1. Các quan chức y tế cảnh báo công chúng về bộ dụng cụ thử nghiệm Covid-19 giả.

Các trường hợp Covid-19 tiếp tục tăng một cách đột biến, dẫn đến việc xếp hàng dài đến mức kinh hoàng tại các địa điểm thử nghiệm. Trong khi đó, bộ dụng cụ thử nghiệm nhanh tại nhà đã biến mất trên các kệ hàng của siêu thị và tiệm thuốc tây.

Giờ đây, một vấn đề khác đã xuất hiện: Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, gọi tắt là FTC, đang cảnh báo về các bộ dụng cụ thử nghiệm giả được bán trực tuyến cho những khách hàng tuyệt vọng.

FTC cho biết trong một thông cáo báo chí trong tuần này rằng “Không có gì ngạc nhiên khi, theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt là FDA, các bộ dụng cụ thử nghiệm tại nhà giả mạo và trái phép đang xuất hiện trên mạng khi những kẻ lừa đảo lợi dụng cơ hội nhu cầu gia tăng đột biến”

Theo FDA, tự kiểm tra coronavirus - còn được gọi là xét nghiệm tại nhà hoặc xét nghiệm không cần kê toa - là một trong số các biện pháp giảm thiểu rủi ro có thể bảo vệ mọi người bằng cách giảm nguy cơ lây lan coronavirus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, cho biết những xét nghiệm này có thể được thực hiện tại nhà hoặc bất cứ nơi nào, bất kể tình trạng hoặc các triệu chứng và dễ sử dụng để có kết quả nhanh chóng.

Biến thể Omicron đã gây ra một làn sóng lây lan rất nhanh tại Hoa Kỳ với con số ước tính có thể lên đến 1 triệu ca mắc mới mỗi ngày. Có hai lý do: bản thân biến thể Omicron có tính lây lan nhanh. Biến thể Omicron cũng không gây ra các triệu chứng tỏ tường. Nhiều người đã nhiễm coronavirus nhưng hoàn toàn không hay biết. Họ tiếp tục đi làm, đi nhà thờ, học hành như bình thường và do đó lây cho người khác. Bằng cách tự thử nghiệm nhanh, ta có thể biết và đưa ra quyết định đúng đắn trước khi gặp gỡ những người khác.

Biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao tiếp tục làm gia tăng các trường hợp mắc bệnh Covid-19 và số ca nhập viện, các chuyên gia y tế cho rằng điều quan trọng là cần tiếp tục các biện pháp an toàn để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Một trong những phương pháp này là kiểm tra thường xuyên, ngay cả khi bạn không cảm thấy bị ốm hoặc có triệu chứng nào.

Thật không may, nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu, tuy nhiên, theo Mara Aspinall, giáo sư tại Cao đẳng Giải pháp Y tế tại Đại học Arizona với việc Omicron có khả năng lây lan mạnh hơn, việc xét nghiệm sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

“Chúng ta đang ở một thời điểm rất, rất bấp bênh. Thử nghiệm là chiến lược thoát ra duy nhất của chúng ta trong số tất cả những biện pháp khả thi.”

Tuy nhiên, các bộ dụng cụ thử nghiệm đang khan hiếm và ngày càng đắt đỏ, buộc một số người phải tìm kiếm trên mạng hoặc bất cứ đâu có thể tìm được chúng.
Source:CNN

2. Deltacron có thật không? Các nhà khoa học nói gì về biến thể mới được tìm thấy ở Síp

Một nhà nghiên cứu ở Síp đã phát hiện ra một biến thể coronavirus mới kết hợp giữa biến thể Delta và biến thể Omicron và được đặt biệt danh là Deltacron. Vào thời điểm mà thế giới đang hết sức lo ngại về Omicron, các báo cáo về biến thể mới này đã gây ra một sự lo ngại rất lớn. Đặc điểm của biến thể Omicron là lây lan cực nhanh, trong khi Delta gây ra những tàn phá cơ thể kinh hoàng. Kết hợp giữa lây cực nhanh và tàn phá thật kinh hoàng, loại biến thể mới này thực sự hết sức đáng âu lo. Thành ra, sàn chứng khoán chao đảo, paracetamol biến mất khỏi các quầy hàng trong các siêu thị và nhà thuốc tây. Bên cạnh đó rapid antigen self-tests, tức là các dụng cụ để tự xét nghiệm xem mình có nhiễm coronavirus không cũng trở nên khan hiếm và tràn lan các dụng cụ cả.

Tuy nhiên, khi Deltacron đang là tiêu đề thịnh hành trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng nó không phải là một biến thể thực sự, mặc dù, cho đến nay khoa học gia ở đảo Síp phát hiện ra biến thể mới này vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.

Đây là những gì chúng ta biết cho đến nay:

1. Leondios Kostrikis, giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Síp, gọi biến thể mới này là 'Deltacron'. Các báo cáo cho biết chủng này có mã di truyền giống Omicron, và có bộ gen giống Delta.

2., Bloomberg đưa tin là có 25 trường hợp Deltacron đã được tìm thấy cho đến nay.

3. Trong một cuộc phỏng vấn, Kostrikis nói, “Chúng tôi sẽ xem trong tương lai liệu biến thể mới này có gây ra bệnh lý trầm trọng hơn hay dễ lây lan hơn hay liệu nó sẽ chiếm ưu thế.”

4. Trình tự của 25 trường hợp Deltacron đã được gửi tới GISAID, cơ sở dữ liệu quốc tế theo dõi những thay đổi của virus, vào ngày 7 tháng Giêng.

