Một bác sĩ tim mạch khám nghiệm Chúa Giêsu: Khoa học tuyệt vời đằng sau các phép lạ Thánh Thể
Nguyên tác của BS Franco Serafini, nhà xuất bản Sophia Institue Press, 2021
Vũ Văn An chuyển ngữ
Lời người chuyển ngữ
Như đã thưa trong bài Bác sĩ chuyên khoa tim khảo sát Chúa Giêsu Thánh Thể đăng trên VietcatholicNews ngày 26 tháng 11, 2023 (https://vietcatholic.net/News/Html/287136.htm), cuốn A Cardiologist Examines Jesus của bác sĩ chuyên về tim Franco Serafini đã thu hút được rất nhiều chú ý và xét vì nó ra đời đúng vào dịp ở Hoa Kỳ, Hội đồng Giám mục đang khai mở phong trào phục hưng lòng tôn sùng Thánh Thể, chúng tôi chuyển ngữ cuốn sách giá trị này sang tiếng Việt. Động lực duy nhất là để củng cố niềm tin của mình và của rất nhiều người luôn muốn tìm về Thánh Thể như đỉnh cao và nguồn suối của cuộc sống Kitô hữu. Chứ thực ra, bản thân chúng tôi hoàn toàn mù tịt về văn chương y khoa, nhất là các từ ngữ chuyên môn trong lãnh vực này. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì mặc dù tác giả, Bác Sĩ Franco Serafini, phần lớn có giải thích các từ ngữ y khoa chuyên biệt, nhưng không hẳn tất cả và nguồn tra cứu của chúng tôi vỏn vẹn chỉ có cuốn Từ điển Y học Anh Việt của Nhà Xuất Bản Y Học xuất bản năm 2010. Từ đó đến nay, Y Học đã phát minh ra nhiều từ ngữ khác. Nên đôi lúc, chúng tôi phải vào Google để tra cứu những chữ chưa được liệt kê trong đó. Chúng tôi cũng thú thực không có dịp để tham khảo các bậc thức giả trong lãnh vực từ ngữ này. Nên xin qúi vị cao thâm vui lòng bỏ qua các thiếu sót và vụng về trong phạm vi này và vui lòng chỉ giáo để sửa chữa các thiếu sót và vụng về đó.
Dẫn nhập
Tôi là một bác sĩ - chính xác hơn là một bác sĩ tim mạch. Như chúng ta sẽ thấy, điều này đáng lưu ý.
Tôi cũng nên tuyên bố ngay lập tức về “những xung đột lợi ích” của mình, như thông lệ ngày nay trong các hội nghị y tế và các ấn phẩm khoa học: Tôi là người Công Giáo Rôma. Ban đầu tôi nghĩ mình có thể viết được một điều gì đó “vô trùng” và khách quan. Tôi nghĩ rằng sự thật cao cả và gây bối rối được giả thiết sẽ đến với người đọc bằng cách đơn giản kể lại những sự kiện khoa học mà không cần người kể chuyện đưa ra những bình luận không cần thiết. Tôi không thể kiềm chế được điều này: giống như một cổ động viên bóng đá đứng nhầm góc sân vận động, mỗi khi đội bóng yêu thích của tôi ghi bàn, tôi không thể không hét lên và giơ tay dù bị mọi người xung quanh nhìn chằm chằm. Vì vậy, tôi sẽ không che giấu quan điểm Công Giáo của mình, mặc dù - xin hứa danh dự - đây không phải là lý do để tôi kiểm duyệt, giảm nhẹ, phóng đại hoặc thậm chí sửa đổi một chút dữ kiện được báo cáo có thể kiểm chứng đầy đủ trong các thư mục có chú thích ở cuối mỗi chương.
Trong vài trang tiếp theo, tôi sẽ duyệt qua một số phép lạ Thánh Thể: chỉ có năm phép lạ, cộng thêm một phép lạ mà sau này tôi đã bỏ đi. Điểm chung của những sự kiện này là chúng đều đã trải qua những phân tích khoa học nghiêm ngặt trong thời gian gần đây hoặc rất gần đây. Tôi không phải là một nhà thần học và do đó mong muốn cuộc nghiên cứu nhỏ của tôi chỉ mang tính chất y học.
