Bài xã luận của Andrea Tornielli về giáo huấn bất tái vũ trang của Đức Phanxicô đã nhận được một số phản bác hay đúng hơn một số góp ý không mấy thuận lợi.



Trước nhất là Tiến sĩ Jeff Mirus của Catholic Culture (https://www.catholicculture.org/commentary/military-preparedness-is-not-sin/). Dù nhìn nhận việc Tornielli phân biệt giữa quyền của Ukraine kháng cự cuộc gây hấn vũ trang và nhu cầu lớn hơn phải quay lưng khỏi cuộc chạy đua vũ trang từng tiêu phí những khoản tiền khổng lồ có thể chi tiêu hữu ích cho các gia đình, chăm sóc sức khỏe, việc làm, chống nghèo đói, nhưng Mirus cho rằng quan điểm của Tornielli ngây thơ và méo mó. Vì sự kiện này là các gia đình, chăm sóc sức khỏe, việc làm và nói chung phúc lợi vật chất ở Ukraine đang bị phá hủy bởi vì chính phủ Ukraine không tự đặt mình vào thế có thể gián chỉ cuộc xâm lăng của Nga.

Người ta có thể lập luận rằng sẽ là điều vừa hợp luân vừa khôn ngoan hơn khi Ukraine có một ngân sách quốc phòng lớn hơn. Người ta cũng có thể cho rằng việc ấy bất khả. Nhưng không ai lại lập luận cho rằng điều ấy bất hợp pháp. Sự kiện chính phủ Ukraine có tiếng tham nhũng càng củng cố quan điểm này.

Theo Mirus, hai việc phải đi song song với nhau: dành tiền dân đóng thuế cho các biện pháp cổ vũ sức khỏe và thịnh vượng, và lên ngân sách một số lượng ngân khoản thỏa đáng để phòng thủ chống lại cuộc tấn công từ ngoại quốc. Ông còn cho rằng có khi phải coi việc thứ hai ưu tiên hơn việc thứ nhất. Và ông cho rằng nếu số phận của Ukraine không minh xác điều đó, thì nó không minh xác được điều gì cả.

Mirus nhận định rằng chính Đức Phanxicô cũng lấn cấn khi lên tiếng về cuộc chiến tranh Nga Ukraine. Ngài nói tới nói lui giữa việc lên án mọi cuộc chiến tranh và việc thừa nhận quyền hợp luân của Ukraine tự bảo vệ mình. Âu đây cũng là may rủi nghề nghiệp của các vị giáo phẩm.

Phản bác thứ hai có thể là bài phỏng vấn của Robert Klesko với Tiến sĩ Matthew Minerd, giáo sư triết học và thần học luân lý tại Đại chủng viện Công Giáo theo nghi lễ Byzantine Hai Thánh Cyril và Methodius, đăng trên tờ National Catholic Register (https://www.ncregister.com/blog/matthew-minerd-ukraine-war). Tiến sĩ Minerd dựa vào thánh Augustinô, Thánh Tôma Aquinô (ST II-II, q. 40, a. 1) và sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (2309) để định nghĩa chiến tranh chính nghĩa và các điều kiện của nó, để đi đến kết luận: cuộc chiến tranh phòng vệ của Ukaine là chính nghĩa, cuộc chiến xâm lược của Nga không thể được coi là chính nghĩa.

Dĩ nhiên, Ukraine có mối liên hệ lâu dài và đa dạng với Nga, kể cả thời đế quốc lẫn thời Xô Viết. Nhưng cấu hình các quốc gia ngày nay rất rõ ràng: Ngày nay, Ukraine hiện hữu như một quốc gia tự chủ có chủ quyền. Không một điều kiện nào của chiến tranh chính nghĩa có thể được Nga trưng dẫn để biện minh cho các âm mưu sáp nhập một phần hay toàn bộ Ukraine vào Nga bằng vũ lực chiến tranh.

Cả trong cách đọc sai lầm mà với nó dường như Vladimir Putin muốn vang vọng lại các yêu sách của Đế quốc Nga trong các cuộc tranh luận thế kỷ 19 quanh chủ nghĩa quốc gia toàn-Slav (pan-slavic nationalism). Theo ông ta, bản sắc quốc gia và văn hóa Nga dính liền với bản sắc ấy của Đông Âu Slav, mà theo ông, nó đang bị chủ nghĩa duy đô thị cấp tiến của Phương Tây nuốt chửng.

Sự nuốt chửng ấy, theo Putin, thấy rõ trong mưu đồ bành trướng của NATO. Nhưng việc Đức hợp tác với Nga trong việc xây dựng dự án dầu khí đâu có thể coi như một âm mưu nuốt chửng Nga?

Tiến sĩ Minerd cho rằng thật bất hạnh khi một số Kitô hữu Hoa Kỳ tin theo luận điệu của Putin, coi Moscow như một xã hội Kitô giáo thẳng đứng chống lại các làn sóng hiện đại xâm hại như axít. Thực ra vẻ bề ngoài của tính chính thống bảo thủ ở Nga không sâu sắc gì về phương diện văn hóa như một số bình luận gia vẫn nghĩ. Thật xấu hổ khi những người như Tổng Giám Mục Viganò coi Moscow như “Rome thứ ba” (kiểu nói sặc mùi Đế Quốc Nga và rất ưa dùng của Tòa Thượng Phụ Moscow).

Đối với Minerd, khi công khai ủng hộ cuốc chiến tranh bất chính chống lại Ukraine của Nga, Tòa Thượng Phụ Moscow xứng đáng để thế giới Công Giáo và Chính Thống lên án.

Về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại cuộc xâm lăng bất chính của Nga, Tiến sĩ Minerd cho rằng trong cộng đồng quốc tế, có nhiều mức độ liên kết và trợ giúp được phép về phương diện luân lý, và trong một số trường hợp còn rõ ràng bắt buộc nữa. Tuy nhiên, các quốc gia phải quyết định phải làm như thế ra sao mà không leo thang gây hấn một cách nguy hại, nhưng đúng hơn phải như một phương tiện tiến tới hòa bình. Về phương diện này, người ta thấy rõ sự thận trọng và tự chế của Phương Tây trong việc cung cấp vũ trang cho Ukraine.