Isabella H. de Carvalho, trên Aleteia ngày 10/05/24, cho hay trong phiên bản thứ tư của “Các tình trạng tổng quát của sinh suất”, một diễn đàn về tỉ lệ sinh sản, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu rằng:



“Vấn đề của thế giới chúng ta không phải là những đứa con được sinh ra: Mà là sự ích kỷ, chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân, khiến con người trở nên ứ đầy, cô đơn và bất hạnh”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm phiên họp được tổ chức tại Rome vào ngày 10 tháng 5 năm 2024, kêu gọi giới trẻ đừng cảm thấy thất bại trước những khó khăn mà thế giới phải đối diện ngày nay. Ngài cũng kêu gọi các chính phủ châu Âu trực tiếp giải quyết tỷ lệ sinh thấp.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Vấn đề về tỷ lệ sinh sản rất gần gũi với tôi. Nó không phải là việc chúng ta có bao nhiêu người trên thế giới, mà là chúng ta đang xây dựng loại thế giới nào […] không phải trẻ em mà là sự ích kỷ, tạo ra sự bất công và các cấu trúc tội lỗi.”

Năm thứ tư liên tiếp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tham gia “Các tình trạng tổng quát về sinh suất”, một diễn đàn nhằm tìm kiếm giải pháp cho mùa đông nhân khẩu học ở Ý được chính phủ và nhiều công ty hỗ trợ. Độ tuổi trung bình ở Ý là 47 tuổi và tỷ lệ sinh đã giảm đều đặn trong những năm gần đây và thuộc hàng thấp nhất thế giới, ước tính vào năm 2024 là 1.26 trẻ sinh ra từ mỗi phụ nữ.

Biến cố này được tổ chức tại giảng đường ở Via della Conciliazione, con đường dẫn đến Quảng trường Thánh Phêrô, và Đức Giáo Hoàng đã được chào đón bởi gần 1,300 người tham dự, nhiều người trong số họ là giới trẻ và trẻ em.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã không tham gia biến cố năm nay như bà đã làm ở phiên bản 2023.

Các lý thuyết về bùng nổ dân số “lỗi thời từ lâu”

Trong bài phát biểu của ngài, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích não trạng ích kỷ tập trung vào của cải vật chất mà ngài thấy là phổ biến trong các xã hội ngày nay.

Đức Giáo Hoàng nói: “Nguồn gốc của tình trạng ô nhiễm và nạn đói trên thế giới không phải là việc trẻ em được sinh ra, mà là sự lựa chọn của những người chỉ nghĩ đến bản thân mình. Sự mê sảng của một chủ nghĩa duy vật tràn lan, mù quáng và không kiềm chế được, của một chủ nghĩa tiêu dùng, giống như một loại virus độc ác, ăn mòn tận gốc rễ sự hiện hữu của con người và xã hội.”

Ngài nói tiếp: “Sự ích kỷ khiến người ta điếc tai trước tiếng Chúa […] những ngôi nhà trở nên đầy đồ đạc và trống vắng trẻ em, trở thành những nơi rất buồn bã”. Sau đó Đức Giáo Hoàng nói thêm một cách tự nhiên rằng “không thiếu chó và mèo con” nhưng lại “thiếu trẻ em”.

“Số ca hạ sinh là dấu hiệu đầu tiên cho thấy niềm hy vọng của người dân. Không có trẻ em và giới trẻ, một đất nước sẽ mất đi khát vọng về tương lai”, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.

Ngài chỉ trích các lý thuyết của Malthusian coi nạn đói hoặc ô nhiễm là hậu quả của tình trạng “quá đông dân số”. Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng những lý thuyết này hiện nay đã “lỗi thời từ lâu” và đề cập đến cách chúng nói về “con người như thể họ đang giải quyết các vấn đề”, trong khi thay vào đó, cuộc sống con người luôn là một “quà tặng”.

“Thật vậy, mỗi món quà là đứa trẻ đều nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa tin tưởng vào nhân loại […] Việc chúng ta có mặt ở đây không phải là ngẫu nhiên: Thiên Chúa muốn chúng ta, Người có một kế hoạch tuyệt vời và độc đáo cho mỗi người chúng ta, không ai bị loại trừ”, ngài nói thế.

Với giới trẻ: “Chúng ta hãy chèo ngược dòng”

Trong bài phát biểu của ngài, Đức Giáo Hoàng cũng khuyến khích mạnh mẽ giới trẻ hãy can đảm khi đối diện với nghịch cảnh. “Tôi biết rằng đối với nhiều người trong số các bạn, tương lai có vẻ đáng ngại, và giữa tỷ lệ sinh giảm, chiến tranh, đại dịch và biến đổi khí hậu, thật không dễ để duy trì hy vọng,” ngài thừa nhận như thế.

Đức Phanxicô khuyến khích: “Nhưng đừng bỏ cuộc, hãy có đức tin, vì ngày mai không phải là điều không thể tránh khỏi: Chúng ta cùng nhau xây dựng nó, và trong ‘cùng nhau’ này, trước hết chúng ta tìm thấy Chúa. […] Chúng ta đừng cam chịu trước một kịch bản đã được người khác viết sẵn, chúng ta hãy chèo thuyền đi ngược dòng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đi ngược dòng thủy triều!”.

Ngài cũng yêu cầu giới trẻ đừng quên ông bà và người già, đồng thời cho rằng việc xã hội “loại bỏ” các ngài là một “sự tự sát về mặt văn hóa”.

Đức Giáo Hoàng giải thích: “Tương lai của con cháu cũng được xây dựng với những cái lưng đau nhức sau nhiều năm lao động vất vả và với những hy sinh thầm kín của cha mẹ và ông bà, trong vòng tay của họ là món quà thầm lặng và không phô trương của công việc cả đời”.

Châu Âu: từ lục địa cũ đến lục địa già

Đức Thánh Cha nói: “Lục địa cũ đang ngày càng biến” thành một lục địa của những người già. Châu Âu “mệt mỏi và cam chịu” và “quá bận rộn xua đuổi sự cô đơn và đau khổ đến mức không còn biết cách nếm trải vẻ đẹp thực sự của cuộc sống”.

Đức Phanxicô bày tỏ mối quan ngại trước “những kỷ lục mới” về tỷ lệ sinh thấp ở châu Âu và đặc biệt là ở Ý, đồng thời lấy làm tiếc về sự thật được chia sẻ với ngài rằng hai “khoản đầu tư tạo ra thu nhập nhiều nhất là sản xuất vũ khí và các biện pháp tránh thai”.

Ngài nhấn mạnh: “Một cái hủy diệt sự sống, cái kia ngăn cản sự sống. Và đây là những khoản đầu tư mang lại thu nhập cao nhất. Tương lai nào đang chờ đợi chúng ta? Thật là xấu xí. Mặc dù có nhiều lời nói và rất nhiều nỗ lực, nhưng vẫn không thể đảo ngược tiến trình. Làm sao vậy? Tại sao sự xuất huyết của cuộc sống này không thể dừng lại được?”

Đức Giáo Hoàng kêu gọi các chính phủ “gieo hôm nay để con cháu có thể gặt vào ngày mai”, bằng cách thực hiện “những lựa chọn nghiêm túc và hiệu quả có lợi cho gia đình”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh việc các bà mẹ không nên rơi vào tình trạng “phải lựa chọn giữa công việc và chăm sóc con cái” hoặc các cặp vợ chồng trẻ phải đối đầu với “sự bất ổn trong công việc và không có khả năng mua nhà”.