Tôi đã sàng lọc một cách nghiêm túc qua một cái rây các xét nghiệm lâm sàng, xét nghiệm, mô học và di truyền được thực hiện trên các mô mầu nhiệm và dị thường này có nguồn gốc từ Mình Thánh đã truyền phép.
Điều này có nghĩa là tìm kiếm các bài báo và ấn phẩm gốc cũng như loại bỏ một lượng lớn tài liệu sùng đạo sai lệch và gây hiểu lầm thường tô điểm cho những câu chuyện xung quanh những phép lạ này. Bất cứ khi nào có thể, tôi xua tan những nghi ngờ và làm rõ những điểm không chính xác bằng cách liên hệ trực tiếp với các nhà nghiên cứu Nam Mỹ và Ba Lan, những người đã trực tiếp thực hiện cuộc điều tra. Tôi thậm chí còn đi đến một số nơi này để phỏng vấn các nhân chứng và trực tiếp xác minh chi tiết.
Vâng, ít nhất thì kết quả công việc của tôi cũng đáng ngạc nhiên.
Chúng ta sẽ thấy một mô hình mới xuất hiện tự lặp lại với một sự đúng lúc đáng yên tâm hoặc khó hiểu (tùy theo quan điểm của bạn): một mô hình nhất quán, từ sự kiện này đến sự kiện tiếp theo, bất kể thời gian lịch sử hay vị trí địa lý. Bước tiếp theo sẽ là cố gắng thúc đẩy một số suy tư trong lĩnh vực của bộ môn rất độc đáo này: một bộ môn vẫn chưa có nền tảng, một chủ đề mà chúng ta có thể gọi là “thần học sinh học” [bio-theology], “thần học thực nghiệm và ứng dụng” hay bất cứ tên nào khác mà chúng ta ưa thích. Chúng ta sẽ dấn thân vào một vùng đất chưa được khám phá, nơi diễn ra những hiện tượng gây ngạc nhiên và không thể giải thích được, ngay cả khi được lên tài liệu bằng kỹ thuật tốt nhất mà chúng ta có. Cuộc hành trình này sẽ thực sự thách thức tinh thần cởi mở của chúng ta, sự sẵn lòng của chúng ta để chấp nhận một mầu nhiệm Kitô giáo khó tin, gai góc và gây bối rối đang xâm nhập vào thế giới hàng ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ lang thang trong một khung cảnh trong bóng tối, thỉnh thoảng phải đồng hành với những người bạn đường láu cá: những nhà khoa học vấp váp, những nhà huyền nhiệm điên cuồng, những nhà nghiên cứu UFO lừa đảo. Đôi khi, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng các tín điều và chân lý của Đức tin quả thực giống như những ngọn hải đăng trong đêm. Một cách nghịch lý, chúng sẽ soi sáng ánh sáng mà chúng ta cần để hiểu những hiện tượng mà chúng ta không bao giờ có thể giải thích đầy đủ chỉ bằng lý trí.
Chúng ta phải thừa nhận rằng hàng trăm phép lạ Thánh Thể được Giáo hội công nhận đã xảy ra trong suốt nhiều thế kỷ. Đây rất có thể chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ bị che giấu và bị lãng quên bao gồm hàng nghìn sự kiện. Caesarius thành Heisterbach, một đan sĩ người Đức vào năm 1200, đã liệt kê tới 67 biến cố lạ lùng liên quan đến Bí tích Thánh Thể trong Dialogus miraculorum (Đối thoại về các phép lạ) của ông. Ấn tượng nhất là tất cả các phép lạ này đều diễn ra quanh Cologne, trong suốt cuộc đời của ông, tất cả đều in sâu vào ký ức ông. Đan sĩ người Pháp, Thánh Paschasius Radbertus, đã viết De corpore et sanguine Domini (Về Mình và Máu Chúa) vào thế kỷ thứ chín. Đây có lẽ là tiểu luận đầu tiên về Bí tích Thánh Thể trong lịch sử Giáo hội, và nó liệt kê một số lượng đáng kể các sự kiện phép lạ đã được biết đến. Thánh Tôma Aquinô cũng vậy, trong cuốn Summa theologica [tổng lusận thần học] của mình, đã dành một mục cụ thể (III, q. 76, a. 8) về các hiện tượng phép lạ Thánh Thể, vốn rõ ràng không phải là hiếm vào thời đó.
