Ngày 11-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên sạch
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:13 11/02/2021
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên sạch

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Thường niên - B
(Mc 1, 40 – 45)

Thánh Máccô tường thuật cho chúng ta việc Chúa Giê-su chữa lành người bệnh phong, cho thấy Chúa Giê-su là thầy thuốc đích thực, chữa lành cả thân thể và linh hồn, Ðấng được Thiên Chúa Cha sai đến thế gian để chữa lành cho nhân loại, để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và khỏi những hậu quả của tội.

Bệnh phong cùi đã có từ bao đời nay. Bệnh này thường bị coi là căn bệnh nguy hiểm và cần phải né tránh bởi con người sợ bị lây nhiễm. Người Do Thái thời xưa rất sợ bệnh phong cùi, một căn bệnh nan y bất trị thường gặp lúc bấy giờ. Căn bệnh đáng sợ này có thể tấn công các đầu dây thần kinh của người bệnh, làm cho cơ thể bị thương tổn và biến dạng vĩnh viễn. Vào thời đó, người ta không biết cách chữa căn bệnh này. Người bệnh bị cách ly và bắt buộc phải cảnh báo người khác về căn bệnh của mình (x. Lv 13, 1-2. 44-46).

Giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đặt thêm luật về bệnh phong cùi, khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp khó khăn một cách không cần thiết. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong cù, phải ở xa họ khoảng khoảng 2m. Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng khoảng 45m. Sách Lêvi đưa ra điều luật là người phong cùi phải sống “phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”(x. Lv 13, 44-46). Tuy nhiên, một số chuyên gia luật Do Thái giải thích rằng điều luật này có nghĩa là những người phong cùi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong cùi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.

Về mặt tôn giáo, bệnh phong cùi làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi. Người Việt Nam chúng ta cũng na ná tương tự như người Do Thái, ai bị bệnh thì phải xa nhà xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng.

Thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi vẫn bị liệt vào loại bị cấm tiếp xúc, người bị bện phải tránh xa và phải làm hiệu để người khác tránh xa mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác, bởi vì Người đến để yêu thương và cứu giúp mọi người, nên Người đã chữa lành cho người mắc bệnh phong cùi như trong Tin Mừng Marcô 1, 40-45 thuật lại hôm nay.

Người ta coi người cùi là hạng người ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi cũng bị lây ô uế. Nhưng Chúa Giêsu đã dám đưa tay chạm tới người cùi này. Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Chúa về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật còn là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối vớ tội lỗi con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi. Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật của con người.

Ngày nay bệnh cùi không còn là một chứng nan y bất trị. Nhưng vẫn còn nhiều loại “Người cùi” kiểu khác bị người ta ghê tởm tránh xa, chẳng hạn những người dơ dáy, hôi hám, những người mang cá tính bị người khác ghét bỏ, những người lỡ mang tai tiếng khiến người ta không dám tiếp xúc, họ bị liệt ra bên ngoài xã hội, thiếu sự cảm thông và tình liên đới cộng đồng. Cụ thể hơn là những người tội lỗi. Chỉ có tội lỗi mới làm cho con người ra ô uế. Những thứ tội lỗi như ích kỷ, ngạo mạn, tham ô tham nhũng, những thứ bệnh của tâm hồn như thế cần được thanh tẩy.

Ngày đầu Năm Mới, mỗi người chúng ta hãy hồi tâm thinh lặng, suy xét lòng mình, để khám phá ra những gì là ô uế, những gì là tội lỗi trong tâm hồn mình để thân thưa với Chúa với cả tấm lòng rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch!" Chúa cũng lặp lại với chúng ta rằng: "Ta muốn, con hãy lành sạch!". Thật là mừng vui biết bao! Khi ấy thứ bệnh phong của tội lỗi sẽ biến mất, chúng ta có thể trở về sống trong niềm vui con thảo với Thiên Chúa, và niềm vui được sống giữa mọi người.

Con người ta, sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình. Bệnh tật là điều phải có trong kiếp sống làm người. Ai cũng có bệnh, không nhẹ thì nặng, chẳng ai thoát khỏi căn bệnh ở đời. Vì thế, chúng ta phải liên đới, hiệp thông và trợ giúp lẫn nhau với tình yêu thương, đặc biệt với những ai mắc bệnh hiểm nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vì yêu mà vượt qua ranh giới giữa Thiên Chúa với con người, giữa người khỏe với kẻ bệnh tật để chữa lành họ. Xin trợ giúp chúng con làm được những điều Chúa muốn. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Phong cùi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
11:40 11/02/2021
CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN: PHONG CÙI (Lv 13, 1-2.44-46; 1Cr 10. 31-11,1; Mc 1, 40-45)

Cùi hủi là một con bệnh đáng ghê sợ nhất. Nhiều ngàn năm trước, bệnh phong cùi đã xuất hiện. Đây là một bệnh truyền nhiễm và ô uế. Theo luật của dân Do-thái, ngay từ thời Môisê đã có những hướng dẫn riêng dành cho những người bị bệnh phong cùi. Những người mắc chứng bệnh phong cùi phải ở riêng, mặc áo rách, để đầu trần, lấy tay che miệng và la cho mọi người biết để đừng ai đến gần. Thật là khổ sở và đau lòng! Con vi trùng cùi hủi quái ác đã ăn mất nhân phẩm của con người. Thân phận của những người phong cùi thật đáng thương, họ bị tách lìa khỏi gia đình, cộng đoàn và mọi sinh hoạt chung. Họ bị bỏ rơi và bị người đời khinh bỉ, bị xem như là những thân xác đáng ghê tởm mà mọi người cần xa tránh. Người xưa chưa có cách phòng bệnh và trị bệnh nên những ai bị mắc phong cùi thì như lãnh một bản án chung thân.

Nỗi đau thân xác khôn lường, mà nỗi đau của tâm hồn lại càng khốc liệt. Những người phong cùi phải xa tránh mọi người và tự lo cho cuộc sống mình. Họ bị tước mất tư cách làm người và mất cả nhân phẩm. Họ khổ đau quằn quại khi thân xác bị lở loét, cùi cụt và hôi thối. Mọi người không đến gần, ngay cả những người thân thiết trong gia đình cũng không. Chúng ta không thể tưởng tượng được nỗi khổ đau và mặc cảm lấn chiếm tâm hồn họ. Họ bị rơi xuống đáy vực thẳm của kiếp nhân sinh. Lê lết sầu muộn từng ngày nơi hoang vắng cô quạnh. Đau khổ hơn nữa là khi đối diện với những ánh mắt khinh thị và kinh hãi. Chúng ta nhớ rằng khả năng khoa học y tế của con người thời đó đành bó tay với cùi hủi. Ngày nay vẫn còn nhiều người bị nhiễm chứng bệnh phong cùi nhưng nhờ có thuốc thang ngăn ngừa, họ cũng được giảm bớt đau khổ phần nào. Với cuộc sống xã hội đương thời, những người phong cùi cho dù được sự thăm viếng, chia sẻ, thông cảm và ủi an nhưng họ vẫn còn phải chịu nhiều sự tủi nhục và sầu khổ.

Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng giải thoát trong bối cảnh xã hội mà nhiều người bị loại trừ. Chúa có uy quyền chữa lành cả thân xác và tâm hồn. Hai ngàn năm trước, với khả năng của con người, sự chữa lành của cả hai nhu cầu vật chất và tâm linh đều rơi vào ngõ cụt. Cộng thêm sự phân chia giai cấp, đời sống tôn giáo và xã hội thiếu tình yêu thương bác ái và cách đối xử bất công đã tạo ra một xã hội không có lối thoát cho những người nghèo hèn, bệnh tật. Bại liệt, tật nguyền, phong cùi, qủy ám là những thứ bệnh quái ác và hoành hành khắp nơi. Tất cả những ai chạy đến với Chúa đều được xót thương chữa lành. Cả những bệnh cùi hủi trong tâm hồn, Chúa Giêsu đã tẩy sạch và tha thứ.

Bệnh nào cũng cần thuốc chữa. Con người có cả ngàn thứ bệnh khác nhau cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi thứ bệnh cần có một liều thuốc chữa trị riêng. Chúa Giêsu có toàn quyền trên cả vũ trụ hữu hình và vô hình. Ngài có quyền sáng tạo, chữa trị, đổi mới và hoàn thành. Câu truyện người bệnh cùi đến van xin Chúa chữa lành, Chúa đã giơ tay đặt trên người đó và nói: Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh là một điển hình. Khi Chúa muốn là mọi sự thực hiện theo ý của Ngài. Chúng ta cùng nhớ lại truyện của ông Saulô: Trong lúc đi bách hại người Kitô hữu, một luồng ánh sáng đánh ngã ông và Chúa Giêsu đã biến đổi ông thành Phaolô, một Tông Đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Chúa có thể biến đổi tất cả theo ý muốn của Chúa.

Thánh Phaolô sau khi đã trở lại, ngài không ngừng loan báo Tin Mừng. Trong mọi sự như ăn, uống hay làm bất cứ việc gì, Phaolô khuyên dạy chúng ta hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Phaolô đã hoàn toàn thuộc về Chúa. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao Chúa không đánh ngã thêm nhiều người nữa để họ tiếp tục mở rộng Nước Chúa? Nhưng tư tưởng của Chúa vượt hẳn trên tư tưởng loài người và đường lối của Chúa cao siêu hơn đường lối của con người. Chúa muốn chính mỗi người chúng ta làm nhân chứng cho Chúa. Chúa muốn cứu độ mỗi người bằng chính sự sám hối và trở về của họ. Chúa ban cho con người có tự do để chọn lựa thái độ. Chúng ta hãy đến quỳ gối van xin: Nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến con nên sạch. Đặt niềm tin vào Chúa Kitô và qua Giáo hội, Chúa đã ban các ân điển qua các Bí Tích, Á Bí Tích, các kinh nguyện và sự thực hành sống đạo sốt mến. Từng bước phát triển đời sống đạo qua các Bí Tích chúng ta lãnh nhận, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn ơn sủng của sự chữa lành.

Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con ngã bệnh và phạm tội làm nhơ nhuốc tấm linh hồn, xin Chúa chữa lành và rửa sạch những vết nhơ bụi trần. Xin cho chúng con biết chia sẻ lòng nhân ái với những người bất hạnh, biết giơ tay đón tiếp những kẻ cùng khốn và biết chấp nhận mọi người như là anh chị em, để chúng con tìm được nguồn ủi an và chữa lành đích thực của Chúa cả trong tâm hồn lẫn thể xác. Chúng con đã được lãnh nhận dư tràn ơn sủng của Chúa trong đời sống. Chúng con tạ ơn Chúa.
 
Chứng bệnh phong cùi đương thời
Lm Xuân Hy Vọng
11:44 11/02/2021
CHỨNG BỆNH PHONG HỦI ĐƯƠNG THỜI

Nhân gian ta có câu “nhà cháy mới ra mặt chuột”. Những lúc bình an, vui sướng thì ai cũng là bạn là bè, nhưng khi túng quẫn, muộn phiền mới biết ai là bè là bạn. Thế giới chúng ta vẫn đang đối mặt với dịch bệnh hoành hành; tuy một số nước đã tiêm chủng ngừa, nhưng biến thể ngày càng trầm trọng. Trong lúc ấy, các nước nghèo từ trước tới giờ vẫn còn loay hoay, vật lộn với tai ương, đại dịch và nay với vác-xin.

Như chúng ta biết: trước kia, chứng bệnh phong hủi là căn bệnh không có thuốc chữa trị. Ai mà mắc phải, thì rời khỏi gia đình, sống tách biệt một mình như sách Lê-vi quy định: “Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại” (Lv 13, 44-46). Như vậy, xem ra họ bị cô lập, bị mọi người xa lánh, và hơn hết, họ buộc cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng.Thật đáng thương biết bao!

Tuy nhiên trong Tin Mừng, Đức Giê-su vẫn để người bệnh phong cùi tiến lại gần tiếp xúc với Người, và van xin “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1, 40). Vì Đức Giê-su đến không phải để lên án, mà là để giải thoát và chữa lành, nên Ngài chẳng ngần ngại trực tiếp, đứng bên người phong cùi, mặc dù lề luật không cho phép. Hơn nữa, do lòng bao dung, nhân từ và thương xót sâu thẳm, Ngài đã chữa lành cho người ấy khỏi căn bệnh hiểm ác này, “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”” (Mc 1, 41-42). Dĩ nhiên, sau khi trình diện tư tế rằng mình đã lành bệnh, thì người ấy được trở lại đời sống cộng đồng, được trở lại với gia đình, với bạn bè, được kết nối tình thân với hết mọi người trên phương diện thể lý cũng như tâm linh, tôn giáo.

Ngày nay, căn bệnh phong hủi không còn bất khả trị, mà đã được điều trị tốt trong các trung tâm, làng cùi. Tuy họ sống tập trung một nơi, có thể cách xa, nhưng chúng ta vẫn được tiếp xúc, chuyện trò, thăm hỏi thoải mái, không quá khắt khe như xưa. Như vậy, tuy sống xa, nhưng không bị tách rời khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng buồn thay, chứng phong hủi đương đại vượt lên trên khía cạnh thể lý hay tinh thần này. Mặc dù sống trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, họ vẫn bị cô lập, họ bị bỏ mặc, chẳng được yêu mến, quan tâm! Vốn là thành viên trong giáo xứ, cộng đoàn, và gia đình, nhưng họ bị loại ra như kẻ phong hủi. Hơn nữa, thái độ xa rời, biệt lập, chẳng muốn chung đụng hay không muốn chịu trách nhiệm, cộng tác. v.v…sớm muộn gì cũng dẫn chúng ta đến chứng bệnh hủi ghê gớm này.

Ngược lại, những ai mắc phải chứng hủi đương đại lại chẳng buồn quay về kết nối với gia đình, với cộng đoàn, với giáo xứ, mà họ vẫn muốn ở mãi trong tình trạng khốn đốn ấy. Họ thà chịu ô uế, nhơ nhớp, dơ bẩn, xiềng xích nơi tối tăm của tội lỗi, đam mê, kết bè phái, nhóm tư lợi, âm mưu dè bỉu, “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người”, phao tin đồn thổi, thay vì đơn thuần truyền tải nội dung trên mạng xã hội, thì nay đóng vai trò “xuất bản” và tự quy định ngăn chặn tự do truyền thông đích thật, hơn là “quay vào bờ”, mong được giải thoát, được rời xa tình trạng “phong cùi đương thời” này. Trong đời sống đạo, tuy lành lặn về thể chất, nhưng tâm hồn chúng ta có lẽ đang mắc chứng bệnh hủi biến chứng, nào là sống xa cách, từ chối mở lòng đón nhận anh chị em, khư khư não trạng, thói quen vô lối của bản thân, tự cao tự đại, phô trương, đạo đức giả, “ngôn hành bất nhất”, sống bằng câu cửa miệng, nhưng không thật sự thực hành giới răn bác ái, tha thứ, yêu thương anh chị em, v.v…

Đối diện với cách sống, lối nghĩ suy theo thói đời do chứng bệnh phong hủi đương đại mang lại, chúng ta là con cái Chúa, là người Ki-tô hữu, cần chạy đến khẩn nài cùng Đức Giê-su như anh bị bệnh cùi năm xưa đã quỳ xuống van xin Người: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1, 40), và học đòi noi gương thánh Phao-lô đã một lòng sống theo hình mẫu tối ưu nơi Đức Ki-tô Giê-su: “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Ki-tô” (1Cr 11, 1). Cụ thể, sống chính trực, công bình, tha thứ, yêu mến hết thảy mọi người, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, nơi mọi lãnh vực, công việc, ngay cả khi sinh hoạt thường nhật, và nhất là đừng làm cớ vấp phạm cho anh chị em khác, đừng làm gương xấu trong đời sống gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, hội dòng, “…dầu anh em làm việc gì, cũng hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa…, đừng nên cớ vấp phạm…không tìm điều gì lợi ích cho mình, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi” (x. 1Cr 10, 31-33).

Lạy Chúa, xin đoái thương đến con
Sống trong tối tăm còn vương vấn
Phong hủi chứng bệnh bất cần
Giày xéo tâm hồn vạn lần ngày qua.

Con kêu cầu thiết tha nài van
Chữa lành con nồng nàn chan chứa
“Hủi đương thời” sáng chiều trưa
Tẩy sạch trong trắng, dẫn đưa con về… Amen!
 
