Về David Kertz, nhiều nhà bình luận Công Giáo đã lên tiếng về việc tìm tòi hay đúng hơn bới móc văn khố mật của Tòa Thánh về triều giáo hoàng thời Thế chiến II của Đức Piô XII vừa được Đức Phanxicô mở cho các học giả nghiên cứu, nhất là sau khi ông ta viết bài “The Pope, the Jews, and the Secrets in the Archives” đăng trên tờ The Atlantic ngày 27 tháng 8 năm 2020, chỉ vài tháng sau khi Văn Khố nói trên được mở, nhưng rồi lại bị đóng đi đóng lại ít nhất cũng hai lần vì đại dịch Covid-19. Nhưng về cuốn sách sắp xuất bản: The Pope at War: The Secret History of Pius XII, Mussolini, and Hitler mà chúng tôi cho chuyển ngữ một chương sang tiếng Việt và cho đăng trên VietCatholic ngày 6 tháng 6 vừa qua thì chưa có bài phê bình nào của giới truyền thông Công Giáo. Có thể vì cuốn sách mới được ra mắt độc giả ngày 7 tháng 6 vừa qua.



Tạp chí America của các Cha Dòng Tên Hoa Kỳ, ngày 8 tháng 6, cho đăng lại bài viết của Nicole Winfield thuộc hãng tin Associated Press, tựa là “Vatican’s Pius XII archives begin to shed light on WWII pope”. Nhà báo này chỉ tường thuật lại các sự kiện, không hẳn đưa ra nhận định. Cô tóm tắt nội dung cuốn sách của David Kertz như sau:

"Vatican từ lâu vẫn bảo vệ vị giáo hoàng thời Thế chiến II, Pius XII, chống lại những lời chỉ trích rằng ngài giữ im lặng khi Nạn Diệt chủng Do thái diễn ra, nhấn mạnh rằng ngài làm việc lặng lẽ sau hậu trường để cứu các sinh mạng. Một cuốn sách mới, trích dẫn các tài liệu văn khố của Vatican mới mở gần đây, cho thấy các sinh mạng mà Vatican đã nỗ lực cứu vớt nhiều nhất chỉ là những người Do Thái đã trở lại Công Giáo hoặc là con cái của các cuộc “hôn nhân hỗn hợp” giữa người Công Giáo và người Do Thái.

Các tài liệu chứng thực cho những cuộc tìm kiếm như điên các chứng chỉ rửa tội, danh sách tên những người trở lại đạo được Vatican giao cho đại sứ Đức và những lời khẩn cầu chân thành từ những người Công Giáo ngỏ với vị giáo hoàng để tìm người thân là người gốc Do Thái, được ghi trong cuốn "The Pope at War" của David Kertzer, xuất bản hôm thứ Ba [7 tháng 6] tại Hoa Kỳ.

Cuốn sách tiếp nối cuốn “The Pope and Mussolini,” [Giáo hoàng và Mussolini] từng đoạt giải Pulitzer cũng của Kertzer, viết về người tiền nhiệm của Đức Piô, tức Đức Piô XI. Nó sử dụng hàng triệu tài liệu được phát hành gần đây từ các văn khố của Vatican cũng như các văn khố nhà nước của Ý, Pháp, Đức, Hoa Kỳ và Anh để tạo nên lịch sử của Thế chiến II qua lăng kính của triều giáo hoàng Piô XII và mạng lưới ngoại giao rộng lớn của nó với cả các quốc gia thuộc phe Trục lẫn Đồng minh.

Kertzer nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại trước ngày phát hành sách: “Số lượng tài liệu trong các văn khố về việc tìm kiếm hồ sơ rửa tội cho người Do Thái có thể cứu mạng họ thực sự rất đáng kinh ngạc”.

Cuốn sách dài 484 trang và gần 100 trang chú thích của nó, miêu tả một vị giáo hoàng nhút nhát, người không bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài Do Thái, mà là một niềm tin rằng sự trung lập của Vatican là cách tốt nhất và duy nhất để bảo vệ lợi ích của Giáo Hội Công Giáo khi cuộc chiến đang diễn ra vũ bão.

Kertzer, giáo sư nhân chủng học và Ý học tại Đại học Brown, gợi ý rằng động lực chính của đức Piô là sợ hãi: Nỗi sợ hãi đối với Giáo hội và những người Công Giáo ở các vùng lãnh thổ do Đức chiếm đóng, khi ngài tin rằng cuối cùng, phe Trục sẽ thắng; và nỗi lo sợ chủ nghĩa Cộng sản vô thần sẽ lan rộng khắp châu Âu Kitô giáo nếu phe Trục thua.

Kertzer viết, để xoa dịu nỗi sợ hãi đó, Đức Piô đã vạch ra một lộ trình thận trọng đến tê liệt để tránh xung đột bằng mọi giá với Đức Quốc xã. Các mệnh lệnh trực tiếp được gửi tới tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican là không được viết về những hành động tàn bạo của người Đức - và bảo đảm hợp tác liên tục với chế độ độc tài Phát xít của Benito Mussolini ở sân sau của Vatican.

