Con Người



Bất cứ điều gì chúng ta trân qúi nhất nơi yếu tố “nhân bản” đều tìm thấy bên trong sự hiện hữu được Thánh Tôma coi như nguồn gốc của giá trị nơi con người. Vì nơi con người, “hiện hữu” vừa là sáng tạo vừa là cải tạo [conversion], nền tảng của mối tương quan với và hướng về Thiên Chúa. Tư cách tạo vật không hề là tình trạng phân cách với Thiên Chúa mà là một lối tương quan với Thiên Chúa. Mọi lực lượng vũ trụ có đó là để nâng đỡ sự hiện hữu của con người và cả sự ác cũng được hiểu một cách sâu xa nhất khi được coi như mối đe dọa cho tính viên mãn và các khả thể của hiện hữu con người. Sự ác luân lý hay tội lỗi gây hủy hoại nhiều nhất cho mọi lực lượng chính vì nó phi nhân bản nhất trong mọi mối nguy hiểm con người gặp phải. Thực vậy, người ta phải ý thức được chiều sâu và chiều cao của phẩm giá con người do nguồn gốc và số phận thần thiêng của nó, họ mới đánh giá được trọn vẹn sự kinh khủng của việc phi nhân bản này, nghĩa là việc hủy diệt hình tượng Thiên Chúa, tức con người. Nhưng với Thánh Tôma, tín lý hình ảnh hay việc xem con người như hình ảnh của Thiên Chúa và xem các sự vật không phải là con người như các dấu vết của Thiên Chúa, việc nhấn mạnh đến thuyết kiểu mẫu [exemplarism] hay việc nhìn quá bên kia các sự vật bất toàn của kinh nghiệm để thấy các ý niệm hoàn hảo của chúng trong tâm trí Thiên Chúa, quan điểm coi vũ trụ có tính bí tích hay biểu tượng không được phép làm ta sao lãng tính toàn vẹn, tính tự chủ và thực tại mạnh mẽ của con người.Trong vũ trụ của học thuyết Tôma, mọi nhiệt tình thực chất đối với Thiên Chúa đều được diễn dịch thành việc cổ vũ các giá trị nhân bản. Bất cứ điều gì đáng kể đối với việc nhân bản hóa và giải phóng con người đều là một phần chủ yếu của việc phụng sự Thiên Chúa thánh thiêng. Với Thánh Tôma, bản chất thụ tạo là lãnh vực thực tại với các mục đích nội tại, và con người được định hướng kinh qua việc hoàn tất các mục đích nội tại này để đạt được các mục đích tối hậu. Để là một Kitô hữu, người ta phải là một con người. Ở đây, sở dĩ có một thuyết nhân bản nhiệt tình là vì có một nền thần học đích thực. Như chúng ta đã thấy, khi nhìn nhận các phân biệt giữa con người và Thiên Chúa, Thánh Tôma nhằm sự kết hợp giữa hai chủ thể, điều làm cho số phận con người trở thành thánh thiêng theo nhiều ý nghĩa.



Thực sự có một lý do triết lý tuyệt vời cho thấy tại sao lý thuyết hình ảnh trong tư tưởng Thánh Tôma không biến con người và thế giới của họ thành phi thực hay chỉ là cái bóng, vì trong một nền siêu hình trong đó Thiên Chúa là hiện hữu vô hạn (ipsum esse subsistens), con người không bao giờ họa hình Thiên Chúa mà không có thực một cách mạnh mẽ!