Rất tốt, chúng ta hãy xóa bỏ sự hiểu lầm này ngay lập tức: cuốn sách này không nói về những truyền thuyết từ sâu thẳm thời Trung cổ.
Các phép lạ Thánh Thể vẫn tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay, trong thời đại chúng ta, với số lượng dồi dào - đến nỗi tôi phải vội viết thêm một chương về một sự kiện vừa diễn ra ở Legnica, Ba Lan, mà vị giám mục địa phương đã đưa ra một tuyên bố chính thức vào ngày 10 tháng 4 năm 2016. Mong người biên tập không chống lại tôi, nhưng cuốn sách này sinh ra đã bị kết án là lỗi thời: nó sẽ luôn yêu cầu các phiên bản cập nhật.
Một do dự cuối cùng
Xin hãy cho phép tôi, trước khi bắt đầu cuộc hành trình đáng kinh ngạc này, được chia sẻ khoảnh khắc do dự cuối cùng, một cái nhìn lùi cuối cùng.
Tại sao chúng ta nên thực hiện các thử nghiệm khoa học về phép lạ Thánh Thể? Nó có thực sự cần thiết không?
Đó không phải là một câu hỏi tầm thường. Đây chắc chắn có vẻ là con đường hợp lý duy nhất dành cho những người như chúng ta, những người sống trong môi trường kỹ thuật. Suy cho cùng, chúng ta tin tưởng - hay đúng hơn là chúng ta nghĩ mình có thể tin tưởng - khoa học và y học là nền tảng cho cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, cách tiếp cận khoa học này có vẻ hiển nhiên, hoặc ít nhất là rất “hợp lý”. Những sự kiện không thể giải thích được đã diễn ra ở Buenos Aires và Sokółka, nhưng chúng ta có các nhà khoa học và phòng thí nghiệm, vì vậy hãy cùng phân tích các phép lạ! Chúng ta có chắc chắn rằng tổ tiên của chúng ta sẽ lý luận cùng một cách nếu họ tiếp cận được các phương tiện của chúng ta không? Chúng ta đang tìm kiếm điều gì?
Thực ra, tất cả những phép lạ này đang nói với chúng ta bằng ngôn ngữ và biểu tượng hoàn toàn dễ hiểu: là người Công Giáo, chúng ta không thể thấy gì khác ngoài Máu - Máu quý giá nhất cứu chuộc và cứu chúng ta khỏi cái chết và Hỏa ngục - khi nhìn vào các tín hữu tôn thờ bánh thánh tiết ra chất lỏng màu đỏ. Việc đếm số lượng tế bào hồng cầu dưới kính hiển vi hay hiện tượng điện chuyển protein trong phòng thí nghiệm có thực sự quan trọng đến vậy không? Khối đen như thạch xuất hiện một cách lạ lùng rõ ràng muốn nhắc nhở chúng ta về Sự Hiện diện Thực sự của Mình Thánh đó. Việc biết rằng chất đó thực sự là mô cơ tim - chứ không phải mô tuyến tụy hay da – có làm tăng thêm sự tôn thờ của chúng ta không?
Ngoài ra, chúng ta nên thực hiện các thử nghiệm nào? Ai sẽ có quyền ra lệnh về chúng? Chúng ta nên dấn thân vào vấn đề này bao xa, và sự tò mò bệnh hoạn sẽ bắt đầu từ đâu?
Tại sao không định lượng mức cholesterol và glucose? Những người phụ nữ ngoan đạo đó đã cho Chúa ăn gì? Còn việc gây xúc tác cho việc chuyển hóa amin [transaminase] của gan thì sao? Họ có bắt Người uống quá nhiều không? Bạn đọc thân mến, bạn có thể hiểu chúng ta nên đi bao xa không?
