XIN THƯƠNG XÓT CON

Chúa Nhật 30 Thường Niên năm C: Lc 18, 9-14

Suy niệm

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta nghe một câu rất quan trọng là “Chúa nhậm lời kêu xin của kẻ nghèo hèn” (Hc 35,12-14.16-18). Đây là chủ đề chính của đoạn sách Huấn ca này và cũng là của toàn bộ Thánh Kinh: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn bênh vực những người nghèo hèn yếu đuối. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu tỏ ra yêu thương những người bé nhỏ khiêm nhu, đặc biệt những người bị xã hội coi khinh và loại trừ. Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô, ngài cũng đã khẳng định thật mạnh mẽ khi nói: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5, 5).

Hôm nay khi nói về sự kiêu ngạo và khiêm nhường, Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn thật sống động về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu được coi là công chính, còn người kia làm nghề thu thuế bị coi là kẻ tội lỗi. Người Pharisêu đứng thẳng cầu nguyện rằng:“Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Sau khi trình bày cho Chúa thấy đời sống tốt lành của mình, ông còn cho Chúa thấy sự đạo đức của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Lời cầu nguyện của ông xem ra hết sức chân thành, một lời nguyện thật đẹp từ một đời sống quá đẹp. Hiếm ai có được đời sống thiện hảo như ông.

Thế nhưng Đức Giêsu lại đưa ra một kết luận khiến những người nghe và cả chúng ta cũng chưng hửng, vì ông ra về mà không còn công chính. Đang khi đó người thu thuế nhìn nhận hết những tội lỗi của mình thì lại nên công chính. Tại sao lại có sự nghịch lý như vậy?

Ngay từ đầu bài Tin Mừng này, thánh Luca đã nói rõ là Đức Giêsu kể dụ ngôn này nhằm vào một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác. Người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện nhưng thực ra là để khoe khoang công trạng và thành tích của mình. Ông thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra là ông đang độc thoại một mình. Ông "tạ ơn Chúa" nhưng thực ra là ông muốn Chúa hãy biết ơn ông. Bảng liệt kê công đức của ông không có gì sai, ông thật là người đáng khen, không có gì để chê trách, một tín đồ trung thành với lề luật, một mẫu gương trong đời sống đạo.

Chỉ tiếc là người Pharisêu đã tự nâng mình lên nên đã bị hạ xuống. Cái tôi của ông quá lớn đến nỗi ông chỉ hướng về mình mà không còn hướng về Chúa; công trạng của ông quá nhiều đến nỗi ông chỉ nhìn thấy tài năng của mình mà không thấy ân ban; đức độ của ông quá cao đến nỗi thấy người khác quá thấp. Sự sai lầm này khiến ông từ một người công chính trở thành kẻ bất chính.

Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người này chỉ biết cúi đầu nhận tội lỗi mình và cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự chân thật và khiêm nhường khiến người thu thuế từ một kẻ bất chính trở thành người công chính. Quả thật, "Một người tội lỗi ý thức thân phận tội lỗi của mình còn tốt hơn một vị thánh ý thức mình là thánh" (Yiddish).

Điều này cho ta thấy, điểm yếu nhất của con người là lòng kiêu hãnh. Không lạ gì mà sự thật bị bóp méo và những gì tốt lành cũng bị biến dạng. Chỉ có sự khiêm tốn và lòng kính trọng tha nhân mới tạo cho ta một đời sống chân chính. Ngoài ra, điều sai lầm trầm trọng của người Pharisêu khi cầu nguyện là chỉ qui hướng về mình, lấy mình làm trung tâm, thấy mình là quan trọng, đời sống ông quá đầy đặn đến nỗi Thiên Chúa trở nên thừa. Chúa chỉ còn là bình phong cho ông tô vẻ bản thân, và người khác chỉ là bệ chân để cho ông tỏa sáng.