Điều đó có nghĩa là không bao giờ nói một lời trước công chúng để tố cáo rõ ràng các vụ thảm sát của SS, ngay cả khi người Do Thái đang bị vây bắt ngay bên ngoài các bức tường của Vatican, như đã xảy ra vào ngày 16 tháng 10 năm 1943, và được đưa lên các chuyến tàu đến Auschwitz.

Kertzer kết luận rằng đức Piô không phải là “Giáo Hoàng của Hitler” – tựa đề đầy công kích của cuốn sách gây tai tiếng về thời đức Piô của John Cornwell. Nhưng ngài cũng không phải là người đấu tranh cho người Do Thái như những người ủng hộ ngài vốn chủ trương”.

Đó cũng là giải thích và kết luận của chương chúng tôi đã cho đăng tải.

Hàng triệu tài liệu?

Điều thứ nhất, nói rằng Kertz đã dùng cả “hàng triệu” tài liệu của văn khố Vatican và nhiều văn khố khác là điều đáng hoài nghi khi ông chỉ cần dựa vào một số ngày làm việc ở Văn khố vừa mở và bị đóng đi đóng lại để viết nên những điều ông đã viết. Thực ra, ngay trước khi văn khố mở, Kertz đã có định kiến sẵn: chỉ tìm những tài liệu để chứng minh thêm cho luận điểm có sẵn của mình về Đức Piô XII, cho nên, tờ National Catholic Reporter, khi thuật lại buổi Webinar về Văn Khố Mật ở Đại Học Fordham tháng 5 năm 2021, viết, Kertz cho rằng "tôi không nghĩ sẽ có bất cứ chứng cớ có thể kết luận nào (smoking gun), quả thực, tôi sẽ thất vọng về bất cứ chứng cớ nào có thể thực sự thay đổi tâm trí người ta lúc này”.

Tờ National Catholic Reporter nhân dịp này nhận định như nhiều chuyên viên về văn khố mật Vatican rằng “các nhà nghiên cứu...cũng cho hay có thể cần nhiều năm mới có thể đánh giá được các tư liệu mà Vatican đã cung cấp về Đức Piô XII, vị đã lãnh đạo Giáo Hội hoàn cầu từ 1939 tới 1958, và từng được soi mói trong nhiều thập niên kể từ các hành động của ngài thời Diệt Chủng”.

Matteo Luigi Napolitano, Giáo sư Lịch sử Các Liên hệ Quốc tế của Đại Học Molise, Ý, trong bài Pius XII, the New Vatican Archives, and the “hypologists”, để trả lời luận điệu của Kertz, đăng trên Catholic World Report (https://www.catholicworldreport.com/2021/01/08/pius-xii-the-new-vatican-archives-and-the-hypologists/), cho rằng các giải thích và kết luận của Kertz chỉ “dựa vào một lượng rất nhỏ các tài liệu, trong số hàng triệu tài liệu nay đã có sẵn”. Ông nhận định: “nhiều cơ quan truyền thông tường trình các lời tố cáo của Kertz mà không hề tìm tòi phê phán mảy may, và không hề nêu các câu hỏi chủ yếu như: học giả này đã thực sự làm việc trong bao nhiêu ngày tại các văn khố Vatican trước khi các kết quả của ông được trình bầy như là ‘dứt khoát’ bởi báo chí thế giới? Ông đã có được bao nhiêu tài liệu có thể thực sự chứng minh cho các khám phá và “các sự thật” đột phá của mình? Ông có giải thích các tài liệu cách đúng đắc hay không hay chỉ bóp méo một cách trầm trọng một vài mảnh của các tài liệu ấy?”

Sau khi chứng minh Kertz đã bỏ qua nhiều tài liệu và giải thích sai một số sự kiện, Napolitano cho rằng “Thu thập sự thật từ các văn khố lịch sử là một nhiệm vụ phức tạp hơn xem xét chúng trong một số ngày rất nhiều. Thực vậy, đối với bất cứ học giả hoặc nhóm học giả nào, gần như không thể chu toàn được nhiệm vụ này trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế. Kể từ lúc các văn khố còn lại cuối cùng của Đức Piô XII được mở hồi tháng Ba (2020), nhiều câu truyện giât gân đã được lưu truyền trong một vài giới truyền thông như thể mọi điều về Đức Piô XII đã được nói và làm rồi. Khổ công tìm sự thật lịch sử là một điều khác hẳn – phức tạp và thách thức hơn nhiều so với “lịch sự tự tạo”. Tưu chung, nó đòi hỏi thì giờ, kiên nhẫn, tận tâm và khả năng nghiên cứu, khảo sát và công bình lượng giá hàng triệu tài liệu mới mở”.

