Theo Hãng tin CNA ngày 16 tháng Hai, 2021, việc Tổng thống Joe Biden từ lâu vốn tự trình bầy mình như một người Công Giáo sùng đạo mâu thuẫn với lập trường chính trị mạnh mẽ của ông ta trong việc ủng hộ phá thai. Đối với Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, điều này có nghĩa là Biden cần phải thừa nhận việc đó, và các giám mục cần phải sửa sai ông ta.
Đức Cha Naumann, Tổng giám mục của Thành phố Kansas, thuộc tiểu bang Kansas, nói với Catholic World Report , trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 13 tháng 2, rằng, “Tổng thống nên chấm dứt việc tự định nghĩa mình như một người Công Giáo sùng đạo, và thừa nhận rằng quan điểm của ông về việc phá thai là trái với giáo huấn luân lý Công Giáo. Sẽ là một cách tiếp cận trung thực hơn khi ông nói rằng ông không đồng ý với Giáo hội của mình về vấn đề quan trọng này và ông đã hành động trái với giáo huấn của Giáo hội”.
Vị tổng giám mục nói thêm, “Khi ông ta nói rằng ông ta là một người Công Giáo sùng đạo, chúng tôi các giám mục có trách nhiệm sửa chữa ông ta. Mặc dù người ta đã trao cho vị tổng thống này quyền lực và thẩm quyền, nhưng ông ta không thể định nghĩa thế nào là người Công Giáo và thế nào là giáo huấn luân lý Công Giáo”.
Ngài nói, “Điều ông ta đang làm bây giờ là soán vai trò các giám mục và khiến mọi người bối rối. Ông ta tuyên bố rằng ông ta là người Công Giáo nhưng sẽ buộc mọi người ủng hộ việc phá thai thông qua tiền thuế của họ. Các giám mục cần phải chấn chỉnh ông ta, vì tổng thống đang hành động trái với đức tin Công Giáo”.
Đức Cha Naumann cũng là chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Với vai trò này, ngài đã đưa ra phản ứng nhanh chóng của các giám mục đối với tuyên bố ngày 22 tháng 1 của Biden ủng hộ việc phá thai hợp pháp vào dịp kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade của Tối cao Pháp viện.
Tuyên bố của các giám mục Hoa Kỳ viết, “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi tổng thống bác bỏ phá thai và cổ vũ việc viện trợ phò sinh cho phụ nữ và các cộng đồng đang cần trợ giúp”.
Cuộc phỏng vấn Đức Cha Naumann diễn ra chỉ vài tuần sau khi Biden trở thành người Công Giáo thứ hai làm tổng thống Hoa Kỳ, với các viên chức chính phủ luôn nhấn mạnh đến việc ông tham dự Thánh lễ.
Trong khi trước đây, với tư cách là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho Delaware, Biden từng ủng hộ một số hạn chế đối với hoạt động phá thai và tài trợ cho hoạt động phá thai, nhưng kể từ đó, Biden đã ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án Hyde, vốn cấm hầu hết các khoản tài trợ liên bang cho việc phá thai.
Tại một cuộc họp báo ngày 20 tháng 1 vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của Biden, Owen Jensen của EWTN News đã hỏi thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki rằng Biden dự định làm gì liên quan đến Tu chính án Hyde và Chính sách Mexico City.
Psaki không đưa ra bất cứ chi tiết nào. Anh ta chỉ nói với các phóng viên, “Nhưng tôi xin nhân cơ hội này nhắc nhở tất cả các bạn rằng ông ấy (Biden) là một người Công Giáo sùng đạo và là người thường xuyên đi lễ nhà thờ. Ông ấy bắt đầu một ngày của mình bằng việc tham dự nhà thờ vào sáng nay".
Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Biden đã bãi bỏ Chính sách Mexico City, là chính sách cấm liên bang tài trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cổ vũ hoặc thực hiện phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Với Phó Tổng thống Kamala Harris, Biden đã nhấn mạnh cam kết của mình trong việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang ủng hộ quyền phá thai và hệ thống hóa các tiền lệ của tòa án ủng hộ phá thai thành luật liên bang.
Vấn đề các giáo sĩ Công Giáo nên phản ứng ra sao với các chính trị gia ủng hộ quyền phá thai được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Biden. Cuộc phỏng vấn Naumann của Catholic World Report đã thảo luận về các hành động của Cha Robert Morey, một linh mục ở Nam Carolina, người đã từ chối cho Biden rước lễ trong Thánh lễ năm 2019 vì quan điểm phá thai của ông ta.
Đức Tổng Giám Mục nói về linh mục ấy, “Tôi nghĩ rằng ngài đã hành động dựa vào và làm theo lương tâm của mình. Tôi tin rằng tổng thống có trách nhiệm không tiến lên Rước Lễ".
Đức Tổng Giám Mục nói thêm, “Khi người Công Giáo lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, họ thừa nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, và cũng tin vào các giáo huấn của Giáo hội. Tổng thống Biden không tin vào những lời dạy của Giáo hội về tính thánh thiêng của sự sống con người, và ông ta không nên đặt linh mục vào tình huống phải quyết định có cho phép ông ta rước Thánh Thể hay không. Ông ta nên biết điều đó sau 78 năm làm một người Công Giáo”.
Đức Cha Naumann cho biết "mối quan tâm lớn nhất" của ngài là việc có thể loại bỏ Tu chính án Hyde.
Trong năm bầu cử Hoa Kỳ 2004, các giám mục Hoa Kỳ đã ban hành bản tuyên bố “Người Công Giáo trong Đời sống Chính trị” dành cho các giám mục cá thể quyền quyết định từ chối cho các chính trị gia ủng hộ việc phá thai Rước Lễ.
Cùng năm đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã gửi một lá thư cho Theodore McCarrick, lúc đó là Tổng Giám mục của Washington, với mong muốn rằng nó sẽ được đọc cho các giám mục đồng nghiệp.
Bức thư nói rằng các chính trị gia ủng hộ việc phá thai, sau lần đầu tiên bị mục tử của họ nhắc nhở về giáo huấn của Giáo hội và cảnh báo không nên tiến lên rước lễ, “không được phép rước lễ”.
Đức Hồng Y Ratzinger, người sẽ được bầu làm Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào năm 2005, cho biết: định nghĩa của Giáo Hội về việc tham dự “tỏ tường” vào “tội trọng” áp dụng vào “trường hợp một chính trị gia Công Giáo, khi ông ta nhất quán vận động và bỏ phiếu cho các đạo luật phá thai và an tử bừa bãi”.
McCarrick đã đọc một số đoạn nhưng không phải trọn bức thư gửi cho các giám mục đồng nghiệp của mình tại cuộc họp mùa hè năm 2014 của họ, bỏ qua những phần chính. Ông ta nói rằng Ratzinger đồng ý với quyết định của các giám mục dành quyền phán quyết về việc không cho Rước Lễ cho từng giám mục. Toàn bộ bức thư của Ratzinger sau đó đã được tường trình công khai.
Các chủ đề khác trong cuộc phỏng vấn Đức Cha Naumann của Catholic World Report bao gồm các suy nghi về Cuộc Diễn Hành Phò Sinh, một dự thảo sửa đổi hiến pháp Kansas để bác bỏ kết luận của Tòa án Tối cao Tiểu bang về quyền phá thai, việc có thể cho phép vắc xin về mặt đạo đức và liệu việc sử dụng chúng có phải là bắt buộc hay không, và việc tạo luật lệ như dự luật Equality Act liên bang, một dự luật có thể buộc các định chế tôn giáo hành động chống lại các niềm tin tôn giáo của họ.