Thật ra, tội lỗi hay công đức đều có thể làm ta khép lại hay mở ra. Ðiều quan trọng là thấy mình luôn cần đến Chúa. Làm sao ta tận dụng mọi năng lực Chúa ban mà vẫn hoàn toàn phó thác cho Chúa định liệu. Chúng ta được nên công chính do lòng thương xót của Chúa chứ không phải do công lao hay đức độ của mình. Chúng ta có làm được điều gì tốt lành và hữu ích cho cuộc sống cũng là do ơn Chúa ban. Đang khi đó có biết bao việc gây buồn phiền và tai hại cho người mà nhiều khi ta đâu có thấy hết. Chỉ với những tâm tình đó, ta mới biết cầu nguyện bằng những lời lẽ chân thành và khiêm tốn của người thu thuế: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Xem ra con luôn dễ tự hào,

cũng do bản tính thích làm cao,

cho rằng chỉ mình là độc đáo,

nhưng rồi thực tế chẳng ra sao.

Cũng giống như người Pha-ri-sêu,

cứ tưởng mình là người đạo đức,

khi làm được một ít việc lành,

chưa gì mà đem ra so sánh,

thấy mình tốt hơn người bên cạnh,

thế là lên mặt để khinh chê.

Có thể anh ta là người tốt,

nhưng vì kiêu căng và ngạo mạn,

nên bao công đức cũng tiêu tan,

cuối cùng lại còn mang thêm tội.

Con có làm được điều gì đó,

cũng chỉ là nhờ ơn Chúa thôi,

giống như dụng cụ trong tay chủ,

chỉ vô dụng nếu không được dùng,

điều quan trọng là sống tín trung,

sống ung dung nhưng không tự mãn,

Con biết mình cát bụi mọn hèn,

thân con như sỏi đá ươn hèn,

nếu con có gì đáng tự hào,

thì niềm tự hào là chính Chúa,

Đấng đã khai mở cuộc đời con,

và làm triển nở cho nên trọn.

Cho con canh tân lại chính mình,

bớt đi những thói xấu hư hèn,

giảm đi những điều gây hư hại,

loại trừ những thứ khiến hư thân,

một đời luôn sốt sắng chuyên cần,

hết lòng yêu Chúa và tha nhân. Amen.

1. Cùng lên đền thờ cầu nguyện, nhưng một kẻ kiêu căng, một kẻ khiêm nhường.

Xem ra bên ngoài thì người biệt phái là người công chính. Nhưng khi anh ta khoe khoang công trạng của mình và kể tội của người khác thì anh ta trở thành bất chính. Đang khi đó người thu thuế khiêm nhường nhận biết mình tội lỗi hư hèn, thấy mình chẳng làm được gì tốt, chỉ biết thống hối và kêu cầu Chúa thương xót. Anh ta đã được tha thứ tất cả để bắt đầu lại cuộc sống mới. Từ kẻ bất chính anh ta đã trở nên người công chính.

Chúng ta có thể cũng giống người biệt phái, khi ý thức về tội lỗi của người khác nhưng lại không ý thức về tội lỗi của chính mình. Chúng ta lo nói về tội của người khác mà quên tội của mình. Ta có đầy khiếm khuyết nhưng lại hay đi bới móc và xét đoán anh chị em mình.

Nhiều khi ta đến tòa cáo giải với một bảng liệt kê các tội đã phạm. Các tội ấy không khác nhau mấy từ lần xưng tội này đến lần xưng tội khác. Xưng xong rồi ra về và mọi sự đều trở lại y như cũ. Việc xưng tội không giúp ta cải thiện con người bao nhiêu. Tại sao? Vì chúng ta xưng tội mà không ý thức thân phận tội lỗi đáng ghê tởm của mình, nên có lòng thống hối sâu xa, không quyết tâm chừa tội, cũng không cảm nhận về lòng thương xót Chúa.

2. Hai người cùng cầu nguyện nhưng hai hướng khác nhau.

Người biệt phái hướng về bản thân mình và khinh chê người khác “…con không như kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia". Đồng thời để khoe khoang công trạng lớn lao của mình: "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". Còn lòng trí người thu thuế thì chỉ biết hướng về Chúa: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".

Sai lầm trầm trọng của ông Pharisêu bắt đầu từ câu này: “Vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc, như tên thu thuế kia” (Lc, 8,11).

Người thu thuế nhận mình lầm rỗi, ông biết rõ tội mình vô phương cứu chữa, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông bất lực hoàn toàn, chỉ phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông đã trở nên công chính bên trong. Chính tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho ông nên công chính.