Tuy nhiên, Giáo quyền vẫn luôn yêu cầu xét nghiệm tất cả các dấu hiệu lạ lùng như vậy trong phòng thí nghiệm trong suốt 20 đến 25 năm qua. Rõ ràng, điều này hiện được coi là thông lệ: đánh giá khoa học là một thành phần đã được thiết lập - và có lẽ là thành phần chính - trong nghi thức mà Giáo hội tuân theo để công nhận một phép lạ. Các giám mục chỉ thừa nhận nguồn gốc siêu nhiên của những sự kiện này sau khi điều tra khoa học kỹ lưỡng.
Toàn bộ chủ đề này gợi lên sự suy tư về vai trò hai mặt của khoa học đối với nhân loại hiện đại. Nó là một công cụ để hiểu thiên nhiên, một sự mở rộng rất mạnh mẽ của đôi mắt và bàn tay của chúng ta, giải phóng khỏi gánh nặng công việc và bệnh tật. Sẽ không ai thắc mắc điều đó! Tuy nhiên, đồng thời, khoa học và kỹ thuật đã trói buộc chúng ta bằng sức mạnh và thẩm quyền không thể nghi ngờ của chúng: chúng tước đi của chúng ta yếu tố tự phát và cuối cùng là tự do.
Phân tích khoa học cũng nổi tiếng mang lại kết quả trái ngược nhau. Thậm chí, đôi khi nó còn gây ra hiệu ứng boomerang phản tác dụng. Ngay cả khi có thiện chí, các nhà nghiên cứu vẫn có thể phạm sai lầm hoặc nói dối một cách thiếu thiện ý. Các cuộc điều tra có thể không có kết luận. Vì vậy, tôi khá đồng cảm với các tu sĩ Lanciano vào sáng ngày 18 tháng 11 năm 1970, khi kết thúc phần đánh giá và lấy mẫu của Giáo sư Linoli về phép lạ ở địa phương của họ. Những tu sĩ Phanxicô đó chắc hẳn đã thắc mắc: “Chúng ta đã làm gì vậy? Có thật là chúng ta đã phá hủy phép lạ mà tổ tiên chúng ta đã truyền lại trong suốt 1300 năm không?”
Tôi nên chỉ ra một yếu tố ít được mong muốn nhưng không phải là không đáng kể trong tình thế tiến thoái lưỡng nan của họ: phân tích khoa học luôn yêu cầu một mảnh chất liệu lạ lùng phải được coi một là xử lý quá nặng hai là thường bị tiêu hủy. Ai dám cắt bỏ một mảnh của điều sẽ được chứng minh là trái tim của Đấng Cứu Chuộc bằng cách cầm một con dao mổ trong một bàn tay vững vàng? Ai có đủ can đảm để làm như vậy khi biết chất liệu được lấy làm mẫu sẽ bị tiêu hủy? Ai muốn hy sinh dù chỉ một giọt Máu của Người? Bạn đọc có đủ can đảm này không? Ngay cả khi mẫu được lấy không lớn hơn vài mili mét thì việc cắt bỏ cũng không thể không gây đau và sẽ để lại dấu vết, mất vĩnh viễn. Ngoài ra, nên rạch ở đâu? Nên lấy bao nhiêu?
Đủ do dự quá rồi! Nếu một phép lạ xảy ra, nếu một dấu hiệu được cho phép nhìn, thì đó phải là vì Trời cho nó hữu ích và thích hợp vào thời điểm đó và ở nơi đó. Phép lạ Thánh Thể thực sự dành cho tất cả chúng ta, và chúng xẩy ra để nâng đỡ đức tin đang lung lay của chúng ta.