Trên VietCatholic ngày 29/04/2020, trong bài Covid-19 và việc bôi lọ Đức Piô XII, chúng tôi cũng đã nói đến một trong những học giả được Napolitano gọi là “hypologist”, đó là linh mục Hubert Wolf, người Đức, chỉ ở trong Văn khố mới mở được 5 ngày, đã vội phổ biến các nhận định sai lầm về Đức Piô XII, cho rằng ngài cố tình che đậy tội ác của Đức Quốc Xã. Nhân dịp này, Sử gia Tiến sĩ Michael Hesemann, giáo sư giáo sử tại Hàn Lâm Viện Gustav-Siewerth ở Bierbronnen, Đức, người cũng đã tìm tòi tại các văn khố mới mở này, cho biết tài liệu “mật” về Đức Piô XII và triều giáo hoàng của ngài lên tới 15 triệu trang giấy! Theo Benedict Mayaki của VaticanNews, thì các tài liệu này gồm khoảng 120 dẫy (series) và văn khố khác nhau thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, các thánh bộ, và các văn phòng giáo triều, chứa trong 20,000 đơn vị văn khố.

Về danh hiệu “hypologist”, Napolitano không có định nghĩa chuyên biệt cho từ ngữ này, nhưng cứ theo từ nguyên thì tiền từ hypo có nghĩa là dưới, kém, thấp như hypothermia=nhiệt độ thấp; hypodermic needle=chích dưới da; và nếu ông đặt nó tương phản với apologist=nhà hộ giáo, thì hypologist có thể hiểu là nhà hạ giáo. Dù sao, theo ông, hypologists là những người thậm chí tự xưng mình là các sử gia khách quan, làm việc có sổ bộ ghi chép, hồ sơ, tài liệu và tư liệu văn khố, một cách cho là công bằng vô tư. Thế nhưng, họ thực sự bị thúc đẩy bởi các xác tín ý thức hệ và luận đề đã định sẵn. Họ cắt và dán các tài liệu và sử dụng các trích dẫn lựa lọc và ngoài ngữ cảnh lấy từ chúng. Họ giấu các tài liệu chủ chốt, hoặc các phần của các tài liệu này nếu chúng mâu thuẫn với bản đồ ý thức hệ của họ.

Chỉ cứu những người Do Thái trở lại Công Giáo?

Điểm thứ hai, vì không thể chối cãi việc Đức Piô XII đã cứu nhiều người Do Thái, Kertz cho rằng các sinh mạng mà Vatican đã nỗ lực cứu vớt nhiều nhất chỉ là những người Do Thái đã trở lại Công Giáo hoặc là con cái của các cuộc “hôn nhân hỗn hợp” giữa người Công Giáo và người Do Thái. Cho nên tranh đấu cho “con chiên” của ngài thì có, chứ không hề là nhà quán quân nhân quyền cho người Do Thái nói chung.

Điều trên đúng là điển hình của một lối suy luận lấy được để bênh vực xác tín ý thức hệ. Theo Cha Robert A. Graham, Dòng Tên, một trong 4 học giả Dòng này, từ năm 1965 tới 1981, thu thập và hiệu đính bộ Actes et Documents du Saint Siège relatifs à la Seconde Guerre mondiale [Các Hành động và Tài liệu của Tòa Thánh liên quan tới Thế Chiến Hai] gồm 11 cuốn, lấy từ Văn Khố lúc đó còn gọi là Mật của Vatican, thì con số người Do Thái được Đức Piô XII cứu là 860,000 người (https://www.jewishvirtuallibrary.org/860-000-lives-saved-the-truth-about-pius-xii-and-the-jews). Con số này được chính các tổ chức và cá nhân Do Thái chứng thực. Thực vậy, trong cuốn sách năm 1967 của ông, tựa là Three Popes and the Jews, nhà ngoại giao Do Thái Pinchas Lapide (lãnh sự Do Thái ở Milan và từng phỏng vấn các người sống sót Nạn Diệt Chủng ở Ý) tuyên bố rằng Đức Piô XII “là phương thế trong việc cứu sống ít nhất 700,000, nhưng có thể là 860,000 người Do Thái khỏi cái chết trong tay Quốc Xã” (https://www.catholiceducation.org/en/controversy/persecution/pius-xii-and-the-jews.html).

