Buổi chiều ngày 3 tháng 9, 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Nhà Hát Hun ở Ulan Bator để tham dự cuộc gặp gỡ đạikết và liên tôn. Trong số những người iện diện, người ta thấy các đại diện của Thần đạo, Phật Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Giáo, Đạo pháp sư, và các hệ phái Kitô giáo. Ngoài ra, còn có các quan sát viên của chính phủ và các đại học.
Trong buổi gặp gỡ này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có diễn từ sau đây:



Anh chị em thân mến, chào buổi sáng tất cả anh chị em!

Cho phép tôi ngỏ lời với anh chị em theo cách này, với tư cách là một người anh em trong đức tin đối với những ai tin vào Chúa Kitô, và như một người anh em đối với tất cả anh chị em nhân danh sứ mệnh tôn giáo chung của chúng ta và tư cách thành viên của chúng ta trong một gia đình nhân loại. Về mặt tìm kiếm tôn giáo đó, nhân loại có thể được so sánh với một nhóm người lữ hành bước đi trên trái đất với đôi mắt ngước lên trời. Một lữ khách phương xa từng nhận xét rằng ở Mông Cổ ông “chẳng thấy gì ngoài trời và đất”. (cf. WILLIAM OF RUBRUK, Viaggio in Mongolia, XIII/3, Milan 2014, 63). Quả thực, ở đây, bầu trời trong xanh bao bọc những vùng đất rộng lớn và hùng vĩ này, như thể nhắc nhở chúng ta về hai khía cạnh thiết yếu của cuộc sống con người: khía cạnh trần thế, được tạo thành từ các mối quan hệ của chúng ta với người khác, và khía cạnh thiên đường, hệ ở việc tìm kiếm Đấng Khác siêu việt. Do đó, Mông Cổ nhắc nhở tất cả chúng ta, với tư cách là những người hành hương và lữ khách, hãy ngước mắt nhìn lên cao để nhận ra con đường nào phải đi trong cuộc hành trình của chúng ta ở dưới trần thế này.

Tôi rất vui được ở bên anh chị em trong khoảnh khắc gặp gỡ quan trọng này. Tôi chân thành cảm ơn mỗi người trong số anh chị em vì sự hiện diện của anh chị em và vì mỗi cuộc nói chuyện đã làm phong phú thêm suy tư chung của chúng ta. Việc chúng ta gặp nhau ở một nơi đã gửi đi một thông điệp: nó cho thấy rằng các truyền thống tôn giáo, với tất cả sự khác biệt và đa dạng của chúng, đều có tiềm năng ấn tượng vì lợi ích của toàn xã hội. Nếu các nhà lãnh đạo các quốc gia chọn con đường gặp gỡ và đối thoại với người khác, thì chắc chắn đó sẽ là một đóng góp mang tính quyết định để chấm dứt các cuộc xung đột đang tiếp tục gây đau khổ cho rất nhiều dân tộc trên thế giới.

Nhân dân Mông Cổ yêu quý đã tạo điều kiện cho chúng ta đến với nhau để làm giàu cho nhau, vì họ có thể ca ngợi lịch sử chung sống giữa những người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Thật ấn tượng khi nghĩ đến Kharakorum, thủ đô cổ xưa của đế quốc, nơi tọa lạc một cách đáng ngưỡng mộ trong các bức tường của nó những nơi thờ cúng thuộc các tín ngưỡng khác nhau, do đó minh họa cho sự hòa hợp đáng khen ngợi. Hòa hợp. Tôi muốn nhấn mạnh từ này bằng âm sắc châu Á đặc trưng của nó. Sự hòa hợp là mối quan hệ đặc biệt phát sinh từ sự tương tác sáng tạo của các thực tại khác nhau, không áp đặt hay trộn lẫn, nhưng hoàn toàn tôn trọng những khác biệt của chúng, hướng tới một cuộc sống chung thanh thản. Tôi tự hỏi: Ai, hơn là những người có đức tin, được kêu gọi làm việc cho sự hòa hợp giữa tất cả mọi người?

