1. Chỉ trong 24 giờ qua, quân Nga thiệt mất 11 xe tăng, 9 xe thiết giáp, và 29 hệ thống pháo. Cả hai bên đều dùng đến bom đạn chùm nhưng tỷ lệ không bom đạn không nổ của Nga quá cao
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 23 tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua đã xảy ra 40 cuộc giao tranh trên 5 mặt trận Kupyansk, Lyman, Bakhmut, Avdiyivka và Maryinka. Ở hai mặt trận ở miền Nam là Melitopol và Berdiansk, quân Nga không giao tranh với quân Ukraine nhưng tìm cách cố thủ trong các công sự hay bỏ chạy.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết: “Trong ngày qua, không quân Ukraine đã 12 lần xuất kích, tấn công vào các cụm quân, vũ khí, và kho đạn của quân xâm lược. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh đã bắn trúng 21 quả pháo vào các vị trí đang khai hỏa của đối phương, một hệ thống hỏa tiễn phòng không và một mục tiêu quan trọng khác của đối phương”
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong hoàn cảnh cạn kiệt đạn dược, cả hai bên đều dùng đến bom và đạn chùm. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn trong tỷ lệ bom đạn phóng ra từ bom chùm nhưng không nổ. Phía Nga tỷ lệ giao động trong khoảng 30 đến 40 phần trăm. Do đó, khả năng sát thương tức khắc thấp hơn, ít gây thương vong cho binh sĩ Ukraine; nhưng nguy hại cho dân thường về sau cao hơn. Tỷ lệ này về phía Ukraine là không đến 2,5%.
Trong bối cảnh đó, thương vong của quân Nga đang lên rất cao. Trong 24 giờ qua, 630 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 11 xe tăng, 9 xe thiết giáp, 29 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 3 hệ thống phòng không, và 13 xe chuyển quân và nhiên liệu.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 23 Tháng Bẩy, khoảng 241.960 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.
Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.151 xe tăng, 8.105 xe thiết giáp, 4.658 hệ thống pháo, 697 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 451 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 310 trực thăng, 3.958 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 1.298 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu thuyền, 7.172 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 696 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Những vụ nổ lớn cho thấy Nga càng ngày càng khó giữ được bán đảo Crimea
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Videos: Large Crimea Explosions as Russia Warns of Ukrainian Drone Attacks”, nghĩa là “Các video cho thấy những vụ nổ lớn ở Crimea khi Nga cảnh báo về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Các video lan truyền trên mạng xã hội vào sáng thứ Bảy cho thấy thêm nhiều vụ nổ lớn ở Crimea, chỉ vài ngày sau vụ tấn công cầu Kerch, nối bán đảo với Nga khiến hàng nghìn cư dân phải di tản.
Các vụ nổ xảy ra gần 17 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Mặc dù ông hy vọng vào một chiến thắng nhanh chóng, nhưng phản ứng mạnh mẽ hơn dự đoán của Kyiv, được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây, đã ngăn Nga đạt được tiến bộ trong những tháng gần đây khi chiến tranh tiếp tục đình trệ.
Khi Ukraine hy vọng giảm phần lãnh thổ nằm trong tay Nga, giới lãnh đạo của nước này hiện đang cố giành lại quyền kiểm soát Crimea, một bán đảo mà Nga đã sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Việc kiểm soát Bán đảo Crimea rất quan trọng đối với Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vì nó cho phép tiếp cận các cảng quan trọng trên Hắc Hải.
Lực lượng Vũ trang Ukraine hôm thứ Bảy xác nhận rằng lực lượng của họ đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các kho chứa dầu và nhà kho của Nga ở trung tâm bán đảo Crimea trong một tuyên bố được đăng trên kênh Telegram chính thức của họ.
Trong khi đó, các video được đăng lên Twitter cho thấy những cột khói khổng lồ bốc lên trong khu vực sau các vụ tấn công. Một video do Insider Paper đăng tải cho thấy một cột khói bốc lên phía trên một tòa nhà bị hư hại khi xe hơi, bao gồm cả các phương tiện quân sự của Nga, hối hả di chuyển.
