1. “Phạm Thánh”: Giáo xứ tổ chức buổi trình diễn thời trang ngay trong nhà thờ Công Giáo ở Puerto Rico, làm dấy lên sự phẫn nộ

Hôm 4 tháng 11, Church POP có bài tường thuật nhan đề “Sacrilege”: Parish Hosts Fashion Show in Puerto Rico Catholic Church, Sparking Outrage, nghĩa là “Phạm Thánh”: Giáo xứ tổ chức buổi trình diễn thời trang ngay trong nhà thờ Công Giáo ở Puerto Rico, làm dấy lên sự phẫn nộ.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!

Giáo xứ Stella Maris, nghĩa là Đức Mẹ là Ngôi Sao Sáng, ở San Juan, Puerto Rico đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang bên trong nhà thờ của mình vào hôm thứ Sáu, ngày 22 tháng 10, để trưng bày dòng quần áo mới của nhà thiết kế người Puerto Rico là Cô Bea Rodríguez Suárez.

Buổi biểu diễn nhằm mục đích gây quỹ cho Stefano Foundation, là tổ chức mang lại lợi ích cho các bậc cha mẹ mất con vì bạo lực.

Tuy nhiên, các video về sự kiện đã tạo ra sự phẫn nộ trên mạng xã hội. Nhiều người dùng đã đăng những lời cầu nguyện phạt tạ và coi chương trình này là “báng bổ”, “một sự phạm thánh” và “không thể chấp nhận được”.

Một phương tiện truyền thông đã đăng video gốc và một người dùng Twitter đã đăng lại nó với những lời bình luận. Đoạn video gốc đã tạo ra hơn 4,000 phản ứng và gần 6,000 bình luận trên Facebook.

Bài đăng trên Twiiter viết “Một buổi biểu diễn thời trang tại nhà thờ Stella Maris ở San Juan, Puerto Rico. Bất kể mục đích được cho là nhằm gây qũy, điều này là không thể chấp nhận được”.
Source:Church POP

2. Đức Cha Komarica nhận xét cay đắng rằng Kitô hữu tại Bosnia bị kỳ thị mọi mặt

Đức Cha Franjo Komarica, Giám mục giáo phận Banja Luka, thuộc cộng hòa Bosnia và Herzegovina, tố giác rằng 25 năm sau hiệp định hòa bình ký kết tại thành phố Dayton, Hoa Kỳ, sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc tại nước này vẫn còn rất căng thẳng, và các tín hữu Công Giáo tại đây vẫn tiếp tục bị kỳ thị mọi mặt.

Hiệp định Dayton chấm dứt chiến tranh kéo dài từ 1992 đến 1995 giữa ba phe ở Bosnia và Herzegovina giữa ba thành phần, đông nhất là Hồi giáo, tiếp đến là Chính thống Serbia và sau cùng là Công Giáo, phần lớn là người gốc Croatia. Quốc gia này chỉ rộng hơn 51,000 cây số vuông, với khoảng 3.8 triệu dân cư.

Tuyên bố với tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, Đức Cha Komarica cho biết Bosnia và Herzegovina là một liên bang gồm ba dân tộc: Cộng hòa Serbia ở Bosnia chịu ảnh hưởng của Nga, Liên bang Bosnia thì ở dưới ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Hồi giáo, nhóm thứ ba là Croatia đang biến mất dần. Các tín hữu thuộc sắc dân này bị kỳ thị về mọi mặt: chính trị, xã hội và cả kinh tế. Thường những người Công Giáo gặp vấn đề vì họ mang tên Croatia, họ khó tìm được công ăn việc làm. Có một phần ở miền tây Herzegovina, nơi họ có thể sống được, nhưng tại đó cả các tín hữu cùng muốn xuất cư.

