CHÚA VẪN ĐẾN VÀ SẼ ĐẾN
CHÚA NHẬT THỨ I MÙA VỌNG NĂM A
Năm phụng vụ trong thời gian như điệp khúc của bài hát, đáo hạn lại đến. Điệp khúc mùa Vọng lại trở về, khai mạc một năm phụng vụ mới.
Cũng như các mùa trong năm phụng vụ, mùa Vọng có một chủ đề riêng biệt, chia thành hai phần:
- Tín lý: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”;
- Luân lý: “Hãy tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng”.
Ý nghĩa của hai phần này được Chúa Giêsu nhắc lại trong Tin Mừng hôm nay: “Các con hãy sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.
Hai phần này liên quan với nhau chặt chẽ như hai vế không thể thiếu của một phương trình. Nếu có phần này, không có phần kia, là khập khiểng, là thiếu sót, là chưa trọn vẹn.
Sự liên hệ chặt chẽ này không phải do cùng là chủ đề của mùa Vọng, đúng hơn, vì cả hai phần bổ túc cho nhau, ý nghĩa lồng trong nhau, soi sáng và làm thành mục đích hay hiệu quả của nhau.
1. “LẠY CHÚA GIÊSU, XIN NGỰ ĐẾN”.
Mượn lại lời sách Khải huyền, Hội Thánh sống lại tâm tình của người Cựu ước trông chờ Đấng Cứu Thế của lời hứa mà Thiên Chúa trao ban cho họ qua các tổ phụ, các tiên tri.
Tuy nhiên, ơn cứu độ mà họ trông chờ, Hội Thánh đã đạt được.
Nhưng đó chưa phải là thời kỳ cứu độ toàn thể và chung cuộc.
Vì thế, sống tâm tình chờ đợi của người Cựu ước, Hội Thánh không dừng ở việc sống một kỷ niệm của lòng trông chờ để hướng đến việc mừng Chúa sinh ra làm người, y như người Dothái từng trông đợi. Nghĩa là chỉ sống lại một kỷ niệm, rồi đi tới đỉnh điểm của kỷ niệm ấy là lễ Giáng sinh. Như thế lễ Giáng sinh cũng chỉ là hoàn tất ý nghĩa của việc kỷ niệm.
Nhưng khi cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”, Hội Thánh đẩy mạnh ý nghĩa bằng cách cầu xin sự hiện diện của Chúa ở đây, lúc này, giữa thế giới, giữa Hội Thánh, trong cuộc sống từng người hôm nay. Xin Chúa ở lại, đổi mới bộ mặt thế giới, làm cho lòng người được thánh hóa.
Xa hơn, Hội Thánh hướng tới tương lai. Đó là hướng về ngày cánh chung, ngày thế giới được biến đổi trong ơn cứu độ toàn thể và trọn vẹn.
Vì nếu Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất, thì Chúa sẽ đến lần thứ hai để tổng kết cả một chiều dài ngun ngút của lịch sử nhân loại. Như vậy, Hội Thánh không sống trong quá khứ.
Kỷ niệm biến cố Chúa đến lần thứ nhất, Hội Thánh hướng tới việc trông chờ Chúa đến lần thứ hai. Vì lẽ đó, Hội Thánh không ngớt cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”.
Trong ngày Chúa lại đến, những ai trung thành trong đời sống Kitô hữu của mình, sẽ được đón nhận vào nhà Cha và được trao ban sự sống vĩnh hằng. Đạt tới điều đó, họ chính là những người thuộc về Chúa Kitô.
2. “TỈNH THỨC TRONG TƯ THẾ SẴ SÀNG”.
Nhưng để thuộc về Chúa Kitô, người Kitô hữu được mời gọi “Hãy tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng”.
Thói thường, ta rất dửng dưng, cho rằng ngày Chúa đến hoàn tất lịch sử còn xa. Đó là ngày được nói và được nghe rất nhiều nhưng vẫn nằm trong một tương lai mù mịt nào đó, không ai biết được.
