Dấu Thánh Giá trên sân cỏ



Mỗi người có một cách biểu lộ niềm tin khác nhau, song môi trường để bộc lộ niềm tin đó càng rộng thì cách thể hiện sẽ ảnh hưởng càng nhiều.

Nhiều người say mê xem ba mươi hai đội bóng trình diễn tại World Cup 2006 dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng chẳng biết có ai để ý đến dấu thánh giá trên sân cỏ hay không?

Khi kết quả các trận đấu bảng, vòng 1/16 và tứ kết dần dần hiện ra, người ta đã thấy khá nhiều dấu thánh giá được thực hiện trên sân cỏ. Bất kể, có khi là một bàn tay có màu đen của một cầu thủ sống ở Châu Phi (Ghana), có lúc lại được thực hiện trên khuôn mặt trắng trẻo, điển trai của một cầu thủ sống ở Châu Âu (Thụy Sĩ), thường thấy nhất là những lúc cầu thủ trước khi ra sân, sau khi ghi bàn; thỉnh thoảng dấu thánh giá lại được làm liên tục đến ba lần một lúc; thậm chí Neved (đội Cộng Hòa Czech) còn làm dấu thánh giá ở góc sân sau tiếng còi thua trận thảm hại! Nhưng chắc là dấu thánh giá của mỗi người mang một ý nghĩa khác nhau. Đó là:

Sự bình an: Người cầu thủ khi bước ra sân như bước vào một trận chiến mà sự rủi ro có thể đến từ nhiều phía: đương đầu với những va chạm có thể gây ra chấn thương đau đớn ở bất cứ phần nào trên cơ thể; có khi là sự bất an trong tâm lý, hay là sự cô đơn giữa đồng đội; cũng có thể là sự thất bại, và những tình huống kéo theo nhiều hệ lụy của nghiệp bóng đá…..Vì thế, dấu thánh giá mang ý nghĩa cầu mong sự bình an là điều dễ hiểu.

Sự cảm tạ, biết ơn: Một sân chơi ở tầm cỡ thế giới, nhất là cuộc chạm trán giữa những đội bóng nổi tiếng, “đại gia”, thì không có cầu thủ nào dám tiên liệu cho mình việc ghi bàn thắng cả. Giữa tiếng ồn ào của cổ động viên, việc tranh cướp bóng của đối thủ, sự cảnh giác của thủ môn….người cầu thủ còn cần sự trợ giúp thông minh, sáng tạo, sắc bén, kịp thời của đồng đội và bản thân phải biết xử lý tình huống đúng lúc thì mới hy vọng ghi bàn; nhưng chưa chắc đâu nhé, lại còn cột dọc và xà ngang vẫn có thể tạo ra tình huống tiếc nuối ngòai ý muốn. Thế nên, ghi được một bàn thắng, cầu thủ vui sướng làm dấu thánh giá để cảm ơn Chúa là việc làm rất dễ thương trong tâm tình của người biết ơn.

Sự khiêm hạ: Làm dấu thánh giá trước mắt nhiều người trên thế giới là một sự khiêm hạ. Thật vậy, chưa biết thắng hay bại, chưa biết vinh quang (ghi bàn) hay tủi buồn (thẻ đỏ) anh đã tuyên xưng vào Thiên Chúa. Đó là cách tuyên xưng chất chứa sự phó thác, yêu mến, tin tưởng của một người con có Thiên Chúa là cha. Có phải đó là một hình tượng thật đẹp không khi một chàng trai mạnh mẽ bước vào sân cỏ thênh thang, trước hàng triệu con mắt, mà bộc lộ rằng mình là con người rất nhỏ bé cần cậy dựa vào Thiên Chúa; làm cho sự tự mãn, kiêu căng vốn tiềm ẩn trong những con người tài năng, bỗng chạy trốn mất?

Sự can đảm: Dám làm dấu thánh giá trước một cuộc so tài cũng là một sự can đảm; vì không phải làm dấu thánh giá thì lúc nào cũng thắng. Nếu chỉ có thất bại thì dấu thánh giá ấy lại mang ý nghĩa khác: Con cảm tạ Chúa trong mọi sự! Đây là tình huống mà Đức Giêsu đã từng trải qua khi giang tay trên thập giá. Và, sức mạnh của người tin vào Thiên Chúa tự nhiên mạnh mẽ hơn cả ngay chính lúc đương sự đang yếu đuối nhất.



Có thể nói, làm dấu thánh giá trên sân cỏ là một việc bộc lộ niềm tin một cách rất dễ thương, điều đó như muốn nói: Với tất cả niềm đam mê ngôi vị vô địch bóng đá trên thế giới, và sự cố gắng hết sức của chúng tôi, thì Thiên Chúa vẫn ở trên tất cả!