Khái niệm về một món quà vị tha vốn có trong ngôn ngữ của Bí tích Thánh Thể, giống như việc bẻ bánh thánh và trao cho chúng ta mà không cần dè dặt. Tương tự như vậy, các phép lạ Thánh Thể cũng trở thành lương thực cho các linh hồn đương thời và trí óc hữu lý của chúng ta. Những phép lạ này “biết chúng ta”; chúng biết chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học và kỹ thuật thống trị, và chúng đã dự ứng rất rõ rằng chúng ta sẽ xem xét chúng dưới kính hiển vi, phân tích chúng bằng các thăm dò di truyền và xé tơi chúng ra bằng thuốc thử hóa học và miễn dịch học. Chúng tự để cho chúng ta tò mò và cuối cùng, kết quả kiểm tra cũng trở thành một phần không thể thiếu của những phép lạ thực sự.
Rõ ràng, việc cho phép thực hiện thử nghiệm khoa học trước hết phải xuất phát từ Thẩm quyền hợp pháp của Giáo hội địa phương: Giám mục giáo phận nơi biến cố diễn ra. Sự cho phép này thường chỉ được ban cấp sau khi cẩn thận đánh giá xác suất về nguồn gốc siêu nhiên của một biến cố, độ tin cậy của các nhân chứng và sự thiếu mâu thuẫn trong giải trình của họ. Giáo hội không để mặc các tín hữu cho chính họ trong những vấn đề tế nhị như vậy và quả thực giữ quyền tối cao để đưa ra những tuyên bố chính thức về bản chất lạ lùng của những biến cố này.
Mối quan hệ giữa khoa học và đức tin
Toàn bộ chủ đề nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể phải được nhìn nhận như một chương mới và độc đáo trong mối quan hệ đôi khi bị dày vò giữa khoa học và đức tin. Đặc biệt trong vài thế kỷ qua, mối quan hệ này hầu như mang tính đối đầu và chúng ta có thể biến mối quan hệ này thành một cuộc thảo luận bất tận. Nhân loại luôn cố gắng điên dại làm chủ chính mình. Tuy nhiên, sự ra đời của khoa học - mặc dù có nhiều lợi ích không thể nghi ngờ - đã làm trầm trọng thêm sự ảo tưởng vĩ đại này của con người. Do đó, nỗi khó chịu dày vò từ xa xưa của tất cả các Kitô hữu - cảm giác hiện hữu trong thế giới mà không thuộc về nó - cũng trở nên trầm trọng hơn. Thành thật mà nói, cùng một sự khó chịu cũng thực sự có thể được cảm nhận trong nhiều bối cảnh xã hội ngoài bối cảnh khoa học, chẳng hạn như bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế.
Thế giới là một cánh đồng nơi lúa mì tốt và cỏ dại cùng chung sống: chúng ta đã thấy điều đó trong nội tâm của mình. Vì vậy, không cần thiết phải thảo luận về các hệ thống thế giới chính. Nhờ đức tin, chúng ta biết rằng cuối cùng chúng ta sẽ hiểu được mọi sự chỉ trong viễn ảnh cánh chung, một kế hoạch thần thiêng.
Khoa học và đức tin sẽ chỉ tìm thấy sự cân bằng đơn giản và sự phân chia vai trò rõ ràng trong một xã hội tốt đẹp hơn nhiều so với xã hội chúng ta đang sống. Đây là điều mà Ortega y Gasset đã hy vọng trong tiểu luận xuất sắc “Nguồn gốc của Nhà nước trong Thể thao” của ông, tiểu luận mà ông bắt đầu bằng tuyên bố đầy khiêu khích nhưng không thể bị phê phán của mình: “Sự thật khoa học có đặc điểm ở những dự đoán chính xác và nghiêm ngặt, mặc dù khoa học thực nghiệm đạt được những tiêu chuẩn đáng khen ngợi này bằng cách tập chú vào các vấn đề có tầm quan trọng thứ yếu, để lại những vấn đề tối hậu và mang tính quyết định nhất không được trả lời.” Quả thực, chỉ cách đó vài dòng, nhà triết học Tây Ban Nha đã khiển trách khoa học vì đã hành động rất giống nhân vật con cáo trong câu truyện “Con cáo và chùm nho” của Aesop. Điều này là do các nhà khoa học có xu hướng coi tất cả các câu hỏi căn bản mà họ không biết cách xử lý là “thần thoại” và do đó nương mình vào thuyết bất khả tri. Về vấn đề này, tôi vui mừng nhớ lại lời mở đầu trang trọng và thi vị của thông điệp Fides et ratio [đức tin và lý trí] của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dành cho chủ đề này: “Đức tin và lý trí giống như đôi cánh mà trên đó, tinh thần con người vươn lên để chiêm niệm sự thật.”
