Cha Sparado, chủ bút tờ La Catolicà Cattolica, ngày 12 tháng 5 vừa qua, cho đăng bài ngài phỏng vấn Đức Cha Stephen Chow sau khi vị này tới Bắc Kinh thăm người đứng đầu Giáo Hội Trung Quốc do chính phủ cộng sản Trung Quốc chi phối. Nguyên bản có thể đọc tại đây: https://www.laciviltacattolica.com/a-bridge-to-walk-an-interview-with-msgr-stephen-chow-bishop-of-hong-kong/



Tôi đã gặp Đức Cha Stephen Chow trong Đại hội đồng lần thứ 36 của Dòng Tên vào tháng 10 năm 2016. Vào thời điểm đó, tôi đang tìm kiếm các tu sĩ Dòng Tên có thể viết về Trung Quốc trên tờ La Civiltà Cattolica từ kinh nghiệm trực tiếp, và tôi đã đến gặp ngài để hỏi xem tôi có thể liên lạc với ai. Ngài nhanh chóng trở thành Giám tỉnh Dòng Tên Trung Quốc, và cuộc trò chuyện của chúng tôi tiếp tục. Tôi luôn nhận được những cái nhìn cân bằng và sáng suốt từ ngài, có khả năng xem xét bức tranh về tình hình Trung Quốc và bày tỏ tình yêu lớn đối với Giáo hội và Đất nước. Trong một số chuyến đi của ngài tới Rôma và một trong những chuyến đi của tôi tới Bắc Kinh, nơi tôi giảng bài tại Trung tâm Bắc Kinh và Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chúng tôi đã có cơ hội trao đổi sâu hơn. Nó vẫn tiếp tục ngay cả sau khi ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Hồng Kông. Tôi nghĩ tôi sẽ hỏi ngài vài câu hỏi sau chuyến đi Bắc Kinh gần đây của ngài.

Từ ngày 17 đến ngày 21 tháng Tư, Đức Cha đã đến Bắc Kinh theo lời mời của Đức Giám Mục Joseph Li Shan, người cũng là người đứng đầu Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc. Lời mời đã được gửi cho Đức Cha từ năm 2022, nhưng các hạn chế chống COVID cần phải được dỡ bỏ để chuyến đi diễn ra. Nguồn gốc của lời mời này là gì? Có một lý do chuyên biệt nào không?

Lời mời từ Bắc Kinh đến từ giáo phận thông qua một bên thứ ba. Chúng tôi đã dành thời gian để biện phân đang khi tôi cần làm quen với giáo phận Hồng Kông, vì năm 2022 là năm đầu tiên tôi làm giám mục. Tuy nhiên, hai giáo phận đã có những liên hệ trong quá khứ, chẳng hạn, một số chủng sinh của họ đã được gửi đến Hồng Kông để học thần học, và một linh mục giáo phận từ Hồng Kông là bạn đồng hành thiêng liêng của các chủng sinh trong giáo phận Bắc Kinh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ muốn nối lại liên lạc sau đại dịch.

Nếu con không lầm, đây là chuyến thăm đầu tiên của giám mục Hồng Kông tới Bắc Kinh kể từ khi thuộc địa cũ của Anh được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Thời báo Hoàn cầu gọi đó là “lịch sử”. Cảm xúc của Đức Cha khi làm việc đó là gì? Đâu là thành quả chính của chuyến viếng thăm này?

Đây không phải là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Bắc Kinh nhưng là chuyến đi đầu tiên của tôi với tư cách là giám mục của Hồng Kông. Tôi thường đến thăm Trung tâm Bắc Kinh mỗi năm ít nhất một lần với tư cách là thành viên hội đồng quản trị, và sau đó là giám tỉnh của Tỉnh dòng Tên Trung Quốc.

Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng chuyến đi của tôi là “lịch sử” mà là sự tiếp nối chuyến đi Bắc Kinh của Đức Hồng Y John Baptist Wu vào năm 1994. Ngài là giám mục của Hồng Kông vào thời điểm đó. Như tôi đã nhiều lần đề cập, giáo phận của chúng tôi được cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II giao nhiệm vụ trở thành một “Giáo Hội Cầu nối”. Ý tưởng về một cây cầu lần đầu tiên được đề cập bởi Đấng đáng kính Matteo Ricci.

