Về Đức Piô XII, nhiều hiểu lầm đã được nêu ra dọc dài từ ngày ngài qua đời đến nay, mà trọng điểm là việc ngài bị coi là im lặng trước họa Diệt Chủng Do Thái của Đức Quốc Xã, khiến tiến trình phong thánh cho ngài bị khựng lại ít nhất cũng từ thời Đức Bênêđíctô XVI, vị giáo hoàng, dù bị nhiều chống đối, vẫn đã tuyên bố ngài là Đấng Đáng Kính. Theo nhiều người, thì chính Đức Bênêđíctô XVI nói rằng án phong thánh sẽ có cơ hội tiến nhanh hơn khi Văn Khố mật về thời giáo hoàng của Đấng Đáng Kính được mở ra cho các học giả nghiên cứu và phê phán. Nay thì Văn Khố ấy đã được mở ra. Nhưng việc hiểu lầm thì vẫn còn đó, ít nhất với việc giải thích của nhà sử học người Mỹ, David I. Kertzer, tác giả cuốn sách sắp xuất bản The Pope at War: The Secret History of Pius XII, Mussolini and Hitler. Ông từng đoạt giải Pulitzer năm 2015 nhờ cuốn The Pope and Mussolini: The Secret History of Pius XI and the Rise of Fascism in Europe [Đức Giáo Hoàng và Mussolini: Lịch sử bí mật của Đức Piô XI và sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu].

Theo từ điển mở Wikipedia, Kertzer từng là tác giả cuốn The Kidnapping of Edgardo Mortara năm 1997, được vào chung kết để lãnh giải thưởng National Book Award về các sách không phải hư cấu, nói về việc Chân phúc Piô IX "bắt cóc" thiếu niên Do Thái Edgardo Mortara. Cuốn sau đó năm 2001, The Popes Against the Jews, cho rằng Vatican và một số giáo hoàng đã tích cực đóng góp vào việc vun sới cơ sở ý thức hệ cho chính sách Diệt Chủng Do Thái. Cuốn ông được giải thưởng Pulitzer, nói là dựa vào Văn khố mật thời Đức Pio XI, kết luận vị Giáo hoàng này đóng vai trò quan trọng trong việc lên cầm quyền của Phát xít Mussolini tại Ý.

Không lạ gì, khi Văn Khố mật về Đức Piô X mở ra, ông ta đã chỉ đi tìm các các tài liệu phù hợp với ý hướng ý thức hệ của mình để tiếp tục làm sai lệch chân dung Đấng Đáng Kính của Giáo Hội Công Giáo. Tập san The Atlantic số ngày 31 tháng 5, 2022 đã trích đăng bài sau đây lấy từ cuốn sách sẽ phát hành nói trên, đại khái nói đến việc các tài liệu mới được tiết lộ của Vatican đã hé lộ một bí mật lâu nay: Khi chiến tranh nổ ra, Đức Piô XII đã sử dụng một hoàng tử Quốc xã để đàm phán với Adolf Hitler. Trong cuộc đàm phán này, Đức Piô XII không bao giờ đề cập đến nạn Diệt Chủng, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội mình. Chúng tôi xin chuyển dịch và đăng lại trọn bài trích đăng của tờ The Atlantic và trong các bài kế tiếp sẽ chuyển dịch và đăng các đóng góp phản bác lối giải thích của Ông Kertz, nhưng trong khi chờ đợi, cần nói ngay rằng: chủ đích thương thuyết mật nói ở đây là nhằm đưa đến một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Đệ tam Đế chế Đức. Một thỏa thuận song phương như thế tất nhiên chỉ là bàn về các vấn đề có liên quan trực tiếp đến hai bên, ở đây là chính sách hà khắc của Quốc Xã đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo Đức nói riêng, nhất là hàng giáo sĩ của Giáo hội này. Không thể bàn đến các truyện khác.



Vào tháng 8 năm 1939, khi đang hoàn tất các kế hoạch xâm lược Ba Lan, Adolf Hitler cũng tham gia vào các cuộc đàm phán với Đức Giáo Hoàng Piô XII, tế nhị đến mức ngay cả đại sứ Đức tại Tòa thánh cũng không biết đến chúng. Sự hiện hữu của các cuộc đàm phán này là một bí mật mà Vatican rất muốn duy trì lâu dài sau khi Đức Piô XII qua đời — như đã làm trong tám thập niên qua. Bộ tài liệu của Tòa thánh gồm 12 tập về Chiến tranh thế giới thứ hai, được hoàn thành vào năm 1981, cho đến nay đã trở thành hồ sơ chính thức về hoạt động của Vatican trong thời kỳ đó, nhưng đã không nhắc gì đến các cuộc đàm phán này. Chỉ đến nay, nhận thức về chúng mới được đưa ra ánh sáng nhờ việc gần đây đã mở kho văn khố về Đức Piô XII tại Vatican.

Rất ít chủ đề trong lịch sử Giáo hội, hoặc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai, được tranh cãi sôi nổi như quyết định của Đức Piô XII nhằm tránh những lời chỉ trích trực tiếp công khai đối với Hitler hoặc chế độ của ông ta và giữ im lặng công khai trước thảm họa Diệt Chủng. Tuy thế, nhiều người bảo thủ trong Giáo hội miêu tả Đức Piô như một kẻ thù kiên định, can đảm của Hitler và chủ nghĩa phát xít. Những người khác đã chỉ trích gay gắt ngài đã không tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của Đức Quốc xã và nỗ lực tiêu diệt toàn bộ người Do Thái ở châu Âu của Hitler. Ngay cả khi lực lượng SS của Đức Quốc xã vây bắt hơn 1,000 người Do Thái ở chính Rôma, vào ngày 16 tháng 10 năm 1943, Đức Giáo Hoàng vẫn từ chối công khai lên tiếng. Được giam giữ trong hai ngày tại một khu phức hợp gần các bức tường của Vatican, những người Do Thái sau đó được đưa lên một chuyến tàu đến Auschwitz.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được cho là đang chuẩn bị phong chân phước cho Đức Piô XII vào năm 2000 khi cuộc phản đối, đặc biệt là từ cộng đồng người Do Thái ở Rome, khiến cho diễn trình này bị đình trệ. Người kế nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô XVI, đã kêu gọi đợi cho đến khi kho lưu trữ của Vatican về những năm chiến tranh được mở trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ngài đã đồng ý tuyên bố Đức Piô XII là “đấng đáng kính”, một bước trên con đường trở thành thánh. Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép mở các văn khố về Đức Piô XII, các văn khố này đã sẵn sàng để các học giả nghiên cứu từ năm 2020. Trong hai năm kể từ đó, không có phát hiện mới nào gây ấn tượng mạnh như khám phá này là ngay sau khi ngài trở thành giáo hoàng, Đức Piô XII đã tham gia các cuộc đàm phán bí mật với Hitler, một câu chuyện lần đầu tiên được kể ở đây.

