Ivan F. Ingraham là một sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu. Ông phục vụ 24 năm trong tư cách Sĩ quan Hành quân Đặc biệt hầu khắp thế giới tại các vùng tranh chấp ở 3 lục địa. Theo ông, người ta có thể gọi tình huống của quân đội Nga tại Ukraine hiện nay là một bước tiến bị khựng lại (nguyên văn bài viết của ông có thể đọc tại https://taskandpurpose.com/analysis/russia-invasion-ukraine-strategic-failures/).



Tôi đã phục vụ 24 năm với tư cách là Sĩ quan Hành quân Đặc biệt trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Bài viết này dựa trên nghiên cứu thực tế và quan điểm của riêng tôi sau khi thực hiện các phái bộ Hành quân Đặc biệt trên khắp thế giới, bao gồm các nghiên cứu chi tiết về những kẻ thù tiềm tàng.

Vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh quân đội nước ông tấn công Ukraine, huênh hoang cho là để giải cứu nó khỏi những kẻ xâm lược phương Tây. Cuộc xâm lược không chỉ là về chính trị và tái thiết kế các nước thuộc Liên Xô cũ để một lần nữa vẽ lại các biên giới châu Âu. Ukraine rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên và Nga muốn kiểm soát những tài nguyên này cùng với việc có thể sử dụng chúng. Đó là một động thái kinh tế cũng như chính trị thông qua các phương tiện quân sự.

Nga không gây chiến một cách thanh lịch. Quân đội của họ rất nặng nề và nặng tay với sự hỗ trợ và nhấn mạnh đặt vào đơn vị đạt được tiến bộ tốt nhất. Hai tuần sau khi xâm lược, cuộc chiến của Nga cho đến nay có thể coi là một tiến bộ bị đình trệ; chứng tỏ thiếu hậu cần; một bước tiến gãy khúc; và sự kháng cự mạnh mẽ của người Ukraine.

Bài viết này cung cấp phân tích về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine thông qua ba Nhân tố Chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ (thời gian, không gian và lực lượng); và sáu Chức năng Chiến đấu (chỉ huy và kiểm soát; tình báo; hỗ trợ hỏa lực; di chuyển và cơ động; duy trì; và bảo vệ lực lượng).

Nhân tố: Thời gian

Nga mong đợi một cuộc giao tranh nhanh chóng, sau đó là sự đầu hàng nhanh chóng của chính phủ Ukraine vì họ vốn nổi tiếng là kẻ bắt nạt châu Âu. Danh tiếng không chiến thắng các cuộc chiến. Chiến đấu hết mình, nhanh chóng và để giành chiến thắng mới thắng. Nga đã phớt lờ điều này và dùng đến các cuộc tấn công vào thường dân nhằm phá vỡ quyết tâm của dân tộc Ukraine. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự phẫn nộ về phía những người bị chiếm đóng nếu Nga chinh phục được Ukraine. Một chu kỳ trả đũa có thể diễn ra với những hậu quả kinh hoàng như đã chứng kiến trong cuộc nội chiến Nam Tư đầu những năm 1990.

Nhân tố: Không gian

Ukraine có diện tích bằng Texas, giáp với Nga ở phía đông và với Belarus, thân Putin và là chư hầu của Nga, ở phía bắc. Ukraine lẽ ra đã bị chiếm đóng chỉ trong vài ngày với một cuộc tấn công hỗ trợ lẫn nhau và từ nhiều phía, từ trên không, trên biển và trên bộ nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Ukraine. Điều này đã không xảy ra.

Nga đã không thiết lập ưu thế đổ bộ thông qua bộ chỉ huy SLOC (đường giao thông trên biển) bằng cách thống trị Biển Đen và eo biển Bosporus. Nga phải sở hữu được phương tiện đổ bộ vào Ukraine. Họ cũng không có ưu thế trên không do lực lượng Ukraine kiên cường bảo vệ không phận của mình.

