Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người Công Giáo hãy để tình yêu của Chúa Giêsu được thể hiện qua sự chăm sóc yêu thương của chúng ta đối với những người bệnh tật và đau khổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ bên ngoài Bệnh viện Đại học Gemelli, nằm trên ngọn đồi cao nhất của Rome, Monte Mario, và được Newsweek xếp hạng là bệnh viện tốt nhất trong số các bệnh viện ở Ý vào năm 2021.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua 11 ngày tại Bệnh viện Gemelli vào tháng Bảy sau khi phẫu thuật đại tràng. Trong khi hồi phục sau cuộc phẫu thuật, ngài vẫn ở trong cùng một phòng nơi Đức Gioan Phaolô II đã được điều trị trong thời gian tại vị của ngài.

Thánh lễ ngày 5 tháng 11 đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Y và Phẫu thuật của trường đại học, có trụ sở tại Rôma nhưng là một phần của Đại học Thánh Tâm Công Giáo do tổng giáo phận Milan thành lập.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Khi chúng ta tưởng nhớ với lòng biết ơn về ân sủng là địa điểm này của trường Đại học Công Giáo, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy nghĩ liên quan đến danh xưng của ngôi trường. Nhà trường này được dành riêng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như ngày hôm nay, ngày thứ Sáu đầu tháng được dành cho Thánh Tâm Chúa. Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta có thể để cho mình được hướng dẫn bởi ba từ: ký ức, niềm đam mê và sự an ủi.

Tưởng nhớ. Từ tưởng nhớ, tiếng Ý, ricordare, có nghĩa là “trở về với trái tim, trở về với trọn tâm hồn”. Ricordare. Thánh Tâm Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở về với điều gì? Thưa: Về với những gì Ngài đã làm cho chúng ta: Trái tim của Chúa Kitô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng hiến dâng chính Ngài, đó là bản tóm tắt lòng thương xót của Ngài. Nhìn vào Thánh Tâm Chúa Giêsu - giống như Gioan đã làm trong Tin Mừng (19: 31-37), chúng ta tự nhiên nhớ đến sự tốt lành của Người, được ban cho chúng ta một cách nhưng không, không thể mua cũng như không thể bán; và vô điều kiện, nó không phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Và Thánh Tâm Chúa Giêsu làm ta xúc động. Trong sự vội vã của ngày hôm nay, giữa hàng nghìn công việc lặt vặt và những lo lắng triền miên, chúng ta đang mất dần khả năng để xúc động và cảm thương, bởi vì chúng ta đang đánh mất sự trở lại trái tim, tức là ký ức này, sự quay trở lại trái tim này. Nếu không có ký ức, người ta sẽ mất gốc, và không có rễ, người ta sẽ không phát triển. Thật tốt cho chúng ta khi nuôi dưỡng ký ức về người đã yêu thương chúng ta, chăm sóc chúng ta và nâng chúng ta lên. Hôm nay tôi muốn mở rộng lời “cảm ơn” vì sự quan tâm và tình cảm mà tôi đã nhận được ở đây. Tôi tin rằng trong thời đại đại dịch này, thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại ngay cả những thời điểm chúng ta đã phải chịu đựng nhiều nhất: không phải để làm chúng ta buồn, nhưng để chúng ta không quên, và hướng dẫn chúng ta trong các lựa chọn của mình dưới ánh sáng của một quá khứ rất gần đây.

Tôi tự hỏi: trí nhớ của chúng ta hoạt động như thế nào? Nói cho đơn giản, chúng ta có thể nói rằng chúng ta nhớ ai đó hoặc điều gì đó khi nó chạm vào trái tim chúng ta, khi nó ràng buộc chúng ta với một tình cảm cụ thể hoặc một sự vô tình. Và vì vậy Trái Tim của Chúa Giêsu chữa lành trí nhớ của chúng ta bởi vì Thánh Tâm Ngài đưa ký ức chúng ta trở lại tình cảm cơ bản, làm nó bắt rễ trên nền tảng vững chắc nhất. Thánh Tâm nhắc nhở chúng ta rằng, bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống, chúng ta đều được yêu thương. Đúng vậy, chúng ta là những sinh vật được yêu thương, những người con mà Chúa Cha luôn yêu thương và trong mọi trường hợp, là những anh chị em mà vì đó Trái Tim Chúa Kitô thổn thức. Mỗi khi nhìn vào Trái Tim ấy, chúng ta khám phá ra chính mình “bắt nguồn từ tình yêu thương”, như Tông đồ Phaolô đã nói trong bài đọc thứ nhất hôm nay (Ep 3:17).