Mặc dù một kênh chính thức đã được thiết lập giữa các Bộ Ngoại giao tương ứng của Tòa thánh và Trung Quốc kể từ khi thiết lập thỏa thuận tạm thời, nhưng chúng tôi coi chuyến đi của mình vào ngày 17 tháng 4 là một chuyến đi bắc cầu ở cấp giáo phận, giữa Bắc Kinh và Hồng Kông. Hoa trái nổi bật hơn của chuyến đi bao gồm sự kết nối cá nhân giữa các vị lãnh đạo của hai giáo phận và nhen nhóm sự hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Sự hợp tác dự kiến, được cả hai bên tha thiết mong muốn, mang đến cho chúng tôi hy vọng và quyết tâm hợp tác cùng nhau.

Một Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bổ nhiệm giám mục đã có hiệu lực từ năm 2018. Có các giáo phận nhưng không phải tất cả đều có giám mục.

Trong số tất cả các giáo phận ở Đại lục, khoảng một phần ba đang chờ bổ nhiệm giám mục tương ứng.

Việc thuyên chuyển Đức Cha Shen Bin từ Haimen đến Thượng Hải và trước đó, việc nhậm chức của Đức Cha John Peng Weizhao, giám mục của Yujiang, với tư cách là Giám Mục Phụ Tá của Giang Tây đã nêu lên những lo ngại rằng thỏa thuận sẽ không còn đứng vững về phía Trung Quốc. Đức Cha nghĩ gì về điều này?

Sự hiểu biết của tôi là thỏa thuận không chết như một số người dường như đã gợi ý. Nhưng sự khác biệt trong cách hiểu giữa hai bên về việc bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận khác có thể là một yếu tố đòi hỏi sự hiểu biết tốt hơn. Do đó, đối thoại thường xuyên và chuyên sâu hơn có thể giúp giảm thiểu nhầm lẫn trong tương lai.

Ký ức về Đức Cha Aloysius Jin Luxian ra sao? Ký ức về ngài có còn ý nghĩa cho đến ngày hôm nay không? Làm thế nào huấn quyền của ngài với tư cách là một mục tử có thể truyền cảm hứng cho đời sống của Giáo hội ngày nay?

Vào ngày 27 tháng Tư, giáo phận Thượng Hải đã kỷ niệm 10 năm ngày mất của Đức Giám Mục Aloysius Jin Luxian, với lòng biết ơn về những đóng góp và ảnh hưởng to lớn của ngài đối với Giáo hội tại Trung Quốc. Thánh lễ có hơn 60 vị đồng tế, hơn 70 nữ tu và gần 1,000 giáo dân tham dự. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Đức Giám Mục Jin đối với Giáo hội ở Trung Quốc 10 năm sau khi ngài qua đời.

Giám mục Jin cũng được chính phủ Trung Quốc kính trọng. Vì sẵn sàng làm việc với chính phủ, kỹ năng nói nhiều ngôn ngữ và khả năng vượt ra ngoài Trung Quốc, ngài đã có thể kết nối Giáo hội bị chính phủ kiểm soát với Giáo hội Hoàn vũ và thế giới. Sự hiện diện mục vụ của ngài cũng tiếp thêm sinh lực cho Giáo hội ở Trung Quốc vào thời điểm đó, giúp Giáo Hội phát triển và hưng thịnh.

Việc “Hán hóa” Giáo hội phải được hiểu như thế nào?

Ấn tượng của tôi là Giáo hội ở Đại lục vẫn đang vật lộn với ý nghĩa của việc Hán hóa đối với họ. Nó đã không đi đến một kết luận dứt khoát tại thời điểm này. Do đó, việc đối thoại với họ thông qua các cuộc hội thảo nên có ý nghĩa rất nhiều để chúng ta cũng có thể chia sẻ với họ ý nghĩa và hàm ý của “hội nhập văn hóa”, điều chắc chắn giải quyết một số mối quan tâm của họ về việc Hán hóa. Và chúng tôi đang học hỏi từ họ ý nghĩa của việc Hán hóa đối với họ.