Nhân tố: Lực lượng

Có những điểm tương đồng với cuộc xâm lược Afghanistan năm 1979 của Nga. Giống như sự thất bại quân sự đó, Nga đã tiếp cận cuộc chiến với Ukraine với quá ít loại quân phù hợp và đang dựa vào những loại quân sai lầm mà không có một chiến lược chặt chẽ. Nga xâm lược Afghanistan để củng cố biên giới trong bối cảnh bất ổn ở Iran. Họ vào đây với các đội hình binh lính cơ giới và đã sử dụng các Lực lượng Dù và Hành quân Đặc biệt đến mức tối đa.

Nhưng họ lại không sử dụng Lực lượng Hành quân Đặc biệt để tạo ra sự tàn phá ở các khu vực phía sau và phá vỡ các nút chỉ huy và kiểm soát chính. Điều này cho phép các lực lượng Ukraine tiếp tục với bộ máy chỉ huy và kiểm soát của riêng họ để phát huy tác dụng tốt.

Trước bất cứ hành động nào, Nga cũng đã không tiến hành chiến tranh mạng hữu hiệu, cũng như trên diện rộng chống lại cấu trúc thông tin liên lạc của Ukraine, đặc biệt là mạng internet, radar và mạng cảnh báo sớm.

Chức năng: Chỉ huy và Kiểm soát

Lãnh đạo là vấn đề của cả hai bên. Vladimir Putin ngày càng xa rời các cố vấn và tướng lĩnh của mình. Ngược lại, Tổng thống Zelensky đã nổi tiếng là một nhà lãnh đạo làm việc không mệt mỏi để duy trì sự đoàn kết yêu nước của người Ukraine bằng cách lãnh đạo tại tuyến đầu. Ông thường xuyên nói với những người đồng hương của mình một cách mạnh mẽ và quyết tâm. Mặc dù chiến đấu trong một chiến dịch khó khăn, ông không chịu dao động khi đối đầu với nghịch cảnh.

Các đơn vị Ukraine được trao quyền hoạt động ở mức thấp nhất để giao chiến với lực lượng Nga. Sự phân quyền đó cho phép người Ukraine có những hành động nhanh chóng để ngăn chặn những bước tiến của Nga. Kiểu chỉ huy và kiểm soát nặng ở phía trên, vốn là đặc trưng của quân đội Nga, đã cản trở việc ra quyết định của họ ở những cấp thấp nhất, nơi lãnh đạo các đơn vị nhỏ là điều tối quan trọng.

Chức năng: Tình báo

Nga dường như không đưa ra bằng chứng về việc tiến hành các ước tính tình báo sâu sắc về đối phương hoặc bất cứ hoạt động chuẩn bị nào về môi trường hoặc không gian chiến đấu. Nếu có, thì sự tập chú của họ dường như tập trung vào các địa điểm có lực lượng nhỏ khác nhau và không làm suy giảm đáng kể khả năng xây dựng một lực lượng kháng chiến đầy tinh thần của Ukraine.

Chức năng: Di chuyển và Cơ động

Những quan niệm của người Westphalia về việc chiếm giữ các thành phố thủ đô để hạ bệ một quốc gia là lạc hậu. Các thành phố ở Ukraine không quan trọng bằng cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp và duy trì hoạt động của chúng. Một chiến dịch cô lập và vượt qua những cơn ác mộng chiến đấu ngoại ô này sẽ cho phép người Nga bỏ đói đối thủ của họ và giảm các cuộc xâm nhập tốn kém trong môi trường đô thị, một điều người Nga đã thất bại, không học được ở Chechnya. Hiện tại, các bước tiến của Nga trên khắp Ukraine không liên kết cũng như không hỗ trợ lẫn nhau khi họ tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao. Sự kháng cự của người Ukraine trước sức mạnh của Nga rất có ấn tượng.

Chức năng: Duy trì

Nhiều đơn vị của Nga đang thiếu nhiên liệu và đạn dược. Một đoàn xe dài bốn mươi dặm trên những con đường một làn xe là một giấc mơ tấn công vũ trang có kết hợp. Tôi chỉ có thể tưởng tượng một đoàn xe lê thê như thế thật dễ để pháo binh hay không quân tiêu diệt.

Chức năng: Bảo vệ lực lượng

Vì lực lượng của Nga trải dài trên một khu vực rộng lớn, nên việc bảo vệ lực lượng cũng trở nên khó khăn. Họ đã đánh giá thấp các tuyến đường tiếp tế của họ sẽ phải dài đến đâu và sẽ mất bao lâu để duy trì các đơn vị của họ tiếp tục chiến đấu.