Như chúng ta vốn chờ mong, lý thuyết chân lý của Thánh Tôma bão hòa với hiện hữu. Từ cuộc tiếp xúc nguyên khởi với một hữu thể khả giác, con người, như chủ thể nhận thức, nhìn thấy điều có thể biết được bên trong nó, phán đoán nó hiện hữu. Mô tả chính xác cách một vật hiện hữu, do đó, được gọi là “đích thực”. Ý thức bao gồm tự ý thức, và qua ý hướng tính [intentionality], ta có ý thức về “người khác”. Thiên Chúa nằm ngoài việc biết của chúng ta như thế nào thì hành vi hiện hữu cũng nằm ngoài hành vi biết của chúng ta như vậy, đến nỗi hiện hữu phải được khúc xạ tới chúng ta qua các yếu tính mà không bao giờ chuyển dịch sự quan tâm của chúng ta từ hiện hữu qua yếu tính chỉ vì để dễ dàng xử lý với các ý niệm. Theo Thánh Tôma, bất cứ việc mất quan tâm nào đối với hiện hữu cũng sẽ tạo nên việc đầu hàng của siêu hình học, một biến cố chưa từng thấy trong lịch sử triết học! Nhờ duy trì sự quan tâm đối với hiện hữu, Thánh Tôma do đó đã giữ được chỗ cho mầu nhiệm trong diễn trình nhận thức. Không phải chỉ trong thần học, mầu nhiệm mới có chỗ đứng của nó. Dĩ nhiên, thần học là việc tham gia vào nhận thức của những người thấy Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa có bao giờ được biết hoàn toàn đâu. Và vì con người và thế giới của họ được Thiên Chúa tạo nên họ phần nào tham dự vào tính bất khả hiểu thấu [incomprehensibility]. Đến nỗi triết gia nào biết thừa nhận mầu nhiệm của hiện hữu thụ tạo sẽ không bao giờ cho rằng mình đã tóm gọn được hiện hữu, không bao giờ cao ngạo cho rằng mình đạt tới một nhận thức thấu đáo [exhaustive] về thực tại như các nhà duy lý được tiếng đã huênh hoang. Không bao giờ nên lẫn lộn nền siêu hình duy lý với nền siêu hình hiện hữu, là nền siêu hình không bao giờ huênh hoang là mình đã đưa ra được các câu trả lời cuối cùng hay có tính kết luận mà chỉ là đề xướng một số khẳng định có giá trị được kinh nghiệm hỗ trợ mà thôi.

Một xem xét ở điểm này cuộc phân tích của Thánh Tôma về nhận thức cũng có tính giáo huấn như cách ngài đi đến các kết luận. Trong Tổng luận Thần học I, q. 84, a. 6, Thánh Tôma khai triển lý thuyết của ngài về nhận thức trong tương quan với các lý thuyết khác. Ngài chọn theo Aristốt, nhưng tìm thấy các mâu thuẫn giữa việc triết gia này dạy rằng “khởi đầu nhận thức của ta là ở các giác quan” và giả thuyết cho rằng “nhận thức của trí khôn vượt quá những điều thuộc giác quan”. Khi gặp khó khăn này, ngài lần giở lại tiến độ trong nhận thức luận từ Democritus qua Platông tới Aristốt; ngài kết luận rằng Aristốt đến gần sự thật nhất. Mặc dầu quan điểm của các nhà duy nguyên tử [atomists] sơ khai của Hy lạp liên quan đến vật chất và linh hồn hoàn toàn khác với quan điểm của ngài, ngài vẫn thừa nhận nhu cầu phải nắm chắc tư duy của họ trước khi bất đồng với nó. Mặc dầu vật chất không phải là toàn bộ con người, nó quả thuộc về bản chất con người. Và do đó, sự lệ thuộc thái quá của Platông vào các ý niệm như là nguyên nhân và nội dung của bản chất con người xem ra không có thực chất đối với Thánh Tôma. Nếu Aristốt đúng khi tuyên bố rằng con người được tạo lập bằng chất thể và mô thức, thì nhận thức của con người cũng rất có thể đạt được bằng việc nối kết các nguyên lý chất thể và mô thức. Nhưng vì cả chất thể đứng một mình lẫn tinh thần đứng một mình đều không thể giải thích bản chất con người, nên phải có một nguyên lý trung gian làm việc trong sinh hoạt của con người. Aristốt gọi nguyên lý ấy là trí hiểu tích cực [active intellect]; trí hiểu này biến đổi các hình sắc [species] khả giác của trí khôn thành những hình sắc khả niệm được in dấu [impressed intelligible species] có khả năng được trí hiểu tiếp nhận. Diễn trình này là việc trừu tượng hóa, loại bỏ mọi chi tiết cá thể hoá khỏi mô thức ý hướng [intentional form] để nó có thể được thấu triệt bởi một quan năng hoàn toàn vô chất. Ở đây, Thánh Tôma sử dụng kiểu nói hiện thể/tiềm thể [act/potentiality] của Aristốt khi ngài giải thích nhận thức như hành vi tiếp nhận một mô thức thực sự khả niệm hay, nói cách khác, đem trí hiểu khả hữu từ tình trạng tiềm thể sang tình trạng hiện thể. Trí hiểu tích cực thực hành chức năng này không tách biệt khỏi con người như đoạn văn của Aristốt trong Về Linh Hồn [On the Soul] (III, 5) gợi ý cho một số người, nhưng linh hồn trong hiện thể sinh động hóa chính việc hình thành hình ảnh khả giác. Thánh Tôma nghiêng về “lý thuyết trừu tượng hóa” của chính ngài hơn chỉ vì nó để cho trí hiểu hoàn toàn siêu việt trong khi không mưu toan loại bỏ sự lệ thuộc ngoại tại của nó vào thân xác để có được các hình ảnh sử dụng trong diễn trình trừu tượng hóa.