Theo một trong những quan chức chính phủ mà chúng tôi gặp trong chuyến đi, Hán hóa tương tự như khái niệm hội nhập văn hóa của chúng ta. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là không nên đi đến kết luận về việc Hán hóa vào lúc này. Sẽ hữu ích hơn nếu tổ chức đối thoại thêm về chủ đề này.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc bấy giờ trong lời nói đầu cho bản dịch tiếng Trung Hoa của cuốn sách-phỏng vấn Muối Đất đã hỏi, “Liệu một Kitô giáo châu Á hay Trung Quốc sẽ xuất hiện một ngày nào đó, giống như Kitô giáo Hy Lạp và Latinh từng xuất hiện, phát sinh từ quá trình chuyển đổi từ Do Thái giáo tới ngoại giáo?” Đức Cha nghĩ sao? Điều gì có thể là đóng góp chuyên biệt của tư tưởng và văn hóa Trung Quốc, trong đó Kitô giáo được hiện thân trong Công Giáo hoàn cầu?

Thay vì ngôn ngữ “quyền lợi”, chúng tôi muốn tập trung vào việc trau dồi “phẩm giá” và ý thức lành mạnh về “nghĩa vụ” đối với cộng đồng, xã hội và đất nước. Nhiệm vụ của chúng tôi là thúc đẩy hoặc bảo đảm phẩm giá của những người khác, không chỉ của riêng chúng tôi. Phải nói rằng, Trung Quốc, giống như phần còn lại của thế giới, cũng cần học cách làm tốt hơn nữa trong việc thúc đẩy phẩm giá của tất cả mọi người trong nước cũng như trên thế giới, mặc dù họ đã thực hiện một công việc đáng kinh ngạc trong việc loại bỏ nghèo đói vật chất và mù chữ trong nước.

Với tình hình địa chính trị hiện nay trên thế giới, đặc biệt là giữa phương Tây và Trung Quốc, một thế giới quan phân đôi giữa người tốt và kẻ xấu dường như là mô hình đang được sử dụng. Hợp nhất trong đa dạng thì sao? Và “đối thoại” đang được Đức Thánh Cha Phanxicô cổ vũ?

Tôi muốn nói rằng cần có đối thoại về sự hiểu biết và các giả định gắn liền với quá trình đối thoại giữa các bên liên quan. Vụ Giang Tây và Thượng Hải có thể biện minh cho việc tổ chức phiên đối thoại về đối thoại.

Một giá trị khác được người Trung Quốc trân trọng là “sự hài hòa”. Hài hòa giữa các lợi ích, các bên, các bên liên quan trở thành một cộng đồng cùng tồn tại hòa bình và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này hơi khác so với cách hiểu của chúng ta về sự hợp nhất trong đa dạng vốn cho phép các bên khác nhau có một mức độ độc đáo và độc lập nhất định, nhưng hợp nhất vì lợi ích hoặc mối quan tâm chung. Nhưng sự hài hòa và hợp nhất chắc chắn là đối lập với văn hóa thống trị và siêu cường, dường như đang được thế giới chính trị ưa chuộng ngày nay.

Khi Đức Cha đến Bắc Kinh, đã có một phút cầu nguyện với Đức Cha Li Shan tại Nhà thờ Chúa Cứu thế. Một bức ảnh của Linh mục Dòng Tên Matteo Ricci, một nhà truyền giáo đến Trung Quốc vào giữa thế kỷ 16 và 17, đã được đặt trước bàn thờ. Ký ức về ngài có còn sống ở Trung Quốc không? Giáo huấn của ngài cho Giáo hội ở Trung Quốc ngày nay có thể là gì?

Matteo Ricci vẫn được biết đến và kính trọng ở Trung Quốc, trong và ngoài Giáo hội. Ông được người Công Giáo ở Trung Quốc kính trọng rộng rãi, và cũng được giới trí thức Trung Quốc đánh giá cao. Ngay cả Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã vinh danh Ricci trong một bài phát biểu của ông trước cộng đồng quốc tế. Rõ ràng là việc tuyên bố Matteo Ricci là Đấng Đáng kính đã được hoan nghênh rộng rãi. Và chúng tôi đang cầu nguyện cho việc phong chân phước và phong thánh cho ngài, điều chắc chắn sẽ được hân hoan hoan nghênh ở Trung Quốc.

