Owen Jones, người phụ trách chuyên mục, trên tờ The Guardian của Anh (https://www.theguardian.com/commentisfree/2023/oct/24/israel-gaza-world-leaders-un-genocide-palestinians) ngày 24 tháng 10 cho rằng Liên Hợp Quốc cảnh cáo về “nguy cơ diệt chủng” đối với người Palestine. Bài nhận định của ông như sau:

Nếu lúc đó tôi biết điều bây giờ tôi biết. Đối với nhiều người đàn ông và đàn bà mang tội nhấn chìm Iraq trong máu và hỗn loạn, thì điều này đã trở thành một cụm từ quen thuộc. Vào năm 2004, khi đó, nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ, Michael Howard, được hỏi liệu ông có còn ủng hộ đề xuất ủng hộ chiến tranh của chính phủ Anh hay không - chỉ có 16 nghị sĩ Đảng Bảo thủ phản đối một năm trước đó - ông trả lời: “Nếu lúc đó tôi biết những gì tôi biết bây giờ, thì điều đó đã gây khó khăn rồi. Có lẽ tôi không thể bỏ phiếu cho nghị quyết đó.” “Nếu lúc đó tôi biết những gì tôi biết bây giờ, tôi đã không bỏ phiếu theo cách đó,” Hillary Clinton cũng nói thế trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên đầy thất vọng của bà đối với sự đề cử của đảng Dân chủ. Phó lãnh đạo Đảng Lao động lúc đó, Harriet Harman, cho biết: “Nếu lúc đó tôi biết những gì tôi biết bây giờ, tôi đã không bỏ phiếu cho nó”.

Hãy chuẩn bị tinh thần cho việc hồi sinh của cụm từ này. Khi tai họa từ cuộc tấn công dữ dội của Israel vào Gaza trở nên rõ ràng, những người hoan hô nó sẽ hoảng sợ về tổn hại danh tiếng và bào chữa cho sự thiếu hiểu biết trước đó của họ. Đừng để họ thoát khỏi nó lần này.

Cụm từ này vô nghĩa ngay cả trong bối cảnh biến động ở Iraq. Khi cuộc điều tra Chilcot kết thúc sau đó, Blair được cảnh cáo rằng một cuộc xâm lược “sẽ làm tăng mối đe dọa từ al-Qaida” và các nhóm khác. Do đó, cuộc điều tra "không đồng ý cần phải có cái nhìn trở lui", lưu ý rằng mọi sự từ "xung đột nội bộ ở Iraq" đến sự can thiệp của Iran cho đến sự trỗi dậy của al-Qaida đều "được nhận diện rõ ràng" trước chiến tranh. Những cảnh cáo về thảm họa sắp xảy ra không chỉ giới hạn trong các cuộc thuyết trình tình báo riêng với Blair. Từ việc thiếu vũ khí hủy diệt hàng loạt – như cựu ngoại trưởng Robin Cook đã nêu chi tiết trong bài phát biểu từ chức của mình – đến xung đột bạo lực và thúc đẩy al-Qaida, thảm họa sắp tới đã được công chúng dự đoán rộng rãi. Không thiếu bằng chứng để biện minh cho lời cảnh cáo của tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập lúc bấy giờ rằng chiến tranh sẽ “mở ra cánh cổng hỏa ngục”.

Sau hành động tàn bạo không thể biện minh của Hamas, cuộc tấn công dữ dội của quân đội Israel đã tàn sát hàng nghìn thường dân, nhiều người trong số họ là trẻ em. Điều tồi tệ nhất sắp xảy ra không phải là giả định mà là điều hiển nhiên từ những tuyên bố công khai của các nhà lãnh đạo chính trị Israel. Họ đã không nỗ lực che giấu ý định của mình, và do đó, họ đã khiến những người cổ vũ họ không có nơi nào để trốn, không có sự thiếu hiểu biết để biện hộ. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố: “Sự nhấn mạnh là thiệt hại chứ không phải độ chính xác”. Một quan chức Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết: “Gaza cuối cùng sẽ biến thành một thành phố lều” và nói thêm: “Sẽ không còn tòa nhà nào”. Bộ trưởng kinh tế Israel, Nir Barkat, nói với ABC News rằng con tin và thương vong của dân thường sẽ chỉ là vấn đề thứ yếu sau khi tiêu diệt Hamas, “ngay cả khi phải mất một năm”.

Israel thả truyền đơn xuống phía bắc Gaza cảnh cáo rằng những thường dân còn ở lại đó có thể bị coi là ‘đồng phạm trong một tổ chức khủng bố.’ (Ảnh: Anadolu Agen-cy/Anadolu/Getty Images)


Một người ủng hộ nổi bật của Keir Starmer trong ủy ban điều hành quốc gia của Đảng Lao Động tuyên bố rằng Israel không vi phạm luật pháp quốc tế với lý do hành động của họ là "tương xứng" và "cấu trúc chỉ huy có việc các luật sư ký để bảo đảm việc tuân thủ luật quốc tế cho mọi hành động của Lực lượng Phòng vệ Israel ”. Vì vậy, hãy nghe một luật sư như vậy, cựu tổng tư lệnh quân sự của Israel và cựu tổng chưởng lý của đất nước này, người đã tuyên bố rằng để tiêu diệt Hamas “thì bạn phải phá hủy Gaza, bởi vì mọi thứ ở Gaza, hầu hết mọi tòa nhà ở đó, đều là thành trì của Hamas”.

Israel đang thả truyền đơn xuống phía bắc Gaza cảnh cáo rằng thường dân còn ở lại đó có thể bị coi là "đồng phạm trong một tổ chức khủng bố", lập luận rõ ràng rằng những người không tham chiến có thể bị coi như những mục tiêu để tấn công một cách chính đáng. Bỏ qua việc miền nam Gaza đang bị ném bom, trái ngược với tuyên bố của Israel rằng đây là vùng an toàn, và nhiều người không thể chạy trốn - nhất là những người bị thương và ốm yếu - đây là lời thú nhận công khai về những gì có thể dẫn đến tội ác chiến tranh trong tương lai.

Khi Ngoại trưởng được cho là tương đối “ôn hòa”, Eli Cohen, tuyên bố rằng lãnh thổ của Gaza sẽ bị thu hẹp do sự sáp nhập của Israel, ông ấy chỉ đơn giản nêu rõ một cam kết bỏ ngỏ lâu đời của Israel. Rốt cuộc, khi Tzipi Hotovely, đại sứ Israel tại Vương quốc Anh, tuyên bố ủng hộ lãnh thổ của Israel bao gồm lãnh thổ trong Kinh thánh là Judea và Samaria - nghĩa là việc sáp nhập West Bank - bà chỉ lặp lại việc Netanyahu quảng bá bản đồ “Greater Israel” trước Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Gaza và West Bank.

Từ hình phạt tập thể – bằng cách tước đoạt nước, thực phẩm, năng lượng và thuốc men của những người vô tội – đến ném bom bừa bãi vào các khu dân cư, không có lời bào chữa nào cả. Liên Hiệp Quốc đang cảnh cáo về việc “thanh lọc sắc tộc hàng loạt”, tố cáo “tội ác chống lại loài người” và thậm chí còn lập luận rằng “có nguy cơ xảy ra diệt chủng” đối với người Palestine. Một cuộc xâm lược trên bộ thậm chí còn chưa bắt đầu, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo thì đã rõ. Vì vậy, đây là một dự đoán. Như hiện tại, chỉ có 3% người Anh nói rằng “chắc chắn không nên có lệnh ngừng bắn ngay lập tức”, tỷ lệ tương tự với những người tin rằng Trái đất phẳng. Khi tội ác gia tăng, tâm trạng của công chúng sẽ là sự pha trộn giữa kinh hoàng và giận dữ với những kẻ đồng lõa với một trong những tội ác lớn nhất của thời đại chúng ta.

Tuần trước, cựu ngoại trưởng Jack Straw thừa nhận cuộc chiến tranh Iraq là "nhìn lại thì là một sai lầm - ý tôi là không nghi ngờ gì về điều đó", với giọng điệu bình thường phù hợp với người rẽ lầm đường cao tốc hơn là người đóng vai trò lãnh đạo trong một cuộc chiến đã giết chết hàng trăm ngàn người. Mong đợi cùng một giọng điệu từ những người biện minh cho vụ thảm sát đang diễn ra này. “Nếu lúc đó tôi biết điều tôi biết bây giờ”, hoặc những lời nói có ý nghĩa như vậy, sẽ đi kèm với những lời bày tỏ sự hối tiếc của họ. Nhưng giờ đây họ đã biết: không có căn cứ nào cho sự thiếu hiểu biết, và những kẻ đồng lõa đó không đáng bị gì ngoài sự khinh thường và ô nhục về mặt đạo đức.