Chúng ta hãy trau dồi ký ức này, được củng cố khi chúng ta đối diện với Chúa, đặc biệt là khi chúng ta để mình được Ngài nhìn và yêu thương trong sự thờ phượng. Nhưng chúng ta cũng có thể trau dồi cho mình nghệ thuật ghi nhớ, trân trọng những khuôn mặt chúng ta gặp. Tôi nghĩ về những ngày mệt mỏi trong bệnh viện, tại trường đại học, tại nơi làm việc. Chúng ta có nguy cơ thấy rằng mọi thứ sẽ trôi qua không dấu vết, hoặc chỉ còn lại sự mệt mỏi và chán ngán. Thật tốt cho chúng ta, buổi tối được nhìn lại những gương mặt đã gặp, những nụ cười đã nhận, những lời nói tốt đẹp. Chúng là những kỷ niệm của tình yêu và chúng giúp trí nhớ của chúng ta tìm lại chính nó: mong trí nhớ của chúng ta tự tìm lại được. Những kỷ niệm này quan trọng biết bao trong bệnh viện! Chúng có thể mang lại ý nghĩa cho những ngày của các bệnh nhân. Một lời nói huynh đệ, một nụ cười, một cái vuốt ve trên khuôn mặt: đây là những ký ức chữa lành bên trong, chúng làm tốt trái tim. Chúng ta đừng quên liệu pháp ghi nhớ: nó rất tốt!

Niềm đam mê là từ thứ hai. Niềm đam mê. Đầu tiên là ký ức, sự ghi nhớ; thứ hai là niềm đam mê. Trái tim của Chúa Kitô không chỉ là đối tượng của một lòng đạo bình dân, để cảm thấy một chút ấm áp bên trong; Trái tim Ngài không phải là một hình ảnh dịu dàng khơi dậy tình cảm, không, Thánh Tâm không phải thế. Đó là một trái tim nhiệt thành - chỉ cần đọc Tin Mừng chúng ta cũng thấy rõ đó là một trái tim bị thương vì tình yêu, đang mở ra cho chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta đã nghe Tin Mừng nói về điều đó như thế nào: “Một trong những người lính lấy giáo đâm vào sườn Người, ngay lập tức máu và nước chảy ra” (Ga 19:34). Khi bị đâm thâu qua, trong cái chết của Ngài, Chúa ban sự sống cho chúng ta. Thánh Tâm là biểu tượng của cuộc Khổ nạn, cho chúng ta thấy sự dịu dàng nội tại của Thiên Chúa, tình yêu thương nồng nàn của Người đối với chúng ta, đồng thời, khi được giơ cao lên bởi thập giá với những gai nhọn bao quanh, Thánh Tâm cho chúng ta thấy để cứu rỗi chúng ta, Chúa đã phải trả giá bằng bao nhiêu đau khổ. Nói tóm lại, trong sự dịu dàng và đau đớn, Trái Tim đó mạc khải cho chúng ta niềm đam mê của Chúa. Đâu là phong cách của con người, chúng ta. Và đâu là phong cách của Chúa? Gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đây là phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng.