Trong những tháng cuối đời, người tiền nhiệm của Đức Piô XII, Đức Piô XI, đã trở thành vấn đề đau đầu đối với Adolf Hitler. Đức Giáo Hoàng ngày càng trở nên tức giận trước việc Hitler cắt xén dần tầm ảnh hưởng của Giáo Hội ở Đức, thay thế các trường giáo xứ Công Giáo bằng các trường công lập, đóng cửa nhiều cơ sở tôn giáo và thay thế các giáo lý Kitô giáo bằng học thuyết của Đức Quốc xã. Năm 1937, Đức Piô XI đã ban hành một thông điệp lên án chính phủ Quốc xã về việc đàn áp Giáo hội và ủng hộ một hệ tư tưởng ngoại giáo. Hitler rất tức giận. Một năm sau, khi Hitler đến thăm Rome, Đức Piô XI đã rời thành phố để đến Castel Gandolfo, nơi nghỉ dưỡng mùa hè của ngài ở Alban Hills. Trong những nhận xét khiến Benito Mussolini, người cai trị nước Ý và là đồng minh của Hitler tức giận, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không thể chấp nhận việc tôn vinh hình chữ Vạn, mà ngài gọi là "thập tự giá không phải là thập tự giá của Chúa Kitô."

Đức Piô XI qua đời vào đầu năm 1939, trước sự nhẹ nhõm của Hitler và Mussolini. Đức Hồng Y Eugenio Pacelli, người từng là ngoại trưởng, được bầu làm giáo hoàng, lấy tên là Piô XII. Giờ đây, Hitler đã nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Vatican, hoặc dù sao cũng giữ cho tân giáo hoàng không công khai chỉ trích chế độ của ông ta. Ông ta đã chọn Hoàng tử Philipp von Hessen 36 tuổi, con rể của Vua nước Ý Victor Emmanuel III, làm người trung gian bí mật của ông với Đức Giáo Hoàng. Rất ít quý tộc Đức có một dòng dõi lừng lẫy hơn von Hessen, ông nội là hoàng đế Đức Frederick III và bà cố là Nữ hoàng Victoria của Anh. Ông ta là một thành viên ban đầu của SA, đội quân biệt kích của Đảng Quốc xã, và mặc đồng phục áo nâu của đội quân này. Và ông ta đã có kinh nghiệm giữ bí mật, đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn mối quan hệ đa tình của mình với nhà thơ người Anh Siegfried Sassoon khỏi bị đưa ra ánh sáng.

Ngay sau cuộc bầu cử Đức Hồng Y Pacelli, Hitler đã triệu tập von Hessen đến trụ sở chính của mình. Vì sự háo hức hiển nhiên của tân giáo hoàng muốn lật một trang mới trong mối quan hệ khó khăn của Vatican với chế độ Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia, Hitler đã quyết định khám phá khả năng của một thỏa thuận. Von Hessen được cho biết liệu ông có thể lên lịch một cuộc họp bí mật với Đức Giáo Hoàng để bắt đầu các cuộc thảo luận hay không.

Để giữ bí mật, các cuộc nói chuyện giữa von Hessen và Đức Giáo Hoàng phải được sắp xếp thông qua các kênh không chính thức. Tuyến đường vòng, sẽ được sử dụng nhiều lần trong hai năm tới, có sự tham gia của một người đàn ông tên là Raffaele Travaglini, một người bạn trong bóng tối của Hoàng tử Umberto, vị vua tương lai của Ý và anh trai của vợ von Hessen, Công chúa Mafalda. Travaglini là một kẻ mưu mô và tự đề xướng mình, cũng như một tên phát xít cuồng nhiệt. Và anh ta có liên hệ sâu xa với một mạng xã hội có thể bắt tay được với Vatican.

Vào một Chúa nhật giữa tháng 4 năm 1939, chỉ một tháng sau khi Đức Hồng Y Pacelli trở thành giáo hoàng, von Hessen đã triệu tập Travaglini đến dinh thự của hoàng gia Ý ở Rome. Tại đây, ông giải thích rằng Hitler đã yêu cầu ông bắt đầu các cuộc đàm phán với Đức tân giáo hoàng bên ngoài các kênh ngoại giao thông thường. Travaglini ngay lập tức viết thư cho Hồng Y Lorenzo Lauri, một người thân cận với Đức Giáo Hoàng, yêu cầu ngài giúp đỡ trong việc sắp xếp một cuộc gặp giữa von Hessen và Đức Piô XII.

Đức Giáo Hoàng đã gặp đặc phái viên của Hitler lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 5. Để giúp giữ bí mật, Đức Giáo Hoàng đã thực hiện một bước rất bất thường là tổ chức cuộc họp trong căn hộ của Hồng Y Luigi Maglione, ngoại trưởng của ngài. Hai người nói chuyện bằng tiếng Đức, ngôn ngữ mà Đức Giáo Hoàng rất thông thạo vì đã làm sứ thần ở Đức mười mấy năm. Các văn khố của Vatican có một tập hồ sơ bằng tiếng Đức về cuộc đàm đạo của họ. Đáng chú ý là việc Đức Giáo Hoàng đã giấu một vị giáo phẩm người Đức để ghi lại đầy đủ các cuộc trò chuyện của họ mà dường như không bị hoàng tử Quốc xã nhận ra. Các ghi chép do đó, mới được tiết lộ gần đây, đã cung cấp một trình thuật chính xác về những gì đã được nói ra.