Số người Do Thái trở lại Công Giáo hay có liên hệ với người Công Giáo không thể là gần một triệu người như thế được. Từ điển mở Wikipedia cho hay theo David Moss, hiện là chủ tịch hiệp hội những người Công Giáo Do Thái (Hebrew Catholics), thì con số thành viên của họ vào năm 2000 chỉ là vào khoảng 10,000 người, đông nhất là ở Mỹ và Israel. Họ cũng rải rác ở Gia Nã Đại, Pháp, Ý, Úc, Tây Ban Nha, Anh, Á Căn Đình, Ba Tây, Mễ Tây Cơ, Venezuela, Colombia, Bỉ, Tân Tây Lan và Đức. Do đó, có thể nói đại đa số người được cứu sống là người Do Thái không dính dáng gì tới Công Giáo. Vả lại, xét cho cùng, người Do Thái trở lại Công Giáo cũng vẫn còn là người Do Thái. Điều này rất phù hợp với não trạng của những người tạm gọi là Sionists, mà Kertz có thể là một thành viên, khi họ lên tiếng phản đối việc phong thánh cho Edith Steine. Không nói đâu xa, chính thân nhân của Edith Steine cũng vẫn chủ trương bà bị Quốc Xã thảm sát vì là người Do Thái chứ không phải là người Công Giáo nên Giáo Hội Công Giáo không thể phong thánh cho bà được, mặc dù Đức Gioan Phaolô II đã gọi bà là người con gái Sion và là người con của Giáo Hội Công Giáo. Cứu người Do Thái trở lại đạo Công Giáo, vì thế, vẫn là cứu người Do Thái.

Nói đến đây, tưởng cũng nên phản bác một luận điểm nữa của Kertz. Trong một cuộc phỏng vấn của trang mạng Forward (https://forward.com/culture/504773/pope-pius-xii-the-pope-at-war-david-kertzer-mussolini-hitler-vatican-archive/) ngày phát hành cuốn The Pope at War: The Secret History of Pius XII, Mussolini and Hitler, Kertz cho rằng Giáo Hội Công Giáo đã can dự vào việc Quốc Xã chọn ai được sống và ai phải chết. Nếu thế thì tại sao Giáo Hội lại để cho Nữ Đan Sĩ Edith Steine của mình bị Quốc Xã thảm sát? Phải nói là Giáo Hội cố gắng hết sức để cứu được càng nhiều người Do Thái càng hay. Lẽ dĩ nhiên, những người Do Thái trở lại Công Giáo “biết đường” để kêu cứu rõ ràng hơn các người Do Thái khác. Và Giáo Hội cũng có “thế” mạnh hơn khi can thiệp với bọn Đức khát máu Quốc Xã cho các “con chiên” của mình là những người lẽ tự nhiên mình có quyền can thiệp, yêu cầu. Nhưng lời yêu cầu ấy có phải lúc nào bọn khát máu cũng chấp thuận đâu, như trường hợp Edith Steine và người em gái của bà.

Im lặng, không phản đối tội ác?

Về luận điệu ý thức hệ chống Đức Piô XII của Kertz, dựa vào văn khố Vatican mới mở gần đây, bạn đọc có thể đọc hai bài nhận định của giáo sư Napolitano: Misinterpreting Pius XII: an Essay by D.I. Kertzer đăng trên L’Osservatore Romano của Tòa Thánh ngày 4 tháng 9 năm 2020 (http://www.vaticanfiles.net/misinterpreting-pius-xii-an-essay-by-di-kertzer.html); và bài Pius XII, the New Vatican Archives, and the “hypologists” đăng trên Catholic World report (https://www.catholicworldreport.com/2021/01/08/pius-xii-the-new-vatican-archives-and-the-hypologists/).

Ở đây, chúng tôi xin trở lại với cuộc thương thảo mật giữa Đức Piô XII và đặc phái viên của Hitler. Kertz đã dựa vào cuộc thương thảo này để giải thích và kết luận là Đức Piô XII không hề lên tiếng bênh vực người Do Thái.

Trước nhất, với một triều đại Giáo Hoàng kéo dài gần 20 năm, mà chỉ dựa vào một biến cố duy nhất để lên án nặng nề Đức Piô XII đủ chứng minh đây là một kết án thiên lệch, vội vã, không công bằng.

Kertz phạm sai lầm lớn ở chỗ không hiểu mục tiêu cuộc thương thuyết mật này là gì. Thường thường bất cứ cuộc thương thuyết mật nào cũng chỉ có mục tiêu giới hạn và nếu là một cuộc thương thuyết mật giữa hai bên, thì người ta chỉ bàn tới những vấn đề liên hệ trực tiếp đến hai bên, không bàn đến những vấn đề không trực tiếp liên hệ đến hai bên.

Hitler khi muốn bắt tay với Đức Piô, rất có thể hắn có nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu chính thức của hắn lần này là tiến tới một thỏa hiệp với Tòa Thánh, hay nói cách khác là một tông hiệp (concordat) thay thế tông hiệp hắn đã ký trước đây với tòa thánh năm 1933. Đức Piô XII, khi đồng ý họp mật, cũng hiểu như thế. Nhưng ngài đòi điều kiện tiên quyết là Đệ Tam Reich phải chấm dứt chính sách đàn áp người Công Giáo Đức nhất là hàng giám mục và giáo sĩ. Điều kiện tiên quyết này đã không được phía Hitler chính thức chấp nhận, nên kết quả của các cuộc tiếp xúc mật không thành. Lịch sử chỉ có thế, không thể căn cứ vào đó mà chỉ trích Đức Piô XII giữ im lặng trước cuộc bách hại người Do Thái của Quốc xã, không hề phản đối chính sách tàn ác của bọn này.