Hãy nói thẳng điều này: vấn đề không phải là chính khoa học. Tôi là một bác sĩ luôn cập nhật rất nhiều tiến bộ y tế gần đây, đặc biệt là trong chuyên ngành của tôi về bệnh tim mạch. Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp y khoa của mình chỉ vài năm, tôi đã chứng kiến sự ra đời của các phương thức chẩn đoán ngày càng tốt hơn, các loại thuốc mới, hiệu quả hơn và an toàn hơn cũng như các kỹ thuật mới và ít xâm lấn hơn. Tôi thấy bệnh nhân sống cuộc sống tốt hơn hoặc hồi phục hoàn toàn và tôi tự hào về điều đó. Tuy nhiên, tôi không cầu xin y học cho tôi câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống, lý do tại sao chúng ta phải đau khổ và không thể tránh khỏi cái chết dù đã có những tiến bộ vượt bậc về mặt y học. Tôi không mong đợi những câu trả lời này sẽ được công bố trong số tiếp theo của Tạp chí Y học New England, tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới.
Tuy nhiên, tôi tin rằng khoa học hiện đại không chỉ phát triển một cách tình cờ ở phương Tây, cái nôi của Kitô giáo. Một Thiên Chúa hữu lý đã tạo ra một thế giới có trật tự và dễ hiểu để một người có lý trí có thể hiểu được bản chất xung quanh mình để trở thành chủ nhân của nó (Sáng thế 1:28). Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học giỏi nhất lại xuất thân từ hàng ngũ giáo sĩ Công Giáo, như Copernicus, Spallanzani, Mendel hay Lemaître (người đã “khám phá” ra Vụ nổ lớn), chỉ kể tên một số ít.
Do đó, vấn đề thực sự là chủ nghĩa duy khoa học chứ không phải chính khoa học: Điều này cho rằng khoa học là phương tiện duy nhất được chấp nhận để khám phá sự thật. Chủ nghĩa duy khoa học dụ dỗ con người vào bẫy của nó bằng cách mê hoặc họ bằng những thành tựu kỹ thuật không thể phủ nhận, mặc dù một khi đã mắc bẫy, họ sẽ từ bỏ tâm trí tìm kiếm sự thật và giao phó ngay cả những lựa chọn căn bản nhất trong cuộc sống cho “các chuyên gia khoa học”. Mọi sự đều bắt đầu ở trường: gần như tất cả học sinh Ý - ở một thời điểm nào đó - đã phải chịu đựng một phiên bản sân khấu hoặc điện ảnh nào đó của kiệt tác ý thức hệ thiên vị đó là cuốn Cuộc đời Galileo của Bertolt Brecht. Chúng ta được nhắc nhở rằng khoa học phát sinh từ quyền tự do tư tưởng của con người, như thể đó là cách duy nhất để con người thoát khỏi chủ nghĩa ngu dân áp bức và sự lạc hậu giáo điều do các giáo sĩ tôn giáo áp đặt: có rất nhiều phim tài liệu, sách và tạp chí - mỗi mục tiêu nhắm đến những đối tượng cụ thể - để bảo đảm không có lối thoát nào thoát khỏi chế độ độc tài duy nhất của chủ nghĩa khoa học.