Tại cuộc họp đầu tiên này, Đức Giáo Hoàng đã lấy ra một bản sao bức thư mà ngài đã gửi cho Hitler, bày tỏ sự cảm kích trước những lời chúc tốt đẹp của quốc trưởng về việc ngài được bầu vào vị trí giáo hoàng. Ngài đọc to bức thư đó cho hoàng tử, sau đó đọc thư trả lời của Hitler. Khi kết thúc việc đọc, Đức Giáo Hoàng nói, “Tôi từng là người rất biết cân nhắc, và câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ rất tử tế. Nhưng tình thế từ đó đã trở nên xấu đi”. Để lấy thí dụ, ngài trích dẫn việc đóng cửa các trường học và chủng viện Công Giáo ở Đệ tam Đế chế, việc xuất bản các cuốn sách tấn Công Giáo hội và Đức Giáo Hoàng, và cắt giảm ngân quỹ nhà nước vốn sinh ích cho Giáo hội ở Áo. Ngài nói với hoàng tử rằng ngài mong muốn đạt được một thỏa thuận với Hitler và sẵn sàng thỏa hiệp trong chừng mực lương tâm cho phép, "nhưng để điều đó xảy ra, trước khi có bất cứ điều gì khác, phải có một đình chiến... Tôi chắc chắn rằng nếu hòa bình giữa Giáo hội và nhà nước được phục hồi, tất cả mọi người sẽ được hài lòng. Nhân dân Đức đoàn kết trong tình yêu Tổ quốc. Một khi chúng tôi có hòa bình, người Công Giáo sẽ trung thành, hơn bất cứ ai khác ”.

Von Hessen giải thích rằng những người theo chủ nghĩa Xã hội Quốc gia được chia thành các phe ủng hộ Giáo hội và chống Giáo hội “đối lập nhau một cách gay gắt.” Nếu các giáo sĩ Công Giáo đồng ý tự giới hạn mình trong các vấn đề của Giáo hội và đứng ngoài chính trị, thì phe ủng hộ Giáo hội có thể thắng thế.

Đức Giáo Hoàng trả lời rằng Giáo hội không quan tâm đến việc tham gia vào chính trị đảng phái. “Hãy nhìn vào nước Ý. Ở đây cũng có một chính phủ độc tài. Và Giáo hội có thể chăm lo việc giáo dục tôn giáo cho giới trẻ… Không ai ở đây chống Đức cả. Chúng tôi yêu nước Đức. Chúng tôi hài lòng nếu nước Đức vĩ đại và mạnh mẽ”.

Von Hessen hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có sẵn sàng đưa ra văn bản cam kết Giáo hội đứng ngoài chính trị hay không. Tránh né câu hỏi, Đức Piô XII trả lời rằng vấn đề là phải rõ ràng về ý nghĩa của chính trị. Chẳng hạn, không nên coi việc giáo dục tôn giáo cho giới trẻ là chính trị.

Sau đó, Von Hessen đưa ra một điểm nhức nhối khác trong mối quan hệ của Vatican với Đế chế, các phiên tòa được quảng bá nhiều xét xử “đạo đức” các linh mục người Đức. Hàng trăm người đã bị buộc tội về tội phạm tình dục, bao gồm cả lạm dụng trẻ em. Đức Giáo Hoàng nhận định, "Những sai sót như vậy xảy ra ở khắp mọi nơi. Một số vẫn còn bí mật, những số khác bị khai thác. Bất cứ khi nào chúng tôi được thông báo về những trường hợp như vậy, chúng tôi can thiệp ngay lập tức”.

Hiện nay, rõ ràng là Bộ Ngoại giao, khi đó dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Pacelli, đã thực sự có hành động ngay lập tức. Một tập trong hồ sơ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh từ năm trước có tựa là “Vienna: Lệnh đốt tất cả tài liệu văn khố liên quan đến các trường hợp vô luân của các tu sĩ và linh mục”. Cho đến nay, các nhà sử học đã bác bỏ phần lớn các cuộc điều tra của cảnh sát về hành vi lạm dụng tình dục của giáo sĩ ở Đức Quốc xã như bằng chứng về việc chống Công Giáo và kỳ thị người đồng tính của chế độ Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia. Nhưng có những lý do khiến Giáo hội rất dễ bị tổn thương bởi loại tống tiền kiểu này.

Trong suốt cuộc gặp đầu tiên này, von Hessen bày tỏ sự lo lắng của mình rằng lời nói trong cuộc họp này có thể bị rò rỉ. Đức Giáo Hoàng trấn an, “Không ai biết chúng ta đang có cuộc trò chuyện này. Ngay cả những cộng sự thân cận nhất của tôi cũng không hay biết việc này”.

Sau cuộc gặp gỡ, von Hessen đến Berlin để nói với Hitler những gì Đức Giáo Hoàng đã nói. Ba tuần sau đó, khi trở lại Rome, von Hessen một lần nữa chuyển một thông điệp tới Travaglini, ông này đã chuyển nó qua thư cho Đức Hồng Y Lauri, người, đến lượt, đã chuyển nó cho Đức Giáo Hoàng.

Thông điệp khởi đầu, Quốc trưởng “rất hài lòng với cuộc thảo luận bí mật mà Hoàng tử đã có với Đức Thánh Cha vào tối ngày 11 tháng 5 năm 1939… Sau cuộc gặp đó, nhiều cuộc trò chuyện đã diễn ra ở Berlin với Quốc trưởng và với [Hermann] Goering và [Joachim von] Ribbentrop ”- lần lượt là Thống tướng và bộ trưởng ngoại giao. Kết quả là:

a) Cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với von Hessen đã thay đổi thái độ của Ribbentrop đối với việc đạt được thỏa thuận giữa Đế chế và Vatican, điều mà trước đây ông ta phản đối nhưng giờ đây đã ủng hộ.

b) Kể từ ngày 25 tháng 5, báo chí Đức được lệnh chấm dứt các cuộc tấn công vào đạo Công Giáo và các linh mục Công Giáo ở Đức và trái lại, nói tốt về họ nếu có dịp tốt để làm như vậy.

c) Hitler kêu gọi các quan chức khu vực khác nhau gửi báo cáo về tình hình tôn giáo trong khu vực của họ, để có thể đàm phán với Vatican về các mối quan tâm của họ.

d) Quyết định cử Hoàng tử Philipp đến Rôma với thông điệp bày tỏ lòng kính trọng và những lời chúc tốt đẹp dành cho Đức Thánh Cha, kèm theo một số đề xuất cụ thể, nhằm bắt đầu các cuộc tiếp xúc chính thức qua các kênh ngoại giao tương ứng theo mong muốn.

Thông điệp của Von Hessen tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng được Hitler đặt vào việc duy trì các cuộc đàm phán mật. Như Hitler thấy, cho đến khi có thể đạt được một thỏa thuận với Đức Giáo Hoàng, sẽ chẳng có ích lợi gì nếu để lọt sáng kiến của ông ta.

Trong suốt mùa hè năm 1939, khi Hitler chuẩn bị xâm lược Ba Lan, ông ta tiếp tục sử dụng kênh bí mật của mình để lôi kéo Vatican với triển vọng đạt được một thỏa thuận. Vào đầu tháng Bảy, Đức Giáo Hoàng nhận được một báo cáo mới từ von Hessen thông qua Đức Hồng Y Lauri. Trong một cuộc họp vài ngày trước đó, von Hessen đã hỏi Hitler rằng liệu các đề xuất dành cho Đức Giáo Hoàng đã sẵn sàng chưa. Hoàng tử báo cáo rằng trong khi quốc trưởng “hiện có khuynh hướng hòa giải,” ông “xin được miễn thứ nếu, vì tình hình quốc tế cực kỳ nhạy cảm hiện tại, cho đến nay ông vẫn chưa thể nghiên cứu đầy đủ các vấn đề phức tạp hiện tại của Giáo Hội Công Giáo tại Đế chế để có thể mang đến cho Đức Thánh Cha các đề nghị cụ thể, với những tình cảm cực kỳ qúy mến và có thiện cảm.” Tuy nhiên, von Hessen vội nói thêm, Hitler tin chắc rằng có thể đạt được hòa bình tôn giáo hằng mong muốn, và ông hy vọng sẽ sớm trở lại Rome để gặp Đức Giáo Hoàng.

Cuộc họp bí mật tiếp theo của Von Hessen với Đức Piô XII diễn ra vào ngày 26 tháng 8, tại Castel Gandolfo. Bản tường trình chi tiết về cuộc gặp gỡ này dưới dạng một bản ghi bằng tiếng Đức được tìm thấy trong văn khố mới mở của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Cuộc gặp diễn ra chưa đầy một tuần trước khi Hitler đưa quân Đức vào Ba Lan, khơi mào cho Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hoàng tử Đức bắt đầu bằng cách nói với Đức Giáo Hoàng rằng Hitler muốn bảo đảm với ngài về “mong muốn nhiệt thành nhất” của ông là khôi phục hòa bình với Giáo hội. Von Hessen nói, Quốc trưởng không tin rằng bất cứ "vấn đề lớn" nào đã chia rẽ họ. Dường như không để ý đến mâu thuẫn rõ ràng, hoàng tử sau đó nói rằng Hitler nghĩ rằng "các vấn đề lớn nhất" cần được giải quyết, nếu đạt được thỏa thuận, là "câu hỏi về chủng tộc" - ở đây đề cập đến chiến dịch đàn áp và khủng bố của chế độ Đức Quốc xã nhắm vào người Do Thái - và những gì Hitler coi là giáo sĩ pha mình vào chính trị quốc nội của Đức. Von Hessen nói, Hitler tin rằng trở ngại đầu tiên trong các trở ngại này tức “vấn đề chủng tộc” có thể "tránh được", bằng cách tiếp tục chính sách giữ im lặng của tân giáo hoàng về vấn đề này. Khi đó, điều cần thiết là cái hiểu về vai trò thích hợp của các giáo sĩ Công Giáo Đức.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đầu tiên bày tỏ lòng biết ơn đối với Hitler vì lời chào nồng nhiệt của ông. Ngài nói, ngài cũng muốn thấy Giáo hội đạt được một thỏa thuận trong danh dự nhằm bảo đảm hòa bình tôn giáo trong Đế chế. Đối với những lo ngại của Hitler về hoạt động chính trị của các giáo sĩ Đức, không có lý do gì để lo lắng vì Giáo hội không có lý do gì để tham gia vào chính trị đảng phái. Trong các cuộc trò chuyện với von Hessen, Đức Giáo Hoàng không bao giờ nêu lên bất cứ lo ngại nào về chiến dịch chống người Do Thái của Đức Quốc xã.

Hoàng tử cho biết, Quốc trưởng tin rằng các cuộc đàm phán của họ có thể dẫn đến một tông hiệp [concordat] mới, đã được sửa đổi với Đức, một tông hiệp bao gồm cả Áo, hiện là một phần của Đế chế. Đức Giáo Hoàng nói: “Chúng tôi sẽ cổ vũ việc đạt được một nền hòa bình tôn giáo đáng kính một cách hết sức mạnh mẽ”. Von Hessen tiếp lời, một nền hòa bình như vậy, “thực sự là mong muốn sâu sắc của Quốc trưởng. Ông hy vọng sẽ được gặp Đức Thánh Cha khi ông trở lại Rome cho các mục đích chính thức.” Hoàng tử cho biết, đến nay, Hitler hy vọng đã cung cấp cho Đức Giáo Hoàng một loạt điểm để thúc đẩy các cuộc đàm phán. Không may, “vụ Nga xuất hiện,” khiến ông ta phân tâm khỏi vấn đề này.

Von Hessen không cần phải giải thích việc vừa nhắc. Hiệp ước bất bạo động Đức-Nga — một hiệp ước đem lại cho Hitler các bảo đảm ông vốn tìm kiếm để tiến hành cuộc xâm lược Ba Lan - đã được ký kết ba ngày trước đó tại Moscow. Nhưng hoàng tử Đức khẳng định, các cuộc đàm phán với Đức Giáo Hoàng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của quốc trưởng. Đồng thời, cả hai phía đều nhận ra rằng mọi sự phải tiếp tục được thực hiện trong bí mật nếu họ muốn ngăn chặn “sự can thiệp thù địch” của những kẻ háo hức ngăn cản bất cứ thỏa thuận nào giữa Đức Piô XII và Hitler. Đức Giáo Hoàng nói bằng tiếng Latinh "Secretum [Bí mật] vốn là điều thánh thiêng đối với chúng tôi."

Cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 24 tháng 10 năm 1939. Với cuộc chinh phục tàn bạo của mình đối với Ba Lan hiện đã hoàn thành, Hitler cho Đức Giáo Hoàng biết rằng ông đã sẵn sàng để nối lại các cuộc đàm phán bí mật của họ. Bản ghi âm cuộc trò chuyện bằng tiếng Đức giữa Đức Giáo Hoàng và Philipp von Hessen cho thấy rõ rằng, ngay cả sau cuộc xâm lược và bắt đầu cuộc chiến lớn hơn, Đức Giáo Hoàng vẫn mong muốn đạt được một sự hiểu biết với Hitler. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng muốn Hitler biết rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phụ thuộc vào việc thay đổi các chính sách của Đức từng gây hại cho Giáo hội.