Tờ báo Kyiv Post của Ukraine cũng đưa tin video cho thấy cột khói bốc cao phía trên một thị trấn, đồng thời cho biết thêm rằng người dân địa phương cho biết họ nghe thấy những tiếng nổ rất lớn.
Các vụ nổ đã buộc các nhà chức trách phải đóng cửa cầu Kerch một lần nữa, chỉ bốn ngày sau khi nó được mở cửa trở lại sau vụ tấn công trước đó, Politico đưa tin.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để bình luận qua email.
Sergei Aksyonov, Thống đốc Crimea của Nga, cho biết dữ liệu sơ bộ cho thấy “không có thiệt hại hay thương vong” do vụ nổ, nhưng các nhà chức trách đã quyết định di tản dân cư trong bán kính 5 km từ địa điểm tấn công và đình chỉ giao thông trên tuyến đường sắt Crimea.
Aksyonov đã cho biết thêm sau đó rằng vụ tấn công là do máy bay không người lái của Ukraine gây ra, bác bỏ các tuyên bố của các blogger quân sự Nga cho rằng vụ tấn công được thực hiện bằng hỏa tiễn Storm Shadow.
Các vụ nổ là vụ tấn công mới nhất được cho là nhằm vào Crimea trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.
Những tuần gần đây đã chứng kiến một số cuộc tấn công nhằm vào cây cầu quan trọng chiến lược Kerch, nối Crimea với đất liền Nga. Ủy ban chống khủng bố quốc gia của Nga cho biết hôm thứ Hai rằng hai thuyền không người lái của Ukraine đã tấn công cây cầu chỉ sau 3 giờ sáng giờ địa phương. Kyiv sau đó đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công.
Hình ảnh và video sau vụ nổ cho thấy cây cầu bị hư hại trên diện rộng khiến nó phải đóng cửa. Các quan chức Nga cũng kêu gọi hàng nghìn du khách và cư dân di tản khỏi bán đảo sau vụ tấn công.
Oleksiy Goncharenko, một thành viên của quốc hội Ukraine, hô hào rằng bất kỳ ai tham gia vào vụ tấn công “nên được trao giải thưởng cao nhất của nhà nước”, gọi đó là một “thành công lớn” đối với Ukraine.
Zelenskiy cho biết cây cầu là mục tiêu quân sự của Ukraine tại hội nghị an ninh Aspen hôm thứ Sáu, đồng thời nói thêm rằng nó “được sử dụng để cung cấp đạn dược cho chiến tranh”, Reuters đưa tin.
“Đối với chúng tôi, có thể hiểu đây là một cơ sở của đối phương được xây dựng bất chấp luật pháp quốc tế và tất cả các quy tắc hiện hành. Vì vậy, có thể hiểu được, đây là mục tiêu của chúng tôi,” Zelenskiy nói. “Và một mục tiêu gây chiến tranh, không phải hòa bình, phải bị vô hiệu hóa.”
3. Zelenskiy đã thảo luận với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về các thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania và hành lang ngũ cốc ở Hắc Hải
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào hôm thứ Bảy để nói về các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania tuần trước, cũng như sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.
“Chúng tôi đã thảo luận về việc thực hiện các thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Vilnius và các hành động tiếp theo liên quan đến việc gia nhập NATO của Ukraine,” Zelenskiy nói trong một diễn từ gởi quốc dân đồng bào.
“Chúng tôi đã chia sẻ những đánh giá về tình hình hiện tại ở Hắc Hải và những rủi ro mà nó gây ra đối với an ninh lương thực toàn cầu,” Zelenskiy nói thêm. “Chúng tôi cũng đã xác định với ông Stoltenberg các ưu tiên và các bước cần thiết trong tương lai để bỏ phong tỏa và vận hành bền vững hành lang ngũ cốc ở Hắc Hải.”
