Theo Daniele Frison của AsiaNews, tại cuộc họp báo của Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem, Đức Hồng Y Fernando Filoni, đã nói rằng vai trò của các Kitô hữu là làm cầu nối trong cuộc xung đột. Dòng đang giúp đỡ Tòa Thượng phụ Latinh thông qua một loạt các khoản quyên góp. Nhìn về tương lai, “Chúng ta sẽ phải xây dựng lại,” đại sứ của Dòng, Leonardo Visconti di Modrone cho biết.
Thực vậy, Sáng 31 tháng 10, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh để giới thiệu bản Tư vấn [consulta] năm 2023 của Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem (EOHSJ), dự kiến diễn ra tại Rome từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 11.
“Không ai có thể nghĩ rằng Israel không có quyền sống, quyền hiện hữu. Cũng như không thể tưởng tượng được rằng người Palestine không có quyền hiện hữu, quyền sống. Cả hai đều có quyền và không bên nào vượt trội hơn bên nào”, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Trưởng Sư [Grand Master] của Dòng cho biết tại cuộc họp báo.
Ngài nói thêm, trong khu vực hiện đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Israel và Hamas, “sự phong phú và đa dạng của các nhóm sắc tộc và văn hóa, hội tụ xung quanh cùng một đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất”.
Mặc dù là thiểu số ở Thánh địa sau người Do Thái và người Hồi giáo, nhưng các Kitô hữu có thể đóng vai trò quan trọng là “cầu nối giữa các nhóm khác nhau, để chúng ta bao gồm họ trong cộng đồng của mình”, bất chấp những xung đột đang diễn ra. Vì lý do này, Giáo hội không đứng về bên nào.
Đức Hồng Y Filoni nói, "Khi chúng ta chỉ bảo vệ quyền của mình, chúng ta quên mất quyền của người khác." Chỉ bằng cách vượt qua sự chia rẽ, chúng ta mới có thể giải thoát mình khỏi tình trạng hiện tại mà chúng ta đang sống “một cách thảm khốc và bi thảm”.
Hiện tại, Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem có mối liên hệ hàng ngày, thông qua Tòa Thượng Phụ Latinh, với Nhà thờ Thánh Gia, nằm ở phía đông Thành phố Gaza.
Đại sứ Leonardo Visconti di Modrone, Tổng Toàn Quyền của Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem, người cũng phát biểu tại cuộc họp báo, cho biết: “Chúng tôi biết rằng khoảng 500 người cao tuổi và trẻ em đã tìm được nơi ẩn náu trong tòa nhà giáo xứ này, những người đang cố gắng chạy trốn khỏi bom đạn”.
Ông Visconti nói: “Tình hình ở Thánh địa không thể không có tác động đến tinh thần của buổi Tham vấn này”. Ông lưu ý rằng Dòng hiện đang cung cấp “các khoản quyên góp tự nguyện bên cạnh các khoản đóng góp thường xuyên để giảm bớt những khó khăn của người dân”.
Điều này đòi hỏi phải giúp đỡ Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem, vốn “ở thực địa, biết những ưu tiên và nhu cầu cấp bách nhất”. Các khoản quyên góp tiếp tục đổ về từ khắp nơi trên thế giới; khoảng 40 quốc gia có đại diện trong Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem.
Tổng Toàn Quyền giải thích: “Yêu cầu giúp đỡ của Tòa Thượng Phụ Latinh quan tâm hơn hết đến tương lai. Chúng ta sẽ phải xây dựng lại; chúng ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu”.
Nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là đến được Gaza, nơi mà các Kitô hữu và những người không phải Kitô hữu đang trú ẩn, để mang “thuốc, thực phẩm, nước, thậm chí cả dầu diesel cho máy phát điện”. Tùy ở Tòa Thượng Phụ Latinh quyết định dự án nào sẽ được thực hiện đầu tiên.
Tham Vấn [Consulta], một sự kiện diễn ra bốn năm một lần, là thời điểm các viên chức hàng đầu của Dòng gặp nhau “để thảo luận và suy gẫm về các chủ đề chung liên quan đến đời sống của Dòng trong tất cả các cơ cấu địa phương của Dòng”.
Consulta 2023 sẽ mang đến những điều mới mẻ; trên thực tế, lần đầu tiên có khoảng 30 linh mục sẽ tham gia với tư cách quan sát viên. Ông Visconti cho biết điều này nhằm mục đích thúc đẩy “sự hợp tác giữa các thành phần thế tục và giáo hội”.
Thứ Hai tới, ngày 6 tháng 11, Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa sẽ phát biểu qua nguồn cấp dữ liệu trực tiếp tại cuộc họp.