Theo Ký giả Anatolii Babynskyi của tạp chí The Pillar, trong khi người Công Giáo ở Hoa Kỳ tổ chức Lễ Phục sinh vào Chúa nhật tuần trước, thì các tín hữu Chính thống giáo và Công Giáo ở Ukraine mới bắt đầu Tam nhật thánh trước Chúa nhật Phục sinh vào ngày 24 tháng 4.



Lễ Phục sinh đến hai tháng sau khi lực lượng Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào lãnh thổ Ukraine.

Các nhà thờ theo truyền thống Byzantine suy niệm vào Thứ Năm Tuần Thánh 12 đoạn từ các sách Tin Mừng, trong đó mô tả sự thống khổ và cái chết của Chúa Kitô. Chúng được đọc to, hàng ngày, từ 5 giờ đến 9 giờ tối.

Trong những giờ phút thiêng liêng năm nay, người dân Ukraine trên khắp đất nước đã hai lần được lệnh phải tìm nơi trú ẩn trong các hầm tránh bom, khi các tín hiệu không kích phát ra âm thanh báo động.

Nhiều khả năng trong thời gian còn lại của Tam nhật Phục sinh, người Ukraine sẽ xuống hầm trú bom nhiều lần nữa.

Maksym Tymo, lĩnh xướng viên và nhà phụng vụ của Nhà thờ St. Sophia ở Lviv, đã viết trên trang Facebook của mình vào tối thứ Năm, “Trong buổi lễ đặc biệt dành riêng cho Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, nơi chúng ta đọc câu chuyện Tin Mừng về sự đau khổ của Người, lần thứ hai, toàn bộ Ukraine được bao phủ bởi báo động không kích”.

Ông viết thêm “Kẻ thù của chúng ta tiếp tục bày ra chủ nghĩa biểu tượng nham hiểm của họ”.

Ngay cả khi các Kitô hữu theo nghi lễ phương Đông, cả ở Ukraine lẫn ở Nga, đang tiến gần đến đỉnh điểm của Năm Giáo hội - lễ Phục sinh của Chúa Kitô - thì chiến tranh ở Ukraine vẫn không dừng lại. Ở phía đông, nó trở nên hung bạo hơn.

Nhưng khi Lễ Phục sinh đến gần, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; Đức Sviatoslav, vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine; Đức Thánh Cha Phanxicô; và Mục sư Ioan Sauca, quyền tổng thư ký của Hội đồng các Giáo hội Thế giới, đã kêu gọi ngừng bắn.

Về phần mình, Thượng phụ Kirill của Moscow vẫn giữ im lặng. Giới lãnh đạo chính trị Nga bác bỏ ý tưởng ngừng bắn trong Lễ Phục sinh.

Tuy nhiên, các buổi lễ theo kế hoạch vẫn không bị hủy bỏ ở hầu hết Ukraine, vì vậy người Công Giáo và Chính thống giáo Hy Lạp đang chuẩn bị tổ chức lễ Phục sinh, bất chấp hoàn cảnh.

Cha Ihor Shaban, một linh mục Công Giáo Ukraine theo nghi lễ Hy Lạp từ Boryspil gần Kyiv, nói với The Pillar rằng các giới hạn nghiêm ngặt đã được áp đặt đối với các cuộc tụ tập công khai ở một phần của vùng Kyiv, vì nguy cơ chiến tranh.

Thị trưởng của thành phố khuyến nghị rằng các nghi lễ Phục sinh không diễn ra - nhưng chúng vẫn được tổ chức, dù không ở quy mô như những năm trước.

Cha Shaban nói với The Pillar rằng hầu hết giáo dân của ngài đã rời đi và chưa trở lại, nhưng những người mới đã đến với giáo xứ.

Vị linh mục cho hay, “Ngay cả những tín hữu của Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow cũng đến. Tất cả mọi người đến đều bối rối; họ có nhiều vấn nạn. Và nếu không ai an ủi họ, họ sẽ đi đâu? Thật khó khăn; tôi đã chủ trì một số đám tang gần đây. Rất khó nói, vì những câu trả lời tầm thường không an ủi được người ta, vì vậy tôi phải nhạy cảm và tìm ra những chữ phù hợp”.

Một số linh mục nói với The Pillar, người Ukraine hiện rất hoang mang.

Thông thường ở Ukraine, tuần cuối cùng trước Lễ Phục sinh kết hợp nỗi buồn với niềm vui, vì chủ đề đau buồn được kết hợp với tiền vị của một phụng vụ Vượt qua đầy vui tươi.

Nhưng năm nay mọi sự đã ra khác.

Maksym Tymo nói với The Pillar rằng ông thấy bạc nhược về mặt tinh thần trong Mùa Chay.

“Tôi không thể hiểu luận lý học của các bản văn phụng vụ Byzantine nhằm hướng dẫn chúng ta trong Mùa Chay. Tất cả kịch tính của những bản văn này, mà tôi biết rất rõ và đã cố gắng giải thích cho mọi người trong nhiều năm, đều hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi không thể dìm mình vào trong chúng; Tôi không có một linh cảm sáng sủa nào mà tôi luôn vốn có trong giai đoạn này”.

