Lời nhắn của một Giám Mục Công Giáo
Erik Varden là giám mục của Giáo hạt Lãnh thổ Trondheim, Na Uy. Là người gốc Nam Na Uy, ngài lớn lên ở làng Degernes. Varden được đào tạo tại Đại học Cambridge và Học viện Giáo hoàng Đông phương trước khi trở thành tu sĩ dòng Xitô của Tu viện Mount St. Bernard ở Leicestershire, tuyên khấn long trọng vào năm 2007. Được thụ phong linh mục vào năm 2011, ngài trở thành viện phụ thứ 11 của Mount St. Bernard năm 2015. Năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm giám mục lãnh thổ của Trondheim, và ngài được tấn phong giám mục tại Nhà thờ Nidaros vào năm sau – người Na Uy bản địa đầu tiên làm giám mục ở Trondheim trong thời hiện đại. Ngài là tác giả của nhiều cuốn sách, gần đây nhất là cuốn Khiết tịnh: Hòa giải các giác quan, do Bloomsbury Continuum xuất bản. Blog trực tuyến của ngài, Coram Fratribus, được đọc trên khắp thế giới.
Letters from the Synod số đặc biệt thứ 3 đăng tải Bài thuyết giảng dưới đây, một bài đọc thiêng liêng thích hợp cho Chúa nhật thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục 2023, được công bố ở đây với sự cho phép của Đức Giám Mục Varden.
Tính Đồng Nghị Và Sự Thánh Thiện
Tác giả: Đức Cha Erik Varden, O.C.S.O.
Vào tháng Tư năm nay, tôi được vinh dự phát biểu trước Tổng Tu nghị Dòng Biển Đức Solesmes. Đại hội đã yêu cầu tôi suy gẫm về chủ đề “Tính đồng nghị và sự thánh thiện”. Lúc đầu tôi rất bối rối. Tôi đã không nghĩ đến tính đồng nghị theo nghĩa thánh thiện. Đúng vậy, gần đây chúng ta nghe thấy chữ này được sử dụng nhiều đến mức chúng ta nghĩ rằng nó có liên quan đến mọi thứ; mặc dù xét về phía mối dây yếu tính, nó thường được liên kết, không phải với lý tưởng cánh chung mà với một tiến trình cai trị gắn liền với các hoạt động của một cơ quan giáo hội, Vatican II.
Các nhà quan sát đã lập luận rằng tầm nhìn của Thượng hội đồng hiện đang diễn ra giống như việc dư tràn của chiếc tách Công đồng. Đức Hồng Y Grech, tổng thư ký của Thượng Hội đồng, đã thận trọng hơn, thừa nhận rằng từ “synodality” vắng mặt trong các tài liệu của Công đồng nhưng việc đệ trình nó phát sinh từ đó theo cách thức của một giấc mơ. Nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc định hình giấc mơ, thì có thể là do “tính đồng nghị” có đặc điểm dễ thay đổi, dễ xẩy ra, như một cơ quan có thẩm quyền khác đã chỉ ra, là “năng động, không tĩnh tại”, giống như biển khơi.
Không phải ai sinh ra đều là thủy thủ. Một số đối diện với những con sóng một cách lo lắng, tìm kiếm một điểm cố định, một chòm sao trên bầu trời để chỉ đường. Với những người đó, phạm trù thánh thiện quả là điều hữu ích. Ủy nhiệm tôi nhận được vào mùa xuân này đã dạy tôi điều đó. Nó khiến tôi phải điều chỉnh được viễn ảnh của mình và tri nhận được cầu nối hằng tìm kiếm để hợp nhất công việc của Thượng Hội đồng hiện nay với tầm nhìn và giáo huấn của Công đồng. Về vấn đề thánh thiện, Công đồng đã minh nhiên một cách tuyệt vời. Chương thứ năm của hiến chế vĩ đại về Giáo hội, Lumen Gentium, đã đặt sự thánh thiện làm nốt nhạc mà mọi nhạc cụ của Giáo hội phải luôn được điều chỉnh theo. Chúng ta được nhắc nhở, Chúa Kitô “đã yêu mến Giáo hội như hiền thê của mình, hiến thân vì Giáo hội. Người làm điều này để thánh hóa Giáo Hội” (Lumen Gentium, 39). Chỉ trong chừng mực chúng ta đồng ý để được thánh hóa trong Chúa Kitô, chúng ta mới phù hợp với mục đích Kitô giáo của mình và nuôi dưỡng “một lối sống nhân bản hơn” trong thế giới này (Lumen Gentium, 40), nơi mà việc rơi vào tình trạng vô nhân đạo thật đáng kinh hoàng. Công đồng nhấn mạnh rằng mỗi bậc sống đều có sự thánh thiện riêng của nó. Việc theo đuổi nó sẽ đòi hỏi sự hy sinh. Chứng tá của các vị tử đạo được gợi lên. Lời tóm tắt gần như vô cùng táo bạo: “Tất cả các tín hữu của Chúa Kitô đều được mời gọi phấn đấu để đạt tới sự thánh thiện và hoàn hảo trong bậc sống riêng của mình. Quả thực họ có nghĩa vụ phải phấn đấu như vậy.” Từ nghĩa vụ này, một hệ quả thực tế được rút ra: “Vậy thì tất cả mọi người hãy quan tâm hướng dẫn những tình cảm sâu sắc nhất của tâm hồn mình” (Lumen Gentium, 42).
Những tình cảm sâu sắc của tâm hồn hiện đang bị đe dọa. Có vẻ như đã đến lúc cân nhắc chúng trước lệnh triệu tập này. Chúng ta có thể làm như vậy bằng cách xem lại đề tài xuyên suốt về tính đồng nghị trước tiên trong Cựu Ước, sau đó trong Tân Ước, để tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể áp dụng nó vào cuộc sống của mình một cách tốt nhất - làm thế nào nó có thể dẫn chúng ta cùng nhau đến mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm: sự thánh thiện.
Tính đồng nghị trong Cựu Ước
Đầu tiên chúng ta hãy làm rõ thuật ngữ. Từ nguyên của synodos đã được nhắc đi nhắc lại đến nôn mửa (ad nauseam): hodos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “một con đường”; syn có nghĩa là “với”. Thượng hội đồng là một con đường được theo đuổi trong tình bằng hữu, một hành trình được chia sẻ. Một cuộc hành trình luôn giả định một mục tiêu. Truyền thống khổ hạnh luôn gay gắt đối với những người hành hương đi vòng quanh. Thánh Biển Đức coi người đi vòng quanh như vậy [gyrovague] là kẻ thua cuộc cuối cùng. Đối với những người có quan niệm về Kinh Thánh, khái niệm “con đường” gợi lên những liên tưởng chặt chẽ. Chúng ta biết từ Thánh Luca rằng Giáo hội thời các tông đồ được gọi là “Con Đường” (Cv 9:2). Chúa Kitô tự xưng là “Con Đường” (Ga 14:6). Đó là Con Đường để noi theo. Mục tiêu của nó rất rõ ràng. Trong lời cầu nguyện thượng tế, Chúa Kitô đã cầu nguyện: “Lạy Cha, Con ước mong Con ở đâu những người Cha ban cho Con cũng ở đó với Con để chiêm ngưỡng vinh quang của con” (Ga 17:24). Được ở bên Con yêu dấu của Chúa Cha, Hình ảnh của Thiên Chúa (Cl 1:15) trong Người chúng ta được tạo dựng (x. St 1:27) bây giờ và mãi mãi là ơn gọi của loài người ngay từ đầu.
Một mức độ đồng nghị tiềm ẩn trong hành động sáng tạo của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh Chúng ta, giống như chúng ta”(St 1:26). Để nhận ra tiềm năng mang tính biểu tượng của chúng ta, việc trở nên giống Chúa là mục đích của hữu thể chúng ta. Chuyển động như vậy không được thực hiện một cách cô lập. Sau khi tạo dựng Evà, người nam và người nữ, trong sự kết hợp thánh hiến, phải là “một xương một thịt” (St 2:24), hướng về nhau trong sự bổ sung cho nhau. Tính năng động này có thể được áp dụng rộng rãi hơn. Chính việc gặp gỡ cái nhìn của người khác đã bộc lộ tôi với chính tôi, giúp tôi hiểu và phát triển bản thân mình trong sự hiệp thông.
Tiếp theo câu chuyện về sự hiệp thông ban đầu là câu chuyện về sự sa ngã. Nó bộc lộ mặt tối của tính đồng nghị:
Người đàn bà thấy cây đó rất tốt để làm thực phẩm, lại đẹp mắt và có tác dụng giúp người khôn ngoan, liền hái trái mà ăn; Bà cũng đưa cho chồng và ông ăn. Bấy giờ mắt cả hai đều mở ra và họ biết mình lõa lồ (St 3:6-7).
Sự thông đồng dẫn đến cái chết của sự vô tội. Người khác, mới vừa rồi trấn an một cách thân thuộc, giờ đây đã trở thành một người xa lạ, vừa hấp dẫn vừa đáng sợ.
Kinh thánh coi hành động gây ra sự sa ngã là “tội lỗi”, một sự mất phương hướng đương đầu với cái chết. Một hậu quả của tội lỗi là ý chí ít nhiều có chủ ý lôi kéo người khác vào sự cô độc của tôi, điều mà đối với tôi bây giờ dường như là chính thực tại, là môi trường sinh tử của tôi, do ý thức tôi đã trở thành tê liệt. Ý nghĩ phải ở lại một mình trong đó thật không thể chịu nổi. Lời kêu gọi đồng nghị thoát khỏi sự phụ thuộc tự do vào Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng trong dự án Babel. Người ta nói với nhau: “Nào, chúng ta hãy xây dựng một thành phố và một tòa tháp có đỉnh cao tới tận trời, và hãy tạo một cái tên cho chính chúng ta kẻo chúng ta phải tản lạc khắp mặt đất” (St11:3-4). Mong muốn của họ là duy trì một tập hợp gắn bó, tạo ra một mô hình xã hội đủ hấp dẫn để đoàn kết toàn nhân loại. Tiêu chuẩn của họ là tự hủy hoại, mặc dù họ không nhìn thấy điều đó. Dự án đã bị chính Chúa phá hoại.
Ơn gọi của Abraham, cha chúng ta trong đức tin, mang tính đồng nghị. Nghe tiếng Chúa gọi, “ông đem Sarai vợ ông, con trai của anh ông là Lót […], những người mà họ đã có được ở Haran,” và lên đường đi đến đất Canaan (St12:5). Lúc đầu mọi chuyện diễn ra khá tốt. Bao lâu đích đến của cuộc hành trình còn xa xôi, dễ được lý tưởng hóa, thì tính đồng nghị không đặt ra những thách thức lớn; du khách hình dung bản chất của chuyến đi theo ý muốn của họ. Khi cuộc hành trình sắp đến hồi kết, khi nảy sinh câu hỏi về việc phân chia lãnh thổ, thì có sự căng thẳng. Tài sản của Ápraham và Lót nhiều đến nỗi “đất không đủ sức cho cả hai người ở chung” (St13:5 tt.). Họ chia tay. Ápraham nói: “Cháu hãy tách xa khỏi chú, nếu cháu lấy bên trái, thì chú sẽ lấy bên phải” (St13:9). Câu chuyện này giúp chúng ta từ bỏ những quan niệm đơn giản về tính đồng nghị. Nếu người ta không có cùng một mục đích trong tâm trí, cùng một hình ảnh về một thiên đường để khôi phục, thì một lực ly tâm sẽ tự tạo ra. Sự đoàn kết vốn luôn dễ bị tổn thương, lúc đó sẽ có nguy cơ bị phá vỡ.
Khuynh hướng này diễn ra trong câu chuyện dân Israel rời khỏi Ai Cập, một câu chuyện chuẩn bị cho lễ Phục Sinh hàng năm của chúng ta. Môsê, Aaron, Miriam và một số người khởi động, được Chúa quan phòng chuẩn bị, đã có cái nhìn sáng suốt về lý do tại sao họ phải rời khỏi Ai Cập và tìm đến miền đất hứa. Phiên họp đồng nghị nói chung có quan điểm thực tế hơn. Những người này mong muốn một phẩm chất cuộc sống tốt hơn, có giải trí, được nhìn nhận. Những khát vọng như vậy là chính đáng, nhưng không đủ để duy trì sự thống nhất trong phong trào tiến về phía trước cho một đám đông đa dạng, “Cả một đám đông hỗn tạp” [vulgus promiscuum innumerabile], trích dẫn cách diễn giải đáng nhớ của Thánh Giêrôm về câu Xuất Hành 12:38, báo hiệu sự khởi đầu của một trình thuật về nhiều xung đột, bất đồng và ly khai.
