Ngày mai, 13 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ lên đường qua Kazakhstan để thăm viếng nước đa số theo Hồi giáo này và đồng thời tham dự Đại Hội Lần thứ 7 Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống.
Theo hãng tin A.P. hôm Chúa nhật vừa qua, Đức Phanxicô đã yêu cầu công chúng tụ tập ở Công trường Nhà thờ Thánh Phêrô cầu nguyện cho chuyến “hành hương hòa bình” của ngài tại Kazakhstan để gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu. Ngài nói, “Đây sẽ là dịp gặp gỡ rất nhiều các đại diện tôn giáo và đối thoại như anh em, được cổ vũ bởi ước muốn hòa bình chung, hòa bình mà thế giới chúng ta rất khát khao”.
Theo chương trình trước đây, trong cuộc tông du lần này, ngài sẽ gặp Thượng Phụ giáo chủ Chính thống Nga Kirill tại Kazakhstan. Nhưng vị giáo chủ Nga đã thông báo sẽ không tham dự Đại hội liên tôn lần này. Thành thử theo John Allen, Đức Phanxicô sẽ thấy 3 ghế trống tại Đại hội Liên tôn Kazakhstan. Ghế trống thứ nhất lẽ dĩ nhiên của Thượng phụ Kirill. Hai ghế trống kia là của Chủ tịch Trung quốc Tập Cẩn Bình, người sẽ có mặt tại Kazakhstan vào hôm thứ tư 14 tháng 9, và của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người không dự tính đích thân tới Kazakstan vào dịp này, nhưng sự hiện diện ảo của ông tại đó vào dịp này khá lớn.
Về phương diện chính thức, chuyến tông du Kazakhstan là để tham dự đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chuyến tông du đã được các nhà quan sát coi như một nỗ lực ngoại giao của Đức Phanxicô giữa lúc có cuộc khủng hoảng hoàn cầu do vụ Nga xâm lược Ukraine gây ra. Nằm giữa Trung hoa và Nga, Kazakhstan xem ra là diễn đàn tự nhiên để Đức Giáo Hoàng cổ vũ đối thoại giữa các thế lực chính.
Tuy nhiên, mỗi nhân vật trong số ba nhân vật mà người ta cho là ngài đang cố gắng tiếp cận trong chuyến đi, ít nhất một cách gián tiếp, đều có lý do để tránh né lời mời.
Người đầu tiên là thượng phụ Kirill; có lẽ vị này không hứng thú khi phải đối mặt với những câu hỏi về sự ủng hộ không ngừng nghỉ của mình đối với cuộc chiến ở Ukraine, lập trường đã được chứng minh là gây chia rẽ ngay giữa một số giáo sĩ của chính mình. Hơn nữa, nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga có thể vẫn còn nhức nhối sau lời khiển trách của Đức Phanxicô vào tháng 3, khi ngài cảnh báo Kirill không nên làm “cậu bé giúp lễ cho Putin”.
Đây thực sự là lần thứ hai hội nghị thượng đỉnh Giáo hoàng / Thượng phụ bị đổ vỡ, sau khi Vatican tuyên bố rút khỏi cuộc gặp từng dự trù sẽ diễn ra ở Giêrusalem vào tháng Sáu. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết các cố vấn ngoại giao của ngài cảm thấy một cuộc gặp gỡ như vậy "có thể tạo ra nhiều bối rối", có lẽ vì nó sẽ không thể phù hợp với một cử chỉ liên đới với Ukraine.
Ông Tập có thể tự hỏi tại sao các trợ lý của ông lại lên lịch cho chuyến đi Kazakhstan vào cùng thời điểm giáo hoàng sẽ ở đó, vì chắc chắn việc này sẽ khiến người ta đặt câu hỏi về việc liệu hai người có sẽ trực diện gặp nhau hay không, và, nếu không, thì tại sao không.
Hiện tại, điều này dường như đặc biệt không có khả năng xảy ra. Trong một cuộc họp báo với các phóng viên hôm thứ Sáu, một phát ngôn viên của Vatican đã né tránh câu hỏi, chỉ nói rằng hiện tại “không có thay đổi nào đối với chương trình” cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng và ông không có thêm bất cứ điều gì để bổ sung.
Ông Tập không những có thể sẽ do dự đối với việc bị thu hút vào một cuộc thảo luận về quan điểm có phần nước đôi của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Ukraine, ông cũng có thể không muốn đối mặt với các câu hỏi về thỏa thuận gây tranh cãi của Trung Quốc với Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo, hiện đang cần được tái tục, đặc biệt là với phiên tòa xét xử Hồng Y Joseph Quân vào ngày 19-23 tháng 9 tại Hồng Kông sẽ bắt đầu chỉ vài ngày sau khi Giáo hoàng lưu lại Kazakhstan.
Đức Hồng Y Zen 90 tuổi và 4 bị cáo khác phải đối mặt với các cáo buộc theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc liên quan đến việc họ ủng hộ các cuộc biểu tình phò dân chủ vào năm 2019.