Khi von Hessen ngồi xuống, Đức Giáo Hoàng hỏi tình hình của Hitler ra sao.

Hoàng tử trả lời, “Ngài rất tốt, mặc dù có những căng thẳng đáng kể,”. Thật không may, người Ba Lan đã tự chuốc lấy tai họa, sự ngoan cố không chịu nhìn nhận thất bại của họ đã để lại hậu quả bi thảm. Theo von Hessen, quyết định của chỉ huy quân đội Ba Lan là tiếp tục kháng chiến vô nghĩa, đã hy sinh nhiều sinh mạng một cách không cần thiết.

Nhưng, Đức Giáo Hoàng trả lời, ngay cả người Đức cũng phải công nhận sự dũng cảm của những người lính Ba Lan.

Bỏ qua nhận xét của Đức Giáo Hoàng, von Hessen nói, nhìn chung, Quốc trưởng rất hài lòng với tiến bộ quân sự và chính trị mà ông đã đạt được ở Ba Lan.

Đức Giáo Hoàng đã hỏi người dân Đức ra sao?

"Họ rất tốt. Thẻ suất ăn đã được đưa ra. Nhưng người dân rất lạc quan”. Đức Giáo Hoàng thừa nhận rằng giờ đây dường như đã có sự yên tĩnh về mặt quân sự. Đúng như vậy, hoàng tử đáp lại. Ông nói, có lẽ ông hy vọng quá mức, nhưng ông thấy những dấu hiệu cho thấy hòa bình có thể đang trở lại châu Âu.

Von Hessen lưu ý rằng, sau cuộc gặp trước đó với Đức Giáo Hoàng, ông đã trở lại Đức và thảo luận với quốc trưởng những gì Đức Giáo Hoàng đã nói với ông về tầm quan trọng của việc hiểu nhau. Hoàng tử nói “Quốc trưởng đã hoàn toàn đồng ý,” nhưng đáng tiếc sau đó ông bị phân tâm bởi nhiều vấn đề cấp bách khác mà ông phải giải quyết. Tuy nhiên, hoàng tử bảo đảm với Đức Giáo Hoàng, "ý định vẫn còn đó."

Đức Piô XII nói, thật không may, tin tức từ Đức không khuyến khích việc xích lại với Giáo hội. Ngay cả những người ưa thích một chế độ độc tài cũng lo ngại về cách các định chế tôn giáo bị đối xử.

Tại thời điểm này, Đức Giáo Hoàng quyết định đưa ra một lập luận mà ngài nghĩ có thể hấp dẫn Hitler. Những kẻ thù của Đức đang tận dụng rất nhiều cách đối xử tồi tệ của Đế chế đối với các Giáo Hội. Ám chỉ các áp lực buộc ngài phải lên tiếng chống lại các biện pháp chống Giáo hội của Hitler, Đức Giáo Hoàng nói thêm, tất cả những điều này đang khiến vị thế của chính ngài và của Vatican gặp khó khăn. Cuộc tấn công có hệ thống của người Đức vào Giáo Hội phải dừng lại. Nếu Hitler đưa ra một tín hiệu và tình hình được cải thiện, nó sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán hữu hiệu. Đức Giáo Hoàng nói, “Tôi hiểu các nhiệm vụ khác đòi hỏi năng lực của Quốc trưởng ngay bây giờ. Nhưng một tín hiệu như vậy, một lệnh "Dừng lại!" là điều khả hữu và quan trọng nhất. Đó là bởi vì, và không còn nghi ngờ gì nữa, các cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn. Một cách cố ý và có hệ thống.”

Hoàng tử gợi ý, có lẽ, tốt nhất có thể bắt đầu bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ ở Berlin, nơi quốc trưởng sống phần lớn thời gian của mình. Tại đó, sứ thần của Đức Giáo Hoàng có thể chủ trì các cuộc hội đàm. “Rất nhiều quốc gia đã tham gia với Đế chế,” Von Hessen nói thêm rằng rõ ràng cần có một tông hiệp mới với Vatican.

Đức Giáo Hoàng hỏi, hoàng tử có nghĩ đến việc thành lập một ủy ban để tổ chức những cuộc nói chuyện như vậy không?

Không, ông không được chỉ dẫn như vậy. Ông chỉ là suy nghĩ lớn tiếng như vậy thôi. “Nếu Đức Thánh Cha đồng ý trên nguyên tắc, thì—”

Đức Giáo Hoàng cắt ngang. Điều quan trọng để bất cứ cuộc đàm phán nào như vậy có kết quả là việc tạo ra một bầu không khí thuận lợi thông qua một tín hiệu từ quốc trưởng.

"Tôi sẵn lòng vận động điều này."

Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi luôn mong muốn hòa bình giữa Giáo hội và Nhà nước và tiếp tục làm như vậy”.

Khi Đức Piô đứng dậy để kết thúc cuộc gặp gỡ của họ, ngài nói với hoàng tử rằng ngài đánh giá cao chuyến thăm của ông rất nhiều và yêu cầu ông chuyển tới Hitler những lời chào nồng nhiệt.

Von Hessen trở lại Đức. Nghĩ rằng đã đến lúc các cuộc thảo luận chuyển sang bình diện tiếp theo, Hitler quyết định cử Ngoại trưởng von Ribbentrop đến gặp Đức Giáo Hoàng. Von Hessen trở lại Rome để thảo luận về những sắp xếp có thể có.

Theo con đường nay đã quen thuộc của họ, Travaglini ghi lại bằng văn bản của mình những gì von Hessen đã nói với Đức Hồng Y Lauri. Đức Hồng Y đã gửi nó cho Đức Piô ngày 2 tháng Giêng, 1940, với một lá thư đính kèm thúc giục Đức Giáo Hoàng nhanh chóng cho ngài biết cách trả lời. Một thông tri được đánh máy riêng biệt trên một tờ giấy thường, được tìm thấy cùng với bức thư của Đức Hồng Y trong văn khố của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho thấy Đức Giáo Hoàng đã đồng ý nhanh chóng ra sao với cuộc họp và cho nó hương vị bí mật như thế nào: “Ngày 3 tháng 1, 1940 (12:15 p.m.). Đức Hồng Y Ưu tú nhất Lauri thông báo với ta rằng ‘người đáng chú ý’ đã trở lại Rome vào sáng nay và được thông báo một cách thích hợp, sẽ đến vào tối nay vào thời gian đã thỏa thuận”.

