1. Đức Cha Franz-Josef Overbeck miền bắc Đức báo động về khủng hoảng

Đức Cha Franz-Josef Overbeck, Giám mục giáo phận Essen ở miền bắc Đức, vừa lên báo động về tình trạng khủng hoảng tại Giáo hội địa phương và nói rằng tình trạng thiếu linh mục gây nguy hiểm cho cơ cấu bí tích của Giáo hội, và vì thế cần phải có những thay đổi nền tảng.

Giáo phận Essen có 770,000 tín hữu Công Giáo, 42 giáo xứ với khoảng 400 linh mục triều và dòng, và 12 chủng sinh.

Trong thư mục vụ tựa đề “Lời cho năm mới 2022”, được đọc trong tất cả các thánh lễ cuối tuần, các ngày 15 và 16 tháng Giêng vừa qua, Đức Cha Ovebeck cho rằng Giáo hội đang bị một cuộc khủng hoảng sinh tồn, nhất là do hậu quả của tai tiếng lạm dụng tính dục. “Không thể chối cãi rằng thảm họa kinh khủng này đã xảy ra trong Giáo hội trên thế giới, kêu gọi phải thay đổi tận căn... Thật là điều không hữu ích nếu chỉ đáp lại cuộc khủng hoảng trên đây bằng những phản ứng tự vệ hoặc cáo buộc những người mong ước thay đổi là có ác ý”.

Theo Đức Cha Overbeck, người ta thấy rõ cuộc khủng hoảng đó khi nhìn những nhà thờ bị bỏ hoang và số linh mục giảm sút. “Nếu tình trạng này tiếp tục, thì cơ cấu bí tích trong Giáo hội chúng ta sẽ bị sụp đổ và nó đang đe dọa rồi. Giáo phận Essen đang chuẩn bị trở thành một Giáo hội thật nhỏ bé.”

Đức Giám Mục giáo phận Essen nhìn nhận rằng cuộc khủng hoảng của Giáo hội cũng do cuộc khủng hoảng tôn giáo ngày nay. Nhiều người không còn đón nhận những cống hiến về linh đạo, thần học, phụng vụ và mục vụ nữa. “Trong lãnh vực Giáo hội của chúng ta nhiều điều đang hoặc đã trở nên khô cằn. Mặc dù số người tìm kiếm về tinh thần, linh đạo, đang gia tăng nhưng họ thường nhìn ra ngoài Giáo hội. Vì thế chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng, phải đưa ra những quyết định về linh đạo cũng như cơ cấu, để tiến tới một sự phục hồi thực sự Giáo hội của chúng ta”.

Đức Cha Overbeck nhắc nhở, cho dù những tàn phá và mất mát đau thương thế nào đi nữa, lời hứa của Thiên Chúa ở với Giáo hội vẫn tiến hành với anh chị em trên mọi nẻo đường. Với lời hứa ấy, sự sợ hãi của chúng ta đó thể được giảm bớt và sự can đảm cùng nhau cống hiến một cái gì đó gia tăng. “Vì thế, chúng ta không được rơi vào thái độ cam chịu, nhưng có thể can đảm và với tinh thần sáng tạo, tìm kiếm và thử những điều mới, vượt ra ngoài tầm mức của Giáo hội chúng ta, trong tình liên đới đại kết và liên tôn”.

Các vị Giám Mục ở Đức hô hào Tiến Trình Công Nghị thường viện dẫn tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến của họ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Chắc chắn rồi. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.
Source:Vatican News

2. Đại dịch coronavirus khiến nhiều ngôi thánh đường phải bán đi vì không có ngân sách

Ngôi nhà thờ của Hội Thánh Giám Lý ở Biltmore, Asheville, North Carolina, đang được rao bán.

Vốn đã bị hạn chế về tài chính vì số lượng thành viên bị thu hẹp và một trường mầm non đang gặp khó khăn, cộng đoàn Giám Lý ở Biltmore đã bị giáng một đòn nặng nề bởi coronavirus. Số người tham dự giảm mạnh, với nhiều người ở nhà hoặc chuyển sang các nhà thờ khác vẫn mở cửa suốt thời gian đó. Doanh thu trước đây của nhà thờ từ việc cho thuê không gian để tổ chức các sự kiện và hội họp cũng không còn nữa.

Mục sư Lucy Robbins của nhà thờ này cho biết: “Chi phí bảo trì của chúng tôi quá cao. Và chúng tôi không có đủ nguồn lực tài chính mà chúng tôi từng có để có thể thực hiện các công việc mục vụ mà chúng tôi muốn.”

Biltmore chỉ là một trong vô số các nhà thờ trên khắp đất nước đã phải vật lộn để duy trì tài chính và phục vụ đàn chiên của họ trong thời kỳ đại dịch, mặc dù những người khác đã xoay sở để vượt qua cơn bão, thường là với sự giúp đỡ từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương của chính phủ liên bang, hoặc PPP, dưới thời Tổng thống Trump; và các mức đóng góp bền vững của thành viên.

