Ngày 26 tháng 3 năm 2024, Tạp chí The Pillar tường trình rằng: Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã sử dụng một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Thụy Sĩ vào tuần trước để đưa ra một viễn kiến cho Giáo hội, có thể giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi, bao gồm việc phong chức cho phụ nữ, phép lành đồng tính và sự chia rẽ giữa các giám mục trên thế giới.



Trong cuộc phỏng vấn ngày 21 tháng 3, Đức Hồng Y Mario Grech đã mô tả rằng ngài tin rằng tính đồng nghị có thể giúp Giáo hội chuyển từ “sự đồng nhất về tư tưởng” sang “sự thống nhất trong sự khác biệt”, đồng thời định hình lại việc thực thi thẩm quyền trong đạo Công Giáo hoàn cầu.

Trong tư cách người tổ chức chính của thượng hội đồng hoàn cầu, các nhận xét của ĐHY Grech đưa ra một dấu hiệu có khả năng cho thấy các giai đoạn cuối cùng của diễn trình đồng nghị sẽ diễn ra như thế nào và có thể tạo cơ sở cho một nghị trình cải cách trong tương lai trong mật nghị tiếp theo.

Đức Hồng Y Grech đã đến Thụy Sĩ vào tuần trước theo lời mời của hội đồng giám mục địa phương, tổ chức một số cuộc họp và trả lời phỏng vấn về diễn trình đồng nghị và tình trạng của Giáo hội.

Nói chuyện với Corriere del Ticino, Đức Hồng Y đã mô tả tính đồng nghị có nghĩa là “không chỉ cùng nhau bước đi mà còn lắng nghe nhau”.

“Trong Giáo hội lắng nghe, các giám mục cảm nhận được dân Chúa, và Thánh Phêrô cũng cần lắng nghe”.

Theo Đức Hồng Y, mục tiêu chính của Đức Phanxicô trong diễn trình đồng nghị là định hình lại Giáo hội sau triều giáo hoàng của ngài và tạo ra một không gian để phân định lẫn nhau về Chúa Thánh Thần giữa hàng giáo phẩm và những tiếng nói khác, ở bên lề hơn.

“Tương lai là tương lai đồng nghị: toàn thể dân Chúa phải có thể tìm ra cách để cùng nhau bước đi vì nó mang lại sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như một sự giàu có, và chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể nhận ra tiếng nói của Người.”

ĐHY Grech nói: “Một khi Giáo hội thành công trong nền văn hóa đồng nghị mới này, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ có thể trả lời các câu hỏi mang tính hiện sinh”.

Mức độ mà thượng hội đồng đã được sử dụng để thả nổi “các câu hỏi hiện sinh” về Giáo hội, đưa các vấn đề về tín lý và thậm chí cả thần học bí tích ra tranh luận đã chứng tỏ một khía cạnh phân cực của diễn trình hoàn cầu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng ngài không muốn Thượng Hội đồng bị coi là một “nghị viện” khi các cuộc tranh luận về tín lý được tranh luận và biểu quyết. Đầu tháng này, ngài đã thành lập một số nhóm làm việc để xem xét một số vấn đề gây tranh cãi hơn từ các phiên họp thượng hội đồng trước đó vào tháng 10, và sẽ hoạt động song song và xa hơn các phiên họp sắp tới trong năm nay, điều mà ĐHY Grech nhận diện như một sự thay đổi, trong nghị quyết cuối cùng của Thượng Hội đồng.

Các Thượng hội đồng trước đây luôn kết thúc bằng tông huấn hậu Thượng hội đồng của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y nói, nhưng khi chuyển sang một kiểu Thượng hội đồng sau Thượng hội đồng, Đức Phanxicô đã thực hiện một “điều mới” cho thấy “Ngài đang lắng nghe”.

Một số nhà phê bình Thượng Hội đồng đã cáo buộc rằng diễn trình này hướng tới việc nêu ra các vấn đề để tranh luận nhưng không đưa ra cơ chế rõ ràng nào để giải quyết chúng – hoặc bằng cách tái khẳng định giáo huấn lâu đời của Giáo hội, hoặc bằng cách đưa ra một phương tiện đáng tin cậy về mặt thần học để thay đổi tín lý.

Nhưng, theo Grech, việc giải quyết là không cần thiết đối với Giáo hội hoàn vũ. Thay vào đó, Đức Hồng Y nói “Khi chúng ta nói về sự hiệp nhất, về sự hiệp thông, chúng ta không đề cập đến sự độc dạng về tư tưởng”.

Khi được hỏi cụ thể về phản ứng của các giám mục Châu Phi đối với tuyên bố gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin về việc chúc phúc cho những người có quan hệ đồng tính, ĐHY Grech cho rằng sự chia rẽ rõ ràng về giáo huấn luân lý của Giáo hội có thể được coi là lành mạnh, và không cần thiết đối với các giám mục hoặc các Giáo hội cụ thể ở những nơi khác nhau trên thế giới nhất thiết phải suy nghĩ hoặc thậm chí giảng dạy cùng một điều.

ĐHY Grech nói: “Có sự thống nhất trong những khác biệt, có những điểm chung và những không gian khác nhau cho những trải nghiệm khác nhau, tùy theo ‘địa điểm’. “Tôi luôn hình dung Giáo hội như một cầu vồng, với những màu sắc không bị loại trừ nhưng cùng nhau tạo nên sự hài hòa. Tất nhiên, sự hòa hợp sẽ bị thiếu khi xảy ra xung đột.”

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Hồng Y đã trích dẫn hiến chế tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II, Lumen gentium, nói rằng “sẽ là sai lầm khi tưởng tượng sự hiện hữu, một đàng, của Giáo hội phổ quát và, đàng kia, của các Giáo hội địa phương”, nhưng “Giáo hội hoàn vũ vốn được sinh ra từ các Giáo hội địa phương” với những khác biệt của chúng.

Lumen gentium quả có đề cập đến nhiều điểm được ĐHY Grech nêu ra, bao gồm cả sự phân định của các tín hữu về các vấn đề đức tin và luân lý, cùng với phẩm trật, mặc dù điều vẫn còn tranh cãi là tầm nhìn của ĐHY Grech về một Giáo hội đồng nghị có phù hợp với hiến chế của Công đồng hay không.

Dù công đồng dạy rằng “toàn bộ các tín hữu, được Đấng Thánh xức dầu, không thể sai lầm trong các vấn đề đức tin”, nó cũng chỉ rõ rằng loại không thể sai lầm đó chỉ áp dụng trong những trường hợp “từ các giám mục cho đến người cuối cùng” của hàng ngũ giáo dân, chứng tỏ một sự đồng thuận phổ quát trong các vấn đề đức tin và luân lý.”

Viễn kiến của ĐHY Grech về một Giáo hội “cầu vồng”, không được định nghĩa bằng “sự độc dạng tư tưởng”, dường như mâu thuẫn với tầm nhìn của công đồng chung về “sự đồng thuận phổ quát”.

“Hơn nữa,” Lumen gentium nói, mặc dù “trong Giáo hội, các Giáo hội đặc thù có một vị trí chính đáng” và có thể có “những khác biệt hợp pháp”, “các mối dây ràng buộc con người với Giáo hội một cách hữu hình là việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, và việc cai quản giáo hội và sự hiệp thông.”

Trong khi các giám mục cá nhân “thực thi quyền quản lý mục vụ của mình đối với phần dân Chúa được giao phó cho họ chăm sóc, chứ không phải đối với các giáo hội khác cũng như đối với Giáo hội hoàn vũ,” “mỗi người trong số họ, trong tư cách thành viên của giám mục đoàn và người kế vị hợp pháp của các tông đồ”, được định chế và lệnh truyền của Chúa Kitô buộc phải quan tâm đến toàn thể Giáo hội,” và có “nghĩa vụ cổ vũ và bảo vệ sự hiệp nhất trong đức tin và kỷ luật chung của toàn thể Giáo hội”.

Nhưng một số đề xuất từ phiên họp thượng hội đồng dường như đe dọa rõ ràng “sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung cho toàn thể Giáo hội”, khi chúng đề xuất những thay đổi đối với thần học hoặc tín lý bí tích của Giáo hội.

Trong cuộc tranh luận đang diễn ra về khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ, một số người, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhấn mạnh rằng bất cứ sự cân nhắc nào về “nữ phó tế” phải bắt nguồn từ những gương mẫu và truyền thống thời Tông đồ, trong đó một số phụ nữ đã nhận được một thừa tác vụ chuyên biệt, khác với việc truyền chức bí tích cho các phó tế nam, vốn là một phần của bí tích truyền chức, Giáo hội dạy như thế.

Mặt khác, ĐHY Grech cho biết vào tuần trước rằng mặc dù ngài không sử dụng thuật ngữ “cuộc cách mạng” để mô tả việc phong chức phó tế cho phụ nữ, nhưng đó sẽ là một “sự đào sâu tự nhiên ý muốn của Chúa, nói lên và chứng tỏ tính năng động vốn có trong lịch sử của Giáo Hội.”

Nhưng dù ĐHY Grech nhấn mạnh các nữ phó tế là một trong nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội “nhưng cũng là mối quan hệ với xã hội đang thay đổi”, ngài cũng nói rằng “việc suy tư tự quy chiếu sẽ giết chết,” và điều đó có nghĩa Giáo hội phải mãi cởi mở đón nhận “những hạt giống đầy hy vọng đến từ [bên trong] Giáo hội” nhưng “cũng từ cuộc đối thoại với các tôn giáo khác”.

Giữa lời kêu gọi đó, viễn kiến của ĐHYGrech về một Giáo hội “cầu vồng” có thể thu hút một số người như một kế hoạch chi tiết cho một giáo hội học về tính đồng nghị lâu dài. Nhưng những người Công Giáo khác có thể sẽ hỏi làm thế nào một Giáo hội không có “sự độc dạng về tư tưởng” về các giáo huấn cốt lõi có thể duy trì được sự hiệp thông dưới bất cứ hình thức nào.

Vai trò tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục của ĐHY Grech đã đặt ngài vào trung tâm của điều mà nhiều người đã chấp nhận là di sản của Đức Phanxicô trong tư cách giáo hoàng – chuyển giao hoặc cố gắng chuyển giao một mô hình giáo hội học mới lâu dài liên quan đến mọi khía cạnh quản trị, giảng dạy, thánh hóa của Giáo hội.

Với việc Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần đề nghị kéo dài diễn trình Thượng Hội đồng sau thời điểm kết thúc dự kiến ban đầu vào năm 2023 đến năm 2025, kỳ vọng của số lượng Hồng Y ngày càng tăng là cách thức và thời điểm kết thúc Thượng hội đồng sẽ là nhân tố then chốt trong việc bầu chọn người kế vị Đức Phanxicô 87 tuổi.