Thưa anh chị em, ý nghĩa xã hội của các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể được đánh giá bằng mức độ mà chúng ta có thể sống hòa hợp với những người hành hương khác trên trái đất này và có thể nuôi dưỡng sự hòa hợp đó ở những nơi chúng ta sống. Mỗi cá nhân con người, và hơn thế nữa là mọi tôn giáo, đều phải được đo lường bằng tiêu chuẩn của lòng vị tha. Không phải lòng vị tha một cách trừu tượng mà là cụ thể: lòng vị tha chuyển thành sự quan tâm đến người khác và sự hợp tác quảng đại với họ. Bởi vì “người khôn ngoan vui mừng trong việc cho đi, và chỉ nhờ điều đó mà người ấy trở nên hạnh phúc” (The Dharmapada: The Buddha’s Path of Wisdom, Sri Lanka 1985, n. 177; so sánh câu nói của Chúa Giêsu được tìm thấy trong Cv 20:35). Như lời cầu nguyện được truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxicô Assisi, “Nơi nào có hận thù, hãy để tôi mang đến tình yêu, nơi nào có sự xúc phạm, hãy để tôi mang đến sự tha thứ, nơi nào có bất hòa, hãy để tôi mang đến sự hiệp nhất”. Lòng vị tha xây dựng sự hòa hợp và ở đâu có sự hòa hợp, chúng ta tìm thấy sự hiểu biết, thịnh vượng và vẻ đẹp. Sự hài hòa có thể là từ đồng nghĩa tốt nhất của vẻ đẹp. Trong khi sự hẹp hòi, sự áp đặt đơn phương, chủ nghĩa chính thống cực đoan và sự ràng buộc về ý thức hệ phá hủy tình huynh đệ, gây căng thẳng và phá hoại hòa bình, thì vẻ đẹp của cuộc sống được sinh ra từ sự hòa hợp, vốn mang tính cộng đồng: nó phát triển nhờ lòng tốt, sự lắng nghe và sự khiêm nhường. Và những ai có trái tim trong sáng thì đón nhận sự hài hòa, vì vẻ đẹp thực sự, như Gandhi đã nói, nằm ở sự thuần khiết của trái tim.

Các tôn giáo được mời gọi cống hiến cho thế giới sự hòa hợp này, điều mà một mình tiến bộ kỹ thuật mà thôi không thể ban tặng được, vì khi quan tâm đến chiều kích trần thế và chiều ngang của nhân loại, nó có nguy cơ quên mất thiên đàng, nơi mà vì thế chúng ta đã được tạo dựng. Thưa các anh chị em, hôm nay chúng ta gặp nhau với tư cách là những người thừa kế khiêm tốn của các trường phái thông thái cổ xưa. Trong cuộc gặp gỡ với nhau, chúng ta muốn chia sẻ kho tàng vĩ đại mà chúng ta đã nhận được, nhằm làm phong phú thêm một nhân loại thường bị lạc lối trên hành trình vì theo đuổi lợi nhuận và tiện nghi vật chất thiển cận. Con người trong thời đại chúng ta thường không thể tìm ra con đường đúng đắn: chỉ quan tâm đến lợi ích trần thế, cuối cùng loài người sẽ hủy diệt trái đất và nhầm lẫn sự tiến bộ với sự thoái trào, như đã được chứng thực bởi rất nhiều bất công, xung đột, bách hại, thảm họa môi trường và sự coi thường mạng sống con người.

Ở đây, Châu Á có nhiều điều để cống hiến và Mông Cổ, nằm ở trung tâm lục địa này, sở hữu một di sản khôn ngoan to lớn mà các tôn giáo khác nhau của nó đã giúp tạo dựng và tôi muốn thúc giục mọi người khám phá và đánh giá cao. Tôi sẽ giới hạn ở việc đề cập, dù ngắn gọn, mười khía cạnh của di sản này: một mối quan hệ lành mạnh với truyền thống, bất chấp những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu dùng; tôn trọng người lớn tuổi và tổ tiên – ngày nay chúng ta cần xiết bao giao ước thế hệ giữa người già và người trẻ, một cuộc đối thoại giữa ông bà và con cháu! Ngoài ra, hãy quan tâm đến môi trường, ngôi nhà chung của chúng ta, một nhu cầu to lớn và cấp bách khác, vì chúng ta đang gặp nguy hiểm. Rồi giá trị của sự thinh lặng và đời sống nội tâm, như một liều thuốc giải độc tinh thần cho biết bao bệnh tật trong thế giới ngày nay. Ngoài ra, còn có cảm thức sống thanh đạm lành mạnh; giá trị của lòng hiếu khách; khả năng chống lại sự gắn bó với vật chất; tình liên đới phát sinh từ một nền văn hóa liên kết liên ngã; và tôn trọng sự đơn giản. Cuối cùng, một chủ nghĩa thực dụng hiện sinh nào đó kiên trì theo đuổi lợi ích của cá nhân và cộng đồng. Mười khía cạnh này là một số yếu tố của di sản khôn ngoan mà đất nước này có thể cống hiến cho thế giới.