Thật khó để tưởng tượng Ông Tập có thể gặp Đức Giáo Hoàng mà không cần phải đưa ra một số lời giải thích về những cáo buộc chống Đức Hồng Y Quân và các chính sách rộng lớn hơn của Trung Quốc về tự do tôn giáo, đó là một cuộc trò chuyện mà ông có thể không muốn có, ít nhất là trước công chúng, với cuộc vận động của ông cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng thấy đang ló dạng tại đại hội đảng vào tháng tới.
Về phần Putin, ông ấy không bao giờ dự định tham dự biến cố ở Kazakhstan, nhưng sự hiện diện của ông ấy vẫn sẽ được cảm nhận, vì dù sao, Nga và Kazakhstan có chung đường biên giới dài 5,000 dặm, và đây sẽ là nơi Đức Giáo Hoàng gần nhất đối với lãnh thổ Nga.
Sự dè dặt của Đức Phanxicô trước tình thế này được chứng tỏ qua việc máy bay của ngài sẽ không bay qua không phận của cả Ukraine lẫn Nga, vốn là đường bay ngắn nhất, mà phải bay ngang qua Croatia, Bosnia-Herzegovina, Serbia và Montenegro, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và Azerbaijan dài hơn. Do đó, ngài mất dịp gửi thông điệp từ trên không cho cả Zelenski lẫn Putin.
Điều đáng lưu ý nữa, theo cả John Allen lẫn Elise Ann Allen cũng của tạp chí CruxNow, là thời điểm của chuyến tông du Kazakhstan: Lần Đức Gioan Phaolô II đến thăm Kazakhstan là lúc Tòa Tháp Đôi của New York mới bị phá sập trước đó 10 ngày, do khủng bố gây ra và cuộc chiến chống khủng bố sắp bắt đầu.
Vào thời điểm đó, các công dân Kazakhstan vẫn đang vật lộn với cách xây dựng một xã hội mới trong thời kỳ hậu Xô Viết và căng thẳng với Hồi giáo đang ở mức cao nhất mọi thời ở quốc gia đa số là người Hồi giáo, nơi các Kitô hữu là một thiểu số nhỏ.
Trong các bài phát biểu và bài giảng của mình trong suốt chuyến thăm, Đức Gioan-Phaolô II đã khuyến khích những người vừa tỉnh mộng từ sự tan rã của Liên bang Xô Viết, và ngài cũng gửi một thông điệp rõ ràng về lòng khoan dung, ca ngợi quốc gia Trung Á là một nơi hòa hợp, nơi các tôn giáo khác nhau đã có thể làm việc cùng nhau trong việc xây dựng một thế giới không có bạo lực.
Hai năm sau, vào năm 2003, Đại hội đầu tiên của các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới và truyền thống đã được phát động bởi cựu Tổng thống Nursultan Abishuly Nazarbayev - một chính trị gia Liên Xô và Kazakhstan, người từng là tổng thống đầu tiên của Kazakhstan từ khi độc lập vào năm 1991 cho đến khi ông chính thức từ chức vào năm 2019 - trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau của Kazakhstan và làm sáng tỏ lịch sử liên tôn giáo độc đáo của đất nước.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã sẵn sàng đến Kazakhstan vào hôm thứ Ba để dự đại hội lần thứ bảy, nhận thấy mình đang ở trong một tình huống bất ổn tương tự trong khu vực, khi, bằng nhiều cách khác nhau, đất nước này đang vướng vào cuộc chiến Ukraine-Nga, xung đột bạo lực nhất của khu vực kể từ sau Thế Chiến thứ hai.
Cuộc chiến nổ ra sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga vào Ukraine, cho đến nay đã khiến khoảng 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường, bao gồm cả trẻ em. Khoảng bảy triệu người được cho là phải di dời nội bộ do giao tranh, trong khi ước tính khoảng năm triệu người đã phải chạy sang các nước láng giềng trong khi bom vẫn tiếp tục tàn phá nhà cửa và thành phố của họ.
Đức Phanxicô sẽ ở Kazakhstan từ ngày 13 đến 15 tháng 9 để tham gia đại hội và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo đức tin khác đang có mặt, và với các thành viên của cộng đồng Công Giáo nhỏ của đất nước. Nó sẽ đánh dấu chuyến tông du nước ngoài thứ 38 của ngài kể từ khi nhậm chức vào tháng 3 năm 2013.
Phái đoàn của Vatican tới đại hội, trước đây, do một Hồng Y dẫn đầu; tuy nhiên, năm nay, người dẫn đầu sẽ là chính Đức Giáo Hoàng. Sự kiện diễn ra theo thông lệ tại Cung điện Hòa bình của Nur-Sultan; tuy nhiên, năm nay sẽ có 108 đoàn tham dự, và do số lượng đại biểu đông nên đại hội đã được dời về Dinh Độc Lập để phù hợp với số lượng lớn hơn.
Với bối cảnh địa chính trị mà chuyến thăm của Giáo hoàng đang diễn ra, hòa bình và đối thoại huynh đệ có thể sẽ là những chủ đề chính làm nền tảng cho nhiều thông điệp và bài phát biểu của ngài.