Coronavirus tấn công vào thời điểm mà ngày càng ít người Mỹ đi lễ - với ít nhất một nửa trong số gần 15,300 nhà thờ được khảo sát trong một báo cáo năm 2020 của Faith Communities Today báo cáo số người tham dự hàng tuần là 65 người hoặc ít hơn - và làm trầm trọng thêm vấn đề tại các nhà thờ nhỏ hơn.
Source:AP

3. Một vị Hồng Y đang được vận động để trở thành Giáo Hoàng kế vị Đức Thánh Cha Phanxicô

Ý vừa tổ chức quốc tang cho David Sassoli, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, người đột ngột qua đời vì bệnh Legionnaire vào ngày 11 tháng Giêng. Thánh lễ đã được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Đức Maria của Các Thiên Thần ở Rôma với sự tham dự của Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Thủ tướng Mario Draghi, Chủ tịch Âu Châu Ursula von der Leyen, và hầu như toàn bộ cơ cấu quyền lực của lục địa này.

Đối với một dịp trọng đại như vậy, người ta có thể mong đợi Thánh lễ an táng sẽ được cử hành bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, là Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, hoặc có lẽ là Đại diện của Đức Giáo Hoàng tại giáo phận Rôma, là Đức Hồng Y Angelo De Donatis, hoặc thậm chí là Quốc vụ khanh của Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin.

Nhưng thay vào đó, vị chủ tế chính là Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna. Thực tế, Bologna cũng không phải là quê hương thực sự của Sassoli, vì ông sinh ra ở Florence, Tuscan năm 1956.

Chính vì thế, các phương tiện truyền thông tại Ý cho rằng đây là một cách để đánh bóng cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi người được tin là sẽ trở thành chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, gọi tắt là CEI, trước khi trở thành Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhị.

Trong sự kiện cầu nguyện cho hòa bình tại hí trường Rôma Côlôsêô vào ngày 8 tháng 10 vừa qua, với hàng loạt tên tuổi lớn, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Đức Hồng Y Zuppi là vị Hồng Y duy nhất được mời tham gia sự kiện này, và phát biểu về chủ đề “Chăm sóc Ngôi nhà Chung của chúng ta” cùng với Jeffrey Sachs, thành viên phò kiểm soát dân số của Học viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội.

Sandro Magister, người Ý, ký giả kỳ cựu về Vatican, cho biết Đức Hồng Y Zuppi đang nổi lên như vũ bão để trở thành ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu.

Theo John Allen của tờ Crux, việc Đức Hồng Y Zuppi là vị chủ tế chính trong đám tang Sassoli có thể là do tình bạn trọn đời giữa ngài và Sassoli. Và chính tình bạn này cũng là một cơ hội để Đức Hồng Y Zuppi lên nhanh như vũ bão.

Theo truyền thống, trong tiếng Ý, Bologna được biết đến với cái tên “Bologna rossa, dotta e grassa”, nghĩa là “đỏ, uyên bác và béo”. Đó là một sự tôn kính đối với kiến trúc gạch đỏ của thành phố, trường đại học nổi tiếng và ẩm thực nổi tiếng của thành phố. Tuy nhiên, “Bologna rossa” cũng được gọi rất nhiều như một tham chiếu đến nền chính trị của thành phố, vì nó từ lâu đã trở thành điểm tựa cho năng lượng cấp tiến của Ý.

Nhà lãnh đạo tương lai của Âu Châu và vị Hồng Y tương lai đã trở thành bạn bè cách đây nhiều thập kỷ, khi họ học cùng trường trung học “Liceo Virgilio” trên Via Giulia của thành phố Rôma, nơi cũng có sự tham gia của Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Thánh Egidio mà sau này Đức Hồng Y Zuppi cũng tham gia.

Sassoli từng nói về người bạn cũ Zuppi của mình, “Anh ấy lớn hơn tôi một tuổi, và nổi tiếng vì anh ấy ở trong một nhóm làm việc ở các vùng ngoại vi của thành phố với những người nghèo. [Nhóm làm việc được đề cập đến là cộng đồng Thánh Egidio mới ra đời.] Anh ấy gầy, thực sự gầy, với một chiếc túi da cũ trên vai, và một chiếc áo len dày màu đỏ tía thay vì một chiếc áo khoác… Anh ấy là đứa trẻ có nụ cười. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh mà không có một nụ cười. Ngay cả về thể chất, anh ấy cũng cho thấy niềm vui thực sự khi gặp gỡ mọi người”.

Mặc dù, Đức Hồng Y Zuppi và Riccardi đều là người Rôma và Sassoli là người Tuscan, cả ba đều lớn lên dưới cái bóng của Bologna vì đây là trung tâm của dòng văn hóa và tri thức Công Giáo Ý gắn liền với cố Hồng Y Giacomo Lercaro, người đã lãnh đạo thành phố trong thời kỳ những năm của Công đồng Vatican II vào giữa những năm 1960 và được liên kết với một nhánh Công Giáo chủ trương công bằng xã hội theo định hướng trung tả, và cải cách.