Đối tượng thích đáng của trí hiểu con người, như thế, là yếu tính của các thực tại khả giác, bản thể [quiddity] của chúng, không tách biệt với các sự vật khả giác, như Platông vốn nghĩ, nhưng được trí khôn phân biệt. Nhờ sự trừu tượng hóa của trí hiểu này con người sử dụng các dữ kiện do các giác quan trình bầy, và nhờ suy tư, nhận ra từ đâu, đã nhận được dữ kiện. Vậy thì, việc Thánh Tôma tiếp nhận ý niệm quân bình của Aristốt về nội dung chất thể/mô thức của yếu tính con người quả là một thành lũy chống những cực đoan do đó mà có. Mặc dù các lý thuyết của Democritus không còn được duy trì trong hình thức nguyên thủy của chúng nữa, vì khoa học đã tiến quá xa đối với nó, nhưng một số người vẫn chủ trương rằng có thể giản lược nhận thức chỉ còn là hiện tượng vật lý. Những ai giải thích các năng lực thuận lý của con người chỉ như một vấn đề của các khớp thần kinh [synapses] và việc tái sắp xếp các chất đạm về phương diện hóa học quả đã không nắm được điểm hết sức quan trọng. Bất cứ họ giải thích hay bao nhiêu các vận hành của bộ óc con người, họ cũng không thể đạt tới năng lực vô chất của con người, nhờ đó, người ta nắm được ý nghĩa. Sự khác nhau có tính định phẩm và chủ yếu. Hiện cũng đang có khuynh hướng muốn tạo ra một “trí hiểu chung” từ xã hội và ngăn cấm con người không được độc lập tiến tới chân lý. Tất cả bị bao phủ bởi đám mây văn hóa và xã hội như bầu khí của tư tưởng là nguyên nhân tạo ra các suy tư của ta. Nhưng trong học lý của Thánh Tôma, con người có thể vượt quá môi trường của họ chính vì họ có thể vượt quá các điều kiện vật chất bao quanh bất cứ yếu tính nào; các điều kiện vật chất sẽ là các khởi điểm của họ, nhưng việc đạt tới chân lý hay hữu thể của bất cứ vật gì họ nghiên cứu không bị loại trừ. Như một năng lực vô hạn, trí hiểu của con người mở cửa cho con người vươn tới vô hạn, mặc dù chỉ có tình yêu mới đạt được vô hạn mà thôi. Tương quan giữa mỗi con người với hiện hữu siêu việt trong kinh nghiệm biết và sống của họ, chính đó là cơ sở của khách quan tính.

Hiện hữu cũng là cơ sở cho bất cứ cái hiểu đúng đắn nào về tình yêu. Có tính tự thông đạt mình, đại lượng, biết ngây ngất [ecstatic], hiện hữu bên trong Thiên Chúa là mô hình cho mọi tình yêu đích thực và cho mọi khả thể mênh mông của sự cao thượng nhân bản. Ngược với điều một số sách giáo khoa trước đây quảng bá về việc Thánh Tôma trọng nhận thức hơn tình yêu, các văn bản cho thấy ở đây và ở mọi chỗ, trong vấn đề thân xác tương quan với linh hồn, nhận thức suy lý tương quan với nhận thức thực tế, tự nhiên tương quan với ơn thánh, Thánh Tôma luôn chống lại nhị phân [dichotomy] và lập luận về phiá liên tục và đồng qui. Ngài nhắc đến các chân lý quan trọng, thuộc lãnh vực luân lý và tôn giáo, như được mở ra cho những ai yêu thương. Và ngài đặt cơ sở cho tình yêu tinh ròng, nghĩa là, tình yêu hiến mình hơn là tình yêu thèm muốn, trên việc đánh giá có ý thức các giá trị nội tại của con người.

