Đức Cha Lambert de la Motte và Giáo Hội Việt Nam
Phúc Âm kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì bỗng dưng có người lên tiếng: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang thầy, và vú đã cho thầy bú!” Chúa Giêsu đáp “Những ai nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ thì có phúc hơn” (LC 11: 27-28). Đức Mẹ Maria được chúc phúc không phải chỉ vì cưu mang Chúa Giêsu, nhưng còn vì Mẹ đã thực hành lời Chúa trong suốt cuộc đời. Trải qua bao thế hệ, lịch sử, Giáo hội đã tôn vinh nhiều vị thánh đã biết NGHE và biết SỐNG vì Lời Chúa. Họ là những anh hùng tạo nên thời thế.
Đức Cha Lambert de la Motte là một anh hùng, hay nói cách khác, một đấng thánh chưa được tôn phong. Ngài là vị đại ân nhân của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà mới đây, trong kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5-9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, đã bàn về những bước tiến trong thủ tục xin phong Chân Phước cho ngài (VietCatholic News 12/9/2005; Bản Đúc Kết Hội Nghị Thường Niên).
Cùng với Đức Cha Francois Fallu, Đức Cha Lambert là một trong hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam, và coi sóc chương trình truyền giáo Viễn Đông vào thế kỷ 17. Ngài chính là người Cha tinh thần của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, một vị thừa sai lỗi lạc với óc tổ chức kỳ tài và tầm nhìn hiểu rộng, với tinh thần hội nhập và thích ứng vào văn hóa địa phương. Ngài tiếp tục ước vọng của cha Đắc Lộ, trong việc đào tạo các linh mục bản xứ làm nền tảng cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam sau này. Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để quy tụ một nhóm trinh nữ đã bắt đầu sống đời độc thân vì Nước Trời, để lập nên tu hội nữ đầu tiên mang tên “Những người yêu Thánh Giá”. Cùng với Giáo hội trải qua hơn ba thế kỷ với những thăng trầm và thử luyện, tu hội của “Những người Yêu Thánh Giá” ngày nay chính là Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu mang bản chất Á Châu để phục vụ cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam do Đức Cha Lambert sáng lập.
I. Thân thế và sự nghiệp Đức Cha Lambert de la Motte:
Phêrô-Maria Lambert de la Motte sinh ngày 16 tháng 1 năm 1624 tại Lisieux, vùng hạ Normandie, Tây Bắc nước Pháp, trong một gia đình quí tộc, hành nghề thẩm phán. Song thân là ông Pierre Lambert de la Motte và bà Catherine Heudey de Pommainville et de Bocquencey. Là trưởng nam trong gia đình gồm bảy người con, cha mẹ và ba em mất sớm, Lambert phải gánh vác việc nhà nên chưa nghĩ đến ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, sống trong gia đình đạo đức, Cậu Lambert thường hay tiếp xúc với giới nông dân và chia sẻ của cải vật chất cho người nghèo. Cậu thích tản bộ trong rừng vắng để cầu nguyện. Đặc biệt cậu say mê đọc và suy niệm sách Gương Phúc, một tác phẩm tu đức đã ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống Giáo Hội từ hai thế kỷ trước. Thời trung học tại trường Dòng Tên ở Caen, cậu được học về đời sống cầu nguyện, cậu có thói quen nguyện gẫm mỗi ngày hai giờ, ăn chay nhiều lần trong tuần và rước lễ hằng ngày, điều này hiếm có trong thế kỷ thứ 17.
Sau khi tốt nghiệp bậc trung học, cậu Lambert đã tiếp nối nghề nghiệp của cha bằng cách thi vào trường luật và đã trở thành một luật sư lúc hai mươi hai tuổi (1646), sau đó làm việc tại Nghị Viện Paris, Tòa án Thuế vụ và Trung Tâm Xã hội Rouen. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đời sống thánh thiện và nhiệt thành của bố, Lambert đã tích cực tham gia vào các sinh hoạt đạo đức, tông đồ và các công tác xã hội. Chính khi dấn thân vào những công việc tốt lành này, Lambert nhận ra tiếng Chúa mời gọi “chỉ thiết tha một điều là chết đi cho trần gian và sống cho một mình Thiên Chúa” (J.C. Bricasier ĐQT, Sđd, tr. 113-114; Tâm Hồn Truyền Giáo tr.14).
