trên. Sau khi viên đội trưởng đâm ngọn giáo vào khoang liên sườn [intercostal space] thứ sáu bên phải, Máu và huyết thanh như nước đã đổ ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu, theo lời tường thuật trong Tin Mừng Thánh Gioan.
Thư mục
González-Crussí, Frank. 2009. Carrying the Heart: Exploring the Worlds Within Us [Mang theo trái tim: Khám phá thế giới bên trong chúng ta]. New York: Kaplan. Một nhà nghiên cứu bệnh học tự đặt câu hỏi về lịch sử, thực tại khoa học, biểu tượng và niềm tin của các cơ quan trong cơ thể.
Fineschi, Vittorio, Manolis Michalodimitrakis, Stefano D'Errico, et al.2010. “Insight into Stress-Induced Cardiomyopathy and Sudden Cardiac Death Due to Stress: A Forensic Cardio-Pathologist Point of View [Cái nhìn sâu sắc về bệnh cơ tim do căng thẳng và đột tử do tim do căng thẳng: Quan điểm của một nhà nghiên cứu bệnh học tim mạch pháp y].” Forensic Science International 194 (1–3): 1–8.
Nugent, Kenneth, Menfil Orellana-Barrios và Dolores Buscemi. 2017.“ Comprehensive Histological and Immunochemical Forensic Studies in Deaths Occurring in Custody Nghiên cứu pháp y toàn diện về mô học và miễn dịch hóa học ở những cái chết xảy ra trong trại giam].” International Scholarly Research Notices 2017 (1): 1–7.
Wittstein, Ilan, David Thiemann, Joao Lima, và những người khác. 2005. “Neurohumoral Features of Myocardial Stunning Due to Sudden Emotional Stress [Đặc điểm thần kinh thể dịch của tình trạng choáng cơ tim do căng thẳng cảm xúc đột ngột].” The New England Journal of Medicine 352 (6): 539–548.
Nef, Holger, Helge Möllmann, Sawa Kostin, và những người khác. 2007. “TakoTsubo Cardiomyopathy: Intraindividual Structural Analysis in the Acute Phase and After Functional Recovery [Bệnh cơ tim TakoTsubo: Phân tích cấu trúc cá nhân trong giai đoạn cấp tính và sau khi phục hồi chức năng].” European Heart Journal 28 (20): 2456– 2464.
Mitchell, Andrew và Hầu tước Francois. 2017. “Can Takotsubo Cardiomyopathy Be Diagnosed by Autopsy? Report of a Presumed Case Presenting as Cardiac Rupture [Có thể chẩn đoán bệnh cơ tim Takotsubo bằng khám nghiệm tử thi không? Báo cáo về một trường hợp được cho là do vỡ tim].” BMC Clinical Pathology 17 (4). https://doi.org/10.1186/s12907-017-0045-0.
Elsokkari, Ihab, Allan Cala, Sayek Khan và Andrew Hill. 2013. “Takosubo Cardiomyopathy: Not Always Innocent or Predictable — A Unique Post Mortem Insight [Bệnh cơ tim Takosubo: Không phải lúc nào cũng vô hại hoặc có thể dự đoán được - Một cái nhìn sâu sắc độc đáo sau khi khám nghiệm tử thi].” International Journal of Cardiology 167 (2): e46–48.
Radiant Light Broadcasting. 2017. Shroud of Turin Conference[ Hội nghị Khăn liệm Turin] 2017. Ghi âm. YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch? v=KkfTGXs9DKw&list=PLNXqdetrAZYxTFDcR8h1NFfhBLQq3Rrzp.Video phóng sự có tiêu đề “Physical causes of Jesus’ death [Nguyên nhân vật lý dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu]” của Tiến sĩ Pietro Pescetelli tại Hội nghị Khăn liệm học 2017 (20/07/2017).
Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. 2020. “The Real Presence of Jesus Christ in the Sacrament of the Eucharist: Basic Questions and Answers [Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể: Những câu hỏi và câu trả lời cơ bản].” Lấy từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. https://www.usccb.org/prayer-and-worship/the-mass/order-ofmass/liturgy-of-the-eucharist/the-real-presence-of-jesus-christ-in-thesacrament-of-the-eucharist-basic-questions-and-answers.
Ghi chú
(89) Điều này giải thích tại sao việc bẻ Mình Thánh trong Thánh Lễ không làm tổn hại đến sự hiện diện của Chúa Kitô nói chung trong những phần nhỏ hơn của Bánh Thánh được phân phát khi Rước Lễ. Nó cũng giải thích tại sao máu và mô cơ tim có thể được xác định trong các mẫu vi mô được lấy từ các phép lạ Thánh Thể đã thảo luận ở các chương trước.
(90) Tà giáo Utraquist ở Bohemia là một nhánh của phong trào Hus ở khu vực ngày nay là Cộng hòa Séc. Nó nhấn mạnh rằng việc rước lễ phải được trao cho giáo dân dưới cả hai hình thức. Tương tự như vậy, hầu hết những người theo đạo Tin lành đều phủ nhận sự Hiện diện Thực sự, mặc dù khăng khăng nhận cả bánh và rượu.
(91) Sự kết hợp ngôi vị ám chỉ nhân tính và thiên tính của Chúa Kitô trong một hypostasis hoặc một ngôi vị, trong một cuộc sống cá nhân đơn nhất. Đó là công thức thần học căn bản nhất về sự hợp nhất của Ngôi Hai trong Ba Ngôi với nhân tính của Người.
(92) Pompeo Batoni là một họa sĩ người Ý vào những năm 1700 nổi tiếng với những bức chân dung (đặc biệt phổ biến ở Vương quốc Anh) cũng như những bức vẽ về Thánh Tâm.
(93) Luigi Morgari là một họa sĩ người Ý khác vào cuối những năm 1800 đến đầu những năm 1900, chủ yếu vẽ các bức bích họa và các chủ đề tôn giáo như Thánh Tâm.
(94) Nhu động [Peristalsis] là một chuỗi các cơn co thắt phối hợp giống như sóng để đẩy thức ăn vào hệ tiêu hóa.
(95) Actin và myosin là các protein chuyên biệt cho cơ, là một phần của bộ máy co bóp của tế bào cơ. Sợi tơ cơ [Myofibrils] là đơn vị co bóp trong mỗi tế bào cơ.
96 Hệ thống thần kinh tự trị kiểm soát tất cả các chức năng không tự chủ của cơ thể. Một số thành phần của nó nằm ở hệ thần kinh trung ương, và những thành phần khác nằm ở hệ thần kinh ngoại biên.
(97) Chẩn đoán vi phân là quá trình có hệ thống để phân biệt giữa hai hoặc nhiều mô có chung đặc điểm tương tự để xác định trạng thái bệnh lý của chúng. Nó cũng được sử dụng theo cách tương tự trong y học để phân biệt giữa các bệnh có dấu hiệu và triệu chứng tương tự và sau đó xác định chẩn đoán chính xác.
(98) Trung bì [mesoderm] là lớp mô tiền thân trong phôi tạo ra tất cả các loại mô cơ cũng như các mô khác.
(99) Hợp bào [syncytium]là một dạng mô gồm các tế bào được liên kết với nhau bằng các màng chuyên biệt có các mối nối khe hở, như được thấy trong các tế bào cơ tim và một số tế bào cơ trơn. Cấu trúc mô này cho phép truyền tín hiệu điện dẫn đến sự co cơ đồng bộ.
(100) Xét nghiệm Uhlenhuth là một phản ứng miễn dịch hiệu quả mặc dù hiện đã lỗi thời nhằm xác nhận nguồn gốc của mẫu máu ở người. Giáo sư Linoli đã áp dụng thử nghiệm tương tự lên mô cơ tim mà ông đang nghiên cứu và thu được kết quả khả quan.