“Nhưng đối với tôi, Phục sinh là một đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo. Nó ở phía trước, mặc dù tôi chưa nhìn thấy nó."

Tymo không phải là người Ukraine duy nhất có hy vọng khi Lễ Phục sinh đến gần.

Vào ngày thứ 58 của cuộc chiến, một số người Ukraine nói với The Pillar rằng họ có thể chứng thực rằng Thiên Chúa đã không tự thoái lui và kinh nghiệm bản thân của họ đã giúp họ suy nghĩ lại về đức tin của mình một cách sâu sắc hơn.

Sofia Kochmar-Tymoshenko nói với The Pillar rằng Tuần Thánh của cô bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, đêm mà Nga bắt đầu cuộc xâm lược đất nước của cô.

Là một nhà sản xuất địa phương cho BBC World News ở Ukraine, Sofia kể lại rằng các đồng nghiệp của cô đã cảnh báo cô vào tháng Hai rằng chiến tranh sẽ sớm bắt đầu, vì vậy cô đã đưa con gái ba tuổi của mình rời khỏi Kyiv trước, và cô dự định tiếp tục làm việc.

Nhưng khi vụ đánh bom bắt đầu, “chồng tôi đã ở Ba Lan vào cùng ngày. Anh ấy quyết định không quay trở lại, mà đợi xem chúng tôi có thể di tản hay không”.

Sofia cảm thấy đơn độc.

Cô nhớ lại, “Vào lúc đó,” – lúc đang ở trong vùng chiến sự, và chịu trách nhiệm về con gái của mình - “Tôi cảm thấy điều Chúa Giêsu hẳn đã cảm thấy khi tất cả các môn đệ bỏ chạy, và Người đi đến đồi Canvê một mình”

“Tôi ở lại Kyiv, mặc áo chống đạn và đội mũ an toàn, và qua đêm trong tầng hầm. Lúc ấy, tôi không hiểu sao chồng tôi lại làm như vậy đối với tôi ”.

“Nhưng đến một lúc nào đó, các đồng nghiệp của tôi nhận ra rằng tôi không thể làm việc hữu hiệu trong trạng thái đó và họ khuyên tôi nên đi ra nước ngoài với đứa con.”

Sofia cho biết cô không muốn trở thành người tị nạn và điều này không hề dễ dàng. Nhưng cô nghĩ về những chuyến hành hương mà cô đã thực hiện.

“Trải nghiệm của những chuyến hành hương đã giúp ích cho tôi bởi vì đôi khi không có nơi để nghỉ đêm, và bất cứ cách nào đó chúng tôi cũng phải dừng lại ở một nơi có thể. Nhưng Thiên Chúa đã gửi đến cho tôi những con người rất tốt ”.

Cuối cùng Sofia đã đến Ý, nơi cô có thể đoàn tụ với chồng mình. Nhưng có những điều cần giải quyết giữa họ.

“Khi chúng tôi ổn định một chút và tôi nhận ra rằng con tôi đã an toàn, tôi nhận ra rằng tôi phải làm điều gì đó với trái tim của mình. Và tôi đã yêu cầu được dự một buổi tĩnh tâm hàng tuần tại các cha Dòng Tên ở Genoa và ở đó cả tuần trong thinh lặng”.

“Trong những ngày đó, tôi nhận ra rằng có Thiên Chúa bên cạnh tôi, Đấng đã chết vì tôi.”

Cô cho hay, “Khi tôi rời khỏi nhà tĩnh tâm, tôi tự nhủ rằng tôi sẽ không làm gì cả, hãy để Chúa Giêsu hành động nếu điều đó quan trọng đối với Người. Và sau đó, chồng tôi và tôi đã nói chuyện trong hai ngày, và cuối cùng chúng tôi đã xây dựng lại ‘Giáo hội tại gia’ của mình”.

Sofia đã trở lại Kyiv, và nói rằng sẽ tiếp tục làm việc trong khi chồng và con của cô vẫn ở Ý.

Hiện cô đang thực hiện một câu chuyện về những người sống sót sau trận kinh hoàng ở Bucha. Cô nói với The Pillar: “Chuyện xảy ra đến mức tôi sẽ phải làm việc vào ngày lễ Phục sinh. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi không có mặt ở những buổi lễ này, nhưng tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ ở nơi tôi sẽ ở vào thời điểm đó”.

Buổi sáng khởi đầu Tuần Thánh ở Ukraine, nó bắt đầu với một cuộc tấn công bằng tên lửa ở Lviv.

Cha Yuriy Shchurko, trưởng khoa thần học của Đại học Công Giáo Ukraine, nói với tờ The Pillar rằng ngài chưa kịp xuống hầm trú bom cùng vợ con thì nhìn thấy một quả tên lửa bay trên bầu trời, và sau đó nghe thấy tiếng nổ.

