Trên Catholic Thing ngày 1 tháng 3, 2024, Carrie Gress viết rằng ý tưởng cho rằng người Công Giáo phải ủng hộ chủ nghĩa duy nữ để thu hút phụ nữ không theo Công Giáo đã được lặp đi lặp lại thường xuyên đến mức nó được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên. Nhưng nó có thực sự cần thiết hay không?
Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy xem xét kỹ công việc của Thánh Gioan Phaolô II. Ngài thường được coi là lý do tại sao chúng ta phải có chủ nghĩa duy nữ Công Giáo. Với tư cách giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô rõ ràng quan tâm đến việc đề cao phẩm giá của mọi phụ nữ. Tông thư Mulieris Dignitatem năm 1988 của ngài đã đi sâu vào bản chất của phụ nữ và đã cung cấp nền tảng cho sự hiểu biết đương thời về phụ nữ Công Giáo. Điều chúng ta không tìm thấy ở đâu trong tài liệu khoảng 25,000 chữ đó là chữ “chủ nghĩa duy nữ”.
Thực ra, ngài chỉ sử dụng chữ này một lần: trong thông điệp Evangelium Vitae năm 1995, nơi ngài kêu gọi một “chủ nghĩa duy nữ mới”. Trong một đoạn văn ngắn, ngài viết:
Trong việc biến đổi nền văn hóa để nó hỗ trợ cuộc sống, phụ nữ chiếm một vị trí, trong suy nghĩ và hành động, có tính độc đáo và mang tính quyết định. Cần có họ để cổ vũ một “chủ nghĩa duy nữ”, bác bỏ cám dỗ bắt chước các mô hình “thống trị của nam giới”, để thừa nhận và khẳng định tài năng thực sự của phụ nữ trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội, đồng thời vượt qua mọi sự phân biệt đối xử, bạo lực và bóc lột.
Bất chấp sự đề cập duy nhất này, chủ nghĩa duy nữ có lẽ đã được các tín hữu coi là con đường hướng tới sự hiểu biết về phụ nữ. Nó thậm chí còn được sử dụng để tuyên bố rằng những người không theo chủ nghĩa duy nữ Công Giáo đang bác bỏ tầm nhìn Công Giáo rộng lớn hơn của Đức Gioan Phaolo6 II.
Đúng vậy, Đức Gioan Phaolô II quan tâm sâu sắc đến việc khôi phục và đề cao phẩm giá của phụ nữ, nhưng ngài cũng thấy rằng nó phải được theo đuổi một cách phù hợp với đức tin Công Giáo. Điều mà những người tập trung vào quan điểm của Đức Giáo Hoàng Ba Lan thường bỏ qua là chữ bổ nghĩa “mới” - do đó hàm ý rằng chủ nghĩa duy nữ “cũ” là không đủ.
Qua nghiên cứu của riêng tác giả về chủ nghĩa duy nữ lâu đời hơn – hầu hết chủ nghĩa này không có trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô – rõ ràng là chủ nghĩa duy nữ có những vấn đề nghiêm trọng. Ngay từ đầu, nó đã có mối liên hệ sâu sắc với chủ nghĩa bí hiểm đen tối, duy bình đẳng (vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội/chủ nghĩa Mác), và việc xóa bỏ chế độ một vợ một chồng nhằm giải phóng phụ nữ.
Những nỗ lực sai lầm này đã dẫn đến nhiều phụ nữ bất hạnh hơn, ít cuộc hôn nhân hơn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình hạt nhân. Với tư cách là một ý thức hệ, chủ nghĩa duy nữ đã duy trì niềm tin cho rằng phá thai là phương tiện giúp phụ nữ có thể đạt được sự bình đẳng với nam giới, dẫn đến 44 triệu ca phá thai trên toàn thế giới vào năm 2023, nhiều hơn tất cả các nguyên nhân gây tử vong khác cộng lại.
Có lẽ vấn đề cơ bản hơn của chủ nghĩa duy nữ là câu hỏi đã thúc đẩy hầu hết các hình thức của nó kể từ khi thành lập, “Làm cách nào để chúng ta khiến phụ nữ giống đàn ông hơn?” Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã nhận ra điều này trong đoạn văn ngắn gọn về chủ nghĩa duy nữ, khi nói rằng chúng ta phải từ chối “cám dỗ bắt chước những mô hình ‘thống trị của nam giới’”, trong đó phụ nữ chấp nhận những tật xấu của nam giới. Ý tưởng này đã dẫn đến niềm tin rằng trẻ em là trở ngại cho hạnh phúc của phụ nữ, dẫn đến việc hạn chế khả năng sinh sản của phụ nữ theo những cách cực đoan, như thể đó là một lời nguyền thay vì phước lành mà Giáo hội và Kinh thánh luôn khẳng định.
