Theo tin Tòa Thánh, sáng nay, 6 tháng Mười Một, 2024, trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Chúa Thánh Thần và Cô dâu. Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa đến với Chúa Giêsu, hy vọng của chúng ta. 12. “Chúa Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta”. ChúaThánh Thần và lời cầu nguyện của người Kitô hữu. Sau đây là nguyên văn Bài Giáo Lý, căn cứ vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hành động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, ngoài Lời Chúa và các Bí tích, được phát biểu trong lời cầu nguyện, và đó là điều mà chúng ta muốn dành cho bài suy niệm hôm nay: cầu nguyện. Chúa Thánh Thần vừa là chủ thể vừa là đối tượng của lời cầu nguyện của người Kitô hữu. Nghĩa là, Người là Đấng ban lời cầu nguyện và Người là Đấng được ban qua lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện để nhận được Chúa Thánh Thần, và chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần để thực sự cầu nguyện, nghĩa là, như con cái của Thiên Chúa, chứ không phải như nô lệ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này: cầu nguyện như con cái của Thiên Chúa, chứ không phải như nô lệ. Người ta phải luôn cầu nguyện với sự tự do. “Hôm nay tôi phải cầu nguyện cho điều này, điều này và điều này, vì tôi đã hứa điều này, điều này và điều này. Nếu không, tôi sẽ xuống địa ngục”. Không, đó không phải là cầu nguyện! Cầu nguyện là tự do. Anh chị em cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần giúp anh chị em cầu nguyện. Anh chị em cầu nguyện khi anh chị em cảm thấy cần cầu nguyện trong lòng, và khi anh chị em không cảm thấy gì cả, anh chị em dừng lại và tự hỏi: “Tại sao tôi không cảm thấy muốn cầu nguyện? Điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của tôi?”. Nhưng luôn luôn, sự tự phát trong lời cầu nguyện là điều giúp chúng ta nhiều nhất. Đây chính là ý nghĩa của việc cầu nguyện như trẻ con, chứ không phải như nô lệ.

Trước hết, chúng ta phải cầu nguyện để nhận được Chúa Thánh Thần. Về vấn đề này, Chúa Giêsu có một lời rất chính xác trong Tin Mừng: “Vậy nếu các ngươi là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, thì huống hồ Cha trên trời lại không ban Chúa Thánh Thần* cho những kẻ xin Người sao?” (Lc 11:13). Mọi người, mỗi người chúng ta, đều biết cách cho những điều tốt đẹp cho những người bé nhỏ, dù đó là con cái, ông bà hay bạn bè của chúng ta. Những người bé nhỏ luôn nhận được những điều tốt đẹp từ chúng ta. Nhưng Chúa Cha lại không ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta sao? Và điều này sẽ cho chúng ta lòng can đảm để tiến lên với điều này. Trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần luôn ngự xuống trong khi cầu nguyện. Người ngự xuống trên Chúa Giêsu trong phép rửa ở sông Gióc-đăng, trong khi Chúa “đang cầu nguyện” (Lc 3:21), và Người ngự xuống trên các tông đồ vào Lễ Ngũ Tuần, trong khi họ “đồng tâm nhất trí cầu nguyện” (Cv 1:14).

Đó là “quyền năng” duy nhất chúng ta có đối với Thánh Thần của Thiên Chúa. Quyền năng của lời cầu nguyện: Người không chống lại lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện, và Người đến. Trên Núi Carmel, các tiên tri giả của Ba-an – hãy nhớ đoạn Kinh thánh đó – đã kích động để cầu xin lửa từ trời xuống trên lễ vật của họ, nhưng không có gì xảy ra, vì họ là những kẻ thờ ngẫu tượng, họ thờ một vị Chúa không hề hiện hữu. Tiên tri Ê-li-a bắt đầu cầu nguyện, và lửa đã giáng xuống và thiêu rụi lễ vật (x. IVua 18:20-38). Giáo hội trung thành noi theo tấm gương này: Giáo hội luôn cầu xin Chúa Thánh Thần “Hãy đến! Hãy đến!”, “Hãy đến”, bất cứ khi nào Giáo hội cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Và Giáo hội làm điều này đặc biệt trong Thánh lễ, để Người có thể ngự xuống như sương và thánh hóa bánh và rượu cho hy lễ Thánh Thể.

Nhưng còn một khía cạnh khác, quan trọng và khích lệ nhất đối với chúng ta: Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta lời cầu nguyện đích thực. Thánh Phaolô khẳng định điều này: “Cũng vậy, Chúa Thánh Thần cũng đến giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta; vì nhiều khi chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Đấng thấu suốt tâm hồn biết được ý định của Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo ý Thiên Chúa” (x. Rm 8: 26-27).

