Nếu các tín hữu Kitô Trung Đông “thẳng thắn” trong cuộc đối thoại với những đối tác Hồi Giáo thì người Hồi giáo sẽ phải thừa nhận rằng cuộc bách hại các Kitô hữu trong khu vực không chỉ mới bắt đầu với sự lên nắm quyền của Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014.

“Chúng ta không chỉ mới gánh chịu điều này trong bốn năm qua, nhưng ròng rã cả hơn 1,400 năm nay rồi”

Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê Irbil, ở Iraq đã nói như trên trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown ở Washington, được tài trợ bởi Dự án Nghiên cứu Tự do Tôn giáo thuộc Trung tâm Tôn giáo, Hòa bình và Thế giới của trường đại học Berkley.

Theo lời Đức Tổng Giám Mục Warda, các Kitô hữu cũng có một phần trách nhiệm trong cuộc đối thoại hiện nay. Ngài nói: “Chúng ta đã không quyết liệt đẩy lùi tận căn những đợt khủng bố theo chu kỳ đã gây ra bao đau đớn kinh hoàng cho tổ tiên chúng ta”. Ngài nói thêm rằng Kitô giáo cần phải trở lại với một tầm nhìn “tiền Constantinô” của Giáo Hội, khi ngài nhắc lại những lời của Chúa Giêsu ngay trước khi bị đóng đinh trên thập giá: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Trước quy mô của chiến dịch xóa sạch các Kitô hữu và tất cả những người không phải Hồi giáo khỏi các vùng lãnh thổ mà Nhà nước Hồi giáo kiểm soát (trước khi xảy ra một cuộc phản công làm tan hàng bọn chúng và tái chiếm các lãnh thổ), “chúng ta không còn gì để mất, không còn gì để không dám nói mọi chuyện một cách rõ ràng. Khi không có gì để mất nữa, tình thế trở nên rất tự do.”

Đức Tổng Giám Mục Warda nói thêm: “Chúng tôi phản đối một thứ niềm tin tôn giáo cho rằng mình có quyền giết người khác. Cần có một sự thay đổi và một sự điều chỉnh trong Hồi giáo.”

Theo Đức Tổng Giám Mục, phản ứng điển hình của người Hồi giáo đối với những hành động tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo – đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án diệt chủng vào năm 2016 – là cho rằng “ISIS không đại diện cho Hồi giáo”, nhưng hiếm khi họ chịu đi xa hơn, và tiếp tục phủ nhận sự ngược đãi các tín hữu Kitô trong quá khứ, và chẳng biểu hiện bất cứ sự ăn năn nào về những điều này.

“Trong thời kỳ hậu ISIS, sau khi ISIS đã làm bàng hoàng lương tâm thế giới, và làm rung chuyển cả lương tâm của cả thế giới Hồi giáo, phần lớn những người Hồi giáo vẫn tiếp tục coi chúng ta là ‘quân vô đạo’”

“Ở Trung Đông, chúng tôi đã chuyển từ sợ hãi đến kinh hoàng và khiếp đảm. Chuyện gì tiếp theo đây sau khi hàng trăm ngàn người vô tội đã bị giết.”

Ngài lưu ý rằng “Chúng tôi đã nghe những lời can đảm từ một số nhà lãnh đạo Hồi giáo. Điều đó cần được khuyến khích nhưng chúng ta không nên thụ động, hoặc chỉ đơn giản là cầu mong sao cho điều tốt nhất xảy ra.”

Với số tiền 3 triệu Mỹ Kim do Công Giáo Italia trao tặng, Đức Tổng Giám Mục Warda đã cho ra mắt Trường Đại học Công Giáo Irbil vào năm 2015 với 82 sinh viên, trong đó có 4 người Hồi giáo, với các chương trình cử nhân về nghệ thuật và khoa học. Mặc dù cũng có các trường Cao đẳng Công Giáo khác ở Trung Đông, nhưng nhiều trường không dám xưng mình là Công Giáo để được yên thân. Đức Tổng Giám Mục nghĩ rằng điều quan trọng là các trường cần phải dám xưng mình là “Công Giáo” trong tên gọi của nhà trường.

Hiện nay, các tín hữu Kitô Iraq và người Iraq nói chung vẫn phải tiếp tục chờ đợi các quỹ giúp tái thiết. Đức Tổng Giám Mục Warda cho biết số tiền này là rất cần thiết một cách cấp bách, nhưng các chính phủ chỉ tiếp tục “bàn tán xuông” hơn là chi tiền. Ngài ghi nhận sẽ có một hội nghị từ 14 đến 15 tháng 3 tại khu vực được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Nhưng ngài nhận xét cay đắng rằng “Có thể họ sẽ còn bàn tán nhiều hơn nữa. Có lẽ vào cuối năm 2020 người Iraq may ra mới thấy được những đồng tiền đã hứa”.

“Các đánh giá về chính sách của các bạn có những hệ quả sinh tử đối với chúng tôi”. Ngài nói rằng người Iraq cần những hỗ trợ vật chất chứ không phải những viện trợ bác ái. “Hãy giúp chúng tôi phát triển những cách thức bền vững để sống còn và làm ra tiền ở Iraq”, với những nhu cầu thiết yếu nhất là giáo dục và y tế.

Đức Tổng Giám Mục Warda cho hay, ước tính chỉ còn khoảng 200,000 Kitô hữu ở lại Iraq – so với con số lên đến 1.5 triệu người vào năm 2003, khi Hoa Kỳ khởi động chiến tranh Iraq.

Đức Tổng Giám Mục Warda kết luận: “Rất nhiều người của chúng tôi đã phải lưu vong, và chẳng còn mấy người dám ở lại” nhưng ngài nói thêm rằng với các gia đình đã quyết định bỏ Iraq để sống ở bất cứ nơi đâu vì sự an toàn của họ hay của con cái họ, ngài không tỏ ra buồn bực với họ. “Mặc dù con số của chúng tôi còn rất nhỏ, chúng tôi vẫn còn đông hơn con số các thánh Tông Đồ”.


Source: Catholic Herald It’s time to be ‘honest’ in dialogue with Muslims, says Chaldean archbishop