Tôi sẽ dừng ở đây để tránh làm độc giả nhàm chán thêm nữa và quay trở lại chủ đề của chúng ta. Phép lạ Thánh Thể là một trở ngại gây bối rối cho ý thức hệ khoa học: Thịt và Máu xâm nhập vào mảnh đất vô trùng và thánh thiêng của nữ thần Lý trí. Sau bốn thế kỷ, chúng ta đang chứng kiến cảnh kính viễn vọng của Galileo “lộn ngược”. Vào những năm 1600, những người theo trường phái Aristốt lâu đời tại triều đình Cosimo de’ Medici ở Florence coi thường kính viễn vọng và từ chối nhìn qua nó, vì sợ rằng họ phải thừa nhận những khám phá của Galileo: các vệ tinh của Sao Mộc và các miệng hố của mặt trăng. Thay vào đó, khi các phép lạ Thánh Thể được nghiên cứu, những vai trò đó bị đảo ngược: các nhà khoa học khắt khe và khép kín tâm trí - những nhà đấu tranh cho quyền tự do nghiên cứu - là những người từ chối nhìn qua kính hiển vi của chính họ, kẻo họ thấy một mảnh mầu nhiệm của cơ tim “đau khổ”. Thái độ sợ hãi và ghê tởm này - chủ yếu đến từ thế giới khoa học hàn lâm - được minh chứng rõ ràng bằng phép lạ của Sokółka: các giáo sư địa phương về bệnh lý giải phẫu tiến hành các cuộc điều tra đã bị chính trường đại học của họ bức hại và bị công khai tấn công bởi chính các đồng nghiệp hời hợt - nếu không muốn nói là bất tài - của họ. Những người này phát biểu các phán đoán về những mẫu vật lạ lùng mà chưa bao giờ thực sự nhìn thấy chúng.
Những gì được Ron Tesoriero thuật lại trong cuốn Unseen [không thấy] của ông rất thú vị và tiết lộ nhiều điều, và chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn về nó trong chương Buenos Aires: vào ngày 15 tháng 12 năm 2005, ông gặp Giáo sư Susanne Hummel tại Đại học Göttingen, Đức, cùng với đồng nghiệp Mike Willesee. Giáo sư Hummel có thể là chuyên gia vĩ đại nhất thế giới về phân tích DNA cổ thời. Không phải ngẫu nhiên mà tôi cũng đề cập đến một trong những tác phẩm sáng tạo và hoàn hảo của bà trong chương nói về các nhóm máu của tôi. Cuộc họp diễn ra vô cùng căng thẳng: Hai nhà nghiên cứu đã mang một mẫu lấy từ bánh thánh ở Buenos Aires, trong đó một phòng thí nghiệm có trụ sở tại California đã xác định được dấu vết DNA của con người mà không cố gắng xác định hồ sơ của nó. Họ yêu cầu sự hợp tác của Giáo sư Hummel và những nghiên cứu bổ sung vô giá của bà, nhưng họ không muốn tiết lộ nguồn gốc của mẫu để bảo đảm bảo tính khách quan cho các xét nghiệm của bà. Tuy nhiên, Giáo sư Hummel khẳng định nếu không được cho biết nguồn gốc của mẫu vật thì bà sẽ không thực hiện nghiên cứu của mình. Hãy đặt mình vào vị trí của bà: Hai người này đang cố che giấu điều gì khi - không tính đến chi phí - họ đã cố tình đến từ Úc để yêu cầu xét nghiệm di truyền? Họ đang cố lôi kéo bà vào cuộc tranh cãi kiểu gì vậy? Cuối cùng cả hai đã nhượng bộ. Họ tiết lộ nguồn gốc lạ lùng bị nghi ngờ, và nụ cười nhã nhặn của nhà khoa học người Đức biến thành vẻ nhăn nhó băng giá. Bà sẽ không thực hiện bất cứ xét nghiệm nào, vì bà đã xác tín rằng chúng sẽ mang lại kết quả âm tính: nhiều nhất chỉ có thể tìm thấy các chất gây ô nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Chẳng cần phải suy nghĩ! Với sự thúc đẩy muốn hạ vũ khí của lòng chân thành, giáo sư kết luận rằng nếu người ta chứng minh được rằng bánh thánh đã biến thành máu hoặc thịt người, điều này sẽ gây ra quá nhiều bối rối cho Đại học Göttingen: thậm chí có thể trường sẽ bị đóng cửa một phần, vì một số chương trình và các hoạt động của trường được thành lập một cách công khai dựa trên chủ nghĩa vô thần.