Qua những tháng ngày cầu nguyện và tìm ý Chúa, cậu Lambert quyết định từ bỏ nghề luật sư đang hứa hẹn một tương lai sáng lạn, để bước vào đời sống tu trì, trở thành một Linh Mục, một thừa sai cho miền Viễn Đông, và Ngài đã trở nên một trong hai vị sáng lập chính của Hội Thừa Sai Ba-lê - Les Missions Etrangères de Paris, gọi tắt là MEP. Ơn gọi truyền giáo xuất phát từ sự yêu thích cầu nguyện, sự hy sinh vì lòng yêu mến Thiên Chúa và các linh hồn. Chính cha Phêrô Lambert đã ghi lại sau Thánh lễ mở tay: “Tình yêu Thiên Chúa đã đốt lên nơi tôi lòng nhiệt thành đến với người chưa biết Chúa, để nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa đổ ra, họ cũng được ơn cứu độ”(J.C. Brisacier, DQT, Sđđ, tr. 141; THTG tr. 16).
Trước khi đến miền Viễn Đông, cùng với Cha Francois Pallu, Cha Phêrô-Maria Lambert được tấn phong Giám Mục. Đức Cha Francois Pallu được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa cho Miền Truyền Giáo Đàng Ngoài và miền Tây Trung Hoa, còn Đức Cha Lambert thì làm Đại Diện Tông Tòa Miền Truyền Giáo Đàng Trong và miền Nam Trung Hoa.
Ngày 18 tháng 6, năm 1660, Đức Cha Lambert lên đường qua Thái Lan cùng với hai Linh Mục, cộng sự viên gần gũi và đắc lực của ngài sau này. Tại đây, ngài triệu tập công đồng địa phương gọi là Công Đồng Juthia. Qua công đồng này, việc thành lập một chủng viện chung cho toàn vùng Viễn Đông đã được khởi sự và một huấn thị quan trọng được soạn thảo để gởi cho tất cả các vị thừa sai tại vùng này. Huấn thị là một tài liệu quí hóa, vừa là bài huấn đức giúp cho các thừa sai thánh hóa chính mình, vừa là cuốn cẩm nang hướng dẫn các ngài khôn khéo thích nghi với văn hóa địa phương, cũng như việc tổ chức các cứ điểm truyền giáo.
Trong những năm cuối đời, uy tín của Đức Cha ngày càng lên cao. Vua Phra-na-rai ở Thái Lan cũng như chúa Hiền Vương ở Đàng Trong rất quý trọng ngài. Nhưng vì lý do sức khoẻ, hành trình truyền giáo của ngài đã phải kết thúc. Chứng bệnh đường ruột và sạn thận làm cho ngài đau đớn nhiều. Theo lời chứng của cha Gayme, trong những cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, Đức Cha Lambert không ngớt lập lại lời nguyện: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con” (THTG tr. 37)
Ngày 15 tháng 6 năm 1679, lúc 4 giờ sáng Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, đã an nghỉ lành thánh trong Chúa tại Juthia, Thái Lan trước sự tiếc thương của nhiều người. Ngài ra đi sau một cuộc đời tận tụy gieo rắc Tin Mừng. Tuy ra đi nhưng hình ảnh và sự nhiệt thành của Đức Cha Lambert vẫn còn sống mãi trên miền đất Á Đông, qua những công trình của ngài để lại, là hàng Giáo phẩm địa phương và Dòng Mến Thánh Giá.
II. Chân Dung tinh thần của Đức Cha Lambert de la Motte
Con người cương nghị và nhiệt thành
Dung mạo của Đức Cha Phêrô-Maria Lambert là một tổng hợp giữa những nét oai nghiêm và mộc mạc, giữa một ý chí cương nghị và một trí tuệ thông minh phi thường. Theo nhận định của Đức Cha Bernard Jacqueline, Đức Cha Lambert có sự khôn ngoan của vị thẩm phán và tính giản dị của bác nông dân, lòng nhiệt thành của nhà tiên tri và vẻ uy nghi của Đấng kế vị các Thánh Tông đồ (THTG tr. 40). Khoa luật và nghề trạng sư đã tôi luyện cho ngài có biệt tài lý luận tinh vi và sắc bén, Ngài có sức thuyết phục phi thường, khiến cho những ai tiếp xúc với ngài đều bị thu hút.