(101) Desmin và myosin là các protein chuyên biệt cho bộ máy co bóp của tế bào cơ.
(102) Bạch cầu đa nhân là một nhóm rộng các tế bào bạch cầu có khả năng phản ứng cao bao gồm bạch cầu trung tính, bạch cầu ái kiềm và bạch cầu ái toan, đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch không chuyên biệt ngay lập tức hoặc bẩm sinh đối với các tác nhân gây nhiễm trùng hoặc gây thương tích.
(103) Đại thực bào có nguồn gốc từ bạch cầu đơn nhân. Chúng là những tế bào bạch cầu có khả năng thực bào, nhấn chìm và “nuốt chửng” bất cứ mảnh vụn và cấu trúc bị thoái hóa nào.
(104) Loại amin có hoạt tính sinh học [Catecholamine] là một nhóm chất dẫn truyền thần kinh và hormone có cấu trúc hóa học tương tự. Chúng có nhiều tác dụng lên cả hệ thần kinh trung ương và ngoại biên cũng như các hiệu ứng trực tiếp lên nhiều cơ quan và chức năng của cơ thể. Nói rộng hơn, chúng tham gia vào các phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy và cả căng thẳng sinh lý do bệnh tật hoặc chấn thương gây ra. Chúng có tác dụng kích thích thần kinh (như tăng sự tỉnh táo và kích động) và các tác dụng khác, chẳng hạn như tăng nhịp tim và huyết áp, giãn đồng tử, tăng lượng đường trong máu và những thay đổi khác nhau về mức độ co thắt mạch máu làm cản trở dòng máu chảy ra khỏi các cơ quan không cần thiết. Điển hình của các amin có hoạt tính sinh học bao gồm adrenaline (epinephrine), noradrenaline (norepinephrine) và dopamine.
(105) Amin có hoạt tính sinh học nội sinh được sản xuất bởi tuyến thượng thận nằm phía trên thận và được giải phóng vào hệ thống tuần hoàn máu, do đó phát huy tác dụng trên toàn bộ cơ thể.
(106) Hệ thống thần kinh thiện cảm là bộ phận chức năng của hệ thống thần kinh tự trị chịu trách nhiệm về các phản ứng sinh lý chiến đấu hoặc bỏ chạy.
(107) Dòng canxi đi vào tế bào nói chung là một cơ chế truyền tín hiệu quan trọng và có thể gây ra hậu quả tàn khốc nếu không được kiểm soát: nó có thể gây ra sự co cơ không kiểm soát được (co thắt) và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh bị kích thích không kiểm soát được (khiến phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy mất kiểm soát), và nó thậm chí có thể kích hoạt các cơ chế chuyên biệt bắt đầu quá trình tự hủy diệt tế bào.
(108) Hoại tử đông máu [Coagulative necrosis] là một loại hoại tử đặc thù. Các mô chết khác nhau có hình dạng khác nhau tùy thuộc vào loại mô ban đầu và nguyên nhân gây chết mô. Trong hoại tử đông máu, mô chết trông giống như cục máu đông.
(109) Tế bào chất [cytoplasm] là chất lỏng bên trong bất cứ tế bào nào. Tất cả các phản ứng bên trong tế bào đều diễn ra trong tế bào chất. Nhân tế bào và nhiều cơ quan tế bào [organelle] chuyên biệt cũng như nhiều cấu trúc tế bào khác đều lơ lửng trong tế bào chất. Không bào hoặc không bào hóa là bong bóng lưu trữ được tìm thấy trong tế bào. Chúng có thể có nhiều chức năng khác nhau, mặc dù trong đại thực bào, chúng đặc biệt chứa các mảnh vụn bị nhấn chìm để được tiêu hóa về phương diện hóa học bên trong chúng.
(110) Khăn liệm học [Sindonology] là nghiên cứu chính thức về Tấm vải liệm Turin.