Luke Coppen của tạp chí The Pillar, ngày 26 tháng 11 năm 2024, tường trình rằng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trích dẫn các nguyên tắc trong tông huấn năm 2016 của ngài là Amoris laetitia vào thứ Hai, trong một ghi chú kêu gọi thực hiện tài liệu cuối cùng của thượng hội đồng về tính đồng nghị tại các giáo phận trên toàn thế giới.
Trong một bản văn dài khoảng 900 hạn từ được công bố vào ngày 25 tháng 11, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tiến trình đồng nghị hoàn cầu không kết thúc với Thánh lễ bế mạc của thượng hội đồng vào ngày 27 tháng 10. Ngài tuyên bố rằng khi các giám mục chuẩn bị báo cáo trước các chuyến thăm ad limina của họ tới Rome — diễn ra khoảng năm năm một lần — họ sẽ cần giải thích cách họ đã thực hiện tài liệu cuối cùng trong giáo phận của mình ra sao.
Suy ngẫm về cách các Giáo hội địa phương nên thực hiện các nghị quyết của Thượng hội đồng, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài muốn lặp lại "với sự tin tưởng" những gì ngài đã viết trong Amoris laetitia, một bản văn được ban hành vào cuối các Thượng hội đồng về gia đình trong các năm 2014-2015.
Trích dẫn đoạn thứ ba của tông huấn năm 2016, ngài nói rằng "không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề giáo lý, đạo đức hoặc mục vụ đều cần được giải quyết bằng sự can thiệp của huấn quyền."
“Sự thống nhất giữa giáo lý và thực hành chắc chắn là cần thiết trong Giáo hội, nhưng điều này không loại trừ nhiều cách diễn giải một số khía cạnh của giáo lý đó hoặc rút ra những hậu quả nhất định từ đó”, Đức Giáo Hoàng nói.
“Điều này sẽ luôn đúng khi Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến với toàn bộ chân lý… cho đến khi Người dẫn chúng ta trọn vẹn vào mầu nhiệm của Chúa Kitô và giúp chúng ta nhìn mọi vật như Người nhìn. Hơn nữa, mỗi quốc gia hoặc khu vực có thể tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn với văn hóa của mình và nhạy cảm với các truyền thống và nhu cầu địa phương của mình”.
Trích dẫn này theo sau lời tái khẳng định của Đức Giáo Hoàng rằng văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng nên được coi là một phần của giáo huấn thông thường của Giáo hoàng.
“Văn kiện cuối cùng sẽ là một phần của giáo huấn thông thường của Người kế vị Thánh Phêrô… và vì vậy, tôi yêu cầu chấp nhận”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết.
“Nó đại diện cho một hình thức thực hành giáo huấn đích thực của Giám mục Rôma, với một số đặc điểm mới lạ nhưng trên thực tế tương ứng với những gì tôi có cơ hội chỉ ra vào ngày 17 tháng 10 năm 2015, khi tôi tuyên bố rằng tính đồng nghị là khuôn khổ diễn giải thích hợp để hiểu về thừa tác vụ phẩm trật”.
Đức Giáo Hoàng đang nhắc đến một bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng hội đồng giám mục, trong đó ngài mô tả tính đồng nghị là “một chiều kích cấu thành của Giáo hội” và cho biết nó cung cấp một “khuôn khổ diễn giải thích hợp hơn” để hiểu về thừa tác vụ phẩm trật của Giáo hội.
Trong ghi chú mới của ngài, được ký ngày 24 tháng 11, Lễ trọng Chúa Kitô Vua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại rằng khi ngài phê chuẩn văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng vào ngày 26 tháng 10, ngài đã nói rằng văn bản này “không hoàn toàn mang tính chuẩn mực” và việc áp dụng nó sẽ “yêu cầu một số hình thức trung gian”.
“Điều này không có nghĩa là nó không cam kết các Giáo hội ngay từ bây giờ phải đưa ra quyết định phù hợp với các chỉ dẫn của nó”, ngài nói. “Các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội hiện được yêu cầu thực hiện, trong nhiều bối cảnh khác nhau, các chỉ dẫn có thẩm quyền có trong tài liệu, thông qua các quá trình phân định và ra quyết định được luật pháp và chính tài liệu hình dung.”
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng các vấn đề gây tranh cãi được giao phó giữa phiên họp đầu tiên và thứ hai của Thượng hội đồng về tính đồng nghị cho 10 “nhóm nghiên cứu” cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Các nhóm này dự kiến sẽ báo cáo với Đức Giáo Hoàng vào năm 2025 về các chủ đề như phó tế nữ, tiêu chuẩn lựa chọn giám mục và “phân định chung về các vấn đề giáo lý, mục vụ và đạo đức gây tranh cãi.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết các chủ đề khác có thể được thêm vào 10 chủ đề hiện tại, “theo quan điểm của các quyết định cần thiết.” Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng lưu ý rằng tài liệu cuối cùng bao gồm các điều khoản mà các giáo phận và các cơ quan Giáo hội khu vực có thể thực hiện ngay lập tức.
“Trong nhiều trường hợp, đó là vấn đề thực hiện hữu hiệu những gì đã được quy định trong luật hiện hành, cả luật La tinh và luật Đông phương,” ngài viết.
“Trong những trường hợp khác, có thể tiến hành, thông qua sự phân định đồng nghị và trong khuôn khổ các khả thể được tài liệu cuối cùng chỉ ra, để kích hoạt một cách sáng tạo các hình thức mới của tính thừa tác và hành động truyền giáo, thử nghiệm và đưa các kinh nghiệm vào quá trình xác minh.”
“Các hình thức mới của tính thừa tác” có thể ám chỉ một phần của tài liệu cuối cùng yêu cầu các Giáo hội địa phương phân định những đặc sủng nào được tìm thấy trong số những người giáo dân đòi hỏi “một hình thức thừa tác.”
“Không phải tất cả các đặc sủng đều cần được định hình thành các thừa tác vụ, cũng không phải tất cả những người đã chịu phép rửa đều cần trở thành các thừa tác viên, cũng không phải tất cả các chức thánh đều cần được thiết lập,” tài liệu cho biết.
“Để một đặc sủng được định hình thành một thừa tác vụ, cộng đồng phải xác định một nhu cầu mục vụ thực sự. Điều này nên đi kèm với sự phân định do mục tử thực hiện, người cùng với cộng đồng, sẽ đưa ra quyết định về việc có cần thành lập một thừa tác vụ mới hay không.”
Trong ghi chú, Đức Giáo Hoàng cho biết “giai đoạn thực hiện” của tiến trình đồng nghị sẽ được giám sát bởi Tổng thư ký của Thượng hội đồng, cơ quan Vatican đã tổ chức thượng hội đồng về tính đồng nghị, và các bộ của Giáo triều Rôma.