Còn về các khía cạnh khác của con người, dù có thể tạo nên một nền tâm lý học Tôma bằng cách phân tích riêng rẽ từng khả năng của con người, trí hiểu và các giác quan nội ngoại, ý chí và sức mạnh của xu hướng, nhưng một thủ tục như thế chỉ đem lại một cái nhìn cắt xén về con người. Dĩ nhiên, thánh Tôma, cũng như Aristốt, có thảo luận các năng lực này nhưng trong học lý của Thánh Tôma về con người, năng lực [power] không là gì ngoại trừ trong tương quan với các năng lực khác, tất cả liên hệ với các hành động được nguyên lý hiện hữu tinh thần [esse] làm cho sinh động, trong đó, mọi hành động ít nhiều tham dự vào tùy theo mức độ độc lập của chúng đối với vật thể. Nếu xem xét từng năng lực một cách riêng rẽ, ta phải lưu ý phục hồi nó trở lại vị trí của nó trong tính toàn diện của chủ thể hiện hữu nhân bản, tức con người đang sống, đang nhận thức và đang yêu thương, hành động một cách tự do để đáp ứng những mời gọi có thực chất. Trong khung cảnh này, toàn bộ xu hướng trong con người hướng về điều thiện, vốn là mục đích của ý chí; sự thiện này luôn là một điều hiện hữu, một điều có thực chất. Vì mọi chủ thể nhận thức đều hướng về điều thiện như một điều có thực, chúng ta gọi điều này là “cùng đích” [finality] hay telos, mọi và mỗi hành động của con người đều tham dự vào xu hướng hướng tới điều có thực này, và ngay cả việc nhận thức của trí hiểu, do đó, cũng liên hệ tới một đối tượng có thực. Qua trung gian của ý chí, đối tượng của nhận thức trở thành nội tại như mục đích đối với chủ thể nhận thức.

Bất cứ xu hướng tự nhiên nào thường cũng được xác định bởi mô thức của chủ thể có xu hướng, nhưng một chủ thể nhận thức hay vô chất cảm nhận sự lôi cuốn hướng tới sự vật không phải nguyên bởi mô thức của nó mà thôi, cũng không phải một cách bất định nào đó, mà được chuyên biệt hóa bởi mô thức của các vật nó nhận thức. Và đặc ân của các hữu thể vô chất là tự nhận thức mình, và hữu thể vô chất, với mọi nét vô hình của nó, vốn là hữu thể thực sự, nên mô thức xác định việc nó nhận thức chính nó và các sự vật kết hợp với nó có tương quan một cách yếu tính với điều có thực. Hữu thể có ý hướng, do đó, có bất cứ mô thức nào nó có dưới ảnh hưởng xu hướng của chúng ta hướng tới sự vật có thực dưới sự lôi cuốn của mục đích nơi ý chí. Chúng ta gọi sự vật có thực này là đối tượng vì nó không thể được đồng nhất hóa với chủ thể, nhưng điều này không có nghĩa là nó “ở ngoài kia”. Thực vậy, qua mô thức của xu hướng do nó xác định, nó có tính nội tại, và trong từ vựng Kinh Viện, nó được biết như là hình thái khả niệm [intelligible species], nghĩa là, hữu thể có ý hướng của đối tượng, vốn chuyên biệt hóa việc ý thức về chính mình.

Đối với Thánh Tôma, việc tự ý thức chính mình là mối nối kết các điều kiện siêu hình và tâm lý của nhận thức hơn là các điều kiện luận lý. Điều này cho thấy sự liên kết ở một bình diện sâu sắc giữa viễn kiến của Thánh Augustinô và phương pháp của Kant. Hữu thể tuyệt đối hay chân lý tự nó áp đặt như điều kiện xác định tiên thiên tối hậu hay siêu việt của mọi nhận thức của con người. Do đó, điều phán đoán của chúng ta muốn nói không phải chỉ là điều được phát biểu trong các ý niệm ta khẳng định. Vì đối tượng mô thức của trí hiểu là hữu thể tuyệt đối, mặc dù không nằm ở bình diện ý thức, tư tưởng khách quan trở thành khả hữu. Qua việc tự ý thức hay phản tỉnh về chính sinh hoạt tri thức của mình này, chúng ta thấy hai yếu tố hoàn toàn không do giác quan cung cấp: bản ngã hay cái tôi, vốn là yếu tố cụ thể chung cho mọi phán đoán, và hữu thể, vốn là căn bản cho tính khách quan nhận thức, tức hiện hữu, chỉ đạt tới nhờ sinh hoạt tinh thần chẳng hạn như việc nhận thức của trí hiểu. Bằng cách áp dụng nguyên tắc actio sequitur esse (hành động theo hiện hữu), chúng ta có thể lập luận cho việc hiện hữu tinh thần của linh hồn, vốn là lý do được Thánh Tôma cung cấp cho tính bất tử của nó. Nhưng vì Nguyên Nhân Sau Cùng hay hữu thể tuyệt đối là nguyên nhân đầu hết và thực sự, dù một cách hàm ngụ, lôi cuốn tôi tới sự thiện hoàn toàn hay chân lý hoàn toàn, nên mọi hành vi của ý chí đều là một xu hướng hướng tới sự thiện hoàn toàn này, và mọi hữu thể hữu hạn đều đáng được mong muốn nhờ tham dự vào sự thiện này. Và vì mọi phán đoán, do đó, đều là một kinh nghiệm hướng tới thể vô hạn, chúng ta có thể kết luận rằng trong mọi phán đoán, có một khẳng định về Thiên Chúa, dù một cách mặc nhiên.