Để chuẩn bị cho cuộc họp, Đức Piô XII đã vội vàng gom góp một tài liệu, bằng tiếng Đức, liệt kê năm yêu cầu đối với Hitler. Ngài đưa nó cho von Hessen khi hoàng tử xuất hiện vào buổi tối hôm đó tại Tông điện. Đức Giáo Hoàng viết lời tựa cho năm điểm của mình bằng cách bày tỏ sự vui mừng khi thấy “một số ấn phẩm tuyên truyền chống lại Giáo hội hoặc các tổ chức của Giáo hội [ở Đức] đã được thu hồi”. Tuy nhiên, các dấu hiệu khác kém khả quan hơn; các báo cáo về tuyên truyền chống giáo sĩ và chống Kitô giáo ở Đức liên tục xuất hiện. “Ta tiếp tục tri nhận rằng có những người trong Đảng — đặc biệt trong những giới tự coi mình là đại diện quan trọng nhất của nước Đức ngày nay, chẳng hạn như SS, SA, Mặt trận Lao động, Thanh niên Hitler, Liên đoàn Các cô gái Đức — những tổ chức tìm cách tách người Công Giáo về mặt tinh thần và nếu có thể, về mặt hữu hình khỏi Giáo hội của họ. Thí dụ: một người không thể thăng tiến trong SS mà không từ bỏ tư cách thành viên của mình trong Giáo hội. " Đức Giáo Hoàng đề nghị để “khử độc bầu không khí công cộng trước bất cứ cuộc đàm phán nào bắt đầu”, chính phủ Đức phải thực hiện một số biện pháp nhất định. Sau đó, ngài liệt kê năm bước:

1. Chấm dứt các cuộc tấn công chống lại Kitô giáo và Giáo Hội trên các ấn phẩm của Đảng và Nhà nước, đồng thời thu hồi các ấn phẩm đặc biệt xúc phạm trong quá khứ. Một số ấn phẩm tồi tệ nhất chống lại Giáo hội đã thực sự bị rút khỏi thị trường, nhưng không hề là tất cả…

2. Chấm dứt các tuyên truyền chống Kitô giáo và chống Giáo hội nhắm vào thanh thiếu niên, trong trường học và ngoài hai phạm vi này nữa…

3. Phục hồi giáo dục tôn giáo trong các trường học phù hợp với các nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo và do các giáo chức được Giáo hội chấp thuận, hầu hết là giáo sĩ Công Giáo, hướng dẫn.

4. Khôi phục quyền tự do của Giáo hội để tự bảo vệ công khai trước các cuộc tấn công công khai chống lại giáo lý của Giáo hội và các tổ chức của Giáo hội…

5. Chấm dứt việc chiếm giữ tạm thời thêm nữa tài sản của Giáo hội, dự kiến cho sự kiểm tra hỗ tương các biện pháp quá khứ.

Sáng hôm sau cuộc họp, von Hessen đã thông báo tóm tắt cho von Ribbentrop qua điện thoại. Khi trở về Đức không lâu sau đó, von Hessen cũng nói ngắn gọn với Hitler và đưa cho ông ta bản ghi nhớ năm điểm mà Đức Piô XII đã chuẩn bị. Được cử trở lại Rome vào đầu tháng sau để tiếp tục đàm phán, von Hessen cho vời Travaglini để truyền đạt một thông điệp mới cho Đức Giáo Hoàng. Sau khi Hitler đọc bản ghi nhớ của Đức Giáo Hoàng, ông ta đã thảo luận các bước tiếp theo với von Ribbentrop và đồng ý về nguyên tắc với các điều khoản của Đức Giáo Hoàng. Ông đã quyết định rằng cuộc gặp sắp tới của bộ trưởng ngoại giao của ông với Đức Giáo Hoàng là một cuộc họp chính thức và không được giữ bí mật. Nó nên được coi là một cuộc thảo luận về những điểm căng thẳng giữa Đế chế và Vatican.

Thật kỳ lạ, khi thông báo cho Đức Piô về cuộc gặp đã được lên kế hoạch với von Ribbentrop, von Hessen chuyển tải mong muốn của Hitler rằng Đức Giáo Hoàng nên nói tâng bốc với bộ trưởng ngoại giao của mình càng nhiều càng tốt: “Trong cuộc gặp mà von Ribbentrop sẽ có với Đức Thánh Cha — có lẽ là một cuộc gặp quyết định đối với mối quan hệ giữa Giáo hội và Đế chế - Quốc trưởng muốn Đức Thánh Cha dành nhiều lời ngọt ngào với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ngài, vì ông rất thích những cách diễn đạt như vậy, và vì von Ribbentrop là người thực thi các công việc giám sát trong tương lai thuộc lãnh vực này." Hoàng tử Đức cho biết Hitler “mong đợi rất nhiều ở cuộc hội kiến này.”

Mặc dù Đức Giáo Hoàng rất muốn có cuộc gặp với ngoại trưởng Quốc xã, quyết định của Hitler muốn cuộc gặp phải được tuyên truyền rộng rãi khiến ngài không an tâm. Kể từ khi quân Đức xâm lược Ba Lan vào tháng 9 trước đó, những lời khẩn khoản đầy đau khổ từ những người Ba Lan áp đảo theo Công Giáo đã đến Vatican, thúc giục Đức Giáo Hoàng tố cáo hành động xâm lược của Quốc xã. Sự kiện một số lượng lớn giáo sĩ Công Giáo Ba Lan là mục tiêu của quân xâm lược Đức khiến áp lực lên tiếng gần như không thể chịu đựng được. Nay, để Đức Giáo Hoàng được nhìn thấy trong một cuộc trò chuyện tập đoàn với von Ribbentrop nhất định sẽ gây ra những hậu quả không vui cho ngài.

Vào ngày 8 tháng 2, Đức Giáo Hoàng đã có một thư ngắn mới viết cho von Hessen: Tin tức mà chúng tôi nhận được cho đến đầu tháng này về tình hình của Giáo hội ở Đức không cho thấy việc khởi đầu một lắng dịu nào phù hợp với năm điểm đã đề cập.