Để Lộc Thánh Thiên Chúa Được Sinh Hoa Kết Trái
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
18:16 11/02/2021
Suy niệm ngày Tin Mừng Mồng Ba Tết-Thánh hóa công ăn việc làm
(Mt, 25, 14-30)

Để Lộc Thánh Thiên Chúa Được Sinh Hoa Kết Trái

Đài Loan có khoảng gần 70% dân số theo đạo Phật và đạo Giáo nên cứ mỗi dịp Xuân về các chùa chiền, đình, miếu ở đây đều tấp nập người về đi lễ. Với tâm niệm của người có niềm tin, những ngày đầu Xuân là dịp đặc biệt để họ đến chùa, đình hoặc miếu để cúng vái, với mục đích tạ ơn các vị thần linh và đức Phật đã ban phước cho họ trong một năm qua hoặc để giải các “hạn”, còn gọi để xóa đi những điều không may. Ngoài ra, khi lên chùa, họ cũng muốn hái lộc, và cầu xin sự bình an và những điều may cho năm mới.
Có nhiều thứ lộc họ hái để mang về nhà, đó là các câu đối, các câu Phật pháp hay các lời dạy trong kinh điển của các vị thần linh. Cũng có người thích nhận được hoa, trái cây và nhiều vật quý báu khác. Đặc biệt nhiều ngôi chùa còn phát những đồng tiền nhỏ để dân chúng nhận về làm “vốn” cho công việc kinh doanh trong năm.

Quả vậy, điều rất thú vị khi đến chùa, miếu hay đình trong dịp đầu năm của người Đài Loan cũng không chỉ để hái lộc, họ cũng rất độ lượng “làm công quả”, dâng cúng tiền bạc cho nhà chùa để tỏ lòng biết ơn đức Phật và các vị thần linh đã phù hộ cho công việc làm ăn của họ trong năm qua, đồng thời giúp phát triển tôn giáo cũng như các công tác xã hội của họ.

Có nhiều điểm tương đồng khi so sánh truyền thống đi lễ chùa miếu của người Đài Loan với truyền thống mừng Xuân của người Công Giáo Việt Nam. Giáo Hội chúng ta cũng rất coi trọng truyền thống văn hóa và các nghi thức phụng vụ trong những ngày Tết.

Những ngày đầu Xuân, trong các nhà thờ Công Giáo Việt Nam, đâu đâu cũng tràn ngập người về dự lễ. Đặc biệt, ba ngày Tết được coi như là những giây phút thiêng liêng chúng ta dùng để tạ ơn Thiên Chúa, cầu cho các bậc tổ tiên và xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Thật tài tình, các thần học gia và chuyên gia phụng vụ đã chọn các bài đọc dùng trong “ngày thánh hóa công ăn việc làm” rất có ý nghĩa linh thánh và đầy tính văn hóa. Các bài đọc này đặc biệt nói lên tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người và cũng như sứ vụ của con người được cộng tác với Ngài trong việc xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn.

Thiên Chúa trao ban cho con người công việc làm ăn

Bài đọc một của thánh lễ hôm nay, Sách Sáng Thể thuật lại, sau khi Thiên Chúa hoàn thành công việc sáng tạo muôn loài trời đất, Ngài “đem con người đặt vào vườn E-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St. 2, 15). Như thế, từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã trao ban cho con người hết mọi loài thọ tạo và giao cho trách nhiệm trông coi và canh tân thế giới này. Mặc dầu các công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã rất hoàn hảo, nhưng Ngài muốn con người không được yên nghỉ mà luôn phải công tác.

Công việc làm ăn hằng ngày của con người không chỉ mang lại những lợi ích hằng ngày cho nhu cầu của con người mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng rất cao cả, vì công việc này được Thiên Chúa chúc lành và trao phó vào tay con người. Tất cả mọi công việc làm ăn, vì thế rất cần thiết, chính đáng và được tôn trọng.

Nói cách khác, hoàn thành công việc hàng ngày là một sứ vụ cấp bách, cho nên không ai được sống vô kỷ luật, biếng nhác, hay tìm cách trốn tránh chẳng muốn làm việc gì. Thánh Phao-lô thậm chí rất nghiêm khắc khi ngài dạy rằng: “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, tôi truyền dạy và khuyên nhủ anh em hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (2 Tx 3, 12-13).

Thiên Chúa ban ơn để con người hoàn thành công việc

Khi trao ban công việc cho con người, Thiên Chúa không để mặc cho con người tự mình hoàn thành nhưng Ngài ban cho con người đủ ơn lành, khả năng và địa vị tùy theo tính cách và hoàn cảnh của từng người để hoàn thành công việc được giao.

Sách Tin Mừng thánh Mathêu thuật lại câu chuyện, “có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25, 14-15).

Quả vậy, Thiên Chúa đặt chúng ta vào nhiều môi trường làm khác nhau, có người làm việc trong ruộng vườn, có người làm việc trong nhà máy hay văn phòng, lại có người làm việc trên giảng đường, bệnh viện hay trong nhà thờ... Ngài không để chúng ta vất vả khó nhọc một mình mà luôn ban đủ sức mạnh cần thiết để chúng ta hoàn thành công việc của mình. Thiên Chúa thấu hiểu những vất vả và khó nhọc của chúng ta. Những giọt mồ hôi và nước mắt của chúng ta đều được Ngài nhìn nhận và thánh hóa chúng thành những của lễ tiến dâng đẹp lòng Ngài.

Điều Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta là siêng năng làm việc, phát huy hết khả năng của mình, để công việc đó mang lợi ích cho gia đình, cho xã hội và Giáo Hội. Việc chúng ta cầu xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa công việc làm là để chúng ta củng cố niềm tin và luôn biết dựa vào sức mạnh của Ngài để hoàn thành công việc mà không bao giờ bị vương vấn bởi những vất vả và thử thách của nó.

Lời kết

Những người tin vào đức Phật và các vị thần linh ở Đài Loan đến miếu hoặc đình chùa vào những ngày Xuân để xin lộc và dùng “tài lộc” đó để làm ăn kinh doanh, sau một năm họ trở lại để tạ ơn các vị thần của họ. Còn chúng ta, ước gì những ngày đầu năm, khi đi tham dự thánh lễ, khi cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, ta cũng luôn biết tạ ơn và tin tưởng vào sự quan phòng và trợ giúp của Thiên Chúa. Xin cho mọi người chúng ta biết dùng “vốn lộc” Ngài ban để sinh hoa kết trái như “người lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác; người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác” (Mt 25, 16-17).

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Trời nào có phụ ai đâu! Hay làm thì giàu, có chí thì nên.” Vì thế, chỉ cần chúng ta chuyên chăm cần cù làm việc, Thiên Chúa sẽ chúc lành và thánh hóa để công việc chúng ta được thành công. Tin tưởng rằng chúng ta có đủ hào khí bắt đầu một năm làm việc mới, và năm sau chúng ta cũng tràn đầy hy vọng đến trước mặt Chúa dâng lên Ngài thành quả công việc của năm, và Ngài sẽ nói với chúng ta: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy và mà hưởng niềm vui mà ta đã dành cho ngươi” (Mt 25, 23).

Kính chúc quý vị năm mới tràn đầy ơn Chúa, VẠN SỰ AN KHANG!


 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:41 11/02/2021

4. Một con kiến thấp hèn dám nhục mạ ông chủ uy nghiêm vô hạn, thì nó là kẻ hung ác đến mức nào.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 11/02/2021
62. ĐÃ KHỐN LẠI KHÓ

Có một bà vợ của phú ông mỗi ngày đều có la mắng nhau chí chóe, mà cái mặt thì lại quá xấu xí, cho nên ông chồng mỗi ngày đều thở dài nói:

- “Người khác góa vợ, nhưng tôi thì không thể góa vợ”.

Bà vợ không hiểu bèn về hỏi cha mẹ, phụ thân nói:-

- “Đó là nó chê mày mặt mày xấu xí, muốn mày mau chết cho nên mới nói “góa vợ”.

Con gái bèn hỏi:

- “Vậy thì làm sao để đối phó?”

Phụ thân trả lời:

- “Nếu hắn ta nói lần nữa, thì mày nên nói: người khác quả phụ, nhưng tôi thì không thể quả phụ”.

Cách mấy ngày sau, ông chồng lại nói:

- “Người khác góa vợ, nhưng tôi thì không thể góa vợ”.

. Bà vợ muốn đả kích lại, nhưng đột nhiên quên mất câu nói của phụ thân, nên vội vàng nói:

- “Người khác sinh mụn nhọt, còn tôi thì không thể”.

Ông chồng cười nói:

- “Nếu bà mà sinh mụn nhọt, chẳng lẽ không phải là đã khốn lại khó sao?”

(Tiếu Hải Thiên Kim)

Suy tư 62:

Người đẹp thì khi khóc cũng đẹp, khi giận cũng đẹp và khi cười thì càng đẹp hơn; người xấu thì cười cũng xấu, khóc cũng xấu và giận thì càng xấu hơn; đẹp hay xấu đều do trời cho, mà trời cho thì luôn là công bằng như nhau.

Người tuy đẹp nhưng ngôn hành không đẹp thì coi như xấu, những người này thường bị người chê, người đẹp mà lòng dạ ác hiểm xấu xa thì coi như xấu, những người này thường bị người tránh xa, dù trong lòng họ rất tiếc cho một người có nhan sắc mà lòng dạ quá xấu.

Người xấu mà lòng dạ đẹp thì người ta nói đó là người có duyên ngầm đáng yêu; người xấu nhưng ngôn hành dễ thương, biết giúp đỡ mọi người thì là đẹp hơn cả hoa hậu thế giới vì ai cũng mến họ, lòng mến này phát xuất từ tâm hồn mà ra chứ không từ con mắt xác thịt mà nhìn...

“Đã khốn lại khó” tức là đã xấu, đã dử tợn, bây giờ lại còn mọc thêm mụn nhọt trên mặt nữa thì xấu chết đi được, ai mà dám tới gần !

Cho nên người Ki-tô hữu thường lấy cái tâm bình an, hiền hòa, yêu thương để làm cho cái xấu nơi mình trở thành cái đẹp theo ý của Thiên Chúa, tức là hành xử đẹp, nói năng đẹp, cử chỉ đẹp tràn đầy tinh thần Phúc Âm c ủa Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Nhật VI Thường Niên B
Lm. Jude Siciliano, OP
00:37 11/02/2021
CHÚA NHẬT VI TN (B)
Lêvi 13: 1-2, 44-46; T.vịnh 31; 1Côrintô 10: 31-11,1; Máccô 1: 40-45

Tôi phải thú nhận rằng với tư cách của một người rao giảng, tôi có xu hướng bỏ qua bài đọc thứ 2 của các ngày Chúa Nhật. Những bài này thường là trích từ thơ các thánh tông đồ, nhất là thơ thánh Phaolô viết cho các cộng đoàn gíáo hội tiên khởi, và là một trong những thư loan báo Tin Mừng sớm nhất. Nhưng, vì các thơ đó thường thiếu những câu chuyện như trong phúc âm, nên các thư đó không thu hút được người nghe theo như các câu chyện trong phúc âm. Bởi thế, chúng tôi các người rao giảng thường có xu hướng không dựa vào các bài đó để giảng. Nhưng, phần đông, chú trọng đến phúc âm, hay một câu chuyện sống động trong bài đọc thứ nhất trích từ cựu ước. Bởi thế, trong bài giảng này, tôi nghĩ rằng tôi sẽ tập trung vào bài đọc 2 trích từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côrintô, trước hết, đây là khung cảnh thời bấy giờ.

Thành phố Côrintô là thủ phủ của tỉnh Achaia thuộc đế quốc La-Mã. Đó là trung tâm buôn bán rất phồn thịnh. nơi có nhiều trường học, có nhiều trận thi đâu thể thao, và nơi có nhiều đền thờ ngoại giáo. Đó là một thành phố cho Phaolô nhiều cơ hội để rao giảng và diễn giải về Chúa Giêsu cho những người Côrintô trí thức, Bài trích thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô cho chúng ta thấy rõ điều chúng ta biết về kinh nghiệm của chính mình: Đó là văn hóa, chính trị, của một xã hội có thể có giá trị ảnh hưởng đến lối sông của chúng ta trong đức tin Kitô giáo. Cũng như những người ở Côrintô, những giá trị thế tục của chúng ta đã len vào giáo hội và gây sự chia rẻ, chống phá sự hiệp nhất và thánh thiện của của chúng ta. Việc trở nên những công dân tốt không đồng nghĩa với việc chúng ta là những Kitô hữu sống tốt đạo. Trong 2 thư gởi cho tín hữu Côrintô. thánh Phaolô đề nghị chống lại những giá trị của thế tục đang len vào cộng đoàn đức tin để chia rẻ họ.

Bài đọc 2 hôm nay được trích từ chương thứ 10. Trong thơ thánh Phaolô nói về các thức ăn và uống. Khi người Kitô hữu được mời vào nhà một người không phải là Kitô hữu, họ phải đối mặt với một tình huống khó xử sau: Liệu họ có thể ăn những món ăn mà trước đó đã được để trên bàn thờ để dâng cho một thần ngoại giáo không? Người đó có được phép ăn món thịt đã được dâng cho một vị thần mà họ biết là không hề tồn tại hay không?

Mối quan tâm của thánh Phao lô là nói đến những Kitô hữu có "sáng suốt" nên như những người không có vấn đề gì trong việc ăn các thức ăn này. Đối với Phaolô thức ăn không phải là vấn đề, nhưng ông lo lắng về những ảnh hưởng sau khi ăn nó cho những Kitô hữu yếu đuối trong cộng đoàn đức tin. Người Kitô hữu ở thành Côrintô phải nhạy cảm trước những giễu cợt của người khác khi họ tuyên xưng đức tin yếu đuối mình và cũng phải sống gương mẫu cho người ngoại giáo láng giềng họ.

Khi còn nhỏ, chúng tôi biết những người láng giềng gốc Do thái của chúng tôi, họ không được phép ăn thịt heo hay các vật phẩm có vỏ cứng. Chúng tôi nghĩ rằng họ thiếu dịp để thưởng thức các món ăn ngon mà chúng tôi thường ăn hằng ngày như thịt xông khói và trứng. Nhưng, chúng ta ngưỡng mộ họ về cách ăn uống này, vì đó là dấu chỉ cho chúng ta biết là các bạn Do thái đã chú trọng đến đức tin nên luôn tự nguyện tuân thủ điều này. Chúng ta không ăn thịt vào ngày thứ sáu trong tuần, nhưng, đó chỉ là một lần trong tuần thôi.

Từ vấn đề nói về thức ăn, thánh Phaolô rút ra những nguyên tắc có thể và nên để ý áp dụng ở những nơi khác. Thánh Phaolô kết luận là các thần ngoại không có ý nghĩa gì, vì các thần đó, đại diện cho hình tượng không tòn tại. Bởi thế, các Kitô hữu có thể ăn các thức ăn. Nhưng, không nên ăn nếu việc họ ăn có thể gây nên gương xấu cho một số người trong cộng đoàn yếu đức tin (1Cr 8: 13; 10: 23-29). Những gì thánh Phaolô nói về việc ăn các thức ăn đã được dâng lên cho các thần ngoại là điều xa lạ với chúng ta. Nhưng, hãy lưu ý đến nguyên tắc mà Phaolô chú trọng là: Những gì đã được ăn chưa phải là hành vi đúng. Đôi khi, chúng ta phải biết từ chối những "gợi ý có vẽ trong sáng" vì kính trọng kẻ khác "Vậy dù ăn, dù uống hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm việc đó để tôn vinh Thiên Chúa. Tránh sự xúc phạm…".

Thánh Phaolô khuyên chúng ta rằng hãy tôn vinh Thiên Chúa khi chúng ta phục vụ ké khác và tìm sự hiệp nhất trong dân của Thiên Chúa. Thiên Chúa không được tôn vinh nếu điều tôi lựa chọn gây nên sự phẩn nộ và chia rẻ làm xáo trộn cộng đoàn. Thật ra, những thái độ như thế là điều làm chứng không xứng hợp đối với những người mới có đức tin, hay những ai đang cân nhắc đến việc gia nhập cộng đoàn. Thánh Phaolô cảm thấy thoải mái khi ăn các thức ăn đã được dâng cúng cho các thần ngoại. Nhưng, nếu làm như thế thì kẻ khác sẽ bị xúc phạm, thì ông sẽ từ chối hưởng dùng.

Lý thuyết của Phaolô về thái độ là "hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" và "làm gương tốt trong tất cả mọi việc" Phaolô khuyên các Kitô hữu ở Côrintô là họ nên thận trọng về việc trở nên gương xấu "hãy làm hài lòng mọi người" Đức tin của chúng ta là hành vi thực hiện của nội tâm: Như cầu nguyện, suy ngẫm, học hỏi v.v... Và cũng có hình thức bên ngoài để làm chứng cho đức tin của chúng ta và cho Đấng mà chúng ta hiến thân cho Ngài. Phaolô cho chúng ta yếu tố để suy ngẫm. Chúng ta cần phải quan tâm đến tất cả những hành vi để tôn vinh Thiên Chúa. Nếu chúng ta không trở nên gương mẫu trong hành vi của chúng ta, chúng ta có thể trở nên như những người ngăn cản những ai muốn biết Chúa Kitô. Mối quan tâm chính của chúng ta chính là tạo niềm hạnh phúc cho kẻ khác, kể cả việc sử dụng lợi ích cá nhân của chúng ta mà hành động. Đó không chỉ là những phong tục và cử chỉ trong thói quen ăn uống. Tất cả những gì, chúng ta, những Kitô hữu làm và nói cần phải thể hiện cho được sức sống của Chúa Kitô toả sáng qua cuộc sống hằng ngày của chúng ta và phản ánh được sự chú ý đối với lương tâm của kẻ khác.

Thánh Phaolô kết thúc là "Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô". Điều đó thật là táo bạo phải không? Nhưng, mọi người có thể bắt chước Phaolô, vì hành vi của ông ta không dựa vào bản thân ông. Nhưng vì ông ta là “người bắt chước Đức Kitô”. Phaolô không có ý nói là đức tin của ông ta theo lời dạy của Đức Kitô. Chính ra, trọn đời sống của ông đã noi theo những gì mà Đức Kitô đã cho chúng ta thấy qua đức tính khiêm nhường và chấp nhận cái chết vì chúng ta (Phil2: 6-11) Đó là khuôn đúc mà Đức Kitô đã đặt để cho đời sống của Phaolô và vì thế, đời sống của ông không biểu lộ chính bản chất của con người ông nhưng là sự sống của Đức Kitô.

Phaolô dùng chính hành vi của ông để diển tả những điều ông ta nói "...cũng như tôi đã cố gắng làm đẹp lòng mọi người bằng mọi cách. Trong mọi hành động tôi không tìm lợi ích cho riêng tôi, nhưng là lợi ích của nhiều người để họ được ơn cứu chuộc”. Đức Kitô đã không ban đức tin cho các môn đệ tìm đến Ngài chậm trể như Phaolô, có ý nói đến chúng ta cần phải làm như thế nào cho những người mới có đức tin, hay những người đang cân nhắc xem họ có nên theo Đức Kitô và đường lối của Ngài hay không.

Trong những tuần vừa qua, chúng ta tiếp tục nghe những bài đọc được trích từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côrintô. Trong lúc bị dịch Côvid, có người nói là họ không được hoạt động nhiều, và họ cảm thấy họ rất có ít thì giờ để đọc sách và suy ngẫm. Bài đọc hôm nay là phần kết thúc của thư đó. Nếu chúng ta chưa nghe bài đó trước, chúng ta có thể cố gắng đọc trọn thư của thánh Phaolô. Nếu chúng ta làm như thế, chúng ta có thể biết rõ những gì là đặc biệt của giáo hội ở Côrintô, sức mạnh của giáo hội, những yếu đuối và khám phá được những điểm tương đồng với cộng đoàn của giáo hội chúng ta, và sẽ khám phá ra cách thánh Phaolô đáp ứng như thế nào cho những nhu cầu trước mắt ông ta. Tại sao bạn không dành một ít thời gian để đọc tất cả thư đó? Trong khi chúng ta đọc thư, chúng ta sẽ nghe thánh Phaolô kêu gọi các Kitô hữu sống một đời sống đức tin thiết thực hơn và thách thức chúng ta, là các Kitô hữu thời nay, hãy trở nên nhân chứng cho thế giới.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

6th SUNDAY (B)
Leviticus 13: 1-2, 44-46; Psalm 32; I Corinthians 10: 31-11:1; Mark 1: 40-45

I have to confess as a preacher I tend to skip over the Sunday second readings. They are almost always taken from the letters the apostles, especially Paul, wrote to the early Christian communities and are among the earliest written proclamations of the good news. But since they lack the narrative characteristics of the Gospels they don’t “grab” listeners the way gospel stories do. So, we preachers tend not to draw on them for our preaching but, for the most part, concentrate on the gospel passage, or a vivid narrative from the first reading, the Hebrew Scriptures. So, in this edition I thought I would focus on our second reading from 1 Corinthians. First some background.

Corinth was the capital of the Roman province Achaia. It was a thriving center of commerce, learning, athletic contests and pagan shrines. It was a city that offered Paul numerous opportunities to preach and teach about Jesus to the sophisticated Corinthians. I Corinthians confirms what we know from our own experience: cultural and political values of a society can influence our ways of living our Christian beliefs. Like the Corinthians our secular values creep into our church life and rip and tear at our unity and holiness. Being a good citizen does not always flow over to our being good Christians. In his two letters to the Corinthians Paul struggles against how divisive the values of the world can be on the believing community.

Our passage today, taken from chapter 10, is from a section of the letter where Paul has commented on food and drink. When Christians were invited to the homes of non-Christians they faced a dilemma: could they eat the food placed before them that had been offered on altars to the pagan gods? Was it permissible to eat meat offered to a god they knew didn’t exist?

Paul’s concern wasn’t about the “enlightened Christians” who would not have a problem eating the food, but about the more scrupulous Christians in the community. For Paul the food was not the issue, but he was concerned about the effects eating it would have on others. The Corinthian Christians must be sensitive to the scruples of others and also set an example for their pagan neighbors.

As children we knew our Jewish neighbors weren’t permitted to eat pork or shellfish. We did and thought they were missing good food we ate regularly – like bacon and eggs. But we admired their eating customs because they signaled to us the devotion and observance our Jewish friends had to their faith. We did not eat meat on Friday, but that was only once a week.

From the issue over food Paul draws principles that can and should be applied elsewhere. He concluded that idols meant nothing, since the gods they represented did not exist. So Christians could eat the food, but not if doing so scandalizes someone in the Christian community (I Cor 8: 1-13; 10:23-29). What Paul said about eating food sacrificed in pagan worship is foreign to us. But note the principle Paul draws: everything that is permissible may not be edifying. Sometimes we have to renounce our “lighted principles” out of respect for others. “Whether you eat or drink or whatever you do, do everything for the glory of God. Avoid giving offense....”

Paul counsels us that we give glory to God when we serve one another and seek unity among God’s people. God is not glorified if my choices cause wrangling and division in the community. If fact, such behavior is a negative witness to those who may be young in the faith, or considering joining the community. Paul felt free to eat food sacrificed to idols, but, if by doing so, others would be offended, he would abstain.

Paul’s principle for behavior is, “do everything for the glory of God,” and, “please everyone in every way.” He is advising the Corinthian Christians to be careful that we do not give offense, “please everyone.” Our faith has its interior practices – prayer, meditation, study, etc. It also has exterior forms which give witness to what we believe and the One to whom we give our lives. Paul gives us cause to reflect. We ought to be concerned that all we do and say gives glory to God. If we do not consider the example our behavior gives we can be an obstacle to others coming to know Christ. Our primary concern is for the well-being of others, even over our personal interest. It is about more than table customs and manners. All we Christians do and say should show the life of Christ shining through our daily lives and reflect sensitivity to the consciences of others.

Paul concludes saying, “Be imitators of me, as I am of Christ.” That sounds bold doesn’t it? But people can imitate Paul because his behavior isn’t based on himself but because he is an “imitator of Christ.” He does not just mean that his ethics follow Christ’s teachings. Rather, his whole life imitates what Christ has shown us by his humility and acceptance of death for our sake (Phil. 2:6-11). That’s the pattern Christ has set in Paul’s life and so his life manifests not himself, but the life of Christ.

Paul uses his own behavior to illustrate what he is saying, “...just as I try to please everyone in every way, not seeking my own benefit, but that of the many, that they may be saved." Christ did not give up on his disciples who were slow coming to understanding his message. Paul is implying that we need to do the same with those who are still in the early stages of their faith, or are considering whether or not to join us in following Christ and his way.

For the past several weeks we have had sequential readings from I Corinthians. During this pandemic some people say that with limited mobility they find they have had a little more time to read and meditate. Today’s passage from comes from a summary section of the letter. If we have not done it before, we might try reading the entire letter in its totality, even in one sitting. When we do we will get an overview of what characterized the Corinthian church, its strengths, flaws and discover the similarities with our own church community and discover how Paul responded to the needs before him. Why not put some time aside to do that? As we read the letter we will hear Paul’s call to more authentic Christian living and the challenge to us modern Christians to give witness to our world.
 
Thánh lễ Mùng Một Tết Tân Sửu 12/2/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:12 11/02/2021


BÀI ĐỌC I: St 1,14-18

“Những vật sáng hãy trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm. Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 2. 3-4. 5-6. 12-13. 14. 16

Ðáp: Lạy Chúa, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng tôi làm ra. (17c)

1) Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở nầy qua thuở kia, vẫn có Ngài.

2) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.

3) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.

4) Xin dạy chúng tôi biết đếm ngày giờ, để chúng tôi luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

5) Xin cho chúng tôi sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng tôi mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng tôi. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.

BÀI ĐỌC II: Pl 4,4-8

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!”

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Phi-lip-phê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:

All. All. – Trải qua mọi ngày, chúng tôi chúc tụng Chúa; và chúng tôi ca ngợi danh Chúa tới muôn đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 6,25-34

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Đó là lời Chúa.
 
Tặng trao sự sống và cứu sống
Lm. Minh Anh
02:46 11/02/2021
TẶNG TRAO SỰ SỐNG VÀ CỨU SỐNG
“Vì lời bà nói đó”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật trùng hợp, Lời Chúa hôm nay nói đến hai người mẹ: một người mẹ Cựu Ước; một người mẹ Tân Ước. Người mẹ Cựu Ước được Thiên Chúa ‘tặng trao sự sống’, người mẹ Tân Ước được Chúa Giêsu ‘cứu sống’ con; cách nào đó, đối với bà, là cứu sống chính bà. Và thật ý nghĩa, khi hôm nay, ngày cuối cùng của năm Âm lịch, Hội Thánh kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức trong ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, không thể trùng hợp hơn! Điều đó cho phép chúng ta, qua Mẹ Maria, chiêm ngắm một Thiên Chúa, Đấng ‘tặng trao sự sống và cứu sống’.

Sách Sáng Thế tường thuật câu chuyện ly kỳ khi Thiên Chúa ‘tặng trao sự sống’ cho người mẹ của chúng sinh, Eva. Không đơn giản chút nào! Có một điều gì đó rất thú vị ở đây. Hẳn Ađam đã có một nhịp sống điều độ, giờ giấc, nề nếp; và có lẽ nguyên tổ đã rất minh mẫn, tỉnh táo và thông tuệ; cũng đúng thôi, vì Ađam là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành. Vì thế, để có thể ‘mượn khéo’ một cái gì đó của Ađam, rất có thể ngoài ý muốn của ông, “Thiên Chúa phải khiến ông ngủ say; khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn” để làm nên người mẹ đầu tiên ấy.

Với chi tiết này, chúng ta có thể nghĩ ngay đến Mẹ Maria. Thiên Chúa không chỉ ‘tặng trao sự sống’ cho Đức Mẹ như cho bà mẹ tổ và cho tất cả chúng ta; nhưng qua Mẹ Maria, Thiên Chúa còn ‘tặng trao một Đấng Ban Sự Sống’ cho trần gian. Chúa Giêsu Kitô, quả phúc lòng Mẹ; Đấng cứu độ thế giới, vốn sẽ là quà tặng vĩ đại nhất, vĩ đại hơn tất cả các quà tặng của mọi bà mẹ trên thế gian có thể ‘nhận được và trao tặng’ cộng lại. Quà tặng Giêsu là quà tặng sự sống, Ngài sẽ ban sự sống đích thực cho con người, cho thế giới, cho nhân loại. Không thể tuyệt vời hơn!

Tiếp đến là bà mẹ Tân Ước của Tin Mừng Marcô. Đây là một bà mẹ ngoại giáo gốc Hy Lạp; bà mon men đến với Chúa Giêsu, phục lạy, khẩn cầu Ngài chữa cho con gái bà khỏi quỷ dữ. Chúa Giêsu trả lời, “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho cún”. Nhưng bà ấy thưa Ngài rằng, “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các cún con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Ôi, không thể tưởng tượng, cũng không thể tin được, một lương dân đã nói lên một chân lý! Rằng, không ai xứng đáng với ơn Chúa cả; trước mặt Thiên Chúa, chẳng có ai xứng đáng. Đối diện một lòng tin và sự khiêm tốn của một người mẹ vốn chấp nhận sự hư không của mình, chấp nhận ngang hàng với những con vật dưới gầm bàn, Thiên Chúa phải chịu thua, Chúa Giêsu phải đầu hàng; vì vậy, Ngài phải ‘cứu sống’, “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Quá ư tuyệt vời! Vượt qua một sự thử thách đức tin đến như thế, bà đáng được thưởng; sự vượt qua này cũng cho thấy tình yêu bà dành cho con gái mình lớn lao nhường nào.

Một điều thú vị khác, nếu chúng ta hiểu được cái gọi là ‘giống đực, giống cái’ trong một vài ngôn ngữ, thì hình ảnh bà mẹ ngoại giáo xin Chúa cứu cho con gái mình sẽ nói với chúng ta nhiều điều. Chẳng hạn tiếng Pháp và tiếng Latin, “Nhân loại, Humanitas” là giống cái; “Hội Thánh, Ecclesia” là giống cái; “Cộng đoàn, Communitas” là giống cái; “Giáo xứ, Paroissia” là giống cái; “Gia đình, Familia” là giống cái; và cả “Linh hồn, Anima” cũng là giống cái… thì thâm thuý biết bao! Đó chính là ‘những đứa con gái’ của Mẹ Maria. Mẹ là mẹ của ‘những đứa con gái’ vốn có thể đang phải dịch bệnh, đang khốn cùng trong tội lỗi hoặc đang đau khổ cách này cách khác; và Mẹ cũng đang đêm ngày van vỉ Thiên Chúa ‘tặng trao sự sống và cứu sống’ cho các con mình.

Anh Chị em,

Hôm nay ngày Quốc Tế Bệnh nhân, trước hết, chúng ta nhớ đến những người đau yếu phần xác; nhưng vì là ngày cuối năm, chúng ta không quên những ai đang thương tật tinh thần. Có lẽ nhân loại, thế giới và cả Hội Thánh, cộng đoàn, gia đình và mỗi người chúng ta cũng đang rên siết vì đau đớn. Chúng ta sống đến được ngày hôm nay, thì hẳn Đức Mẹ cũng đã kì kèo, nài xin Thiên Chúa cho chúng ta bao ơn phúc mà Mẹ biết chúng ta cần. Nhưng, một trong những ơn Đức Mẹ biết chúng ta cần hơn cả, là chính Chúa Giêsu. Ngài là Đấng ‘tặng trao sự sống và cứu sống’. Chớ gì chúng ta biết năng chạy đến với Mẹ, níu áo Mẹ; Mẹ sẽ không bao giờ đứng xa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, qua Mẹ Maria, Chúa đã ‘tặng trao sự sống và cứu sống’ con bao lần suốt một năm qua; con xin tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ. Con xin tận hiến đời con cho Chúa qua Mẹ; xin Mẹ tiếp tục giữ con xứng đáng, để dâng con cho Chúa mỗi ngày suốt Năm Mới và trọn cả đời con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tân Sửu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:10 11/02/2021
Hòa với tâm tình con dân nước Việt và bà con nhiều dân tộc Á Châu, chúng ta đã tiển đưa về quá khứ năm cũ Canh Tý và đón chào năm mới Tân Sửu. Một năm Canh Tý xem ra không mấy an bình và thịnh vượng nhiều mặt mà loài “chút chít”, loài gặm nhấm cách nào đó đã nói lên cách riêng trong nền văn chương tục ngữ, ca dao và chuyện kể. Một năm mới, năm Tân Sửu đã về. Hình ảnh con vật đại diện của năm thật là tốt đẹp và thân thương rất nhiều mặt.

“Ngày xưa còn bé, ai cũng thuộc lòng bài này trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:
…Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ. Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa …Và bài: Trâu ơi, ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta, cấy cầy vốn nghiệp nông gia, Ta đây trâu đấy ai mà quản công…

Con trâu khi còn sống không chỉ là con vật vừa gần gủi vừa hữu ích, cách riêng với nghề nông mà khi nó chết đi gần như cả toàn thân con vật thân thương ấy đều hữu dụng cho con người. Không riêng gì thịt, huyết hay lòng mà cả đến bộ lông, da, sừng, móng đều được sử dụng phục vụ nhu cầu của con người trong nhiều lãnh vực như cái trống, chiếc lược hay quân cờ…

Bên cạnh rất nhiều điều tốt lành mà hình ảnh con trâu thường gắn liền với lũy tre làng xanh mướt gợi mở thì chúng ta dường như chỉ thấy một vài điều không tốt nơi nó mà trong đó có một điều chắc hẳn ông bà anh chị em đều có thể đoán ra là khi con vật đó bỗng trở thành “chú trâu điên”.

Chú trâu mà hóa điên thì nguy hiểm thật khó lường. Chúng ta đều hiểu nét biểu hiện chủ yếu và đầu tiên của chú trâu điên là không còn nhận biết chủ của nó và chiếc dây mũi chẳng thể quản được chú ta. Đã là người thì phải biết trên biết dưới. Không một ai tự mình hiện hữu trên cõi trần này. Đã là người có chút lương tri ngay chính thì phải biết có trời cao, đất thấp. Đây chính là niềm tin căn bản dệt nên tâm tình tạ ơn của con người dịp chuyển giao tiết thời cũ mới. Biết bao hình ảnh người người tạ ơn Đấng dựng nên vũ trụ đất trời vẫn có và đang còn đó trước mắt chúng ta, dẫu cho hình thức và cách thế biểu hiện có khác nhau do khác biệt về niềm tin, tôn giáo hay phong tục tập quán.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong Thánh Lễ Minh Niên khẳng định chân lý nền tảng này: Chính Thiên Chúa mới là chủ tể mọi vật mọi loài, vì Ngài là Đấng Hóa Công tạo dựng nên mọi sự. Loài vật mà còn cần phải biết chủ huống là loài người chúng ta. Động thái sống không biết trên biết dưới, những tưởng rằng mình tự làm nên mình hay bàn tay ta làm nên tất cả thì sẽ có nguy cơ hóa thành con trâu bất trị, điên cuồng.

Trên nền tảng của sự nhận thức biết trên biết dưới thì người ta sẽ biết trước biết sau tức là chân nhận rằng trước đây tôi chưa có và một thời gian nữa tôi sẽ giả từ trần thế này để trở về với cội nguồn là nơi mà mình được tạo thành, được sinh ra. Bài Tin Mừng thánh Matthêô mạc khải cho nhân loại, cho chúng ta hiểu rằng cội nguồn ấy chính là Thiên Chúa, Đấng quyền năng vô cùng và dạt dào tình yêu với mọi loài, cách riêng loài người chúng ta, loài cao trọng nhất trong các loài hữu hình được tạo dựng nên. Và tâm tình cũng như thái độ sống thật là chính đáng và phải đạo, đạo làm người đó là vừa tin tưởng phó thác vừa hiếu thảo để cống hiến và trao dâng.

Chúa Giêsu đã cụ thể hóa tình yêu và quyền năng của Cha trên trời qua các hình ảnh gần gủi thân thương là hoa cỏ đồng nội, là cánh chim trên trời để mời gọi chúng ta thêm phần tín thác vào sự quan phòng của Đấng là Tình Yêu đầy Quyền Năng. Khi tin tưởng vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng là Cha của hết mọi người thì chúng ta phải biết và giữ hai điều này:

1.Không được phép quá băn hăn bó hó về những thiện hảo đời này làm như chỉ có mình chúng ta mới làm được hay chỉ có bàn tay ta mới làm nên tất cả. Và như thế là không biết trên biết dưới, vì lầm tưởng mình là chủ tể mọi sự.

2.Phải biết sống hiếu thảo với Đấng tạo thành chúng ta như lời Chúa Giêsu truyền dạy là tiên vàn phải biết tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Danh Chúa được cả sáng, hiển vinh khi nhân loại được sống trong bình an và hạnh phúc. Nước Thiên Chúa sẽ rộng lan khi tình yêu liên đới huynh đệ giữa người với người được dệt xây và bảo vệ. Khi đã biết trên biết dưới, biết trước biết sau thì chúng ta sẽ biết trong biết ngoài, biết gần biết xa trong tình yêu cống hiến và tinh thần trách nhiệm.

Để kết thúc những dòng chia sẻ này, qua hình ảnh con vật thân thương của Xuân mới Tân Sửu, kính chúc nhau và nỗ lực giúp nhau sang năm mới ngày càng “cần mẫn và hiền hòa hơn, biết cống hiến và sống hữu ích hơn…’ trên nền tảng là biết sống có trên có dưới. Một cụm từ ám chỉ về nhóm giới trẻ sống không biết trên biết dưới đó là “trẻ trâu” (young bufalo). Xin đừng để một ai phải mang tiếng làm kiếp “trâu điên”, cách riêng những người đang có ảnh hưởng lớn ngoài xã hội hay trong giáo hội. Chú nhóc điên mà còn nhỏ hay yếu sức thì người ta có thể trói gô lại. Nhưng nếu chú điên mà to lớn và sung sức thì người ta chỉ biết bắn thuốc mê để tìm cách trị liệu, chưa kể có trường hợp là không thể làm gì hơn đành phải cho chú nó ngã gục, lìa đời cách thật đáng tiếc.

Hãy là trâu béo kéo trâu gầy. Xin đừng làm cảnh trâu buộc ghét trâu ăn. Dẫu cho có đó chuyện đàn gảy tai trâu nhưng phận chúng ta phải kiên trì cất cao lời chân lý.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
 
Thứ Bẩy 13/2: Kính nhớ tổ tiên. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
23:11 11/02/2021


Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 12-February-2021 theo giờ Việt Nam


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mathew 15:1-6

Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi phải thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em

Giáo hội chọn bài tin mừng của thánh Mát-thêu nhắc nhở chúng ta hiếu thảo với cha mẹ. Điều răn thứ bốn trong 10 điều răn đã được Thiên Chúa răn dạy từ ngàn xưa. Đức Giêsu đã nhắc lại lời trong sách Xuất Hành và Lêvi: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Đặc biệt, Chúa Giêsu khiển trách những luật sĩ và biệt phái về việc áp dụng sai luật Chúa. Đối với họ, lễ vật gọi là ‘Coban’, tức là những gì họ dâng cho Chúa rồi thì họ không còn bổn phận giúp cha mẹ nữa hay sao?

Theo truyền thống tốt lành của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, ngày mồng hai tết là ngày con cháu kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ đã khuất và cũng là dịp báo hiếu.

Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã là nhớ đến cội nguồn của mình và nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của họ và sự khôn ngoan của họ đã để lại cho chúng ta.

“Mẹ cha vất vả nuôi mình

Từ khi trứng nước công trình biết bao.

Làm con phải nhớ công lao,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Sự hiện diện của mỗi người trên cõi đời này không phải là một sự xuất hiện ngẫu nhiên, nhưng là mắt xích của cả một công trình vĩ đại, một chuỗi dài những liên hệ yêu thương từ Adam đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và giờ đây là chúng ta. Tục ngữ có câu: “Con người có tổ có tông,/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Người ta có cha có mẹ/ Không ai ở chỗ nẻ chui lên.

Mỗi năm vào mùng hai tết, Lời Chúa hâm lại lòng yêu mến của chúng ta đối với các ngài:

“Ai mà phụ nghĩa quên công/ Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”.

Hôm nay, chúng ta cũng cần phải nhìn lại thái độ thảo kính đối với ông bà cha mẹ khi các ngài còn sống như thế nào. Thảo kính ông bà cha mẹ là một trong những đức tính nền tảng xây dựng con người. Ai đó mà cha mẹ cũng không yêu mến, biết ơn, thì làm sao yêu được tha nhân, nhất là càng khó để nhận ra tình yêu và ơn huệ của Thiên Chúa để yêu mến Ngài. Theo giáo lý Công Giáo Thảo kính là yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ ông bà, cha mẹ khi các ngài còn sống chứ không phải đến khi ông bà, cha mẹ từ trần mới làm cho to, mua quan tài cho đẹp và đắt tiền, xin Lễ và cầu nguyện, rồi đưa lên bàn thờ đốt vài nén hương, đọc một vài kinh trong một thời gian ngắn là xong. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Sống không cho ăn, chết thì làm văn tế ruồi.” Lòng thảo kính không giống như những Pharisiêu và kinh sư trong tin mừng mà Đức Giêsu đã cảnh báo: “những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì không phải thờ cha kính mẹ nữa.”

Trong xã hội ngày nay cũng còn có những người con như thế: Họ coi việc chăm sóc cha mẹ già là một gánh nặng nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hoặc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, góp tiền trả cho người ta nuôi hay để cho chính phủ nuôi; hoặc cho cha mẹ tiền, quà rồi cho đó là thảo hiếu, nhưng không hề đến thăm, mà có đến cũng chỉ cho có lệ, hay hỏi han cha mẹ sức khỏe các ngài, chắc chắn thân xác các ngài thường hay đau yếu nhưng tinh thần các ngài thế nào? Là người con cháu, chúng ta có để ý quan tâm đến không?

Chúa Giêsu không chỉ nhắc nhở con người về đạo làm con mà chính Ngài từ muôn thuở đã luôn là Người Con đẹp lòng Chúa Cha và chính Chúa Cha đã lên tiếng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Hơn nữa, khi nhập thể làm người, Ngài cũng luôn thảo kính, vâng phục Đức Maria và thánh Giuse.

Vậy, mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta phải nhìn lại bổn phận hiếu thảo với các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ. Chúng ta hãy cố gắng quan tâm đến các ngài, hãy đến thăm, chăm sóc, và phụng dưỡng khi các ngài còn sống hơn là đến thăm tại nghĩa địa.

Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng con có tổ có tông, có cha có mẹ và qua các ngài, chúng con có cả gia sản vật chất, tinh thần và đức tin mà các ngài đã trang trọng trao lại cho chúng con. Xin Thánh Thần Chúa luôn thúc đẩy để chúng con tuân giữ giới răn Chúa, biết quan tâm, yêu mến, biết ơn, vâng lời, giúp đỡ chăm sóc phụng dưỡng các ông bà cha mẹ chúng con khi các ngài còn sống và tạo một gia đình bình an hạnh phúc hướng về hạnh phúc mai sau trong Nước Trời. Amen.

Tôi xin mượn lời của Môi-sen trong sách Dân Số đoạn 6 câu 24 đến 26 để kết: Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em. Nguyện xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến và rủ lòng thương anh chị em. Nguyện xin Chúa ghé mặt nhìn và ban bình an cho anh chị em, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
 
Thánh lễ Mùng Hai Tết Tân Sửu 13/2/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
23:15 11/02/2021


MỒNG HAI TẾT. Kính Nhớ Tổ Tiên Và Ông Bà Cha Mẹ

BÀI ĐỌC I: Hc 44,1.10-15

“Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại”

Bài trích sách Huấn Ca

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6

Đáp: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. (c.1)

1) Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.

2) Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.

3) Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

4) Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình

BÀI ĐỌC II: Ep 6,1-4.18-23

“Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”

Bài trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì. Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Tv 111,1-2

All. All. – Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. – All.

PHÚC ÂM: Mt 15, 1-6

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chương trình hành hương trực tuyến đến Thánh Địa Giêrusalem hoàn toàn miễn phí
Đặng Tự Do
16:26 11/02/2021


Một số nhóm Công Giáo đã mở chương trình ghi danh trực tuyến tham dự một cuộc hành hương ảo miễn phí, nơi những người hành hương có thể trải nghiệm văn hóa và cầu nguyện cùng với Thánh Địa Giêrusalem trong hơn 40 ngày.

Chương trình này có tựa đề là “Hành hương trong đức tin: Hành trình mùa chay ảo qua Thánh Địa Giêrusalem, được truyền cảm hứng bởi Abraham, Tổ phụ trong đức tin của chúng ta” và sẽ diễn ra từ ngày 15 tháng 2 đến ngày 4 tháng 4.

Đây là cuộc hành hương ảo thứ hai kể từ khi các tổ chức bao gồm Trung tâm Giáo hoàng Đức Bà Jerusalem, Terra Sancta Mexico, và Magdala thực hiện một chuyến đi tương tự vào tháng 10.

Những người hành hương sẽ trải nghiệm một chuyến hành hương ảo đến Thánh Địa Giêrusalem qua Mùa Chay và Tuần Thánh, và họ sẽ kết thúc chuyến hành hương với buổi phát sóng Thánh lễ Canh thức Phục sinh và bài suy niệm “Cuộc hành hương trong đức tin”.

Mỗi ngày, chuyến hành hương ảo sẽ cung cấp 30 phút suy tư về Kinh Tin Kính cùng với các địa điểm quan trọng ở Thánh địa. Sau đó sẽ là phần phát sóng Thánh Lễ. Hai ngày đầu tiên cũng sẽ bao gồm hai đoạn video giới thiệu từ các nhà lãnh đạo hành hương Kathleen Nichols và Cha Eamon Kelly.

Các nữ tu Tận hiến Regnum Christi và RC Music Collective đã cung cấp phần lớn nội dung âm nhạc cho cuộc hành hương. Một phần bổ sung được sáng tác bởi Alejandro de la Garza để giúp những người hành hương tập trung suy niệm trong suốt thời kỳ Mùa Chay.

Muốn ghi danh, hành hương trực tuyến đến Thánh Địa Giêrusalem hoàn toàn miễn phí, xin nhấn vào đây

https://email.magdala.org/h/y/79417F0F78CB7A56

hay https://tinyurl.com/4z5jh2pn


Source:Catholic News Agency

 
Tổ chức Giáo hoàng lại sử dụng ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô để truyền bá ý thức hệ giới tính
Đặng Tự Do
16:27 11/02/2021


Tổ chức Giáo hoàng Scholas Occurrentes, tuyên bố rằng mục tiêu của nó là tạo ra một tầm nhìn mới cho việc giáo dục trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, họ không chỉ sử dụng sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô để gây quỹ trên toàn thế giới, mà còn để phổ biến tài liệu về ý thức hệ giới tính cho trẻ em tại ít nhất một chục quốc gia ở Mỹ Latinh.

Kể từ năm 2015, ấn phẩm biểu tượng của Scholas Occurrentes, là bộ sưu tập sách Con Francisco a mi lado, nghĩa là “Với Đức Phanxicô bên cạnh”, đã được xuất bản như một phụ trương của các tờ báo thế tục ở Á Căn Đình, Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha, Colombia, Ecuador, Guatemala, El Salvador, Peru, Nicaragua và Bolivia. Tuy nhiên, phụ trương này bao gồm các tài liệu không chỉ mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo về bản sắc và tình dục con người, mà còn đặc biệt chống lại những lời dạy của chính Đức Thánh Cha Phanxicô về ý thức hệ giới tính.

Mỗi cuốn sách trong bộ sưu tập do Scholas Occurrentes xuất bản đều có hình vẽ của Đức Thánh Cha Phanxicô và bao gồm các cụm từ Đức Thánh Cha thường nói trên những trang đầu tiên.

Scholas Occurrentes được chính thức thành lập vào ngày 14 tháng 5 năm 2015 tại Tây Ban Nha “theo yêu cầu của Tòa thánh” và mục đích của nó bao gồm “ thúc đẩy, cải thiện giáo dục và đạt được sự hòa nhập của cộng đồng, tập trung vào những người thiếu tài nguyên”, cũng như “thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức về giá trị con người”.

Vào ngày 15 tháng 8 năm 2015, quỹ được thành lập tại Á Căn Đình. Cùng ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký một sắc lệnh Giáo hoàng thành lập Scholas Occurrentes “như là một Tổ chức Giáo hoàng”, mô tả nó như một “mạng lưới các trường học trên toàn thế giới chia sẻ tài sản của họ, có mục tiêu chung, đặc biệt quan tâm đến những người thiếu tài nguyên”.