Để nghe một tuyên bố hợp lý và hoàn toàn trái ngược, chúng ta phải quay sang Giáo sư Sulkowski, một nhà khoa học mà chúng ta sẽ nói đến trong chương về phép lạ Sokółka: “Nếu một vấn đề xã hội quan trọng mới nảy sinh, một vấn đề cần có sự tham gia của nhà khoa học, nếu có nhu cầu cần đến sự hiểu biết của họ thì không những họ có quyền mà còn có nghĩa vụ phải tham gia... Chúng ta có nhiệm vụ điều tra mọi vấn đề khoa học.”
Bốn thế kỷ sau Galileo, cuối cùng chúng ta đã khép lại vòng tròn: định kiến ý thức hệ đã đổi bên và hiện nay là trường phái tư tưởng khoa học thống trị trong các trường đại học danh tiếng nhất. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể đã vạch trần một cách xuất sắc tính kiêu căng, lười biếng trí thức và chủ nghĩa tuân thủ một loại khoa học nào đó.
Một lưu ý cuối cùng, trước khi kết luận: Các phép lạ Thánh Thể cũng cần được bảo vệ khỏi sự chỉ trích thân thiện của nhiều nhà khoa học và nhà phổ biến, những người tiến hành các nghiên cứu và xuất bản các bài báo không chính xác. Ngay cả khi họ làm điều này một cách thiện chí, “công trình” của họ vẫn mang tính thiên vị, không thể chịu được những lời chỉ trích nghiêm túc và hợp lý, và cuối cùng hoàn toàn phản tác dụng. Thí dụ rõ ràng nhất mà cá nhân tôi đã vạch trần là báo cáo đầy lảng tránh của Tổ chức Y tế Thế giới-Liên hợp quốc do Giáo sư Giuseppe Biondini công bố vào năm 1976 nhằm hỗ trợ cho các cuộc điều tra rõ ràng và không thể chối cãi về mặt khoa học của Giáo sư Linoli về phép lạ ở Lanciano. Việc xem báo cáo chỉ cần có sự cho phép của các tu sĩ viện tu ở Lanciano, những người luôn thân thiện và sẵn sàng. Đó là một tài liệu cẩu thả vụng về trộn lẫn dữ kiện khoa học chặt chẽ và được viết khéo - hầu hết được lấy từ xác ướp Ai Cập chứ không phải từ các mẫu mô ở Lanciano - với những lời huyên thuyên ủng hộ phép lạ được viết bằng tiếng Ý mơ hồ và khoa trương. Thiệt hại rất lớn: “Báo cáo của Liên Hợp Quốc” này, trong đoạn trích của nó, có cao vọng trở thành một nghiên cứu nguyên khởi về các thánh tích, cho rằng đã thực hiện 500 phân tích khổng lồ về chính các thánh tích. Bằng cách đó, nó tự trình bầy với những tín đồ ngây thơ, như một cuộc điều tra thậm chí còn vượt trội hơn cuộc điều tra do Linoli thực hiện. Tuy nhiên, những kết luận xa vời của nó dễ dàng bị các chuyên gia vạch trần. Thật không may, tài liệu xa lạ này đã len lỏi vào tài liệu khoa học “chính thức” về phép lạ ở Lanciano: ngay cả ngày nay - bốn mươi năm sau - các ấn phẩm sùng đạo và “chính thức” hơn vẫn tiếp tục nhắc đến sự giả mạo ý thức hệ rẻ tiền này, trình bày nó như thể nó có phẩm chất tương đương với công trình của Linoli.
Thôi, khi đã hiểu như thế, chúng ta hãy luôn mở rộng tầm mắt, chú ý đến những gì chúng ta nghe thấy và luôn cảnh giác. Các bạn hãy thưởng thức việc đọc tác phẩm này!
__________________________________
(1) Mô học là nghiên cứu về vi phẫu [microanatomy]: nghiên cứu và mô tả đặc tính của các loại tế bào và các loại mô cơ thể được thực hiện bằng cách quan sát dưới kính hiển vi.
Kỳ tới: Chương I: Lanciano