Trong những hoàn cảnh này, Đức Thánh Cha tin rằng sẽ có lợi hơn nếu giữ bí mật cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ngài và Bộ trưởng Ngoại giao của Đế chế, để có được một cuộc thảo luận cởi mở mà không bị can thiệp về những… điểm cần thiết cho thỏa thuận.

Vào ngày 18 tháng 2, von Hessen trở lại Rome, nơi Travaglini đã đưa cho ông thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Trình thuật của Travaglini về cuộc đàm luận sau đó của ông với von Hessen, cuộc đàm luận mà Đức Piô XII đã nhận được qua Hồng Y Lauri, mô tả những lời dụ dỗ mới nhất của Hitler đối với Đức Giáo Hoàng. Quốc trưởng và von Ribbentrop đã “áp dụng một cách thận trọng và kín đáo năm điểm trong Công hàm của [Đức Giáo Hoàng].” Họ dự định hoàn thành nhiệm vụ đó và có khả năng làm nhiều hơn nữa để làm hài lòng Đức Giáo Hoàng sau chuyến thăm của von Ribbentrop. Để biến tất cả những điều này thành khả thi, các nhà lãnh đạo Quốc xã đã đồng ý rằng, mặc dù cuộc họp của ngoại trưởng có thể được coi là "riêng tư", nhưng nó phải được kèm theo tất cả các nghi lễ thích hợp cho một sự kiện quan trọng như vậy. Thông điệp của Von Hessen dành cho Đức Giáo Hoàng đã kết thúc một cách lạc quan: “Sau chuyến thăm và cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở của Đức Thánh Cha với von Ribbentrop, một kỷ nguyên an bình mới của đạo Công Giáo ở Đức có thể sẽ ló dạng.”

Vào sáng thứ Hai, ngày 11 tháng 3 năm 1940, von Ribbentrop và đoàn tùy tùng của ông đã được đón bằng bốn chiếc xe limousine màu đen treo cờ Vatican và Quốc xã. Họ lên đường đến Tông điện, đi vào Thành phố Vatican qua Cổng Sant’Anna. Bộ trưởng ngoại giao 46 tuổi - một “cựu nhân viên bán rượu sâm banh hết sức tự đắc, kiêu ngạo và hào hoa”, như nhà sử học Ian Kershaw đã mô tả về ông - đã trở thành một trong những người thân tín nhất của Quốc trưởng, mặc dù ông bị hầu hết các giới lãnh đạo cao nhất của Quốc xã khinh miệt. Tại Vatican, Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ sọc ca rô chào đón đoàn xe trước khi đoàn xe tiến vào Sân San Damaso.

Von Ribbentrop bước vào thư viện riêng của Đức Piô XII, với chiếc bàn lớn được chạm khắc đặt gần một bức tường. Bộ trưởng ngoại giao, người từ chối quỳ gối theo thông lệ khi đến gần Đức Piô XII, bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách chuyển lời chào của Hitler. Đáp lại, Đức Thánh Cha nói về những năm tháng của ngài ở Đức, điều được ngài nói có lẽ là hạnh phúc nhất đời ngài.

Von Ribbentrop cho biết ông hy vọng họ có thể nói chuyện thẳng thắn. Hitler tin rằng việc giải quyết những khác biệt của họ “là hoàn toàn có thể” nhưng trước hết phụ thuộc vào việc bảo đảm “các giáo sĩ Công Giáo ở Đức từ bỏ bất cứ loại hoạt động chính trị nào” - nghĩa là không đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào, rõ ràng hay ẩn ý về các chính sách của chính phủ. Tất nhiên, thời chiến không phải là thời điểm để ký kết bất cứ thỏa thuận chính thức mới nào, Bộ trưởng Đức nói, nhưng “theo ý kiến của Quốc trưởng, điều quan trọng trong lúc này là duy trì đình chiến hiện có [giữa Giáo hội và nhà nước] và, nếu có thể, mở rộng nó.” Von Ribbentrop cho biết Hitler đang thực hiện phần việc của mình trong việc mang lại sự cải tiến này. Ông đã dẹp bỏ hơn 7,000 cáo trạng chống các giáo sĩ Công Giáo, bị buộc đủ tội tài chính lẫn tình dục, và đang tiếp tục chính sách của chính phủ QuốcXã cung cấp một khoản trợ cấp tài chính lớn hàng năm cho Giáo Hội Công Giáo. Quả thực, Đức Giáo Hoàng phải biết ơn Hitler vì điều đó, von Ribbentrop gợi ý; nếu Giáo hội vẫn tồn tại ở Châu Âu, thì đó chỉ là nhờ Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia, đã loại bỏ được mối đe dọa từ những người Bônsêvích.

Ở đây, trình thuật của Đức và Vatican về cuộc đàm phán bắt đầu khác nhau. Theo phiên bản Đức, “Đức Giáo Hoàng đã thể hiện sự hiểu biết hoàn toàn về các tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao và thừa nhận không điều kiện rằng các sự kiện cụ thể đã được đề cập. Đúng là Đức Giáo Hoàng đã cố gắng xoay chuyển cuộc trò chuyện sang một số vấn đề và khiếu nại đặc biệt của Giáo triều, nhưng ngài không nhất quyết tiếp tục”.

Trình thuật của Đức Giáo Hoàng về cuộc đàm phán do Đức ông Domenico Tardini, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chuẩn bị, dựa trên những gì Đức Giáo Hoàng nói với ngài ngay sau khi von Ribbentrop rời khỏi. Chúng tôi cũng có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đàm phán nhờ một bản ghi nhớ dài bằng tiếng Đức được chuẩn bị trước cuộc họp như một hướng dẫn cho những gì Đức Piô XII định nói. Bản ghi nhớ, chỉ mới được công bố gần đây, đưa ra lời nhắc nhở về năm điểm mà Đức Giáo Hoàng đã gửi cho Hitler. Nó cũng bao gồm các vấn đề quan trọng khác mà Đức Giáo Hoàng hy vọng sẽ đưa ra. Danh sách khá dài: "Đã có trường hợp văn phòng của các viên chức cao cấp của Giáo hội, bao gồm cả giám mục, bị khám xét... bởi Gestapo." Những hành động như vậy đã vi phạm các điều khoản của hòa ước đã được đàm phán với chính phủ Đức ngay sau khi Hitler lên nắm quyền. Chúng phải dừng lại. Sau đó là vấn đề nhạy cảm về Ba Lan:

Tòa thánh có những quan ngại sâu xa nhất về tình hình hiện tại của Giáo hội ở Ba Lan, đặc biệt là vì những hạn chế cực đoan áp đặt đối với các giám mục và linh mục; những hạn chế đối với các hoạt động của Giáo hội, kể cả vào các Chúa nhật, ngăn cản các linh mục và các tín hữu thực hiện các hành vi tôn giáo cần thiết nhất; và việc đóng cửa nhiều dòng tu và trường tư thục Công Giáo.