Kể từ đó, Scholas có trụ sở chính tại Rôma, trong tòa nhà San Calixto ở Trastevere, bên cạnh một số cơ quan Vatican khác và các tổ chức Công Giáo quốc tế chính thức.
Source:National Catholic Register
 
Biden tài trợ chương trình để ngăn chặn các nhà lãnh đạo tôn giáo nước ngoài phản đối LGBT
Đặng Tự Do
16:28 11/02/2021


Ông Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy đồng tính luyến ái và ý thức hệ giới tính như một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Tài liệu chỉ đạo “tất cả các cơ quan và ban ngành của chính phủ Hoa Kỳ có liên quan với nước ngoài phải bảo đảm rằng chính sách ngoại giao và hỗ trợ nước ngoài của Hoa Kỳ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính và dị giới trên khắp thế giới”.

Mối quan tâm nhất của những người ủng hộ nhân quyền trên khắp thế giới là việc cung cấp 10 triệu đô la trong năm tài chính sắp tới để tài trợ cho “Quỹ Bình đẳng Toàn cầu” sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen các nhà lãnh đạo tôn giáo nước ngoài, những người lên tiếng ủng hộ gia đình tự nhiên và chống lại sự thăng tiến của LGBT. Những người ủng hộ nhân quyền này có thể bị ngăn chặn giống như cách thức một số nhà tài phiệt Nga bị chặn không cho vào Mỹ.

Sắc lệnh Hành pháp mới này là một phần trong kế hoạch đáp lễ của Tổng thống Biden đối với giới tinh hoa đồng tính luyến ái vì họ ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Vào tháng 12, 30 nhóm cánh tả giàu có, tự gọi mình là Hội đồng Bình đẳng Toàn cầu, đã đưa ra một danh sách các yêu cầu, bao gồm cả việc thông qua Đạo luật Bình đẳng buộc các nơi tạm trú cho người vô gia cư của Công Giáo phải cho nam giới cư ngụ cùng một cơ sở nữ giới.

Nhóm này yêu cầu Biden bãi bỏ Chính sách thành phố Mexico cấm dùng tiền của Hoa Kỳ để tài trợ cho các chương trình phá thai ở nước ngoài, là điều mà ông đã làm trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống. Nhóm này cũng kêu gọi một nỗ lực toàn cầu để chống lại cái mà họ gọi là các nhóm “chống ý thức hệ giới tính” trên khắp thế giới. Điều này có lẽ sẽ bao gồm các nhóm người Mỹ hoạt động ở nước ngoài, bao gồm C-Fam, Liên minh Bảo vệ Tự do, Phụ nữ Quan tâm đến Nước Mỹ, Tổ chức Di sản và các nhóm bảo thủ và ủng hộ đạo lý chính thống khác.
Source:Life Site News
 
ĐTGM Peter Comensoli lên tiếng về vụ lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim hay ngồi tù 10 năm
Đặng Tự Do
16:30 11/02/2021


Thương người có mười bốn mối. Thương linh-hồn bảy mối: Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, tại tiểu bang Victoria, Australia, Thủ hiến Daniel Andrews, người luôn vỗ ngực xưng tên là người Công Giáo vừa khởi xướng ra một luật mới theo đó lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim và trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị ngồi tù đến 10 năm.

Thành ra, phải đau lòng mà thừa nhận rằng có tổng thống hay thủ hiến là người Công Giáo chưa chắc đã là phước cho Giáo Hội và người Công Giáo. Có khi lại là đại thảm họa. Sau tổng thống Biden, thủ hiến Daniel Andrews là một thí dụ điển hình khác.

Thật vậy, Tiểu Bang Victoria của Úc đã thông qua một luật mới quy định việc “tham gia vào một hoạt động thực hành nhằm thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của một người là một tội hình sự”. Trong khi luật này được các nhà vận động LGBT ca ngợi như một chiến thắng chống lại sự phân biệt đối xử, thì Đức Tổng Giám Mục Melbourne nói với tờ The Pillar rằng đạo luật này vi phạm quyền tự do tôn giáo và chống lại các thực hành y tế lành mạnh.

Luật mới này có tên là “The Change or Suppression Conversion Practices Prohibition”, nghĩa là luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới”. Các chính trị gia thường nói lòng vòng cho khó hiểu ra. Nói đơn giản là thế này: nếu một đứa bé trai muốn giải phẩu chuyển giới thành bé gái, bạn không được tìm cách ngăn cản nó cho dù bạn là cha mẹ, linh mục, tâm lý gia, bác sĩ; cho dù bạn ngăn cản nó bằng cách đe nẹt, đối thoại, năn nỉ, van lạy nó; hay thậm chí – như trong luật ghi rõ – bạn nói với nó rằng bạn cầu nguyện cho nó để nó đừng làm như thế. Tất cả những hình thức “lấy lời lành mà khuyên người” này đều bị coi là tội hình sự.

Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli nhấn mạnh với The Pillar rằng luật mới này là cái mới nhất trong một chuỗi những luật lệ làm xói mòn quyền tự do tôn giáo, và Giáo hội phải đối mặt với một cuộc chiến cam go ở Úc vừa để bảo vệ quyền tự do tôn giáo vừa để nói rõ những gì đã xảy ra, cho đến gần đây, về một tầm nhìn đang bị bóp méo về thiện ích của con người.

Vị tổng giám mục viết rằng luật mới “bao gồm các khái niệm khó hiểu về đức tin và đối thoại, các định nghĩa mơ hồ, và các cách tiếp cận thiếu sót về mặt khoa học và y tế. Nó đặt ra những giới hạn độc đoán đối với cha mẹ, gia đình và những người có đức tin”.

Ngay sau khi dự luật được thông qua, Đức Tổng Giám Mục Comenolsi nói rằng ngài và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội đã cố gắng làm việc với các nhà lập pháp để cải thiện dự luật, nhưng đã bị khước từ.

“Chúng tôi đã yêu cầu được gặp tổng chưởng lý và thủ hiến của Victoria, những cuộc gặp gỡ đó đã không diễn ra”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết luật hình sự hóa “bất cứ điều gì không khẳng định hoặc ủng hộ hướng đi mà người đó muốn đi và bị coi là có hại - điểm ‘có hại’ này cần được nêu rõ. Đó chính là nơi xuất phát các vấn đề thực sự, đây là một phần luật pháp rất lỏng lẻo và không rõ ràng, tấn công sâu rộng vào những gì có thể là những cuộc trò chuyện chân thành và thích hợp với các gia đình hoặc các thừa tác viên chăm sóc mục vụ”.

Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng luật mới về cơ bản nghiêm cấm các bác sĩ tâm thần coi chứng rối loạn giới tính như một triệu chứng của bất kỳ vấn đề cơ bản nào khác và có thể ngăn cản bệnh nhân chuyển giới như một phương thế chăm sóc tốt nhất có thể.

“Giả sử ai đó 19 hoặc 20 tuổi, họ đến gặp bác sĩ tâm lý của họ, nói rằng ‘Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi nghĩ mình là nữ hơn là giới tính lúc sinh của mình là nam’, bác sĩ sau đó có thể làm một số xét nghiệm, xem xét những câu hỏi khác về người này liên quan đến cuộc sống và sau đó có thể nói ‘Chà, có những điều khác trong cuộc sống của bạn mà bạn đang phải đối mặt có thể là lý do cơ bản cho những cảm giác này - chúng có thể là thứ bạn đang trình bày dưới dạng triệu chứng nhưng không phải là thực tại sâu sắc hơn’. Cuộc trò chuyện như thế không thể xảy ra nữa”.


Source:Pillar Catholic
 
Cha Opeka ở Akamasoa được đề nghị tranh giải Nobel Hòa bình
Thanh Quảng sdb
22:28 11/02/2021
Cha Opeka ở "Akamasoa" được đề nghị tranh giải Nobel Hòa bình

Nhà truyền giáo Dòng Lazarist, Linh mục Pedro Opeka được đề cử tranh giải Nobel Hòa bình cho công việc ngài thực hiện cho những người nghèo ở Madagascar.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Cha Pedro Opeka, nhà truyền giáo của dòng Lazarist, người gốc Argentina-Slovenia, đã khởi xướng một hiệp hội nhân đạo “Akamasoa” (“Thành phố của Tình bạn”) đã được Thủ tướng Slovenia, Janez Janša, đề cử tranh Giải Nobel Hòa bình. Đề cử này đã được công bố vào ngày 31 tháng 1 trên trang web chính thức của chính phủ Slovenia.

Theo Thủ tướng, Cộng đồng Akamasoa - mà cha Opeka đã thành lập hơn 30 năm trước và Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm vào tháng 9 năm 2019 trong chuyến tông du của ngài đến Mozambique, Madagascar và Mauritius - đã đóng góp xuất sắc vào "sự phát triển xã hội và con người" tại Madagascar, giúp đất nước tiến đạt tới các mục tiêu năm 2030 của Liên hợp quốc về sự phát triển bền vững. Thủ tướng Janša cũng nhớ cựu Tổng thống Malagasy Hery Rajaonarimampianina đã nói rằng cha Opeka “là một ngọn hải đăng sống động cho niềm hy vọng và tin yêu trong cuộc chiến chống lại nạn đói nghèo”.

Trong thông cáo chung, Chính phủ Slovenia cho hay hoạt động nhân đạo của nhà truyền giáo xứ Argentina và các cộng sự viên của ngài tại Madagascar đã thu hút sự chú ý và yểm trợ của công chúng trên toàn thế giới và là nguồn cảm hứng cho cuộc chiến chống đói giảm nghèo, cùng nâng đỡ những người kém may lành trong xã hội.

Cha Opeka sinh năm 1948 tại Argentina, cha mẹ ngài là người tị nạn gốc Slovenia, Cha Opeka bắt đầu làm việc cho người nghèo từ khi ngài còn trẻ, ngài đã đi giúp tại nhiều quốc gia khác nhau. Sau khi gia nhập Hội Truyền giáo (gọi là Dòng Lazarists hoặc Vincentians), ngài trở thành một linh mục vào năm 1975 và sau đó được sai đi làm việc tại Madagascar. Năm 1989, trước sự thành công với giới trẻ và trình độ chuyên môn cao và kiến thức ngôn ngữ thông thạo của ngài, bề trên đã bổ nhiệm ngài làm giám đốc một học viện thần học của Dòng ở Antananarivo, thủ đô của Madagascar, nơi ngài sớm nhận ra sự nghèo đói cùng cực trong các khu ổ chuột của thành phố và phát hiện ra nỗi thống khổ của những người sống nhờ “những đống rác thải” mà họ đi nhặt trên các ngọn đồi để tìm những thứ họ có thể ăn hoặc bán…

Cha Opeka đã thuyết phục nhiều người trong số họ rời khỏi khu ổ chuột và giúp họ có đời sống cao hơn qua việc canh tác, dạy cho họ các kỹ năng xây dựng mà ngài đã học được từ cha mẹ mình lúc còn là một cậu bé, để họ có thể xây dựng nhà cửa cho riêng mình. Ý tưởng là cung cấp cho họ một ngôi nhà, một công việc tử tế và một nền giáo dục cơ bản. Kể từ đó, dự án của cha đã phát triển và thăng tiến, cung cấp các dịch vụ nhà ở, công việc giáo dục và y tế cho hàng nghìn người nghèo Malgasies với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế và bạn bè trong hiệp hội.

Trong chuyến viếng tông du Thành phố Akamasoa, vào ngày 8 tháng 9 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét rằng nền tảng của công cuộc tông đồ của cha Opeka “là một đức tin sống động được chuyển biến thành những hành động cụ thể có khả năng 'dời non lấp biển'" và kết quả của nó cho thấy "rằng nghèo đói không phải là điều không thể không khắc phục được!”.
 
Tiến sĩ George Weigel: Chúng ta đang rơi ngược từ thời Kitô Giáo về thời các Tông đồ
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
04:19 11/02/2021

Sau thời kỳ khó khăn ban đầu, mà lịch sử Giáo Hội gọi là “Apostolic times” - thời các Thánh Tông đồ - chúng ta bước sang thời kỳ “Christendom times” - thời Kitô Giáo - trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà đa số dân chúng tán thành tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp truyền bá trung thành đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vừa có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 10 tháng Hai, 2021 với nhan đề “From Christendom Times to Apostolic Times”, nghĩa là “Từ thời Kitô Giáo đến thời các Tông đồ”. Ông cho rằng chúng ta đang sống trong một không khí văn hóa thù địch với đức tin, đến mức có lẽ chúng ta đang rơi ngược trở lại thời sơ khai, chập chùng các khó khăn của Giáo Hội.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

From Christendom Times to Apostolic Times

By George Weigel

Từ thời Kitô Giáo đến thời các Tông đồ


Ba mươi năm trước, vào ngày 22 tháng Giêng năm 1991, thông điệp thứ tám của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, nghĩa là Sứ vụ của Đấng Cứu Thế, được công bố. Trong một triều đại giáo hoàng giàu ý tưởng đến nỗi giáo huấn của triều đại này chỉ mới bắt đầu được tiêu hóa, Redemptoris Missio nổi bật như một kế hoạch chi tiết cho tương lai Công Giáo. Các phần sống động của Giáo hội trên thế giới đang sống viễn tượng môn đệ truyền giáo mà thông điệp mời gọi chúng ta. Những phần đang hấp hối của Giáo hội trên thế giới vẫn chưa nhận được thông điệp, hoặc hiểu sai, hay đã từ chối thông điệp này — đó là lý do tại sao họ đang chết dần.

Redemptoris Missio đã đặt ra một thách thức thẳng thắn và ghê gớm đối với những người Công Giáo sống tà tà thoải mái: Hãy nhìn xung quanh các bạn và hãy nhận ra rằng thời của chúng ta là thời kỳ tông đồ, không phải thời kỳ Kitô giáo. Thời kỳ Kitô giáo, Christendom, như Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã nói vào năm 1974, đã kết thúc.

“Christendom” nghĩa là một tình huống trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà họ tán thành giúp truyền bá “đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ” (Gđ 1: 3). Những nơi như thế tồn tại trong ký ức sống động; Tôi lớn lên trong những khoảnh khắc cuối cùng, thoáng qua của một, trong các nền văn hóa Công Giáo đô thị của những năm 1950 ở Baltimore. Hình thức “Christendom” đó bây giờ đã biến mất từ lâu. Trên khắp thế giới phương Tây ngày nay, không khí văn hóa mà chúng ta hít thở không truyền tải đức tin và cũng không trung lập về đức tin; đó là thứ không khí văn hóa thù địch với đức tin. Và khi sự thù địch đó chiếm được đỉnh cao chỉ huy của nền chính trị, nó sẽ ráo riết tìm cách gạt đức tin ra bên lề. Chẳng hạn, đó là điều xảy ra khi các chính phủ tìm cách áp đặt LGBTQ và tư tưởng giới tính lên xã hội bằng cách trừng phạt những người, vì lý do niềm tin, không chịu khuất phục trước quan niệm có hại về tính tuỳ tiện vô hạn của con người - ý tưởng Kinh Thánh và Kitô Giáo về con người bị hình sự hóa. Những người tưởng tượng ra rằng “điều đó làm sao có thể xảy ra ở đất nước này” nên đọc Sắc lệnh hành pháp về “bản sắc giới tính” do ông Biden ký vài giờ sau khi ông nhậm chức Tổng thống.

“Thời các Tông đồ” mời gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai, được mô tả một cách sống động trong Tông đồ Công vụ. Ở đó, chúng ta thấy những người bạn của Chúa Phục Sinh bùng cháy với lòng say mê truyền giáo. Các “tin mừng” mà Chúa Giêsu tuyên bố trước khi chết đã được xác nhận qua sự phục sinh của Người từ trong cõi chết và qua những lần xuất hiện của Người với các bạn bè trong nhân tính đã được chuyển hóa, và tôn vinh của Người. Đây không phải là tin mừng cho một số ít người được chọn; đây là một tin mừng cần được chia sẻ với mọi người.

Vì vậy, một loạt những người vô danh tiểu tốt, sống bên lề của một thế giới tự tưởng tượng mình là văn minh, đã bất ngờ xuất hiện để chuyển đổi thế giới đó sang một thế giới đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô là Chúa của họ. Họ phải đối mặt với sự chế giễu; một số nghĩ rằng họ say rượu, họ “đầy rượu rồi” (Cv 2:13). Những người khác coi họ là những người nói lảm nhảm, như Thánh Phaolô đã nhận ra trên đồi Areopagus của thành Nhã Điển (Cv 17:18). Vẫn còn những người khác cho rằng họ điên rồ, như khi thống đốc La Mã Phét-tô hét lên với Phaolô, “Ông Phaolô, ông điên mất rồi! Ông hay chữ quá nên hoá điên” (Cv 26:24). Nhưng các Tông đồ vẫn kiên trì. Các ngài đã thể hiện một cách sống khiêm tốn hơn, nhân ái hơn. Một số đã chết như những vị tử vì đạo. Và đến năm 300 sau Chúa Giáng Sinh, họ đã cải đạo một phần đáng kể đế quốc La Mã sang niềm tin vào Chúa Kitô.

Trong thời kỳ Kitô giáo, một “nhà truyền giáo” là người rời khỏi vùng thoải mái về văn hóa và đi rao giảng Tin Mừng ở nơi mà trước đây người ta chưa từng nghe thấy. Thông Điệp Redemptoris Missio dạy rằng vào thời các Tông đồ, mỗi người Công Giáo là một nhà truyền giáo đã được giao nhiệm vụ “ra đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Trong thời các Tông đồ, “lãnh thổ truyền giáo” không phải là một điểm du lịch xa lạ; nó ở khắp mọi nơi. Lãnh thổ truyền giáo ở ngay bàn nhà bếp, khu phố, và nơi làm việc; sứ mệnh truyền giáo mở rộng đến cuộc sống của chúng ta trong tư cách là những người tiêu dùng và các công dân. Giáo dân, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, có một nghĩa vụ đặc biệt là trở thành những người truyền giáo cho văn hóa, kinh doanh và chính trị, vì chứng tá của giáo dân ở những địa điểm đó có uy tín đặc biệt.

Là một Giáo hội gồm các môn đệ truyền giáo, chúng ta phải sử dụng phương pháp tự nguyện, tự do, không áp đặt. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp Redemptoris Missio, được in nghiêng những lời của mình để nhấn mạnh rằng “Giáo hội đề xuất; Giáo Hội không áp đặt gì cả”. Nhưng chúng ta phải đề xuất, chúng ta phải mời gọi, chúng ta phải làm chứng cho ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã được ban tặng — đó là tình bạn với Chúa Giêsu Kitô và sự kết hợp vào nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội. Như chính Chúa đã nói trong Mt 10: 8, vì chúng ta đã nhận được cách nhưng không, nên chúng ta phải trao ban một cách cách nhưng không.

Giáo Hội Công Giáo của thế kỷ 21 đang được kêu gọi chuyển từ thế thủ sang truyền giáo, có nghĩa là phải chuyển đổi các tổ chức của chúng ta thành bệ phóng cho việc truyền giáo. Bản lĩnh tư cách môn đệ của chúng ta sẽ được đo lường bằng cách chúng ta đáp lại lời kêu gọi là tiến ra chia sẻ ân sủng mà chúng ta đã được chúc phúc.
Source:First Things
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Những ý chỉ cầu nguyện và mừng các Ngày Tết
Lm Trần Bình Trọng
11:28 11/02/2021
Tết Nguyên Đán là ngày lễ nghỉ mang sắc thái văn hoá dân tộc. Tuy nhiên người Công Giáo cần đem ý nghĩa tôn giáo vào việc mừng Tết, có nghĩa là công nhận Thiên Chúa là Chúa của ngày Tết, Chúa của Xuân, Hạ, Thu, Đông, Chúa của tứ thời bát tiết, Chúa của thời giờ, năm tháng và đem Chúa vào việc mừng Xuân mới sang. Người Công Giáo được khuyến khích và nhắc nhở để đem ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa thiêng liêng vào việc đón xuân.

Để áp dụng thực hành, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam quy định những ý chỉ cầu nguyện cho các ngày Tết như sau:

(1) Trong Thánh Lễ Tất Niên, người tín hữu dâng ý chỉ tạ ơn Thiên Chúa cho năm cũ: tạ ơn cho thời giờ, năm tháng và ân huệ Chúa đã ban, đồng thời xin Chúa tha thứ những lỗi lầm, những thiếu sót trong năm cũ..

(2) Lễ Giao Thừa là ngày cầu bình an cho Năm Mới: cho Quê Hương, Giáo Hội, cho cá nhân và gia đình. Bình an không chỉ hiểu theo nghĩa vắng bóng chiến tranh bằng súng đạn, nhưng còn là bình an trong tâm hồn.

(3) Lễ Tân Niên vào ngày Mồng Một Tết là ngày mừng Xuân mới sang với ý hướng đổi mới tâm hồn và đời sống.

(4) Lễ Mồng Hai Tết là ngày kính nhớ và cầu nguyện cho Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ. Truyền thống lễ giáo Việt Nam dạy con cái phải thảo kính ông bà cha mẹ qua những câu ca dao như: “Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng tôn kính mẹ cha. Cho tròn chữ hiếu mới là con ngoan”. Truyền thống Do Thái giáo cũng tương tự như truyền thống Việt nam xét về chữ hiếu. Sách Huấn Ca của Do Thái Giáo, Công Giáo và Thiên Chúa Giáo chứa đựng những lời khuyên dạy thực tế mà người Do thái trong Cựu ước đã thu tích được để giúp con cháu sống theo gương đạo hạnh, công đức (Hc 44:10) của tiền nhân.

(5) Lễ Mồng Ba Tết là ngày thánh hoá Công Ăn Việc Làm. Quan niệm của dân gian Việt Nam về Ông Trời là Đấng tạo thành trời đất, loài người và muôn vật. Ông Trời là Đấng điều hành vũ trụ và vận mạng con người và thưởng phạt người lành người dữ. Quan niệm chung của dân Việt về Ông Trời còn lưu hành câu ca dao: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”. Có nơi đọc câu cuối là: “Lấy con tôm to”. Đại thi sĩ Nguyễn Du còn tạ ơn Trời bằng cách đặt vào miệng Kim Trọng vần thơ bất hủ khi gặp lại được Thuý Kiều: “Trời còn để có hôm nay”, nghĩa là Trời còn để cho Kim Trọng và Thuý Kiều có ngày gặp lại nhau.

Ông Trời đó của dân gian Việt Nam cũng là Chúa Trời của người Công Giáo nói riêng và Thiên Chúa Giáo nói chung. Thiên Chúa tạo dựng loài người với những nhu cầu thể chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Và Thiên Chúa ban cho loài người trí óc và đôi bàn tay làm việc để đáp ứng nhu cầu sinh tồn và để phát triển con người. Như vậy người Công Giáo không làm việc một cách lẻ loi, nhưng làm việc kết hợp với việc làm của Đức Kitô, để xin Chúa giúp tìm ra ý nghĩa và mục đích của công việc làm và xin Chúa thánh hoá công việc làm. Người Công Giáo làm việc không phải chỉ vì việc làm, mà coi việc làm chỉ là phương tiện để giúp thăng tiến hoá đời sống, chứ không coi việc làm như là cứu cánh và cùng đích..

Vào dịp đầu năm mới, người tín hữu tạ ơn Chúa Trời về những hồng ân Thiên Chúa đã ban trong năm cũ và xin Chúa chúc lành cho năm mới.

Lm Trần Bình Trọng

(Nguồn: www.mucvuvanbut.net)
 
Lời chúc mừng Năm Mới của Ban Giám Đốc VietCatholic
VietCatholic Network
18:04 11/02/2021


Trước thềm Năm Mới Tân Sửu 2021, VietCatholic xin KÍNH CHÚC NĂM TÂN SỬU :

• Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục TGP Huế & Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - cùng Ban Thường Vụ,
• Quý Đức Hồng Y, quý Đức Tổng Giám Mục, quý Đức Giám Mục, quý Đức Ông, quý Linh Mục, quý Tu Sĩ và toàn thể dân Chúa tại Việt Nam,
• Đức Cha Tôma Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá GP. Orange, California và Quý Đức Ông, quý Linh Mục, quý Phó Tế, quý Tu Sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa tại Hoa Kỳ
• Các Linh mục, quí nam nữ Tu sĩ và Giáo dân Cộng tác viên của VietCatholic và toàn thể khán thính giả và độc giả VietCatholic,

Nguyện xin Thiên Chúa là cha nhân từ chúc phúc lành, ban sức khỏe, niềm vui và mọi điều may mắn tới tất cả Quí Vị và Gia đình. Xin Đức Mẹ La Vang che chở đoàn con của Mẹ mau thoát dịch tẽ hoành hành.

LM John Trần Công Nghị
và Toàn Ban Giám Đốc VietCatholic
 
Lễ giao thừa tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
19:03 11/02/2021
Melbourne, vào lúc 20 giờ Ngày 11/2/21, cũng là tối 30 Tháng Chạp Năm Canh Tý. Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm thuộc Tổng Giáo phận Melbourne, đã hân hoan dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã ban ơn bình an cho cộng đoàn suốt một năm qua giữa thời dịch bệnh, và cộng đoàn dâng lễ chào đón năm mới Năm Tân Sửu.


Xem hình

Thánh lễ đồng tế do linh mục Giuse Nguyễn Bảo Quốc SSS Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn chủ tế cùng bảy cha đồng tế, trong đó có cha Giám tỉnh Dòng Thánh Thể Úc Châu và cha Võ Đức Thiện cựu Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm.

Trời Melbourne đang Hè, và buổi chiều oi nồng với những giọt mưa nho nhỏ, thiếu những cơn gió mát làm cho thánh lễ giao thừa mất đi chút hương Xuân. Năm nay do dịch bệnh, do lệnh giãn cách, lệnh phải mang khẩu trang, nên không khí lễ giao thừa cũng kém đông vui.

Mặc dù cũng có đốt pháo, nhưng không có múa lân. Có cái vui là gặp nhau phải quen lắm mới nhận ra vì ai cũng mang khẩu trang. Ca đoàn Vô Nhiễm đã thể hiện phần thánh ca rất đặc sắc, dù số ca viên bị hạn chế rất nhiều, nhưng các anh chị đã trình bày các bài thánh ca Xuân xuất sắc giúp lễ đón giao thừa cũng thêm vui hơn. Và để cho những người không thể đến nhà thờ chung vui cùng cộng đoàn, thánh lễ đã được phát trực tuyến.

Cuối lễ, ông Cao Minh Đức, trưởng ban mục vụ cộng đoàn đã lên chúc mừng quý đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ và cộng đoàn, với những câu thơ những lời chúc thật ý nghĩa mừng Xuân Tân Sửu. Lời chúc tết của đại diện Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Với bài vè vui, dí dỏm chúc tết đến khắp mọi người trong cộng đoàn năm mới bình an.

Theo thông lệ của cha tiền nhiệm, cha tân quản nhiệm đã phát quà cho các ca đoàn, đoàn thể và các em lễ sinh để vui đón mừng năm mới. Kết thúc là hai giây pháo dài do anh Cường phụ trách, những trái pháo nổ dòn dã trong sự thích thú của mọi người, như xua tan đi những nỗi buồn của dịch bệnh năm qua, và chào đón năm mới trong hy vọng.

Mặc cho những giọt mưa lẻ tẻ, mọi người cũng cố ở lại chụp hình và giúp cộng đoàn dọn dẹp trước khi chúc nhau những điều tốt lành và chào nhau ra về.
 
Văn Hóa
Chúc tết
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
01:28 11/02/2021
CHÚC TẾT

Tết đến, lời chúc đầu năm mang nhiều ý nghĩa, và là biểu trưng thiêng liêng cho tình cảm giữa con người với nhau. Tết mang đến những gì mới mẻ, trẻ trung, sức sống, cho nên ai cũng muốn chúc Tết và được chúc Tết.

Ngày thường gặp nhau “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Người Việt lấy ứng xử nhân nghĩa ở đời làm thước đo văn hóa nên chào hỏi trở thành nghi lễ trong xã giao, và nó trở thành nét đẹp văn hóa đời thường. Lời chúc đầu năm thiêng liêng là lời hay ý đẹp dành tặng cho nhau.

Những ngày đầu năm, lời chúc trước tiên là dành cho người thân ruột thịt trong gia đình dòng tộc.

Đêm 30 Tết, tham dự thánh lễ tất niên, gia đình đoàn viên, cả nhà quây quần nói chuyện tâm tình, ôn lại buồn vui được mất của năm qua đón chờ giao thừa. Thắp nến sáng lung linh trên bàn thờ, đốt nén nhang thơm tỏa ngát. Chuông nhà thờ ngân vang đúng lúc giao thừa. Mọi người dâng lời kinh hạt đầu năm mới, sau đó vui vẻ chúc mừng nhau. Con cháu chúc ông bà cha mẹ, anh chị chúc mừng em, ba mẹ chúc con cái, ông bà chúc con cháu. Lòng ai cũng nao nao thời khắc giao thừa vui vầy trang trọng, gần gũi thiêng liêng ấm áp tình thân.

Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rã lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới. Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghiã cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng. Tiếng Việt vốn phong phú nên lời chúc Tết cũng muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc và không sáo ngữ. Ai cũng chọn lọc câu chữ tinh tế để người nghe cảm thấy vui lòng tin tưởng. Lời chúc làm cho tâm hồn cảm thấy thăng hoa hạnh phúc, niềm vui dâng tràn. Gặp nhau đầu năm mới, lời chúc Tết bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày thường giận nhau ghét nhau thế nào đi nữa, nhưng Tết đến Xuân về mọi lời chúc đều trở nên chan hòa trân trọng tràn ngập yêu thương gắn bó mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ. Lời chúc đầu năm trở thành văn hóa thẩm mỹ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Đối với người Kitô hữu, lời chúc Tết hay nhất, mang đến hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn chính là Lời Chúa trong sách Dân Số: “Đức Chúa phán với ông Môsê: Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này :Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!
Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 22-27).

Hạnh phúc trong năm mới được đặt dưới quyền bảo trợ của Thiên Chúa “xin Chúa gìn giữ và ban bình an’’.Thuật ngữ “bình an” Shalom trong tiếng Hypri bao gồm cả hạnh phúc, sức khỏe, bình an, tình bạn và mọi điều thiện hảo. Như thế, ngay những giây phút đầu tiên của Năm mới Tân Sửu, người Kitô hữu hướng lên Thiên Chúa và cầu xin phúc lành của Chúa: xin Chúa gìn giữ khỏi những nguy hiểm xác hồn và xin Chúa ban ơn bình an.

Chúa Giêsu không chúc theo kiểu thế gian. Khi Chúa Giáng Sinh, các thiên thần đã chúc bình an cho người thiện tâm. Khi Phục Sinh, Chúa cũng chúc bình an cho các môn đệ trung thành. Bài giảng trên núi “Tám mối phúc thật” là Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu chúc phúc cho những thân phận nhỏ bé, bị thua thiệt hay bị áp bức đáng thương, cùng những tâm hồn biết hướng về Chúa, về tha nhân.

Chúa Giêsu không chúc “phú quý thọ khang ninh” mà chúc phúc Nước Trời cho những ai có tâm hồn nghèo khó, không nô lệ tiền bạc vật chất hay tiện nghi, những người bé mọn, yếu đuối, oan ức, đau buồn, khóc lóc. Khi có tấm lòng thanh thoát, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào, bén rễ và sinh hoa kết trái, là phúc trường sinh sau này.

Năm Tân Sửu, Mùa Xuân vừa về thì Mùa Chay vừa đến vào Mồng 6 Tết. "Vui năm Tân Sửu, hãy chân thật hoà giải; Mùa Chay hoán cải, lòng rộng trải yêu thương". Mừng Xuân và vui Tết nhưng phải luôn nhớ “mình là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Vì thế người tín hữu luôn tâm niệm lời Chúa dặn dò: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

Sẽ không mong là an khang thịnh vượng, là công thành danh toại, là buôn may bán đắt, là vạn sự như ý, là… là… Nhưng chỉ cần tâm nguyện là một năm mới trong tình thương của Chúa, một năm mới bình an, một năm mới theo thánh ý Chúa, một năm mới thuộc về Chúa. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cầu chúc cho nhau trong năm mới Tân Sửu này.

Đức Thánh Cha Phanxicô gởi Sứ Điệp Hòa Bình vào ngày đầu năm Dương lịch 2021 cho toàn thế giới với chủ đề : “Văn hoá quan tâm, đường dẫn tới hoà bình”. Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa không chỉ ban sự sống, “nhưng Ngài còn luôn quan tâm gìn giữ chăm sóc nữa” bằng cách bảo đảm sự hài hòa của công trình tạo dựng. “Yếu tố cốt yếu của Hòa bình” mà Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho thế giới hôm nay chính là sự “quan tâm chăm sóc” đối với bản thân, vũ trụ và mọi người chung quanh. Năm mới đến, suy niệm lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa ban cho mỗi người và thế giới biết quan tâm chăm sóc đến người chung quanh, đến môi trường sống.

Lạy Chúa, mỗi lần Tết đến, chúng con dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ước ao cho tất cả cầu chúc ấy trở nên hiện thực trong năm mới. Giờ đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng con biết rằng Chúa là khởi nguyên và cùng đích của mọi phúc lành. Chúng con xin đặt đất nước chúng con, gia đình, bạn bè thân hữu, và tất cả anh chị em chúng con dưới sự bảo trợ của danh Chúa trong năm mới này. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.
Lạy Chúa, khi chúng con chúc lành cho nhau, xin hướng lòng chúng con về Chúa và thưa lên: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!



 
Tiếng Chuông Cuối Năm
Sơn Ca Linh
09:12 11/02/2021
Sáng nay, ngày “tất niên”,
Bỗng dưng chuông nhà thờ “báo tử” !
Rồi mới sáng hôm qua,
Một thằng bạn (Augustino Quang Uy) đến lò hỏa táng !
Và thông tin mới nhất trong ngày trên mạng:
Gần “hai triệu tư” người bị “tử thần Covid” mang đi…

Thì ra,
Từ ngàn xưa Thánh Vịnh đã nói gì…
Nói rằng:
“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103,14-15).
Hay như,
Câu mở đầu bài kệ “Nhất Chi Mai” của Mẫn Giác tiên sinh:
“Xuân khứ bách hoa lạc”,
trăm cánh hoa theo xuân về quá khứ !

Mặc cho đời qua, xuân qua, muôn thương đau đầy ứ…
Hãy bình tâm như Tin Mừng đã dạy:
Con chim sẻ vẫn nhảy nhót trên cây,
Ngoài kia, đóa huệ hồng sắc thắm hây hây, (Mt 6,26-27)
Nên mới rõ,
“Một cây đổ, ồn ào hơn cánh rừng đang mọc” (Tục ngữ Trung Hoa).
Hay như hai câu “kệ” kết của Thiền sư Mẫn Giác,
“Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm rồi sân trước một cành mai” (1).

Thôi thì,
Đời không phải bến ga,
Mà chuyến tàu đang hướng đến tương lai,(2)
Nên hãy là khách lữ hành,
Để gieo những đóa hoa bên vệ đường cuộc sống (3) … !

Sơn Ca Linh (Ngày 30 tháng Chạp Canh Tý)

GHI CHÚ:

(1) Thiền sư Mẫn Giác, bài kệ “Nhất Chi Mai”:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
(2) Paulo Coelho: “La vie, c'est le train, ce n'est pas la gare”.
(3) Michel de Montaigne (1533-1592): “Si la vie n’est q’un passage, sur ce passage au moins semons des fleurs”
 
Trâu vàng thức giấc mộng vàng
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
19:56 11/02/2021
Đồng xanh tha thướt yêu kiều,
Sáo diều trong vắt mỗi chiều quê hương.
Lưng trâu gặm cỏ bên đường,
Nhập nhoà sáo trúc, vấn vương tình nồng.

Nghe như tiếng vọng núi sông
“Họ”, “Ăn”, “Vắt vắt” cánh đồng vang xa.
Con trâu thân thiết mọi nhà
Vừa là sản nghiệp, vừa là cánh tay:
“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta”.
Thời công nghiệp hoá tiến xa
Đi vào nghệ thuật trâu ra trâu vàng.
Vàng trong sức mạnh kết đoàn,
Vàng trong biển lúa ngập tràn đồng quê.
Trâu mang lấy ách nặng nề
Gieo nguồn lương thực, gặt về niềm vui.
Trâu cho ta thực phẩm tươi,
Bộ da bưng trống khắp nơi vang lừng.
Xuân về không khí tưng bừng
Có đoàn chiêng, trống hợp mừng đón Xuân.
Chuột kia phá lúa hại dân
Trâu vàng kinh tế góp phần nâng cao.
Chuột nay thời khắc té nhào,
Trâu vàng cất bước đi vào thời gian.
Thời gian là ngọc là vàng,
Và là sự sống nhẹ nhàng đi qua.
Chúc mừng Xuân mới mọi nhà
An vui hạnh phúc đậm đà yêu thương.
Ơn trời Chúa xuống như sương
Trâu cày dải đất thơm hương mùa màng.
Cầu cho thế giới bình an
Trâu vàng thức giấc mộng vàng Việt Nam!

LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

 
CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI, nụ mỉm cười biến đổi
Vũ Văn An
21:05 11/02/2021

CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI



(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus

par Pierre Descouvemont

Bản tiếng Việt của Vũ Văn An
)



Một nụ mỉm cười biến đổi

Lạy Thiên Chúa, Chúa càng nhìn

Chúa càng thành ảnh thánh.

Chúa Kitô ở giữa đời bạn

Có thể tỏa mọi tia sáng của Người.

Hãy để bạn được thuần hóa

Bởi cái nhìn của Đấng Thương Yêu

Người chỉ có đôi mắt dành cho cái đẹp

Của một trái tim Người đến hiển dung !

Hãy quay nhìn Chúa Giêsu

Đôi mắt Người biết biến đổi bạn

Như người trộm lành xúc động

Thấy Chúa Giêsu tha thứ cho ông !

Chúa Giêsu sống lại

Tự đoán định Người trong các phản chiếu

Của đôi mắt bạn như người được cứu rỗi.

Vì là hình ảnh Thiên Chúa

Bạn hãy trở thành người tha thứ

Như Chúa Giêsu chịu lăng nhục !

Hãy để Chúa Giêsu trong bạn

Là Chúa Giêsu cho chính bạn !

Bạn càng chiêm ngắm Thánh Nhan Người

Chúa Giêsu càng đổ đầy ơn thánh trên bạn.

Marie Baudouin-Croix

II. Một nụ mỉm cười biến đổi

Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,

không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi
.

Tv 34:6


1.Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của Chúa biến đổi trái tim con

Dành thì giờ để Chúa Kitô nhìn ta, vui hưởng ý nghĩ Người đang nhìn chúng ta, đó là cách cầu nguyện tuyệt vời và điều này làm Người rất vui.

Nhưng việc cầu nguyện của ta nẩy sinh tươi đẹp hơn khi ta nghĩ tới ảnh hưởng phi thường mà nụ mỉm cười này đã tạo ra nơi chúng ta. Nếu ta chịu ở lâu trong nó, Người sẽ biến đổ cõi lòng ta. Người như tia laser có khả năng chữa các thương tích sâu hoắm nhất trong hữu thể ta.

Ảnh hưởng ấy sâu sắc hơn ảnh hưởng mà một cái nhìn đầy tình âu yếm chúng ta bỗng cảm thấy hướng về chúng ta có thể tạo ra. Đây là cảm nghiệm được François Mauriac gợi lại trong «khúc cuộn hổ mang » (le noeud de vipères):

« Khám phá tuyệt diệu này mà anh đã tìm ra: có khả năng lưu tâm, làm vui lòng, gây xúc động [...]. Anh tự phản chiếu mình trong một hữu thể khác, và hình ảnh anh được phản ảnh như thế không cung ứng bất cứ điều gì gớm ghiếc cả. Anh nhớ lại toàn diện hữu thể anh tan giá dưới cái nhìn của em, những cảm xúc nẩy sinh này, những nguồn được giải thoát này » (24).

Sự biến đổi mà cái nhìn của Chúa Kitô thực hiện nơi chúng ta thuộc một trật tự khác. Không chỉ có cảm giới của chúng ta bị đánh động, mà là điều Kinh Thánh gọi là « trái tim », phần bí mật nhất và thâm hậu nhất của hữu thể ta.

Niềm hy vọng được biến đổi bởi việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô gợi hứng cho mọi họa sĩ vẽ ảnh thánh, nhất là khi họ sáng tác ảnh thánh Hiển Dung, ảnh thánh tuyệt hảo, ảnh thánh người ta tuyệt đối cần « viết ra » trước khi thánh hiến khoa vẽ ảnh thánh.

Sau khi phủ nền bức tranh bằng các mầu tối, họ làm nó sáng từ từ và kết thúc bằng cách vẽ tà áo Chúa Kitô. Và mỗi lần cọ vẽ của họ đặt một nét trắng mới lên tà áo, họ cầu xin Chúa cho trái tim họ cũng biến đổi theo hình ảnh của Người.

Tóm lại, họ ước ao thể hiện nơi họ điều Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô: «Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn” (2Cr 3:18).

Đúng, Cái nhìn của Chúa quả là “sáng như chớp”. Đó là “Bụi Gai Bốc Lửa” có khả năng thiêu đốt hết mọi dơ dáy của ta. Đó là điều một thánh ca phụng vụ xưa vốn ca hát: “Jesu, labentes respice et, nos videndo, corrige” (Chúa Giêsu nhìn những kẻ vấp ngã và, khi nhìn chúng con, xin hãy sửa chữa chúng con)! Người ta tìm lại cũng một niềm hy vọng này trong một thánh ca hiện đại (Thứ sáu, tuần thứ hai, kinh chiều): “xin cũng soi sáng mặt trái tâm hồn nơi tội lỗi phủ lên hình ảnh Chúa một mặt nạ xấu xa”. Đúng, cái nhìn của Chúa làm rơi các mặt nạ của chúng ta.

Phô mình ra hứng các tia thần thiêng!

Tôn giáo Ai Cập có một nghi thức phần nào báo trước việc biến đổi diễn ra trong các tâm hồn, khi họ phô mình ra hứng cái nhìn của Chúa.

Mỗi năm, người ta đem bức tượng bằng vàng của thần Horus lên sân thượng của đền thờ để phô tượng ra hứng các tia nắng của Ra, thần mặt trời, và nhờ thế hút đầy được sinh lực. Khi việc lãnh xạ (irradiation) đã xong, người ta lại đem tượng cất vào nơi tối tăm của đền thờ.

Nhiều Kitô hữu coi việc đó như hiệu quả của “những lúc mạnh” trong đời sống thiêng liêng của họ. Sau khi được lãnh xạ từ Chúa Kitô, họ hân hoan trở về với những khó khăn và đen tối của cuộc sống hàng ngày của họ, hy vọng sẽ sống chúng với chính sức mạnh của Chúa.


Nếu Thánh Têrêxa thành Lisieux mãi được thanh thản như thế khi từ từ khám phá ra các nhược điểm của mình, thì chính là vì cùng một lúc, ngài nhận được ơn thánh để hiểu rõ đến mức nào, Chúa là « ngọn lửa hỏa hào ». Một tư tưởng của Thánh Gioan Thập Gía làm ngài vui mừng một cách đặc biệt hơn nữa: « Tình Yêu biết lợi dụng cả điều xấu lẫn điều tốt Người tìm thấy nơi ta » (25). Một tư tuởng trong cuốn La Glose sur le divin (Luận bàn về Đấng Thần Thiêng), một bản văn được Thánh Têrêxa soạn thành thơ dịp khấn dòng của nữ tu Marie de la Trinité:

«Tình yêu, tôi từng cảm nghiệm

Điều tốt, điều xấu Người thấy trong tôi,

Đều biết lợi dụng – một cách mạnh mẽ xiết bao –

Người biến đổi linh hồn tôi ngay trong nó.

Ngọn lửa này cháy rực trong tôi

Thấu tận trái tim tôi không trở lại

Cũng trong ngọn lửa đáng yêu của Người

Tôi sẽ suy mòn tôi bằng Tình Yêu » (26).

Ước chi cái nhìn của Chúa Giêsu là Ngọn Lửa Thiêu Hủy, Thánh Têrêxa phát biểu như thế một năm trước đó trong Kinh hiến dâng cho Tình Yêu thương xót: « Nếu, vì yếu đuối, con có thỉnh thoảng vấp ngã, ước chi ngay lập tức Cái Nhìn Thần Thiêng của Chúa thanh tẩy linh hồn con, thiêu hủy mọi bất toàn của con, như ngọn lửa biến đổi mọi sự trong chính nó » (27).

Thánh Têrêxa thực sự không muốn giống như cây liễu khóc lóc, luôn ở thế than vãn về các nhược điểm của mình. Chỉ một cái nhìn của Chúa Giẹsu đủ thanh tẩy ngài. Ý tưởng này, ngài đã từng phát biểu dịp Lễ Giáng Sinh năm 1894, khi đứng trước hang đá, thánh nữ đã, qua thiên thần Thánh Nhan, thưa rằng « Con sống trong những linh hồn đã tận hiến cho Chúa. Những linh hồn hết sức đẹp đẽ sống trong thân xác tử sinh và đôi khi việc họ bay bổng tới Chúa bị châm lại [...] Nhưng ngay khi họ đến nấp dưới bí ẩn Thánh Nhan Thần Thánh của Chúa, luôn khẩn cầu danh thánh Chúa, Ôi Chúa Gisêsu, xin Chúa đoái thương, bằng một cái nhìn của Chúa thôi, biến họ thành sáng láng hơn các sao trời » (28).

Nữ tu Maria Chúa Ba Ngôi nhập tâm rất tốt bài học của giám tập. Thoát cơn cúm nguy hiểm đến tính mạng, hồi tháng Giêng năm 1929, chị viết cho mẹ Agnès: « Vâng, chính cái nhìn của Chúa Giêsu, Phu Quân Thần Thánh của con, đã chuẩn bị để con sẵn sàng xuất hiện trước Người lòng đầy tự tin... Do đó, con không sợ ngước đôi mắt con lên, đôi mắt đầy yêu thương biết ơn, hướng về đôi mắt của Người, đôi mắt quá trong sáng, đôi mắt sẽ thanh tẩy con, chỉ bằng một cái nhìn, và sẽ làm con nên giống Người » (29).

« Nấp dưới bí ẩn Thánh Nhan Chúa Giêsu » đó quả là chuyển dịch có tính yếu tính trong lối cầu nguyện của Thánh Têrêxa. Nhông những thánh nữ, theo gương Chúa, « bị người ta làm ngơ và kể như không », mà ngài còn muốn được không ngừng thanh tẩy trong Chúa « bằng một cái nhìn của Người mà thôi », để cho Chúa mình in lên mặt mình hình ảnh rất giống Thánh Nhan Người:

« Thánh Nhan Chúa là sự giầu có duy nhất của con

Con không xin bất cứ điều gì khác.

Trong nó, con nấp mình không thôi.

Lạy Chúa Giêsu, con sẽ nên giống Chúa...

Hãy để lại trong con dấu in Thần Thánh của Chúa

Những nét đầy dịu dàng của Chúa » (30).

Các thánh thường ca hát vẻ đẹp được Phu Quân thần thánh in vào tâm hồn hiền thê Người, không gì ngoài việc nhìn ngắm họ:

« Đừng khinh bỉ con

Con thú nhận, nước da con nâu sẫm,

Tuy nhiên, Chúa có thể nhìn con,

Vì Chúa vốn đã nhìn con,

và nhờ đó đã đặt nơi con ơn thánh, vẻ đẹp » (31).

Thánh Têrêxa đặc biệt thích đoạn trên. Để hiểu nó, cần phải nhớ rằng vào thời Kinh Thánh, tiêu chuẩn về vẻ đẹp phụ nữ không giống tiêu chuẩn ngày nay. Lý tưởng là giữ mầu da mặt luôn trắng, chứ không làm cho ra nâu dưới nắng mặt trời như những người làm việc không ngừng ờ ngoài đồng. Ước muốn không nhuốm nâu vẫn còn là ước muốn của các mệnh phụ thế kỷ 19, những người bắt đầu đi tắm biển ở Etretat hay Trouville: các bà đội những chiếc nón cói vành rất rộng và mặc những ống tay áo rất dài để tránh bị cháy nắng hóa nâu!

