Theo tin Tòa Thánh, sáng nay, 8 tháng giêng, 2025, trong buổi tiếp kiến chung tại hội trường Phao-lô VI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trình bầy bài giáo lý của ngài về trẻ em với việc nhấn mạnh tới thảm trạng bóc lột các em qua lao động.
Sau đây là nguyên văn bài giáo lý tuần này của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Tôi muốn dành bài giáo lý này và bài giáo lý tiếp theo cho trẻ em, và đặc biệt suy gẫm về tệ nạn lao động trẻ em.
Ngày nay, chúng ta muốn hướng sự chú ý của mình về sao Hỏa hoặc thế giới ảo, nhưng chúng ta phải vật lộn mới nhìn vào mắt một đứa trẻ bị bỏ lại bên lề và bị bóc lột hoặc lạm dụng. Thế kỷ này đẻ ra trí khôn nhân tạo và lập kế hoạch cho sự tồn tại đa hành tinh nhưng vẫn chưa tính sổ tệ nạn tuổi thơ bị sỉ nhục, bóc lột, bị tử thương. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này.
Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi: Thánh Kinh đã truyền cho chúng ta thông điệp gì về trẻ em? Điều kỳ lạ là nhận ra rằng chữ xuất hiện thường xuyên nhất trong Cựu Ước, sau tên thánh Gia-vê, là chữ ben, nghĩa là "con trai": gần năm ngàn lần. "Chắc chắn, con trai (ben) là một món quà từ Chúa, hoa trái của lòng mẹ, một phần thưởng" (Tv 127: 3). Con cái là một món quà từ Thiên Chúa. Thật không may, món quà này không phải lúc nào cũng được đối xử một cách tôn trọng. Bản thân Kinh thánh dẫn chúng ta qua những con đường của lịch sử, nơi những bài ca vui mừng vang lên, nhưng cũng có tiếng kêu của những nạn nhân được gióng lên. Ví dụ, trong sách Ai Ca, chúng ta đọc: "Lưỡi trẻ thơ dính chặt vào vòm miệng vì khát; trẻ con xin bánh, nhưng không ai cho chúng một miếng" (4: 4); và tiên tri Na-khum, nhớ lại những gì đã xảy ra ở các thành phố cổ Thebes và Nineveh, đã viết: "Ngay cả những đứa con nhỏ của bà cũng bị đập tan thành từng mảnh ở góc mỗi đường phố" (3:10). Hãy nghĩ đến bao nhiêu trẻ em ngày nay đang chết vì đói và túng thiếu, hoặc bị bom đạn xé xác.
Cơn bão bạo lực của Hê-rốt, kẻ đã tàn sát những đứa trẻ sơ sinh ở Bêlem, đã bùng nổ lập tức cả đối với Chúa Giêsu mới sinh. Một thảm kịch ảm đạm lặp lại dưới nhiều hình thức khác trong suốt chiều dài lịch sử. Và ở đây, đối với Chúa Giêsu và cha mẹ Người, là cơn ác mộng trở thành người tị nạn ở một đất nước xa lạ, như vẫn xảy ra ngày nay với nhiều người, nhiều trẻ em (x. Mt 2:13-18). Sau khi cơn bão qua đi, Chúa Giêsu lớn lên trong một ngôi làng không bao giờ được nhắc đến trong Cựu Ước, Na-da-rét; Người học nghề thợ mộc từ người cha hợp pháp của mình, Thánh Giu-se (x. Mc 6:3; Mt 13:55). Theo cách này, "Đứa trẻ lớn lên và trở nên mạnh mẽ, đầy khôn ngoan; và ân sủng của Thiên Chúa ở trên Người" (Lc 2:40).
Trong cuộc sống công khai của mình, Chúa Giêsu đã đi rao giảng từ làng này sang làng khác cùng với các môn đệ của Người. Một ngày nọ, một số bà mẹ đến gần Người và dâng con cái của họ cho Người để chúc phúc; nhưng các môn đệ đã khiển trách Người. Vì vậy, Chúa Giêsu, phá vỡ truyền thống trong đó trẻ em chỉ được coi là những đối tượng thụ động, đã gọi các môn đệ đến với Người và nói: "Hãy để trẻ em đến với Ta và đừng ngăn cản chúng; vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng". Và do đó, Người chỉ ra những đứa trẻ như một hình mẫu cho người lớn. Và Người long trọng nói thêm: "Amen, Ta bảo các ngươi, bất cứ ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một đứa trẻ thì sẽ không được vào đó" (Lc 18:16-17).
Trong một đoạn tương tự, Chúa Giêsu gọi một đứa trẻ, đặt nó vào giữa các môn đệ và nói: "Nếu các ngươi không trở lại và trở nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào Nước Thiên Chúa" (Mt 18:3). Và sau đó, Người cảnh cáo: "Bất cứ ai làm cho một trong những kẻ bé mọn này tin vào Ta phạm tội, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và quăng xuống đáy biển còn hơn" (Mt 18:6).
Anh chị em thân mến, các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô không bao giờ được phép để trẻ em bị bỏ bê hoặc ngược đãi, bị tước đoạt quyền lợi, không được yêu thương hoặc bảo vệ. Người Kitô hữu có bổn phận phải ngăn chặn và lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực hoặc lạm dụng trẻ em.
Ngày nay, đặc biệt, có quá nhiều trẻ em bị ép buộc phải làm việc. Nhưng một đứa trẻ không biết cười, một đứa trẻ không có ước mơ thì không thể biết hoặc nuôi dưỡng tài năng của mình. Ở mọi nơi trên thế giới, có những đứa trẻ bị bóc lột bởi một nền kinh tế không tôn trọng sự sống; một nền kinh tế khi làm như vậy, sẽ tiêu thụ hết kho hy vọng và tình yêu lớn nhất của chúng ta. Nhưng trẻ em chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa, và bất cứ ai làm hại trẻ em sẽ phải chịu trách nhiệm trước Người.
Anh chị em thân mến, những người nhận ra mình là con cái Thiên Chúa, và đặc biệt là những người được sai đi để mang tin mừng của Phúc âm đến với người khác, không thể thờ ơ; họ không thể chấp nhận rằng những người chị em và anh em bé nhỏ của chúng ta, thay vì được yêu thương và bảo vệ, lại bị cướp mất tuổi thơ, giấc mơ, trở thành nạn nhân của sự bóc lột và gạt ra ngoài lề.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở rộng trí khôn và trái tim chúng ta để biết quan tâm và dịu dàng, và để mọi bé trai và bé gái có thể lớn lên về tuổi tác, sự khôn ngoan và ân sủng (x. Lc 2:52), đón nhận và trao ban tình yêu. Cảm ơn anh chị em.