Stoltenberg cũng đã đề cập đến cuộc gọi, nhắc lại rằng “Ukraine đang gần gũi với NATO hơn bao giờ hết.”
Khi tham dự hội nghị thượng đỉnh, Zelenskiy đặt mục tiêu của mình về một mốc thời gian rõ ràng về thời điểm Ukraine sẽ được đề nghị trở thành thành viên.
Trong thông cáo cuối cùng của mình, liên minh quân sự tuyên bố rằng “tương lai của Ukraine là ở NATO” – nhưng không nói khi nào tương lai đó có thể bắt đầu. Tuy nhiên, liên minh đã nhượng bộ lớn đối với Ukraine bằng cách loại bỏ một rào cản quan trọng trong quá trình ghi danh: đó là bỏ qua yêu cầu đối với Kế hoạch Hành động Thành viên. Việc loại bỏ quy trình dài dòng này sẽ đơn giản hóa đáng kể việc ghi danh làm thành viên của Ukraine sau khi nước này chính thức được mời ghi danh.
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia G7 cũng công bố một tuyên bố mới về sự ủng hộ đối với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh nhằm củng cố khả năng quân sự của đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Thông tin mới nhất về thỏa thuận ngũ cốc: Hôm thứ Hai, Nga cho biết họ đang đình chỉ việc tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải, tuyên bố nó “đã kết thúc”. Thỏa thuận lần đầu tiên được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm 2022 và được gia hạn ba lần, được coi là chìa khóa cho an ninh lương thực toàn cầu. Nga đã nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận. Họ rút lui lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2022 và sau đó tham gia lại vài ngày sau đó.
Hôm thứ Sáu, Zelenskiy cho biết ông “đã phối hợp nỗ lực” khôi phục thỏa thuận trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Lý do Putin đưa ra để đình chỉ việc tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải là Liên Hiệp Quốc không thực hiện giao ước được công bố trước đó. Theo giao ước này, Nga đòi phải loại bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga, các tổ chức tài chính hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón. Điều này bao gồm kết nối ngay lập tức của họ với hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT.
Vấn đề là tất cả các ngân hàng Nga, mọi ngân hàng đều có thể cho rằng mình đang “hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón”. Thành ra, yêu cầu của Nga về thực chất là loại bỏ mọi trở ngại đối với mọi ngân hàng và phải kết nối mọi ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT. Nếu như thế, Nga sẽ có đủ tài chính để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và tất cả các lệnh trừng phạt liên quan đến tài chính của Nga đều trở thành vô nghĩa. Liên Hiệp Quốc đề nghị Nga thành lập một ngân hàng con, một ngân hàng duy nhất chịu trách nhiệm hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón. Nga đã bác bỏ điều này.
Một giải pháp khả thi đối với an ninh lương thực thế giới là không cần đến Nga tham gia vào sáng kiến này. Thổ Nhĩ Kỳ hay NATO sẽ hộ tống các tầu chuyên chở ngũ cốc ra vào các cảng của Ukraine. Thấy trước rằng kế hoạch này sẽ được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, Nga tấn công ồ ạt vào các cơ sở lưu trữ ngũ cốc tại Odesa trong gần một tuần qua.
Hành động tàn bạo này của Nga ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á. Nó làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực và có nguy cơ làm tăng thêm lạm phát lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp.
4. Căng thẳng nóng lên giữa Nga và Ba Lan
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Tensions Heat Up Between Russia and Poland”, nghĩa là “Căng thẳng nóng lên giữa Nga và Ba Lan.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Căng thẳng giữa Nga và Ba Lan đang nóng lên sau khi Ba Lan điều quân đến gần biên giới với Belarus trong bối cảnh lo ngại về sự hiện diện của Tập đoàn Wagner trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trục xuất Tập đoàn Wagner, một đơn vị bán quân sự, tới Belarus sau một cuộc binh biến do lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo cố gắng chống lại giới lãnh đạo quân sự của Mạc Tư Khoa vào tháng trước, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định trên khắp Đông Âu. Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới phía đông bắc quan trọng chiến lược với Belarus, đã chuyển 1.000 binh sĩ đến gần biên giới của mình vào đầu tháng này do những lo ngại sau khi một nhà lập pháp Nga cho rằng Tập đoàn Wagner có thể cố gắng chiếm khu vực Suwalki và cắt đứt các quốc gia vùng Baltic với phần còn lại của Âu Châu.