Điều này gợi ý điều gì? Điều đó cho thấy nếu chúng ta thực sự muốn yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải say mê đối với nhân loại, toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người đang sống trong tình trạng mà Trái Tim Chúa Giêsu đã biểu lộ, đó là đau đớn, bị bỏ rơi và bị khước từ; đặc biệt là trong nền văn hóa vứt bỏ mà chúng ta đang sống ngày nay. Khi chúng ta phục vụ những người đau khổ, chúng ta an ủi và vui mừng trong Trái Tim của Chúa Kitô. Một đoạn trong Phúc âm rất đáng chú ý. Thánh sử Gioan, ngay lúc kể lại cạnh sườn Chúa bị đâm thủng, máu và nước chảy ra, đã làm chứng để chúng ta tin (xem câu 35). Thánh Gioan viết rằng ngay lúc đó chứng tá về tình yêu của Chúa xảy ra. Bởi vì Trái Tim của Thiên Chúa bị đâm xuyên qua là một chứng tá hùng hồn. Không cần nhiều lời, bởi vì đó là lòng thương xót trong trạng thái tinh khiết của nó, tình yêu bị thương và ban sự sống. Đó là Thiên Chúa, với sự gần gũi, từ bi và dịu dàng. Biết bao lần chúng ta nói về Thiên Chúa nhưng không thể hiện tình yêu thương! Nhưng tình yêu nói cho chính nó, nó không nói về chính nó. Chúng ta hãy cầu xin ơn để trở nên say mê con người đau khổ, trở nên say mê phục vụ, để Hội Thánh, trước khi có lời muốn nói, có thể giữ một trái tim luôn đập với tình yêu. Trước khi nói, Giáo Hội có thể học cách bảo vệ trái tim mình trong tình yêu.

Từ thứ ba là sự an ủi. Đầu tiên là sự hồi tưởng, niềm đam mê thứ hai, thứ ba là sự an ủi. Nó chỉ ra sức mạnh không đến từ chúng ta, mà đến từ những người ở bên chúng ta: đó là sức mạnh đến từ Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh này, Trái tim của Người cho chúng ta can đảm trong nghịch cảnh. Có quá nhiều điều không chắc chắn khiến chúng ta sợ hãi: trong thời đại đại dịch này, chúng ta thấy mình nhỏ bé hơn, mong manh hơn. Bất kể có rất nhiều tiến bộ kỳ diệu, điều này cũng được thấy rõ trong lĩnh vực y tế: rất nhiều bệnh hiếm gặp và chưa được biết đến! Khi tôi gặp gỡ những người trong buổi tiếp kiến chung - đặc biệt là trẻ em - và tôi hỏi: “Con có bị đau yếu gì không?” – Các em trả lời “Dạ có, con bị một căn bệnh hiếm gặp”. Có rất nhiều người như thế ngày hôm nay! Thật khó biết bao để theo kịp với các phương pháp điều trị, các phương tiện điều trị, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là những điều thực sự nên làm, đối với tất cả mọi người. Chúng ta có thể trở nên chán nản. Đó là lý do tại sao chúng ta cần sự an ủi – là từ thứ ba. Trái tim Chúa Giêsu luôn lặp lại những lời đó: “Can đảm lên, can đảm, đừng sợ, Thầy ở đây!”. Can đảm lên, chị em, can đảm lên, anh em, đừng nản lòng, Chúa là Thiên Chúa của anh chị em vĩ đại hơn những bệnh tật, Ngài nắm lấy tay anh chị em và vuốt ve anh chị em, Ngài gần gũi anh chị em, Ngài nhân từ, Ngài dịu dàng. Ngài là niềm an ủi của anh chị em.

Nếu chúng ta nhìn thực tại từ sự cao cả của Trái Tim Người, thì viễn tượng thay đổi, kiến thức của chúng ta về cuộc sống cũng thay đổi vì như Thánh Phaolô đã nhắc nhở, cho chúng ta biết “tình yêu của Đức Kitô vượt trên sự hiểu biết” (Ep 3,19). Chúng ta hãy tự khích lệ mình với sự chắc chắn này, với sự an ủi của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy cầu xin Thánh Tâm Chúa ban ơn để có thể đến lượt mình an ủi người khác. Đó là một ân sủng cần phải được cầu xin, khi chúng ta can đảm cam kết cởi mở, giúp đỡ nhau, mang vác gánh nặng cho nhau. Nó cũng áp dụng cho tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe “Công Giáo”: chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau tiến về phía trước.

Xin Chúa Giêsu mở rộng trái tim của những người chăm sóc người bệnh để cộng tác và gắn kết với nhau. Lạy Trái Tim Chúa, chúng con giao phó ơn gọi chăm sóc của chúng con trong tay Chúa: xin Chúa làm cho mọi người đến với chúng con cảm thấy họ là những người thân thương đối với chúng con. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana