Giáo Hội Việt Nam Tri Ân Sâu Sắc Vị Giám Mục Truyền Giáo Ðầu Tiên, Ðức cha Lambert De La Motte.

Thành Phố Saigon, Việt Nam (22/10/2004) - Nhân dịp lễ Khánh nhật truyền giáo trong năm thánh truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, bảy Hội dòng Mến Thánh Giá tại Tổng Giáo Phận Saigon đã tổ chức đêm Diễn nguyện theo chủ đề "sự nghiệp thừa sai của Ðức cha Lambert De La Motte", Giám mục đầu tiên đến truyền giáo tại Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 17 (từ năm1669 đến năm 1675).

Chương trình diễn ra gần 3 giờ đồng hồ, bắt đầu từ 6 giờ 45 phút tối thứ Sáu ngày 22.10.2004 tại nhà thờ Chánh Tòa Tổng Giáo Phận Saigon.



Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo Phận Saigon, người khởi xướng chương trình, đã gợi ý cho bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá của Tổng Giáo Phận Saigon giới thiệu dung mạo Ðức Cha Lambert (tên tiếng Việt là Lâm Bích), nhà Truyền giáo và là nhà Văn hoá của Giáo hội Việt Nam, và cũng là đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam.

Tham dự chương trình, ngoài Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận, còn có Ðức Cha phụ tá Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch Uỷ ban Văn hoá của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức Cha Giuse Nguyễn Tích Ðức, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, Ðức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám Mục Giáo phận Bùi Chu và là chủ tịch Uỷ ban Tu sĩ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, hai phái đoàn Mến Thánh Giá Thái Lan, Los Angeles gốc Gò Vấp Phát Diệm, quý đại diện Chính quyền địa phương, nhiều anh em thuộc các tôn giáo bạn và hơn 2,000 khán thính giả gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Phát biểu khai mạc đêm diễn nguyện gồm 12 tiết mục hợp xướng, hoạt cảnh, hoạt vũ, tốp ca và múa phỏng theo làn điệu dân ca của dân tộc Việt Nam, Ðức Cha phụ tá Giuse Vũ Duy Thống nói rằng: "Ðêm diễn nguyện nhằm giúp Cộng đồng dân Chúa cùng nhau cầu nguyện và quyết tâm sống tinh thần truyền giáo".

Mở đầu chương trình là phần nói về "Ơn gọi thừa Sai của Ðức Cha Lambert" với ba tiết mục mang tên "Cánh đồng truyền giáo, Thần khí Chúa Kitô và Bài tình ca Giêsu", kể lại hình ảnh một Giám mục người Pháp đã từ bỏ quê hương của mình tìm đến Việt Nam, một đất nước khác xa với Ðức Cha về sắc tộc, màu da và văn hóa để Loan Báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

Trong phần nói về "Sự nghiệp thừa sai của ngài tại Á đông, và tại Việt Nam", linh mục bề trên giám tỉnh dòng Phanxicô, Phi Khanh Vương Ðình Khởi đã thuyết trình đề tài "Giới thiệu về Ðức Cha Lambert, vị sáng lập Giáo hội Việt Nam về mặt linh đạo".

Linh mục nhận định rằng Ðức Cha Lambert de la Motte là người "tổ chức chủ yếu" của giáo hội Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp từ Dòng Tên sang Hội Thừa sai Paris vào thập niên 60 của thế kỷ 17, là người bất chấp mọi khó khăn để xác định quyền bính của vị Giám mục đại diện Tông toà và đặt những cơ cấu đầu tiên cho Giáo hội Công giáo Việt nam với cơ cấu vững chắc, qua việc thành lập hàng linh mục bản địa, cải tổ tu hội thầy giảng.

Hơn thế nữa, với sáng kiến độc đáo, Ðức Cha đã sáng lập Hội dòng Mến Thánh Giá, thổi vào Giáo hội Việt Nam một luồng sinh khí, một linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Giêsu - Kitô Chịu đóng đinh, linh đạo mà hàng vạn vị tử đạo Việt nam đã thực hành một cách hùng hồn qua việc từ chối không chịu bước qua Thập tự và sẵn lòng chấp nhận chết cách anh dũng, và linh đạo đó đã sống và lan toả mãi trong lòng Giáo hội Việt nam và Châu Á, qua các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá.

Bài thuyết trình của linh mục được minh họa bằng bốn tiết mục gồm hoạt cảnh "Mầu nhiệm tình thương", Tứ ca Lâm Bích "Dấu chân người cha", múa "Cho con mang thánh giá", và tốp ca "Hò Bác ái".

Phần cuối chương trình mang chủ đề "Hoa quả từ sự nghiệp Thừa sai của Ðức cha Lambert" được diễn tả qua năm tiết mục "Từ một ước mơ", "Một loài hoa đồng nội", "Chúa sai tôi đi", "Vì tin mừng Chúa Kitô" và "Ra khơi".

Các nhạc phẩm sử dụng trong đêm diễn nguyện do Linh mục, tu sĩ và giáo dân sáng tác, một số hoạt cảnh và hoạt vũ do các Hội dòng dàn dựng, và mỗi khán giả được tặng một cuốn sách nhỏ tóm lược tiểu sử, sự nghiệp và tư tưởng Ðức Cha Lambert de la Motte cùng một tấm hình chụp chân dung của Ðức Cha.

Tạm biệt anh chị em đã tham dự đêm diễn nguyện, Ðức Hồng Y cầu chúc mỗi người được khơi dậy "ngọn lửa" đức tin và tình yêu thương, một ngọn lửa vốn đã có từ trong trái tim của Vị truyền giáo mà Ðức Hồng Y đã cảm nhận được.

Ngài nói rằng, lý do theo đạo của nhiều người Công giáo Việt nam tính đến ngày hôm nay là nhờ cảm nghiệm được đạo Công giáo là đạo của "tình yêu thương".

Ðức Hồng Y mời gọi toàn thể anh chị em hãy truyền giáo bằng tình yêu thương và thể hiện qua cách sống ngay trong môi trường làm việc của mình. Ðức Hồng y nói: "Ðó chính là sứ vụ truyền giáo ngày nay của mỗi chúng ta".

Ðược biết, Giáo hội Việt Nam hiện có 23 Hội dòng Mến Thánh Giá hoạt động xuyên suốt trên ba miền của đất nước và hiệp thông trong cùng một linh đạo của đấng sáng lập Dòng.