1. Giám mục Tây Ban Nha chỉ trích tuyên bố của Joe Biden cho rằng Đức Giáo Hoàng khuyến khích ông ta rước lễ
Đức Cha José Ignacio Munilla của San Sebastián, Tây Ban Nha, đã chỉ trích gay gắt tuyên bố của Tổng thống Joe Biden rằng đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích ông ta tiếp tục rước lễ mặc dù ông ta công khai ủng hộ việc phá thai.
“Những tuyên bố đáng kinh ngạc này tiết lộ tư cách đạo đức của những kẻ có khả năng thỏa hiệp và thao túng Đức Giáo Hoàng với ý định rửa sạch lương tâm của họ bị vấy bẩn bởi máu của rất nhiều sinh mạng vô tội bị giết hại một cách bất lương,” Đức Cha Munilla nói trong một tweet hôm 30 tháng 10.
Hôm 29 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Biden tại Vatican trong 75 phút. Tổng thống Hoa Kỳ nói với Reuters rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo ông “hãy tiếp tục rước lễ.”
Hãng tin AP cho biết Biden đã rước lễ một ngày sau đó, trong một thánh lễ được tổ chức tại Nhà thờ Thánh Patrick, một nhà thờ nói tiếng Anh là địa điểm mà cộng đồng Công Giáo Hoa Kỳ ở Rôma tham dự Thánh lễ.
Cá nhân các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố trong những tháng gần đây về việc Rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ việc phá thai.
Đức Cha Thomas Paprocki, Giám Mục của Springfield, Illinois cho biết vào tháng Năm rằng “Thật đáng buồn, khi thấy có một số giám mục và Hồng Y của Giáo hội không chỉ sẵn sàng cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ, mà còn tìm cách ngăn cản Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đừng đề cập đến vấn đề mạch lạc Thánh Thể”, nghĩa là chỉ rước lễ khi có ơn nghĩa với Chúa, không mắc tội trọng và sống phù hợp với các giá trị Tin Mừng sau khi được rước lễ.
Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco vào tháng Năm đã tuyên bố rằng các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai đừng nên ra tiến lên rước lễ.
Trong khi Biden đang vận động tranh cử tổng thống ở Nam Carolina, ông ta đã bị từ chối không được rước lễ tại một giáo xứ vào năm 2019, theo chính sách của giáo phận.
Các giám mục khác, chẳng hạn như Đức Cha Robert McElroy của San Diego, đã nói rằng không nên từ chối Thánh Thể đối với các quan chức Công Giáo ủng hộ phá thai. Tại một hội thảo trực tuyến vào tháng Hai, Đức Cha McElroy cảnh báo rằng một số giám mục đang tìm cách coi việc phá thai là một “phép thử có tính quyết định” đối với các quan chức Công Giáo, và nói rằng những nỗ lực từ chối không cho họ rước lễ sẽ bị coi là “vũ khí hóa” Bí tích Thánh Thể.
Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington đã nói rằng ngài sẽ không từ chối Rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai. Giám mục trước đây của Biden ở Wilmington, là Đức Cha Francis Malooly, đã không từ chối cho ông ta Rước lễ trong giáo phận của ngài, còn vị Tân Giám mục của Wilmington đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này.
Điều 915 của Bộ Giáo luật tuyên bố rằng những người “cố chấp kiên trì phạm tội trọng đã biểu lộ ra ngoài thì không được rước lễ”.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trong một bản ghi nhớ năm 2004 gửi các giám mục Hoa Kỳ với tư cách là tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã tuyên bố rằng các quan chức Công Giáo công khai vận động cho việc hợp pháp hóa phá thai nên được các mục tử hướng dẫn đừng lên rước lễ trừ khi họ dừng lại thôi không thúc đẩy các luật như vậy. Nếu họ tiếp tục làm như vậy bất chấp lời cảnh báo của vị mục tử, và cứ lên rước lễ, thì thừa tác viên bí tích Thánh Thể phải từ chối không cho họ Rước lễ.
Vào tháng 6, các giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để bắt đầu soạn thảo “một tuyên bố chính thức về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội.”
Ủy ban giáo lý của các giám mục Hoa Kỳ đang làm việc để soạn thảo tài liệu, với ý kiến đóng góp từ các ủy ban khác của USCCB. Bản dự thảo của văn kiện được tin là đã sẵn sàng để các giám mục tranh luận, sửa đổi và biểu quyết tại cuộc họp tháng 11 của các ngài.
Source:Catholic News Agency
2. Ông Joe Biden được cho rước lễ trong một Thánh lễ ở Rôma
Tổng thống Joe Biden đã rước lễ trong Thánh lễ tối Thứ Bảy ở Rôma, theo một báo cáo từ Associated Press, gọi tắt là A.P.
Biden đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào hôm thứ Sáu, sau đó, ông ta nói, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bảo ông ta “hãy tiếp tục rước lễ,” bất chấp quan điểm của ông ta về việc phá thai.
Theo A.P., khoảng 30 người đã tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Patrick, nơi có sự hiện diện của lực lượng an ninh đông đảo. Tổng thống và phu nhân ngồi hàng ghế cuối cùng.
Báo cáo nói rằng Thánh lễ đã được cử hành bởi Cha Joe Ciccone và hai linh mục đồng tế, và Biden đã được nhìn thấy để tiền Mỹ vào giỏ quyền tiền.
“Hiệp thông là điều đưa chúng ta đến với nhau trong Chúa. Không ai trong chúng ta là trong sạch và hoàn hảo. Chúng ta phải vật lộn trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều là những vị thánh và những kẻ tội lỗi”, vị chủ tế, là Cha Joe Ciccone, nói với A.P.
Ciccone nói: “Khi bạn là người của công chúng, bạn phải đưa ra những quyết định nhất định, đặc biệt là trong một chế độ dân chủ, thay mặt cho nhiều hơn là cảm xúc cá nhân của riêng bạn”.
Nhà thờ Thánh Patrick nằm gần Đại sứ quán Hoa Kỳ và là nơi thờ phượng chính của nhiều người Mỹ ở Rôma. Nhà thờ nằm trong tổng giáo phận của Đức Giáo Hoàng, cung cấp tất cả các thánh lễ bằng tiếng Anh.
Đây cũng là nhà thờ mà Nancy Pelosi đã tham dự khi bà ta đến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô vào đầu tháng này. Pelosi và chồng cô đã rời Thánh lễ vào ngày 9 tháng 10, trước bài đọc thứ hai vì vấn đề an ninh.
Biden đang ở Rôma để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia và chính phủ G20. Ông đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong 75 phút vào hôm thứ Sáu. Biden nói với các phóng viên sau đó rằng trong cuộc gặp gỡ họ không thảo luận về việc phá thai. Biden nói rằng ông và Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện cho nhau và thảo luận về biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi vừa nói về sự kiện là ngài rất vui vì tôi là một người Công Giáo tốt và tôi nên tiếp tục rước lễ,” Biden nói.
Không giống như các cuộc gặp gỡ trước đây giữa Đức Giáo Hoàng và một nguyên thủ quốc gia, Vatican không cho phép truyền thông có mặt khi Biden và Đức Thánh Cha Phanxicô gặp nhau. Không có video phát trực tiếp nào được cung cấp.
Biden, người Công Giáo Mỹ thứ hai trở thành tổng thống, đã ủng hộ việc phá thai do từ tiền đóng thuế của người dân trong năm đầu tiên tại vị, và đã đưa ra các tuyên bố bảo vệ việc phá thai hợp pháp, làm dấy lên lời kêu gọi ngăn cấm ông rước Thánh Thể của một số giám mục và những người Công Giáo khác.
Source:Catholic News Agency
3. Lễ Các Thánh - Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin
Ngày 1 tháng 11, Giáo Hội long trọng mừng lễ các Thánh Nam Nữ. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta về Tám Mối Phúc Thật.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Hôm nay chúng ta mừng kính Các Thánh và trong Phụng vụ, sứ điệp do Chúa Giêsu “thảo chương” ra, đó là các Mối Phúc, lại được vang lên (x. Mt 5:1-12a). Các Mối Phúc chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, nhân ái, hiền lành, công bằng và hòa bình. Nên thánh là tiến bước trên con đường này. Bây giờ chúng ta hãy tập trung vào hai khía cạnh của lối sống này. Hai khía cạnh tiêu biểu cho lối sống thánh thiện này là niềm vui và lời tiên tri.