Khu vực Suwałki, một dải đất nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược trong lãnh thổ Ba Lan nằm giữa Nga và vùng đất tách rời Kaliningrad từ lâu đã trở thành một điểm khó khăn đối với Mạc Tư Khoa.
Những lo ngại này đã khiến mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga, vốn đã căng thẳng trong bối cảnh Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine, càng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây, đặc biệt sau khi Putin cáo buộc Ba Lan muốn xâm lược Ukraine.
Hôm thứ Sáu, nhà lãnh đạo Nga đã tấn công Ba Lan, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, về việc di chuyển binh lính của họ đến gần biên giới Belarus, cảnh báo Warsaw không nên tiến hành một cuộc tấn công chống lại Belarus, một đồng minh của Nga, trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp của Hội đồng Bảo an, theo báo cáo từ Politico.
Putin tuyên bố, mà không có bằng chứng, rằng Ba Lan dường như muốn nắm quyền kiểm soát “vùng đất lịch sử” bị cáo buộc của họ. Ông nói thêm rằng Ba Lan muốn chiếm “một phần lớn Ukraine” và cũng “mơ về vùng đất Belarus”, Politico đưa tin hôm thứ Bảy.
Putin nói thêm rằng “các vùng lãnh thổ phía tây” của Ba Lan là một “món quà từ Stalin cho người Ba Lan”, ám chỉ nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin.
Ông nói: “Xâm lược Belarus có nghĩa là gây hấn với Liên bang Nga. “Chúng tôi sẽ đáp trả nó bằng tất cả các phương tiện mà chúng tôi có.”
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đáp trả lại nhận xét của nhà lãnh đạo Nga.
“Stalin là tên tội phạm chiến tranh, gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người Ba Lan. Sự thật lịch sử không phải bàn cãi. Đại sứ của Liên bang Nga sẽ được triệu tập tới Bộ Ngoại giao,” ông nói.
Ba Lan cũng đã bảo vệ việc chuyển quân gần biên giới Belarus.
Zbigniew Hoffmann, thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Ba Lan, nói với hãng thông tấn Ba Lan PAP rằng việc di chuyển quân đội là hợp lý do các cuộc tập trận quân sự của Belarus, mà ông gọi là một “sự khiêu khích”.
Đức cũng đã lên tiếng. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nói rằng họ sẵn sàng giúp Ba Lan bảo đảm an ninh cho khu vực phía đông của nước này, theo ấn phẩm Express của Anh.
“Họ là đối tác của NATO và là đồng minh đáng tin cậy của NATO, vì vậy chúng tôi có thể tự tin nói rằng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng,” ông nói.
Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao Nga và Ba Lan để nhận xét qua email.
Các nhà tuyên truyền của Putin đã bình luận về căng thẳng gia tăng với Ba Lan.
Sergey Mardan, một podcaster và người dẫn chương trình Mardan Live/Solovyov Live, nói rằng lập trường của Nga cho rằng Ba Lan là “nực cười” là “tất cả đã qua” khi nước này tăng quân đội ở biên giới.
Ông nói: “Ba Lan là một cường quốc quân sự khá nghiêm túc, khá lớn đang xây dựng ngân sách quân sự của mình một cách nhanh chóng không thể tin được. Tiềm năng quân sự của nó đang tăng gấp đôi.”
Trong khi đó, một nhà phân tích trong chương trình 60 Minutes của Nga cho rằng nhận xét của ông Putin nên được coi là “lời cảnh báo” đối với Ba Lan về việc nước này ủng hộ Ukraine, và gọi Ba Lan này là “diều hâu chiến tranh” hàng đầu ở Âu Châu.
Những nhận xét này đã được dịch và đăng lên Twitter vào thứ Bảy bởi Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine.
5. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhà báo Nga bị giết tại khu vực bị tạm chiếm ở vùng Zaporizhzhia
Bộ Quốc phòng Nga cho biết một nhà báo Nga đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương tại khu vực phía nam Zaporizhzhia của Ukraine do lực lượng Mạc Tư Khoa xâm lược.
Các nhà báo, từng làm việc cho các hãng thông tấn RIA Novosti và Izvestia, đang di chuyển trên một chiếc xe hơi dân sự ở phía đông thị trấn Vasylivka thì bị pháo kích, RIA đưa tin.
Một trong bốn người, nhà báo RIA Rostislav Zhuravlev, đã chết trong quá trình di tản bởi binh lính Nga, cơ quan nhà nước cho biết. Nó mô tả tình trạng của ba người kia là nghiêm trọng vừa phải nhưng ổn định.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bốn người đã bị trúng đạn chùm – một tuyên bố mà CNN không thể xác minh. Ukraine đã bắt đầu sử dụng bom chùm do Mỹ cung cấp trong chiến đấu, sau khi Washington hồi đầu tháng tuyên bố sẽ gửi bom chùm lần đầu tiên. Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về thông tin liên lạc chiến lược John Kirby cho biết hôm thứ Năm rằng Ukraine đang sử dụng chúng “một cách thích hợp” và “hiệu quả” đối với các hệ thống phòng thủ của Nga.
6. Ba Lan cho biết đã triệu tập Đại sứ Nga đến Bộ Ngoại giao nước này sau những bình luận của Putin cho rằng lực lượng Ba Lan tìm cách chiếm một phần lãnh thổ của Ukraine.
Hôm thứ Sáu, Putin tuyên bố rằng: “Các lãnh thổ phía tây của Ba Lan ngày nay là một món quà của Stalin cho người Ba Lan, những người bạn của chúng ta ở Warsaw đã quên điều này sao? Chúng tôi sẽ nhắc nhở các bạn.”
Ông ta cũng tuyên bố mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào rằng Ba Lan đang có kế hoạch tham chiến tại Ukraine để sau đó chiếm lấy các lãnh thổ cũ của mình đã bị sáp nhập vào Ukraine.
Đáp lại, thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, nói:
Stalin là một tên tội phạm chiến tranh chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm nghìn người Ba Lan. Sự thật lịch sử không phải bàn cãi. Đại sứ Liên bang Nga sẽ được triệu tập tới Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Ba Lan, cho biết cuộc gặp gỡ với đại sứ Nga tại nước này liên quan đến cáo buộc của Putin cho rằng Ba Lan nuôi dưỡng tham vọng lãnh thổ ở miền tây Ukraine - là “rất ngắn gọn”.
Bộ Ngoại Giao Ba Lan cho biết “Biên giới giữa các quốc gia là tuyệt đối không thể chạm tới và Ba Lan phản đối bất kỳ hình thức sửa đổi nào”.
Đại sứ Nga, Sergei Andreev, nói với hãng truyền thông Tass thuộc sở hữu nhà nước Nga:
“Đương nhiên, Bộ Ngoại Giao Ba Lan đã nhận được một lời từ chối thích đáng, và những giải thích về cách chúng ta nhìn nhận lịch sử của thế kỷ 20 và hành vi của chính quyền Ba Lan hiện nay liên quan đến cuộc xung đột ở Donbass, Nga và Ukraine.
Chúng tôi đã ghi nhận sự thiếu hiểu biết lẫn nhau hoàn toàn và đường lối hoàn toàn khác nhau đối với cả các vấn đề chính trị hiện đại và các vấn đề lịch sử.”
7. Giám đốc CIA, William Burns được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm làm thành viên nội các
Hôm thứ Bẩy 22 Tháng Bẩy, Giám đốc CIA đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm làm thành viên nội các. Trong tuyên bố liên quan, Tổng thống Biden cho biết cơ quan này đã cung cấp “thông tin tình báo tốt, được cung cấp một cách trung thực và chính trực”.
Biden nói:
“William Burns luôn đưa ra cho tôi những phân tích rõ ràng, thẳng thắn ưu tiên sự an toàn và an ninh của người dân Mỹ, phản ánh vai trò không thể thiếu của CIA trong quá trình ra quyết định về an ninh quốc gia của chúng ta vào thời điểm quan trọng này.”
“Dưới sự lãnh đạo của ông, CIA đang đưa ra một đường lối rõ ràng, dài hạn đối với những thách thức an ninh quốc gia hàng đầu của đất nước chúng ta.”
Các giám đốc CIA đương nhiên được ngồi trong nội các ở Washington DC cho đến năm 2005 khi giám đốc tình báo quốc gia, một chức vụ được tạo ra không lâu, đã thay thế vị trí đó một cách hiệu quả. Giám đốc tình báo quốc gia hiện nay là cô Avril Haines. Donald Trump đã đưa cả hai giám đốc tình báo vào nội các của mình, nhưng Biden đã rút lại khi nhậm chức. Và bây giờ lại đổi lại.
Hôm qua, Burns - người đã đến Nga trước khi chiến tranh bắt đầu và kể từ đó đã đến thăm Ukraine nhiều lần - cho rằng tổng thống Nga, Vladimir Putin, đang chờ thời cơ để quyết định cuối cùng sẽ làm gì với Yevgeny Prigozhin.
Trong các bình luận tại diễn đàn bảo mật Aspen, Burns cho biết:
“Những gì chúng ta đang thấy là một điệu nhảy rất phức tạp. Putin là người thường nghĩ rằng trả thù là một món ăn ngon nhất nếu được để nguội, ăn nóng không ngon. Theo kinh nghiệm của tôi, Putin là người ủng hộ mạnh mẽ cho sự trả thù, vì vậy tôi sẽ ngạc nhiên nếu Prigozhin thoát khỏi sự trừng phạt tiếp theo… Nếu tôi là Prigozhin, tôi sẽ không sa thải người nếm thức ăn của mình.”
8. Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga cho biết MI6 “có thể được tha thứ” vì đã đưa ra lời kêu gọi các điệp viên Nga
Lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Anh “có thể được tha thứ” vì đã kêu gọi các điệp viên Nga chia sẻ bí mật và làm việc với MI6, Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, gọi tắt là SVR, cho biết như trên.
SVR đã phản hồi những nhận xét của giám đốc cơ quan tình báo Vương Quốc Anh MI6 Richard Moore vào đầu tuần này, trong đó ông kêu gọi người Nga “đấu tranh với lương tâm của họ” để có lập trường chống lại chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin và “chia sẻ bí mật với MI6.”
“Nhà lãnh đạo hiện tại của cơ quan tình báo nước ngoài của Anh, MI6, Richard Moore, đã công khai kêu gọi người Nga bắt đầu làm việc cho các cơ quan tình báo của Vương quốc Anh và hứa sẽ bảo vệ những kẻ phản bội. Ông ấy nghĩ rằng điều này sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine,” SVR cho biết trong một thông cáo báo chí được cung cấp cho hãng thông tấn nhà nước TASS.
Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga tuyên bố thêm rằng “bất kỳ ai biết một chút về chủ đề này đều có thể nhớ rằng truyền thống lâu đời của người Anglo-Saxon là loại bỏ những kẻ phản bội và những kẻ đào tẩu. Điều này đã không được thực hiện một cách chuyên nghiệp trong một thời gian dài, vì đã để lại những dấu vết rõ ràng.”
9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết quân Nga đang cố gắng thiết lập một vùng đệm bao quanh các khu vực Luhansk mà họ đã chiếm được từ năm 2014. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng..