Theo Đức Cha, các tín hữu Công Giáo Croatia có chức năng liên kết giữa người Serbia và người Bosnia theo Hồi giáo. Nếu không còn người Công Giáo nữa, thì hố chia cách giữa người Serbia theo Chính thống và người Bosnia theo Hồi Giáo càng rộng lớn hơn nữa. Ngoài ra, phụ trương số 7 của Hiệp định Dayton qui định việc hồi hương những người tị nạn và di tản, nhưng khoản này không được áp dụng đối với những người Công Giáo Croatia, trong khi hai sắc dân khác được hồi hương đông đảo. Đức Cha nói “Nếu tại Âu châu có một Giáo hội đau khổ, thì đó là các tín hữu chúng tôi. Trong giáo phận Banja Luka của tôi, 95% các tòa nhà của Giáo hội đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề trong chiến tranh. Tổ chức Trợ Giúp các Giáo hội đau khổ đã trợ giúp đặc biệt để tái thiết.


Source:Cath Swiss

3. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các giám mục Pháp an ủi các nạn nhân sau báo cáo lạm dụng

Khi các giám mục Công Giáo từ khắp nước Pháp nhóm họp tuần này tại đền thờ Đức Mẹ Lộ Đức để thảo luận về một báo cáo mang tính bước ngoặt về tình trạng lạm dụng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư kêu gọi các giám mục hãy an ủi các nạn nhân và chăm sóc cho “dân thánh Chúa bị thương và bị tai tiếng”.

“Khi anh em vượt qua cơn bão của sự xấu hổ và bi kịch vì lạm dụng trẻ vị thành niên trong Giáo hội, tôi khuyến khích anh em mang gánh nặng của mình với niềm tin và hy vọng, và tôi mang nó cùng với anh em,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong lá thư ngày 14 tháng 10 và được công bố vào ngày 3 tháng 11.

“Tôi chắc chắn rằng cùng nhau, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, anh em sẽ tìm cách tôn vinh và an ủi các nạn nhân; để khuyến khích tất cả các tín hữu hãy sám hối và hoán cải tấm lòng; thực hiện mọi biện pháp cần thiết để làm cho Hội Thánh trở thành ngôi nhà an toàn cho mọi người; để chăm sóc dân Chúa bị thương và bị tai tiếng; và cuối cùng, vui mừng tiếp nhận sứ mệnh, kiên quyết nhìn về tương lai”.

Các giám mục Pháp đang nhóm họp tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức trong cuộc họp toàn thể của các ngài, diễn ra từ mùng 2 đến mùng 8 tháng 11.

Cuộc họp diễn ra một tháng sau khi một báo cáo độc lập được công bố ước tính rằng hàng trăm nghìn trẻ em đã bị lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp trong 70 năm qua.

Các giám mục Pháp đã thay đổi chương trình nghị sự của hội nghị toàn thể của các ngài để có thêm thời gian thảo luận về báo cáo.

Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt là CIASE, đã công bố một báo cáo cuối cùng dài gần 2,500 trang vào ngày 5 tháng 10, ước tính rằng 216,000 trẻ em đã bị các linh mục, phó tế, tu sĩ hoặc nữ tu lạm dụng tính dục ở Pháp từ năm 1950 đến năm 2020.

Báo cáo gợi ý rằng có “khoảng từ 2,900 đến 3,200” kẻ lạm dụng tính dục trong số 115,000 giáo sĩ và những người làm công tác tôn giáo khác.

Nghiên cứu cũng cho biết “hơn một phần ba các vụ tấn công tình dục trong Giáo Hội Công Giáo, không phải do các giáo sĩ, tu sĩ hay những người làm công tác tôn giáo khác mà do giáo dân”.

Trong bức thư của mình, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất vui khi thấy rằng các giám mục cũng sẽ dành thời gian thảo luận về “những chủ đề quan trọng khác gần gũi với trái tim tôi,” bao gồm cả việc chăm sóc sáng tạo và đại kết.

Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với các giám mục về sự hỗ trợ của ngài vào thời điểm “thử thách và mâu thuẫn”, và giao phó các ngài cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

“Đừng nghi ngờ rằng người dân Pháp đang chờ đợi Tin mừng của Chúa Kitô, họ cần nó hơn bao giờ hết,” Đức Thánh Cha nói.


Source:Catholic News Agency