Bất cứ ai có thời gian và thiên hướng đều có thể theo đuổi việc đọc chủ đề xuyên suốt đầy tính đồng nghị này thông qua các trước tác lịch sử và tiên tri. Những gì để lại cho chúng ta là một quan điểm Cựu Ước về tính đồng nghị không thể bị gọi là khuyển nho, vì mỗi trang Kinh thánh đều tràn ngập niềm hy vọng; nó chỉ đơn giản là thực tiễn. Điều này rất hữu ích. Để cùng nhau tiến tới sự thánh thiện, hướng tới cuộc gặp gỡ với Đấng Thánh, chúng ta phải đi theo con đường vương giả đôi khi rất hẹp.
Tính đồng nghị trong Tân Ước
Đoạn Tin Mừng được nhắc đến nhiều nhất trong các văn bản Thượng Hội đồng là câu chuyện về những người lữ hành đi Emmau. Nó thật tuyệt vời, luôn mang đến những tầng ý nghĩa mới. Chúng ta cũng có thể thực hiện một bài đọc theo chìa khóa đồng nghị về lời kêu gọi Đức Maria hoặc các Tông đồ, Maria Mađalêna hoặc Thánh Phaolô. Qua đó chúng ta có thể học được nhiều điều về ý nghĩa của việc bước đi trong sự đồng hành với Con Thiên Chúa. Rốt cuộc, chính sự hiện diện của Người đã tạo nên tiêu chuẩn cho tính đồng nghị chân chính.
Tôi bị thu hút bởi một trình thuật đồng nghị kín đáo hơn trong Tân Ước, lời chứng của một người đến với đức tin gần như bất chấp chính mình, người đã theo Chúa Giêsu từ xa, mặc dù không mất dấu Người; người đã trung thành đến cùng dù vẫn ở trong bóng tối. Tôi đang nói về Nicôđêmô. Nicôđêmô, “người cai trị dân Do Thái,” xuất hiện trong chương thứ ba của Tin Mừng thứ tư. “Ông đến với Chúa Giêsu vào ban đêm” (Ga 3:2), một cách tiếp cận mang tính biểu tượng của thời đại chúng ta, mà đức tin của họ thường mang tính chất ban đêm. Nicôđêmô đặt ra những câu hỏi đáng suy gẫm. Ông suy tư, nghiêm túc, tìm kiếm câu trả lời thực sự cho những vấn đề thực chất. Về mặt này, ông cũng đại diện cho tâm trạng hiện tại.
Nicôđêmô muốn được lắng nghe nhưng vẫn có thể chăm chú lắng nghe. Ở đây chúng ta chạm vào một dây thần kinh thô. Nhìn chung, hiện nay, chúng ta không giỏi lắng nghe lắm. Chúng ta cùng đau khổ với chứng logorrhea [chứng đa ngôn nói nhanh và lưu loát nhưng thường là không mạch lạc], dễ bị thiếu chú ý và điếc có chọn lựa, ngay cả trong Giáo hội, trong diễn ngôn đồng nghị. Mọi người đều có điều gì đó để nói. Mọi người đều mong đợi được lắng nghe. Nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng lắng nghe những gì Chúa phán, rồi kiên quyết lắng nghe trong đức tin, mạnh mẽ trong quyết tâm, tự do và tin tưởng không?
Cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với Nicôđêmô đụng đến việc tự mặc khải của Thiên Chúa. Nó cho chúng ta biết rằng có thể sống một cuộc sống thấm đẫm Thánh Thần của Thiên Chúa. Nó nói về lòng nhân ái của Thiên Chúa, khiến Người từ bỏ chính mình để chúng ta có thể sống, một mẫu gương mà chúng ta được mời gọi noi theo; nó thừa nhận cuộc sống vĩnh cửu là mục tiêu xứng đáng duy nhất cho cuộc hành hương của con người trên trái đất; nó nhấn mạnh sự tự do mà chúng ta có để lựa chọn giữa sự sống và cái chết, ánh sáng và bóng tối, một sự tự do mà một ngày nào đó chúng ta phải trả lời trước mặt Thiên Chúa. Vào ngày đó, chúng ta phải đích thân giải trình về những lựa chọn mà chúng ta đã đưa ra, mặc dù chúng có thể bị ảnh hưởng bởi các nghị lực đồng nghị.