Người ta cũng tìm thấy cùng một niềm hy vọng như thế trong các vần thơ của chân phúc (được phong hiển thánh năm 2016, ghi chú của người dịch) Elisabeth Chúa Ba Ngôi:

« À này, ta hãy dừng lại ở đấy hoàn toàn thinh lặng,

Rõi nhìn Vẻ đẹp Bất Tận !

Cái nhìn của Chúa Kitô chúng ta thanh tẩy

Bằng cách in sự tinh trong Thiên Chúa.

Này chị, ta hãy ngụ cư, để Người thần hóa ta,

Linh hồn trong linh hồn Người và đôi mắt trong đôi mắt Người » (32)

« Bông hoa nhỏ thân mến của thửa vườn huyền nhiệm,

Ồ, hãy luôn ở lại dưới cái nhìn thần thánh,

Hãy để ngươi được in ấn, để không gì xóa được

Thánh Nhan rạng rỡ của Chúa Kitô được thờ lạy » (33).

Sự biến hình trái tim trên tỏa một cách tuyệt diệu ra cả khuôn mặt: chẳng hạn, ta hãy nhìn sự biến hình đã thực hiện vào cuối dòng đời trên khuôn mặt của Cha de Foucauld (được phong á thánh năm 2005 và sẽ được phong thánh nay mai, ghi chú của người dịch), trở thành hình tượng đích thực sự dịu dàng của Thiên Chúa.





Olivier Clément đã dứt khoát bước vào đức tin Kitô giáo nhờ bỗng khám phá ra, nhân một buổi giảng thuyết, sự biến hóa hoàn toàn thể hiện trên khuôn mặt thầy Charles: « Con heo » của Saumur (trường lục quân Pháp, chú thích của người dịch), như các bạn đồng khóa thường gọi thầy, đã trở nên ẩn sĩ của Tamanrasset (một thành phố ốc đảo và thủ phủ của Tỉnh Tamanrasset của miền nam Algeria) với khuôn mặt trắng muốt. « Tôi té ngửa hoàn toàn. [...] Sự biến đổi tôi từng thấy sự chết đạt được trên một số khuôn mặt đã thể hiện ở đây một cách tỏ tường. [...] Những hình chụp này trong đó xác thịt được thay thế bằng cục than hồng đối với tôi là một dẫn khởi đi vào một ảnh thánh » (34).

Khi tôi tởm gớm đối với tác phong hay khuôn mặt ai, tôi đều được Chúa mời nghĩ tới sự biến đổi triệt để sẽ phát khởi trong họ khi họ để hơi thở của Chúa Thánh Thần xâm chiếm. Chiếc mặt nạ mà hôm nay làm khuôn mặt họ ra méo mó lúc đó sẽ nổ tung thành hàng nghìn mảnh và bắt đầu chói lọi trên đó ánh sáng của Đấng Phục Sinh.

Bao lâu một người sống xa Thiên Chúa, họ giống như các kính mầu kia không hề phản chiếu tia sáng mặt trời; nhưng từ lúc họ phô mình cho ánh sáng Thiên Chúa, họ trở nên tuyệt diệu.

Tôi nghĩ đến người phụ nữ ly dị kia, người có chồng cư xử đúng như một « rác rưởi » nhưng ông vẫn giữ trong cõi lòng niềm hy vọng ngớ ngẩn là một ngày kia được té ngửa bởi hình ảnh Thánh Nhan như chính nàng bị té ngửa trong một cuộc tĩnh tâm. Nàng biết Thiên Chúa có khả năng biến rác rưởi thánh vàng ròng !

Dưới đống tro hoàn toàn đen của anh chị em ta có thể ủ ấp một cục than hồng nóng sáng có khả năng, một ngày kia, trở thành đám lửa lớn, một lò lửa rự rỡ niềm vui và trìu mến.

Kỳ tới: 2. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của Chúa làm chúng con dễ nhìn đối với đôi mắt Chúa
 
VietCatholic TV
Ngỡ ngàng đầu năm: Lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim hay ở tù 10 năm tại Úc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:25 11/02/2021


1. Chương trình hành hương trực tuyến đến Thánh Địa Giêrusalem hoàn toàn miễn phí

Một số nhóm Công Giáo đã mở chương trình ghi danh trực tuyến tham dự một cuộc hành hương ảo miễn phí, nơi những người hành hương có thể trải nghiệm văn hóa và cầu nguyện cùng với Thánh Địa Giêrusalem trong hơn 40 ngày.

Chương trình này có tựa đề là “Hành hương trong đức tin: Hành trình mùa chay ảo qua Thánh Địa Giêrusalem, được truyền cảm hứng bởi Abraham, Tổ phụ trong đức tin của chúng ta” và sẽ diễn ra từ ngày 15 tháng 2 đến ngày 4 tháng 4.

Đây là cuộc hành hương ảo thứ hai kể từ khi các tổ chức bao gồm Trung tâm Giáo hoàng Đức Bà Jerusalem, Terra Sancta Mexico, và Magdala thực hiện một chuyến đi tương tự vào tháng 10.

Những người hành hương sẽ trải nghiệm một chuyến hành hương ảo đến Thánh Địa Giêrusalem qua Mùa Chay và Tuần Thánh, và họ sẽ kết thúc chuyến hành hương với buổi phát sóng Thánh lễ Canh thức Phục sinh và bài suy niệm “Cuộc hành hương trong đức tin”.

Mỗi ngày, chuyến hành hương ảo sẽ cung cấp 30 phút suy tư về Kinh Tin Kính cùng với các địa điểm quan trọng ở Thánh địa. Sau đó sẽ là phần phát sóng Thánh Lễ. Hai ngày đầu tiên cũng sẽ bao gồm hai đoạn video giới thiệu từ các nhà lãnh đạo hành hương Kathleen Nichols và Cha Eamon Kelly.

Các nữ tu Tận hiến Regnum Christi và RC Music Collective đã cung cấp phần lớn nội dung âm nhạc cho cuộc hành hương. Một phần bổ sung được sáng tác bởi Alejandro de la Garza để giúp những người hành hương tập trung suy niệm trong suốt thời kỳ Mùa Chay.

Muốn ghi danh, hành hương trực tuyến đến Thánh Địa Giêrusalem hoàn toàn miễn phí, xin nhấn vào đây

https://email.magdala.org/h/y/79417F0F78CB7A56

hay https://tinyurl.com/4z5jh2pn


Source:Catholic News Agency

2. Tổ chức Giáo hoàng lại sử dụng ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô để truyền bá ý thức hệ giới tính

Tổ chức Giáo hoàng Scholas Occurrentes, tuyên bố rằng mục tiêu của nó là tạo ra một tầm nhìn mới cho việc giáo dục trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, họ không chỉ sử dụng sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô để gây quỹ trên toàn thế giới, mà còn để phổ biến tài liệu về ý thức hệ giới tính cho trẻ em tại ít nhất một chục quốc gia ở Mỹ Latinh.

Kể từ năm 2015, ấn phẩm biểu tượng của Scholas Occurrentes, là bộ sưu tập sách Con Francisco a mi lado, nghĩa là “Với Đức Phanxicô bên cạnh”, đã được xuất bản như một phụ trương của các tờ báo thế tục ở Á Căn Đình, Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha, Colombia, Ecuador, Guatemala, El Salvador, Peru, Nicaragua và Bolivia. Tuy nhiên, phụ trương này bao gồm các tài liệu không chỉ mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo về bản sắc và tình dục con người, mà còn đặc biệt chống lại những lời dạy của chính Đức Thánh Cha Phanxicô về ý thức hệ giới tính.

Mỗi cuốn sách trong bộ sưu tập do Scholas Occurrentes xuất bản đều có hình vẽ của Đức Thánh Cha Phanxicô và bao gồm các cụm từ Đức Thánh Cha thường nói trên những trang đầu tiên.

Scholas Occurrentes được chính thức thành lập vào ngày 14 tháng 5 năm 2015 tại Tây Ban Nha “theo yêu cầu của Tòa thánh” và mục đích của nó bao gồm “ thúc đẩy, cải thiện giáo dục và đạt được sự hòa nhập của cộng đồng, tập trung vào những người thiếu tài nguyên”, cũng như “thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức về giá trị con người”.

Vào ngày 15 tháng 8 năm 2015, quỹ được thành lập tại Á Căn Đình. Cùng ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký một sắc lệnh Giáo hoàng thành lập Scholas Occurrentes “như là một Tổ chức Giáo hoàng”, mô tả nó như một “mạng lưới các trường học trên toàn thế giới chia sẻ tài sản của họ, có mục tiêu chung, đặc biệt quan tâm đến những người thiếu tài nguyên”.

Kể từ đó, Scholas có trụ sở chính tại Rôma, trong tòa nhà San Calixto ở Trastevere, bên cạnh một số cơ quan Vatican khác và các tổ chức Công Giáo quốc tế chính thức.


Source:National Catholic Register

3. Biden tài trợ chương trình để ngăn chặn các nhà lãnh đạo tôn giáo nước ngoài phản đối LGBT

Ông Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy đồng tính luyến ái và ý thức hệ giới tính như một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Tài liệu chỉ đạo “tất cả các cơ quan và ban ngành của chính phủ Hoa Kỳ có liên quan với nước ngoài phải bảo đảm rằng chính sách ngoại giao và hỗ trợ nước ngoài của Hoa Kỳ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính và dị giới trên khắp thế giới”.

Mối quan tâm nhất của những người ủng hộ nhân quyền trên khắp thế giới là việc cung cấp 10 triệu đô la trong năm tài chính sắp tới để tài trợ cho “Quỹ Bình đẳng Toàn cầu” sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen các nhà lãnh đạo tôn giáo nước ngoài, những người lên tiếng ủng hộ gia đình tự nhiên và chống lại sự thăng tiến của LGBT. Những người ủng hộ nhân quyền này có thể bị ngăn chặn giống như cách thức một số nhà tài phiệt Nga bị chặn không cho vào Mỹ.

Sắc lệnh Hành pháp mới này là một phần trong kế hoạch đáp lễ của Tổng thống Biden đối với giới tinh hoa đồng tính luyến ái vì họ ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Vào tháng 12, 30 nhóm cánh tả giàu có, tự gọi mình là Hội đồng Bình đẳng Toàn cầu, đã đưa ra một danh sách các yêu cầu, bao gồm cả việc thông qua Đạo luật Bình đẳng buộc các nơi tạm trú cho người vô gia cư của Công Giáo phải cho nam giới cư ngụ cùng một cơ sở nữ giới.

Nhóm này yêu cầu Biden bãi bỏ Chính sách thành phố Mexico cấm dùng tiền của Hoa Kỳ để tài trợ cho các chương trình phá thai ở nước ngoài, là điều mà ông đã làm trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống. Nhóm này cũng kêu gọi một nỗ lực toàn cầu để chống lại cái mà họ gọi là các nhóm “chống ý thức hệ giới tính” trên khắp thế giới. Điều này có lẽ sẽ bao gồm các nhóm người Mỹ hoạt động ở nước ngoài, bao gồm C-Fam, Liên minh Bảo vệ Tự do, Phụ nữ Quan tâm đến Nước Mỹ, Tổ chức Di sản và các nhóm bảo thủ và ủng hộ đạo lý chính thống khác.


Source:Life Site News

4. Lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim hay ngồi tù 10 năm

Thương người có mười bốn mối. Thương linh-hồn bảy mối: Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, tại tiểu bang Victoria, Australia, Thủ hiến Daniel Andrews, người luôn vỗ ngực xưng tên là người Công Giáo vừa khởi xướng ra một luật mới theo đó lấy lời lành mà khuyên người có thể bị phạt 7,700 Úc Kim và trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị ngồi tù đến 10 năm.

Thành ra, phải đau lòng mà thừa nhận rằng có tổng thống hay thủ hiến là người Công Giáo chưa chắc đã là phước cho Giáo Hội và người Công Giáo. Có khi lại là đại thảm họa. Sau tổng thống Biden, thủ hiến Daniel Andrews là một thí dụ điển hình khác.

Thật vậy, Tiểu Bang Victoria của Úc đã thông qua một luật mới quy định việc “tham gia vào một hoạt động thực hành nhằm thay đổi hoặc ngăn chặn xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính của một người là một tội hình sự”. Trong khi luật này được các nhà vận động LGBT ca ngợi như một chiến thắng chống lại sự phân biệt đối xử, thì Đức Tổng Giám Mục Melbourne nói với tờ The Pillar rằng đạo luật này vi phạm quyền tự do tôn giáo và chống lại các thực hành y tế lành mạnh.

Luật mới này có tên là “The Change or Suppression Conversion Practices Prohibition”, nghĩa là luật “Cấm Các Thực Hành Nhằm Thay Đổi Hay Ngăn Cản Việc Chuyển Giới”. Các chính trị gia thường nói lòng vòng cho khó hiểu ra. Nói đơn giản là thế này: nếu một đứa bé trai muốn giải phẩu chuyển giới thành bé gái, bạn không được tìm cách ngăn cản nó cho dù bạn là cha mẹ, linh mục, tâm lý gia, bác sĩ; cho dù bạn ngăn cản nó bằng cách đe nẹt, đối thoại, năn nỉ, van lạy nó; hay thậm chí – như trong luật ghi rõ – bạn nói với nó rằng bạn cầu nguyện cho nó để nó đừng làm như thế. Tất cả những hình thức “lấy lời lành mà khuyên người” này đều bị coi là tội hình sự.

Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli nhấn mạnh với The Pillar rằng luật mới này là cái mới nhất trong một chuỗi những luật lệ làm xói mòn quyền tự do tôn giáo, và Giáo hội phải đối mặt với một cuộc chiến cam go ở Úc vừa để bảo vệ quyền tự do tôn giáo vừa để nói rõ những gì đã xảy ra, cho đến gần đây, về một tầm nhìn đang bị bóp méo về thiện ích của con người.

Vị tổng giám mục viết rằng luật mới “bao gồm các khái niệm khó hiểu về đức tin và đối thoại, các định nghĩa mơ hồ, và các cách tiếp cận thiếu sót về mặt khoa học và y tế. Nó đặt ra những giới hạn độc đoán đối với cha mẹ, gia đình và những người có đức tin”.

Ngay sau khi dự luật được thông qua, Đức Tổng Giám Mục Comenolsi nói rằng ngài và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội đã cố gắng làm việc với các nhà lập pháp để cải thiện dự luật, nhưng đã bị khước từ.

“Chúng tôi đã yêu cầu được gặp tổng chưởng lý và thủ hiến của Victoria, những cuộc gặp gỡ đó đã không diễn ra”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết luật hình sự hóa “bất cứ điều gì không khẳng định hoặc ủng hộ hướng đi mà người đó muốn đi và bị coi là có hại - điểm ‘có hại’ này cần được nêu rõ. Đó chính là nơi xuất phát các vấn đề thực sự, đây là một phần luật pháp rất lỏng lẻo và không rõ ràng, tấn công sâu rộng vào những gì có thể là những cuộc trò chuyện chân thành và thích hợp với các gia đình hoặc các thừa tác viên chăm sóc mục vụ”.

Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng luật mới về cơ bản nghiêm cấm các bác sĩ tâm thần coi chứng rối loạn giới tính như một triệu chứng của bất kỳ vấn đề cơ bản nào khác và có thể ngăn cản bệnh nhân chuyển giới như một phương thế chăm sóc tốt nhất có thể.

“Giả sử ai đó 19 hoặc 20 tuổi, họ đến gặp bác sĩ tâm lý của họ, nói rằng ‘Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi nghĩ mình là nữ hơn là giới tính lúc sinh của mình là nam’, bác sĩ sau đó có thể làm một số xét nghiệm, xem xét những câu hỏi khác về người này liên quan đến cuộc sống và sau đó có thể nói ‘Chà, có những điều khác trong cuộc sống của bạn mà bạn đang phải đối mặt có thể là lý do cơ bản cho những cảm giác này - chúng có thể là thứ bạn đang trình bày dưới dạng triệu chứng nhưng không phải là thực tại sâu sắc hơn’. Cuộc trò chuyện như thế không thể xảy ra nữa”.


Source:Pillar Catholic
 
Thánh Ca
Chào đón Mùa Xuân Về -2021 Thanh Lan trình bày
Sáng tác Tuyên Bùi
15:45 11/02/2021
 
Câu Chuyện Đầu Năm do ca sĩ Diệp Thanh Thanh trình bày
Sáng tác: Hoài An
16:02 11/02/2021