Nói về những yếu tố này, tôi đã đề cập đến việc khi chuẩn bị cho cuộc hành trình này, tôi đã mê mẩn trước những ngôi nhà truyền thống nói lên sự khôn ngoan của người dân Mông Cổ được tích lũy qua hàng thiên niên kỷ lịch sử. Ngôi nhà tạo ra một không gian nhân bản: đó là nơi dành cho cuộc sống gia đình, niềm vui thân thiện, cuộc gặp gỡ và đối thoại, có thể dành chỗ cho mỗi cá nhân, ngay cả trong đám đông. Ngoài ra, nó còn là một cột mốc cụ thể, dễ dàng nhận biết trên lãnh thổ Mông Cổ rộng lớn và là nguồn hy vọng cho những người lạc lối, vì nơi nào có căn ger, nơi đó có sự sống. Nó luôn rộng mở, sẵn sàng chào đón bạn bè, du khách và thậm chí cả những người xa lạ, và mời một ly trà nóng để phục hồi sức lực trong cái lạnh của mùa đông, hoặc một ngụm sữa tươi để giải khát trong những ngày hè oi ả. Đây là kinh nghiệm của các nhà truyền giáo Công Giáo từ các quốc gia khác, những người đã được chào đón ở đây với tư cách là những người hành hương và khách mời, và đã nhẹ nhàng bước vào nền văn hóa này, mang chứng từ khiêm nhường của họ về Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Cùng với không gian con người của mình, ger còn thể hiện sự cởi mở thiết yếu đối với thần thánh. Chiều hướng tâm linh này được thể hiện bằng lỗ mở trên cao, đón nhận một chùm ánh sáng khiến bên trong, có thể nói như thế, trở thành một dấu ấn đồng hồ mặt trời tuyệt vời, thông qua sự tương tác giữa ánh sáng và bóng tối, giờ ngày và đêm. Có một bài học hay về điều này: cảm giác về thời gian trôi qua đến từ bên trên, không chỉ đơn giản từ dòng hoạt động trần thế. Vào những thời điểm nhất định trong năm, tia sáng xuyên qua từ trên cao chiếu sáng bàn thờ trong nhà, nhắc nhở chúng ta về tính ưu việt của đời sống tâm linh. Bằng cách này, cảm giác về sự gắn kết của con người được trải nghiệm trong không gian hình tròn này liên tục được quy về ơn gọi theo chiều dọc của nó, về ơn gọi siêu việt và thiêng liêng của nó.

Do đó, nhân loại hòa giải và thịnh vượng mà chúng ta, với tư cách là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, tìm cách cổ vũ, được tượng trưng bằng sự hòa hợp, gắn kết và cởi mở với thể siêu việt này. Và điều này lại truyền cảm hứng cho một cam kết vì công lý và hòa bình, dựa trên mối quan hệ của chúng ta với thần thánh. Theo nghĩa này, anh chị em thân mến, chúng ta chia sẻ một trách nhiệm lớn lao, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử này, vì chúng ta được mời gọi làm chứng cho những giáo huấn mà chúng ta tuyên xưng bằng cách chúng ta hành động; chúng ta không được mâu thuẫn với chúng và do đó trở thành nguyên nhân gây ra tai tiếng. Vì vậy, không thể có sự pha trộn giữa niềm tin tôn giáo và bạo lực, giữa sự thánh thiện và áp bức, giữa truyền thống tôn giáo và chủ nghĩa bè phái. Cầu mong ký ức về đau khổ trong quá khứ – ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến các cộng đồng Phật giáo – ban sức mạnh cần thiết để biến những vết thương đen tối thành nguồn ánh sáng, bạo lực vô nghĩa thành túi khôn cuộc sống, cái ác tàn phá thành điều tốt lành mang tính xây dựng. Cầu mong điều đó được như vậy đối với chúng ta, với tư cách là những tín đồ tận tâm của các bậc thầy tâm linh tương ứng và những người quản lý trung thành với giáo lý của các ngài, luôn sẵn sàng cống hiến vẻ đẹp của những lời dạy đó cho những người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày như những người bạn và người đồng hành trên hành trình của mình. Cầu mong điều đó là như vậy, vì trong một xã hội đa nguyên cam kết với các giá trị dân chủ, chẳng hạn như Mông Cổ, mọi định chế tôn giáo, được chính quyền dân sự công nhận hợp pháp, đều có nghĩa vụ, và trên hết là quyền, tự do bày tỏ những gì mình là và những gì mình tin tưởng, theo cách tôn trọng lương tâm của người khác và vì lợi ích lớn hơn của tất cả mọi người.