Tâm hồn thờ phượng
Đức Cha Lambert rất tôn sùng Chúa Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn. Ngài luôn khát khao đồng hóa với Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh. Có lần ngài nói với các linh mục của mình: “Hãy học hỏi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến” (THTG tr. 42).
Tinh thần khổ chế và nghèo khó khiêm cung
Đức Cha Lambert sống rất khắc khổ, ngài thường xuyên đánh tội, ăn chay kiêng thịt và rượu, kết hợp hy sinh với cầu nguyện vì “khổ chế làm cho thân xác phục tùng tinh thần cũng như tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện”(Ts tr.30). Ngài không cậy dựa vào tiền bạc, sự thông thái của mình hoặc thế lực quan quyền của vua Chúa nhưng chỉ dùng những phương tiện Phúc Âm đề ra: đó là rao giảng Lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên, với tinh thần bác ái vô hạn, tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu và với một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ. Đức Cha nhắn nhủ các vị thừa sai: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời nguyện cầu làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng” (Ts tr. 31). Khi còn là linh mục, Đức Cha Lambert đã tự nguyện dâng tài sản, một bảo đảm an toàn của đời sống cho chương trình truyền giáo Viễn Đông. Trong cơn bệnh nguy tử năm 1660, ngài xin được chôn cất như những người nghèo khó, và sau đó tại Juthia, ngài muốn nhường chức Giám Mục cho một người khác. Theo Cha Launay, nét nổi bật trong tính tình của Đức Cha là tự nguyện chịu sỉ nhục vì Chúa Kitô (THTG tr. 33).
Tinh thần phục vụ
Đức Cha Lambert ý niệm người tông đồ phải có đời sống vượt trổi phi thường để tạo uy tín và gây ảnh hưởng tốt nơi môi trường truyền giáo, và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Ngài viết: “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức ái phi thường của các thừa tác viên” (Ts & Bt tr. 51).
Đức Cha Lambert thể hiện lòng nhiệt thành đối với việc cứu rỗi các linh hồn và phục vụ hạnh phúc tha nhân bằng việc:
- - Rao giảng PhúcÂm cho lương dân và hy sinh cầu nguyện cho họ được ơn trở lại với Chúa (Ts 22; Ltk III, 1);
- - Quan tâm tới việc rửa tội cho trẻ em lâm cơn nguy tử (Ts 12d; Ltk III, 4);
- - Giáo dục nhân bản và văn hóa cho giới trẻ (Ts 9; Ltk III, 2);
- - Săn sóc bệnh nhân và giúp đỡ người nghèo (Ts 3-4; Ltk III, 3);
- - Cứu vớt những phụ nữ trụy lạc (Ts 3- 4, Ltk III, 5).
Tới Việt Nam chỉ với hành trang là lòng nhiệt thành cứu các linh hồn và phục vụ tha nhân, Đức Cha Lambert đã trung thành thực hiện và dấn thân theo gương Thánh Phaolô: “Đối với người Do Thái, tôi trở nên Do Thái để chinh phục người Do Thái.. . Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cor 9: 20-22). Vì thế, Đức Cha Lambert đã sống với, sống cho và sống trọn con tim với các dân tộc Á Đông nói chung và với dân tộc Việt Nam nói riêng.
Xây dựng giáo hội địa phương
Đức Cha Lambert đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng hàng Giáo Sĩ Việt Nam. Ngài lập chủng viện Thánh Giuse và phong chức cho những Linh mục Việt Nam đầu tiên tại Juthia năm 1668. Chính ngài cũng cử hành hai lễ phong chức Linh mục đầu tiên trên đất nước Việt Nam: tại Đàng Ngoài năm 1670, tại Đàng Trong năm 1676 (THTG tr. 47).