Sau cuộc họp, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng von Ribbentrop đã gây ấn tượng cho ngài như một thanh niên khá mạnh mẽ, nhưng lại là một người ưa chửi rủa như một kẻ cuồng tín khi lên tiếng. Von Ribbentrop đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng hắn từng là một thương gia buôn rượu và ít quan tâm đến chính trị. Hắn nói, hắn tin Thiên Chúa, và sinh ra là một người theo Thệ phản, nhưng không thuộc giáo hội nào. Để đáp lại lời phàn nàn của von Ribbentrop rằng người tiền nhiệm của Đức Giáo Hoàng đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ chống lại nước Đức, Đức Piô chỉ ra rằng, ngược lại, trong thông điệp đầu tiên của chính ngài, được công bố vào tháng 10 trước đó, ngài đã cẩn thận để không xúc phạm người Đức, và trong diễn văn Giáng sinh tiếp theo đó, việc ngài đề cập đến nỗi đau khổ của một “dân tộc nhỏ bé” không có ý nói đến Ba Lan, như một số người đã nghĩ, mà nói đến Phần Lan, nơi mà người Nga gần đây đã tàn phá.

Von Ribbentrop cố gắng gây ấn tượng với Đức Giáo Hoàng bằng việc tin chắc người Đức sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trước khi kết thúc năm, một tuyên bố được hắn lặp đi lặp lại. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người băng giá cho đến khi gặp von Ribbentrop,” Giuseppe Bastianini, thứ trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại của Mussolini, đã nhận xét như thế, và bây giờ Đức Giáo Hoàng đang chứng kiến người Quốc xã hiếu chiến nổi tiếng trong hành động.

Hai tháng sau cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với von Ribbentrop, quân đội Đức bắt đầu cuộc hành quân thần tốc về phía tây, chiếm đóng Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp trong một thời gian ngắn đáng kinh ngạc, đồng thời đánh đuổi lực lượng viễn chinh Anh khỏi lục địa. Ba Lan đã bị chia cắt. Tuy nhiên, các cuộc gặp bí mật của Đức Giáo Hoàng với hoàng tử Quốc xã vẫn tiếp tục; cuộc họp cuối cùng diễn ra vào mùa xuân năm 1941. Cuối cùng, không có thỏa thuận chính thức nào đã diễn ra từ các cuộc họp này, và vì vậy theo nghĩa hẹp, chúng có thể được coi là một thất bại. Những gì các cuộc họp đã làm là chơi xỏ Đức Giáo Hoàng và giúp giữ ngài im lặng. Hitler không bao giờ có ý định khôi phục các đặc quyền của Giáo hội ở Đức, nhưng ông ta biết cách đưa ra nhiều lời dụ dỗ khác nhau.

Đức Piô XII và Adolf Hitler không có tình cảm với nhau. Tuy nhiên, mỗi người có lý do riêng để bắt đầu những cuộc nói chuyện này. Đức Giáo Hoàng đặt ưu tiên cao nhất trong việc đạt được thỏa thuận với chế độ Quốc xã nhằm chấm dứt cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo Rôma trong Đệ tam Đế chế và tại các vùng đất mà nó đã chinh phục. Về phần mình, Hitler nhìn thấy cơ hội để chấm dứt những lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng vốn đã trở thành kẻ gây khó chịu dưới thời vị giáo hoàng trước. Như Hoàng tử von Hessen đã nói với Đức Giáo Hoàng, Hitler chỉ thấy tiềm tàng hai trở ngại cho việc đạt được sự hiểu biết lẫn nhau: “vấn đề chủng tộc” và sự tham gia của các giáo sĩ Công Giáo vào nền chính trị Đức. Các linh mục và giám mục không được phép thốt ra bất cứ lời chỉ trích nào đối với các chính sách của Quốc xã.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Giáo Hoàng từng nêu ra chiến dịch của Đức Quốc xã chống lại người Do Thái ở châu Âu như một vấn đề. (Về vấn đề đó, Đức Giáo Hoàng cũng không phát biểu bất cứ sự phản đối nào đối với “luật chủng tộc” của chính Mussolini bao lâu chúng chỉ ảnh hưởng đến người Do Thái ở Ý.) Đối với mối quan tâm thứ hai của Hitler, Đức Giáo Hoàng liên tục phủ nhận rằng các giáo sĩ Công Giáo có liên quan đến lãnh vực chính trị. Nếu Đức Giáo Hoàng quả có cho rằng việc các giáo sĩ Công Giáo chỉ trích bất cứ chính sách nào của chế độ Quốc xã ngoài những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo hội là đúng đắn, thì ngài đã không nhấn mạnh vào vấn đề này.

Đức Piô XII có những ưu tiên khác. Với tư cách là người đứng đầu một tổ chức quốc tế lớn, mục tiêu quan trọng của ngài trong các cuộc đàm phán với sứ giả của Hitler là bảo vệ các nguồn lực định chế và đặc quyền của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Đệ tam Đế chế. Nếu mục tiêu duy nhất là bảo vệ phúc lợi của Giáo hội, thì những nỗ lực của ngài có thể được đánh giá là thành công. Nhưng đối với những người coi chức giáo hoàng là một vị trí lãnh đạo đạo đức lớn lao, những tiết lộ về các cuộc đàm phán bí mật của Đức Piô XII với Hitler hẳn là một sự thất vọng rõ rệt. Khi những năm chiến tranh kéo dài thêm, trong sự kinh hoàng của chúng, Đức Piô XII đã phải chịu áp lực rất lớn trong việc tố cáo chế độ của Hitler và nỗ lực tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu đang tiếp diễn. Ngài hẳn phải kháng cự cho đến cùng.