Sau khi nghe và tiếp nhận lời dạy của Chúa Giêsu, Nicôđêmô rút lui vào màn đêm. Ông là hiện thân của một văn bản tuyệt vời trong sách Isaia: “Linh hồn con khao khát Chúa trong đêm tối; ngay cả bằng tinh thần con, trong lòng dạ con, con tìm kiếm Chúa; vì khi sự phán xét của Ngài rực rỡ trên trái đất, cư dân trên thế giới sẽ học được công lý” (Is 26:9, theo Bản Phổ Thông Mới). Nicôđêmô là người thực sự chờ đợi sự phán xét của Chúa rực sáng trên trái đất.
Chúng ta gặp lại ông tại một cuộc họp của các quan chức, trong đó các thượng phẩm và những người Pharisiêu tìm cách loại bỏ Chúa Giêsu. Nicôđêmô phản đối: “Luật pháp của chúng ta có phán xét một người mà trước nhất không cho họ điều trần và tìm hiểu những gì họ làm không?” (Ga 7:51). Để bước đi với Chúa Giêsu và tạo dựng mối hiệp thông đồng nghị với Người, chúng ta phải cân nhắc lời nói và hành động của Người, tìm kiếm ý nghĩa của chúng và đặt mình vào sự hiển linh cứu rỗi của Người mà không nhượng bộ trước những quan điểm, thành kiến và kỳ vọng nhất thời.
Lần xuất hiện thứ ba của Nicôđêmô trong Tin Mừng là bên mộ Chúa Giêsu. Rõ ràng là ông đã theo dõi vụ đóng đinh từ xa. Giờ đây, khi các môn đệ đang đau buồn vì Bạn của họ, ông đến gần và mang đến “một hỗn hợp mộc dược và lô hội, nặng khoảng một trăm cân” (Ga 19:39). Các Kitô hữu thời Trung cổ đã suy gẫm rất lâu về cảnh tượng này. Họ nhìn thấy nơi Nicôđêmô một người đã xuyên thấu mầu nhiệm Khổ Nạn, người đã đón nhận nó và do đó có thể truyền đạt nó cho người khác. Một truyền thống nảy sinh cho rằng các tác phẩm nghệ thuật, những hình ảnh tượng trưng về Đấng bị đóng đinh, là của Nicôđêmô. Ông được coi là người tạo ra cả Thánh Nhan của Lucca và Tượng Chịu Nạn Batlló. Chắc chắn, điều quan trọng là các bậc tiền bối thời trung cổ của chúng ta nhận thấy ông có khả năng trở thành một nhà điêu khắc, bậc thầy về nghệ thuật xúc giác, tạo hình những gì ông đã nhìn thấy bằng mắt, đã chạm bằng tay (x. 1 Ga 1.1). Không cần phải tranh luận về tính xác thực của sự gán ghép như vậy, chúng ta có thể nhận ra nơi nó giá trị mang tính biểu tượng lâu đời.
Tôi cho rằng Nicôđêmô là một tấm gương cho chúng ta, những người nỗ lực đồng nghị để trở thành những môn đệ đích thực và những người tìm kiếm sự thánh thiện. Tại sao? Ông tránh xa những cuộc bút chiến dễ dãi và những cử chỉ sân khấu. Dù đi đâu ông vẫn theo Chúa. Khi cần thiết, ông sẵn sàng phục vụ và tình nguyện kết bạn với cộng đồng. Ông cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc trung thành trong bóng tối của Thứ Sáu Tuần Thánh. Khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh và được chôn cất trong mồ, ông đã khôn ngoan nhận ra trong sự hoang tàn một điều gì đó cao cả, một mặc khải thần thiêng vinh quang. Vì vậy, ông đã trở thành một nhân chứng có thẩm quyền cho chiến thắng của Đấng Bị Đóng Đinh. Thực sự, đây là một thái độ mà Giáo hội cần lúc này.
Và chúng ta?
