Theo Courtney Mares của CNA, Bộ trưởng ngoại giao của Vatican đã nói rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để làm cho thỏa thuận “hoạt động tốt hơn”.



Trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn cho EWTN News, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia của Vatican, nói rằng các nhà ngoại giao Tòa thánh đang “đàm phán để cải thiện” thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, lần đầu tiên được ký vào năm 2018.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói, “Rõ ràng, mục tiêu là đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể, mà chắc chắn thỏa thuận này không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể do phía bên kia: Họ chỉ sẵn sàng đi xa và đồng ý với một số điều nhất định. Nhưng đó là điều có thể xảy ra vào thời điểm đó.

“Thực sự đó không phải là thời điểm tuyệt vời để ký kết thỏa thuận, vì nhiều lý do. Nó luôn luôn khó khăn; nó luôn bị đảng Trung Quốc sử dụng để gây áp lực lớn hơn đối với cộng đồng Công Giáo, đặc biệt là đối với điều gọi là Giáo hội hầm trú. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết tiến theo”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, người không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán trên, nhấn mạnh rằng thỏa thuận với Trung Quốc, mà Vatican đã gia hạn hai lần trong 5 năm qua, là thành quả của một quá trình lâu dài dưới ba triều giáo hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói, “Và hầu hết các thỏa thuận đã được Tòa thánh và chính quyền Trung Quốc đồng ý và chấp nhận vào thời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô.

“Nên, đó là chuyện phần nào quá chi ly lưu ý tới từng chi tiết nhỏ [gạch ngang chữ t và đánh dấu chấm trên chữ i]”.

Nhà ngoại giao Tòa thánh cho biết ngài tin rằng các thẩm quyền Vatican và Trung Quốc đã ngày càng “hiểu biết hơn, tôn trọng hơn” đối với nhau trong những năm qua.

Ngài nói thêm, “Tất cả mọi điều đang được thực hiện rõ ràng trong bối cảnh chính trị nội bộ của Trung Quốc. … Và do đó, chúng ta có thể đạt được nhiều điều”.

Tập Cận Bình của Trung Quốc đã đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong tư cách chủ tịch vào tuần trước tại một phiên họp nghị viện cho có lệ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, một nghị viện đã nhất trí bỏ phiếu cho Tập trong một cuộc bầu cử không có ứng cử viên nào khác.

Vào năm 2018, sáu tháng trước khi Tòa thánh lần đầu tiên ký thỏa thuận với Bắc Kinh, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vốn đã xác nhận một sự thay đổi hiến pháp, loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ, cho phép Tập Cận Bình có khả năng cai trị suốt đời.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, sự tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo đã xuống cấp. Tập Cận Bình đã bị quốc tế lên án ngày càng nhiều vì cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, và các quan chức nhà nước ở các vùng khác nhau của Trung Quốc đã dỡ bỏ thánh giá và phá hủy các tòa nhà của Giáo Hội.

Vào tháng 11 năm 2022, Vatican nói rằng chính quyền Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản được quy định trong thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục.

Một tuyên bố được đưa ra vào ngày 26 tháng 11 nói rằng “Tòa thánh ghi nhận với sự ngạc nhiên và hối tiếc” rằng Giám mục John Peng Weizhao đã được bổ nhiệm làm “Giám Mục Phụ Tá của Giang Tây”, một giáo phận không được Vatican công nhận.

Tuyên bố viết, “Tòa Thánh hy vọng rằng các tình tiết tương tự sẽ không lặp lại, vẫn đang chờ thông tin liên lạc thích hợp về vấn đề này từ các cơ quan chức năng, và tái khẳng định sự sẵn sàng hoàn toàn của mình để tiếp tục đối thoại một cách tôn trọng liên quan đến tất cả các vấn đề cùng quan tâm”.

Trong cuộc phỏng vấn với EWTN, Đức Tổng Giám Mục Gallagher xác nhận rằng “đang có các cuộc đàm phán về việc bổ nhiệm các giám mục khác.”

Ngài nói: “Chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục cuộc đối thoại đó”.

Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi ngài coi những thách thức ngoại giao lớn nhất hiện nay là điều gì, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng cuộc chiến ở Ukraine, biến đổi khí hậu và xung đột ở Trung Đông, một phần châu Phi và sự bất ổn của Mỹ Latinh là những vấn đề hàng đầu mà cộng đồng quốc tế phải đối diện.

Ngài nói, “Nhưng một trong những điểm chung của người Trung Quốc, Giáo Hội Công Giáo và Tòa thánh là chúng tôi không nghĩ đến hàng tháng, thậm chí hàng năm. Chúng tôi nghĩ tới một khoảng thời gian dài hơn nhiều. Và chúng tôi hy vọng rằng, với thời gian, mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc sẽ trở nên ‘bình thường’ hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn nhiều.

“Và khi chúng tôi khởi hành từ đây, chúng tôi vẫn cam kết, tin rằng những người Công Giáo tốt cũng có thể là những công dân tốt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”