Về khía cạnh này, tôi muốn trấn an các bạn rằng Giáo Hội Công Giáo mong muốn đi theo con đường này, tin chắc vào tầm quan trọng của cuộc đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa. Đức tin của Giáo Hội đặt nền tảng trên cuộc đối thoại vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và nhân loại đã nhập thể nơi con người Chúa Giêsu Kitô. Với sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ đã truyền cảm hứng cho cuộc đời Thầy mình, Đấng đã đến thế gian không phải “để được phục vụ mà để phục vụ” (Mc 10:45), Giáo Hội hôm nay trao tặng kho tàng mình đã nhận được cho mọi người và mọi nền văn hóa, với tinh thần cởi mở và tôn trọng những gì các truyền thống tôn giáo khác phải cung ứng. Thực ra, đối thoại không đối nghịch với việc loan báo: nó không che đậy những khác biệt, nhưng giúp chúng ta hiểu chúng, bảo tồn chúng trong tính chất khác biệt của chúng và thảo luận chúng một cách cởi mở nhằm làm phong phú lẫn nhau. Bằng cách này, trong nhân tính chung được trời ban phúc của chúng ta, chúng ta có thể khám phá ra chìa khóa cho cuộc hành trình của chúng ta trên trái đất này. Thưa anh chị em, chúng ta có chung một nguồn gốc mang lại phẩm giá bình đẳng cho mọi người và có chung một con đường mà chúng ta chỉ có thể đồng hành cùng nhau, khi chúng ta cùng sống dưới một bầu trời bao quanh và chiếu sáng chúng ta.

Thưa anh chị em, việc chúng ta cùng nhau đến đây hôm nay là một dấu hiệu cho thấy niềm hy vọng là có thể. Có thể hy vọng. Trong một thế giới bị chia cắt bởi xung đột và bất hòa, điều này có vẻ không tưởng, tuy nhiên những cam kết vĩ đại nhất lại bị che giấu và gần như không thể nhận ra ngay từ đầu. Trong khi “hương hoa chỉ lan theo hướng gió, hương của người sống theo đức hạnh lan tỏa khắp mọi phương” (x. Kinh Pháp Cú, số 54). Chúng ta hãy làm cho niềm tin này được thăng hoa, để những nỗ lực chung của chúng ta nhằm thúc đẩy đối thoại và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không trở nên vô ích. Chúng ta hãy nuôi dưỡng niềm hy vọng. Như một triết gia đã từng nói: “Mọi người đều vĩ đại tương ứng với đối tượng mà mình hy vọng. Một người thật tuyệt vời khi hy vọng vào điều có thể; người khác hy vọng vào cái vĩnh hằng; nhưng người hy vọng vào điều không thể lại là người vĩ đại nhất” (SOREN KIERKEGAARD, Sợ hãi và run rẩy). Xin cho những lời cầu nguyện chúng ta dâng lên trời và tình huynh đệ mà chúng ta trải nghiệm ở đây trên trái đất sẽ gieo rắc những hạt giống hy vọng. Cầu mong chúng là một bằng chứng đơn giản và đáng tin cậy cho tính tôn giáo của chúng ta, cho thấy chúng ta cùng nhau bước đi với đôi mắt ngước lên trời, cho cuộc sống của chúng ta trong thế giới này trong sự hòa hợp – chúng ta đừng bao giờ quên từ “hòa hợp” – như những người hành hương kêu gọi duy trì bầu không khí của một mái nhà được mở cửa cho tất cả mọi người. Cảm ơn anh chị em.