Thành thử trong biến cố chuyên biệt này, không thể lên án Đức Piô XII là im lặng được. Còn nói suốt trong triều Giáo Hoàng của ngài, ngài vẫn giữ im lặng, mặc tình để Hitler tự tung tự tác sát hại người Do Thái thì là chuyện khác. Về khía cạnh này, suốt từ thập niên 1960 đến nay, cuộc tranh luận vẫn chưa ngả ngũ. Tuy nhiên, ai cũng phải nhận rằng không lớn tiếng chỉ đích danh tội phạm và im lặng trước kẻ phạm tội không hẳn là một vấn đề. Lấy một thí dụ gần đây: Đức Phanxicô rõ ràng không chỉ đích danh Nga nói chung và Putin nói riêng là kẻ xâm lăng, nhưng rõ ràng ngài chống cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và Putin.

Về Đức Piô XII, nhiều biến cố lịch sử chứng minh ngài chống chính sách phân biệt chủng tộc của Quốc Xã. Từ điển mở Wikipedia tường trình nhiều biến cố như thế. Chỉ xin nhắc lại ở đây một số tiêu biểu: lúc còn làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ngài giúp soạn thảo thông điệp Mit brennender Sorge năm 1937 chống Quốc Xã. Năm 1939, trong thông điệp đầu tiên của ngài, Summi Pontificatus, Đức Piô XII tỏ bày nỗi thất vọng trước cuộc xâm lăng Ba Lan cùng năm của Quốc xã; nhắc lại giáo huấn Công Giáo chống kỳ thị chủng tộc và bài Do Thái; và ủng hộ cuộc kháng chiến chống những kẻ đối lập với các nguyên tắc đạo đức của “mạc khải trên Núi Sinai” và “Bài giảng trên Núi”. Lễ Giáng sinh năm 1942, một khi việc thảm sát người Do Thái trở nên rõ ràng, ngài tỏ ý quan ngại trước việc sát hại hàng “trăm ngàn” các người “không có lỗi” chỉ vì “quốc tịch hay chủng tộc” của họ. Ngài còn can thiệp nhằm ngăn cản các vụ Quốc Xã trục xuất người Do Thái ở nhiều quốc gia trong các năm 1942 tới 1944.

Cả tờ US. News & World Report ngày 14 tháng 11 năm 2008, trong bài Catholic-Jewish Controversy Slows Path to Sainthood for Pope Pius XII cũng cho hay: “có một số bằng chứng cho thấy cá nhân Đức Piô đã bị Đức quốc xã ghê tởm. Khi làm sứ thần tại Đức năm 1923, Đức Hồng Y Pacelli đã viết thư tố cáo nỗ lực nắm chính quyền thất bại của Hitler. Với tư cách là ngoại trưởng của Vatican trong những năm 1930, ngài đã phản đối luật chống chủng tộc Do Thái của Hitler. Và vào năm 1935, Pacelli đã có một bài phát biểu trong đó ngài nói rằng Đức Quốc xã đã ‘bị ám bởi sự mê tín về chủng tộc và sùng bái máu’.

Sau khi trở thành giáo hoàng... Các tài liệu mới được phát hiện trong văn khố của chính phủ Anh cho thấy đức Piô XII thậm chí có thể đã tích cực trong các âm mưu lật đổ Hitler. Nhật ký của Adolf Eichmann, sĩ quan SS được nhiều người coi là kiến trúc sư của Nạn Diệt Chủng, chứng minh rằng nhiều người trong SS nghĩ rằng Vatican đang cố gắng cản trở nỗ lực trục xuất của Đức Quốc xã”.

Như thế đủ chứng tỏ Đức Piô XII có lên tiếng chống lại Hitler và chủ nghĩa Quốc Xã, dù không nêu đích danh họ.

Tại sao ngài không nêu đích danh? Tờ US. News & World Report nói trên cho biết: “Một số người tị nạn Do Thái tin rằng phản ứng kín đáo của Đức Giáo Hoàng đối với Nạn Diệt Chủng có ích tốt nhất cho họ. Một cặp vợ chồng Do Thái trốn đến Tây Ban Nha nhờ sự giúp đỡ của Đức Piô viết, ‘Không ai trong chúng tôi muốn Đức Giáo Hoàng có lập trường công khai. Tất cả chúng tôi đều là những kẻ trốn chạy, và những kẻ trốn chạy không muốn bị chĩa mũi dùi. Nếu Đức Giáo Hoàng phản đối, Rome sẽ trở thành trung tâm chú ý. Tốt hơn là Đức Giáo Hoàng không nói gì’.

Tờ báo trên cũng cho rằng “Các nhà sử học thừa nhận rằng vị giáo hoàng có lý do để cảnh giác khi đối đầu trực tiếp. Bị mắc kẹt giữa mối đe dọa kép của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và chủ nghĩa phát xít Đức, với hàng triệu tín đồ của Giáo Hội ngài sống ở các nước bị chiếm đóng, nhà lãnh đạo Công Giáo không có nhiều lựa chọn tốt...