Đúng vậy, chúng ta không biết cách cầu nguyện, chúng ta không biết. Chúng ta phải học mỗi ngày. Lý do cho sự yếu đuối này trong lời cầu nguyện của chúng ta đã được diễn đạt trong quá khứ chỉ bằng một hạn từ, được sử dụng theo ba cách khác nhau: như một tĩnh từ, như một danh từ và như một trạng từ. Điều này dễ nhớ, ngay cả đối với những người không biết tiếng Latinh, và điều đáng ghi nhớ là, vì nó chứa đựng trong chính nó một chuyên luận toàn bộ về cả ba điều này. Những hữu thể nhân bản chúng ta, theo câu nói đó, “mali, mala, male petimus”, nghĩa là, là những người xấu (mali), chúng ta cầu xin những điều xấu (mala) và theo cách xấu (male). Chúa Giêsu nói, “Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc [của Thiên Chúa] … và tất cả những thứ kia, Người sẽ ban cho các con” (Mt 6:33); thay vào đó, chúng ta tìm kiếm điều khác, tức là lợi ích của chúng ta – nhiều lần – và chúng ta hoàn toàn quên cầu xin nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho vương quốc, và mọi thứ sẽ đến cùng với Người.

Đúng vậy, Chúa Thánh Thần đến để giúp chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta, nhưng Người còn làm một điều quan trọng hơn nữa: Người làm chứng với chúng ta rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa và đặt trên môi chúng ta tiếng kêu: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8:15; Gl 4:6). Chúng ta không thể nói “Cha ơi, Abba”. Chúng ta không thể nói “Cha ơi” nếu không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Lời cầu nguyện của Ki-tô hữu không phải là con người ở một đầu dây điện thoại, nói chuyện với Chúa ở đầu dây bên kia; không, chính Thiên Chúa là người cầu nguyện trong chúng ta! Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa qua Thiên Chúa. Cầu nguyện có nghĩa là đặt mình vào trong Thiên Chúa, để Thiên Chúa đi vào trong chúng ta.

Chính trong lời cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần được mặc khải là “Đấng Bảo Trợ”, tức là Đấng biện hộ và bảo vệ. Người không cáo buộc chúng ta trước Chúa Cha, nhưng bảo vệ chúng ta. Vâng, Người bảo vệ chúng ta, Người thuyết phục chúng ta về sự thật rằng chúng ta là tội nhân (x. Ga 16:8), nhưng Người làm như vậy để chúng ta có thể nếm trải niềm vui của lòng thương xót của Chúa Cha, chứ không phải để hủy diệt chúng ta bằng những cảm giác tội lỗi vô ích. Ngay cả khi trái tim chúng ta trách móc chúng ta về điều gì đó, Người vẫn nhắc nhở chúng ta rằng “Thiên Chúa cao cả hơn trái tim chúng ta” (1 Ga 3:20). Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng hãy nghĩ xem: có lẽ một số người trong anh chị em– tôi không biết – rất sợ hãi vì những điều họ đã làm, sợ bị Thiên Chúa trách móc, sợ nhiều thứ và không thể tìm thấy sự bình an. Hãy cầu nguyện, kêu cầu Chúa Thánh Thần, và Người sẽ dạy anh chị em cách cầu xin sự tha thứ. Và anh chị em có biết điều gì không? Thiên Chúa không biết nhiều về ngữ pháp, và khi chúng ta cầu xin sự tha thứ, Người không để chúng ta nói hết! “Vì…” và ở đó, Người không để chúng ta nói hết chữ tha thứ. Người tha thứ cho chúng ta trước, Người luôn tha thứ, và Người luôn ở bên chúng ta để tha thứ cho chúng ta, trước khi chúng ta nói hết chữ tha thứ. Chúng ta mới nói đến chữ “Vì…” thì Chúa Cha đã tha thứ cho chúng ta rồi.

Chúa Thánh Thần cầu bầu và Người cũng dạy chúng ta cách cầu bầu, đến lượt mình, cho anh chị em của chúng ta – Người cầu bầu cho chúng ta và dạy chúng ta cách cầu bầu cho người khác. Người dạy chúng ta lời cầu bầu: cầu nguyện cho người này, cầu nguyện cho người bệnh kia, cho người đang ở trong tù, cầu nguyện… thậm chí cầu nguyện cho mẹ chồng của mình! Và hãy cầu nguyện, luôn luôn. Luôn luôn. Lời cầu nguyện này đặc biệt đẹp lòng Thiên Chúa, vì nó là lời cầu nguyện vô điều kiện và vị tha nhất. Như Thánh Ambrosiô thường nói, khi một ai đó cầu nguyện cho mọi người, thì mọi người đều cầu nguyện cho một ai đó; lời cầu nguyện được nhân lên. [1] Đây là cách cầu nguyện. Đây là một nhiệm vụ rất quý giá và cần thiết trong Giáo hội, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh này: để kết hợp chúng ta với Đấng Bảo Trợ, Đấng “cầu bầu cho tất cả chúng ta theo kế hoạch của Thiên Chúa”. Nhưng đừng cầu nguyện như vẹt, làm ơn! Đừng nói, “Blah, blah, blah…”. Không. Hãy nói “Lạy Chúa”, nhưng hãy nói bằng trái tim của anh chị em. “Xin giúp con, lạy Chúa”, “Con yêu Chúa, lạy Chúa”. Và khi anh chị em đọc Kinh Lạy Cha, hãy cầu nguyện “Lạy Cha, Ngài là Cha của con”. Hãy cầu nguyện bằng trái tim, không phải bằng môi; đừng như vẹt.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trong lời cầu nguyện, điều mà chúng ta rất cần. Cảm ơn anh chị em.

________________________

[1] De Cain et Abel, I, 39.