Lịch sử của sự đa dạng và liên đới
Kazakhstan là một trong những quốc gia lớn nhất ở Trung Á, với dân số 19 triệu người bao gồm khoảng 150 dân tộc. Khoảng 70% người Kazak theo đạo Hồi và khoảng 26% là Kitô hữu, nhiều người trong số họ thuộc truyền thống Chính thống giáo Nga và Công Giáo Hy Lạp.
Sự hiện diện của Kitô giáo ở Kazakhstan ngày càng tăng trong thế kỷ 19, khi số lượng lớn người Ba Lan, người Bỉ, người Ukraine và người Nga bị các sa hoàng Nga trục xuất đến đó. Số lượng của họ ngày càng tăng trong cuộc đàn áp tôn giáo của Joseph Stalin, người, dưới thời Liên Xô, đã gửi hàng trăm nghìn Kitô hữu đến các trại lao động trong những năm 30 và 40.
Nhiều người trong số các Kitô hữu này đã được các gia đình Hồi giáo ở Kazakhstan thu nhận, làm dấy lên một cảm thức liên đới và đánh giá cao rất tự nhiên, một cảm thức vẫn còn cho đến ngày nay.
Bản thân những người Công Giáo, chiếm khoảng 1% dân số hiện tại, đã có mặt ở Kazakhstan từ thế kỷ thứ hai, khi các tù nhân chiến tranh Rôma bị người Ba Tư lưu đày ở đó, có nghĩa là họ cũng có thể đến đó với tư cách là các tù nhân.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Giáo Hội Công Giáo được khôi phục ở Kazakhstan và các tín hữu bắt đầu thờ phượng công khai. Tuy nhiên, một số lượng lớn những người bị trục xuất đã trở về quê hương và đất nước của họ, với ít nhất bốn triệu người di cư vào thời hậu Xô Viết, khiến dân số Kitô giáo ở Kazakhstan ngày càng giảm.
Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện nhất quán và liên hệ giữa các tôn giáo nhìn chung rất tốt. Trên thực tế, Hội đồng Giám mục Trung Á, được thành lập vào năm 2021 và trong đó Kazakhstan là một phần, đã phát triển và bao gồm một số quốc gia châu Á.
Sống bên cạnh chiến tranh
Theo Ann Allen, cuộc chiến ở Ukraine là một chủ đề không thể tránh khỏi đối với Đức Giáo Hoàng khi ngài ở Kazakhstan.
Về thái độ của người Kazakhstan đối với cuộc chiến này, Giám đốc Caritas Kazakhstan, Cha Guido Trezzani, nói với các nhà báo trong một cuộc họp trực tuyến vào tuần trước rằng Kazakhstan quả có mối quan ngại, nhưng “bạn không cảm thấy xung đột” một cách trực tiếp, và không hề có “các nỗ lực gây hấn, biểu tình, gây hấn bằng lời nói của bên này chống lại bên kia.”
Cha nói, các nhà lãnh đạo của đất nước muốn đóng một vai trò ngoại giao lớn hơn ở Trung Á, vì vậy “có xu hướng trung lập. Vì vậy, không có cuộc biểu tình hoặc suy nghĩ về chiến tranh hoặc xung đột trong nước. "
Mặc dù không có bất cứ căng thẳng công khai nào giữa người gốc Nga và người Ukraine ở Kazakhstan, Đức Giám Mục Adelio Dell’Oro của Karaganda, trong cuộc họp bàn tròn trực tuyến của các phương tiện truyền thông ngày 8 tháng 9, đã mô tả tình hình là “tế nhị”.
Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng về xung đột bên trong Kazakhstan, Đức Cha Dell’Oro cho biết sự hiện diện của cả người Nga và người Ukraine, cũng như sự phụ thuộc kinh tế của Kazakhstan vào cả hai, đã tạo ra một mức độ khó chịu nhất định.
Ngài cho biết, ở bình diện chính trị, các nhà lãnh đạo đôi khi đã phá vỡ sự trung lập của họ. Như Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, chẳng hạn, trong một bài phát biểu vào tháng 3 đã công khai từ chối công nhận các nước cộng hòa độc lập Luhansk và Donetsk mà ông Putin đã tuyên bố ở miền đông Ukraine.
Ngài nói: “Đây là tình huống tế nhị mà Kazakhstan đang sống”, và cho biết hầu hết mọi người “đang đau khổ” do chiến tranh, về mặt xã hội và kinh tế, nhưng họ không chống lại chính người dân Nga.
Đức Cha Dell’Oro cho biết ngài rất buồn vì quyết định không tham dự hội nghị của Thượng phụ Kirill. Ngài tỏ ý tin tưởng rằng quyết định này “gây ra sự bối rối” cho cộng đồng Chính thống giáo Nga và các nhà tổ chức đại hội.
Ngài nói, một cuộc gặp giữa Thượng phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở bên lề hội nghị “sẽ rất đáng chú ý,” và sẽ giúp “làm rõ những đóng góp nào đã được các cộng đồng khác nhau có thể đóng góp cho hòa bình trên thế giới”. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng vẫn sẽ "rất quan trọng để mở ra các tiến trình hòa bình trên toàn thế giới, nơi có xung đột, đặc biệt là ở Ukraine."