“Đức Piô đã thực hiện một số nỗ lực để âm thầm cứu các nạn nhân của Diệt Chủng. Thư từ trên giấy tiêu đề của Vatican năm 1940 chỉ ra rằng Đức Piô đã yêu cầu các thành viên của hàng giáo phẩm làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ những người Do Thái bị truy nã. Ngài đã sử dụng các nguồn lực của Giáo Hội để bảo vệ khoảng 4,000 người Do Thái sống ở Rome trong thời kỳ Quốc xã chiếm đóng”.

Cha Peter Gumpel, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Piô XII, người tự hào không một tờ giấy nào liên quan tới Đức Piô XII trong Văn Khố Mật của Vatican mà ngài chưa xem qua, trong cuộc phỏng vấn ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Hãng tin Zenit, đã cho hay: “căn cứ vào kinh nghiệm bản thân, cha phải nói rằng: năm 1942, cha đang ở Hòa Lan, bị Đức phát vãng vì lý do chính trị. Trong thánh lễ ngày 26 tháng 7 năm đó, cha được nghe thư mục vụ của vị tổng giám mục duy nhất của Hòa Lan lúc đó là Đức Cha De Jong. Thư này cực lực lên án sự chiếm đóng Hòa Lan của Đức. Cha có hai phản ứng tức khắc: thoạt đầu, cha bái phục sự can đảm của vị giáo phẩm này, nhưng liền sau đó sợ người Đức sẽ trả đũa nghiêm khắc. Đúng thế, chỉ vài ngày sau, tức vào ngày 2 tháng 8, người Đức tăng nhanh việc phát vãng người Do Thái tại Hòa Lan, gồm cả những người Do Thái trở lại Kitô Giáo, trong đó có người con gái nổi danh của Sion, nữ thánh Edith Stein và người em gái của bà. Cha kết luận rằng một phản đối tương tự (của Đức Piô XII) cũng sẽ không cứu được mạng sống người Do Thái, ngược lại chỉ có hiệu quả tai hại hơn. Đức Piô XII biết như thế nên đã quyết định hành động cách khôn ngoan”.

Như đã nói trên đây, Linh mục Robert Graham, S.J, một trong 4 linh mục dòng Tên thu thập và hiệu đính bộ tài liệu gồm 11 cuốn từ các tài liệu của Văn khố Mật từ năm 1965 tới năm 1981 tựa là Actes et Documents de la Sainte Siège relatifs à la Seconde Guèrre Mondiale, trong bài The Vatican & the Holocaust: 860,000 Lives Saved - The Truth About Pius XII & the Jews được trang mạng Jewish Virtual Library (https://www.jewishvirtuallibrary.org/860-000-lives-saved-the-truth-about-pius-xii-and-the-jews) đăng tải, cũng cho như thế khi thuật lại lời phát biểu của Đức Cha Jean Bernard, một tù nhân của Quốc Xã tại Dachau từ 1941-1942, sau làm Giám Mục Luxembourg: “Các linh mục bị giam giữ run rẩy mỗi lần tin tức tới tai chúng tôi về một phản đối nào đó của các giới chức tôn giáo, đặc biệt là Vatican. Tất cả chúng tôi đều có ấn tượng các viên cai tù sẽ làm chúng tôi phải đền tội nặng nề vì những giận dữ do các lời phản đối này tạo nên... Bất cứ khi nào lối đối xử với chúng tôi trở nên tàn ác hơn, các mục sư Thệ phản trong số các tù nhân thường đổ giận lên các linh mục Công Giáo: ‘Rồi, ông Giáo Hoàng ngây thơ của các ông và những ông cả quỷnh giám mục của các ông lại thối miệng...tại sao họ không có ý niệm gì cả để mà câm miệng lại. Họ chơi trò anh hùng để chúng tôi trả giá”.

Cha cũng cho hay Albrecht von Kessel, một viên chức tại tòa đại sứ Đức bên cạnh Tòa Thánh thời Thế chiến II, năm 1963 đã viết rằng “Chúng tôi tin chắc một phản đối nẩy lửa của Đức Piô XII chống lại việc bách hại người Do Thái... chắc chắn sẽ không cứu được dù là một người Do Thái. Hitler, giống con thú bị bẫy, sẽ phản ứng lại bất cứ thứ đe dọa nào ông ta cảm thấy chống lại ông ta, bằng bạo lực tàn nhẫn”. Thành thử, Đức Piô XII quyết định thay thế phương thức chống đối của vị tiền nhiệm và đi theo phương thức ngoại giao, vốn là phương thức ngài được huấn luyện khi bước vào ngành ngoại giao của Tòa Thánh.