Những lời dạy của Matteo Ricci về tình bạn, hội nhập văn hóa Kitô giáo, tổ chức đối thoại với các bên quan tâm và trở thành cầu nối được ghi nhớ một cách trìu mến ở Trung Quốc, thậm chí cho đến tận ngày nay.

Một người có thể đồng thời là một công dân tốt và một Kitô hữu tốt không? Các Kitô hữu có nên yêu nước và yêu Tổ quốc của họ không?

Như tôi đã nói trong bài báo gần đây Yêu Tổ quốc hay Điều gì?, tình yêu đất nước là một phần trong giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Bắt đầu với câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu, “Của Xêda, hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mc 12:17). Hàm ý là cả hai lĩnh vực đều cần thiết và không loại trừ lẫn nhau đối với công dân và Kitô hữu chúng ta. Sau đó, trong Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, đoạn 2239, có viết, “Bổn phận của công dân là cùng với chính quyền dân sự đóng góp cho thiện ích của xã hội trong tinh thần chân lý, công bằng, liên đới và tự do. Yêu nước và phụng sự tổ quốc xuất phát từ bổn phận biết ơn và thuộc về trật tự bác ái. Phục tùng chính quyền hợp pháp và phục vụ lợi ích chung đòi hỏi công dân phải hoàn thành vai trò của mình trong đời sống của cộng đồng chính trị.”

Tài sản lớn nhất của một quốc gia là gì? Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là người dân của nó. Vì vậy, yêu Tổ quốc là yêu những người sống trong nước, đặc biệt là công dân và cư dân. Đối với Giáo hội, tài sản lớn nhất của Giáo hội trên thế giới này không phải là những tòa nhà của nhà thờ mà là dân Chúa. Tình yêu sẽ tốt hơn nếu nó có những chủ đề cụ thể, không còn mang tính chiểu danh. Vì vậy, yêu đất nước của chúng ta có nghĩa là phẩm giá của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Tôi tin rằng bất cứ chính phủ có trách nhiệm nào cũng phải có sứ mệnh giống nhau, mặc dù các cách tiếp cận được quy định có thể khác nhau do các yếu tố bên ngoài khác nhau.

Nói thế rồi, mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống “tốt đẹp” khi chính phủ của họ tuân thủ sứ mệnh của mình. Điều ngược lại cũng đúng. Do đó, mong muốn có một cơ hội đối thoại giữa chính phủ và Giáo hội. Vì lợi ích của đất nước, chúng ta nên giúp chính phủ trở nên tốt hơn.

Đâu là những thách thức đối với Giáo hội ở Hồng Kông? Đức Cha và Đức Hồng Y Pietro Parolin đã gọi nó là “Giáo Hội bắc cầu.” Theo nghĩa nào?

Tôi đã nói trong những lần trước, rằng trở thành một cây cầu không hề có tính lãng mạn. Nếu một cây cầu phục vụ mục đích dự kiến của nó, mọi người sẽ phải đi bộ qua nó và ô tô cũng sẽ phải lăn qua nó. Không có điều đó, sẽ không cần phải xây dựng một cây cầu nào cả. Do đó, thách thức là phải đối mặt với các cuộc tấn công và chỉ trích đến từ các phía khác nhau. Người ta có thể tri nhận rằng lợi ích và mối quan tâm của họ đang bị tổn hại bởi những nỗ lực kết nối của cây cầu. Tôi chắc chắn có thể hiểu mối quan tâm của họ với sự tương cảm. Giải pháp thay thế là không làm gì cả và duy trì hiện trạng, không có bất cứ cơ hội nào để lắng nghe và hiểu biết lẫn nhau. Nhưng đề cao sự ngờ vực sâu xa và những hành động gây tổn thương chống lại những hành động mà họ tri nhận là xấu xa.