Chức năng: Hỗ trợ hỏa lực

Nga có nhiều vũ khí nặng hơn mà nước này có thể mang theo, nhưng liệu có phải vậy không? Rất có thể. Quân đội Nga, dưới thời Putin, không có vấn đề gì với việc nhắm vào thường dân và trước đây đã từng sử dụng vũ khí hóa học để chống lại các mục tiêu dân sự, bao gồm người Kurd ở Syria, người Afghanistan và các phiến quân Syria khác. Một thí dụ nổi bật là việc sử dụng khí Clorine chống lại quân nổi dậy Syria ở Umm Hawsh vào tháng 9 năm 2016, cũng như những người Afghanistan, để chống lại họ, Nga đã sử dụng khí mù tạt và xyanua trong thệp niên 1980 với những hiệu quả đáng ngờ.

Cho đến nay, phần lớn hỗ trợ hỏa lực của Nga được tiến hành dưới dạng hỏa tiễn và bom không vận, thường là một cách bừa bãi. Điều này có thể nhanh chóng thay đổi dựa trên tính chất linh hoạt của cuộc chiến và phản ứng của Putin đối với các lệnh trừng phạt của thế giới chống lại Nga.

Tình hình hôm nay

Thế giới đã thay đổi do hậu quả của cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Các cường quốc phương Tây đang làm tất cả những gì có thể, trừ việc can thiệp quân sự, để hỗ trợ chính phủ Ukraine và khiến Nga gần như không thể phát triển như một quốc gia.

Tuy nhiên, trong khi các biện pháp trừng phạt kinh tế và liên mạng có thể được đưa ra ngay lập tức, nó vẫn có thể quá ít, quá muộn. Các biện pháp trừng phạt cần có thời gian - Iran đã bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ trong 50 năm. Triều Tiên vẫn không hề nao núng trước các lệnh trừng phạt do quốc tế áp đặt. Cuba và Fidel Castro tồn tại lâu hơn tám chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ. Người bình thường ở những quốc gia này không thấy có gì khác biệt. Người nghèo vẫn nghèo và người giàu vẫn như vậy, hoặc thậm chí họ còn giàu hơn. Người dân Nga sẽ không phải chịu đựng quá nhiều.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Ba Lan sẽ mở rộng khi họ chấp nhận những người dân Ukraine chạy trốn. Khó có quốc gia nào có thể chịu đựng được gần 2 triệu người một cách hợp lý mà không có sự hỗ trợ. Hoa Kỳ đang dẫn đầu những nỗ lực này thông qua USAID và các tổ chức hỗ trợ nhân đạo khác. Cuộc khủng hoảng đang nổi lên này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm của Ba Lan muốn chiến tranh kết thúc nhanh chóng. Về cơ bản, Nga chỉ đang gieo mầm cho những người nổi dậy thêm theo ngày tháng trôi qua.

Ngay cả khi cuộc xâm lược của Nga thành công, họ sẽ tạo ra một môi trường chín muồi cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm bởi các thực thể bên ngoài, và sau đó họ sẽ phải đối phó với một cuộc nổi dậy chắc chắn sẽ được sự hỗ trợ của phương Tây. Tôi sẽ không suy đoán chính xác điều đó sẽ xảy ra như thế nào, nhưng người Nga rất tệ trong việc chống nổi dậy, được chứng minh bằng màn trình diễn của họ ở Afghanistan, dẫn đến việc họ phải rút quân vào năm 1989 sau một thập niên cố gắng khuất phục đất nước đó.

Đây cũng là khúc rẽ quan trọng đối với NATO. Từ việc Đức tăng chi tiêu quốc phòng, cho đến các quốc gia mới tìm cách gia nhập trong tương lai, châu Âu cuối cùng có thể coi trọng việc chi tiêu quốc phòng như Mỹ đã làm, và các quốc gia khác như Moldova dự đoán một cuộc xâm lược khác của Nga vào một quốc gia có chủ quyền.

Còn bây giờ, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Putin là người có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Các nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại Putin phải được tính toán kỹ lưỡng.