Trong những ngày gần đây, đã có sự gia tăng hỏa lực pháo binh dọc theo phía bắc của chiến tuyến, ở các tỉnh Luhansk và Kharkiv. Điều này có thể đi kèm với sự gia tăng các cuộc tấn công của các đơn vị nhỏ của Nga, nhưng tình hình đã bị ngụy trang bởi thông tin sai lệch của Nga.
Nga có thể chỉ đạt được những lợi ích nhỏ, nhưng hoạt động mới của nước này ở phía bắc cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với Điện Cẩm Linh, khi nước này đồng thời phải đối mặt với áp lực đáng kể ở khu vực phía nam Zaporizhzhia.
Cụm lực lượng phía Tây của Nga có khả năng đang cố gắng quay trở lại sông Oskil để tạo ra một vùng đệm xung quanh tỉnh Luhansk, nơi mà Nga gần như chắc chắn coi là một trong những mục tiêu cơ bản của cuộc chiến.
10. Unesco đã lên án cuộc tấn công của Nga vào trung tâm lịch sử của Odesa, được bảo vệ theo Công ước Di sản Thế giới.
Trong gần một tuần qua, cư dân của thành phố được yêu cầu đến các hầm tránh bom trong những đêm liên tiếp mà các lực lượng Nga đã tấn công thành phố bằng hỏa tiễn siêu thanh và máy bay không người lái trong các cuộc tấn công liên tục nhằm phá hủy các cơ sở xuất khẩu ngũ cốc của Odesa.
Unesco nói:
Một đánh giá sơ bộ ở Odesa đã cho thấy thiệt hại đối với một số bảo tàng bên trong tài sản di sản thế giới, bao gồm Bảo tàng Khảo cổ học Odesa, Bảo tàng Hàng hải Odesa và Bảo tàng Văn học Odesa. Tất cả chúng đều được Unesco và chính quyền địa phương đánh dấu bằng Tấm khiên Xanh, biểu tượng đặc biệt của Công ước Hague 1954.
11. Tại sao Nga tấn công ác liệt vào cảng Odesa của Ukraine?
Mục tiêu chính của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào khu vực Odesa là nỗ lực tước bỏ hoàn toàn quyền tiếp cận Hắc Hải của Ukraine, đồng thời đe dọa để ngăn chặn và vô hiệu hóa các nỗ lực quốc tế nhằm khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải.
Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, Oleksiy Danilov, đã cho biết như trên.
“Theo kế hoạch của Điện Cẩm Linh, trước hết cần tạo ra các điều kiện NHÂN TẠO cho các mối đe dọa nạn đói đối với các nước Phi Châu và gia tăng mức độ đe dọa di cư sang Âu Châu. Người Nga hy vọng rằng thông qua việc tống tiền, họ sẽ buộc phương Tây đàm phán và chấp nhận 'tối hậu thư ngũ cốc' của Putin – bao gồm việc nối lại xuất khẩu amoniac của Nga, dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và các hạn chế khác,” Danilov nói.
Việc phá hủy cơ sở hạ tầng mà Ukraine cần phải có để bảo đảm hoạt động của “hành lang ngũ cốc”, sẽ khiến thế giới phụ thuộc vào ngũ cốc, cũng như vào khả năng hậu cần của Nga, theo kế hoạch của Putin.
“Kế hoạch là khiến thế giới phải quỳ gối và biến Nga thành nhà cung cấp ngũ cốc duy nhất. Sau thất bại của ý tưởng 'siêu cường năng lượng', Putin muốn trở thành 'siêu đế chế ngũ cốc'“.
“Ukraine hiểu và nhận thức được những ý định này, chúng tôi sẽ phản ứng thích hợp và trước hết, chúng tôi sẽ đáp trả đầy đủ các vụ giết chóc và hủy diệt,” Danilov nói.