Vì vậy, liên quan đến một Giáo hội bắc cầu, thách thức lớn nhất là kết nối các bên khác nhau và đối lập, giúp họ nhìn nhau như những con người mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Giúp họ lắng nghe các bên khác với sự tôn trọng và đồng cảm, đồng thời hy vọng sẽ mang lại sự chữa lành cho họ và/hoặc thúc đẩy sự hợp tác.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ tình yêu của mình đối với Trung Quốc và cũng mong muốn được đi du lịch ở đó. Khuôn mạo của ngài được tri nhận như thế nào ở trong nước?

Nhiều người Công Giáo vẫn tôn vinh ngài là Đức Thánh Cha của họ và đánh giá cao những gì ngài đang làm cho Giáo hội ở Trung Quốc. Các giám mục mà tôi đã gặp trong chuyến đi này đều tích cực đối với ngài. Nhưng đối với những người chống lại thỏa thuận tạm thời, họ tỏ ra khá tiêu cực đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Không có số liệu thống kê về sự lan truyền của lượt thích và không thích. Nhưng từ những gì tôi đã thấy và đọc, cùng với thái độ của những người Công Giáo mà tôi đã gặp trong chuyến đi, tôi có thể nói rằng phần lớn người Công Giáo ở Trung Quốc trung thành với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và họ hy vọng rằng thỏa thuận tạm thời sẽ mang lại những thay đổi mong muốn cho Giáo hội của họ, bao gồm cả cuộc gặp giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chính phủ Trung Quốc cũng dành nhiều sự kính trọng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Họ đặc biệt đánh giá cao sự cởi mở và hòa nhập của ngài. Tình yêu của ngài dành cho nhân loại nói chung được coi là trùng khớp với các giá trị mà Chủ tịch Tập Cận Bình tán thành khi ông tập trung vào “Cộng đồng vận mệnh chung” của nhân loại. Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ tình yêu của mình đối với người dân Trung Quốc và hy vọng sẽ đến thăm Trung Quốc, thì không có gì ngạc nhiên khi chính phủ Trung Quốc cũng muốn thấy điều đó được thực hiện. Chúng ta hãy cầu nguyện để điều này sẽ xảy ra không chỉ cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay Trung Quốc, mà còn cho cả thế giới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cổ vũ con đường đồng nghị trong Giáo hội, mời gọi tất cả các thành viên của Giáo hội lắng nghe nhau và hơn thế nữa, học cách lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta trên hành trình của mình. Trong bài giảng tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Cứu Thế, Đức Cha đã nói rằng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa của sự hiệp nhất chứ không phải của sự chia rẽ. Làm thế nào cái nhìn sâu sắc này có thể truyền cảm hứng cho sự hợp tác và trao đổi mạnh mẽ hơn trong sự hiệp thông yêu thương bên trong Giáo hội ở Trung Quốc?

Bài giảng của tôi sẽ truyền cảm hứng cho sự hợp tác và trao đổi mạnh mẽ hơn như thế nào trong sự hiệp thông yêu thương bên trong Giáo hội ở Trung Quốc vẫn còn phải chờ xem. Nhưng chủ đề về tính đồng nghị đã được trình bày rõ ràng tại các cuộc gặp gỡ của chúng tôi với các nhà lãnh đạo và tổ chức khác nhau của Giáo hội trong suốt chuyến đi của chúng tôi, và nó dường như đã được đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, nó sẽ được thực hành như thế nào sẽ phụ thuộc vào bối cảnh địa phương mà họ đang ở. Tất cả chúng ta phải học và hiểu tính đồng nghị có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong bối cảnh văn hóa và chính trị xã hội của chính chúng ta.

Tuy nhiên, điều tôi có thể nói một cách tự tin là sự hợp tác và trao đổi giữa Giáo phận Bắc Kinh và Giáo phận Hồng Kông sẽ tiếp tục và sâu sắc hơn. Vì tôi được các giám mục và chính phủ khuyến khích đến thăm các giáo phận khác ở Đại lục, nên tôi tin rằng đó là một lời mời để phát triển hơn nữa tính đồng nghị của chúng ta với Giáo hội ở Đại lục.