Là một Kitô hữu, một người Công Giáo ngày nay là một thách đố. Không có hai cách về nó. Nhìn chung quanh, chúng ta có thể bị cám dỗ kêu lên bằng một bài Thánh Vịnh: “Lạy Chúa, các dân ngoại đã được thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài; họ đã làm ô uế đền thánh của Chúa; chúng đã khiến Giêrusalem đổ nát” (Tv 79:1). Là một người ngoại đạo là một người không thực sự tin tưởng, cho dù họ có thể mang theo những mũ áo cân đai đức tin nào đi nữa. Chúng ta sống với những vết thương lạm dụng, mà tất cả chúng ta đều hy vọng rằng đó chỉ là vấn đề liên quan đến những người hàng xóm của chúng ta chứ không phải chúng ta. Các cộng đồng của chúng ta đang bị thu hẹp lại. Câu hỏi đau đớn, “Bao lâu?”, xuất hiện trong những bối cảnh mà trong ký ức sống dường như không thể lay chuyển được. Niềm tin đã bị phản bội. Có rất nhiều tiên tri về sự hoang tàn. Tinh thần chia rẽ tràn lan trong xã hội cũng xuất hiện ngay trong Giáo hội. Có một nỗi buồn đặc biệt cùng khắp.
Tuy nhiên, đây là ngày - và đêm - mà Chúa đã tạo dựng và giao phó cho chúng ta để trở thành thời gian cứu rỗi cho chúng ta. Trong thời điểm như vậy, làm thế nào chúng ta có thể sống ơn gọi nên thánh của mình?
Trước hết bằng cách đồng nhất với Chiên Con của Thiên Chúa, phần của chúng ta đối với sức nặng của tội lỗi thế gian, một tội lỗi không thể giảm bớt chỉ bằng những hành động không biết gì tới Thiên Chúa. Tội lỗi này không kém gì sự lạc lối trần tục, thể hiện nỗi đau một cách hỗn loạn có xu hướng tuyệt vọng, thường thiếu đối tượng và vì lý do đó đặc biệt đáng nghi ngờ. Chiên Thiên Chúa “xóa tội trần gian” không phải bằng cách búng ngón tay như một nhà ảo thuật, mà bằng cách chịu đựng. Chúng ta được mời gọi sống như những chi thể trong Thân Thể Người.
Các tín hữu, cùng với Nicôđêmô, được kêu gọi thích ánh sáng hơn bóng tối bằng mọi giá (x. Ga 3:18-21) phải sẵn sàng mang theo sức nặng của màn đêm một cách đồng nghị, vốn là phần của nhiều người hiện nay. Điều này giả định sự sẵn sàng ở lại trong đêm đó, cầu nguyện ở đó, yêu thương và phục vụ ở đó, từ từ nhận ra ở đó, dù ở khoảng cách xa, ánh sáng không bóng tối nào có thể vượt qua được (x. Ga 1:5).
Đọc đi đọc lại các nguồn của phong trào đơn tu, các Cuộc đời vĩ đại (của Thánh Antôn, Hypatios và những người khác), trước khi các Quy tắc được viết ra, chỉ ra con đường dẫn đến cuộc sống, tôi rất ấn tượng trước sự tái hiện của chủ đề truyền thống [topos] về lòng cảm thương, được hiểu một cách cụ thể là sự sẵn lòng “chịu đựng với”. Đây chắc chắn là một khía cạnh quan trọng của kinh nghiệm Thượng Hội đồng: sự tham gia, bằng sự kiên nhẫn, vào Cuộc Khổ nạn cứu chuộc của Chúa Kitô. Đây là thời gian để suy gẫm về những gì Thánh Phaolô nói thầm với các tín hữu Côlôsê: “Tôi hoàn tất những gì còn thiếu nơi những đau khổ của Chúa Kitô, vì thân thể Người, tức là Giáo hội” (1:24). Điều có ý nghĩa sâu sắc là Công đồng Vatican II, khi trình bày lời kêu gọi nên thánh phổ quát, đã đề cập một cách rõ ràng đến sự tử đạo:
Vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã biểu lộ lòng bác ái của mình bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô và anh em mình. Vì vậy, ngay từ thời xa xưa, một số Kitô hữu đã được kêu gọi - và một số sẽ luôn được kêu gọi - đưa ra chứng tá tối cao về tình yêu này cho mọi người, đặc biệt là cho những kẻ bách hại. Do đó, Giáo hội coi sự tử đạo như một hồng ân đặc biệt và là bằng chứng đầy đủ nhất của tình yêu. Nhờ sự tử đạo, người môn đệ được biến đổi thành hình ảnh của Thầy mình bằng cách tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu rỗi thế giới - cũng như để trở nên giống Chúa Kitô trong việc đổ máu. Mặc dù ít người có được cơ hội như vậy, tuy nhiên tất cả đều phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt mọi người. Họ phải sẵn sàng tuyên xưng đức tin này ngay cả giữa những cuộc bách hại mà Giáo hội không bao giờ thiếu khi đi theo con đường thập giá (Lumen Gentium, 42).
