1. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật về quyền phá thai, nhưng sẽ bị bác tại Thượng viện

Hôm thứ Sáu, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua luật nhằm bảo vệ các dịch vụ phá thai trước những hạn chế ngày càng tăng của các tiểu bang do Đảng Cộng hòa nắm quyền, bao gồm luật của Texas áp đặt lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc phá thai. Tuy nhiên, dự luật khó có thể được Thượng viện thông qua.

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu với tỷ số 218 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Phần lớn các Dân biểu đã bỏ phiếu theo đường lối của đảng để thông qua hay ngăn cản đạo luật được gọi là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ. Chỉ một đảng viên Dân chủ, là Dân biểu Henry Cuellar của Texas, đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Dự luật sẽ bảo vệ các dịch vụ phá thai và xóa bỏ nhiều hạn chế mà đảng Cộng hòa đã thông qua ở cấp tiểu bang, chẳng hạn như những quy định yêu cầu siêu âm hoặc các xét nghiệm khác.

Thượng viện sẽ bỏ phiếu về luật này “trong tương lai rất gần”, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết trong một tuyên bố.

Dự kiến luật này sẽ không thể thông qua tại Thượng viện, nơi đảng Dân chủ sẽ cần ít nhất 10 đảng viên Cộng hòa ủng hộ. Ngay cả Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins, một người ôn hòa ủng hộ quyền phá thai, cũng đã nói rằng bà phản đối dự luật đó. Bà cho biết dự luật của Hạ viện buộc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải tham gia vào hành động phá thai, bất kể họ lý do lương tâm hay tôn giáo để phản đối điều đó.

Tòa án tối cao Hoa Kỳ, vốn có khuynh hướng bảo thủ mạnh mẽ, cũng đang xem xét một đạo luật hạn chế của Mississippi, làm gia tăng lo ngại của đảng Dân chủ rằng tòa án tối cao có thể lật ngược phán quyết Roe chống Wade, là quyết định mang tính bước ngoặt năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.

Hầu hết các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa phản đối việc phá thai và các nhà hoạt động đảng từ lâu đã thúc giục Tòa án Tối cao lật lại vụ Roe kiện Wade.

“Quốc gia của chúng ta nên đầu tư vào chăm sóc sức khỏe phụ nữ và chăm sóc sức khỏe của trẻ sơ sinh,” Dân biểu Đảng Cộng hòa Gus Bilirakis nói trong cuộc tranh luận tại Hạ Viện. Ông nhấn mạnh rằng “Dự luật này làm ngược lại”.
Source:Reuters

2. Pelosi bảo vệ sự ủng hộ của mình cho việc phá thai hợp pháp

Hôm Thứ Năm, bà Pelosi đã lên tiếng thách thức Đức Tổng Giám Mục của mình, là người đã cho rằng dự luật phá thai mà bà ta đang nỗ lực vận động không khác gì với việc “sát tế trẻ con”.

Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ nhằm bãi bỏ các luật chống phá thai của các tiểu bang, và cho phép phá thai trong một số trường hợp trong suốt chín tháng mang thai, đã được bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 24 tháng 9.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco, là Giám Mục của Pelosi, cho biết dự luật này “không khác gì với việc sát tế trẻ con”.

Khi được hỏi về những lời bình luận của Đức Tổng Giám Mục Cordileone tại cuộc họp báo hôm thứ Năm tại Điện Capitol, Pelosi trả lời rằng “việc người khác chọn có bao nhiêu con và thời điểm sinh con trong gia đình của họ không phải là việc của chúng tôi”.

“Tổng giám mục của thành phố San Francisco, và tôi đã có bất đồng về việc ai sẽ quyết định về quy mô gia đình và thời gian sinh con. Tôi tin rằng Chúa đã ban cho chúng ta một ý chí tự do để tôn vinh trách nhiệm của mình”, bà ta nói khi trả lời câu hỏi của Erik Rosales, phóng viên của Capitol Hill trong chương trình EWTN News Nightly.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone hôm thứ Ba nói rằng dự luật “chắc chắn là kiểu luật mà người ta mong đợi từ một người sùng đạo Satan, chứ không phải từ một người Công Giáo sùng đạo”. Ngài kêu gọi người Công Giáo ăn chay và cầu nguyện cho sự thất bại của dự luật này.