Đó là nhận định của Frank J. Coppa trên Encyclopedia Britanica. Tác giả này cho rằng: “Được đào tạo như một nhà ngoại giao, Đức Piô XII tuân theo đường lối thận trọng do Đức Lêô XIII và Bênêđíctô XV mở đầu chứ không phải là đường lối đối đầu hơn do Đức Piô IX, Đức Piô X và Đức Piô XI chủ trương. Với hy vọng phục vụ như một ‘Giáo hoàng Hòa bình’, Đức Piô XII đã cố gắng không thành công trong việc ngăn cản các chính phủ châu Âu tham gia vào chiến tranh. Là một phần trong chính sách duy trì tính vô tư của Tòa thánh và đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia, Đức Piô không muốn đối kháng phát xít Ý và Đức Quốc xã bằng cách ban hành một thông điệp có thể sẽ kích động họ, một quyết định hiện được các sử gia không có thiện cảm với ngài trích dẫn như một dấu hiệu của sự dửng dưng của ngài trước cái ác. Ngược lại, những người bảo vệ ngài thì cho rằng Đức Piô XII đã tìm cách tránh bị trả thù và gây tổn hại lớn hơn”.

Tuy nhiên, không vì thế ngài không, một cách gián tiếp, lên tiếng chống chủ nghĩa Quốc Xã Đức và ngấm ngầm giúp trào lưu nhằm lật đổ chế độ đồ tể Hitler, như trên đã nói một phần. Coppa cũng đồng ý như thế: bất chấp chính sách vô tư vừa nói, “nó đã không ngăn cản Đức Piô XII thông báo cho chính phủ Anh sớm vào năm 1940 rằng một số tướng lĩnh Đức đã chuẩn bị lật đổ chính phủ Đức Quốc xã nếu họ có thể được đảm bảo về một nền hòa bình danh dự, và nó cũng không ngăn cản việc ngài cảnh báo cho Đồng minh về cuộc xâm lược của Đức vào Hòa Lan tháng 5 năm 1940. Nó cũng không ngăn cản việc ngài cố gắng một cách vô hiệu ngăn cản Benito Mussolini tham chiến (phát xít Ý gia nhập phe Trục vào ngày 10 tháng 6 năm 1940)”.

Coppa cũng cho rằng không ngăn cản được chiến tranh, Đức Piô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã dùng Đài Phát Thanh truyền đi các thông điệp Giáng sinh, trong đó, nhắc lại các chủ đề của Đức Benêđíctô XV thời Thế chiến I: trật tự thế giới mới thay thế cho chủ nghĩa dân tộc vị kỷ đã gây ra xung đột. Trong thông điệp Giáng sinh năm 1942, Đức Piô đã tiến gần đến việc bày tỏ sự thiện cảm của mình đối với những người “không có lỗi… đôi khi chỉ vì chủng tộc hoặc quốc tịch, đã bị gán cho cái chết hoặc sa sút từ từ”. Ngài quyết định không nói thêm, vì sợ rằng những lời tố cáo công khai của giáo hoàng có thể kích động chế độ Hitler tàn bạo hơn nữa đối với những người chịu sự khủng bố của Đức Quốc xã — như trường hợp các giám mục Hòa Lan công khai phản đối hồi đầu năm — đồng thời gây nguy hiểm cho tương lai của Giáo Hội.

Theo Coppa, trong việc cụ thể giúp các người Do Thái lâm nạn, ngài còn thiết lập Sở Thông tin Vatican để cung cấp sự giúp đỡ và thông tin về hàng ngàn người tị nạn chiến tranh và chỉ thị Giáo Hội cung cấp trợ giúp kín đáo cho người Do Thái, một việc đã cứu được hàng ngàn sinh mạng.

Cha Graham thì cho rằng chính sách của Đức Piô XII là lưu ý tới các điều kiện địa phương. Nó được hàng giáo phẩm địa phương phối trí. Vì chính sách của Quốc Xã đối với người Do Thái thay đổi từ nước này qua nước nọ. Do đó, dù các biện pháp chống Do Thái bị phản ứng mạnh ở Pháp bằng các cuộc phản đối công khai do Đức Tổng Giám Mục Saliège của Toulouse, cùng với Đức Tổng Giám Mục Gerlier của Lyons và Đức Cha Thias của Mantauban lãnh đạo, việc phản đối của các ngài đã được sự hỗ trợ của một chiến dịch cứu cấp và trú ẩn rất hữu hiệu, hơn 200,000 sinh mạng đã được cứu. Ở Hòa Lan, kết quả “khác một cách thê thảm”. Nhà sử học Do Thái Pinchas Lapide tóm tắt như sau:

"Kết luận buồn thảm nhất và gây nhiều suy tư nhất là trong khi hàng giáo sĩ Hòa Lan phản đối to tiếng hơn, minh nhiên hơn và thường xuyên hơn chống lại việc bách hại người Do Thái hơn hàng giáo phẩm của bất cứ nước nào do Quốc Xã chiếm đóng, thì nhiều người Do Thái hơn, khoảng 107,000 người tức 79% tổng số, bị trục xuất khỏi Hòa Lan; hơn bất cứ nơi nào ở Tây Phương”.