“Tất cả phải được chuẩn bị.” Không có kịch bản ướt át, với sự tỉnh táo Kitô giáo đầy tính lương tri, chúng ta phải thừa nhận rằng lời kêu gọi này chạm đến chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta phải tin rằng tính không thể đoán trước đầy lộn xộn đánh dấu bất cứ đám đông hỗn tạp nào đang tìm đường đi vào tiến trình đồng nghị, theo con đường của các điều răn (x. phần cuối của Lời mở đầu cho Luật của Thánh Biển Đức), đã bí mật hiện thực hóa một giai điệu thần thiêng. Tôi vô cùng được an ủi trước lời xưng thú của một nữ tu dòng Biển Đức của thế kỷ trước, Nữ tu Elisabeth Paule Labat, người đã biết sâu sắc những thăng trầm và tổn thương của cuộc đời trong khi vẫn bám rễ sâu vào ân sủng giải thoát và biến đổi của Thập Giá. Bà đã trình bày rõ ràng cái nhìn sâu sắc trưởng thành của mình như sau:
[Lớn lên trong khôn ngoan] con người sẽ tri nhận được lịch sử của thế giới này mà cuộc chiến của nó họ vẫn đang tham gia như một bản giao hưởng bao la giải quyết sự bất hòa này với sự bất hòa khác cho đến khi có được âm điệu của hợp âm chính hoàn hảo của nhịp điệu cuối cùng vào thời kỳ cuối cùng. Mọi hữu thể, mọi vật đều góp phần tạo nên sự thống nhất của cấu trúc khả niệm đó, vốn chỉ có thể được nghe từ bên trong: tội lỗi, cái chết, nỗi buồn, sự ăn năn, sự vô tội, lời cầu nguyện, những niềm vui kín đáo và cao quý nhất của đức tin, đức cậy và đức mến; vô số chủ đề, nhân bản và thần thiêng, gặp nhau, chạy trốn và đan xen trước khi cuối cùng tan hòa thành một theo một kế hoạch tổng thể, không gì khác hơn là ý muốn của Chúa Cha, theo đuổi qua mọi sự việc thể hiện không thể sai lầm các thiết kế của nó.
Sự thánh thiện là một phạm trù yếu tính, không phải là một nhãn hiệu gắn liền với tư cách đạo đức hoàn hảo. Sự thánh thiện là thần thiêng trong yếu tính, không giống bất cứ phẩm chất nào, ngay cả những phẩm chất đáng yêu nhất, tồn tại trong sáng thế. Con đường nên thánh được soi sáng bởi ánh sáng bất tạo. Chúng ta phải được thay đổi để nhận thức được điều đó. Mắt, trái tim và giác quan của chúng ta phải được mở ra; chúng ta phải bước ra ngoài những giới hạn của mình để bước vào chiều kích sự thật của Thiên Chúa.
Tính đồng nghị dẫn đầu theo hướng này, đồng hình đồng dạng chúng ta theo Chúa chịu đóng đinh và phục sinh của chúng ta, mang lại sự sống, tỏa ngát hương thơm ngọt ngào của Chúa Giêsu Kitô (x. 2 Cr 2:15). Trong khi đó, tính đồng nghị bao vây chúng ta trong những ước muốn và tiên đoán hạn chế, giản lược mục đích của Thiên Chúa theo mức độ của chúng ta, phải được xử lý hết sức thận trọng.