Trong phần hỏi đáp của cuộc họp báo, Rosales yêu cầu Pelosi trả lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Cordileone với tư cách là một người “Công Giáo”.

Bà ta trả lời “Tôi là người Công Giáo. Tôi đến từ một gia đình phò sinh.”

Bà ta lưu ý rằng bà đã có năm đứa con chỉ trong hơn sáu năm. “Đối với chúng tôi, đó là một may mắn trọn vẹn và toàn vẹn, mà chúng tôi tận hưởng mỗi ngày trong đời”, bà ta nói, trước khi nói thêm rằng “không phải việc của chúng tôi trong việc đưa ra quyết định như vậy cho các gia đình khác”.

Vào tháng 7, Pelosi đã trích dẫn đức tin Công Giáo của mình trước khi bà ta biện minh cho chính sách liên bang tài trợ cho các hoạt động phá thai. Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Cordileone tuyên bố rằng “không ai có thể tự nhận mình là một người Công Giáo sùng đạo mà lại dung túng cho việc giết hại sinh mạng con người vô tội, chứ đừng nói đến việc bắt chính phủ phải trả tiền cho việc giết hại đó”.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Parolin bình luận về câu chuyện có những người muốn Đức Giáo Hoàng chết sớm

Hôm 22/9, Đức Hồng Y Parolin đã có cuộc gặp gỡ giới báo chí, bên lề khóa họp tại Roma của Đảng Nhân dân Âu Châu, gọi tắt là PPE.

Một ký giả đã hỏi Đức Hồng Y Parolin về nội dung cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia, chiều ngày 12/9 vừa qua, trong đó Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi được nêu lên về sức khỏe của ngài và nói: “Tôi vẫn còn sống, mặc dù có vài người muốn tôi chết. Tôi cũng biết thậm chí có cuộc gặp gỡ giữa các giám chức, họ nghĩ rằng tôi bị bệnh nặng hơn so với thông cáo chính thức. Họ chuẩn bị mật nghị bầu giáo hoàng!”.

Đức Hồng Y Parolin đáp: “Có lẽ Đức Giáo Hoàng có những thông tin mà tôi không có, vì thành thực mà nói tôi không cảm thấy có bầu không khí như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng đây chỉ là việc của vài người, của người nào đó tự cho vào đầu óc mình những điều như thế. Nhưng tôi không có những yếu tố để nói. Có lẽ Đức Giáo Hoàng đưa ra những lời khẳng định đó, vì ngài biết và có những dữ kiện mà tôi không có. Điều mà tôi muốn nói là tôi không cảm thấy có bầu không khí như vậy”.

Một ký giả khác hỏi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh xem liệu Đức Thánh Cha có thể viếng thăm nước Nga hay không, Đức Hồng Y đáp: “Đây là một câu hỏi mà tôi không biết đưa ra câu trả lời. Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng muốn đi Nga cũng như tất cả các nước khác, nhưng tôi thấy hiện thời không có những điều kiện để thực hiện một cuộc viếng thăm. Ước muốn còn phải được cụ thể hóa trong một số hoàn cảnh chính xác. Tôi thấy hiện thời không được nói đến”.

Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng hiện nay ngài không có thông tin gì về một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ Kirill của Chính thống Nga, tiếp theo sau cuộc gặp gỡ hồi năm 2016 tại phi trường La Habana trước cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Cuba. “Tôi không có yếu tố để nói là sẽ có hay không, mỗi cuộc gặp gỡ đều là tích cực, đó là một nguyên tắc lớn. Cuộc gặp gỡ này có được cụ thể hóa trong thời gian tới đây hay không, tôi cũng không có khả năng để nói”
Source:Crux