Ngài nói, "Vào những khoảnh khắc như vậy, bạn cảm thấy tất cả thực chất là như thế nào. Đúng vậy, nó không rơi xuống sân nhà tôi. Nhưng nhiều người ở Ukraine ngày nay sống dưới những trận pháo kích liên tục, ngồi trong hầm và tiếng nổ liên tục vang lên trên đầu họ".

“Đây là nỗi kinh hoàng trên bờ vực thẳm của chủ nghĩa siêu thực. Tất cả điều này cho thấy cái ác không phải là một điều trừu tượng; nó là thực chất, kinh tởm và đáng sợ. "

Thật vậy, đối với các Kitô hữu ở Ukraine, những bản văn Kinh thánh về những đau khổ của Chúa Kitô - mà họ nghe hàng năm, và trong thời bình có thể bị coi là trừu tượng - năm nay cùng vang lên một cách trực tiếp với thực tại xung quanh họ.

Ngành vẽ ảnh tượng phương Đông về khổ nạn ít tính thực tiễn hơn nghệ thuật phương Tây; nó không chứa những hình ảnh về cơn hấp hối của Chúa Kitô và xác chết bị đâm nát của Người. Nhưng khi các tín hữu Ukraine suy niệm về các ảnh tượng này, họ cũng suy niệm tới những thước phim thực tế về những người đồng hương bị sát hại và bị giết trong bản tin hàng ngày.

Maksym Tymo nói với The Pillar: “Những ngày này, chúng tôi đang hát Thánh vịnh 87,” trong đó có những hạn từ như ‘Ngài đã đặt tôi xuống vực sâu, trong vùng tối tăm và sâu thẳm’, và ngay lập tức tôi nhớ rằng nhiều người của chúng tôi lúc này đang ở trong những đường hầm. Những người sống đang khổ sở vì không có thức ăn và thức uống, trốn tránh bom đạn”.

Cha Hieromonk Luka Mykhailovych ở Lviv, nói với The Pillar rằng ngài cũng thấy những điểm tương đồng giữa đau khổ của đất nước ngài và nỗi thống khổ của Chúa Giêsu Kitô.

Đối với Cha Mykhailovych, 12 đoạn văn được đọc theo phụng vụ về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô phản ảnh những gì đang xảy ra ở Ukraine.

“Chúa Giêsu đã trở thành nạn nhân của sự ác độc, lừa dối, phản bội, thờ ơ, báng bổ, thao túng chính trị của con người. Người bị kết tội khá bất hợp pháp. Và có nhiều người xung quanh chứng kiến cảnh tượng kinh khủng của việc vô luật lệ mà không nói gì”.

Vị linh mục nhận định, “Một điều gì đó tương tự đang xảy ra với đất nước của tôi ngày nay”.

Cha Shchurko cho biết trong Tuần Thánh này, ngài được nhắc nhở rằng “Chúa Kitô tiếp tục chịu đau khổ trong nhân loại, và đã phải chịu đựng hàng năm.”

“Trong khi trước đây chúng tôi từng có hòa bình ở đây ở Ukraine này, chúng tôi không nghe thấy nỗi đau khổ và tiếng than khóc ở châu Phi, ở Bắc Triều Tiên, hoặc ở các hệ thống độc tài khác. Nhiều người đã quen với việc xem Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô là chuyện xa vời về thời gian, và các nhà thuyết giảng đã phải tìm kiếm những điểm song hành trong lịch sử để giải thích chúng cho mọi người hiểu rõ hơn. ”

"Còn bây giờ chúng đã trở thành lịch sử của chúng tôi."

Cha Schurko điều hành “Sống bằng Lời Chúa”, một trang mạng trong đó ngài trình bày các suy nghĩ về các bài đọc hàng ngày của Giáo hội. Nhưng vị linh mục quyết định rằng năm nay trong Tuần Thánh, ngài sẽ không viết gì cả.

Ngài nói rằng Lời của Thiên Chúa tự nó đầy đủ rồi, đặc biệt là trong hoàn cảnh của Ukraine: "Bạn không nên làm lu mờ Tin Mừng bằng sự thiếu hiểu biết của mình, những lời nói không cần thiết sẽ gây tổn thương."

Cha Mykhailovych cũng nói với The Pillar về niềm hy vọng. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết của người Ukraine trong việc tìm kiếm tình liên đới trong những thời điểm khó khăn.

Vị linh mục cho hay, “Như Sách Giảng viên viết,‘Hai thì tốt hơn một’... nếu lòng đạo của chúng ta không mở ra những chân trời hy vọng, thì nó vô nghĩa. Các nhà xã hội học nói rằng hầu hết những người đến nhà thờ hữu thức hay không đều tìm kiếm cảm thức an toàn. Nhiều môi trường mà người Ukraine thuộc về không mang lại cảm thức như thế. Vì vậy, họ tìm kiếm một cộng đồng Giáo Hội, nơi được họ xem như là một môi trường của sự tin cậy”.

“Và niềm tin cậy sống động nuôi dưỡng hy vọng. Bạn hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang ở gần đây. Người không tự thoái lui. Người đang ngự xuống ngục tối sheol của Ukraine chúng tôi."