Qua Công Đồng Phố Hiến năm 1670, ngài đã củng cố và phát triển một cơ chế độc đáo của Giáo Phận Đàng Ngoài: cơ chế “Nhà Đức Chúa Trời”. Đây là Cộng đoàn Nhà xứ, gồm các Cha chánh, phó xứ, các thầy giảng, các chủng sinh, ông từ, ông bõ, và tất cả những ai phục vụ cho Nhà Chúa. Với cơ chế này, mầm mống ơn gọi Linh mục và tu trì như nhận được mảnh đất tốt để sinh hoa kết trái, hầu phục vụ cho cánh đồng truyền giáo bao la” (Nghị quyết CĐPH 1670 điều 10-14; TĐCG số 33 tr. 98).
Cuối cùng, phát xuất từ ước nguyện cứu các linh hồn và phục vụ tha nhân, Đức Cha Lambert thành lập Dòng Mến Thánh Giá với hai mục đích: Phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá và huấn luyện những tông đồ đắc lực vào công cuộc truyền Giáo tại Việt Nam và Á Châu. Như vậy, qua Dòng Mến Thánh Giá, tinh thần và sứ mạng truyền giáo của Đức Cha luôn được gìn giữ và phát triển không ngừng. Tinh thần ấy ngày càng ăn sâu và thấm nhuần giữa lòng Giáo Hội Việt Nam qua sự hiện diện âm thầm nhưng rất kiến hiệu của các Nữ tu Mến Thánh Giá.
IV. Tinh thần Mến Thánh Giá giữa lòng Giáo Hội Việt Nam
Phát xuất từ kinh nghiệm thiêng liêng về Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh, lòng yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu đã trở thành một động lực chi phối mọi sinh hoạt từ nội tâm đến Giáo Hội và xã hội của Đức Cha. Ngài đã được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn Đoàn sủng cho Dòng Mến Thánh Giá, một Linh Đạo tập trung vào Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Phục Sinh để hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại. Linh Đạo Mến Thánh Giá còn được gọi là Linh Đạo Lâm Bích (Lambert).
Với xác tín “Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, các Nữ tu đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, dấn thân vào các cứ điểm truyền giáo ở mọi miền đất nước để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Kitô.
Ngay những ngày đầu khi mới thành lập, các Nữ tu hoàn toàn không có tu phục, ăn mặc giống như những người miền quê chất phác. Các chị không chỉ giúp Cha xứ trong việc mục vụ, dạy giáo lý, nhưng còn là những bạn thân của các tín hữu vì đã đồng hành với họ trong các công việc hằng ngày với đủ ngành nghề. Bên cạnh đó, các Nữ tu còn đóng vai những thầy thuốc và chăm sóc những người ốm đau. Vì thế mà người Miền Nam thường gọi các chị bằng một cái tên tuy mộc mạc nhưng rất thân thương “Bà-Phước”.
Trung thành với tâm nguyện của Đức Cha Lambert, các Nữ Tu đến với những phụ nữ lỡ lầm để an ủi và giúp họ phục hồi nhân phẩm, trở về với cuộc sống bình thường. Các chị đặc biệt để ý đến việc thăng tiến phụ nữ, một điều chưa hề có trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Các Nữ Tu Mến Thánh Giá thuộc nhóm phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam biết chữ Quốc Ngữ, đã giúp cho nhiều thế hệ tại miền quê biết đọc, biết viết, góp phần rất lớn trong việc tạo nên những nhân tài cho dân tộc và Giáo Hội sau này ( Phạm Đình Khiêm, sđđ, tr. 40-41;TĐCG số 33 tr. 108).
Tinh thần của Đức Cha Lambert đã theo những dấu chân truyền giáo của chị em Mến Thánh Giá vào khắp nẻo đường quê hương và thấm sâu vào tâm hồn dân Việt. Đời sống Tông đồ của chị em được đặt nền tảng trên tinh thần cầu nguyện và sự hy sinh khổ chế, để cho dù đến bất cứ phương trời nào, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị em luôn theo gương Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Phục-Sinh, dấn thân phục vụ Giáo hội địa phương với niềm xác tín rằng tình yêu dành cho Chúa Kitô trên Thánh Giá sẽ luôn luôn dẫn đến Vinh Quang.
Per Crucem ad Lucem