Theo Bản tin ngày 25 tháng 10 năm 2023 của hãng tin Catholic World News, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã ban hành “Thư gửi dân Chúa”, mô tả công việc của cuộc họp tháng 10 và yêu cầu tất cả các tín hữu “tham gia cụ thể” vào tiến trình Thượng Hội Đồng sẽ tiếp tục trong năm tới và kết thúc với một phiên họp toàn thể khác vào tháng 10 năm 2024.



Khi phiên họp năm nay sắp kết thúc, những người tham gia đã thảo luận về bản dự thảo thông điệp được đệ trình vào ngày 23 tháng 10, và—sau một vài sửa đổi—đã thông qua văn bản với số phiếu áp đảo 336—12 vào ngày 25 tháng 10.

Thông điệp của Thượng Hội đồng nhấn mạnh đến các cuộc tham vấn trên phạm vi rộng vốn là đặc điểm của Thượng hội đồng về Tính đồng nghị và làm nảy sinh những lo ngại rằng tiến trình này sẽ mang lại những thay đổi trong—hoặc nhầm lẫn về—tín lý của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích thảo luận về những lời chỉ trích của những người Công Giáo bất đồng và những người không Công Giáo. Thư gửi dân Chúa đã xác nhận quyết định đó khi nói: “Để tiến bộ trong việc phân định của mình, Giáo hội nhất thiết phải lắng nghe mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất”.

Không giống như các cuộc họp trước đây của Thượng Hội đồng Giám mục, Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đã thông qua một tiến trình kéo dài ba năm. Trong khi các cuộc họp trước đó lên đến cao điểm ở một phiên họp toàn thể trong đó các đại biểu bỏ phiếu phê chuẩn một loạt đề nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ đạo rằng Thượng hội đồng về Tính đồng nghị sẽ họp lại trước khi đưa ra tuyên bố cuối cùng. Vì vậy, Thư mong muốn được tiếp tục diễn trình này.

Bức thư mở đầu bằng lời cảm ơn tới những người đã hỗ trợ các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng bằng lời cầu nguyện của họ, và cho biết rằng đó là một “trải nghiệm đẹp và phong phú” đối với những người tham gia, một “thời gian hạnh phúc trong sự hiệp thông sâu sắc”. Nhìn về phía trước, thông điệp viết:

“Và bây giờ? Chúng tôi hy vọng rằng những tháng dẫn đến phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024 sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông truyền giáo được biểu thị bằng từ ‘thượng hội đồng’”.

Cuộc họp tháng này là “một giai đoạn quan trọng của diễn trình này”, Bức thư viết. Đó cũng là một “trải nghiệm chưa từng có” vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định mời các giáo dân nam nữ tham gia đầy đủ vào các cuộc thảo luận. Vì vậy, mặc dù thông điệp đến từ Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng khoảng 20% những người bỏ phiếu phê chuẩn nó không phải là các giám mục.

Thông điệp đặt trọng tâm lớn vào các cuộc tham vấn diễn ra trước cuộc họp tháng 10 này, với các phiên họp sơ bộ ở cấp giáo xứ, giáo phận, khu vực, quốc gia và lục địa. Bức thư thậm chí còn đề cập đến những ý kiến thu thập được từ “những người vô gia cư gần Quảng trường Thánh Phêrô”. Mặc dù thông điệp không đề cập đến những người chỉ trích đã chỉ ra rằng chưa đến 1% dân số Công Giáo trên thế giới tham gia vào diễn trình này, nhưng nó vẫn kêu gọi tham vấn nhiều hơn:

“Nó có nghĩa lắng nghe những người đã bị từ chối quyền phát biểu trong xã hội hoặc những người cảm thấy bị loại trừ, ngay cả bởi Giáo hội; lắng nghe những người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức—đặc biệt ở một số vùng đối với người dân bản địa mà nền văn hóa của họ bị khinh miệt”.

“Đây không phải là về ý thức hệ,” Bức thư nhấn mạnh, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi của những người Công Giáo có tư tưởng truyền thống, “mà là về một kinh nghiệm bắt nguồn từ truyền thống tông đồ”.

Bức thư báo cáo, “Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra trong bối cảnh một thế giới đang gặp khủng hoảng, trong đó những vết thương và sự bất bình đẳng đầy tai tiếng đã vang dội trong tâm hồn chúng ta”. Những người tham gia nói rằng họ đã cầu nguyện “cho các nạn nhân của bạo lực giết người, mà không quên tất cả những người vì khốn khổ và tham nhũng buộc phải lên đường di cư nguy hiểm”. Nhắc lại các chủ đề khác được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên viện dẫn, Bức thư kêu gọi sự hiệp nhất trong đức tin và phó thác cho Chúa Kitô “ngôi nhà chung của chúng ta, nơi tiếng kêu than của trái đất và người nghèo ngày càng trở nên cấp thiết”.

Thông điệp kết thúc bằng lời kêu gọi hợp tác trong việc truyền giáo, trích dẫn những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Đây chính là con đường đồng nghị mà Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”.