Còn Rome thì sao? Cha Graham cho hay, năm 1943, đại sứ Đức cạnh Tòa Thánh, Von Weizsaecker, gửi một điện tín về Bá Linh với nội dung: “Mặc dù bị áp lực từ mọi phía, Đức Giáo Hoàng vẫn không để ngài bị lôi kéo vào bất cứ chỉ trích nào đối với việc trục xuất người Do Thái khỏi Rome... Vì có thể không có lý do gì chờ mong các hành động khác của Đức chống lại người Do Thái ở Rome, chúng tôi có thể coi một vấn đề gây sáo trộn như thế đối các liên hệ Đức-Vatican đã bị loại bỏ”

Điện tín của Von Weizsaecker, trên thực tế, là một lời cảnh cáo đừng tiến hành việc trục xuất người Do Thái Rôma đã được dự trù. Hành động này, theo Cha Graham, đã được hỗ trợ bởi chính lời cảnh cáo của Đức Piô XII gửi Hitler: nếu việc săn đuổi và giam giữ người Do Thái ở Rome không dừng lại, ngài sẽ phản đối công khai. Nhờ hai can thiệp này, cuộc lùng bắt người Do Thái ở Rome đã ngưng lại, 7 ngàn người đã được cứu sống.

Ở Hung Gia Lợi, ít nhất 80,000 người đã được cứu. Ở Bảo Gai Lợi, nơi Sứ thần Roncalli, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tương lai, phục vụ, con số cũng tương tự.

Theo cha Graham, David Herstig đã kết luận cuốn sách của ông về chủ đề này như sau: “Ngày nay, những người được Đức Piô XII cứu đang sống rải rác khắp thế giới. Số từ Lỗ Ma Ni trở về Israel mà thôi đã là 360,000 người tính đến năm 1965”.

Ngày nay, theo cha Graham, ước lượng Đức Piô XII đã giám sát một hệ thống cứu sống 860,000 người Do Thái, hơn bất cứ cơ quan quốc tế nào cộng lại. Con số này đã được chính các nhà văn và văn khố Do Thái thừa nhận.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Forward đã nhắc trên đây, Kertz cho biết vụ 1,200 người Do Thái Rome bị vây bắt và giam giữ gần cung điện của Đức Piô XII và sau đó chuyển tới Auschwitz để bị giết là điều ám ảnh ông và khiến ông tìm hiểu ngọn ngành. Thực tại người Do Thái ở Rome thời Thế chiến II không ai nắm vững bằng Trưởng Giáo Sĩ Do Thái Israel Zolli. Thế mà sau Thế chiến II, ông ta đã trở lại Đạo Công Giáo và lấy tên thánh của Đức Piô XII làm tên thánh của mình, Eugenio. Không biết Kertz có lưu ý tìm hiểu việc này, việc cả thế giới đều biết?

Đức Piô X biết rõ chủ trương của ngài có thể bị phê phán, nhưng lương tâm buộc ngài phải hành động như thế. Kertz thì cho là ngài nhút nhát.

Trong bài Pius XII knew he would be misunderstood, theologian says, Elise Harris, cho hay vị linh mục 90 tuổi, Peter Gumpel, đã nhắc trên đây, cho biết ngay trong thời Quốc Xã bách hại người Do Thái, Đức Piô XII đã biết nhiều người không cùng lập trường với ngài: âm thầm cứu sống người Do Thái, không lớn tiếng chỉ trích đích danh chế độ đồ tể Quốc Xã để không kích thích việc gia tăng đàn áp của Quốc Xã. Chính ngài cho hay: “Ta biết điều ta đang làm sẽ không làm vừa lòng mọi người, nhưng ta vẫn sẽ làm nó vì trong lương tâm ta cảm thấy bổn phận ta phải làm như thế”.

Nhân dịp này, Cha nhắc đến những tài liệu nói về việc hàng giáo phẩm Ba Lan nài nỉ “đừng lớn tiếng, nó chẳng giúp được gì, chỉ làm sự việc tồi tệ hơn”. Ở Đức cũng thế, cũng một lời năn nỉ: “Vì Trời, đừng nói gì cả vì chỉ làm cho tình thế, cho việc bách hại tệ hơn thôi”.

Dựa vào một luật sư Do thái tên Kempner, cha cho rằng “những người không có trách nhiệm cai quản nào, chưa bao giờ đương đầu với một tình huống như thế, không thể hiểu được lập trường này”. Luật sư này nói rằng: “điều duy nhất phải làm là giúp người ta trong bí mật bao nhiêu có thể”.

Về các tranh cãi quanh vấn đề này xin xem thêm loạt bài chúng tôi từng phổ biến năm 2008 và năm 2009 trên Vietcatholic: Gia tô Bí lục Tân thời, Vatican và Vấn đề Tài liệu, Vatican và Vấn đề Diệt Chủng