Theo Courtney Mares của hãng tin CNA, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher O.P. của Sydney nói rằng Trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, chúng ta phải cẩn thận về việc “đổ lỗi mọi thứ cho Chúa Thánh Thần”, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney đã nói như thế, đồng thời lưu ý rằng nếu một đề xuất hoàn toàn trái ngược với Tin Mừng thì “đó không phải là của Chúa Thánh Thần”.



“Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Kitô. Người là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, và vì vậy Người sẽ chỉ nói những điều phù hợp với những gì Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta trong truyền thống tông đồ,” Đức Tổng Giám Mục Fisherr đã nói như thế với CNA trong một cuộc phỏng vấn ở Rome tuần này.

Người ta nhấn mạnh nhiều đến việc lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong phiên họp tháng 10 với các đại biểu Thượng Hội đồng tập trung cho “các cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần” theo nhóm nhỏ gần như hàng ngày, được mô tả trên trang web của Thượng Hội đồng là “một cuộc phân định năng động trong một Giáo hội đồng nghị”.

Vị tu sĩ Đa Minh người Úc giải thích rằng nếu một đề xuất nào đó của Thượng Hội đồng “hoàn toàn trái ngược” với Tin Mừng và truyền thống tông đồ, thì “điều đó không thuộc về Chúa Thánh Thần bởi vì chúng ta không thể để Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần gây chiến với nhau”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói: “Chúng ta phải cẩn thận về đổ lỗi mọi điều - tất cả ý kiến, lợi ích, hoạt động vận động hành lang và phe phái của chúng ta – lên đầu Chúa Thánh Thần”.

“Người Công Giáo thích nghĩ rằng Chúa Thánh Thần bầu chọn giáo hoàng, Chúa Thánh Thần chọn các giám mục và linh mục cho chúng ta, Chúa Thánh Thần làm điều này điều kia. Và chắc chắn rằng có bàn tay của Thiên Chúa, sự quan phòng của Thiên Chúa, hiện diện trong tất cả những điều quan trọng đó trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng có một số giáo hoàng tồi tệ trong lịch sử. Chúng ta đã có một số linh mục và giám mục tồi tệ và những điều khủng khiếp xảy ra trong cuộc sống của mọi người. Và Chúa Thánh Thần có vắng mặt không? Không, nhưng Người đã cho phép những điều đó xảy ra.”

Ngài nói thêm, “Vì vậy, chúng ta đừng gán mọi thứ cho Chúa Thánh Thần diễn ra tại Thượng Hội đồng hoặc bất cứ nơi nào khác trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ làm điều đó thực sự là mê tín”.

Ngài giải thích rằng thách thức của Thượng Hội đồng là lắng nghe và hỏi xem Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta và với Giáo hội vào thời điểm này, đồng thời cho biết thêm rằng Giáo hội đã cung cấp những “kim chỉ nam” hữu ích khi cố gắng phân biệt ý muốn của Thiên Chúa.

Ngài nói, “Chúa Kitô đã ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để được cứu rỗi, đã được mạc khải. Chúng ta truyền lại điều đó từ thế hệ này sang thế hệ khác, Tin Mừng và các giáo huấn của Giáo hội”.

“Chúng ta đã có cả một bộ giáo huấn, suy tư, bởi hàng ngàn và hàng ngàn người qua các thế hệ, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn về đủ loại câu hỏi ở đó để giúp chúng ta, tức kho tàng đức tin như chúng ta gọi, nó ở đó sẽ được khai thác.”

Ngài nói thêm, “Vì vậy, chúng ta không chỉ có các thiết bị của riêng mình, suy nghĩ của riêng mình - bất kể tâm trạng trong cuộc họp về một vấn đề đặc thù như thế nào. Chúng ta thực sự có điều gì đó vững chắc để dựa vào và kiểm tra tâm trạng cũng như trực giác”.

Về việc truyền chức cho phụ nữ, vị tổng giám mục 62 tuổi của Sydney lưu ý rằng đã có “một cuộc thảo luận lâu dài về việc phong chức cho phụ nữ” trong phiên họp thượng hội đồng.

Ngài nói thêm, “Tôi không nghĩ điều đó tiết lộ bất cứ điều gì mà mọi người chưa biế. Và có rất nhiều căng thẳng và cảm xúc xung quanh một vấn đề như thế.”

Ngài nói rằng thật khó để biết toàn thể phiên họp cảm thấy thế nào về vấn đề này vì mọi người nghe thấy báo cáo từ mỗi bàn trong số 35 bàn trong hội trường, nhưng “bạn không biết liệu báo cáo đó có báo cáo những gì một người nói hoặc tất cả 12 người ở bàn đó đã nói”.

Ngài nói: “Vì vậy, bạn không biết đó là sự nhiệt tình của một hoặc hai người ở mỗi bàn hay sự nhiệt tình thực sự được hầu hết cả phòng ủng hộ”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói với EWTN News rằng ngài nghĩ Thượng Hội đồng có thể là một cơ hội để nói về những vấn đề lớn hơn trong Giáo hội ngày nay, chẳng hạn như có bao nhiêu người trẻ đang nói rằng họ không có tôn giáo nào cả.

Ngài nói: “Cuối cùng, điều này cấp bách hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều so với việc mày mò ở rìa về việc liệu 0,001% phụ nữ có thể là nữ phó tế”.

“Điều đó thật tầm thường so với sự mất niềm tin to lớn đang xảy ra cho chúng ta, đặc biệt trong ngay thế hệ này.”

Ngài nói thêm rằng khi mọi người mất niềm tin, họ đi nơi khác để tìm kiếm ý nghĩa, và “mọi người đi đến rất nhiều nơi rất tàn khốc để tìm kiếm ý nghĩa, hy vọng và hạnh phúc”.

Ngài nói thêm: “Vì lợi ích của họ, chúng ta phải tích cực hơn nhiều trong việc truyền giáo nền văn hóa của chúng ta và đặc biệt là những người trẻ tuổi của chúng ta”.

Ngài nói: “Điều tôi mong muốn đạt được từ Thượng Hội đồng là sự nhiệt tình mang đức tin trở lại với những người lẽ ra phải có đức tin đó và vì bất cứ lý do gì đã bị mất kết nối”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher, người đã giữ chức vụ tổng giám mục Sydney trong gần một thập niên, lưu ý rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị “hoàn toàn khác” so với Thượng hội đồng Giám mục trước đây mà ngài tham dự.

Ngài mô tả toàn bộ quá trình này là “một cuộc thử nghiệm” và nói thêm: “Nó đặt ra đủ loại câu hỏi thần học khá nghiêm túc”.

Ngài giải thích, Thượng Hội đồng Giám mục do Đức Phaolô VI thiết lập sau Công đồng Vatican II “có mục đích thể hiện tính hợp đoàn giám mục của giám mục đoàn với nhau, giống như sự hợp tác của các tông đồ với nhau… và đặc biệt là huấn quyền của họ, sự giảng dạy của họ với nhau.”

Trong khi đó, Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị giống như “sự kết hợp” giữa Thượng hội đồng Giám mục và các hình thức họp mặt và gặp gỡ khác của Giáo hội với các giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân.

“Nó vừa là Thượng Hội đồng Giám mục vừa là một cuộc tụ họp của giáo hội, tất cả trong một thứ. Và có những câu hỏi mà nó đặt ra. Vậy bản chất giáo hội của nó là gì? Thẩm quyền của nó là gì? … Có phải nó cố gắng trở thành các giám mục giống như việc tập hợp các tông đồ không? Hay nó đang cố gắng trở thành sự quy tụ của tất cả những người đã được rửa tội?”

“Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc tất cả những điều đó có ý nghĩa gì về mặt giáo hội, giáo luật, thực tế?”

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói rằng cũng có cuộc thảo luận về tỷ lệ giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị.

Ngài lưu ý: “Có nhiều phụ nữ hơn bao giờ hết trước đây và [thượng hội đồng] vẫn phải đương đầu với rất nhiều lời chỉ trích rằng vẫn không có đủ phụ nữ”.

Đức Tổng Giám Mục Úc nói thêm rằng một trong những mặt tích cực của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị là nhiều người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập cùng nhau tại Vatican trong tháng này.

Ngài nói, “Trong hai tuần qua, tôi đã gặp nhiều giám mục hơn hẳn so với 20 năm trước của tôi. Và đó phải là một điều tích cực”.