Danilov kêu gọi thế giới, đặc biệt là phương Tây phải thể hiện sự kiên quyết, và “đáp trả xứng đáng với con chuột Cẩm Linh”, cụ thể phải khôi phục hoàn toàn “hành lang ngũ cốc” của Ukraine dưới sự bảo đảm an ninh quốc tế.
12. Hành động tàn bạo của Nga vấp phải áp lực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và từ đồng minh Trung Quốc
Nga đã chịu áp lực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ đồng minh Trung Quốc và các nước đang phát triển cũng như các quốc gia phương Tây phải nhanh chóng phục hồi các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Associated Press báo cáo rằng Mạc Tư Khoa cũng bị Liên Hiệp Quốc và các thành viên hội đồng chỉ trích vào thứ Sáu vì đã tấn công các cảng của Ukraine sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc kéo dài một năm và phá hủy cơ sở hạ tầng cảng.
Đáp lại việc Nga tuyên bố các khu vực rộng lớn ở Hắc Hải là nguy hiểm cho hoạt động vận chuyển, Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng một sự việc quân sự trên biển có thể gây ra “hậu quả thảm khốc”.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Cảnh Sảng, bày tỏ hy vọng rằng Nga và Liên Hiệp Quốc sẽ hợp tác để nối lại xuất khẩu từ cả Ukraine và Nga “sớm nhất” vì lợi ích “duy trì an ninh lương thực quốc tế và giảm bớt khủng hoảng lương thực ở các nước đang phát triển nói riêng”.
Nhà lãnh đạo chính trị của Liên Hiệp Quốc Rosemary DiCarlo lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Nga vào các cảng Hắc Hải của Ukraine và kêu gọi Mạc Tư Khoa ngăn chặn chúng ngay lập tức. Cô cho biết các mối đe dọa nhằm vào các tàu dân sự là “không thể chấp nhận được” và cảnh báo rằng thủy lôi có thể gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải dân sự.
Cô ấy nói:
“Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi kiềm chế không có thêm bất kỳ lời lẽ hay hành động nào có thể làm xấu đi tình hình vốn đã nguy hiểm. Mọi nguy cơ xung đột lan rộng do một sự việc quân sự ở Hắc Hải - dù là cố ý hay vô tình - phải được tránh bằng mọi giá, vì điều này có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc tiềm tàng cho tất cả chúng ta.”
Nga cho biết họ đã đình chỉ sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải vì Liên Hiệp Quốc đã không đáp ứng một nửa còn lại của thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine. Cụ thể, theo lời của Putin, ông ta ra lệnh đình chỉ việc tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải vì Liên Hiệp Quốc không thực hiện giao ước được công bố trước đó. Theo giao ước này, Nga đòi phải loại bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga, các tổ chức tài chính hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón. Điều này bao gồm kết nối ngay lập tức của họ với hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT.
Vấn đề là tất cả các ngân hàng Nga, mọi ngân hàng đều có thể cho rằng mình đang “hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón”. Thành ra, yêu cầu của Nga về thực chất là loại bỏ mọi trở ngại đối với mọi ngân hàng và phải kết nối mọi ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT. Nếu như thế, Nga sẽ có đủ tài chính để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và tất cả các lệnh trừng phạt liên quan đến tài chính của Nga đều trở thành vô nghĩa. Liên Hiệp Quốc đề nghị Nga thành lập một ngân hàng con, một ngân hàng duy nhất chịu trách nhiệm hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón. Nga đã bác bỏ điều này.
Một giải pháp khả thi đối với an ninh lương thực thế giới là không cần đến Nga tham gia vào sáng kiến này. Thổ Nhĩ Kỳ hay NATO sẽ hộ tống các tầu chuyên chở ngũ cốc ra vào các cảng của Ukraine. Thấy trước rằng kế hoạch này sẽ được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, Nga tấn công ồ ạt vào các cơ sở lưu trữ ngũ cốc tại Odesa trong gần một tuần qua.
Hành động tàn bạo này của Nga ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á. Nó làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực và có nguy cơ làm tăng thêm lạm phát lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp.