1. Quân Miến Điện cướp bóc nhà thờ, và nhà xứ

Một nhà thờ giáo xứ và một tu viện ở Tổng giáo phận Mandalay ở Myanmar đã bị quân đội cướp bóc vào ngày 20 tháng Giêng. Từ lâu quân Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, đã khét tiếng với việc cưỡng hiếp phụ nữ. Nay họ bắt đầu khét tiếng với chuyện cướp bóc, cả nhà dân lẫn các nơi thờ phượng.

“Các binh sĩ đã đột kích vào làng Chan Thar, và đột nhập vào một giáo xứ trong làng thuộc Tổng giáo phận Mandalay, vào lúc 1 giờ chiều và làm hư hại nhà thờ và nhà xứ”. Một linh mục đã cho biết như trên.

Dân làng cũng nói với LiCAS.news rằng những người lính sau đó đã phá cửa kính của tu viện. Nhóm binh lính này đã được triển khai xung quanh nhà thờ vào đêm hôm trước.

Một người dân nói: “Tài sản bên trong tu viện của các nữ tu cũng bị hư hại”

Dân làng cho biết vị linh mục và các nữ tu, cùng với một số giáo dân đã di tản khỏi khu vực này.

Dân làng Chan Thar chủ yếu là người Công Giáo và là một trong những ngôi làng lịch sử trong tổng giáo phận nơi xuất thân của các cố tổng giám mục U Win và Alphone U Than Aung.

Trong khi đó, Đài Á Châu Tự Do đưa tin lực lượng an ninh Miến Điện trước đó đã thiêu rụi 132 ngôi nhà sau cuộc đọ súng tại một ngôi làng ở miền trung Magway.

Làng Sann-myo nằm ở thị trấn Gangaw, ở phía tây bắc của vùng. Nó từng có hơn 190 ngôi nhà, nhưng sau cuộc tấn công tuần trước, chỉ còn lại khoảng 30 ngôi nhà.

Quân đội Miến Điện trước đó đã tấn công thị trấn vào ngày 21 tháng 12, phá hủy khoảng 28 ngôi nhà.

Các tổ chức nhân quyền ước tính có tổng cộng 1,963 ngôi nhà tại 90 ngôi làng trên khắp đất nước đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công đốt phá trong những tháng gần đây.

Đầu tháng này, Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho hàng nghìn người phải di dời do xung đột đang diễn ra.

Trong một lá thư kêu gọi được công bố vào ngày 14 tháng Giêng, các nhà lãnh đạo Giáo hội kêu gọi “tất cả những người có liên quan” tạo điều kiện cho “sự tiếp cận nhân đạo với những người đau khổ và mất nhà cửa”.

“Nhân phẩm và quyền sống của con người không bao giờ có thể bị tổn hại,” các nhà lãnh đạo Giáo hội cho biết trong lá thư sau phiên khoáng đại của các ngài ở Yangon vào tuần trước.

Các giám mục cũng kêu gọi “tôn trọng sự sống, tôn trọng sự tôn nghiêm của các nơi thờ tự, bệnh viện và trường học.”

Bức thư cũng bày tỏ sự cảm kích của họ đối với các linh mục, nữ tu, và giáo lý viên, những người tiếp tục chăm sóc mọi người “đồng hành cùng với họ khỏi những nguy hiểm của cuộc sống.”

Các giám mục kêu gọi tất cả các nhân viên của Giáo hội, đặc biệt là các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo lý viên, tiếp tục “sứ mệnh yêu thương và hy sinh cho mọi người, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc và địa điểm.”

Các phương tiện truyền thông địa phương cho biết hàng nghìn người, bao gồm các nhà sư Phật giáo, ở miền đông Miến Điện tiếp tục rời bỏ nhà cửa của họ khi giao tranh giữa quân đội và các nhóm nổi dậy gia tăng trong tuần này.


Source:Licas

2. Phiên tòa xét xử tham ô ở Vatican sẽ truy tố nhiều người

Phiên tòa xét xử gian lận và tham ô mang tính bước ngoặt của Vatican đã tiếp tục vào hôm thứ Ba 25 tháng Giêng, sau một thời gian dài tạm nghỉ. Việc truy tố cam go này được thuận lợi hơn nhờ hai quyết định có lợi trong các vụ án liên quan của tòa án Thụy Sĩ và Ý.

Phiên tòa, trong đó các bị cáo bị buộc tội gian lận và các tội danh khác xung quanh việc Vatican mua một tòa nhà sang trọng ở London trị giá 350 triệu euro, tức là 400 triệu USD, vẫn còn vướng mắc về thủ tục.

Phiên điều trần hôm thứ Ba, là phiên thứ sáu kể từ khi phiên tòa bắt đầu trong bối cảnh có nhiều ồn ào vào tháng Bảy, đã không giải quyết được nhiều vấn đề sơ bộ, có nghĩa là phiên tòa sẽ không diễn ra thực sự cho đến tháng Hai.

Tại phiên điều trần cuối cùng vào ngày 14 tháng 12 - chỉ kéo dài 10 phút - chủ tịch tòa án Giuseppe Pignatone bực bội cho biết ông hy vọng giai đoạn sơ bộ có thể kết thúc sớm để các phiên điều trần có thể được tổ chức thường xuyên hơn.

Bốn trong số 10 bị cáo ban đầu đã tạm thời bị xóa khỏi bản cáo trạng vào tháng 10 sau khi Pignatone nhận thấy có những sai sót trong cuộc điều tra ban đầu. Ông đã ra lệnh cho công tố khởi động lại và thẩm vấn lại bốn người vì các bước thủ tục được thiết kế để bảo vệ các bị cáo đã không được tuân thủ trong lần đầu tiên.

Tại phiên điều trần hôm thứ Ba, bên công tố đã công bố những cáo buộc mà họ dự định giữ hoặc giảm đối với từng người trong số bốn người bị truy tố.

Tất cả 10 bị cáo, bao gồm cả một vị Hồng Y quyền lực một thời của Vatican, đều phủ nhận có các hành vi sai trái.

Các luật sư của hai nhà môi giới người Ý cho khoản đầu tư của Vatican vào tòa nhà ở London - Raffaele Mincione và Gianluigi Torzi - đã nhấn mạnh rằng khách hàng của họ không thể được xét xử công bằng ở Vatican.

Mincione đã giúp Vatican thực hiện khoản đầu tư ban đầu vào năm 2014. Vào năm 2018, khi cảm thấy bị Mincione bỏ rơi, Tòa Thánh đã quay sang Torzi để cố gắng nắm toàn quyền kiểm soát tòa nhà.

Tòa thánh đã buộc tội Mincione về tội lừa đảo, biển thủ và rửa tiền. Torzi bị buộc tội lừa đảo, tống tiền và rửa tiền.

Trong tháng này, việc truy tố đã nhận được một sự thúc đẩy rất cần thiết từ hai tòa án nước ngoài, trong khi ra phán quyết về các vụ việc liên quan, đã bác bỏ một cách hiệu quả những lời bào chữa của các luật sư cho rằng thiếu công bằng đối với thân chủ của họ trong hệ thống tư pháp Vatican.

Torzi đang ở London để chống lại các yêu cầu dẫn độ của cả Ý và Vatican vì cáo buộc tội phạm tài chính. Trong một quyết định được công bố vào tháng này, tòa án tối cao của Ý đã bác bỏ những khẳng định của các luật sư của Torzi tấn công vào uy tín của tòa án Vatican.

Trước đó vào tháng Giêng, một tòa án Thụy Sĩ đã bác bỏ yêu cầu của Mincione về việc bãi bỏ việc ngăn chặn các khoản tiền mà các công tố viên Vatican đã yêu cầu đóng băng trong khi phiên tòa tiếp tục. Các luật sư của Mincione cũng đã viện dẫn những gì họ nói là những khiếm khuyết trong hệ thống tư pháp của Vatican.

Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican đã đầu tư hơn 350 triệu euro vào London. Hiện Vatican đang trong giai đoạn cuối cùng của việc bán tòa nhà với khoản lỗ được dự trù là 100 triệu euro.

Bị cáo nổi bật nhất là Hồng Y Angelo Becciu, một cựu phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và sau đó là tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô sa thải vì cáo buộc thiên vị cho người nhà trước khi phiên tòa bắt đầu. Đức Hồng Y Becciu là phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong giai đoạn đầu của thỏa thuận.
Source:Reuters

3. Chuyến thăm Ad limina của các Giám mục Bỉ bị hoãn lại vì biến thể omicron

Hôm 24 tháng Giêng, SIPI - Dịch vụ Báo chí của Hội Đồng Giám mục Bỉ đã ra thông báo sau:

Chuyến thăm Ad limina của các Giám mục Bỉ tới Rôma, dự kiến vào đầu tháng Hai, đã bị hoãn lại theo yêu cầu của các ngài. Sự trì hoãn này theo sau làn sóng nhiễm coronavirus mới. Các Giám mục cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại việc đi đến Rôma theo một nhóm và giữ nhiều cuộc hẹn đã được lên kế hoạch trong khoảng thời gian một tuần là vô trách nhiệm. Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, đã đồng ý với yêu cầu hoãn lại. Một ngày mới sẽ được thiết lập với sự tham khảo ý kiến của các Giám mục của Bỉ.

Một chuyến viếng thăm Ad limina Apoolorum hay ngắn gọn hơn là 'Ad limina' là chuyến viếng thăm định kỳ đến Rôma của mỗi giám mục giáo phận. Mục đích của chuyến đi là để báo cáo với Đức Giáo Hoàng và các cộng tác viên của ngài trong Giáo triều Vatican về tình hình hiện tại của các giáo phận và giáo tỉnh của Giáo hội địa phương. 'Ad limina' theo nghĩa đen có nghĩa là 'ở ngưỡng cửa các đền thánh của các Thánh Tông đồ', dùng để chỉ một cuộc hành hương đến mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô. Trong thời gian ở Rôma, các Giám mục cử hành Bí tích Thánh Thể hàng ngày tại một trong bốn đền thờ của Thành phố Vĩnh cửu: trên mộ của Thánh Phêrô, của Thánh Phaolô, tại đền thờ Thánh Gioan Lateranô và tại Đền Thờ Đức Bà Cả.

Trong quá khứ, những chuyến thăm này diễn ra 5 năm một lần. Nhưng các Giám mục đã trở nên rất nhiều trên thế giới và, sau sự chậm trễ do đại dịch, nhịp độ các cuộc viếng thăm hiện nay đã tăng lên mười năm một lần. Chuyến thăm Ad limina cuối cùng của các Giám mục Bỉ diễn ra vào năm 2010.

Tất nhiên, các Giám mục của chúng ta rất tiếc vì đã hoãn chuyến viếng thăm này. Nhưng làn sóng coronavirus mới khiến các ngài không còn lựa chọn nào khác. Các ngài hy vọng có thể đến Rôma vào cuối năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên các ngài gặp Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là một nhóm.

Brussels, ngày 24 tháng Giêng năm 2022
Source:cathobel.be