Chủ nghĩa duy nữ từ lâu đã được coi là cầu nối để thu hút người ngoài thông qua những cảnh quan quen thuộc hơn. Tuy nhiên, vấn đề là phong trào được mong đợi của phụ nữ, từ ngoài vào trong, lại thường mang lại kết quả ngược lại, khiến nhiều phụ nữ Công Giáo đồng cảm với chủ nghĩa duy nữ hơn là với Giáo hội.
Phụ nữ Công Giáo hiện đang tránh thai, phá thai và ly hôn với tỷ lệ gần bằng phụ nữ không Công Giáo. Hơn nữa, những lời dạy của Giáo hội về phụ nữ, vốn phát triển chậm chạp qua nhiều thiên niên kỷ, đã bị lu mờ bởi ngôn ngữ duy nữ đương thời, thể hiện sự hiểu biết nông cạn về phụ nữ.
Mặc dù chắc chắn có những trường hợp cá nhân ngược lại, nhưng phụ nữ Công Giáo ngày nay giống những nhà duy nữ thế tục hơn là những nhà duy nữ thế tục giống chúng ta. Trong khi đó, vai trò phụ nữ, đặc biệt là vai trò làm mẹ, vốn từ lâu đã là biểu tượng của chính Giáo hội, đã bị hao mòn vẻ đẹp, ý nghĩa, hoa trái và mầu nhiệm. Thay vì chủ nghĩa duy nữ trở thành cầu nối, nó đã trở thành đích đến.
Chủ nghĩa duy nữ là ý thức hệ đang thúc đẩy nền văn minh của chúng ta suy tàn. Tuy nhiên, phụ nữ Công Giáo đang bị dẫn dắt đến chỗ tin rằng đó là cách duy nhất để khôi phục hoặc nâng cao phẩm giá của phụ nữ. Trong nỗ lực tỏ ra phù hợp và hấp dẫn, chủ nghĩa duy nữ Công Giáo đã trở nên giống như nước lợ, cố gắng duy trì các nguyên tắc Công Giáo nhưng không bác bỏ những giáo điều có vấn đề của chủ nghĩa duy nữ cũ.
Tất cả những điều này có thể hiểu được nếu Giáo Hội Công Giáo không thể đưa ra điều gì tốt hơn - nếu chủ nghĩa duy nữ là phương tiện để phụ nữ đạt được phẩm giá thực sự và sự bình đẳng với nam giới. Trên thực tế, đạo Công Giáo phải chịu đựng sự bối rối của sự giàu có.
Sự hỗ trợ của Giáo hội dành cho phụ nữ bắt đầu khi Chúa Kitô bước đi trên trái đất, và trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn khi lòng sùng kính Đức Mẹ ngày càng gia tăng và chứng tá của các thánh được lan rộng. Giáo Hội, chứ không phải chủ nghĩa duy nữ, đã tuyên bố thực tế về phẩm giá và sự bình đẳng của phụ nữ, tất cả những điều đó đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày một cách đẹp đẽ trong Mulieris Dignitatem, và bởi nhiều người khác, như Edith Stein, Ida Görres, Gertrude von Le Fort, và Alice von Hildebrand. Phụ nữ, không phải chỉ phụ nữ Công Giáo, đang khao khát thứ gì đó phong phú, đẹp đẽ và hấp dẫn. Và mặc dù ít người nhìn thấy nó, chúng ta có nó.
Đúng, có thể có một chủ nghĩa duy nữ mới, nhưng nó phải là một chủ nghĩa hoàn toàn tách biệt với cái cũ; một thực tế như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa duy nữ cũ đã ăn sâu vào nền văn hóa của chúng ta như thế nào, rất khó có thể bén rễ nếu không giải độc trí thức thực sự và đào tạo sâu sắc hơn. Nó đã được thử nghiệm gần 30 năm nay, nhưng sức nặng của ý thức hệ duy nữ dường như đã bóp nghẹt những nỗ lực của Công Giáo – hay thậm chí là mong muốn – phát triển một điều gì đó rõ ràng là “mới”.
Về cốt lõi, Công Giáo không cần chủ nghĩa duy nữ. Việc quay trở lại đơn giản với những gì Giáo hội có thể đưa ra sẽ không chỉ thay thế bất cứ điều gì mà chủ nghĩa duy nữ điển hình có thể đưa ra, mà còn vượt qua nó một cách đáng kể. Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc trong việc thu hút phụ nữ đến với Giáo hội đồng thời củng cố những người đã ở trong Giáo hội, thì đã đến lúc chúng ta bắt đầu phát huy sự phong phú của mình thay vì liên tục ủng hộ những gì đang hủy hoại chúng ta.