5. Nhà virus học Tom Peacock nói trên mạng xã hội rằng Deltacron có thể không phải là một biến thể thực tế, mà có thể là kết quả của sự ô nhiễm. “Khi các biến thể mới được đưa qua một loạt các phòng thí nghiệm, sự nhiễm bẩn không phải là hiếm (những thể tích chất lỏng rất nhỏ có thể gây ra điều này) - thường thì những trường hợp nhiễm bẩn khá rõ ràng này không được các phương tiện truyền thông lớn đưa tin”.

Ông viết: “Các biến thể gây ra do tái tổ hợp chắc chắn đáng để theo dõi và gần như chắc chắn cuối cùng sẽ xuất hiện, nhưng ví dụ cụ thể này gần như chắc chắn là do ô nhiễm”.

Bác sĩ Eric Topol đã gọi Deltacron là một 'scariant' thay vì một “variant”, tức là “biến thể hù dọa”, thay vì một biến thể. “Loại 'scariant' này chả là biến thể cái quái gì, chỉ khiến rất nhiều người sợ hãi, một cách không cần thiết”.
Source:Hindustantimes.com

3. Đức Giáo Hoàng nói rằng tiêm vắc xin là một 'nghĩa vụ đạo đức'

Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng việc tiêm vắc xin chống lại coronavirus là một “nghĩa vụ đạo đức” và phàn nàn rằng nhiều người đã bị lung lay bởi các “thông tin vô căn cứ” và quyết định từ chối một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để cứu mạng trong đại dịch.

Đức Phanxicô đã sử dụng một số từ ngữ mạnh mẽ nhất của mình để kêu gọi mọi người tiêm chủng trong bài phát biểu trước các đại sứ trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh. Đây là một sự kiện thường niên trong đó ngài đặt ra các mục tiêu chính sách đối ngoại của Vatican trong năm mới.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, thường tránh nói về việc tiêm chủng như một “nghĩa vụ đạo đức”, mặc dù các cố vấn COVID-19 của ngài đã gọi đó là “trách nhiệm đạo đức”. Đức Phanxicô đã gọi tiêm chủng là “một hành động yêu thương” và việc từ chối tiêm chủng là “hành động tự sát”.

Tuy nhiên, hôm thứ Hai, ngài đã đi một bước xa hơn, khi nói rằng các cá nhân có trách nhiệm chăm sóc cho bản thân “và điều này có nghĩa là tôn trọng sức khỏe của những người xung quanh chúng ta. Chăm sóc sức khỏe là một nghĩa vụ đạo đức”, ngài khẳng định.

Ngài than thở rằng ngày càng có nhiều sự chia rẽ ý thức hệ khiến nhiều người quyết định không tiêm chủng.

“Mọi người thường để bản thân bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng của thời đại, thường được củng cố bởi những thông tin vô căn cứ hoặc sự thật được ghi chép kém,” ngài nói, đồng thời kêu gọi áp dụng một “liệu pháp thực tế” để sửa chữa sự méo mó này.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Vắc-xin không phải là một phương tiện chữa bệnh thần kỳ, nhưng chắc chắn rằng bên cạnh các phương pháp điều trị khác cần được phát triển, chúng đại diện cho giải pháp hợp lý nhất để ngăn ngừa căn bệnh này”.

Đức Phanxicô lặp lại lời kêu gọi viện trợ vắc xin cho các quốc gia, đặc biệt là ở những nơi trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng thấp, và kêu gọi sửa đổi các quy tắc cấp bằng sáng chế để các nước nghèo hơn có thể phát triển vắc xin của riêng họ.

Ngài nói: “Điều phù hợp là các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới điều chỉnh các công cụ pháp lý của họ để tránh các quy tắc độc quyền tạo thành những trở ngại hơn nữa đối với sản xuất và đối với việc tiếp cận có tổ chức và nhất quán đối với chăm sóc sức khỏe ở cấp độ toàn cầu”.

Đức Phanxicô đã có bài phát biểu trước một nhóm các nhà ngoại giao ít hơn nhiều so với thường lệ, và bỏ qua phần tiếp kiến mà các đại sứ rất thích: đó là cơ hội chào hỏi riêng và trao đổi vài lời. Các hạn chế rõ ràng là một phản ứng đối với sự gia tăng theo cấp số nhân của các trường hợp coronavirus ở Ý.

Về các chủ đề khác, Đức Phanxicô than thở về sự tàn phá Syria, kêu gọi “cải cách chính trị và hiến pháp” để đất nước có thể được “tái sinh”, đồng thời kêu gọi tránh mọi biện pháp trừng phạt tránh nhắm vào dân thường. Ngài không chỉ đích danh nước Nga, nhưng kêu gọi “các giải pháp lâu dài và có thể chấp nhận được” cho Ukraine và nam Caucasus lấy cảm hứng từ “sự tin tưởng có đi có lại và sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận bình tĩnh”.

Và ngài cũng kêu gọi giao tiếp cởi mở hơn để tránh chiến tranh văn hóa, mặc dù Đức Thánh Cha đã không nêu đích danh ý thức hệ giới tính và các chủ đề nóng khác.

“Một số thái độ không còn chỗ cho tự do ngôn luận và hiện đang mang hình thức 'văn hóa loại trừ' xâm nhập vào nhiều vòng kết nối và các tổ chức công cộng. Dưới chiêu bài bảo vệ sự đa dạng, nó sẽ hủy bỏ mọi cảm giác về căn tính, với nguy cơ khiến làm tắt tiếng các quan điểm.”
Source:AP