Niềm vui. Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “Phúc” (Mt 5: 3). Đó là thông báo chính yếu, đó là một niềm hạnh phúc chưa từng có. Sự thánh thiện không phải là một chương trình sống chỉ được tạo thành từ những nỗ lực và từ bỏ, nhưng trên hết là niềm vui khám phá ra mình là con cái được Thiên Chúa yêu thương. Và điều này khiến anh chị em tràn ngập niềm vui. Đó không phải là một cuộc chinh phục của con người, đó là một ân sủng mà chúng ta nhận được: chúng ta thánh thiện bởi vì Thiên Chúa, Đấng là Thánh, đến cư ngụ trong cuộc sống của chúng ta. Chính Ngài là Đấng ban sự thánh thiện cho chúng ta. Vì điều này, chúng ta rất may mắn! Vậy, niềm vui của người Kitô hữu không phải là cảm xúc của một khoảnh khắc hay sự lạc quan đơn thuần của con người, mà là sự chắc chắn có thể đối mặt với mọi tình huống dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, với lòng can đảm và sức mạnh đến từ Người. Ngay cả giữa bao hoạn nạn, chúng ta vẫn trải nghiệm được niềm vui này và làm chứng cho niềm vui ấy. Nếu không có niềm vui, đức tin sẽ trở thành một thực hành khổ chế và áp bức, và có nguy cơ đổ bệnh vì buồn phiền. Anh chị em hãy nhớ những từ này: phát ốm vì buồn phiền. Một vị ẩn tu trong sa mạc thường nói rằng nỗi buồn là “con sâu của trái tim”, nó ăn mòn sự sống (xem Evagrio Pontico, Tám tính khí gian ác, XI). Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: chúng ta có phải là Kitô Hữu vui vẻ không? Tôi có phải là một Kitô Hữu vui vẻ hay không? Chúng ta lan tỏa niềm vui hay chúng ta là những người buồn tẻ, buồn bã với khuôn mặt đưa đám? Chúng ta hãy nhớ rằng không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui!
Khía cạnh thứ hai: lời tiên tri. Các Mối Phúc được gửi đến những người nghèo, những người đau khổ, những người khao khát công lý. Đó là một thông điệp ngược dòng. Trên thực tế, thế giới này nói rằng để có được hạnh phúc, anh chị em phải giàu có, phải có quyền, có thế, luôn trẻ trung và mạnh mẽ, tận hưởng danh tiếng và thành công. Chúa Giêsu lật ngược những tiêu chí này và đưa ra một lời loan báo tiên tri - và đây là chiều kích tiên tri của sự thánh thiện: sự sống sung mãn thực sự đạt được khi đi theo Chúa Giêsu, bằng cách thực hành Lời Người. Và điều này dẫn đến là một sự nghèo khó khác, đó là nghèo bên trong, trống rỗng chính mình để nhường chỗ cho Thiên Chúa. Ai tin rằng mình giàu có, thành công và an toàn, thì dựa vào chính mình và đóng kín với Chúa và anh chị em của mình, trong khi những người biết mình nghèo và không đủ tự chủ thì mở lòng ra với Chúa và người lân cận. Và tìm thấy niềm vui. Vậy, các Mối Phúc là lời tiên tri về một nhân loại mới, về một lối sống mới: biến mình trở nên nhỏ bé và phó thác mình cho Thiên Chúa, thay vì cố gắng vượt lên trên người khác; hiền lành, thay vì cố gắng áp đặt bản thân; thực hành lòng thương xót, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình; dấn thân cho công lý và hòa bình, thay vì thu vén cho bản thân, lắm khi ngay cả bằng các thủ đoạn bất công và bất bình đẳng. Sự thánh thiện chào đón và đem ra thực hành, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, lời tiên tri cách mạng hóa thế giới này. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có làm chứng cho lời tiên tri của Chúa Giêsu không? Tôi có bày tỏ tinh thần tiên tri mà tôi đã lãnh nhận trong Phép Rửa không? Hay tôi dìm mình trong những tiện nghi của cuộc sống và sự lười biếng của mình, nghĩ rằng mọi thứ sẽ OK nếu tôi OK? Tôi có mang sự mới lạ hân hoan của lời tiên tri Chúa Giêsu đưa ra vào thế giới hay chỉ tung ra những lời phàn nàn đầy nhàm chán về những điều xoàng xỉnh? Những câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta tự hỏi bản thân mình.
Xin Đức Trinh Nữ ban cho chúng ta một điều gì đó trong tâm hồn của Mẹ, một linh hồn diễm phúc đã hân hoan làm sáng danh Chúa, Đấng đã “hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (x. Lc 1:52).
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các anh chị em, những người ở Rôma và những người hành hương. Một lời chào đặc biệt dành cho những người tham gia Cuộc Đua Các Thánh do Quỹ “Don Bosco nel Mondo” tổ chức. Điều quan trọng là phát huy giá trị giáo dục của thể dục thể thao. Cảm ơn anh chị em cũng đã có sáng kiến ủng hộ trẻ em Colombia.
Sáng mai tôi sẽ đến Nghĩa trang Quân đội Pháp ở Rôma: đây sẽ là cơ hội để cầu nguyện thay cho tất cả những người đã chết, đặc biệt là cho những nạn nhân của chiến tranh và bạo lực. Khi đến thăm nghĩa trang này, tôi hiệp nhất trong tinh thần với những người sẽ cầu nguyện bên mộ những người thân yêu của họ ở khắp nơi trên thế giới trong những ngày này.
Chúc các anh chị em một ngày lễ các thánh vui vẻ, trong sự đồng hành thiêng liêng của tất cả các thánh. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana