Trên tờ Denver Catholic, ngày 3 tháng 5 năm 2023, Tiến sĩ George Weigel có bài nhận định như sau:
Vào ngày 31 tháng 3, các giám mục Pháp thông báo rằng họ sẽ thỉnh cầu Tòa Thánh cho phép mở án phong chân phước cho Cha Henri de Lubac, SJ. Dù kết quả của án này là gì, thì việc tỏ lòng kính trọng như vậy đối với một trong những nhân vật vĩ đại của thần học Công Giáo thế kỷ 20 là một cách thích hợp để tiếp tục kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng. Vì nếu không có công việc tiên phong của de Lubac trong việc phục hồi các Giáo phụ và sự phong phú của việc chú giải Kinh thánh thời trung cổ cho tư tưởng Công Giáo đương thời, thì các văn bản chủ chốt của các văn kiện Vatican II – các hiến chế tín lý của nó về mặc khải Thiên Chúa và về Giáo hội - sẽ không phong phú về mặt kinh thánh và giáo phụ như vậy về nội dung và phong cách.
Henri de Lubac là ai? Ngài là một cựu chiến binh của quân đội Pháp trong Thế chiến thứ nhất, trong đó ngài bị thương nặng. Như vừa lưu ý, ngài là một nhân vật hàng đầu trong phong trào hồi sinh thần học Công Giáo bằng cách “trở về cội nguồn”. Ngài là một nhà lãnh đạo trong cuộc kháng chiến của người Công Giáo Pháp chống lại chủ nghĩa phát xít sau khi nước Pháp sụp đổ vào năm 1940 và là một nhà nghiên cứu sắc bén chủ nghĩa vô thần hiện đại. Bị lưu đày bên lề thần học trong những năm cuối cùng của Đức Piô XII, ngài được Đức Gioan XXIII phục hồi, người đã bổ nhiệm ngài vào một trong những ủy ban hoạch định Vatican II. Trong Công đồng, ngài đã đóng một vai trò then chốt, dù bị đánh giá thấp, bằng cách lập luận một cách nhẹ nhàng rằng Công đồng Vatican II không được triệu tập để tái phát minh Công Giáo, nhưng để đổi mới nó cho sứ mệnh bằng cách đào sâu sự hiểu biết của Giáo hội về Tin Mừng để Giáo hội có thể cống hiến Chúa Giêsu Kitô cho thế giới một cách hữu hiệu hơn.
Vì chính Cha de Lubac là người đã châm ngòi cho Cuộc chiến sau Công đồng: cuộc đấu tranh khốc liệt — không phải giữa “những người cấp tiến” rập khuôn và “những người theo chủ nghĩa truyền thống” mà là giữa các nhà thần học cải cách tại Công đồng - về ý nghĩa của toàn bộ kinh nghiệm công đồng. Vị tu sĩ Dòng Tên người Pháp đứng cùng với đồng nghiệp người Đức trẻ tuổi của mình, Joseph Ratzinger, và những người khác khi nhấn mạnh rằng Vatican II là một công đồng cải cách liên tục với truyền thống, chứ không phải là một công đồng đoạn tuyệt với truyền thống - điều mà một số người ngày nay gọi là một công đồng đang thực hiện một “sự thay đổi mô hình”. Và vì điều này, Cha de Lubac đã phải trả một giá rất đắt.
Khi ngài được Đức Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào năm 1983 — người đầu tiên trong một loạt các nhà thần học có ảnh hưởng của Vatican II được vị giáo hoàng Ba Lan tôn vinh — các anh em Dòng Tên của ngài ở Pháp, nhiều người trong số họ coi ngài như một kẻ phản bội thần học, đã cư xử một cách ghê tởm. Ban đầu tức giận với việc đề cử, sau đó tỏ ra thờ ơ, họ coi đây như “không phải chuyện của chúng tôi” và từ chối giúp vị Hồng Y được chỉ định 87 tuổi chuẩn bị cho mật nghị mà tại đó ngài sẽ nhận chiếc mũ đỏ. Những người bạn trẻ của De Lubac trong giới xuất bản tiếng Pháp của tạp chí Communio (tạp chí mà ngài đã giúp tạo ra) đã can thiệp vào, mua cho ngài bộ lễ phục mới phù hợp với một Hồng Y và thuyết phục giám tỉnh của de Lubac cung cấp cho ngài một vé khứ hồi về Rome và một người bạn đồng hành trong chuyến hành trình. Khi trở về từ mật nghị, Hồng Y de Lubac đã được các tu sĩ Dòng Tên ở Paris tiếp đón, tại đó chỉ có nước ngọt.
Trong suốt thử thách này, cũng như trong những năm ngài bị thẩm quyền Giáo hội ở Vatican nghi ngờ, Henri de Lubac cư xử như một quân tử. Tuy nhiên, ngài còn hơn thế nữa. Ngài là một giáo phẩm chân chính, như đã được chứng minh trong cuốn hồi ký của ngài, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances That Occasioned His Writings [Phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac Suy nghĩ về Những Hoàn cảnh làm dịp cho Các Trước tác của Ngài] (Nhà xuất bản Ignatius). Cho dù bị bao vây bởi sự hiểu lầm, vu khống hay ác ý, ngài vẫn là một hình mẫu của lý trí và lòng nhân ái. Các học giả sẽ tiếp tục tranh luận về giáo huấn của de Lubac về mối quan hệ giữa tự nhiên và ân sủng, tự nhiên và siêu nhiên. Nhưng không thể nghi ngờ gì về sự tận tâm của nhà thần học người Pháp đối với chính nghĩa của Chúa Kitô hoặc lòng trung thành của ngài với Giáo hội.
Ngài đã nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của Thánh Ignatius rằng những người con của Dòng Tên nên “làm cho thế giới rực sáng”. Ngài hiểu rằng các công cụ để thúc đẩy truyền giáo phải được cải tiến theo thời gian, vì những chân lý mà Chúa Kitô đã truyền lại cho Giáo hội không thể bị giới hạn trong một bộ công thức duy nhất. Tuy nhiên, những chân lý đó vẫn tồn tại lâu dài và nhiệm vụ của nhà thần học là khai thác tư duy của mình đối với chúng, chứ không phải tưởng tượng mình là chủ nhân của chúng.
Henri de Lubac biết rằng các chế độ toàn trị vĩ đại vào thời của ngài - chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản - là những tôn giáo sai lầm, cực kỳ trần tục phải chiến đấu bằng điều được ngài gọi là “vũ khí tinh thần”. Chính những “vũ khí” đó cũng có thể phục vụ để đổi mới Giáo hội cho việc truyền giáo. Ngài là một viễn kiến vĩ đại, được mang ra sống rất tốt. Bất chấp việc cuối cùng ngài có được phong chân phước hay không, thì việc tôn vinh ngài vì đã nói rõ điều đó là điều đúng đắn.