Cũng có hệ luận này là vì tương lai tối hậu của con người khởi xướng mọi khát mong nhân bản hướng tới các mục tiêu hữu hạn, nên tất cả những gì con người khát mong, họ đều mặc nhiên khát mong trong diễn trình hướng tới sự thành toàn sau cùng của họ: Omega của họ. Nhưng nếu xu hướng năng động của con người hướng tới “hữu thể”, điều vốn bảo đảm tính khách quan trong việc suy tư của họ, phát xuất từ chiều kích linh hồn thiêng liêng của họ, thì đóng góp chính vào nhận thức của con người lại được thực hiện bởi thân xác của họ. Vì chỉ bằng cách “trở về với phantasm [niệm ảnh]” tức đem lại với nhau ý niệm phổ quát và hình ảnh cụ thể, con người mới có khả năng phán đoán những điều cá thể cụ thể; đến nỗi, việc tự ý thức thỏa đáng có nghĩa ý thức được sinh hoạt nhận thức của con người, một điều, dù sao, cũng bắt nguồn từ sự hợp nhất có tính bản thể giữa vật thể và tinh thần trong chủ thể nhận thức. Tất cả những điều này đứng đàng sau việc các nhà duy thực hiện hữu trong truyền thống Tôma không thoả mãn đối với những người vốn được coi là duy nghiệm triệt để. Do sự kiện này là người theo trường phái Tôma thấy việc tự cảm nghiệm là khởi điểm cho một nền siêu hình về con người và Thiên Chúa, họ cũng thấy “thuyết duy nghiệm triệt để” không triệt để đủ.

Nên, trong học lý toàn diện của Thánh Tôma về con người, chúng ta sẽ nghiên cứu con người nhân bản biết trong kinh nghiệm biết, con người nhân bản muốn trong kinh nghiệm muốn.

Cuối cùng, nên nói về chủ đề tự do, rất quan trọng hiện nay. Thánh Tôma coi tự do không phải là độc lập đối với thể tuyệt đối nhưng độc lập đối với thể tương đối. Dù sao, thể tương đối mới là nơi duy nhất con người gặp đề kháng đối với hành động tự do của họ. Vì, nếu Thiên Chúa, Đấng vốn tuyệt đối, là Đấng đã tạo ra con người tự do, thì sự tự do của con người, nhờ lệ thuộc Đấng tuyệt đối, chỉ được tăng cường mà thôi. Giờ đây, cách duy nhất để con người kết hợp với Đấng tuyệt đối, Đấng vốn vô cùng vượt quá năng lực tri thức của con người, là phó mình cho tình yêu, và ai cũng biết rằng không tình yêu nào nếu không dâng hiến một cách tự do thì không đáng danh xưng tình yêu. Và như thế, nếu con người liên hệ với các hữu thể khác một cách đến nỗi làm người là hiệp thông với người khác, sống cho họ, thì tình yêu quả thực không bao giờ làm giảm tự do của con người, vì chỉ qua tình yêu, con người mới trở nên chính mình. Và là chính mình là được tự do.

Tất cả những điều trên cho thấy Thánh Tôma chấp nhận con người Kitô hữu cụ thể của Thánh Augustinô ngay cả khi ngài lợi dụng cuộc phân tích lý thuyết của Aristốt về bản chất con người.

Kỳ tới: Con người luân lý