Sau Công đồng Vatican II, Bologna cũng trở thành quê hương của “Trường phái Bologna”, một hệ thống giải thích về Công Đồng trong đó nhấn mạnh “tinh thần” của Công Đồng, coi những nhà cải cách tiến bộ là anh hùng và thiểu số bảo thủ tại Công Đồng là kẻ thù của sự tiến bộ. Các kiến trúc sư của nó là những nhân vật như Giuseppe Dossetti, một linh mục và chính trị gia, và Giuseppe Alberigo, một nhà nghiên cứu giáo sử, cùng với người bảo trợ của Alberigo, nhà sử học và phê bình Alberto Melloni.

Đây là không khí mà các thanh niên Sassoli và Zuppi đã hít thở. Cả hai đều trở thành du khách thường xuyên đến Bologna; trên thực tế, chuyến thăm cuối cùng của Sassoli đến thành phố là vào tháng 9, cho một sự kiện có tên là “G20 của Đức Tin” do Melloni tổ chức và có sự tham dự của Đức Hồng Y Zuppi.

Sassoli ban đầu mang tầm nhìn trung tả, tiến bộ và nhân đạo của trường phái Bologna vào sự nghiệp báo chí của mình, đó là cách ông trở nên nổi tiếng ở Ý, và sau đó tham gia vào chính trị. Linh mục Zuppi cũng đi theo quỹ đạo tương tự trong đời sống giáo hội, trở nên tích cực trong Cộng đồng Thánh Egidio.

Trong những năm dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, nhiều người coi trường phái Bologna về cơ bản là đã chết, bị vượt qua bởi những luồng gió mới thổi dưới các vị giáo hoàng có định hướng chính trị và giáo hội khác - tập trung nhiều hơn vào bản sắc Công Giáo chứ không vào các “dấu chỉ của thời đại”, và trung hữu hơn là trung tả.

Tuy nhiên, vận may của trường phái Bologna đã hồi sinh dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vì vậy khi Đức Giáo Hoàng cử Đức Giám Mục Zuppi đến Bologna vào tháng 10 năm 2015, việc bổ nhiệm này được nhiều người coi là lễ đăng quang của cả di sản Lecaro và “trường phái Bologna”, vì Đức Cha Zuppi là một dòng dõi nổi bật của cả hai.

Hiện tại, có thể coi là hoàn toàn hợp lý khi Đức Hồng Y Bassetti từ chức chủ tịch hội đồng giám mục Ý vào cuối tháng 5, khi ngài bước sang tuổi 80, Đức Hồng Y Zuppi 66 tuổi có thể được chọn làm người kế nhiệm. Nếu điều này xảy ra, nó có thể là cơ hội để Đức Hồng Y Zuppi có ảnh hưởng lớn không chỉ ở Ý mà còn trên bình diện quốc tế, để được xem xét như một người kế vị khả thi cho chính Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi đó, thành công chính trị của Sassoli và sự nổi lên không ngừng trong giáo hội của Đức Hồng Y Zuppi là bằng chứng tích cực rằng trên cả hai bình diện dân sự và Giáo Hội, trường phái Bologna chưa thực sự chết - với những hoàn cảnh thích hợp, nó luôn có thể khởi đầu trở lại, lớn hơn và táo bạo hơn bao giờ hết.

Trong cuốn “The Next Pope”, tức là vị Giáo Hoàng tiếp theo, Edward Pentin, phóng viên thường trực của tờ National Catholic Register tại Rôma đưa ra những nhận xét sau, không mấy lạc quan về Đức Hồng Y Zuppi:

“Được biết đến như một ‘Hồng Y đường phố’ vì sự giúp đỡ của ngài cho người nghèo, sự nhấn mạnh của Đức Hồng Y Zuppi về nghèo đói vật chất và bình đẳng đã đưa ngài đến gần với chính trị cánh tả Ý - đến nỗi khi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi vào Hồng Y Đoàn được công bố, các phương tiện truyền thông Ý nói đùa rằng ‘tuyên úy’ của đảng xã hội chủ nghĩa hàng đầu của Ý đã trở thành một Hồng Y.

Với tư cách là Tổng giám mục của Bologna, ngài đã đọc điếu văn cho một người Ý cực đoan cánh tả, ủng hộ phá thai, và thậm chí còn cho nhập tịch vào Tổng giáo phận Bologna một linh mục Cộng sản đã tranh cử một ghế trong Nghị viện Âu Châu. Vị Hồng Y này cũng được nhớ đến vì đã viết lời tựa cho cuốn ‘Xây dựng một cây cầu: Làm sao Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tham gia vào mối quan hệ tôn trọng, trắc ẩn và nhạy cảm’, là cuốn sách gây tranh cãi về LGBT của Cha James Martin, được xuất bản vào năm 2018.”
Source:Crux