Thực ra, đó là một viễn ảnh rất gần. Vì dù ta không biết Chúa kết thúc thế giới lúc nào, nhưng mỗi người phải hoàn tất cuộc đời là hiện thực không hề xa xôi, không hề mù mịt.
Ai cũng sẽ chết và chết ở bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, trong khi đợi chờ Chúa đến, ta hãy đợi chờ trong sự tỉnh thức và sẵn sàng.
Nghĩa là bạn và tôi hãy cảnh giác mọi nguy cơ có thể làm ta xa Chúa, bị tiêu vong vì đánh mất chính ơn phần rỗi của mình.
Do đó, Tỉnh thức và sẵn sàng là thái độ khôn ngoan của người Kitô hữu. Nhờ đó ta thoát mọi sợ hãi, lo âu, hốt hoảng, u mê và luôn có niềm vui của sự chờ đợi, niềm an ủi của hy vọng, sự kiên vững do lòng cậy trông, và bình an bởi tin tưởng.
Hiểu được ý nghĩa của mùa Vọng như thế, ta càng hiểu rõ hơn sự tương quan của hai vế trong chủ đề: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” và “Hãy tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng”.
Chúa nhật đầu tiên của năm phụng vụ, Chúa Giêsu dạy bài học của sự tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách nhắc lại câu chuyện Đại lụt Hồng thủy.
Thực ra, trong Tin Mừng, rất nhiều lần Chúa cảnh báo về sự bất ngờ của giờ Chúa đến. Nó bất ngờ như kẻ trộm đến giữa đêm khuya, như chàng rể xuất hiện lúc đang đêm.
Cũng vậy, Đại lụt Hồng thủy là một nỗi bất ngờ lớn trong thời Noê. Nó cuốn trôi tất cả những gì hiện diện trên mặt đất đang khi cả loài người vẫn mê chìm trong những nếp sống thường nhật đầy thỏa hiệp với tội lỗi của riêng bản thân. Đó là nỗi chết chóc kinh hoàng, cần phải nhắc lại để thế giới hôm nay ý thức hơn đời sống và sự tỉnh táo của mình.
Nếu ý nghĩa mùa Vọng là chờ đợi Chúa đến, thì cuộc đời mỗi người cũng là mùa Vọng kéo dài. Chúng ta chờ đợi Chúa viếng thăm trong từng ngày sống hôm nay, trong chính hiện tại này, để lòng có Chúa, cuộc sống của mình tràn đầy và chiếu tỏa ơn Chúa.
Ta chờ đợi Chúa đến để bao lao công khó nhọc trong cuộc đời mình, đều bởi ơn Chúa, đều được bao bọc, chở che trong tình thương của Chúa.
Bên cạnh cuộc tái hiện diện hằng ngày trong cuộc đời hôm nay, ta còn mong đợi Chúa đến trong ngày tái hiện diện đỉnh cao của mọi cuộc tái hiện diện, đó là giờ ta xuôi tay lìa đời.
Không có lúc nào khủng khiếp bằng giờ kinh hoàng ấy. Vì lúc ấy chỉ có mình ta đối diện với Chúa, với sự công thẳng của Chúa.
Nếu biết để Chúa ngự đến trong tâm hồn suốt đời, thì lần Chúa ngự đến như một sự tổng kết của các lần ngự đến, ta sẽ là người đạt đến hạnh phúc tuyệt đối.
Vì nếu trong cuộc trần, ta đã sống với Chúa không ngừng, thì cái chết chỉ là sự biến đổi, nhằm đưa bản thân mình tiếp tục sống với Chúa và sống trong vĩnh cửu.
Bởi vậy, chúng ta hãy vâng Lời Chúa như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Các con hãy sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.
Chúa vẫn đến và Chúa sẽ đến. Bạn và tôi hãy sẵn sàng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để kịp thời đón rước Chúa trong ngày Chúa viếng thăm.